Giông tố - Chương 12

Long để cái va ly xuống ghế rồi ngơ ngác nhìn quanh… Phòng ông giám đốc Đại Việt học hiệu lúc ấy vắng tanh như một gian nhà bỏ hoang vậy. Chàng bèn ấn cái chuông ở bàn giấy. Mãi mới thấy anh gác trường chạy lên. Chàng hỏi:

– Ông chủ đi đâu rồi?

Người gác cổng dụi mắt đáp:

– Ông chủ đi nghe diễn thuyết ở trường Cao đẳng.

Long cự:

– Sao ông vào trong ấy mà lại không khóa cửa trường lại?

– Tôi định vào thì ra ngay đấy mà. Vả lại vừa rồi có cụ nghị về chơi.

– Thế à? Cụ nghị đã gặp ông chủ chưa?

– Chưa gặp. Vì ông chủ vừa ra đi một lúc thì cụ nghị mới đỗ xe trước cửa.

– Thế à?

Long thẫn thờ nói thế rồi ngồi xuống ghế. Người gác trường hỏi:

– Thế ông ở trên cụ nghị về đấy à?

– Không, tôi ở Hải Phòng về.

– Ở dưới ấy với cụ nghị bà ấy à?

– Phải.

– Ông đi làm gì thế?

– Có việc riêng của ông chủ.

– Việc gì thế?

Long cau mày, gắt:

– Sao mà ông hỏi kỹ thế? Khi tôi đã nói việc riêng thì ông đừng hỏi thêm nữa chứ!

Người gác trường khua lộp cộp đôi guốc ra cổng với một cái xích sắt dài…

Long gọi lại:

– Này! Thôi, đã có tôi ở đây thì ông không cần phải khóa vội. Cứ mở rộng cửa ra, ngộ nhỡ có khách hay có ai muốn hỏi gì chăng.

Người gác mở rộng cửa, buông rơi một xích sắt, khiến nó va vào cửa cánh xoảng một cái, rồi lại lộp cộp đôi guốc đi thẳng vào nhà trong. Long vội gọi lại hỏi:

– Này ông gác!

– Gì nữa thế ạ?

– Cái nhà ông em ông chủ có còn ở trường này không?

– Ông nào?

– Ông này sao chóng quên thế! Ông em ông chủ tức là cái cậu lại đây ở tháng trước mà ông phải dọn phòng ấy mà! Cái cậu có cô vợ tân thời ấy mà!

– À, cái cậu nghiện ấy chứ gì?

– Phải đấy.

– Dọn lên ở trên phố Mới được tuần lễ rồi.

À ra thế.

– Ông có hỏi gì nữa không thì cho tôi đi ngủ.

– Thôi được, ông cứ vào mà ngủ.

– Thế ông chờ ông chủ giúp tôi nhé! Đây, chìa khóa đây.

– Được ông cứ để ở bàn.

Người gác trường vào nhà trong rồi. Long bèn cởi đôi giày ở chân ra, đi vào dép, rồi đem cái điếu thuốc lào đến để ở bàn giấy. Chàng hút một mồi thuốc, ngả người trên ghế, nhìn làn khói xanh tản mạn bay.

Chàng ôn lại cái thời gian đã sống ở dưới cảng để điều đình cái cuộc trăm năm giữa người yêu của chàng với người thân sinh ra ông chủ Đại Việt học hiệu.

Khi còn ở trên ấp Tiểu Vạn trường thành, Long đã phải mất bao nhiêu công suy nghĩ mới đóng được cái vai trò đặc biệt của chàng. Chủ đã phó thác cho công việc nặng nề là thuyết lý làm sao cho người thân sinh của ông chủ sẽ vui lòng kết bạn trăm năm với cô gái quê, mà người ấy đã nài hoa ép liễu. Trong khi ấy, vì còn quá tin ở ngọn đèn trời, tin ở thần Công lý, ở lẽ phải, ở cái kiện, nên Long đã chẳng ngại ngùng gì cả vội nhận lời với chủ ngay. Đến khi lên tới ấp Tiểu Vạn trường thành là khi thấy bên gia đình họ hàng vợ chàng đã thua kiện một cách rõ rệt rồi, thì Long lại phải thay đổi cử động. Đến khi nghị Hách lại phó thác cho chàng với việc thuyết khách là việc nói làm sao cho người vợ cả của lão vui lòng để lão cưới vợ bé, thì Long lại phải đeo lên mặt một cái mặt nạ thứ ba.

Đứng trước một cái tai họa, mà ngay cả đến tạo vật cũng không thể cứu chữa được nữa, lại thêm ở cái tình thế khó xử là kẻ gây ra tai họa ấy lại là bố một người mà chàng có bổn phận coi trọng như một vị ân nhân, thì chủ ý của Long chỉ là hành động ra sao cho người vợ chưa cưới kia được đền lại bằng một số tiền. Ngoài ra, nếu muốn báo thù kẻ đã làm thương tổn đến hạnh phúc của mình, thì Long sẽ tự kiếm lấy cách sửa thù khác, chứ chàng cũng chẳng trông cậy gì vào nơi của công. Cho nên gặp những lúc ấy, Long đã nhận lời của cả hai bên, để có cơ dò xét tình thế của kẻ thù rồi sẽ tùy cơ ứng biến.

Người thứ nhất chàng phải nghe, đã ân cần nhờ chàng làm cái việc ông tơ, bà nguyệt. Người thứ nhì lại cho chàng những hai điều kiện hoặc người ta sẽ cưới thị Mịch làm vợ lẽ, nếu người vợ cả người ta sẽ ưng ý, hoặc người ta sẽ đền tiền, nếu con giai người ta chịu nghe lời hùng biện của Long.

Thế rồi Long xách va ly xuống Cảng tìm bà nghị.

Long như còn trông thấy rõ cảnh tượng một gia đình giàu có, sống về tiền cho thuê nhà, do một người đàn bà đồng bóng, ở riêng, đứng chủ trương.

Bà nghị trạc ngoại tứ tuần rồi, song mặt mũi lúc nào cũng trát bự những phấn với son. Cách trang điểm còn trai lơ như đôi tám. Trong mỗi tháng, bà chỉ bận độ dăm ngày phải ngồi trên xe nhà, lần lượt đến chỗ có mấy chục nóc nhà mà bà là chủ cho thuê. Còn thì bà chỉ bận đi đánh tổ tôm, xóc đĩa, hoặc ngự xe hơi hòm đi hầu bóng các đền, các phủ ở khắp tỉnh. Nếu không đi xa lễ bái thì bà tổ chức cuộc đồng bóng ở tại nhà. Cái điện thờ quan lớn của bà nghị ở Cảng đã được tiếng là uy nghi, to tát nhất nước Nam.

Thỉnh thoảng lại có một kỳ suốt ngày, suốt đêm trong nhà vang rộn tiếng tửng tưng của cái đàn nguyệt, tiếng hò khoan ê a của bọn cung văn, tiếng chiêng tiếng trống lung tung và những tiếng thét, bé hé hé!!!…

Cũng vì thế nên hai cô con gái rất đẹp, rất tân thời của bà nghị, được mặc lòng cắp sách đến nhà trường, hoặc tự do đi tìm ái tình một cách ngây thơ vui vẻ ở mồm những người đàn ông.

Long còn nhớ rõ cái ngày chàng mới đến mà thấy bà nghị, giữa một đám đông đàn bà đương đứng ưỡn ẹo mặc thử những thứ khăn chầu áo ngự trước tủ gương… Một người đàn bà ngông nghênh ưu phỉnh giữa một đám đàn bà thuộc phường buôn giấy bạc giả, thuộc phường cho vay lãi ở các sòng bạc, thuộc phường buôn người sang Tàu, hoặc thầu cơm tù cũng nên, nhưng cứ gọi nhau là những bà lớn cả. Sau khi xem lá thư của ông nghị mà Long đưa ra, thì bà nghị chỉ bỏ xỏng một câu đại khái: “Được rồi, việc này can hệ lắm, cậu hãy theo thằng xe vào gác trong nhà nghỉ rồi để đấy vài hôm tôi nghĩ xem sao”. Thế rồi ngày một ngày hai, ăn chực nằm chờ, Long cứ thấy ngày giờ là dài dằng dặc, và cái việc theo lời bà nghị là “can hệ lắm” thì lại không là can hệ, vì người ta đã vô tâm quên khuấy ngay đi mất. Lúc nào Long cũng thấy bà nghị có việc bận, hoặc có khách không tiện nói, hoặc vừa động đến thì bà nghị đã ngăn đón “Tôi biết, hãy để xem”.

Trong thời gian ấy Long tình cờ lại thành ra là thư ký của hai cô. Long đã phải chép hàng cuốn sách lớn những bài ca cải lương Nam kỳ. Hai tiểu thư học chữ rất ít, chỉ học đàn, học hát là chăm chỉ lắm. Món thể thao của hai tiểu thư không là nhảy múa trước thần và thánh. vua và mẫu, nhưng là tập đi xe đạp, tập cầm lái xe hơi. Nói tóm một câu, trước mắt người cổ hủ, hai tiểu thư đã được khen là đủ tư cách để “trả nợ đời” cho bố, hay là trước mắt những người văn minh tân tiến, đó là những bậc nữ lưu gương mẫu đang “đánh dấu cho một thời đại”.

Ba bốn ngày đầu. Long thấy quang cảnh ấy là khó chịu là chướng mắt. Long cho vẻ trưởng giả của gia đình ấy là một câu nguyền rủa độc địa và ngạo mạn hắt vào mặt cái xã hội bình dân trong đó có Long. Nhưng sự trưởng giả tuy vậy cũng có nhiều thứ hào quang đủ làm lóa mắt người ta lắm. Dần dần, Long quên khuấy mất tâm sự riêng đi. Chàng thấy người ta để chàng tự do, thân mật như người nhà.

Những công việc của Long bỗng hóa nên vui, hóa nên nhẹ nhàng như những trò đùa, khác hẳn công việc trong Đại Việt học hiệu. Và một điều nguy hiểm hơn hết làm cho người ta quên mất lý trí chóng nhất, là cái tự do của hai cô. Giữa cái sân rộng mà bốn bề là bốn bức tường kín mít như bưng, hai cô thỉnh thoảng lại bắt “cậu ký” giữ hộ xe đạp để tập.

Các ngài cứ tưởng tượng ra hộ hai cô con gái còn trẻ, rất đẹp, răng trắng như ngà, mình mẩy là những các công trình của những đường cong bất hủ, tự nhiên y như đầm, và hay nói, và hay cười, và ngây thơ một cách lẳng lơ, hoặc là lẳng lơ một cách ngây thơ, ca cải lương não bậc nhất, mà lại bảo các ngài như ôm lấy người ta, một tay vòng trước ngực, một tay giữ chỗ dưới sống lưng để giữ vững hộ những bộ phận của cái… xe đạp, cho người ta vừa tập đi xe và thỉnh thoảng lại ngã vào lòng mình một cách dễ chịu!

Lần đầu phải ra giữ xe đạp cho cô Tuyết – cô chị – Long đã đỏ bừng mặt lên. Cái thẹn thò ấy chính là lễ độ của người có giáo dục. Mà cái thẹn của người có giáo dục nó có một cái vẻ hay hay, lạ lạ, nên chị cô Tuyết lại xui cô Loan là cô em càng làm già. Qua một vài bận đầu, đến những lần sau, Long mất hết vẻ thẹn, chỉ còn thấy lòng dục bùng lên như lửa bén vào rơm. Sau cùng Long thấy việc giữ xe đạp là có thú vị lắm. Cái mầm ham thích nhục dục ấy lại còn phát sinh ra bởi lòng căm hờn, lòng phục thù, vì chính những lúc giữ xe đạp là những lúc Long lại tưởng tượng ra cái quang cảnh vợ chưa cưới của chàng bị cưỡng bức một cách xấu xa. Lòng căm hờn xưa nay vẫn mạnh hơn ái tình. Dục tình cũng lại mạnh hơn ái tình.

Cho nên những khi cô Tuyết cùng cô Loan ở nhà trường, Long thấy nhớ lắm. Cái dục tình trước hết chỉ dắt đến ý nghĩ báo thù, nhưng nếu người ta nghĩ mãi đến cách báo thù bằng nhục dục thì dục tình dắt người ta đến lòng yêu. Thoạt đầu, Long chỉ mơ màng rằng Tuyết với Loan sẽ là hai cái đồ chơi của mình cho đến nhị rữa hoa tàn, cho đến liễu chán hoa chê, cho đến mưa gió tơi bời, thì là thị Mịch sẽ được trả thù một cách đầy đủ. Nhưng dần dần Long lại thấy hai người ấy không đáng chịu thứ hình phạt ấy, và lại đáng yêu! Vả lại biết bao nhiêu cuộc ái ân của người đời lại không bắt đầu chỉ vì dục tình? Cho nên những khi tư tưởng yêu quí Tuyết và Loan đến chiếm quả tim của Long thì Long thoáng nghĩ rằng vợ chưa cưới của mình chỉ là một vật hôi tanh, một hòn ngọc có vết.

Trước hết, tư tưởng đê hèn của Long chỉ là muốn làm hại Loan hoặc Tuyết.

Về sau tư tưởng ấy đã đổi ra khác hẳn. Long chỉ còn cân nhắc trong sức tưởng tượng của Long xem ai là đáng yêu, trong hai người.

Sau cùng, hiện ra trong trí nghĩ của Long cái cảnh tượng một cặp vợ chồng xum họp nhau dưới một túp lều gianh, chồng đọc sách, vợ ngồi thêu, mà vợ là Tuyết hoặc Loan, còn chồng là Long, điều ấy không cần phải nói.

Đó là sự đắc thắng của sức cám dỗ, của sự mê muôi của ái tình.

Trong những lúc ấy, Long đã tự nhủ: “Bố chúng nó tuy đểu, tuy hại mình, nhưng mà chúng nó thì có tội lỗi gì đâu? Sao mình lại định bắt hai đứa con phải đền cho tội ác của người bố?”

Sau những ý nghĩ ấy Long lại thấy mình đê hèn rồi lại tự nhủ: “Không! Mịch tuy vậy cũng đã được ta tha thứ. Nếu ta không yêu Mịch nữa, ta sẽ là bạc tình?”

Khốn thay, sự trưởng giả vẫn có nhiều thứ hào quang đủ làm người ta lóa mắt lắm.

Cho nên thỉnh thoảng, dù không muốn cũng không được, những cảnh ân ái với hoặc Loan hoặc Tuyết lại bất thần đến chiếm chỗ trong sự mơ màng của Long.

Đến hôm được bà nghị trả lời cho chủ mình là “vui lòng cho phép con cưới vợ hai cho bố” nghĩa là hôm Long phải xách va ly quay về Hà thành Long không những đã không nghĩ đến Mịch một cách buồn rầu, mà lạ còn như hớn hở vì việc mình thành công, hớn hở vì chủ mình sẽ vui vẻ, mặc lòng sự thành công của Long là nhường vợ chưa cưới cho bố ông chủ!

Rồi Long hấp tấp vừa run vừa thở mà nói khẽ với Tuyết, ở một góc sân rằng: “Tôi yêu cô”. Long cũng nói với Loan ở một góc sân khác rằng: “Tôi yêu cô”. Và cả hai đã đỏ mặt lên sung sướng thôi, chứ không thấy nói gì.

Trước kia, Long căm hờn sự giàu có của ông nghị bao nhiêu thì sau Long lại thấy làm tự kiêu ở sự giàu có ấy bấy nhiêu.

Cả hai đã im lặng một cách sung sướng. Sự im lặng như thế có cái nghĩa gật đầu. Hôn sự chắc khó thành, nhưng việc rủ nhau đi trốn chắc dễ thành. “Ta chỉ còn phải chọn hoặc cô chị, hoặc cô em”.

Những ý nghĩ ấy nẩy nở ra trong óc Long không biết bao nhiêu bận.

Ngồi ở trong phòng giấy của Đại Việt học hiệu rồi, Long vẫn còn bị sức ám ảnh của cái ảo tưởng kia. Đã bao lần Long muốn xua đuổi mối ảo tưởng ấy cho nó không bao giờ còn bén mảng được tới trí nghĩ của chàng mà không xong. Long bất giác lại hồi hộp nhớ đến lúc chàng mới đem lòng yêu Mịch, nghĩ đến lúc Mịch thắt cổ… Cuộc ái tình thứ nhất của chàng.

Nước mắt Long bỗng đâu cứ ứa ra…

Long vùng đứng dậy ra đứng trước gương nhìn vào bộ mặt phụ bạc của mình rồi tự nhủ: “Không! Ông Tú Anh là người đáng yêu, đáng nhớ ơn. Ta không thể ỡm ờ như trước được. Nếu ta muốn báo thù thì ta cũng phải nói thẳng ra là ta sẽ báo thù thì mới xứng đáng là một kẻ nam nhi. Ta phải nói rõ là chính ta là chồng chưa cưới của người con gái bị hiếp dâm, và đừng ai mong ở một vụ cưỡng bức một cuộc nhân duyên ép uổng! Thái độ của ta không được mập mờ. Hoặc ta sẽ bỏ ơn, nhớ thù, hoặc bỏ thù, nhớ ơn. Ta cần phải nói rõ. Ta sẽ nói!”.

Rồi Long ra đứng đợi chủ ở cửa trường.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ