Hai Số Phận - Chương 12

Tháng chín 1923, William trở lại học năm cuối cùng ở trường St. Paul và được bầu làm chủ tịch lớp lớn, đúng ba mươi năm sau khi bố anh cũng đã giữ chức đó. Nhưng William không phải được bầu lên theo cách thông thường hoặc do được coi là học sinh nổi tiếng nhất trong trường. Nếu theo những tiêu chuẩn ấy thì Matthew Lester, bạn thân nhất của anh, sẽ đánh bại anh bất cứ cuộc thi nào. Nhưng William lại là một anh chàng gây nhiều ấn tượng nhất trong trường và về mặt này thì Matthew Lester không thể đua với anh được. William đại diện cho trường St. Paul để thi lấy học bổng Haminton về môn toán ở trường đại học Harvard, và trong học kỳ cuối này anh quyết tâm đạt mục tiêu ấy.

Thời gian về nhà nghỉ nhân dịp lễ Giáng sinh, anh dành hết tâm trí vào việc nắm vững những nguyên lý về toán. Tuy nhiên điều đó cũng khó thực hiện vì người ta mời anh đến dự đủ thứ chiêu đãi và vũ hội. Anh khéo léo từ chối được một số cuộc, nhưng riêng có một cuộc anh không trốn nổi, đó là vũ hội do các cụ bà chủ trương làm ở ngôi nhà đỏ trên quảng trường Louisburg. William nghĩ không biết đến tuổi nào anh mới có quyền quyết định được, không để cho các cụ dùng ngôi nhà này vào việc như thế. Anh biết là bây giờ chưa đến lúc, vả lại có như vậy thì những người làm trong nhà mới có việc làm. Anh chỉ có rất ít bạn thân Boston, và điều đó không ngăn nổi các cụ bầy ra một danh sách dài dằng dặc những khách mời.

Để kỷ niệm dịp này, các cụ tặng William một bộ áo lễ phục kiểu mới có hai lần ngực. Anh nhận tặng phẩm ấy với một vẻ không nồng nhiệt lắm, nhưng rồi cũng về phòng ngủ đóng bộ lên người và đi lại nhìn ngắm trong gương.

Hôm sau anh gọi điện thoại đường dài đi New York mời Matthew Lester về dự. Cô em Matthew cũng muốn đi theo nhưng mẹ cô bảo là không tiện, nên lại thôi.

William ra ga đón bạn.

– Nào, cậu thử nghĩ xem, – Matthew ngồi trên xe về đồi Beacon nói với William, – chẳng phải là đã đến lúc cậu phải có quan hệ trai gái rồi hay sao? Có lẽ ở Boston không có cô nào ra hồn ư?

– Sao cậu đã có cô nào rồi đấy, Matthew?

– Rồi chứ, từ mùa đông năm ngoái ở New York cơ.

– Lúc đó mình làm gì nhỉ?

– Có lẽ cậu đang mơ làm Bertrand Russell (nhà triết học, toán học kiêm nhà văn Anh 1872-1970, tác giả của cuốn Nguyên lý Toán học, giải thưởng Nobel văn học 1950)

– Thế mà cậu chả bảo gì cho mình biết.

– Có gì đâu mà nói. Thực ra, mình như cậu nghĩ nhiều đến ngân hàng của ông bố mình hơn là chuyện tình của mình. Chuyện xảy ra tại một cuộc chiêu đãi của bố mình kỷ niệm ngày sinh Washington. Hôm đó có thể nói mình bị một trong những thư ký giám đốc đè ra hiếp. Đó là một bà rất to lớn có tên là Cynthia, có bộ ngực đồ sộ núng nính đến mức…

– Cậu có thích không chứ?

– Có, nhưng mình không tin rằng bà ta cũng thích. Bà ta quá say rượu nên không biết có mình ở đó. Vả lại, mình nghĩ rồi cũng phải bắt đầu ở chỗ nào đó, trong khi ấy thì bà ta tự nguyện giúp cho con ông chủ được biết mùi đời kia mà.

Trong óc William chợt hiện lên hình ảnh bà thư ký trung niên đứng đắn của Alan Lloyd anh gặp hôm trước.

– Mình không nghĩ là sẽ có cái may mắn được bà thư ký của Chủ tịch dạy cho những bài học đầu tiên ấy, – anh nói.

Matthew ra điều hiểu biết:

– Rồi cậu sẽ ngạc nhiên thấy rằng chính những người đàn bà có vẻ đứng đắn nghiêm túc lại là những người dễ dàng lăn vào vòng tay mình hơn cả. Bây giờ thì mình sẵn sàng nhận mọi lời mời, dù là chính thức hay không chính thức, mà cũng chả cần phải ăn mặc chỉnh tề nữa.

Cất xe vào rồi, hai người bước lên ngôi nhà bây giờ là của William.

– Cậu đã thay đổi nhiều rồi đấy nhỉ, – Matthew nhìn bộ bàn ghế mới bằng song mây và giấy hoa mới dán trên tường. Chỉ có chiếc da màu đỏ sẫm vẫn đâu ở nguyên đấy.

– Chỗ này cũng cần sáng sủa lên một chút, – William nói. – Trước đây cứ như sống trong thời kỳ đồ đá. Vả lại, mình không muốn để gợi lại những… Nhưng thôi, bây giờ không phải lúc nói về trang trí nội thất.

– Bao giờ thì mọi người sẽ đến dự cuộc chiêu đãi này?

– Vũ hội đấy, Matthew. Các cụ cứ nhất định phải gọi đây là vũ hội.

– Trong những dịp này chỉ có một thứ có thể gọi là vũ hội được thôi.

– Matthew, cậu chỉ mới biết đến một thư ký của giám đốc thôi mà đã tưởng mình có quyền lên lớp thiên hạ về tình dục sao?

– Ôi, cậu ghen tỵ đấy à? Thôi đi anh bạn ơi, – Matthew thở dài chế nhạo.

William cười và nhìn đồng hồ tay.

– Trong vài giờ nữa, người khách đầu tiên sẽ tới. Bây giờ cậu hãy đi tắm rửa thay quần áo đã. Cậu có nhớ mang theo lễ phục đấy không?

– Có, nhưng nếu không thì mình mặc bộ quần áo ngủ cũng được chứ sao. Mình thường hay quên thứ này hoặc thứ kia, nhưng cả hai thứ thì không bao giờ, dù muốn quên cũng không được. Thực ra, nếu mình mặc quần áo ngủ ra dự vũ hội thì có thể sẽ làm mọi người buồn cười lắm nhỉ.

– Các cụ nhà mình chả thích đùa thế đâu, – William nói.

Sáu giờ, những người phục vụ chiêu đãi lục tục đến. Họ có tất cả hai mươi ba người. Bây giờ, các cụ đến, trịnh trọng trong bộ đồ bằng ren đen kéo dài chấm đất. Vài phút trước tám giờ, William và Matthew đến với các cụ ở phòng tiền sảnh.

William định nhặt một quả anh đào trên chiếc bánh gatô rất đẹp ở giữa bàn thì có tiếng bà nội Kane ở sau lưng.

– Cháu đừng đụng vào đấy, William, không phải dành cho cháu đâu.

Anh quay ngoắt người lại.

– Vậy thì dành cho ai? – Anh hỏi và hôn lên má bà nội.

– Đừng lôi thôi William. Đừng tưởng lớn thế rồi mà bà không cho mấy cái phát vào đít được đâu.

– Bà nội ơi, cháu xin được giới thiệu đây là Matthew Lester, bạn thân nhất của cháu.

Bà nội Kane giương mục kỉnh lên ngắm nhìn anh ta một lát rồi nói:

– Chào cháu.

– Cháu vinh dự được gặp bà, bà Kane. Cháu tin là bà có biết ông cháu.

– Biết ông cháu ư? Caleb Longworth Lester ư? Trước đây hơn năm mươi năm, ông ấy đã từng hỏi lấy bà nhưng bà từ chối. Bà bảo là ông ấy uống rượu quá nhiều, và như thế thì sẽ chết sớm đấy. Quả đúng như bà nói. Vậy hai cháu đừng có uống rượu nhé. Nhớ đấy, rượu làm cho người ta ngu muội đi.

– Chúng cháu chẳng dám phạm luật đâu (từ năm 1920 đến 1933, ở Mỹ có luật cấm sản xuất và mua bán rượu) – Matthew ra vẻ ngây thơ nói.

– Nhưng rồi chẳng bao lâu nữa luật sẽ mất giá trị, – bà Kane nói. – Tổng thống Coolidge đã quên mất những ngày thơ ấu của ông ta rồi. Nếu như cái ông ngốc Harding ấy không chết một cách dại dột thì ông Coolidge này cũng chẳng bao giờ làm Tổng thống được.

William cười.

– Ôi, bà nhớ giỏi thật đấy. Trong cả thời gian cảnh sát đình công, có ai nói gì đến ông ta đâu.

Bà Kane không bắt chuyện nữa.

Khách mời đã đến dần. Rất nhiều trong số họ hoàn toàn xa lạ với chủ nhà.

Mấy bà cháu vui mừng thấy Alan Lloyd đến sớm.

– Trông anh khá lắm William, – Alan lần đầu tiên ngắm kỹ anh và nói.

– Ông cũng thế. Ông đến thật là quý hóa.

– Quý hóa ư? Anh quên rằng giấy mời là của cả hai cụ à? Nếu là một cụ thôi thì tôi có thể lấy hết can đảm từ chối, nhưng cả hai cụ thì…

– Ông cũng thế à? – William cười. – Tôi muốn nói riêng với ông một câu được không? – Anh kéo ông Alan ra một góc. – Tôi muốn có chút thay đổi trong kế hoạch đầu tư, bắt đầu mua chứng khoán của ngân hàng Lester khi nào nó được tung ra thị trường. Tôi muốn là đến khi nào đủ hai mươi mốt tuổi thì đã có 5 phần trăm cổ phiếu trong ngân hàng của họ rồi.

– Không dễ thế đâu, – Alan nói. – Chứng khoán Lester không thấy mấy khi xuất hiện trên thị trường, vì nó đều nằm trong tay tư nhân cả. Nhưng để tôi xem có thể làm gì được không. Tại sao anh lại nghĩ thế, William?

– Mục đích thật sự của tôi là…

– William, – bà ngoại Cabot bỗng đến bên cạnh. – Cháu âm mưu cái gì với Lloyd ở đây thế? Bà chưa thấy cháu ra nhảy với một cô nào cả. Vậy cháu tưởng bà tổ chức ra cái vũ hội này để làm gì?

– Bà nói đúng đấy, – Alan Lloyd nói và đứng dậy. – Mời bà ngồi xuống đây với tôi, bà Cabot, để tôi tống cái cậu này ra ngoài kia. Chúng ta ngồi đây nhỉ, xem cậu ta nhảy, và nghe nhạc vậy.

– Nhạc? Đây không phải là nhạc, Alan. Chỉ toàn những tiếng loảng xoảng inh tai mà không có chút giai điệu nào hết.

– Ôi, bà ngoại yêu quý ơi, – William nói, – đây là bài hát nổi tiếng mới nhất, bài “Chúng ta không có chuối” đấy.

Bà ngoại Cabot nhăn nhó:

– Nếu vậy thì đã đến lúc bà từ giã cõi đời này rồi.

– Không bao giờ đâu thưa bà, – Alan Lloyd đỡ lời.

William ra nhảy với vài cô gái mà anh nhớ mang máng là đã gặp ở đâu và không nhớ tên. Trông thấy Matthew ngồi ở góc phòng, anh tìm cớ thoát khỏi sàn nhảu và ra đó. Đến tận nơi anh mới để ý thấy bên cạnh Matthew có một cô gái. Thấy cô ta ngẩng lên nhìn mình, William tưởng như mình đến rủn cả người.

– Cậu biết Abby Blount chứ? – Matthew chợt hỏi.

– Không, – William đáp, tay chỉnh lại chiếc ca vát cho ngay ngắn.

– Đây là chủ nhà của em, ông William Lowell Kane.

William ngồi xuống ghế bên cạnh cô gái. Cô ta nhìn theo anh ngồi xuống, vẻ mặt nghiêm nghị. Matthew đã chú ý đến cái nhìn của William đối với Abby. Anh ta bỏ ra chỗ khác tìm nước quả uống.

– Suốt đời tôi ở Boston mà sao chưa gặp cô bao giờ nhỉ?

– Chúng đã gặp nhau một lần rồi. Cái hồi anh đẩy tôi xuống ao ở gần Nhà thị chính ấy. Lúc đó chúng tôi có ba đứa mà. Phải mất mười bốn năm tôi mới hoàn hồn đấy.

– Tôi xin lỗi, – William lặng người đi một lúc rồi mới nói lên được. Anh không nghĩ ra câu gì để đáp lại cô ta.

– Anh có ngôi nhà đẹp lắm, William.

– Cám ơn.

Anh lại ngồi im rồi khẽ đáp. Anh liếc nhìn sang Abby, làm ra vẻ như mình không để ý lắm. Cô ta mảnh dẻ, có đôi mắt nâu và to, lông mi dài cong, có nét nhìn nghiêng rất hấp dẫn đối với William. Abby buông thõng mớ tóc hung xuống theo một kiểu mà xưa nay William vốn không thích.

– Matthew bảo em là sang năm tới anh vào Harvard, – cô ta gợi chuyện.

– Đúng đấy. Cô muốn nhảy không?

– Cám ơn, – cô ta nói.

Những bước chân của anh lúc nãy thoải mái mà bây giờ sao ngượng ngùng thế nào ấy. Anh giẫm cả lên chân cô ta và đưa cô ta đụng vào những người khác. Anh xin lỗi. Cô ta mỉm cười. Anh ôm cô ta lại sát người, rồi cả hai người lại tiếp tục nhảy.

– Bà có biết cái cô ta kia suốt từ nãy chỉ có nhảy với William không? – bà ngoại Cabot nghi ngờ hỏi.

Bà nội Kane gương mục kỉnh lên nhìn cô gái đang nhảy cùng với William lúc này đi ra ngoài bãi cỏ.

– Abby Blount, – bà Kane nói.

– Tức là cô cháu gái của Đô Đốc Blount ấy ư? – bà ngoại Cabot hỏi.

– Đúng thế.

Bà ngoại Cabot gật đầu có vẻ hài lòng.

William đưa Abby Blount ra tận góc vườn, đứng lại dưới gốc một cây hạt dẻ to ngày xưa anh hay trèo lên đó.

– Lần đầu gặp một cô gái nào anh cũng định hôn cô ta hay sao? – Abby hỏi.

– Nói thật tình là anh chưa bao giờ hôn một cô gái nào, – William đáp.

– Thế thì em hân hạnh quá. – Abby cười.

Cô ta giơ một bên má hồng cho anh hôn, rồi đến đôi môi mọng đỏ. Liền sau đó đòi anh quay trở vào trong nhà. Hai cụ bà theo dõi thấy họ quay vào sớm yên tâm.

Tối hôm đó về phòng ngủ của William, hai anh chàng thanh niên ngồi bàn tán về chuyện vừa qua.

– Cuộc chiêu đãi không đến nỗi nào. – Matthew nói. – Cũng bõ công mình đi từ New York về cái tỉnh lẻ này, và mặc dầu cậu đã hớt tay trên cô gái của mình.

– Thế cậu tưởng cô ta giúp cho mình mất trinh hay sao? – William hỏi lại, không để ý đến lời trách đùa của Matthew.

– Dù sao cậu cũng có ba tuần lễ để tìm hiểu, nhưng mình e rằng cậu sẽ phát hiện ra cô ta cũng chưa mất trinh, – Matthew nói. – Theo hiểu biết chuyên môn của mình là như thế. Mình đánh cuộc năm đôla với cậu là cô ta không đổ trước những lời tán tỉnh của William Lowell Kane.

William tính một kế hoạch cẩn thận. Anh nghĩ mất trinh là một chuyện, còn mất năm đôla với Matthew lại là chuyện khác. Sau vũ hội, hầu như ngày nào anh cũng gặp Abby Blount, nhân tiện có ngôi nhà riêng của mình và có xe. Anh bắt đầu cảm thấy giá như không có bố mẹ Abby theo dõi và kín đáo kiểm soát cô con gái thì họat động của anh đã khá hơn rồi. Cho đến ngày cuối cùng hết hạn nghỉ hè, anh cũng thấy mình chẳng đến gần được mục tiêu hơn chút nào.

Quyết tâm thắng cuộc và lấy năm đôla, hôm đó William gửi đến cho Abby một bó hoa hồng từ sáng sớm, rồi đến tối rủ cô ta đi ăn ở nhà hàng Joseph và cuối cùng kéo được cô ta về phòng mình.

– Anh làm sao lại có được chai whisky như thế này? Cấm rượu kia mà? – Abby hỏi.

– Ô, có khó gì lắm đâu, – William khoe.

Thực ra đó là anh đã giấu được một chai rượu buốc bông của Henry Osborne ngay sau khi anh ta rời ngôi nhà này ra đi, và William lấy làm may mà còn giữ đến hôm nay chứ không uống hết.

William rót rượu ra uống. Rượu làm anh suýt sặc và làm Abby chảy cả nước mắt.

Anh ngồi xuống bên cạnh cô ta, quàng tay qua vai. Cô ngả người theo.

Cô ta nhìn anh tha thiết, đôi mắt nâu mở to.

– Ôi William, em nghĩ anh cũng hay lắm, – cô ta vưa thở vừa nói.

Khuôn mặt như búp bê của cô khiến anh không cưỡng nổi. Cô ta để cho anh hôn. Rồi mạnh bạo hơn, William đưa bàn tay lần theo cổ tay của cô lên ngực và dừng lại ở đó như cảnh sát giao thông dừng một đoàn xe vẫy. Bỗng cô ta đỏ mặt không bằng lòng và đẩy tay anh xuống, để cho giao thông tiếp tục bình thường.

– William, anh không nên làm thế.

– Tại sao không? – William nói, vẫn cứ cố ôm chặt lấy cô.

– Vì anh không thể biết được nó sẽ kết thúc như thế nào.

– Anh có một ý kiến này hay lắm.

Nhưng trước khi anh nói được câu gì thì Abby đã đẩy lùi anh ra và vội đứng dậy vuốt lại áo.

– Thôi, có lẽ em về nhà đây, William.

– Em vừa mới đến mà.

– Mẹ sẽ hỏi em làm gì ở đây.

– Thì em bảo là không làm gì cả.

– Đúng thế, tốt hơn là không làm gì cả, – cô ta tiếp lời.

– Nhưng ngày mai anh về rồi, – Anh tránh không nói là về trường.

– Vậy anh có thể viết thư cho em, William.

Không giống như Valentino, William biết là khi nào mình thất bại. Anh đứng dậy, chỉnh lại ca vát, cầm tay Abby rồi lái xe đưa cô về nhà.

Hôm sau, trở lại trường, Matthew Lester nhận của William tờ bạc năm đôla và ngạc nhiên nghe anh nói:

– Cậu mà nói thêm câu gì nữa Matthew, là mình sẽ dùng cây gậy dã cầu đánh đuổi cậu chạy quanh trường cho mà coi.

– Mình chả nghĩ ra câu gì mà nói được, trừ mỗi điều là tỏ ra thông cảm với cậu thôi.

– Matthew, cậu chết với mình nhé.

* * *

Trong học kỳ cuối năm ở St. Paul, William bắt đầu để ý đến bà vợ ông chủ nhà chỗ anh ở. Bà ta trông khá đẹp, chỉ có bụng và mông hơi xệ, nhưng bà ta giữ được bộ ngực tuyệt vời và bộ tóc đen sum suê trên đầu chỉ mới có vài sợi bạc. Một hôm vào thứ bảy, nhân William bị trẹo tay ở sau trận khúc côn cầu về, bà Raglan lấy băng mát ra bó tay cho anh. Bà ta đứng gần hơn mức cần thiết, để tay William cọ vào ngực. Anh thấy cảm giác dễ chịu lắm. Rồi một dịp khác anh bị sốt phải nằm trong trạm xá mấy ngày, bà ta đích thân đem thức ăn đến cho anh. Bà ta ngồi ngay trên giường của anh, người bà cọ vào chân anh qua lần vải mỏng. Anh cũng lấy thế làm thích.

Người ta đồn bà ta là vợ thứ hai của ông Raglan. Trong cả ngôi nhà ấy, không ai cho là ông Raglan có thể chịu nổi một vợ chứ đừng nói đến hai. Thỉnh thoảng bà Raglan bằng những cái thở dài và bằng im lặng của mình, cho thấy là số phận của bà chẳng sung sướng gì.

Với nhiệm vụ trưởng nhà, mỗi tối vào lúc mười rưỡi là Willam phải đến báo cáo cho ông Raglan biết là anh đã tắt hết đèn và chuẩn bị đi ngủ. Tối hôm thứ hai lúc gõ cửa buồng ông Raglan như mọi lần, anh ngạc nhiên nghe thấy chỉ có tiếng gõ cửa và tiếng bà Raglan gọi anh vào. Bà ta đang nằm trên chiếc ghế dài và mặc chiếc áo khoác ngoài bằng lụa giống như kiểu áo Nhật.

William nắm tay núm cửa nói:

– Đèn tắt hết rồi, và tôi cũng đã khóa cửa ngoài. Bà Raglan, chúc bà ngủ ngon.

Bà ta thả hai chân xuống đất, thoáng để lộ đùi trần dưới làn áo lụa.

– Sao anh vội thế, Willam. Lúc nào cũng vội vã khổ sở. – Bà bước ra gần bàn nói. – Sao anh không nán lại một lúc, uống sôcôla nóng với tôi đi. Tôi thật dở quá, lại đi làm hai cốc, mà quên mất là ông Raglan phải đến thứ bảy mới về.

Bà ta nhấn mạnh vào chữ thứ bảy. Bà đem một cốc còn đang nóng bốc hơi đến và ngước nhìn lên xem câu nói của mình có tác động gì đến anh không. Bà ta đưa cốc cho anh với vẻ thỏa mãn, để tay mình chạm vào tay anh. Anh lấy thìa ngoáy cốc sôcôla nóng.

– Ông Gerald nhà tôi đi họp hội nghị – bà ta giải thích. Lần đầu tiên anh nghe nói đến tên tục của ông Raglan. – Anh ra đóng cửa đi, William, rồi vào đây ngồi với tôi.

William ngập ngừng. Anh ra đóng cửa, nhưng không dám ngồi xuống chiếc ghế của ông Raglan, cũng không dám ngồi xuống bên bà ta. Sau anh quyết định dù sao ngồi ghế của ông Raglan cũng đỡ hơn. Anh bước ra phía đó. – Không, không, – bà ta vừa nói vừa vỗ vào chỗ bên cạnh mình.

William quay lại từ từ ngồi xuống đó, mắt nhìn vào cốc nước để xem đối phó thế nào. Anh uống ực một hơi, bỏng cả lưỡi. Thấy bà Raglan đứng dậy, anh nhẹ người. Bà ta lại rót thêm vào cốc anh, mặc cho anh từ chối, rồi nhẹ nhàng ra góc phòng, lên dây cót chiếc máy hát và cho chạy đĩa hát. Lúc bà ta quay lại anh vẫn còn đang nhìn xuống đất.

– Chẳng lẽ anh để cho phụ nữ nhảy một mình sao William?

Anh nhìn lên. Bà Raglan lắc lư theo điệu nhạc. William đứng dậy giơ tay ôm lấy bà nhưng để khoảng cách thật xa. Giá có ông Raglan ở đây mà đứng chen vào giữa cũng còn đủ chỗ. Sau vài nhịp thì bà ta nhích lại gần William hơn. Tay bà từ từ để tuột từ vai xuống lưng anh. Đĩa hát dừng lại, William nghĩ bụng thế là mình thoát và quay lại với cốc sôcôla nóng. Nhưng bà ta đã lộn mặt đĩa hát và trở về ngay trong vòng tay của anh.

– Bà Raglan ạ, tôi nghĩ có lẽ là…

– Yên trí đi, William.

Anh mạnh bạo nhìn thẳng vào mắt bà ta. Anh định nói với bà nữa nhưng không biết nói gì. Lúc này bà ta đã sờ lần khắp nơi trên lưng anh và anh cảm thấy đùi bà ta đã nhẹ nhàng cọ vào người mình. Anh chợt quàng tay ôm chặt lấy bà.

– Đấy, như thế tốt lắm, – bà ta nói.

Họ từ từ đi những bước vòng quanh căn phòng, mỗi lúc ghì chặt lấy nhau hơn. Cứ như thế từng bước một, từng bước một cho đến cuối đĩa hát. Lúc bà ta lui người để đi ra tắt đèn thì anh muốn bà ta quay lại ngay chỗ mình. Anh đứng trong chỗ tối, không cử động, lắng nghe tiếng lụa sột soạt và trông rõ thấy cả bóng người đang trút bỏ quần áo.

Đến lúc bà ta đến giúp William cởi quần áo của anh và đưa anh trở lại chiếc ghế dài thì bài hát cũng vừa hết, chỉ còn tiếng kim máy hát gại vào đĩa. Trong bóng tối, anh vụng về đưa tay sờ vào mấy chỗ trên cơ thể bà ta. Anh cảm thấy nó không đúng như anh đã tưởng tượng. Vừa sờ lên ngực bà ta, anh đã rụt tay lại. Anh bắt đầu có những cảm giác tưởng như trước đây nằm mơ cũng không có. Anh muốn rên lên thật to nhưng cố nhịn, không dám thốt ra một lời nào, sợ tỏ ra ngớ ngẩn quá chăng. Hai tay bà ta vẫn vòng lấy lưng anh và nhẹ nhàng kéo anh nằm đè lên mình.

William loay hoay không biết làm thế nào vừa để thực hiện được điều mong muốn vừa không tỏ ra mình thiếu kinh nghiệm. Anh thấy nó không dễ dàng như anh nghĩ, và càng loay hoay càng như vụng thêm. Một lát nữa, bà ta lại đưa tay luốn xuống dưới bụng anh, hướng dẫn anh hành động một cách thông thạo. Nhưng anh cũng lập tức rung mình rồi rủn cả người.

– Tôi xin lỗi, – William nói. Anh không biết làm gì tiếp theo, nhưng vẫn nằm yên trên bụng bà ta một lúc.

– Mai sẽ khá hơn, – bà ta nói.

Anh lại nghe thấy tiếng kim máy hát gại vào đĩa.

Suốt cả ngày hôm sau, lúc nào bà Raglan cũng hiện lên trong óc anh. Kết quả là đêm hôm đó bà ta đã thở dài khoan khoái. Sang đêm thứ tư, bà ta hổn hển. Đêm thứ năm, bà ta rên rỉ. Đêm thứ sáu, bà ta hét lên sung sướng.

Đến thứ bảy, ông Raglan đi hội họp về, thì lúc đó coi như William đã hoàn toàn những bài học của anh về môn ấy.

Đến cuối kỳ nghỉ lễ Phục sinh, thì Abby Blount coi như đã bị William chinh phục. Thế là Matthew mất năm đôla, còn Abby thì mất trinh. Theo bà Raglan nói thì đó chẳng qua là một hiện tượng không tránh khỏi. Trong suốt kỳ nghỉ chỉ có mỗi chuyện đó xảy ra thôi, vì Abby đã đi theo bố mẹ về nghỉ ở Palm Beach, còn William thì đóng cửa chúi đầu vào sách vở, chỉ thỉnh thoảng mới gặp hai cụ bà và Alan Lloyd. Còn ít tuần nữa là đã thi tốt nghiệp. Ông Raglan không đi họp hội nghị ở đâu nữa và William cũng không có họat động nào khác được.

Trong những ngày cuối học kỳ, anh với Matthew ngồi yên trong phòng học hàng giờ, không ai nói với nhau trừ phi Matthew có vài vấn đề về toán không giải được. Cuối cùng, kỳ thi mong đợi từ lâu đã đến. Tất cả chỉ có một tuần lễ mà họ gọi là “tàn bạo”. Thi xong rồi, cả hai anh chàng sôt ruột chỉ muốn biết ngay kết quả. Nhưng rồi họ chờ hết ngày này sang ngày khác, mãi chẳng thấy gì, đâm ra không còn tin ở chính mình nữa. Học bổng Hamilton về toán để vào trường Harvard được cấp trên một cơ sở rất chặt chẽ, mà học sinh ở toàn nước Mỹ đều có quyền được nhận học bổng ấy. William không biết thế nào mà xét đoán được xem địch thủ của mình tài giỏi đến đâu. Thời gian tiếp tục trôi qua mà không thấy nói gì, William bắt đầu nghĩ có lẽ mình thất bại.

Hôm đó William đang ở ngoài bãi chơi đá cầu với những học sinh lớp dưới, coi như giết nốt thì giờ của những ngày cuối cùng trước khi rời trường, thì có một bức điện gửi đến. Những ngày cuối cùng ở trường này thường có rất nhiều học sinh bị đuổi học hoặc vì say rượu, hoặc vì đập vỡ cửa kính, thậm chí vì tìm cách ngủ với con gái hay vợ của các thầy giáo.

William đang khoe là anh sẽ thắng trong trận dã cầu này với mức chưa từng có từ trước đến nay và mọi người đang cười đùa trước lời tuyên bố quá đáng của anh thì người ta đưa vào tay cho anh bức điện. Anh quên hết ngay mọi thứ, vứt bỏ cây gậy dã cầu xuống, và đưa tay xé chiếc phong bì nhỏ màu vàng. Mọi người chung quanh hồi hộp chờ anh đọc bức điện.

Matthew bước đến nhìn nét mặt William xem đó là tin mừng hay tin buồn. Nét mặt vẫn bình thường, William đưa bức điện cho Matthew xem. Vừa đọc xong, Matthew đã nhảy cẫng lên, quẳng bức điện xuống đất rồi ôm lấy William chạy vòng quanh sân. Một người khác bước đến nhặt bức điện lên xem rồi chuyền tay nhau cho đến người cuối cùng xem bức điện lại chính là người đã đêm nó đến lúc nãy. Anh ta đã không được cảm ơn thì chớ, mà còn là người cuối cùng được biết nội dung bức điện.

Đó là bức điện gửi cho William Lowell Kane. Trong đó viết:

Chúc mừng anh được hưởng học bổng Hamilton về toán vào trường đại học Harvard. Chi tiết sẽ gửi sau. Tu viện trưởng Lawrence Lowell, chủ tịch.

Matthew sung sướng nhìn người bạn thân nhất của mình nay đã thành công, nhưng anh cũng hơi buồn nghĩ đến bây giờ lại phải xa nhau. William cũng cảm thấy nhưng không nói gì. Hai người lại phải chờ chín ngày nữa mới biết được là Matthew cũng trúng tuyển vào trường Harvard.

Liền đó có một bức điện khác gửi đến, lần này là của ông Charles Lester chúc mừng con trai và mời cả hai chàng về dự tiệc trà tại Khách sạn Plaza ở New York. Cả hai cụ bà cũng có điện chúc mừng William, tuy nhiên bà nội Kane cũng nói với Alan Lloyd rằng thằng bé đã làm được không ít hơn cái người ta mong muốn ở nó và không nhiều hơn cái mà bố nó đã làm được trước kia.

Vào ngày hẹn, hai chàng thanh niên tung tăng đi trên đại lộ Năm, trong lòng hết sức tự hào. Các cô gái đi qua đường nhìn vào họ nhưng họ làm như không để ý. Bước vào cửa khách sạn Plaza, họ đàng hoàng đi đến phòng lớn bên trong có mọi người trong gia đình đang chờ đón. Hai cụ nội ngoại Kane và Cabot ngồi ở mấy chiếc ghế bành giữa phòng, Bên cạnh đó có một bà già nữa William cho đó là bà nội của Matthew, giống như bà nội Kane của mình. Rồi có ông bà Charles Lester, có cô con gái Susan (cô ta chẳng lúc nào rời mắt khỏi William) và có Alan Lloyd. Còn hai ghế trống để đó chờ William và Matthew.

Bà nội Kane vẫy gọi một người hầu đừng gần đó nói:

– Một ấm trà mới và đem thêm bánh đến nữa nhé.

Người hầu chạy vội vào bếp đem trà và bánh ra ngay.

– Cha cháu còn sống thì hôm nay sẽ rất tự hào về cháu đó, William, – một người lớn tuổi nói.

Người hầu đứng đó không hiểu anh thanh niên kia đã làm được cái gì mà người ta phải khen như vậy.

William thì không để ý gì lắm đến người hầu, trừ có chiếc vòng bạc anh ta đeo ở cổ tay. Anh đoán có lẽ chiếc vòng bạc ấy là từ nhà hàng Tiffany mà ra, nhưng anh lấy làm lạ tại sao người hầu kia lại có được một thứ đồ trang sức giá trị như thế.

– William, – bà nội Kane nói. – Ăn hai bánh là đủ rồi. Đây không phải là bữa ăn cuối cùng trước khi vào trường Harvard đâu.

Anh quay nhìn bà nội một cách âu yếm, và rồi chợt quên đi chiếc vòng bạc kia.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ