Suối Nguồn - Chương 12

XII.

Người ta công bố rằng lễ khai trương đền Stoddard sẽ được tổ chức vào chiều ngày đầu tiên của tháng Mười một.

Người đại diện báo chí đã làm việc rất hiệu quả. Tất cả mọi người đều bàn tán về sự kiện này, về Howard Roark, về kiệt tác kiến trúc của thành phố đang chờ đợi.

Sáng ngày 31 tháng Mười, Hopton Stoddard quay trở về sau chuyến đi vòng quanh thế giới. Ellsworth Toohey đón ông ta ở bến tàu.

Sáng ngày mùng Một tháng Mười một, Hopton Stoddard đưa ra một tuyên bố ngắn gọn; sẽ không có lễ khai trương nào cả. Ông ta không hề đưa ra lời giải thích.

Sáng ngày mùng Hai tháng Mười một, mục Một tiếng nói nhỏ của Ellsworth M. Toohey trên tờ Ngọn cờ New York có đăng tải một bài viết với tiêu đề Sự báng bổ thánh thần. Bài viết như sau:

“Đã đến lúc rồi, con hải mã nói

Phải nói về nhiều điều:

Về tàu – về giày – về Howard Roark

Cải bắp – nhà vua – Vì sao biển nóng

Có cánh hay không – ngày Howard Roark”[90]

“Chức năng của chúng tôi – xin mượn lời một triết gia mà chúng tôi không ưa – không phải là làm một cái vỉ ruồi. Tuy nhiên, khi một con ruồi mắc chứng hoang tưởng vĩ cuồng, thì những người ưu tú nhất mong chúng tôi buộc phải gác công việc để làm một việc nhỏ nhoi là tiêu diệt con ruồi đó.

“Gần đây có nhiều lời bàn tán về một người có tên là Howard Roark. Vì tự do ngôn luận là di sản thiêng liêng của chúng ta và nó bao gồm cả quyền tự do lãng phí thời gian, nên việc bàn tán như vậy cũng chẳng hại gì – ngoại trừ thực tế là có nhiều thứ có ích lợi hơn nhiều so với việc bàn luận về một người chưa làm được gì khác ngoài một toà nhà xây dở. Việc bàn tán quả thật chẳng có hại gì nếu như sự lố lăng không trở thành thảm kịch – và rồi biến thành sự lừa đảo.

“Howard Roark – như hầu hết chúng ta chưa từng nghe nói tới và chắc sẽ không phải nghe nói tới nữa – là một kiến trúc sư. Cách đây một năm, anh ta được tín nhiệm giao cho một công trình khác thường. Anh ta được ký hợp đồng xây dựng một tượng đài vĩ đại trong sự vắng mặt của người chủ vốn rất tin tưởng anh ta và cho anh ta toàn quyền hành động. Nếu thuật ngữ trong luật hình sự của chúng ta có thể áp dụng trong lĩnh vực nghệ thuật, thì chúng ta phải nói rằng công trình mà ông Roark xây cho người chủ kia đã cấu thành một thứ tương đương với tội biển thủ tinh thần.

“Ông Hopton Stoddard, một nhà từ thiện nổi tiếng, đã có dự định trao tặng cho thành phố New York một đền thờ chung, một thánh đường không bè phái làm biểu tượng cho đức tin của con người. Cái mà ông Roark đã xây cho ông ấy có thể là một nhà kho – mặc dù, nếu là nhà kho thì nó có vẻ như không hữu dụng. Nó cũng có thể là một nhà thổ – khả năng này có vẻ hợp lý hơn nếu chúng ta tính đến bức tượng trang trí của nó. Chắc chắn, nó không phải là một đền thờ.

Dường như một kẻ ác tâm đã chủ ý làm cho toà nhà này đi ngược lại mọi khái niệm thông thường về một kiến trúc tôn giáo. Thay vì sự khép kín nghiêm cẩn, ngôi đền này lại mở toang như một phòng trà phương tây. Thay vì không khí sùng kính thường có ở một nơi mà người ta tìm đến để suy ngẫm về sự vĩnh hằng và nhận ra sự tầm thường của con người, toà nhà này lại có vẻ hoan hỉ buông tuồng, trác táng. Thay vì những đường nét vươn lên cao, hướng tới thiên đường, vốn là đòi hỏi bắt buộc đối với một đền thờ, một biểu tượng cho sự tìm kiếm một thứ cao hơn cả bản ngã bé nhỏ của con người, toà nhà này lại nằm bè bè trên mặt đất, bụng ngậm trong bùn. Vì thế, nó khẳng định sự trung thành của nó với chốn thế tục; nó tôn vinh những thoả mãn thô tục của nhục dục bên trên những thoả mãn của tinh thần. Bức tượng một người đàn bà khoả thân ở một nơi người ta tìm đến để cảm thấy thăng hoa đã phơi bày bản chất ngôi đền này và không cần ai phải bình luận gì thêm về nó.

“Một người bước vào một đền thờ để tìm kiểm sự giải thoát khỏi bản thân mình. Anh ta muốn được thấy mình khiêm nhường, muốn thú nhận sự tầm thường của mình, muốn cầu xin sự tha thứ. Anh ta tìm thấy sự cứu rỗi khi hạ mình xuống. Tư thế phù hợp của con người trong một ngôi nhà của Chúa là tư thế quỳ gối. Không ai có trí khôn lại quỳ gối trong ngôi đền của ông Roark. Nơi này cấm người ta làm điều đó. Những cảm xúc mà nó tạo ra có tính chất hoàn toàn khác: kiêu ngạo, trơ tráo, thách thức, tự đại. Nó không phải là ngôi nhà của Chúa mà là nhà tù của một kẻ mắc chứng vĩ cuồng. Nó không phải là một đền thờ, mà là sự đối lập hoàn toàn với một đền thờ, một sự nhạo báng xấc xược đối với tất cả các tôn giáo. Lẽ ra chúng ta đã gọi nó là một kiến trúc báng bổ, có điều, những kẻ báng bổ lại nổi tiếng là những kiến trúc sư giỏi giang.

“Chuyên mục này không hậu thuẫn cho bất kỳ tín ngưỡng nào cụ thể, nhưng quy tắc ứng xử thông thường đòi hỏi chúng ta phải tôn trọng niềm tin tôn giáo của những người xung quanh chúng ta. Chúng tôi cảm thấy chúng tôi có nghĩa vụ phải giải thích cho công chúng về vụ tấn công có chủ ý vào tôn giáo này. Chúng tôi không thể bỏ qua một sự báng bổ thánh thần quá đáng như thế.

“Nếu chúng tôi có vẻ đã quên mất chức năng phê bình kiến trúc, thì chúng tôi chỉ có thể giải thích rằng trường hợp này không đòi hỏi điều đó. Một thứ tầm thường không bao giờ xứng đáng được phê bình một cách nghiêm túc – đó sẽ là một sai lầm. Theo chúng tôi nhớ, ông Howard Roark đã có vài công trình và chúng đều có đặc tính phi lý cùng với sự bừa bãi của một kẻ nghiệp dư quá tham vọng. Tất cả những con chiên của Chúa đều có cánh, nhưng thật không may điều này không đúng với tất cả những thiên tài của Chúa[91].

“Vậy đấy, các bạn đọc thân mến. Chúng tôi vui mừng vì đã làm xong công việc của ngày hôm nay. Chúng tôi thực sự không vui thú gì khi phải viết những lời cáo phó.”

*

* *

Ngày mùng Ba tháng Mười một, Hopton Stoddard nộp đơn kiện Howard Roark vì đã vi phạm hợp đồng và lạm dụng quyền hạn. Ông đòi bồi thường một khoản tiền đủ để trả cho một kiến trúc sư khác sửa chữa lại Ngôi đền.

* * *

Thuyết phục Hopton Stoddard thật dễ dàng. Trở về sau chuyến đi, ông hết sức hoang mang với vô vàn quan điểm tôn giáo trên thế giới, và nhất là với những hình thức khác nhau của địa ngục trên mặt đất này. Ông đã đi đến kết luận rằng cuộc đời của ông khiến cho ông xứng đáng phải chịu thứ địa ngục kinh khủng nhất, dù nhìn theo bất cứ tôn giáo nào. Những hy vọng cuối cùng của ông đã sụp đổ. Trên chuyến tàu trở về, người phục vụ tàu cảm thấy chắc chắn rằng vị khách đáng kính của mình đang hấp hối.

Vào buổi chiều ngày ông trở về, Ellsworth Toohey đã đưa ông đến xem ngôi đền. Toohey không nói gì. Hopton Stoddard trăn trối nhìn ngôi đền và Toohey nghe thấy tiếng những chiếc răng giả của Stoddard nghiến kèn kẹt. Công trình này không giống bất kỳ cái gì mà Stoddard từng thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới; cũng không phải là cái mà ông đã trông chờ. Ông không biết phải nghĩ gì. Khi ông đưa cái nhìn cầu cứu tuyệt vọng sang phía Toohey, đôi mắt Stoddard trông như hai miếng thịt đông.[92] Ông ta chờ đợi. Vào thời điểm đó, Toohey có thể thuyết phục ông về bất kỳ cái gì. Toohey cất tiếng và nói những điều mà ông nhắc lại trong cột báo của mình.

“Nhưng anh đã nói với tôi rằng anh chàng Roark là một người giỏi cơ mà!” Stoddard rên rỉ một cách hoang mang.

“Tôi đã hy vọng là anh ta giỏi,” Toohey lạnh lùng trả lời.

“Nhưng thế thì – tại sao?”

“Tôi không biết,” Toohey nói và ánh mắt buộc tội của ông khiến cho Stoddard hiểu rằng có một tội lỗi xấu xa đằng sau tất cả điều này và rằng tội lỗi đó là của Stoddard.

Toohey chẳng nói gì trong xe Limousine trên đường họ quay trở lại căn hộ của Stoddard mặc dù Stoddard vào trạng thái kinh sợ. Trong căn họ, Toohey dẫn Stoddard đến một chiếc ghế bành và đứng trước mặt ông ta, u ám như một vị quan toà.

“Hopton, tôi biết tại sao chuyện đó xảy ra.”

“Tại sao?”

“Tôi có lý do nào để nói dối ông không?”

“Không, tất nhiên là không rồi, anh là chuyên gia nổi tiếng nhất và là người trung thực nhất. Tôi không hiểu, tôi hoàn toàn không hiểu nổi!”

“Tôi thì hiểu. Khi tôi giới thiệu Roark, tôi có mọi lý do để trong chờ – dựa trên những đánh giá trung thực nhất của tôi – rằng anh ta sẽ đem lại cho ông một kiệt tác. Nhưng anh ta không làm vậy. Hopton, ông có biết quyền năng gì có thể phá vỡ mọi toan tính của con người hay không?”

“Qu…quyền năng gì vậy?”

“Chúa đã chọn cách này để từ chối sự dâng tặng của ông. Chúa cho rằng ông không xứng đáng được dâng cho Ngài một đền thờ. Hopton, ông có thể đánh lừa tôi và tất cả mọi người, nhưng ông không thể đánh lừa Chúa. Ngài biết cuộc đời ông còn đen tối hơn những gì tôi tưởng tượng.”

Toohey tiếp tục nói một lúc lâu, bình thản, nghiêm túc. Hopton rúm ró vì sợ hãi. Cuối cùng, Toohey nói:

“Hopton, rõ ràng là ông không thể mua lấy sự tha thứ bằng cách bắt đầu từ trên đỉnh., Chỉ có sự trong sáng trong con tim mới có thể xây dựng nên một đền thờ. Ông phải trải qua nhiều bước chuộc tội nhỏ hơn trước khi ông tới được giai đoạn đó. Ông phải chuộc tội với đồng loại của ông trước khi ông có thể chuộc tội với Chúa. Toà nhà này không có duyên làm một đền thờ; nó phải trở thành một công trình nhân đạo. Chẳng hạn như một nhà tình thương cho những đứa trẻ tật nguyền.”

Hopton Stoddard không thể ép mình tin điều này. “Để sau đã, Ellsworth, để sau đã” ông ta rên rỉ. “Hãy cho tôi thời gian.” Ông ta đồng ý kiện Roark, như Toohey gợi ý, để bù đắp cho cái chi phí sửa đổi thiết kế. Ông sẽ quyết định sửa đổi nó thành cái gì sau.

“Đừng bị sốc bởi bất kỳ những gì tôi sẽ nói và viết về công trình này,” Toohey nói với ông ta khi ra về. “Tôi sẽ buộc phải dựng lên một vài điều không hoàn toàn có thật. Tôi phải bảo vệ danh tiếng của chính tôi trước một điều hổ thẹn vốn có lỗi của ông chứ không phải của tôi. Hãy nhớ rằng ông đã thề không bao giờ để lộ chuyện ai đã khuyên ông thuê Roark đấy.”

Vào ngày hôm sau, bài báo Sự báng bổ thánh thần đã xuất hiện trên tờ Ngọn cờ. Bài báo là một ngòi nổ ngầm. Tuyên bố về vụ kiện của Stoddard đã châm lửa vào ngòi nổ ấy.

Không ai cảm thấy buộc phải tham dự một cuộc chiến vì một công trình; nhưng ở đay tôn giáo đã bị tra tấn. Người đại diện báo chí đã lăng-xê quá mức và giờ đây công chúng cảm thấy bị tổn thương. Rất nhiều người cảm thấy có trách nhiệm phải lên tiếng.

Làn sóng phản đối Howard Roark và ngôi đền của anh làm tất cả mọi người ngạc nhiên, trừ Ellsworth Toohey. Các mục sự nguyền rủa ngôi đền trong các bài truyền giảng. Các cậu lạc bộ phụ nữ thông qua các bản kháng nghị. Một uỷ ban các bà mẹ đã đăng trên trang tám các tờ báo một lá đơn đòi hỏi người ta làm gì đó để bảo vệ con cái họ. Một nữ diễn viên nổi tiếng đã viết một bài báo về sự thống nhất cơ bản trong tất cả các bộ môn nghệ thuật; bà ta diễn giải rằng Đền Stoddard không hề có giá trị kiến trúc, tiếp đó bà ta kể về thời gian bà ta diễn vai Mary Magdalene trong một vở kịch tái hiện Kinh Thánh. Một quý bà thượng lưu viết một bài báo về các đền thờ ở các vùng đất xa lạ mà bà ta đã viếng thăm trong những chuyến thám hiểm xuyên rừng rậm; bà ta ca ngợi niềm tin cao quý của những người nguyên thuỷ và chỉ trích thói hoài nghi của con người hiện đại; bà nói rằng Đền Stoddard là một biểu tượng của sự mềm yếu và suy đồi. Bức ảnh minh hoạ bài báo có một con sư tử đã chết. Một giáo sư đại học viết một bức thư cho người biên tập tờ Ngọn cờ về những kinh nghiệm như thể ở một nơi như Đền Stoddard. Kiki Holcombe viết một bức thư gửi toà soạn để trình bày quan điểm của bà về cuộc sống và cái chết.

Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ đưa ra một tuyên bố long trọng lên án Đền Stoddard là một sự lừa gạt về tinh thần và nghệ thuật. Những tuyên bố tương tự – ít tính long trọng và nhiều tiếng lóng hơn – cũng được Hội đồng các Nhà thầu Xây dựng Hoa Kỳ, Hội Nhà văn Hoa Kỳ và Hội Hoạ sĩ Hoa Kỳ công bố. Chưa ai từng nghe nói đến những tổ chức này nhưng đó lại là những Hội đồng nên tiếng nói của họ có trọng lượng. Mọi người sẽ nói với một người khác:”Anh có biết Hội đồng các Nhà thầu xây dựng Hoa Kỳ đã nói rằng ngôi đền này là một thứ giẻ rách về kiến trúc không?” – anh ta nói như thể anh ta có quan hệ thân thiết với những đại diện ưu tú nhất của thế giới nghệ thuật. Người kia sẽ không muốn đáp lại rằng anh ta chưa từng nghe nói về tổ chức này, vì thế anh ta trả lời: “Tôi cũng đã hy vọng họ sẽ nói vậy. Anh cũng thế chứ?”

Hopton Stoddard nhận được nhiều thư từ bày tỏ cảm thông đến nỗi ông ta bắt đầu cảm thấy hạnh phúc. Trước đây, ông chưa từng nổi tiếng như vậy. Ông nghĩ, Ellsworth đã đúng; những đồng loại của ông ta đã tha thứ cho ông; Ellsworth luôn luôn đúng.

Sau một thời gian, những tờ báo có uy tín thôi không đề cập đến chuyện này nữa. Nhưng tờ Ngọn cờ thì vẫn tiếp tục. Nó trở thành một mối lợi đối với tờ Ngọn cờ. Gail Wynand không có mặt ở toà soạn, ông đã dong thuyền buồn ra Ấn Độ dương, và Alvah Scarret thì đã luôn chờ đợi một cuộc thánh chiến. Vụ việc này thích hợp với ông Ellsworth Toohey không phải đưa ra bất kỳ để xuất nào; Scaret tự động chớp lấy thời cơ và hành động.

Scarret viết về sự suy đồi của nền văn minh và xót xa về sự mất mát đức tin đơn giản. Ông ta tài trợ cho một cuộc thi viết tiểu luận dành cho học sinh trung học với chủ đề “Tại sao tôi đi nhà thờ”. Ông ta đăng một loạt bài minh hoạ về “Các nhà thờ thời niên thiếu của chúng ta.” Ông đăng ảnh các biểu tượng tôn giáo qua nhiều thời đại – tượng Nhân sư, các tượng nửa người nửa thú, các cây cột cao khắc linh vật. Ông đặc biệt lưu ý đến những bức ảnh chụp tượng Dominique; ông đăng chúng kèm với những dòng chú thích đầy giận dữ nhưng bỏ qua tên người mẫu. Ông cho đăng những đoạn hình trong đó Roark được vẽ như một người nguyên thuỷ lông lá, tay cầm chuỳ. Ông ta viết nhiều bài báo ăn khách về chuyện tháp Babel[93] không thể chạm tới thiên đàng và về anh chàng Icatus bị rơi xuống đất vì đôi cánh bằng sáp của mình.

Ellsworth Toohey chỉ ngồi vắt chân chữ ngũ và theo dõi mọi chuyện. Ông đưa hai gợi ý nhỏ: ông tìm thấy trong phòng tư liệu của tờ Ngọn cờ bức ảnh Roark tại lễ khai trương Nhà Enright, bức ảnh khuôn mặt người đàn ông trong giây phút thăng hoa và ông cho đăng bức ảnh đó trên tờ Ngọn cờ với dòng chú thích: “Hài lòng rồi chứ, ngài Siêu nhân?” Ông buộc Stoddard mở cửa Ngôi đền cho công chúng đến xem trong khi chờ phiên toà. Người ta lũ lượt đến xem ngôi đền và họ khắc đầy những hình ảnh và câu nói tục tĩu trên bệ tượng Dominique.

Một số người đến xem và lặng lẽ thán phục công trình. Nhưng họ là dạng người không tham dự vào các cuộc tranh luận công khai. Austen Heller giận dữ viết một bài báo để bảo vệ Roark và Ngôi đền. Nhưng ông ta không phải là người có thẩm quyền về kiến trúc hoặc tôn giáo và bài báo chìm nghỉm trong cơn bão.

Howard Roark không hề phản ứng.

Người ta yêu cầu anh đưa ra một tuyên bố và anh tiếp một nhóm phóng viên trong văn phòng của mình. Anh nói một cách bình thản: “Tôi không thể nói với bất kỳ ai về công trình của mình. Nếu tôi chuẩn bị sẵn một mớ từ ngữ để nhồi nhét vào đầu người khác thì đó sẽ là sự xúc phạm đối với họ cũng như đối với tôi. Nhưng tôi rất vui vì các anh chị đã đến đây. Tôi thực sự muốn nói một điều. Tôi muốn yêu cầu tất cả những người quan tâm đến chuyện này hãy đến nhìn ngôi đền, hãy ngắm nó và sau đó dùng những từ ngữ của chính họ để nói, nếu như họ muốn nói gì đó.”

Tờ Ngọn cờ đăng bài phỏng vấn như sau: “Ông Roark, người có vẻ là một con chó săn tìm sự nổi tiếng , đã tiếp tục đón các phóng viên với vẻ huênh hoang, xấc xược và tuyên bố rằng đầu óc của công chúng là đồ bỏ. Ông ta không thèm nói chuyện nhưng dường như ông ta hoàn toàn ý thức được lợi ích lăng-xê bản thân của vụ việc này. Ông ta giải thích rằng tất cả những gì ông ta quan tâm là có càng nhiều người đến xem công trình của ông ta thì càng tốt.”

Roark từ chối thuê luật sư đại diện cho mình tại phiên toà sắp tới. Anh nói rằng anh sẽ tự đứng ra bào chữa và, bất chấp sự phản đối của Austen Heller, anh từ chối giải thích anh định bào chữa thế nào.

“Austen, có một số quy tắt mà tôi hoàn toàn sẵn sàng tuân thủ. Tôi sẵn lòng mặc loại quần áo mà mọi người mặc, ăn cùng một loại thức ăn và đi cùng một tuyến tàu điện ngầm. Nhưng có một số thứ khác tôi không thể làm theo cách của họ – và chuyện này là một trong số đó.”

“Anh biết gì về toà án và luật pháp nào? Lão ta sẽ thắng mất.”

“Thắng cái gì?”

“Vụ kiện của lão ấy chứ còn gì nữa.”

“Vụ kiện này có quan trọng không? Tôi chẳng thể làm gì để ngăn ông ta không động chạm đến ngôi đền. Ông ta sở hữu nó. Ông ta có thể phá huỷ nó hoặc biến nó thành nhà máy sản xuất keo. Ông ta có thể bất chấp việc tôi thắng hay thua kiện.”

“Nhưng ông ta sẽ lấy tiền của anh để làm thế.”

“Đúng vậy. Ông ta có thể lấy tiền của tôi.”

Steven Mallory không bình luận về bất kỳ chuyện gì. Nhưng khuôn mặt anh giống như buổi tối Roark gặp anh lần đầu tiên.

“Steve, cứ nói đi, nếu nó làm cho cậu thấy dễ chịu hơn,” – Roark bảo Mallory một buổi tối.

“Chẳng có gì để nói cả,” Mallory trả lời thờ ơ. “Tôi đã nói với anh rằng tôi không tin họ sẽ để anh sống sót.”

“Vớ vẩn. Cậu không có quyền lo sợ cho tôi.”

“Tôi không lo sợ cho anh. Lo sợ cho anh thì được tích sự gì? Tôi lo chuyện khác.”

Nhiều ngày sau, khi ngồi trên bậu cửa sổ phòng Roark và nhìn xuống đường phố bên dưới, Mallory chợt nói:

“Howard, anh có nhớ tôi đã nói với anh về con quỷ mà tôi kinh sợ? Tôi không biết gì về Ellsworth Toohey. Tôi chưa từng gặp lão ta trước khi tôi bắn lão. Tôi chỉ đọc những thứ mà lão ta viết. Howard này, tôi bắn lão vì tôi nghĩ lão ta biết rõ con quỷ đó.”

Dominique đến phòng Roark vào buổi tối Stoddard tuyên bố về vụ kiện. Cô không nói gì. Cô đặt cái túi của mình lên bàn và đứng cởi găng tay một cách chậm rãi như thế cô muốn kéo dài sự thân mật khi thực hiện một hành động thường ngày ở đây, trong phòng của anh; cô nhìn xuống những ngón tay của mình; rồi cô ngẩng đầu lên. Khuôn mặt cô như thể có biết điều đau đớn nhất mà anh phải chịu đựng và điều đau đớn đó là của cô và cô muốn chịu đựng nó như thế này, một cách lạnh lùng, không đòi hỏi những từ ngữ nhằm làm giảm nhẹ nó.

“Em sai rồi,” anh nói. Họ luôn có thể nói như vậy với nhau, như tiếp tục một cuộc đối thoại mà họ chưa từng bắt đầu. Giọng anh thật nhẹ nhàng. “Anh không cảm thấy điều đó.”

“Em không muốn biết.”

“Anh muốn em biết. Điều mà em đang nghĩ tồi tệ hơn sự thật rất nhiều. Việc họ đang phá huỷ nó không quan trọng với anh. Cũng có thể nó đau đớn đến nỗi anh thậm chí không biết là mình bị đau. Nhưng anh không nghĩ vậy. Nếu em muốn đau khổ thay cho anh, thì đừng đau khổ nhiều hơn anh. Anh không có khả năng đau khổ một cách hoàn toàn. Anh chưa bao giờ có khả năng đó. Nỗi đau chỉ xuống đến một điểm nào đó, rồi nó dừng lại. Miễn là còn có cái điểm không thể chạm tới đó, nó không thực sự là nỗi đau. Em đừng như thế.”

“Thế nó dừng lại ở đâu?”

“Ở nơi mà anh không thể nghĩ tới bất kỳ điều gì và không thể cảm thấy bất kỳ điều gì ngoài việc anh chính là người đã thiết kế ngôi đền đó. Anh đã xây nó. Tất cả những thứ khác đều không thực sự quan trọng.”

“Đáng lẽ anh không nên xây nó. Đáng lẽ anh không nên để nó phải đối mặt với những thứ họ đang làm.”

“Điều đó không quan trọng. Kể cả nếu như họ sẽ phá huỷ nó. Điều quan trọng là nó đã từng tồn tại.”

Cô lắc đầu. “Anh có thấy em cứu anh khỏi cái gì khi em lấy các hợp đồng khỏi tay anh không? … Để không cho họ có quyền làm chuyện này với anh… Không có quyền sống trong một công trình mà anh xây nên … Không có quyền động vào anh… bằng bất kỳ cách nào…”

* * *

Khi Dominique bước vào phòng làm việc của Toohey, ông mỉm cười. Đó là một nụ cười chào đón hào hứng, chân thành một cách bất ngờ. Ông quên không kiểm soát nụ cười đó trong lúc ông nhíu lông mày với vẻ thất vọng. Trong một khoảnh khắc, cái nhíu mày và nụ cười tương phản một cách lố bịch. Ông thất vọng vì cô đã bước vào với vẻ mặt kích động như mọi khi. Ông không nhìn thấy bất kỳ sự giận dữ hay giễu cợt nào; cô bước vào như một nhân viên kế toán bước vào để hoàn thành một việc vặt. Cô hỏi:

“Ông làm thế để đạt được cái gì?”

“Nào, cô bé. Tôi thực sự hy vọng là cô không giận những điều tôi nói về bức tượng kích động đó của cô. Tôi không nghĩ cô hẳn phải hiểu rằng tôi không thể bỏ qua chuyện đó.”

“Mục đích của vụ kiện đó là gì?”

“Ồ vậy là cô cứ muốn tôi phải nói toạc ra. Trong khi tôi thì lại muốn nghe cô nói. Nhưng thôi, một nửa niềm vui còn hơn là không có gì. Tôi muốn nói. Tôi đã nóng lòng chờ cô. Nhưng tôi thực sự muốn cô ngồi xuống, như thế tôi sẽ thoải mái hơn… Không ư? Được thôi, nếu cô muốn vậy, miễn là cô không chạy đi mất. Về vụ kiện? Chả nhẽ việc đó không rõ ràng rồi sao?”

“Chuyện đó làm sao có thể ngăn cản được anh ta?” cô hỏi với cái giọng như dùng để liệt kê một danh sách các số liệu thống kê. “Nó sẽ chẳng chứng minh được gì, dù cho anh ta thắng hay thua. Toàn bộ vụ việc chỉ là sự truy hoan của một lũ ngu xuẩn; nó sẽ chẳng ích gì cả. Tôi không nghĩ là ông lại lãng phí thời gian của mình vào những quả bom hơi thối ấy. Chưa đến Giáng sinh là chuyện này sẽ chìm.”

“Lạy Chúa, tôi mới kém cỏi làm sao! Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình là một người thầy tồi đến thế. Thật khó mà tin rằng cô chỉ học được chừng ấy sau hai năm cộng tác với tôi! Thật là đáng thất vọng. Vì cô là người phụ nữ thông minh nhất mà tôi từng biết, nên chắc hẳn lỗi là ở tôi rồi. Nào, để xem nào, cô quả có học được một điều: đó là tôi không lãng phí thời gian của mình. Rất đúng. Tôi không hề lãng phí thời gian. Đúng vậy, cô gái yêu quý của tôi, chưa đến Giáng sinh là chuyện này sẽ chìm. Và chính điều đó, cô thấy đấy, đấy chính là một thành tựu. Cô có thể chiến đấu với một thứ đã chết, như tất cả những thứ đã chết khác, không bao giờ hoàn toàn biến mất; chúng luôn để lại một số vật chất phân huỷ, phía sau chúng. Một thứ vật chất khó chịu nhất sẽ đeo bám lấy tên tuổi của cô. Ông Hopton Stoddard sẽ bị lãng quên hoàn toàn. Ngôi đền sẽ bị lãng quên. Vụ kiện sẽ bị lãng quên. Nhưng cái này thì chắc chắn sẽ còn: ‘Howard Roark ư? Làm sao mà anh có thể tin tưởng một kẻ như vậy cơ chứ? Hắn ta có kẻ thù của tôn giáo. Hắn ta hoàn toàn vô liêm sỉ. Đầu tiên, hắn sẽ lừa anh về chi phí xây dựng’. Roark ư? Hắn ta chả được tích sự gì – một khách hàng đã kiện hắn vì hắn đã xây dựng một công trình kinh khủng’. ‘Roark ư? Roark hả? Hượm đã, có phải là cái anh chàng lên báo chí vì một vụ xì-căng-đan không? Chủ toà nhà – tôi nghĩ cái nhà đó là một mớ hổ lốn – nhưng tóm lại là chủ toà nhà đã phải kiện anh ta. Anh chả nên dính vào một kẻ tai tiếng như thế. Để làm gì khi mà có rất nhiều kiến trúc sư giỏi cho anh lựa chọn?’ Thử chóng lại điều đó đi, cô bạn. Nói xem cô có chiến đấu với nó như thế nào nào. Nhất là khi mà cô không có vũ khí gì ngoài trí thông minh của mình, mà trí thông minh thì không phải là vũ khí; nó là một tội nợ rất lớn.”

Đôi mắt cô đầy thất vọng. Chúng lắng nghe kiên nhẫn. Ánh mắt bất động đó không hề chuyển thành sự giận dữ. Cô đứng thắng, tự chủ, trước bàn làm việc của ông. Cô đứng như một người lính gác đứng trong cơn bão; anh ta biết rằng anh ta phải chịu đựng cơn bão và phải giữ nguyên vị trí kể cả khi anh ta không thể chịu đựng được nữa.

“Nào, bây giờ, khi cô đã nhận ra hiệu quả đặc biệt của một thứ đã chết, tôi tin là cô sẽ muốn tôi tiếp tục,” Toohey nói. “Cô không thể lý luận, thanh minh hay bào chữa gì trước một vấn đề chết. Sẽ chẳng có ai nghe cô. Rất khó để bị mang tiếng. Nhưng để rũ bỏ tiếng tăm còn khó hơn nhiều. Không, cô không thể đánh bại một kiến trúc sư bằng cách chứng minh rằng anh ta là một kiến trúc sư tồi. Nhưng cô có thể làm anh ta lụn bại vì anh ta là một kẻ vô thần, hoặc vì ai đó đã kiện anh ta, hoặc vì anh ta ngủ với một người đàn bà nào đó, hoặc vì anh ta đã bẻ gẫy cánh một con bướm. Cô sẽ nói điều đó vô lý? Rất nhiên là chẳng có lý gì cả. Chính vì nó không có lý nên nó hiệu quả. Lý lẽ có thể bị chống lại bằng lý lẽ. Làm sao mà cô có thể chống lại cái chẳng-có-gì-cả? Cô bé thân mến, vấn đề của cô và của hầu hết mọi người là cô không tôn trọng đúng mực những điều vô nghĩa. Sự vô nghĩa là nhân tố chủ yếu trong cuộc sống của chúng ta. Cô sẽ không có cơ hội thắng sự vô nghĩa là kẻ thù của cô. Nhưng nếu cô có thể làm cho nó trở thành đồng minh của cô, thì, chà, cô gái thân mến!… Thôi được, Dominique, tôi sẽ ngưng lại khi cô có dấu hiệu sợ hãi!”

“Nói tiếp đi,” cô nói.

“Tôi nghĩ rằng giờ thì cô nên hỏi tôi một câu hỏi, mà có lẽ là cô không thích nói thẳng ra và cảm thấy rằng tôi phải tự đoán ra câu hỏi chăng? Tôi nghĩ là cô đúng. Câu hỏi là tại sao tôi lại chọn Howard Roark? Bởi vì – để tôi trích dẫn một bài báo của tôi – bộ phận của tôi không phải là đập ruồi. Tôi trích dẫn ở đây với ý nghĩa khác một chút, nhưng chúng ta sẽ bỏ qua chuyện đó. Ngoài ra, việc này đã giúp tôi có được thứ mà tôi cần từ Hopton Stoddard, nhưng đó chỉ là một vấn đề nhỏ, tình cờ, chỉ thuần tuý là một món lợi bất ngờ. Về cơ bản, toàn bộ chuyện này là một thí nghiệm. Chỉ là một bài kiểm tra nho nhỏ, chúng ta có thể nói như vậy được không nhỉ? Kết quả thì thật phấn khởi làm sao.

Giá như cô không dính vào chuyện này, hẳn cô sẽ là người hiểu rõ nhất kỳ quan này. Cô biết đấy, thực ra tôi chẳng làm gì mấy so với những gì xảy ra tiếp theo. Cô không thấy thích thú sao khi nhìn thấy một cỗ máy khổng lồ, phức tạp, như xã hội của chúng ta chẳng hạn, tất cả các đòn bẩy, băng chuyền và các bánh răng nối với nhau, cứ như thể người ta phải cần tới cả một đội quân để vận hành nó – thế mà cô phát hiện ra rằng cô chỉ cần ấn ngón tay út của mình vào một điểm, một điểm sống còn, một điểm tập trung trọng lực của nó, thì cô có thể làm cho cả cỗ máy sụp thành một đống sắt vụn vô dụng? Cô gái yêu quý của tôi, có thể làm được điều này đấy. Nhưng cần có thời gian dài. Cần đến hàng thế kỷ. Tôi có lợi thế hơn những tiền bối trước tôi. Tôi nghĩ rằng mình sẽ là người cuối cùng và là người thành công trong số này, bởi vì, mặc dù không phải là có khả năng hơn họ, tôi lại nhìn rõ hơn họ cái mà chúng tôi theo đuổi. Tuy nhiên, đấy là nói chuyện trừu tượng. Còn nếu nói về câu chuyện cụ thể này, cô không thấy có cái gì thú vị trong thí nghiệm nhỏ của tôi hay sao? Tôi thì có đấy. Chẳng hạn, cô không nhận thấy là tất cả mọi người đều đứng sai vị trí sao? Alvah Scarret, các giáo sư đại học, các biên tập viên, những bà mẹ đáng kính và các phòng thương mại đáng lẽ đã phải nhào ra để bảo vệ cho Howard Roark – nếu họ coi trọng cuộc sống của chính họ. Nhưng họ đã không làm vậy. Họ đã ủng hộ Hopton Stoddard. Trong khi đó, tôi nghe phong thanh chuyện một lũ gàn dở cấp tiến nửa mùa có tên Tân đoàn nghệ thuật vô sản đã cố gắng lên tiếng ủng hộ Howard Roark – họ cho rằng anh ta là nạn nhân của chủ nghĩa tư bản – khi mà họ đáng lẽ phải biết rằng Hopton Stoddard mới chính là vị anh hùng của họ. Tiện đây cũng phải nói rằng Roark đã rất khôn ngoan khi không hé răng. Anh ta hiểu vấn đề. Cô cũng hiểu. Tôi cũng vậy. Nhưng không nhiều người khác hiểu. Ôi dào, sắt vụn thì chỉ có thể như vậy thôi.

Cô quay người để rời khỏi phòng.

“Dominique, cô đi đấy à?” Ông có vẻ chưng hửng. “Cô không nói gì sao? Không gì cả sao?”

“Không.”

“Dominique, cô đang làm tôi thất vọng. Thế mà tôi thì đã chờ đợi cô! Về nguyên tắc, tôi là một người độc lập, nhưng đôi lúc tôi cũng cần có khán giả. Cô là người duy nhất mà với cô, tôi có thể là chính mình. Tôi đoán điều đó là vì cô khinh bỉ tôi đến mức những điều tôi nói chẳng ảnh hưởng gì cả. Cô thấy đấy, tôi biết điều đó, nhưng tôi chẳng quan tâm. Ngoài ra, những phương pháp mà tôi dùng với những người khác sẽ không có hiệu quả đối với cô. Thật kỳ lạ, chỉ là sự thành thật của tôi mới có tác dụng với cô. Quỷ tha ma bắt, có ý nghĩa gì khi hoàn thành một thành tựu vĩ đại nếu như không ai biết rằng anh hoàn thành điều đó? Nếu như cô đúng là cô như trước đây, thì lúc này cô hẳn phải nói rằng đây là tâm lý của một kẻ giết người vừa thực hiện một tội ác hoàn hảo và sau đó lại thú tội vì hắn ta không thể chịu đựng được việc không ai biết đó là một tội ác hoàn hảo. Và tôi sẽ nói rằng cô đã đúng. Tôi cần một khán giả. Đó là vấn đề với các nạn nhân – họ thậm chí không biết rằng họ là nạn nhân, và điều đó hoàn toàn hợp lý, nhưng nó cũng làm mọi việc trở nên buồn tẻ và tước đi một nửa cảm hứng. Cô là một trường hợp hiếm có – vì tôi là một nạn nhân có khả năng tôn trọng nghệ thuật hành quyết… Vì Chúa, Dominique, cô bỏ đi khi mà gần như đang cầu xin ở lại đấy à?”

Cô đặt tay lên nắm cửa. Ông ta nhún vai và ngồi xuống ghế.

“Thôi được rồi,” ông ta nói. “Nhân tiện, đừng cố gắng mua chuộc Hopton Stoddard. Hiện giờ, tôi đang bón cơm cho ông ta. Ông ta sẽ không bán mình đâu.” Cô đã mở cửa nhưng cô dừng lại và đóng cửa. “Ồ, tất nhiên là tôi biết cô đã thử. Không ăn thua đâu. Cô không đủ giàu có. Cô không có đủ tiền để mua ngôi đền đó và cô không thể gom góp đủ. Ngoài ra, Hopton sẽ không nhận bất cứ đồng nào cô trả cho việc sửa chữa. Tôi biết cô cũng đã đề nghị việc này. Ông ta muốn nhận tiền của Roark. Tiện đây, tôi không nghĩ là Roark sẽ thích điều đó nếu như tôi để anh ta biết rằng cô đã thử.”

Ông mỉm cười với hàm ý chào mời một sự phản đối. Khuôn mặt cô hoàn toàn bất động. Cô lại quay người ra cửa.

“Chỉ một câu hỏi nữa thôi, Dominique. Luật sư của ông Stoddard muốn biết là liệu ông ta có thể mời cô làm nhân chứng được không. Một chuyên gia về kiến trúc. Tất nhiên là cô sẽ làm chứng cho bên nguyên đơn chứ?”

“Đúng vậy. Tôi sẽ làm chứng cho nguyên đơn.”

* * *

Phiên toà xử vụ kiện Hopton Stoddard – Howard Roark được mở vào tháng Hai năm 1931.

Phòng xét xử chật ních đến nỗi bất cứ phản ứng tập thể nào cũng phải lan ra chầm chậm qua một biển những mái đầu. Đó là một cơn sóng chậm chạp, như một vết gợn chuyển động dần dần dưới làn da căng cứng của một con sư tử biển.

Một đám đông mặc quần áo màu nâu xen lẫn với những màu nhạt hơn, trông như một cái bánh hoa quả được làm từ hỗn hợp các loại nghệ thuật, với lớp kem dày bên trên là Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ. Có những người đàn ông nổi tiếng và những quý bà ăn mặc cầu kỳ, môi mím chặt; mỗi người đàn bà dường như cảm nhận được sự sở hữu độc quyền với thứ nghệ thuật mà người đi cùng với mình thể hiện. Đó là một cảm giác độc quyền, được bảo vệ bằng những cái liếc mắt giận dữ về phía những người khác. Hầu hết mọi người đều biết nhau. Phòng xử án có không khí của một hội nghị, một đêm khai mạc nhạc kịch và một cuộc picnic gia đình. Có cảm giác về “hội chúng ta”, “người của chúng ta”, “phiên toà của chúng ta.”

Steve Mallory, Austen Heller, Roger Enright, Kent Lansing và Mike ngồi cùng với nhau ở một góc phòng. Họ cố không nhìn xung quanh. Mike lo lắng về Steve Mallory. Anh luôn giữ khoảng cách gần Mallory. Anh khăng khăng đòi ngồi cạnh Mallory và liếc nhìn Mallory bất cứ khi nào họ nghe thấy một cuộc đối thoại động chạm đến họ.

Cuối cùng Mallory nhận thấy điều đó và nói:

“Đừng lo, Mike. Tôi sẽ không gào thét. Tôi sẽ không bắn ai đâu.”

“Coi chừng cái bụng của cậu,” Mike nói, “Cứ coi chừng cái bụng của cậu. Không phải cứ bảo không được nôn là người ta không nôn đâu.”

“Mike, anh có nhớ cái đêm mà chúng ta ở lại muộn đến gần sáng, và xe của Dominique thì hết xăng và không có xe buýt nên chúng ta quyết định đi bộ về nhà; và khi người đầu tiên trong số chúng ta về đến nhà thì cũng là lúc mặt trời lên?”

“Đúng vậy. Cậu cứ nghĩ về chuyện đó đi, còn tôi sẽ nghĩ về mỏ đá granit.”

“Mỏ đá granit nào?”

“Nó từng làm tôi buồn nôn, nhưng rồi hoá ra nó, về lâu về dài, chuyện đó chẳng hề quan trọng.”

Bên ngoài cửa sổ, bầu trời có màu trắng và phẳng lặng như tấm kính bị đóng băng. Ánh sáng dường như phát ra từ những mảnh tuyết trên các mái nhà và bờ tường – một thứ ánh sáng không tự nhiên làm cho mọi thứ trong phòng trông thật trần trụi.

Quan tòa khom người trên cái ghế tựa cao của ông ta, cứ như thể ông ta đang ngủ gật. Ông có khuôn mặt nhỏ thó, nhăn nheo đầy đức hạnh. Ông ta giữ hai bàn tay chắp thẳng đứng trước ngực, các đầu ngón tay áp vào nhau. Hopton Stoddard không có mặt. Luật sư đại diện cho ông là một người đàn ông lịch lãm đẹp trai, cao và nghiêm trang như một vị đại sứ.

Roark ngồi một mình ở bàn dành cho bên bị. Đám đông đã gườm gườm nhìn anh rồi tức tối từ bỏ việc đó khi họ không tìm thấy cái họ muốn trên mặt anh. Trông anh không tàn tạ, cũng không chống đối. Trông anh vô tư và bình thản. Anh không giống như một nhân vật quan trọng đứng ở một nơi công cộng, anh giống như một người đàn ông ở một mình trong căn phòng của chính mình và đang lắng nghe radio.

Anh không ghi chép; không có tờ giấy nào trên bàn trước mặt anh, chỉ có một phong bì lớn màu nâu. Đám đông đáng lẽ đã tha thứ cho tất cả mọi điều, ngoại trừ việc một người đàn ông vẫn có thể bình thản trước sự miệt thị tập thể lớn thế này. Một vài người trong số họ đã đến đây với tâm lý sẵn sàng tỏ ra thương hại anh; nhưng chỉ sau vài phút đầu tiên, tất cả họ đều căm ghét anh.

Luật sư bên nguyên trình bày vụ việc của mình bằng một bài phát biểu khai mạc đơn giản; ông ta thừa nhận đúng là Hopton Stoddard đã cho Roark toàn quyền tự do thiết kế và xây dựng ngôi đền; tuy nhiên, vấn đề là ông Stoddard đã nêu rõ các yêu cầu và những kỳ vọng về một ngôi đền; trong khi đó công trình đang được bàn tới không thể được coi là ngôi đền theo bất kỳ tiêu chuẩn nào; và bên nguyên đề xuất chứng minh điều này với sự giúp đỡ của những chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực này.

Roark bỏ qua quyền được phát biểu khai mạc với hội đồng xét xử.

Ellsworth Monkton Toohey là nhân chứng đầu tiên được bên nguyên mời lên. Ông ngồi trên thành ghế dành cho nhân chứng và ngửa ra sau, chống người trên đốt sống cuối: ông ta nhấc một chân lên và vắt chéo lên chân bên kia. Trông ông có vẻ hài lòng – tuy nhiên ông cố tỏ ra rằng sự hài lòng chỉ là một cách nguỵ trang cho sự buồn chán.

Viên luật sư bên nguyên nêu một loạt câu hỏi về trình độ chuyên môn của ông Toohey, kể cả số lượng bán ra của quyển Những lời nói trên đá. Sau đó, luật sư đọc to bài Sự báng bổ thánh thân của Toohey và yêu cầu ông xác nhận có phải ông đã viết bài báo đó không. Toohey trả lời rằng có. Tiếp đó là một loại câu hỏi – với những thuật ngữ đao to búa lớn – về giá trị kiến trúc của ngôi đền.

Toohey chứng minh rằng ngôi đền không hề có giá trị kiến trúc. Sau đó là một bài tóm tắt lịch sử. Toohey trình bày một cách đơn giản và dễ hiểu về các nền văn minh trên thế giới và về các tượng đài tôn giáo nổi bật của mỗi nền văn minh – từ văn minh Inca đến người Phê-ni-xi và những cư dân đảo Phục Sinh. Khi nào có thể, ông nêu rõ cả ngày tháng mà những công trình này được khởi công và ngày khánh thành, số lượng người tham gia xây dựng công trình và chi phí ước tính bằng đô la hiện nay. Khán giả lắng nghe đến phờ người.

Toohey chứng minh rằng Đền Stoddard mâu thuẫn với mọi viên gạch, mọi hòn đá và mọi giới luật trong lịch sử. Ông kết luận: “Tôi đã cố gắng chứng tỏ rằng hai yếu tố cơ bản trong việc xây dựng một ngôi đền là cảm giác kính sợ và cảm giác nhún nhường của con người. Chúng ta đã thấy kích thước khổng lồ của các công trình tôn giáo, những trụ đứng cao vút lên trời, những bức tượng khủng khiếp của các vị Chúa và gần đây là những tượng nửa người nửa thú đắp nổi trên các nóc nhà thờ. Tất cả chúng nhằm mục đích tạo cho con người ấn tượng rõ ràng về sự nhỏ bé của anh ta, để đập vỡ anh ta bằng độ lớn tuyệt đối, để thấm đẫm anh ta bằng sự sợ hãi thánh thần, từ đó đưa anh ta tới sự tuân phục. Đền Stoddard là sự chối bỏ trơ tráo toàn bộ quá khứ của chúng ta. Nó văng một tiếng “Không” vào mặt lịch sử. Tôi có thể đoán được lý do tại sao vụ kiện này khiến công chúng chú ý đến vậy. Bản năng của tất cả chúng ta mách bảo với chúng ta rằng vụ việc này ngoài khía cạnh pháp lý còn liên quan đến vấn đề đạo đức. Công trình này là một tượng đài của sự căm ghét sâu sắc đối với nhân loại. Nó là cái tôi của một người đàn ông chống lại những cảm xúc thiêng liêng nhất của loài người, của mỗi người trên phố, của mỗi người trong phòng xét xử này!”

Đây không phải là một nhân chứng trong phiên toà. Ellsworth Toohey đang diễn thuyết tại một cuộc mít-tinh – và phản ứng ông mang lại là hiển nhiên; khán giả vỗ tay rào rào. Quan toà gõ búa để lấy lại trật tự và doạ rằng ông sẽ giải tán phòng xử án. Trật tự được khôi phục, nhưng không phải là trên những khuôn mặt của đám đông: những khuôn mặt lúc này đầy vẻ tự mãn vì sự đúng đắn của mình. Thật dễ chịu khi được đính thân chỉ định và đứng làm bên nguyên trong một vụ án. Cho dù ba phần tư trong số họ chưa từng nhìn thấy Đền Stoddard.

“Cảm ơn ông Toohey,” viên luật sư vừa nói vừa hơi nghiêng đầu kính cẩn. Sau đó, ông ta quay về phía Roark và nói với vẻ lịch thiệp cố ý:

“Mời ông hỏi.”

“Không có câu hỏi,” Roark nói

Ellsworth Toohey nhướn một bên lông mày và rời khỏi bục đầy vẻ luyến tiếc.

“Ông Peter Keating!” viên luật sư gọi.

Khuôn mặt Peter Keating trông điển trai và tươi tắn như thể anh ta đã có một giấc ngủ ngon lành. Anh leo lên bục nhân chứng với vẻ khấp khởi của một cậu học sinh. Anh vừa đảo hai bả vai vừa vung vẩy tay một cách thừa thãi.

Anh tuyên thệ và trả lời các câu hỏi đầu tiên rất vui vẻ. Dáng ngồi của anh trong chiếc ghế nhân chứng thật kỳ lạ: người anh nghiêng về một bên với vẻ thoải mái tự tin, một khuỷu tay chống lên thành ghế nhưng hai bàn chân anh lại bám chặt xuống mặt đất và đầu gối chụm vào nhau. Anh không hề nhìn Roark.

“Ông có thể nêu tên một số công trình nổi tiếng mà ông từng thiết kế được không, thưa ông Keating?” viên luật sư hỏi.

Keating bắt đầu liệt kê một danh sách các cái tên đầy ấn tượng anh nói nhanh những cái tên đầu tiên, càng về sau, anh càng nói chậm dần, như thế anh mong người ta dừng anh lại. Cái tên cuối cũng rơi tõm vào không khí, chưa được phát âm trọn vẹn.

“Ông không quên công trình quan trọng nhất đấy chứ, thưa ông Keating?” viên luật sư hỏi. “Ông không thiết kế toà nhà Cosmo-Slotnick ư?”

“Tôi có thiết kế,” Keating thì thầm.

“Giờ thì, thưa ông Keating, ông đã học tại Học viện Công nghệ Stanton cùng thời gian với ông Roark phải không?”

“Đúng vậy.”

“Ông có thể nói gì cho chúng tôi về kết quả học tập của ông Roark ở đó?”

“Cậu ta bị đuổi học.”

“Ông ta bị đuổi học vì ông ta không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của Học viện à?”

“Vâng. Vâng, đúng là như vậy.”

Quan toà đưa mắt nhìn Roark. Một luật sư đáng lẽ đã phản đối rằng lời chứng này không liên quan. Nhưng Roark không phản đối.

“Vào thời gian đó, ông có thấy Roark thể hiện bất cứ tài năng nào trong lĩnh vực kiến trúc không?”

“Không.”

“Liệu ông có thể nói to hơn một chút được không, ông Keating?”

“Tôi không… nghĩ rằng cậu ta có bất cứ tài năng gì.”

Cách ngắt câu của Keating thật kỳ lạ: một số từ bật ra thật quả quyết như thể anh đặt một dấu chấm than sau mỗi từ đó; những từ khác lại díu vào nhau, như thế anh không muốn dừng lại đủ lâu để phải nghe thấy chúng. Anh không nhìn viên luật sư. Anh liên tục nhìn khán giả. Có lúc trông anh như một cậu bé đang chơi đùa, một cậu bé vừa mới vẽ hàng ria mép lên khuôn mặt một cô gái xinh đẹp trên tờ quảng cáo kem đánh răng trong ga điện ngầm. Sau đó anh trông như thể đang cầu xin đám đông ủng hộ – như thể anh bị đem ra xét xử trước mặt họ.

“Ông đã từng thuê ông Roark làm việc cho ông?”

“Vâng”

“Và ông có thấy mình buộc phải sa thải ông ta không?”

“Có… chúng tôi đã làm vậy.”

“Vì không đủ năng lực?”

“Đúng vậy.”

“Ông có thể nói gì cho chúng tôi về sự nghiệp sau đó của ông Roark?”

“Thì, như ông biết đấy, ‘sự nghiệp’ là một thuật ngữ tương đối. Về số lượng công trình thì bất kỳ nhân viên vẽ thiết kế nào trong công ty chúng tôi đều làm nhiều hơn ông Roark. Chúng tôi không gọi một hoặc hai công trình là một sự nghiệp. Chúng tôi chỉ mất một vài tháng để xây một, hai công trình.”

“Xin ông cho chúng tôi biết ý kiến chuyên môn của ông về công trình của ông Roark”

“À, tôi nghĩ là nó chưa đủ độ chín. Khá táo bạo, thậm chí đôi khi rất thú vị, nhưng về cơ bản – thì còn non nớt.”

“Vậy thì ông Roark không thể được gọi là một kiến trúc sư chuyên nghiệp đúng không?”

“Không phải theo cách mà chúng ta nói về ông Ralston Holcombe, ông Guy Francon, ông Gordon Prescott – không. Nhưng, tất nhiên công bằng. Tôi nghĩ rằng ông Roark có những tiềm năng nhất định, đặc biệt là trong những vấn đề thuần tuý kỹ thuật. Ông ấy có thể trở thành một cái gì đó. Tôi đã cố nói chuyện với ông ấy về điều này – Tôi đã cố gắng giúp ông ấy – Tôi thực sự làm vậy. Nhưng điều đó cũng giống như là nói chuyện với những tấm bê tông gia cố yêu quý của ông ta. Tôi đã biết rằng ông ta sẽ trở nên đại loại như thế này. Tôi không ngạc nhiên khi biết rằng cuối cùng một khách hàng đã buộc phải kiện ông ta.”

“Ông có thể nói gì cho chúng tôi về thái độ của ông Roark đối với khách hàng?”

“À, đấy chính là vấn đề. Đấy chính là toàn bộ vấn đề. Ông ta không quan tâm đến mong muốn hay ý nghĩa của bất cứ ai trên thế giới này. Ông ta thậm chí không hiểu làm thế nào mà các kiến trúc sư lại có thể quan tâm đến điều này. Ông ta thậm chí phủ nhận cả quyền đó của người ta … ông ta không thèm hiểu, không thèm hiểu đủ để… để tôn trọng người khác dù chỉ chút ít.

Tôi không thấy có gì sai khi cố gắng làm hài lòng mọi người. Tôi không thấy có gì sai khi muốn trở nên thân thiện, muốn được yêu quý và nổi tiếng. Tại sao điều đó lại là một tội ác cơ chứ? Tại sao mọi người lại chế nhạo anh vì điều đó, lúc nào cũng chế nhạo, luôn luôn chế nhạo, hết ngày đến đêm, không bao giờ cho anh được yên thân, cứ như là hình phạt nhỏ nước của Trung Quốc, ông biết cái hình phạt nhỏ từng giọt nước vào hộp sọ người ta không?”

Mọi người trong phòng bắt đầu nhận ra rằng Peter Keating đang say. Viên luật sư nhíu mày; nội dung làm chứng đã được tập dượt từ trước, nhưng nó đang đi chệch khỏi đường ray.

“À, nào, thưa ông Keating, có lẽ ông nên nói cho chúng tôi biết quan điểm của ông Roark về kiến trúc.”

“Tôi sẽ nói cho ông biết nếu ông muốn biết. Ông ấy nghĩ rằng ông nên cởi giày và quỳ xuống khi ông nói về kiến trúc. Ông ta nghĩ thế đấy. Nào, tại sao nào? Tại sao? Nó chỉ là một nghề như mọi nghề khác, đúng không? Có cái quái gì là thiêng liêng về nó nào? Tại sao lại phải nghiêm trọng đến thế? Chúng ta chỉ là con người. Chúng ta muốn kiếm sống. Tại sao mọi thứ không thể đơn giản và dễ dàng cơ chứ? Tại sao chúng ta lại cứ phải trở thành những người hùng chết tiệt?”

“Nào, nào, ông Keating, tôi nghĩ là chúng ta có phần đi chệch khỏi chủ đề. Chúng ta đang…”

“Không, chúng ta không đề di chệch chủ đề. Tôi biết tôi đang nói gì. Ông cũng biết. Tất cả bọn họ đều biết. Tất cả những người ở đây. Tôi đang nói về ngôi đền. Ông không thấy ư? Tại sao lại chọn một con quỷ để xây dựng ngôi đền? Chỉ có con người mới có thể làm được một việc như thế. Một người có khả năng hiểu… và tha thứ. Một người có thể tha thứ… Ông đi nhà thờ là vì thế… để được tha thứ.”

“Vâng, thưa ông Keating, nhưng về ông Roark…”

“Phải, cái gì về ông Roark nào? Ông ấy không phải là kiến trúc sư. Ông ấy chả được tích sự gì. Tại sao tôi lại sợ phải nói toẹt ra rằng ông ấy chả được tích sự gì? Tại sao tất cả các vị đều sợ ông ta?”

“Thưa ông Keating, nếu ông không khoẻ và muốn được miễn…”

Keating nhìn vị luật sư như thể anh vừa tỉnh dậy. Anh cố gắng tự chủ. Một lúc sau, anh nói với giọng đều đều, đơn điệu.

“Không sao. Tôi ổn cả. Tôi sẽ nói bất kỳ điều gì ông muốn. Ông muốn tôi nói điều gì?”

“Xin ông nói cho chúng tôi – bằng thuật ngữ chuyên môn – ý kiến của ông đối với công trình có tên Đền Stoddard?”

“Vâng, được chứ. Đền Stoddard… Đền Stoddard là một thiết kế mặt bằng không phù hợp, dẫn đến sự mâu thuẫn về không gian kiến trúc. Không có sự cân bằng giữa các khối. Nó thiếu tính đối xứng. Các tỷ lệ của nó đều vô lý.” Anh nói đều đều. Cổ anh căng cứng; anh phải cố gắng để nó không gục về phía trước. “Nó hoàn toàn lệch lạc về kích thước. Nó mâu thuẫn với các nguyên tắc cơ bản về kiến thiết. Hiệu ứng tổng thể của nó là…”

“Xin ông nói to hơn, ông Keating.”

“Hiệu ứng tổng thể của nó là sự thô thiển và ngu xuẩn về kiến trúc. Nó cho thấy… nó cho thấy sự thiếu hiểu biết về kiến trúc, thiếu linh cảm về cái đẹp, thiếu khả năng sáng tạo, thiếu…” – anh nhắm mắt lại – “… tính toàn vẹn của một công trình nghệ thuật…”

“Cảm ơn ông Keating. Thế là đủ.”

Viên luật sư quay về phía Roark và nói với vẻ lo lắng:

“Mời ông hỏi.”

“Không có câu hỏi,” Roark nói.

Câu này kết thúc ngày xét xử đầu tiên.

Tôi hôm đó Mallory, Heller, Mike, Enright và Lansing tập trung trong phòng của Roark. Họ không hề hẹn trước với nhau, nhưng tất cả họ đều bị thôi thúc vì cùng một cảm giác. Họ không nói về phiên xét xử, nhưng họ cũng không hề tỏ ra cố gắng hay chủ ý tránh nói nó ra. Roark ngồi bên bàn thiết kế của anh và nói cho họ về tương lai của ngành công nghiệp nhựa. Mallory chợt phá ra cười. “Chuyện gì vậy, Steve?” Roark hỏi. “Tôi chỉ nghĩ rằng… Howard này, chúng tôi đều đến đây để giúp anh, để làm anh vui. Nhưng chính anh lại là người đang giúp chúng tôi. Anh đang hỗ trợ những người hỗ trợ anh, Howard ạ.”

Tối hôm đó, Peter Keating nằm gục trên bàn một quán rượu, một cánh tay vắt ngang qua bàn, mặt úp vào cánh tay.

Trong hai ngày tiếp theo, lần lượt các nhân chứng được gọi để làm chứng cho bên nguyên. Mọi cuộc thẩm vấn nhân chứng đều bắt đầu bằng các câu hỏi về thành tựu nghề nghiệp của người làm chứng. Luật sư bên nguyên gợi ý cho họ như một nhà báo chuyên nghiệp. Austen Heller nhận xét rằng các kiến trúc sư hẳn đã phải tranh nhau để được gọi lên bục làm chứng, bởi vì đây là cơ hội nổi tiếng lớn nhất trong một ngành vốn rất im tiếng này.

Không có nhân chứng nào nhìn Roark. Anh thì nhìn họ. Anh lắng nghe những lời chứng. Anh nói “Không có câu hỏi nào” với từng nhân chứng.

Ralston Holcombe bước lên bục nhân chứng. Với chiếc cà-vạt chảy dài và chiếc gậy bịt vàng, trông ông giống như một quận công hoặc một nhạc trưởng ở một quán bia ngoài trời. Những lời chứng của ông dài dòng và đầy học thuật, nhưng rút cục lại thì như sau:

“Thật là vô nghĩa. Thật là trẻ con. Tôi không thể nói là tôi cảm thấy thực sự thông cảm cho ông Hopton Stoddard. Lẽ ra ông ta phải biết nghĩ hơn. Bằng chứng khoa học cho thấy, thời đại này, chỉ có phong cách kiến trúc Phục hưng là phù hợp. Nếu những người ưu tú nhất trong số chúng ta, như ông Stoddard, phủ nhận điều này, thì con người còn có thể hy vọng gì từ kẻ trọc phú, những tên kiến trúc sư giả hiệu hay những kẻ thấp hèn khác? Người ta đã chứng minh rằng Phục hưng là kiểu dáng chuẩn cho mọi nhà thờ, đền đài và nhà thờ lớn. Thế còn Hiệp sĩ Christopher Wren thì sao? Chỉ cần bỏ qua chứ còn sao. Hãy nhớ rằng, tượng đài tôn giáo vĩ đại nhất của mọi thời đại là điện Thánh Peter ở Roma. Các vị không định cải tạo cả điện thánh Peter đấy chứ? Và nếu ông Stoddard đã không kiên quyết đòi xây một công trình Phục hưng, thì rõ ràng ông ta xứng đáng nhận được kết quả này. Thế là hết sức đáng đời ông ấy.”

Gordon L.Prescott mặc cái áo len cổ lọ dưới lớp áo khoác len kẻ sọc, quần tuýt và đi giày đánh gôn.

“Sự tương quan giữa cái trừu tượng với không gian vật chất của công trình mà chúng ta đang bàn đến ở đây hoàn toàn lập dị” – ông ta nói. “Nếu chúng ta gọi chiều ngang là một chiều, chiều dọc là hai chiều, chiều xiên là ba chiều và sự đan xen của các không gian là bốn chiều – kiến trúc là nghệ thuật bốn chiều – thì chúng ta có thể thấy rất rõ ràng công trình này thiếu tính đac hiều, hoặc nói theo ngôn ngữ của người không có chuyên môn thì là phẳng lỳ. Dòng chảy cuộc sống bắt nguồn từ cảm giác về trật tự trong sự hỗn loạn, hoặc nếu các vị thích, thì là từ sự thống nhất trong sự đa dạng, cũng như ngược lại, và kiến trúc gắn liền với việc hiện thực hoá những mâu thuẫn, thì cái đó ở đây hoàn toàn không có. Tôi đang cố gắng hết sức để diễn đạt một cách dễ hiểu nhất, nhưng khó có thể dùng thứ lô-gíc cũ rích để trình bày một vấn đề biện chứng với một kẻ ngoại đạo lười suy nghĩ.”

John Erik Snyte làm chứng một cách khiêm tốn và không hề khó chịu rằng ông ta đã từng tuyển Roark vào làm việc, rằng Roark từng là một nhân viên không đáng tin cậy, không trung thành và cẩu thả và rằng Roark đã khởi đầu sự nghiệp của mình bằng cách lấy cắp một khách hàng của ông ta.

Vào ngày xét xử thứ tư, luật sư của bên nguyên gọi nhân chứng cuối cùng.

“Cô Dominique Francon,” ông ta trịnh trọng tuyên bố.

Mallory há miệng hít mạnh một hơi, nhưng không ai nghe thấy tiếng hít của anh; bàn tay Mike siết chặt cổ tay Mallory và giữ anh ngồi yên.

Viên luật sư đã để dành Dominique cho cao trào cuộc hỏi cung của mình, một phần vì ông ta mong đợi rất nhiều ở cô, và một phần vì ông ta lo lắng; cô là nhân chứng duy nhất không được diễn tập trước; cô đã từ chối mọi hướng dẫn. Cô chưa từng đề cập đến đền Stoddard trong chuyên mục của mình; nhưng ông ta đã tra cứu các bài viết trước đó của cô về Roark, và Ellsworth Toohey đã khuyên ông ta mời cô làm nhân chứng.

Dominique đứng một lúc ở bậc thềm dẫn lên của bục nhân chứng. Cô chậm rãi nhìn đám đông. Vẻ đẹp của cô thật choáng ngợp, đồng thời quá lạnh lùng, như thế nó không thuộc về cô. Dường như vẻ đẹp ấy hiện diện trong căn phòng như một thực thể riêng biêt. Mọi người nghĩ về một ảo ảnh chưa từng xuất hiện, một nạn nhân trên đoạn đầu đài, một người đứng trong đêm bên lan can của một con tàu biển.

“Tên cô là gì?”

“Dominique Francon.”

“Và nghề nghiệp của cô, thưa cô Francon?”

“Nhà báo”

“Cô là tác giả của mục Nhà của bạn rất nổi tiếng trên tờ Ngọn cờ phải không?”

“Tôi là tác giả mục Nhà của bạn.”

“Cha cô là Guy Francon, kiến trúc sư nổi tiếng đúng không?”

“Đúng vậy. Cha tôi đã được mời đến đây làm nhân chứng. Ông đã từ chối. Ông nói rằng ông không quan tâm đến một công trình như Đền Stoddard, nhưng ông nghĩ rằng cách cư xử của chúng ta không được cao thượng.”

“Ồ, nào, thưa cô Francon, chúng ta sẽ giới hạn các câu trả lời theo câu hỏi của chúng tôi chứ? Chúng tôi thực sự may mắn vì có cô, vì cô là nhân chứng nữ duy nhất của chúng tôi, và phụ nữ luôn có trực giác thuần khiết nhất về đức tin tôn giáo. Ngoài ra, với tư cách là một người có chuyên môn xuất sắc về kiến trúc, cô đặc biệt có đủ tư cách để cho chúng tôi cái mà tôi sẽ gọi là, với tất cả lòng tôn kính, quan điểm của nữ giới về vụ việc này. Liệu cô có thể nói cho chúng tôi bằng ngôn từ của chính cô xem cô nghĩ về Đền Stoddard không?”

“Tôi nghĩ rằng ông Stoddard đã mắc sai lầm. Nếu ông ấy kiện, thì rõ ràng công lý phải thuộc về ông ấy, có điều không phải là để trả chi phí sửa chữa mà là chi phí phá huỷ.”

Viên luật sư trông có vẻ nhẹ nhõm.

“Liệu cô có thể giải thích lý do của mình được không, thưa cô Francon?”

“Ông đã nghe các lý do này từ tất cả các nhân chứng trong phiên toà này rồi đấy thôi.”

“Vậy tôi có thể ghi nhận rằng cô đồng ý hoàn toàn hơn cả những người đã làm chứng. Họ đều là những nhân chứng rất thuyết phục.”

“Cô có thể… nói rõ hơn được không, thưa cô Francon? Ý của cô là gì?”

“Ý tôi nói đến điều mà ông Toohey đã nói: ngôi đền này là mối đe doạ với tất cả chúng ta.”

“Ồ, vâng, tôi hiểu rồi.”

“Ông Toohey hiểu vấn đề rất rõ. Liệu tôi có phải nói rõ điều này – bằng ngôn từ của tôi nữa hay không?”

“Dĩ nhiên rồi, thưa cô.”

“Howard Roark đã xây dựng một đền thờ linh hồn của con người. Anh ấy coi con người như những cá thể mạnh mẽ, tự tôn, trong sạch, khôn ngoan, dũng cảm. Anh ây nhìn nhận con người như một thực thể anh hùng. Và anh ấy xây dựng một ngôi đền để tôn vinh điều đó. Ngôi đền là nơi mà con người trải nghiệm sự thăng hoa. Anh ấy cho rằng sự thăng hoa bắt nguồn từ nhận thức về sự vô tội, từ việc nhìn ra sự thật và đạt được sự thật đó, từ việc sống hết khả năng của mình, từ việc từ chối sự nhục nhã và không bao giờ làm gì để phải nhục nhã, từ việc có thể đứng khoả thân dưới ánh sáng mặt trời. Anh ấy nghĩ rằng sự thăng hoa hàm chứa niềm vui và niềm vui là quyền của con người ngay từ khi được sinh ra. Anh ấy nghĩ rằng một nơi được xây dựng để tôn vinh con người là một nơi linh thiêng. Đó là điều mà Howard Roark nghĩ về con người và sự thăng hoa. Nhưng Ellsworth Toohey nói rằng ngôi đền này là tượng đài cho sự căm ghét ghê gớm của loài người. Ellsworth Toohey nói rằng gốc rễ của sự thăng hoa phải bị triệt tiêu, phải bị dúi xuống đất và bị chôn vùi. Ellsworth Toohey nói rằng hành động cao cả nhất của con người là nhận ra sự nhỏ mọn của mình và cầu xin sự tha thứ. Ellsworth Toohey nói rằng thật sa đoạn khi không nghiễm nhiên chấp nhận rằng con người cần sự tha thứ. Ellsworth Toohey thấy rằng công trình này thuộc về con người và thuộc về trái đất – và Ellsworth Toohey nói rằng công trình này ngập bụng trong bùn. Ellsworth Toohey nói rằng tôn vinh con người tức là tôn vinh khoái cảm xác thịt thấp hèn, bởi vì lãnh địa tinh thần là cái nằm ngoài khả năng hiểu biết của con người. Để vào được lãnh địa tinh thần, Ellsworth Toohey nói rằng con người phải đến như một kẻ ăn xin quỳ trên hai đầu gối của mình. Ellsworth Toohey là người yêu đồng loại.”

“Thưa cô Francon, chúng ta đâu có bình luận về ông Toohey, do vậy nếu cô có thể giới hạn bản thân ở…”

“Tôi không buộc tội Ellsworth Toohey. Tôi buộc tội Howard Roark. Người ta nói rằng một công trình phải là một phần máu thịt của cái mảnh đất xây nên nó. Thế mà Roark đã xây một ngôi đền của anh ta trên một thế giới như thế nào? Cho loại người nào đây? Hãy nhìn xung quanh ông đi. Ông có thấy một đền thờ nào trở nên linh thiêng bằng cách làm nền cho ông Hopton Stoddard không? Hay cho ông Ralston Holcombe? Cho ông Peter Keating? Khi ông nhìn tất cả bọn họ, ông có căm ghét Ellsworth Toohey không – hay là ông nguyền rủa Howard Roark vì sự sỉ nhục không thể nói thành lời mà ông ấy đã làm? Ellsworth Toohey đã đúng khi nói rằng ngôi đền này là một sự báng bổ, mặc dù không phải theo nghĩa báng bổ mà anh ta đã đề cập. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng ông Toohey biết điều đó. Khi ông nhìn thấy một người vung vãi vàng bạc mà không thu lại được một chút vụn cám, thì ông không nên phẫn nộ với những con lợn vô ơn. Ông nên phẫn nộ với cái người vung vãi vàng bạc bởi vì anh ta đã coi thường vàng bạc của mình đến mức anh ta sẵn sàng đem quẳng nó vào chuồng lợn và biến nó thành nguồn tiêu khiển của một dàn hoà tấu của những con lợn ủn ỉn và rồi phải ra toà để nghe lại những lời ủn ỉn đó.”

“Thưa cô Francon, tôi nghĩ rằng những lời chứng này có liên quan hoặc có thể được chấp nhận…”

“Nhân chứng phải được phép đưa ra bằng chứng,” ông chánh án bất chợt tuyên bố. Ông ta thấy buồn chán và thích nhìn dáng người của Dominique. Ngoài ra, ông ta biết rằng khán giả đang thích thú lắng nghe với vẻ khích động của người chứng kiến một vụ xì-căng-đan, mặc dù họ đều cảm thông với Hopton Stoddard.

“Thưa ngài chánh án, dường như có sự hiểu lầm,” viên luật sư nói. “Thưa cô Francon, cô đang làm chứng cho ai vậy? Cho ông Roark hay ông Stoddard?”

“Tất nhiên là cho ông Stoddard. Tôi đang nêu lý do tại sao Stoddard nên thắng kiện. Tôi đã thề là sẽ nói sự thật mà.”

“Tiếp tục đi,” ông chánh văn nói.

“Mọi nhân chứng đều đã nói sự thật. Nhưng không phải toàn bộ sự thật. Tôi chỉ bổ khuyết vào những phần còn thiếu mà thôi. Họ nói về mối đe doạ và sự căm thù. Họ đúng.

Đền Stoddard là mối đe doạ đối với nhiều thứ. Nếu nó được phép tồn tại, thì không ai còn dám nhìn mình trong gương. Và làm thế là tàn nhẫn đối với con người. Hãy yêu cầu họ làm bất kỳ cái gì khác. Hãy yêu cầu họ đạt được sự giàu có, danh vọng, tình yêu, sự tàn bạo, giết người, sự hy sinh. Nhưng đừng yêu cầu họ phải đạt được lòng tự trọng. Họ sẽ căm ghét ông đến tận xương tuỷ. Ồ, họ biết rõ lắm. Họ có những lý do của mình. Tất nhiên họ sẽ không nói toẹt ra nhưng họ ghét ông. Họ sẽ nói rằng ông ghét họ. Tôi đoán điều đó cũng gần đúng. Họ biết có sự căm ghét. Những người như họ luôn biết đến sự căm ghét. Vậy thì làm kẻ tử vì đạo cho những điều không thể để làm gì chứ? Xây dựng cho một thế giới không hề tồn tại để làm gì chứ?”

“Thưa ngài Chánh án, tôi không thấy bất cứ sự liên quan nào từ những điều này với…”

“Tôi đang bào chữa cho ông đấy thôi. Tôi đang chứng minh tại sao ông phải đi với Ellsworth Toohey, như ông đằng nào cũng sẽ làm vậy. Đền Stoddard phải bị phá huỷ. Không phải để cứu rỗi con người khỏi nó, mà để cứu nó khỏi con người. Tuy nhiên, có gì khác biệt cơ chứ? Ông Stoddard thắng. Tôi hoàn toàn nhất trí với những gì đang diễn ra ở đây, ngoại trừ một điểm. Tôi nghĩ chúng ta không nên được phép bỏ qua điều này. Chúng ta sẽ phá huỷ ngôi đền, nhưng đừng giả vờ rằng chúng ta đang thực hiện một hành động đầy đức hạnh. Hãy nói rằng, chúng ta là những con chuột chũi và chúng ta chống lại những đỉnh núi cao. Hoặc có lẽ là chúng ta là những con lem-mút, loài động vật luôn nhảy xuống biển để tự sát. Tại thời điểm này, tôi ý thức đầy đủ rằng tôi cũng vô vọng như Howard Roark. Đây là đền Stoddard của tôi – cái đầu tiên và cái cuối cùng của tôi.”

Cô nghiêng đầu về phía ông chánh án.

“Thế thôi, thưa ngài Chánh án.”

“Ông có thể hỏi nhân chứng” viên luật sư hất hàm về phía Roark.

“Không có câu hỏi,” Roark nói.

Dominique rời khỏi bục.

Viên luật sư cúi đầu trước quan toà và nói: “Bên nguyên đơn đã xong.”

Ông chánh án quay về phía Roark và làm một cử chỉ mơ hồ để mời anh bắt đầu.

Roark đứng dậy và đi về phía ghế chánh án với chiếc phong bì màu nâu trong tay. Anh lấy ra mười tấm ảnh ngôi đền Stoddard và bày chúng lên bàn chánh án. Anh nói: “Bị đơn đã xong.”

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ