Chỉ sau khi tận mắt chứng kiến cảnh nó biểu diễn bài hát của Anne Murray, chúng tôi mới thực sự hiểu rõ Mahar. Từ lúc nào tới giờ, nó luôn có những hành động vụng về, ăn mặc kỳ quặc, nói năng ngớ ngẩn và có lối suy nghĩ chẳng ai hiểu nổi; chúng tôi cứ ngỡ rằng nó là đứa kỳ cục chả giống ai chứ có ngờ đâu tất cả những nét tính cách ấy ở nó lại phản chiếu một tài năng nghệ thuật. Lối suy nghĩ ấy của chúng tôi dành cho Mahar là bằng chứng rành rành cho thấy con người có xu hướng chỉ tập trung vào khiếm khuyết của người khác thay vì ưu điểm của họ.
Giờ chúng tôi đều phát hiện ra Mahar chính là người giữ cho con thuyền ngôi trường chúng tôi – con thuyền đang chao nghiêng về bên trái do lực kéo từ bán cầu não trái của Lintang – trở về trạng thái cân bằng. Bán cầu não trái của Lintang và bán cầu não phải của Mahar kết hợp với nhau tạo ra hai cột khung thành với một bên là nghệ thuật một bên là trí tuệ trong lớp học chúng tôi, và sự tồn tại của bộ đôi ấy giúp chúng tôi không lúc nào cảm thấy chán.
Lintang rất lý trí; còn Mahar thì mơ mộng. Bất kỳ điều gì cũng dễ khiến cho Mahar phân tán tư tưởng. Giống như Lintang, Mahar cũng là một tài năng đích thực – chỉ có điều không cùng lĩnh vực mà thôi. Tuy nhiên kiểu tài năng như Mahar và theo chuẩn thông thường thì kiểu tài năng đó hiếm khi được xem là “thông minh”.
Lintang và Mahar giống như Issac Newton và Slavador Dali thời trẻ từng tung hứng cho nhau, thể hiện sức mạnh bộ não thú vị và tính tình kỳ quặc của mình. Cả hai đều đầy ắp phát kiến và gây nên những bất ngờ đầy tính sáng tạo. Bởi vì Lintang và Mahar đứa ngồi đầu, đứa ngồi cuối nên bọn tôi thường phải nhìn sang trái rồi lại sang phải, quay xuống dưới rồi lại quay lên trên, như thể chúng tôi đang xem một trận đấu bóng bàn vậy. Xem vào giữa hai đứa, chúng tôi giống như những kẻ dốt nát bị Columbus thách thức đặt cho được quả bóng đứng thằng. Không có hai đứa nó, lớp chúng tôi sẽ chỉ đơn thuần là một đám trẻ cu li mỏ thiếu thốn cố học cách viết chữ thảo trên giấy kẻ ba ô li.
Một lần trong giờ giải lao, Lintang đứng trước lớp và rút ra một bản thiết kế hướng dẫn cách làm một con thuyền từ lá cọ sago. Con thuyền di chuyển bằng một cánh quạt và với mô tơ; mô tơ này lấy từ một máy ghi âm. Mô tơ chạy bằng hai viên pin. Nó tính toán sao cho cái mô tơ kia đẩy được thuyền đi, và giải thích với chúng tôi những định luật cơ bản của động lực học. Nó có thể tính tốc độ của con thuyền dựa trên khối lượng của nó. Tôi như bị hút hồn vào con thuyền bé tẹo làm từ lá cọ sago chạy loanh quanh cái xô ấy.
Một lần khác nó cho chúng tôi xem một bản thiết kế con diều và một sợi cước giúp chúng tôi không thể bị đánh bại trong những trận đua diều. Điều ngạc nhiên là nó có rất nhiều bức phác họa và bản vẽ thô. Trong số đó có ý tưởng nhấc những vật thể nặng từ đáy sông lên, bản vẽ một tòa nhà lạ lùng bất chấp những nguyên tắc về kiến trúc và xây dựng, cuối cùng, không kém phần long trọng, là một bản vẽ thiết kế một thiết bị giúp con người bay được. Bản thân Lintang chưa đủ kiến thức để đưa ra được những định lý toán học và nghiên cứu khoa học để phát triển những ý tưởng táo bạo đó.
Lintang vừa xong lượt biểu diễn của mình, sân khấu giờ nhường lại cho Mahar.
Nó cúi đầu chào trịnh trọng. như thể nó là một anh hề trong hoàng cung muốn được hát đang chờ nhà vua cho phép. Rồi với chất giọng ngọt ngào, nó ngâm một vài câu thơ về những con bạch điểu ở bờ biển Tanjong Kelayang, hoặc bài vè về những người Mã Lai bỗng nhiên phất lên nhanh chóng. Nó vẫn chơi cây đàn ghi ta Hawaii ấy. Tiếng đàn có thể đưa chúng tôi trôi vài giấc ngủ.
Hai đứa đó giàu không thể tưởng tượng nổi. Chúng tôi thay nhau hỏi hai đứa nó vô số câu hỏi. Lintang tiếp thu những kiến thức từ số sách của thầy hiệu trưởng Harfan, còn Mahar có tố chất nghệ thuật – cộng với việc nó khá am hiểu về âm nhạc nhờ thường xuyên nghe chương trình radio địa phương Suara Pengejawantahan trên sóng AM.
Vì quá giàu sức tưởng tượng nên Mahar ngày càng hâm mộ những truyền thuyết vô lý và tất cả những thứ mang hơi hướm siêu linh. Chỉ cần có ai đó hỏi nó về những câu chuyện cổ trong thần thoại Belitong là nó thao thao hết chuyện Con rồng biển Đông đến câu chuyện về ông vua có đuôi khỉ mà người ta vẫn tin là từng có thời cai trị hòn đảo chúng tôi.
Mahar cũng hâm mộ Lý Tiểu Long đến điên cuồng. Tường nhà nó treo đầy ảnh huyền thoại kungfu ấy ở mọi tư thế. Nó nài nỉ cô Mus hết lần này đến lần khác cho nó treo tấm ảnh nổi tiếng nhất của Lý Tiểu Long: Lý Tiểu Long tạo thế rồng nổi giận, hai mắt sáng quắc, với cây côn nhị khúc làm vũ khí và ba vết cào nằm song song trên ngực vì anh bị kẻ thù tấn công bằng thế cọp vờn. Cô Mus luôn gạt phắt lời đề nghị lạ đời đó.
Mahar tin chắc rằng người ngoài hành tinh không những tồn tại mà một ngày nào đó còn đến đảo Belitong này dưới dạng những hộ lý ở bệnh viện đảm nhận việc tiêm vắc xin cho trạm xá PN, những người bảo vệ trường học, các thầy tu báo giờ ở thánh đường al-Hikmah hay trọng tài bóng đá. Thỉnh thoảng, Mahar tỏ ra ngớ ngẩn kinh khủng. Chẳng hạn, nó tự cho mình là chủ tịch của hiệp hội siêu linh thế giới, hiệp hội lãnh đạo loài người trong trận chiến chống lại người ngoài hành tinh với vũ khí là những chiếc lá rụng.
Một chiều nọ, sau cả ngày mưa tầm tã, một dải cầu vồng đẹp mê hồn vắt ngang qua bầu trời đằng Tây, một nửa vòng tròn ánh lên bảy sắc sáng lấp lánh.
Đầu bên phải mọc lên từ châu thổ Genting hệt một tấm thảm lung linh. Đầu bên trái từ cánh rừng sồi rập rạp thoai thoải dọc theo sườn núi Selumar. Cầu vồng cong cong, hệt như hàng triệu thiếu nữ mặc kebaya đủ màu sắc sặc sỡ nhảy vào một cái hồ xa xôi hẻo lánh, rụt rè e thẹn dúi vào nhau vì vẻ đẹp của mình.
Ngay lập tức chúng tôi tấn công cây filicium, tất cả tót hết lên cây và mỗi đứa chiếm lĩnh một nhánh riêng. Sau cơn mưa nào chúng tôi cũng leo lên cây xem cầu vồng. Vì thói quen đó, cô Mus đặt cho chúng tôi biệt danh Laskar Pelangi.
Laskar có nghĩa là chiến binh, pelangi có nghĩa là cầu vồng, như thế có nghĩa là, Chiến binh Cầu vồng.
Cái cây già nua ấy oằn cả xuống và rung chuyển dữ dội khi chúng tôi tranh cãi ầm ĩ về cảnh tượng kỳ diệu xuất hiện tại miền đông Belitong này. Mỗi đứa kể một câu chuyện khác nhau để bảo vệ cho ý kiến của mình. Câu chuyện hay nhất, đương nhiên, thuộc về Mahar. Chúng tôi nài ép nó kể. Ban đầu nó làm bộ làm tịch. Mắt nó như muốn nói đây là một câu chuyện nguy hiểm! Tất cả bọn mày sẽ không thể giữ được thông tin mang tính nhạy cảm cao độ này đâu!
Thoạt đầu nó nhất định không chịu mở miệng, nhưng sau một lúc cân nhắc kỹ lưỡng, nó chịu thua – không phải do bọn tôi nài ép, mà là vì nó không thể cưỡng lại cái mong mỏi được thể hiện.
“Bọn mày biết gì không?” nó hỏi trong khi nhìn về phía xa. “Cầu vồng thực sự là những đường hầm thời gian!”
Chúng tôi nhất loạt im bặt. Không gian lặng ngắt như tờ bởi sức nặng của trí tưởng tượng đến từ Mahar.
“Nếu bọn mình mà vượt qua được dải cầu vồng thì sẽ gặp tổ tiên người Mã Lai cổ và người Sawang nữa.”
Ngay lập tức Mahar thấy hối tiếc, như thể nó vừa hé lộ một bí mật sâu thẳm đen tối của gia đình mà cả bảy đời nay ông bà tổ tiên nó cất công gìn giữ. Nó tiếp tục bằng giọng căng thẳng. “Nhưng tụi mày nhất định không được gặp những người Belitong nguyên thủy hay tổ tiên của người Sawang đâu đấy,” nó ra lệnh với giọng hết sức nghiêm túc.
“Sao lại không, Mahar?” thằng A Kiong sợ sệt hỏi.
“Vì họ là những kẻ ăn thịt người!”
A Kiong vội đưa hai tay lên che miệng, và thế là suýt chút nữa ngã bổ nhào xuống đất. Ngay từ năm lớp một nó đã là tín đồ hết mực trung thành của Mahar. Nó tin sái cố tất cả những gì Mahar thốt ra, không một mảy may nghi ngờ. Với nó, Mahar như thể một nhà thông thái hay chuyên gia tư vấn tinh thần. Hai đứa nó tự đặt mình vào một môn phái với đủ mọi thứ ngớ ngẩn trên đời.
Lintang phát vào lưng Mahar, tỏ ý đánh giá cao câu chuyện đầy sức hấp dẫn của nó, nhưng vờ buông một tiếng ho để ngụy trang cho tiếng cười chực phá lên. Chúng tôi tiếp tục chiêm ngưỡng vẻ đẹp say lòng của dải cầu vồng, lần này không đứa nào cãi cọ gì nữa. Cứ thế chúng tôi vắt vẻo trên cây im lặng dõi mắt về phía cầu vồng cho đến khi hoàng hôn buông xuống.
Tiếng gọi báo hiệu buổi cầu kinh magrib – cầu kinh tối – vang lên từ thánh đường này đến thánh đường khác âm vang khắp những nếp nhà sàn của người Mã Lai.
Đường hầm thời gian bị bóng đêm nuốt chửng đâu mất. Chúng tôi đã được dạy không nên chuyện trò trong khi nghe tiếng gọi cầu kinh.
“Hãy im lặng lắng nghe tiếng gọi đến với vinh quang.” Cha mẹ chúng tôi dặn dò thế.
Nhìn chung dân Mã Lai chúng tôi là những con người đơn giản, thu nhận những bài học cuộc sống từ các thầy giáo dạy kinh Koran và những người lớn tuổi ở nhà thờ sau buổi lễ cầu kinh magrib. Những bài học cuộc sống đó đến từ những câu chuyện của các nhà tiên tri, truyền thuyết về chiến binh Hang Tuah và những câu chuyện gurindam. Giống nòi của chúng tôi là một giống nòi xa xưa. Chúng tôi nghe rất nhiều định nghĩa về giống nòi mình, và có một vài chuyên gia bảo rằng người Belitong – Mã Lai không phải là người Mã Lai.
Chúng tôi không để tâm nhiều đến ý kiến ấy vì hai lý do: bản thân người Belitong không hiểu những vấn đề đó; và bởi lẽ chúng tôi không mấy thiết tha với chuyện mình thuộc giống nòi nguyên thủy. Đối với chúng tôi, tất cả mọi người sống trên hòn đảo này – từ Belitong cho đến Malaysia – đều là người Mã Lai, đều gắn bó cuộc đời với những nhịp điệu thân thuộc nơi bán đảo này, với tiếng lục lạc, với sự nhịp nhành. Sự đồng nhất giữa chúng tôi không phải dựa vào ngôn ngữ, màu da, hệ thống tín ngưỡng hay cấu trúc xương. Chúng tôi là chủng tộc theo chủ nghĩa quân bình.
Tôi đắm chìm trong câu chuyện của Mahar. Say sưa hơn cả lúc nghe về đường hầm thời gian, tôi bị cuốn vào câu chuyện về những tộc người cổ ở Belitong.
Tuần trước, khi người ta lắp đặt hệ thống âm thanh, chúng tôi đến thành đường để xem đống dây cáp được mệnh danh là “những vật thể kỳ diệu của thời đại mới”. Ở đó, thầy tu báo giờ 70 tuổi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện khiến tôi cứ há hốc mồm ra kinh ngạc.
Câu chuyện về ông cố của thầy sống trong một nhóm người du mục, lang thang khắp các bờ biển Belitong. Họ mặc quần áo làm bằng vỏ cây và săn bắt để lấy thức ăn. Họ ngủ trên các nhánh cây santigi để tránh bị các sinh vật ăn thịt tấn công. Trong những đêm rằm, họ đốt lửa thờ cùng mặt trăng và các vì sao trên trời. Tôi sởn gai ốc khi thấy văn hóa của cộng đồng chúng tôi chẳng khác nào văn hóa nguyên thủy.
“Chúng ta có quan hệ với người Sawang đã từ rất lâu rồi. Họ là những thủy thủ dày dạn kinh nghiệm sống trên thuyền, dong buồm đi từ đảo này đến đảo khác. Ở vịnh Balok, tổ tiên của chúng ta trao đổi buôn bán cheo cheo, trái mây song, câu, nhựa thông và muối do phụ nữa Sawang làm,” thầy tu báo giờ kể với chúng tôi.
Giống như cá sống trong bể, chúng tôi quên mất nước là như thế nào. Sau ngần ấy năm sống bên người Sawang, chúng tôi không hề nghĩ rằng họ thật sự là một hiện tượng nhân loại học. Giống như người Hoa, người Sawang là một thành tố quan trọng trong di sản của chúng tôi.
Sống gần người Mã Lai – và thậm chí còn gần người Hoa hơn – người Sawang có một vẻ ngoài rất khác biệt. Họ giống như những cư dân châu Úc bản xứ, những thổ dân: da sẫm màu, hàm cứng, mắt sâu, trán hẹp, cấu trúc xương sọ giống như của người Giéc-manh và tóc hung.
PN tuyển dụng đàn ông bộ tộc này làm cu li kéo bao thiếc từ trạm rửa đến phà neo ở cảng. Rồi phà chở thiếc đến nhà máy đảo Bangka. Phụ nữ thì được tuyển dụng dệt bao tải đựng thiếc. Đàn ông và phụ nữ làm những công việc này được liệt vào dạng lao động thấp kém nhất ở Belitong, nhưng họ rất vui vì được trả lương vào thứ Hai. Thật khó có thể nói được số tiền đó có còn nằm yên trong túi cho họ đến ngày thứ Tư hay không – không hề có một chút xíu tính keo kiệt nào chảy trong dòng máu người Sawang. Họ tiêu xài như thể không có ngày mai và vay mượn như thể họ sẽ sống đời đời vậy.
Vì những rắc rối về việc chi tiêu như thế nên người Sawang thường gây nên ấn tượng tiêu cực trong các cộng đồng người Mã Lai và người Hoa. Cứ hễ có chuyện xấu xa, thể nào người ta cũng nghĩ ngay đến người Sawang. Nỗ lực làm mất thể diện người Sawang phản ánh tính cách của thiểu số người Mã Lai và người Hoa sợ mất việc vì bản thân họ không chịu làm việc chăm chỉ hết sức. Lịch sử đã cho thấy người Sawang vốn chính trực khí khái, chỉ sống trong cộng đồng mình, không chĩa mũi vào chuyện người khác và làm việc có nguyên tắc. Họ không bao giờ làm chuyện phi pháp. Hơn thế nữa, họ không bao giờ quỵt nợ.
Người Sawang khá vui vẻ tự cách ly mình. Đối với họ, cuộc sống bao gồm một viên đốc công sẵn lòng phát tiền cho họ mỗi tuần một lần và những công việc nặng nhọc không chủng tộc nào muốn làm. Họ không ý thức về quan niệm khoảng cách quyền lực vì họ không có hệ thống cấp bậc trong văn hóa của mình. Ai không hiểu văn hóa của họ có thể nghĩ rằng họ là người thiếu lễ độ. Người duy nhất được tán thưởng trong cộng đồng họ là người đứng đầu bộ tộc, thường là pháp sư và địa vị này không mang tính cha truyền con nối.
PN cho họ ở trong một ngôi nhà dài được chia thành nhiều ngăn. Ba mươi gia đình sống ở đấy. Không có tài liệu nào ghi lại chính xác nguồn gốc của họ. Hoàn toàn có thể nghĩ rằng các nhà nhân loại học không xác định được nguồn gốc của họ. Liệu những nhà lập pháp có biết rằng tỷ lệ sinh của họ rất thấp và tỷ lệ tử rất cao đến nỗi chỉ còn sót lại một vài gia đình có dòng máu Sawang thuần chủng hay không nhỉ? Liệu thứ ngôn ngữ đẹp đẽ của họ có bị cuốn đi theo cơn lốc thời gian?