Trại Hoa Đỏ - Chương 14

Vĩ choàng mở mắt. Cô đang ngủ rất say, nhưng có một thứ gì đó thúc bách cô thức dậy. Vĩ thấy nặng đầu. Những giấc ngủ trưa hè oi ả thế này thực là lợi bất cập hại, nhưng ngày trên vùng cao dài dằng dặc, ngủ là một cách giết thời gian và định thần tâm trí sau những gì đã xáy ra. Vĩ ngó xuống sân qua ổ cửa sổ mở toang. Sân trại vắng tanh, như thể chỉ có cô là duy nhất ở nơi hoang vu,tĩnh mịch này. Nghĩ đến đó, cô chợt thấy hoảng sợ. Lý do gì khiến cô ở lại một chốn chỉ đưa đến tai hoạ và chết chóc, mà vĩnh viễn suốt quãng đời còn lại cô sẽ không thể gạt nó ra khỏi óc?

Chỉ mới vài tuần trước đây thôi, không khí nơi đây còn vô cùng thù địch. Những người dân tộc kỳ quặc, người đàn bà thổi sáo, và cả cô gái áo đen trong những cơn ác mộng, đều muốn cô quay trở về. Song sau tất cả những điều đó, lại như có một sức mạnh vô hình muốn níu kéo cô ở lại. Điều gì đã gợi lên cảm giác đó, hay chỉ là do cô tưởng tượng ra? Và cảm giác ấy xuất hiện từ khi nào? Vĩ cố nhớ lại.

Cô nhắm chặt mi mắt. Hình ảnh bê bết máu của gã điên hiện ra giữa khoảng trống tối đen trong đầu cô, kề sau đó là chiếc cổ ngoẹo xuống dưới sợi dây treo cổ được mắc lên xà ngôi nhà đá ong thứ chín. Vĩ chợt hiểu ra. Sau hai cái chết thê thảm ấy, cô đã muốn ở lại để tìm ra sự thật. Không, thực sự đó không phải là ý muốn của cô. Cô căm ghét nơi này. Trại Hoa Đỏ luôn gợi lại nỗi đau mất mát mà không một ngày nào cô không nghĩ đến nó. Nó ám vào cô ngay cả khi mặt trời đang chan hoà ánh nắng và trong những giấc mơ không màu sắc.

Hai cái chết kia chẳng liên quan gì đến cô. Họ là những người không quen biết, cách biệt với cả không gian bị ngăn trở vì những ngọn núi khổng lồ, bởi một khúc thời gian như ngưng bặt khiến nền văn minh dường chưa chạm tay đến nơi này. Cô ở lại vì cái gì? Có phải vì một ám thị không thành lời đang dần xâm nhập vào trí não cô?

Bé Bảo chắc đã thức dậy từ trước và đang chơi đâu đó quanh khu chuồng gấu. Từ ngày Di thắt cổ tự tử, Bảo chỉ còn chỗ chơi duy nhất là nhà của hai vợ chồng A Bằng và đôi khi lân la sang nhà trưởng bản. Cô xuống nhà và đi về phía rừng cây. Quả nhiên Bảo đang chơi trước cửa căn nhà gỗ. Cô chỉ nhìn thấy A Bằng. Ông ta đang đẽo một công cụ gì đó và thỉnh thoảng lại cho thằng bé những mẩu gỗ thừa. Bảo có vẻ thích thú với thứ đồ chơi đơn sơ đó. Cậu bé xếp chúng thành những hình vuông trên mặt đất trông có vẻ giống ngôi nhà. Trẻ con thường có những niềm đam mê bất tận với những gì mà người lớn ngăn cấm như đất cát và những mẩu vụn nhặt được, thậm chí là từ đống rác. Chúng mê những thứ đó còn hơn các hộp đồ chơi đắt tiền tối tân nhất mua trong siêu thị.

Cô lặng lẽ ngắm bé Bảo từ xa. Gốc cây rậm rạp mà cô đang đứng có thể cản tầm nhìn từ ngôi nhà gỗ. Cô không muốn xuất hiện. Điều đó gây cảm giác khó chịu cho cả cô và A Bằng. Kể từ sau cái chết của Di, mỗi lần nhìn thấy cô, hai vợ chồng A Bằng càng lúng túng đến khổ sở. Đôi mắt họ phản chiếu sự hoang mang, sợ hãi và cảnh giác tột độ. Cô chưa hiểu mình đã làm gì nên nông nỗi để họ phải tỏ thái độ như vậy. Bất chợt, Bảo đứng dậy ngơ ngác tìm kiếm xung quanh như thể đã biết Vĩ đứng đâu đó trong rừng cây. Vĩ hơi lùi lại. Từ chỗ đừng, thằng bé không thể nhìn thấy cô, nhưng chắc chắn, nó có thể CẢM THẤY. Đôi mắt trong veo của Bảo ngơ ngác. Mỗi lần nhìn vào đôi mắt dịu dàng của con trai, Vĩ lại thấy quặn bên ngực trái.

 

Bốn năm về trước, cô đã phải ép mình đối diện với người đàn ông ngạo mạn mang trái tim tổn thương của kẻ bị từ chối. Khuôn mặt lạnh lùng đưa cho cô tấm phim chụp và kết quả kháng sinh đồ.

Hỏng giác mạc do loạn lưỡng di truyền. Nếu trong gia đình thằng bé có người bị bệnh này, tỉ lệ di truyền là rất cao.

Theo quan điểm của anh…giờ phải làm sao? – Cô hỏi một câu mà bụng đã biết rõ câu trả lời.

Biện pháp duy nhất: thay giác mạc. Với kết quả nhìn thấy từ phim chụp, chỉ trong vòng sáu tháng nữa, nếu thằng bé không được thay giác mạc, nó sẽ bị mù vĩnh viễn.

Vậy thì…mình sẽ thay giác mạc cho nó.

Kỹ thuật thay giác mạc bây giờ cực kỳ tiên tiến, bệnh viện của chúng tôi cũng được trang bị những máy móc tối tân, và tất nhiên, tôi là một bác sỹ phẫu thuật có tay nghề, vì thế mà…cô mới tìm đến tôi.

Không hẳn thế…em…đúng thế, em cần anh. Chỉ có anh mới giúp được việc này. Mọi thứ đã sẵn sàng rồi, chỉ cần anh trực tiếp đứng ca mổ, đúng không nào?

Cô nói bằng giọng dỗ dành như lúc thuyết phục thằng bé hàng xóm khốn khổ bơi ra ngoài lạch giữa trời nắng chỉ để lấy cho cô một bông súng nước. Vấn đề không là tôi hay bệnh viện tôi. Điều quan trọng nhất là nguồn giác mạc thay thế đã cạn kiệt rồi, trong kho rỗng không. Trước đây ngân hàng tế bào bên Mỹ, bên Srilanka vẫn thỉnh thoảng tài trợ nhỏ giọt cho một ít. Nay thì chấm dứt. Họ cũng đang thiếu giác mạc như đất hạn cần nước. Chúng ta đành nghếch mắt lên mà chờ đợi trong khi lau chùi những trang thiết bị máy móc cho sạch bóng lên.

Anh phải có cách gì chứ.

Cách gì, có tới hơn 300.000 người đang chờ đợi cái màng trong suốt mỏng chưa đầy nửa mili để được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Cậu bé yêu quý của cô chỉ là 0,003/1000 trong số những người chờ đợi thôi. Có những người ba mươi năm nay vẫn sống trong bóng tối, cậu bé của cô mới chỉ ba năm thôi mà.

Anh có còn lương tâm của bác sỹ nữa không đấy? Anh đang nói chuyện với tư cách là một bác sỹ, không phải là…Nó chỉ là một đứa trẻ thôi, nó sẽ phải sống trong bóng tối suốt quãng đời còn lại, và kinh khủng nhất là nó chưa được nhìn thấy ánh sáng bao giờ, chưa được nhìn thấy…

Chưa được nhìn thấy mẹ nó bao giờ chứ gì. – Người đàn ông đứng dậy, chiếc áo blu toả ra màu trắng lạnh lẽo. Anh ta khoanh tay lại, nhìn xuống cô chăm chú. – Cô có yêu quý nó đâu, cần gì phải khổ sở thế.

Anh thật kỳ lạ. Nó là con trai em. Em…có thể hy sinh vì nó.

Cô thay đổi nhiều quá nhỉ. Cô có biết hy sinh bao giờ đâu. Từ trước đến giờ chỉ có người khác hy sinh vì cô. Điều gì làm cô trở nên kỳ quặc như thế. – Người đàn ông mỉm cười giễu cợt. Anh ta hạ giọng. – Dĩ nhiên là còn cách chứ. Giác mạc đâu chỉ lấy từ nguồn tài trợ, còn cả những người hiến tặng nữa.

Đúng rồi. – Cô liếm cặp môi đang khô khốc và nói như một cái máy. – Bảo có thể nhận giác mạc từ những người hiến tặng.

Bác sỹ nheo mắt vẻ thích thú.

Từ lúc thực hiện được ca ghép đầu tiên đến giờ, bệnh viện chỉ mới nhận được mười đơn hiến tặng, mà phần lớn còn đang sống sờ sờ.

Còn một cách cuối cùng. Tôi là một bác sỹ giỏi, chẳng bao giờ có đề bài mà lại không tìm ra lời giải. Có thể tìm ngay được người hiến tặng, chỉ trong vòng một phút.

Ai thế? – Vĩ mở to mắt.

Chính là cô. – Anh ta thì thầm. – Cô là mẹ nó, còn gì tuyệt hơn.

Nghĩa là thế nào? Em chưa hiểu.

Cô có thể tặng giác mạc cho thằng bé. Tuy nhiên, người ta có thể hiến tặng nhiều bộ phận cơ thể ngay cả khi vẫn đang hít thở khí trời, nhưng giác mạc không thể,chẳng ai đi lấy giác mạc từ một người còn sống. Nhưng cô đã nói rằng cô có thể hy sinh vì nó. Vậy thì hãy làm đi, trao tặng cho thằng bé yêu quý của cô ánh sáng mặt trời. Dù sao thì cô cũng được nhìn ngắm mọi thứ suốt hai mươi năm nay rồi còn gì.

Vĩ sững sờ,cô thấy nghẹt thở, khó khăn lắm mới mở được đôi môi đang mím chặt vào nhau.

Anh… thực là độc ác. Anh nói rằng tôi thay đổi, còn tôi thấy rằng anh đang biến thành quỷ sứ. Điều gì đã làm cho anh trở nên như vậy?

Đến giờ này cô còn hỏi tôi một câu đến nực cười. Cô yêu cầu tôi chỉ cho cô các phương thức và tôi trả lời, sau đó lại bị mắng chửi là quỷ sứ, thật là lấy oán trả ân. – Anh ta nhún vai rồi quay trở lại bàn lật giở một tập tài liệu bằng tiếng Pháp, vẻ như chẳng còn thứ gì đáng quan tâm nữa.

Vĩ cầm tập hồ sơ bệnh án rồi đi thẳng ra cửa mà không nói một lời nào. Anh ta điên rồi. Một người đầy kiêu ngạo như anh ta dường như hết cuộc đời này cũng chẳng thể quên được cú sốc đó. Anh ta nói đúng. Anh ta đã hy sinh vì cô, đã ở bên cạnh cô ngay cả khi cô bị cả thế giới này bỏ rơi. Nhưng trước sau, Vĩ chỉ coi mình như một cô em gái, hay một người bạn hàng xóm quen được chiều chuộng. Còn anh quá tự tin vào một sự sở hữu tưởng tượng trong tương lai, và màn trình diễn vừa rồi là kết cục của một lời nói tế nhị xưa như trái đất. “Em rất quý anh, vô cùng yêu quý, nhưng tình cảm khác thì không thể. Chúng ta có thể mãi mãi là bạn tốt của nhau”. Anh ta đã gầm lên “Anh có thể là bạn của bất cứ ai, và ai là bạn em cũng được, nhưng anh thì không thể”. Lần cuối cùng anh nói câu đó cho đến giờ đã là hơn bốn năm trời. Nhưng anh nói đúng, nếu cô có thể hy sinh vì Bảo, tất cô sẽ phải tự nguyện làm điều đó. Cô không đủ can đảm hay cô chưa đủ yêu thương Bảo như những bà mẹ khác? Cô không biết liệu một người mẹ có thể hy sinh được điều gì cho những đứa con? Liệu cảm giác của những người mẹ khác là thế nào khi con trai họ chỉ còn thời hạn ngắn ngủi để quyết định số mệnh của mình? Một đứa trẻ ba tuổi không thể tự quyết định được. Nó trông chờ vào những con người đã trưởng thành ở xung quanh nó. Nếu như bé Bảo…Mới nghĩ đến đây, cô vội xua ngay ý nghĩ mà cô cho rằng thật không trong sạch.

Vĩ không thể xua đi hình ảnh lúc bé Bảo ngồi trên đùi cô. Thằng bé gày gò, nhẹ cân, nhưng cô thấy thật nặng nề, cảm giác khó chịu cứ len lén luồn vào óc như một con rắn đầy nham hiểm. Lúc đó Lưu cũng đang ngồi dưới chân cô, mải mê nghiên cứu các số liệu trên màn hình laptop, thỉnh thoảng lại ngước nhìn hai mẹ con mỉm cười. Cô cũng mỉm cười, hệt những bức ảnh mẹ và con hạnh phúc quảng cáo trên các tạp chí dành cho phụ nữ. Đột nhiên, thằng bé quờ lên mặt cô. Nó chậm chạp miết hai bàn tay nhỏ bé lên từng khoảng da thịt, đầu tiên là má, sau đến mắt, mũi và miệng. Cô rùng mình. Nó không nói gì, nhưng trong khoảnh khắc, hai bàn tay dừng lại vẻ ngần ngừ, sau đó, nó tiếp tục lần ra hai tai cô, lên tóc, xuống cằm, và quay trở lại đôi môi đang mím lại vì căng thẳng. Nó không thích? Nó nghi ngờ? Nó khó chịu? Bất ngờ, thằng bé ngước đôi mắt đục lờ, bất động lên NHÌN cô. Đôi mắt vô hồn, nhưng cô nhìn thấy trong đó niềm khao khát và một dấu hỏi to tướng “Mẹ, con muốn nhìn thấy mẹ. Bao giờ con mới được nhìn thấy mẹ?”. Kể từ giây phút đó, trái tim Vĩ như tan ra, và những cảm giác yêu thương, hối hận lúc nào cũng luẩn quẩn để hành hạ Vĩ.

Thằng bé, con trai cô chỉ còn thời hạn sáu tháng nữa. Vĩ liên tục gọi điện cho người bạn cũ để hỏi han tình hình. Lần nào anh ta cũng trả lời cụt ngủn.

Chưa có, nếu có gì tôi đã gọi điện cho cô rồi.

Vĩ bắt đầu đếm lùi. Khi chỉ còn hai tuần nữa là đến hạn cuối cùng, thằng bé bảo cô.

Mẹ ơi, mặt trời rất nóng.

Đúng rồi con ạ, nóng như lửa.

Thằng bé chỉ nói về mặt trời như thế, và cô cũng chỉ nói được như thế. Nếu lớn hơn, nó sẽ hỏi mặt trời có màu gì, hình gì, nhưng may mắn thay, một đứa trẻ ba tuổi chỉ khái niệm được đến vậy.

Lửa là gì hả mẹ?

Lửa rất nóng.

Tại sao nóng?

Nóng để nấu chín súp cho con ăn.

Thế mặt trời có nấu chín được súp không?

Không, mặt trời chỉ để chiếu sáng thôi. – Vĩ buột miệng xong mới thấy mình lỡ lời.

Sáng là thế nào hả mẹ?

Sáng …là một dòng nước ấm áp, nó sẽ chảy trên da thịt con như thế này. – Cô khẽ vuốt ve cái cẳng tay gầy nhẳng.

Bảo im lặng. Nó đang cố hình dung bằng những khái niệm mù mờ của một đứa bé chỉ nhìn thấy màu đen.

Bước sang tuần cuối cùng. Vĩ cảm thấy suy sụp, cô tránh nhìn vào mắt thằng bé. Cô đã thuyết phục Lưu đưa Bảo sang nước ngoài để thay giác mạc song anh gạt đi.

Chưa qua phẫu thuật nó đã ốm lên ốm xuống rồi, bây giờ còn đi lại xa xôi, chịu đủ mọi xét nghiệm, liệu có chịu đựng được không. Mà phía bên này chuẩn đoán thế, sang kia biết đâu kết quả ngược lại.

Quãng nửa đêm hôm đó,cô bị đánh thức bởi một tiếng chuông điện thoại.Lưu nghe máy, và khi biết không phải cuộc điện thoại của mình, anh chuyển sang cho cô, vẻ mặt nghi ngờ.

A lô, Vĩ nghe đây.

Tôi đã có giác mạc cho thằng bé rồi. Sáng sớm mai cô mang nó đến bệnh viện để làm xét nghiệm và làm các thủ tục liên quan.

Vậy sao, vô cùng cảm ơn anh. – Vĩ reo lên giữa đêm tĩnh lặng. – Mà giác mạc của ai vậy?

Cô nhớ sắp xếp mọi công việc và chuẩn bị sức khoẻ cho thằng bé, giác mạc chỉ giữ đông lạnh được hai tuần thôi đấy, nếu có gì trục trặc, sẽ phải chuyển sang cho bệnh nhân khác.

Đầu bên kia tút dài lạnh lùng. Vĩ sang phòng bé Bảo, suýt nữa thì cô đã đánh thức thằng bé dậy.

Ca phẫu thuật thành công. Cô gặp người bạn cũ khi anh vào phòng hậu phẫu để kiểm tra tình trạng của bệnh nhân. Vĩ không nói gì song đôi mắt của cô tràn ngập vẻ biết ơn khiến anh ta phải bối rối quay mặt đi. Anh cao giọng.

Sau chín tháng sẽ lấy được thị lực, mọi chế độ ăn kiêng đã ghi trong giấy khám.

Cái người hiến tặng ấy, là ai vậy? – Vĩ vô cùng muốn biết danh tính của chủ nhân đôi giác mạc quý giá đang nằm trong mắt con trai cô.

Không có người hiến tặng?

Có nguồn tài trợ mới?

Không có.

Dự án nuôi cấy giác mạc từ tế bào gốc đã thành công?

Chờ thu hoạch từ dự án thí nghiệm trên mắt thỏ chắc phải mười năm nữa mất. Thôi hai mẹ con nghỉ ngơi, tôi phải chuẩn bị cho ca phẫu thuật khác.

Nghĩa là từ một xác chết vô thừa nhận, một gã ăn mày à? – Vĩ kinh khiếp.

Không, của một thanh niên hoàn toàn khoẻ mạnh, – Anh nói để cô yên tâm.

Anh vừa nói không có người hiến tặng.

Anh ta không hiến tặng. – Anh hạ giọng. – và việc lấy giác mạc từ các tử thi mà không được phép của nhân thân là bất hợp pháp.

Vĩ bắt đầu hiểu ra. Cô nắm chặt tay anh.

Anh làm điều ấy là vì…Em vô cùng cảm ơn anh.

Anh lại nói to giọng thuyết giảng để át đi sự lúng túng.

Đôi khi việc phi pháp lại là nhân đạo. Tôi làm điều này không phải vì cậu con trai yêu quý của cô, mà đối với bất cứ bệnh nhân nào cũng đều hành xử như thế cả.

Lần này, Vĩ cũng đếm lùi, nhưng khác với lần trước,cô mong thời gian đi nhanh hơn. Chỉ còn 5 tháng, 2 tháng, 1 tuần, rồi đến giờ phút quan trọng cuối cùng, khi Bảo được mở băng mắt, cô đứng trước mặt thằng bé. Nó ngơ ngác nhìn chằm chằm vào khoảng không trước mặt, rồi giơ hai tay về phía cô “Mẹ!”. Bảo đã nhìn rất rõ, nhưng cô thấy mắt mình mờ đi vì một màng nước dày đang bao phủ.

Ân nhân của cô và bé Bảo vẫn thỉnh thoảng gọi điện để kiểm tra kết quả và cô đều nói rằng rất tốt, mọi thứ đều bình thường. Chỉ có một điều duy nhất là những hình ảnh không bình thường mà thăngf bé nhìn thấy, nhưng người khác không nhìn thấy, thì cô không dám kể lại cho anh. Một người làm khoa học như anh lẽ dĩ nhiên không tin vào những sự kì quặc đó và sẽ lôi thằng bé đi xét nghiệm. Chỉ có cô biết rằng, con chó đen tai trắng, và người thanh niên cắt đứt mạch máu để tự tử trong ngôi biệt thự ven biển là có thực, nhưng sự thực chỉ hiện hữu ở quá khứ. Đối với những người khác, họ là vô ảnh.

 

Bất ngờ, cảm giác xuất hiện trong giấc ngủ vừa rồi đột ngột quay trở lại, cái cảm giác khiến cô phải tỉnh giấc trong cơn mộng mị. Cái vật chuyển động thấp thoáng ghê rợn ấy, với làn da xám như chì, bàn tay gân guốc, bẩn thỉu, ánh mắt dâm đãng và độc ác, chỉ cần một phần giây cũng đủ để cô nhận ra: Lão thầy mo. Trong khoảnh khắc, lão biến mất sau những lùm cây rậm rạp. Không chần chừ, Vĩ đuổi theo hướng cô vừa nhìn thấy. Cô vòng ra sau khu nhà kính và thấy bóng lão già lao xuống con dốc. Vĩ hít một hơi dài, máu trong người cô chảy rần rật. Cô thấy mình là kẻ truy đuổi trong những cơn ác mộng thời thơ ấu. Kẻ đứng ở vị trí cuối cùng trong đoàn rồng rắn ẩn hiện. Vĩ cũng lao mình xuống dốc.

Lão già khuất sau lối ngoặt. Khi cô xuống đến bãi đất trống thì xung quanh chỉ còn rừng cây, núi và vực thẳm. Lối mòn dẫn ra bức tượng hình người cụt đầu là nơi duy nhất mà bước chân con người có thể lẩn trốn. Cô tiếp tục đi men theo con đường ven núi. Khối khổng lồ đen sẫm đã ở phía trước. Cô không nhìn thấy gì phía sau tảng đá bị che khuất, và hơi lạnh từ trong hang vẫn toả ra ngun ngút. Mặt đất ẩm ướt sau cơn mưa rào về đêm in rõ từng vết chân to bản. Cô đi qua hẻm đá mà Di đã tự mình thắt cổ, rồi tiếp tục lần theo những vết chân dẫm vào con đường mòn giữa rừng già.

Đến đây, dấu vết của lão thầy mo biến mất. Thảm thực vật phía dưới không thể đón nhận dấu vết của bất kỳ chuyển động nào ngoại trừ lũ côn trùng. Cô ngần ngừ ngồi bệt xuống một phiến đá nhỏ đầy rêu. Hơi ẩm cuộn lên từ đất khiến cô lạnh run người. Lúc này, khi đã bình tĩnh trở lại, cô mới thấy kinh hoàng. Cô đang cô độc giữa núi cao rừng thẳm cùng một con quỷ dữ. Chẳng phải cô đã trúng kế của lão hay sao. Lẽ ra cô nên yêu cầu Ráy hoặc A Cách cùng đi, sẽ an toàn hơn rất nhiều. Vĩ định quay đầu một mạch về trang trại thì chợt nghe thấy tiếng sáo lảnh lót. Nó vẫn lặp đi lặp lại một bản nhạc đơn điệu và buồn thảm. Tiếng sáo đang phát ra từ phía trước. Không do dự, Vĩ đi theo hướng mà cô biết chắc rằng sẽ dẫn đến đâu.

Tiếng sáo đang phát ra từ ngôi nhà cổ của dòng họ Quách.

Đất dưới chân cô vẫn ẩm ướt. Rừng cây yên tĩnh đến độ cô có thể nghe thấy tiếng côn trùng rỉ rả và tiếng bước chân lục bục của chính mình đạp trên lá mục. Đột nhiên, âm thanh của đôi giày vải trở nên là lạ. Nó gấp gáp và dồn dập hơn. Cô vẫn đều bước rồi bất ngờ dừng lại. Cô dừng lại nhưng tiếng bước chân khong dừng, nó vẫn vang lên vài nhịp rồi mới ngắt, hệt một nhà làm phim tồi ghép hình và tiếng không khớp nhau. Ngực trái cô thắt lại. Chẳng cần ngoái đầu ra sau,cô cũng hiểu rằng mình không phải là sinh vật hai chân duy nhất trên quãng đường này. Vĩ từ từ quay lại, lối mòn vắng tanh, chỉ có những đám lá tươi ngọ ngoạy trong một cơn gió hiếm hoi luồn giữa rừng già.

Ai…? – Vĩ kêu lên và cảm thấy sợ giọng nói của chính mình. – Tôi không thích đùa bỡn kiểu này.

Cô tiếp tục bước đi, nhưng chỉ vài phút sau đã lại thấy tiếng những bước chân khác chen vào. Cô vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra rồi bất thình lình quay phắt lại. Cái bóng sau lưng cô định nhảy vọt vào bụi rậm bên cạnh nhưng không kịp. Nó mở tròn mắt nhìn cô, sợ hãi. Cô quát lên giận dữ.

Bảo, con đang làm cái trò gì vậy?

Thân hình bé Bảo vốn đã gầy gò, nay đứng giữa những thân cổ thụ to lớn càng trở nên bé nhỏ. Nó lấm lét nhìn người mẹ đang đỏ mặt vì tức giận.

Con thấy mẹ…đi…nên đi theo.

Con nghĩ rằng mẹ đi đâu mà lại đi theo. Con theo dõi mẹ?

Con…không biết. Con thấy sợ…

Vĩ thở dài. Cơn giận của cô dồn xuống. Thằng bé mới 7 tuổi nên không biết diễn đạt. Cô hiểu rằng nó đang lo cho cô. Sau hàng loạt những gì xáy ra ở Trại Hoa Đỏ, đầu óc non nớt của nó lờ mờ cảm thấy những chuyện không bình thường. Có phải cũng như cô, bằng trực giác, nó đã nhìn thấy trước những sự chẳng lành? Cô tiến lại phía bé Bảo, ôm choàng lấy nó.

Mẹ chỉ đi dạo thôi mà. Thôi được rồi, con đi cùng mẹ.

Cô nắm tay bé Bảo và tiếp tục len rừng. Có người bên cạnh, cô cảm thấy an tâm, dù đó chỉ là một đứa bé. Chẳng mấy chốc cô đã nhìn thấy những bậc đá dẫn lên sân trước của ngôi nhà cổ. Bậc khá cao nên cô đỡ Bảo lên trước. Bé Bảo không kìm nén được sự thú vị, nó reo lên.

Đây là toà lâu đài mà hôm trước con chỉ cho mẹ.

Ngôi nhà cổ vẫn nguyên xi như vậy, duy chỉ có một cánh cửa sổ đã bung ra để lộ ô cửa đen ngòm. Thỉnh thoảng gặp cơn gió mạnh, nó giật sầm sập vào bờ tường như thể vừa có người đưa tay mở cửa một cách giận dữ. Lá cây khô vẫn rụng đầy sân, nhiều chiếc mắc vào những rãnh đá rồi ở lại đấy vĩnh viễn trước khi hoá thân thành một lớp đất hữu cơ nuôi sống cỏ dại. Chợt một tràng cười khanh khách man dại rộ lên từ phía tầng áp mái khiến bé Bảo giật thót mình nép vào người mẹ. Cô nói khẽ.

Đừng sợ, đấy là tiếng chim.

Sao nó kêu sợ thế hả mẹ?

Mỗi loài chim nói chuyện theo một cách khác nhau. Cũng như con người, có người nói dễ nghe, còn có người lúc nào cũng cắm cảu.

Bé Bảo vẫn chưa hết sợ, bàn tay nhỏ bé của nó túm riết lấy Vĩ. Cửa ra vào ngôi nhà đóng im ỉm. Vĩ giật mình. Bữa trước khi đến đây cô đã mở nó ra. Vậy thì ai đã đóng nó lại? Có thể người đàn bà thổi sáo vẫn qua lại nơi này và muốn giữ nguyên sự bình yên cho những linh hồn xưa cũ, hoặc biết đâu chính là nơi trú ẩn của lão thầy mo. Nghĩ đến đó, trán cô rịn mồ hôi. Vĩ thì thầm với Bảo.

Con đứng ngoài này đợi mẹ.

Không, con đi với mẹ. – Bé Bảo sợ hãi càng túm chặt lấy Vĩ.

Mẹ chỉ vào trong nhà kia thôi. Trong đó bẩn thỉu và tối tăm,con đứng ngoài sân này canh gác cho mẹ.

Nghe thấy từ “canh gác”, mặt mũi cậu bé trở nên tươi tỉnh. Nó đứng thẳng người và ngay lập tức buông tay mẹ.

Mẹ vào đi, con sẽ đứng đây bảo vệ.

Nếu có người đến, con kêu to lên cho mẹ biết. – Vĩ nhìn bao quát khắp mặt sân và cảm thấy yên tâm. – Nếu con nghe thấy tiếng chim giống ban nãy,cũng đừng sợ nhé.

Vâng, con chẳng sợ gì hết. – Bảo nói to để át đi sự căng thẳng.

Vĩ đẩy nhẹ cánh cửa. Nó vẫn rít lên một tiếng ghê rợn hệt lần trước. Từ trong nhà phả ra hơi lạnh và mùi ẩm mốc lưu cữu. Hôm nay trời nắng, nhưng ánh sáng hắt vào chỉ đủ để Vĩ nhìn thấy đường đi. Cô tiến thẳng vào lối hành lang trước mặt để mở cửa thông ra sân giữa, quen thuộc như thể chính cô đã từng ở nơi này. Khi Vĩ mở cánh cửa thứ hai, cô thấy trời đất tối sầm và gió rít ào ào trên những cành cây lá trắng đang xoà tán lên mái nhà. Bầu trời vần vũ mây đen báo hiệu một cơn giông khủng khiếp sắp càn qua vùng. Cô thấy mình như đang ở trong một bộ phim khoa học viễn tưởng. Cánh cưa bên này là một cánh đồng ngập nắng, nhưng chỉ mở sang phía bên kia là đại ngàn heo hút và vực thẳm hư vô. Ở cửa trước, bé Bảo khum bàn tay bé nhỏ để che cơn lốc bụi đang tạt vào mắt, tay kia vẫy vẫy ý nói Mẹ cứ yên tâm.

Vĩ ngần ngừ nhìn những cánh cửa đóng kín của dãy nhà sau. Cô mới chỉ khám phá vài căn phòng trước mặt đã đủ thấy ớn lạnh rồi, phần còn lại ẩn chứa những gì bên trong,cô không lường trước được, nhưng trực giác chỉ dẫn những sự chẳng lành. Tốt hơn hết, Vĩ nên cùng bé Bảo quay về trang trại may ra thoát kịp cơn giông. Nghĩ đến đó, cô vội vàng trở lại. Lúc đi ngang qua một căn phòng,cô giật bắn mình vì một bóng đen bất động trên chiếc giường đá còn sót lại trong phòng. Màu trắng nhờ ở phần trên giúp cô nhận biết đó là một khuôn mặt người. Bóng đen cất giọng lơ lớ quen thuộc.

Cơn giông to như vậy nhưng còn rất lâu mới mưa được.

Vĩ kinh ngạc nhìn hình nhân tiến dần ra khung cửa. Người đàn bà thổi sáo hôm trước, lưng vẫn đeo một gùi lá.

Lần nào chị cũng làm tôi sợ. Sao chị biết?

Dễ thôi mà, chúng tôi chẳng còn cách nào dự báo thời tiết ngoài kinh nghiệm. Sau cơn giông này, trời sẽ còn yên lặng rất lâu mới đổ mưa.

Tôi có điều này muốn hỏi chị, tôi không cho rằng tình cờ chút nào. Tháng vừa rồi trong trang trại của tôi đã có ba người chết, và hễ lần nào điều đó sắp xảy ra, tôi đều nghe thấy tiếng sáo của chị. Có phải là điềm báo không? Chị đã nhìn thấy trước điều đó, đúng không?

Người đàn bà thở dài. Khuôn mặt trắng bệch của chị ta thoắt nhăn nhúm như một bà già sáu mươi.

Phải, tôi đã nhìn thấy.

Tại sao chị không nói trước với tôi?

Tôi đã nói trước với cô rồi. – Người đàn bà mân mê cây sáo trên tay. – Lần trước, tôi đã yêu cầu cô quay về.

Chị nói đúng. – Vĩ bật khóc, cô nhìn thấy những cảnh tượng kinh hoàng trôi vùn vụt trong óc như một thước phim tua nhanh, những hình ảnh đảo đi đảo lại tra tấn cô không khác nào khi cô đang đối diện với nó. – Lẽ ra tôi nên quay trở về, tôi nên kiên quyết quay trở về.

Con người ta lẽ ra có nhiều điều không nên làm. Có nhiều điều lẽ ra cô không nên làm, nó đẩy cô song hành cùng tội lỗi.

Chị nói gì, tôi không hiểu?

Rồi cô sẽ tự hiểu. – Khuôn mặt người phụ nữ đối diện cô bình thản trở lại, đẹp lạnh lẽo như được tạc từ một phiến thạch cao.

Chị nói đúng, tôi nên quay về. Ngày mai tôi sẽ về thành phố, về nhà.

Nơi nào an toàn nhất sẽ là nhà của cô, nhưng cô không thể về được.

Tại sao, chị vẫn khuyên tôi nên về kia mà?

Cô cần phải biết sự thật.

Sự thật nào? Cái trang trại này có liên quan gì đến tôi ngoài tư cách là một thứ tài sản.

Mọi thứ đều liên quan đến cô, đó chính là định mệnh.

Vĩ hít một hơi dài.

Chị biết một điều gì đó?

Người đàn bà không nói gì, chị ta đưa cây sáo lên môi và thổi bản nhạc não nùng quen thuộc. Chị ta thổi sáo ngay trước mặt Vĩ, nhưng âm thanh của nó vẫn xa xôi hệt như khi Vĩ lắng tai nghe từ trang trại.

Chị nói đi nào. – Vĩ gắt lên. – Nếu chị biết điều gì đó mà không nói thì thực là độc ác. Cái điều liên quan đến tôi ấy, tôi không thích trò chuyện kiểu nửa vời thế này.

Con người vốn độc ác. Cô hãy tự nhìn bằng đôi mắt của mình. Điều đó tốt hơn cho cô.

Vĩ thì thào.

Cái chết vẫn còn đang tiếp diễn?

Người đàn bà không nói gì. Nhưng khuôn mặt của chị ta biểu lộ thái độ không phải đối. Vĩ gào lên.

Chị thực là quái đản. Hoặc là chị đang doạ tôi, hoặc chị biết một sự thật nào đó mà làm ngơ. Cả hai trường hợp đều xấu xa như nhau.

Tôi nói ra sẽ chẳng thay đổi được gì, mà còn khiến sự thể tồi tệ hơn.

Nghĩa là thế nào, chị càng nói càng khiến tôi khó chịu. Thật chẳng đáng vượt cả quãng đường rừng để nghe úp úp mở mở thế này.

Những giọt nước mắt ứa ra trên hai tròng mắt đen của người đàn bà, chúng trong suốt như vô thực.

Nếu có thể ngăn cản được điều gì, tôi đã làm việc ấy từ lâu rồi. Tôi đã cố gắng mà không thể. Chẳng thay đổi được điều gì. Tôi đã chứng kiến mà bất lực, tôi đã nhìn thấy trước mà bất lực.

Vậy chị muốn tôi ở lại. Chị đã chẳng thay đổi được điều gì, còn tôi có thể làm được việc ấy hay sao?

Cô có thế làm được. – Người đàn bà nhìn thẳng vào cô bằng đôi mắt đen sầu thảm. Vĩ không bao giờ quên được đôi mắt ấy và cô cũng không biết rằng đó chính là lần cuối cùng cô được đối diện với người đàn bà kỳ lạ. – Bởi vì con người ta không thể thay đổi được số mệnh của người khác nhưng có thể làm chủ được định mệnh của mình.

Chị nói rằng tôi cũng sẽ phải chết…ngay tại nơi này.

Tôi không biết, điều đó tự cô có thể quyết định.

Nếu nguy hiểm đến vậy thì tôi sẽ quay trở về thành phố. – Vĩ khôn khéo đưa đẩy câu chuyện. Nhưng chị ta dường như đọc hết ý nghĩ trong đầu cô, chị ta nhét cây sáo vào gùi rồi đi vào sân giữa. Vĩ kiên quyết đi theo. – Ngay sáng ngày mai tôi sẽ quay về nhà, thế là hết chuyện.

Người đàn bà đang lúi húi hái những lá cây mọc chen giữa đám cỏ dại, đầu vẫn không ngẩng lên.

Cô không thể, và cũng không nên quay về. Hãy ở lại và chứng kiến.

Vĩ biết rằng câu chuyện đưa đi đẩy lại cũng sẽ chỉ có thế. Cô nhún vai và quay đi.

Vậy thì chào chị, hy vọng không còn phải nghe thấy những tiếng sáo xúi quẩy của chị nữa.

Người đàn bà nói vọng ra.

Cô sẽ không phải nghe thấy nữa đâu, tôi hứa đấy.

Lúc đi ra phòng chính, cô đâm bổ vào bé Bảo.

Mẹ đã dặn con đứng đợi mà. Lính gác bỏ vị trí nhé.

Con nghe thấy tiếng mẹ nói chuyện, mẹ vừa nói với ai đấy.

À, một người quen. Bác ấy vẫn thổi sáo cho mẹ con mình nghe, nhưng mẹ ớn nghe sáo lắm rồi, con vào chào bác ấy một câu rồi mình về không trời mưa to mất.

Vâng ạ. – Bé Bảo chạy vụt vào nhà trong vẻ hớn hở hệt một chú lính gác hết giờ làm việc, nay đã được tự do co duỗi chân cẳng.

Vĩ ra sân trước chăm chú quan sát màu sắc của bầu trời. “Chị ta nói đúng,” cô nghĩ bụng “Trời thế này còn lâu mới mưa được, nhưng đã mưa chắc trôi nhà trôi cửa”. Cô cúi xuống buộc lại dây giày và ngay tức thì thấy bóng bé Bảo vọt qua cánh cửa. Khuôn mặt nó tái xanh như máu ở trong cơ thể đã bị rút hết ra ngoài.Cô ôm chặt lấy đứa con trai yêu quý. Người nó mềm oặt rũ xuống tay cô.

Trời ơi, sao thế con? – Vĩ cũng run rẩy không kém bé Bảo. Cô cảm nhận được trống ngực thằng bé đang đập vội vã và nỗi sợ hãi từ bé Bảo đã lan toả sang cô. Cổ họng Vĩ nghẹn lại. – Mẹ đang ở bên cạnh con. Nói đi, điều gì làm con sợ.

Đôi mắt Bảo nhắm nghiền như muốn xua hết nỗi kinh hoàng. Giọng nó thổn thức.

Ở trong ấy…

Sao?

Người trong ấy…

Người nào?

Người có cây sáo…Bà ấy có hàng chục lỗ thủng trên người…Máu tuôn ra…

Vĩ bế thốc bé Bảo chạy băng xuống con đường rừng. Máu trong người cô đông cứng, nhưng cô chạy mà không ngoái đầu lại, như đang trong một cơn ác mộng vẫn ám ảnh hằng đêm.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ