Robinson Crusoe - Chương 13

Anh chàng là một thanh niên cao lớn, chững chạc, khoảng hai mươi lăm tuổi, người rắn rỏi, chân tay béo lẳn, nhanh nhẹn và có sức lực. Dáng điệu hùng dũng không có vẻ nanh ác; nhất là khi anh cười, ta có thể thấy ở anh những nét dịu hiền và sắc sảo riêng. Tóc anh không xoắn, đen và dài, trán to và cao vượt lên, đôi mắt sáng đầy nhiệt tình. Nước da bánh mật chứ không đen, không giống cái màu rám nắng của những người ở Bra-din và ở Viếc-gi-ni. Mặt thì tròn với một cái mũi rất đẹp, miệng khá xinh, đôi môi mỏng, hai hàm răng đều và trắng như ngà. Chợp mắt được chừng nửa giờ đồng hồ, anh ta tỉnh dậy và ra khỏi động đá để đi tìm tôi, bởi vì trong lúc anh ngủ thì tôi đi vắt sữa dê ở trại chăn nuôi gần đó. Anh ta chạy lại gần tôi, làm đủ thứ cử chỉ và dấu hiệu để tỏ lòng biết ơn rất chân thành và để nguyện suốt đời sẽ trung thành với tôi. Tôi cố gắng hiểu được một số dấu hiệu đó và tôi cũng tìm hết cách làm cho anh hiểu rằng tôi rất vui mừng được gặp anh. Một lát sau, chúng tôi thử nói chuyện với nhau. Trước hết tôi bảo anh lấy tên là “Thứ sáu” để ghi nhớ ngày gặp gỡ. Tôi lại bày cho anh biết gọi tôi là “ông chủ”, biết trả lời “có” và “không” cho đúng lúc. Sau đó, tôi đưa cho anh một bình sữa. Tôi uống sữa trước và nhúng bánh vào sữa mà ăn; anh ta bắt chước tôi và ra hiệu tỏ ý là ăn như thế cũng ngon. Tôi lại dẫn anh trèo lên núi để xem kẻ thù của anh đã rút chưa. Qua kính viễn vọng chúng tôi không thấy một bóng người hoặc xuồng nào nữa. Quả là họ đã lên xuồng trở về cả rồi. Chưa thật thỏa mãn, và nhất là bây giờ, tôi đã mạnh dạn hơn nên cũng muốn biết rõ hơn, tôi cùng Thứ sáu đi tới chốn pháp trường đó. Thứ sáu cầm thanh mă tấu, vai đeo cung tên. Tôi đưa thêm cho anh một khẩu súng hỏa mai, còn tôi mang hai khẩu; cứ thế chúng tôi lên đường. Tới nơi, tôi lại được chứng kiến những dấu vết của một cuộc hành hình tàn bạo làm cho tôi rùng mình sởn gáy.
Nhưng Thứ sáu thì hình như vẫn có vẻ dửng dưng. Anh ta dùng dấu hiệu để nói cho tôi biết rằng kẻ thù của anh đem đến đây bốn tù binh để tế những người chết trận; họ đã giết chết ba người, và đến anh là người thứ tư. Vừa mới có một trận đánh nhau dữ dội giữa họ và bộ lạc của anh. Hai bên đều bắt được rất nhiều quân lính của nhau và bên nào cũng có một số tù binh phải chịu số phận không may như thế. Chôn cất xong những xác chết, chúng tôi trở về “lâu đài”, tôi lo việc sắm quần áo mới cho Thứ sáu. Trước hết tôi đưa cho anh một cái quần đùi bằng vải to sợi, tìm thấy trong một cái hòm của thủy thủ mới giạt vào, chữa lại một tí thì cũng vừa khéo với anh. Tôi lại nhường cho anh một cái áo cánh bằng da dê đã may sẵn cũng tươm. Tôi lại trổ tài may cắt nửa mùa ra mà khâu thêm cho anh một cái mũ bằng da thỏ rừng, trông cũng tàm tạm được. Thứ sáu tỏ vẻ vui thích thấy mình cũng oai vệ gần bằng ông chủ, mặc dầu mới đầu cũng hơi có vẻ lúng túng trong bộ quần áo chưa mặc quen. Cái quần đùi hơi chật làm anh vướng víu, hai ống tay áo da đã làm xây xát cả vai và bên dưới nách anh. Thế là phải nới rộng ra để anh mặc áo quần mới cho dễ chịu hơn và quen dần.

Ngày hôm sau, tôi ngồi suy tính xem nên để cho người giúp việc mới này ở vào nơi nào, vừa tiện cho anh mà tôi cũng đỡ phải lo ngại nếu muôn một anh còn có chút ác ý nào đối với tôi. Tôi thấy tốt nhất là dựng cho anh ta một cái lều vào quãng giữa hai chỗ ở của tôi. Cẩn thận hơn, tôi còn tìm cách ngăn không để cho anh tự tiện lại chỗ lâu đài của tôi và tối nào tôi cũng đem cất hết khí giới vào trong nhà. May mắn sao tất cả những điều lo lắng đó đều thừa! Chưa bao giờ tôi có được một người giúp việc thật thà và giàu tình cảm như Thứ sáu! Anh ta cứ quấn quít lấy tôi, trìu mến như con với cha. Anh không lố lăng, không bướng bỉnh, không hề nóng giận và luôn luôn tỏ ra rằng bất cứ trường hợp nào, anh cũng có thể há sinh tính mạng để cứu tôi khỏi cơn nguy biến. Chỉ một thời gian ngắn mà anh đã nhiều lần tỏ cho tôi biết rõ như thế cho nên tôi không còn lòng dạ nào nghi ngờ lòng tốt của anh được. Những mánh khóe giữ miếng của tôi đối với anh ta quả là vô ích. Tôi tự đặt ình một nhiệm vụ quan trọng là dạy cho anh hiểu và biết nói tiếng Anh. Thứ sáu quả là người học trò tốt nhất thế giới. Anh tỏ vẻ vô cùng vui sướng khi nghe hiểu tiếng tôi nói hoặc đã tìm được cách làm cho tôi nghe hiểu anh. Anh cũng đã truyền cảm sang tôi tất cả nỗi vui sướng ấy, thành ra mỗi lúc nói chuyện với nhau, hai chúng tôi thật là êm đẹp và tôi tưởng có thể sống như thế suốt đời ở đây miễn là những người thổ dân hung bạo kia đừng có đến quấy nhiễu tôi nữa. Tôi hỏi Thứ sáu rất nhiều về địa phương, dân cư, biển, bờ biển ở đó và xung quanh. Anh trả lời cho tôi rất rõ ràng tất cả những điều anh biết mà anh có thể nói lên được. Nhưng tôi hỏi đi hỏi lại nhiều lần về những thổ dân ở quanh đó mà anh ta vẫn không trả lời được cho tôi ngoài vẻn vẹn hai tiếng “Ca-ríp” mà tôi đoán là những người ở đảo Ca-ra-íp. Theo bản đồ thì những hòn đảo này ở về bờ biển châu Mỹ, chạy dài từ cửa sông s-rê-nốc-cơ cho tới xứ Guy-an và Thánh Mác-tơ.

Anh còn cho biết thêm rằng ở rất xa, xa lắm, về phía sau mặt trăng (ý nói phía mặt trăng lặn, như thế là phía tây xứ anh ở) cũng có những người da trắng và rậm râu như tôi, và những người ấy đã giết “đông nhiều người” (đó là cách nói riêng của anh). ý chừng anh muốn nói tới những thực dân người Tây-ban-nha khét tiếng hung ác đã gây ra một mối thâm thù truyền kiếp trong nhân dân vùng đó đối với người da trắng. Tôi lại hỏi ý kiến anh xem có thể làm thế nào đến được chỗ những người da trắng đó bằng hai chiếc xuồng. Sau đó, tôi mới vỡ lẽ ra rằng anh muốn nói là một chiếc xuồng to gấp đôi chiếc xuồng thường của những người thổ dân. Buổi nói chuyện này làm cho tôi phấn khởi biết bao! Nó tăng thêm cho tôi há vọng một ngày không xa sẽ có thể ra khỏi hòn đảo. Trong việc này, tôi rất có thể trông mong nhiều ở sự giúp đỡ của người giúp việc mới rất trung thành này. Tâm hồn tôi khoan khoái lạ lùng; từ ngày gặp Thứ sáu, tôi đã sống một cuộc đời chứa chan hạnh phúc luôn ba năm trời trên đảo. Từ khi hai chúng tôi có thể nói chuyện với nhau được, tôi kể cho anh nghe cuộc đời chìm nổi của tôi. Tôi giảng cho anh hiểu cái “phép lạ” của súng đạn, và bày cho anh cách bắn. Tôi đưa cho anh dùng một con dao mà anh hằng ao ước. Tôi lại làm cho anh một cái thắt lưng có cái bao dao đeo lủng lẳng.

Nhưng Thứ sáu lại dùng để đeo một cái búa, vì trên thực tế búa có nhiều công dụng hơn. Thỉnh thoảng, tôi vẽ bản đồ và nói cho anh hiểu về thế giới, về châu âu và nhất là về nước Anh, tổ quốc của tôi. Tôi cũng không quên chỉ trên bản đồ vị trí hòn đảo này và xứ anh ở. Anh tỏ vẻ ngạc nhiên sao tôi chưa đi đến đó bao giờ mà lại vẽ được như thế. Tôi còn dẫn anh đi xem chiếc xuồng đã trôi giạt lên đây sau khi tôi thoát khỏi cơn bão. Bây giờ nó chỉ còn là một cái xác trơ trọi mục nát nằm trên cát. Vừa nhìn thấy chiếc xuồng, anh có vẻ suy nghĩ, nét mặt ngạc nhiên, không hé môi nói một tiếng. Tôi hỏi anh vì sao lại có vẻ trầm ngâm như thế thì anh trả lời: “Tôi đã thấy chiếc xuồng như thế này ở quê hương tôi”. Anh lại làm một số cử chỉ khác để giải thích cho rõ thêm. Tôi phải suy nghĩ một lúc lâu mới hiểu được anh định nói gì. Nhận xét kỹ hơn nữa, tôi mới đoán ra rằng anh muốn nói cho tôi biết có một chiếc xuồng giống như thế bị băo đánh trôi giạt lên bờ biển ở quê hương anh. Tôi kết luận có lẽ có một chiếc tàu nào đó của người âu đã bị bão đắm ở phía bờ biển ấy và gió đã giật tung chiếc xuồng rồi thổi giạt vào bãi cát. Tôi bèn bảo anh tả lại chiếc xuồng. Anh tả lại cũng khá đúng và nói tiếp: “Chúng tôi đã cứu những người da trắng khỏi chết đuối”. Tôi hỏi lại anh xem có còn người da trắng nào trong xuồng không? Anh trả lời: “Có, xuồng đầy những người da trắng”. Vừa đếm trên đầu ngón tay, anh nói cho tôi biết có đến mười bảy người trên xuồng; hiện nay họ đều ở lại quê hương anh.

Câu chuyện trên đây của anh đã khiến tôi suy nghĩ nhiều. Sau một thời gian khá lâu, một hôm chúng tôi trèo lên trên đỉnh ngọn đồi ở phía đông. Đứng ở đó, như tôi đã có dịp nói đến, nếu trời trong sáng thì có thể thấy bờ đất liền bên kia. Nhìn kỹ về phía ấy. Thứ sáu có vẻ hí hửng lắm, reo lên và nhảy nhót tung tăng. Tôi ngạc nhiên hỏi anh duyên cớ. Anh gào thật to lên:
-Sung sướng quá! Vui thích quá! Kia kìa, quê hương tôi! Đó là đồng bào tôi. Niềm vui sướng hiện lên rõ rệt trên vẻ mặt anh ta. Trong đôi mắt sáng ngời của anh như bừng lên một ước muốn rất mãnh liệt là sẽ được trở về quê hương với đồng bào. Vừa thoáng thấy vẻ mặt của anh, tôi lại có chút không an tâm. Tôi tin chắc rằng nếu có dịp tốt thể nào anh cũng quên hết những điều đã học được ở đây, quên cả trách nhiệm của anh đối với tôi mà bỏ tôi để sang bờ biển phía bên kia, nơi chôn rau cắt rốn. Kể ra thì cũng rất chính đáng: vào địa vị anh thì tôi cũng không ngại gì mà không bỏ đi. Nhưng tôi chỉ sợ khi gặp bà con họ hàng, vui câu chuyện, anh sẽ kể lại cho họ nghe hết mọi điều về tôi, về cảnh sống đơn độc, về “phép lạ” của súng đạn mà bây giờ không còn lạ đối với anh nữa. Đến nước ấy thì liệu tôi có còn được yên thân nữa không? Nhưng quả tôi đã ngờ oan cho con người trung thực ấy. Về sau tôi lấy làm ân hận và hổ thẹn với lương tâm vô cùng. Tuy nhiên, trong suốt mấy tuần lễ phấp phỏng như thế, tôi có vẻ giữ gìn và ít tỏ thái độ âu yếm đối với anh. ấy thế nhưng chính hồi đó, anh chàng thổ dân trung thành ấy lại tỏ ra đã có một tâm hồn rất cao thượng.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ