Chiều bữa ấy, đồng hồ đã chỉ 5 giờ rồi mà Xuân vẫn còn nằm dựa trên chiếc ghế xích đu, mắt lờ đờ, trí tư lự. Tuy hồi trưa khi vợ chồng Quan về, cô Quế hẹn đúng 5 giờ cô với Quan sẽ đem xe xuống rước Xuân đi chơi, đi dài theo khoảng đường chợ gạo, An Lạc, Bình Điền đặng xem mấy đám lúa sớm đã chín và người ta đương bắt tay cắt đập, nhưng mà Xuân chưa chịu rửa mặt thay đồ, dường như không nhớ đến lời hẹn của bạn, hoặc không vui đi xem lúa, là hai việc thuở nay Xuân luôn luôn hăng hái.
Chừng nghe tiếng còi xe hơi bóp te te ngoài cửa. Xuân mới châu mày đứng dậy, song cũng không lật đật đi thay đồ, cứ bước lại cửa đứng ngó ra đường.
Cô Quế ngó thấy liền la lớn:
– Trời ơi, anh Xuân chưa thay đồ! Phải vô thúc ảnh mới được.
Vợ chồng Quan mở cửa xe leo xuống rồi nối gót bước vô nhà. Bây giờ Xuân mới chịu đi rửa mặt.
Quan la lớn:
– Riết đi toa. Đi sớm đặng coi lúa chín chơi. Họ nói năm nay lúa sa-mo[1] trúng lắm. Mình đi sớm đặng 7 giờ về cho kịp mà dự tiệc của anh Triều.
Xuân nói:
– Ừ, ừ, chờ moa một chút, không trễ đâu mà sợ.
Nói xong Xuân liền lên lầu thay đồ.
Vợ chồng Quan biết Xuân đương ngụp lặn giữa lượn sóng khủng hoảng tinh thần nên không muốn thúc nữa, chỉ ngó nhau mà cười rồi đi xem mấy tấm ảnh treo chung quanh phòng khách. Phía trong có hai tấm hình rọi ra lớn và lồng trong khuôn kiếng chạm khéo. Đấy là hình ông và bà hội đồng, hai đấng sanh thành của Xuân, nay đã hoá ra người thiên cổ. Phía ngoài cũng có một tấm hình rọi ra lớn, mà là hình của một người pháp, tuổi trên năm mươi ấy là vị giáo sư đã tận tâm dạy dỗ Xuân nên Xuân luôn luôn mến yêu tôn kính.
Cô Quế xem cùng hết, rồi cô vịn vai Quan mà nói:
– Ba chữ quân sư phụ đã thâm nhiễu trong đầu óc người mình từ ngàn xưa. Anh Xuân tuy không nói tới quân vương song anh trọng quốc gia thì cũng vậy, bởi vì quân vương nếu cắt nghĩa rộng thì là quốc gia chớ gì. Còn trong nhà mà treo hình để suy niệm công ơn cha mẹ với thầy, thì rõ ràng anh biết trọng hai chữ sư và phụ. Người có tâm hồn như vậy mà không chịu lập gia đình, thiệt em không hiểu ý làm sao.
Quan đáp nho nhỏ:
– Anh Xuân bị chứng bịnh về tinh thần. Qua hiểu rồi, em đừng nói chi hết, qua sẽ lập thế trị bịnh cho ảnh. Qua sẽ trị được.
Cô Quế đối với chồng có một đức tin rất vững vàng, bởi vậy nghe chồng nói quả quyết thì cô mừng nên cô gật đầu mà cười và kêu lớn: „Anh Xuân! Riết đi chớ? Em nóng đi xem ruộng quá mà”.
Xuân thay đồ rồi trở xuống từng dưới, nét mặt nghiêm trang, cứ theo vợ chồng Quan mà lên xe, không nói một tiếng chi hết.
Bầu trời xanh lét, mặt nước khô queo, cây cỏ hai bên đường khoe vẻ tươi cười, ngựa xe chạy trên lộ đua nhau rộn rực. Quan cầm bánh cho xe chạy, có Xuân ngồi một bên, lựa đường thẳng mà đi riết vô chợ gạo. Quan muốn gạy[2] cho Xuân nói chuyện, nên day qua nói: “Trời mát đi chơi vui quá hả?” Xuân không đáp chỉ gật đầu mà thôi, làm cho Quan bịt đường gạy chuyện.
Xe qua khỏi Phú Lâm rồi thì mặt trời gần lặn, chói ánh sáng loè trên đồng ruộng phân nhiều màu, chỗ lúa mới đứng cái[3] thì xanh rờn, chỗ lúa đương trổ bông thì xam xám, chỗ lúa gần chín thì vàng tươi.
Cô Quế ngồi phía sau kêu Xuân mà nói:
– Anh Xuân, cảnh nhà quê coi đẹp quá thấy không? Nếu em có một đám ruộng lúa gần chín kia và có một cái nhà ở đầu xóm giáp với đám ruộng đó thì em vui lắm vậy. Em sẽ giành với anh Quan mà đi thăm lúa mỗi ngày. Đến chừng gặt em cũng giành mà coi cho họ gặt. Em lấy làm tiếc cho cái mạng của em không được sanh ở nơi chốn thôn quê. Em làm đàn bà quê chắc em mạnh và vui lắm.
Mấy lời cảm ứng ấy làm Xuân động lòng nên cậu quay lại nói:
– Em sanh trưởng nơi chốn thị thành, mà sao em lại thích cảnh thú đồng ruộng?
– Em thích như vậy, có lẽ vì cảnh thú ấy phù hợp với tâm hồn của em.
– Vậy thì em ráng làm cho có dư tiền rồi biểu Quan mua một sở ruộng gần Sài Gòn để em lui tới thăm chơi.
– Đó là hy vọng của vợ chồng em, song chưa có tiền nên không dám nói ra.
– Em muốn như vậy không phải là quá đáng, với tánh cần kiệm của Quan và của em có lẽ sự muốn ấy sẽ thành sự thực.
Gần đến An Lạc cô Quế thấy một đám ruộng người ta đương gặt, cô la lớn: “Ngừng lại anh Quan, ngừng đặng em coi gặt chơi.”
Quan liền ngừng xe dựa lề đường. Cô Quế rủ Quan và Xuân leo xuống coi chơi. Tuy trời đã gần tối rồi, song đám ruộng không còn lúa bao nhiêu nên năm sáu người còn gặt ráng, tính gặt cho hết rồi nghỉ.
Cô Quế đứng coi người ta gặt, cô vui vẻ tươi cười. Cái cảnh ấy không lạ gì với Xuân và Quan, nên hai cậu dắt đi chơi dài theo lộ.
Quang cảnh yên tĩnh ở thôn quê nó thường làm cho người ta thơ thới trong lòng rồi quên hết mùi lợi danh mà cũng quên hết cạnh tranh. Chắc là tại như vậy nên Xuân ngó mông trong cánh đồng mà thở dài mà nói với Quan:
– Nghĩ cho chí lý, con người lao tâm với sự hơn thua, cao thấp, hay dở thiệt là bậy quá. Cao làm gì, hay làm gì, chung cuộc rồi ai cũng phải chết, thế thì cái cao, cái hay đó có khác chi cái thấp, cái dở đâu.
– Ồ, toa thất chí lắm hay sao nên toa nói như vậy?
– Không, moa có thất chí chi đâu. Moa luận việc đời chớ.
– Làm người, nhứt là người Việt Nam ở vào thời đại nầy, chẳng nên để phưởng phất trong trí những ý tưởng toa vừa mới nói đó. Phải nuôi chí tiến thủ, phải tập tánh cạnh tranh mới được chớ. Bất luận ở địa vị nào, mình phải vui với đời sống của mình luôn luôn, dầu sang hay hèn, dầu giàu hay nghèo cũng vậy. Ở bực nào mình phải theo bực ấy, mình nhớ lấy nhân nghĩa đạo đức mà làm mục đích thì đủ rồi. Còn sự thành hay bại, có hay không, là những hình thức bề ngoài, không quan hệ gì lắm.
– Đó là thuyết của nho giáo.
– Ấy là đạo làm người quân tử.
Xuân suy nghĩ một hồi mới nói nữa:
– Moa khảo cứu vấn đề chấn hưng nông nghiệp tốn công phu nhiều lắm, nay việc ấy bất thành, moa bùi ngùi hoài, khó quên được. Vì vậy hồi nãy moa mới thổ lộ mấy lời làm cho toa nghi moa thất chí, nghĩ cũng phải.
– Moa khuyên toa đừng buồn, ở đời nầy tùy thời mà hành sự. Làm người quân tử hễ gặp hồi nên nói thì phải nói, gặp hồi nên nín thì phải nín, gặp hồi nên ra mặt đặng làm việc thì phải ra, gặp hồi nên ở ẩn để tu tâm dưỡng tánh thì phải ẩn. Nếu việc chấn hưng nông nghiệp không hợp thời thì tạm đình lại đó, có hại chi đâu mà buồn. Huống chi toa đã nhứt định đổi phương pháp, lo chấn hưng luân lý, soi sáng tâm hồn cho đồng bang trước rồi sẽ lo việc quốc gia lợi ích sau thì phải lắm, sao toa còn bồi hồi ái ngại làm chi vậy?
– Theo ý toa, thì bây giờ moa nên nín, nên ẩn dật hay sao?
– Phải, nên nín, nên ẩn dật mà chờ thời.
– Anh hùng phải tạo thời thế chớ.
– Thì lo chấn hưng luân lý, soi sáng tâm hồn cho quốc dân, để làm phú cường cho quốc gia, là tạo thời thế, chớ còn sao nữa.
Xuân gật đầu và chúm chím cười, rồi đứng ngó thẳng ra cánh đồng bát ngát, không cãi với Quan nữa mà cũng không cho Quan là phải.
Trời tối lần lần. Bây giờ mấy người liệu thế gặt không hết lúa kịp nên rủ nhau về để sáng mai sẽ gặt tiếp.
Cô Quế kêu Xuân với Quan mà nói:
– Tối rồi, thôi mình về, kẻo anh Triều ảnh chờ.
Xuân với Quan quay trở lại, rồi ba người lên xe quay về Sài Gòn.
Đúng 7 giờ xe quay trở về nhà hàng Đại Đồng. Triều thấy xe ngừng liền chạy ra tiếp rước.
Triều ồn ào bao trùm địa vị chủ và khách, vỗ vai Quan, ôm chặt Xuân, níu kéo hết vô nhà hàng, giành vấn đáp luôn một mình, không chừa chỗ cho anh em nói vô một lời nào được.
Vào nhà hàng, Xuân thấy ông bà Từ Tệt với cô Quyên thì chưng hửng, ngần ngại, lại có hơi thẹn thùng. Vợ chồng Quan cũng chưng hửng nhưng hội ý hân hoan, nên đi riết vô mà chào mừng. Xuân gắng gượng bước tới nói: ”Cháu kính chào chú thím. Có em Quyên nữa kìa!…”.
Ông bà Từ Tệt gật đầu cười. Cô Quyên đương chào mừng vợ chồng Quan mà nghe Xuân nói tới cô thì cô day qua ngó Xuân với cặp mắt vui vẻ, tiếp theo một nụ cười chân thành mà thanh nhã.
Xuân bợ ngợ trách Triều:
– Có chú thím lên chơi, vậy mà hồi sớm mơi moa hỏi, toa lại dấu moa chớ.
– Moa có dấu đâu, hồi sơm mơi toa hỏi giống gì? Toa hỏi tía má moa có mạnh hay không. Moa nói mạnh. Toa đâu có hỏi tía má moa lên Sài Gòn mà moa nói.
– Toa khó lòng quá!
– Moa dễ lắm, chớ có khó đâu. Có lẽ toa khó chớ không phải moa. Bao giờ moa cũng dễ luôn luôn.
Xuân rùn vai rồi nói với ông bà Tệt:
– Cháu ở bên tây về đã lâu rồi, mà cháu không xuống Bạc Liêu thăm chú thím được, thiệt cháu có lỗi với chú thím nhiều lắm, cháu thất lễ với chú thím là tại vì về Sài Gòn phải làm việc liền rồi lại còn lo công việc riêng của cháu nữa, nên cháu không đi được. Cháu cúi xin chú thím tha lỗi cho cháu.
Ông Từ Tệt hịch hặc đáp:
– Cháu về lâu rồi mà chú có hay đâu. Chú mới nghe thằng Triều nói mấy bữa nay đây. Thôi, mấy anh em ngồi uống chút rượu khai vị rồi còn dùng bữa.
Mấy anh em phân nhau mà ngồi hai bên. Bên nam thì ông Tệt ngồi giữa, ông biểu Xuân ngồi phía tay mặt và Quan ngồi phái tay trái của ông. Bên nữ thì bà Tệt ngồi giữa, cô Quế ngồi phía tay mặt còn cô Quyên ngồi phía tay trái của bà, thành ra Xuân với Quyên ngồi ngang nhau, rồi Triều nhắc nghế ngồi đầu, giữa Xuân với Quyên.
Triều kêu bồi biểu đem rượu khai vị. Bà Tệt vui vẻ nói:
– Mấy cháu tụ họp như vầy thiệt vui lắm. Thím mừng lắm. Năm trước mấy bà con mình ăn cơm tại đây, bây giờ cũng ăn tại đây nữa, mà cũng có đủ mặt hết, vậy ngộ lắm chớ.
Cô Quyên cứ ngó Xuân mà cười, mặt mày hớn hở, không lả lơi mà cũng không e lệ chút nào. Còn Xuân tuy thỉnh thoảng liếc cô một cái, song đủ thấy Quyên chẳng phải là “tiểu thơ mặt lọ” nữa, mà là một nữ nhi tề chỉnh, đàng hoàng, vì nước da đen lại dang nắng nên diện mạo không rực rỡ mỹ miều, song hình vóc đầy đặn với duyên dáng thiên nhiên giúp cho cô khỏi tiếng xú nữ.
Bà Tệt hỏi cô Quế:
– Cháu năm nay được mấy em rồi?
– Dạ, cháu được hai đứa.
– Giỏi đa!
– Thưa, cháu dở hơn anh Triều.
– Triều cưới vợ trước cháu Quan, tự nhiên phải có con trước nên hơn cháu một đứa, chớ có giỏi đâu.
– Cháu mong cho cô Quyên có chồng có con thì mới thiệt vui.
– Nói gì cái đó…!
Cô Quyên mắc cỡ liếc ngó Xuân rồi cúi mặt xuống bàn.
Ông Tệt day qua ngó Xuân vừa cười và hỏi:
– Nghe nói cháu qua Tây cháu chuyên học nghề làm ruộng phải không?
– Dạ, cháu học nghề nông.
– Được lắm, mình ở xứ làm ruộng, học nghề làm ruộng là phải hơn hết.
Cô Quế nói tiếp: “Thưa bác, anh Xuân có bằng kỹ sư nông phố, ảnh giỏi về nghề làm ruộng lắm bác, ảnh biết cách lựa giống lúa cho hợp đất, biết cách gieo mạ hợp thời, biết cách làm cho mùa màng khỏi thất, làm cho hột lúa nặng cân để bán cao giá. Ảnh giỏi lắm.
Ông Tệt gật đầu rồi hỏi tiếp Xuân:
– Bây giờ cháu làm Bác vật trong sở canh nông phải không?
– Dạ.
– Lương được bao nhiêu?
– Dạ, mỗi tháng được ba bốn trăm.
– Ít quá, có nghề thì ta ra làm ruộng chắc khá hơn nhiều.
– Dạ thưa, cháu không có ruộng.
– Cháu thấy không? Chớ chi hồi trước cháu không bán sở đất thì bây giờ cháu khoẻ lắm.
– Thưa, không bán thì lấy tiền đâu mà ăn học.
Cô Quyên nghe nói tới ruộng là việc cô ưa cô thạo, nên cô chen vô hỏi Xuân:
– Anh muốn làm ruộng mà vì anh không có đất nên anh cổ động địa chủ lập nông nghiệp liên đoàn phải không?
– Sao em biết qua lập nông nghiệp liên đoàn?
– Em xem nhựt báo.
– Té ra em hay qua về hay sao?
– Em hay, song em không dám đoán chắc. Trong báo anh ký tên: “Xuân, kỹ sư nông phố”, em nghi là anh mà không biết có phải hay không. Anh lập liên đoàn xong chưa?
Xuân buồn thở ra mà nói:
– Qua cổ động mà vì địa chủ của mình nguội lạnh quá nên việc đó không có hiệu quả. Qua đã bỏ và chuyển công cuộc hoạt động sang việc khác rồi.
Ông Tệt nói:
– Ruộng của mình thì mình làm, bày hùn hiệp khó lòng lắm. Tại cháu mắc lo việc đó nên cháu không đi thăm chú được phải không?
Xuân thấy có cớ cho mình chạy lỗi, nên lật đật đáp:
– Dạ thưa, cháu mắc việc đó.
– Cháu bậy lắm. Nếu tại vì mắc lo việc như vậy mà không thăm chú được thì chú càng phiền thêm nữa.
– Xin chú tha lỗi.
– Tha không được. Chớ chi cháu xuống thăm chú trước, cháu nói chuyện cho chú nghe thì chú bày cho cháu làm, hễ làm thì chắc lợi lắm, chớ có phải như vậy đâu.
Triều nãy giờ lặng thinh, cố ý để dọ thái độ của Xuân, bây giờ mới hỏi Xuân:
– Toa lo việc đó không thành mà lại hao tốn nhiều chớ?
– Tốn chừng vài ngàn.
– Uổng hết sức!
Ông Tệt nói:
– Làm gì phải tốn, đừng có nói uổng. Làm việc gì cũng phải tốn, phải tốn trước rồi mới có lợi sau chớ. Tuy việc đó cháu Xuân làm không thành song đó cũng là một bài học, bài học mắc một chút. Nầy cháu Xuân, chú có một việc nếu làm được thì lợi lắm, lợi cho người làm, mà cũng lợi cho nhà nước nữa. Để rảnh rồi chú sẽ nói rõ ý của chú cho cháu nghe.
Xuân không tin nên hỏi:
– Thưa, việc chú nói đó thuộc về nghề nông hay nghề nào?
– Nghề nông, chớ nghề khác chú có biết đâu mà nói. Phải người biết nghề làm ruộng giỏi mới làm được. Cháu học nông ngiệp, có bằng cấp kỹ sư, có tài năng bác vật chắc cháu làm được.
– Cháu muốn biết liền coi việc ấy là việc gì?
– Không nên, chú muốn cháu đi xuống Bạc Liêu ở chơi ít bữa rồi chú sẽ tỏ hết việc đó cho cháu hiểu.
– Cháu mắc làm việc, cháu đi không được.
– Xin phép, cháu xin phép nghỉ một tuần hoặc mươi bữa mà đi với chú.
Xuân dụ dự. Triều vui vẻ nói lớn:
– Ừ, được đa Xuân. Moa mời vợ chồng Quan đi nữa. Hai người xin phép một tuần lễ rồi đi với moa. Sáng mai xin phép đi, moa ở nhà moa chờ.
Cô Quế nói:
– Nếu anh Xuân chịu đi thì vợ chồng em đi. Em đem hai đứa nhỏ theo đặng đo với con anh Triều chơi.
Quan nói:
– Phần tôi chắc sẽ xin phép được.
Triều thôi thúc:
– Kìa Xuân, vợ chồng Quan chịu rồi kìa. Toa xuống dưới rồi đi Cà Mau xem sở đất của toa hồi trước. Nè sở đất đó mấy năm nay em Quyên lãnh lo khai phá, mùa nầy cấy lúa giáp hết, tốt lắm toa ơi, toa xuống toa coi.
Cô Quyên coi bộ tự đắc nên ngó ngay Xuân mà cười.
Ông Tệt tiếp luôn:
– Con Quyên không có học Bác vật canh nông gì hết, mà nó làm coi cũng được. Lúc nầy lúa đương nở, cháu Xuân xuống coi, như phải đào mương đắp đập gì thì chỉ giùm cho nó.
Cô Quế xen vào:
– Cháu ham ruộng lắm. Xin phép đặng đi chơi, anh Xuân; đi xuống coi ruộng cô Quyên chơi mà.
Cô Quyên nói:
– Nếu được anh Xuân, anh Quan, chị Quế xuống ruộng của em mà chơi thì em mừng lắm.
Hết thảy đều áp vô đốc Xuân, làm cho Xuân không thể nào cáo thối được, nên hứa sáng mai sẽ xin phép mà đi.
Ai nấy đều vui vẻ bàn luận cuộc hành trình. Triều hứa sẽ ở chờ Xuân với Quan xin phép đặng đi một lượt. Tính chừng đi thì cô Quế sẽ đi xe lớn của Triều, còn Quan, Xuân, Triều sẽ đi xe nhỏ của Quan đặng dọc đường nói chuyện chơi cho vui.
Ăn uống bàn luận đến mười giờ mới mãn tiệc.
[1] tên một giống lúa được trồng rất nhiều ở miền Nam
[2] khơi màu, gợi
[3] thời kỳ lúa hết đâm chồi mới