Trăm Năm Cô Đơn - Chương 11

Sau hai tháng, vợ chồng họ xuýt nữa bỏ nhau vì Aurêlianô Sêgunđô chụp cho Pêtra Côtêt một bức chân dung vận xiêm y hoàng hậu xứ Mađagasca để an ủi ả. Khi biết chuyện, Phecnanđa đã thu xếp quần áo cô dâu nới và bỏ Macônđô ra di không một lời từ biệt anh. Aurêlianô Sêgunđô theo kịp nàng ở trên đường đồng lầy. Sau khi van xin và hứa hẹn sẽ tu tỉnh, anh đưa được nàng trở lại nhà mình và không lui tới nhà nhân tình nữa.

Pêtra Côtêt tin tưởng ở sức hấp dẫn của mình, không hề bối rối. Ả đã làm cho anh thành người đàn ông. Ngay từ lúc anh còn là một cậu bé choai choai, trong đầu chứa chất toàn những ý nghĩ viển vông và không hề hiểu biết cuộc sống, ả đã lôi anh ra khỏi phòng Menkyađêt, cho anh một chỗ đứng trong cuộc đời thực. Tạo hoá cho anh bản tính trầm lắng và kiêu ngạo, hay suy tư cô đơn, còn ả đã rèn cho anh tính cách quật khởi, mạnh mẽ, cởi mở và hoang toàng, đã truyền cho anh niềm vui cuộc sống, niềm vui hội hè và xài phí; do đó đã biến anh từ tâm hồn đến diện mạo bên ngoài thành một người đàn ông đúng như ả từng mơ ước khi còn là con gái đang thì. Anh đã cưới vợ, bởi vì cũng như con cái, sớm hay muộn rồi chúng nó cũng phải lấy vợ, lấy chồng. Anh không dám sớm cho thị biết tin. Anh cố giữ thái độ ngây thơ trước việc tự mình nổi giận vô cớ hay vờ ra vẻ đau khổ cốt làm sao cho Pêtra Côtêt sẽ là kẻ gây ra sự ly tán giữa hai người. Có một ngày Aurêlianô Sêgunđô mắng mỏ ả một cách vô lý. Hiểu ngay mưu đồ của anh, ả lập tức nói toạc móng heo:

– Chẳng qua là anh muốn lấy cô hoa hậu ấy mà.

Aurêlianô Sêgunđô, xấu hổ lắm, giả vờ giận dữ một hồi, nói toáng lên rằng mình bị hiểu lầm và bị làm nhục, rồi từ đó không lui tới với ả nữa. Lúc nào cũng làm chủ bản thân, một sự tự chủ tuyệt vời, Pêtra Côtêt lắng nghe âm nhạc, và pháo mừng đám cưới, lắng nghe tiếng ồn ào, cuồng nhiệt trong cuộc vui chung, như thể tất cả những thứ đó chỉ là một trò ma mãnh mới của Aurêlianô Sêgunđô. Ðối với những kẻ tỏ vẻ thương hại cho số phận của ả, ả trấn an họ bằng nụ cười: “Các bác đừng ngại”, ả nói với họ, “Ngữ hoa hậu ấy chỉ là thứ để tôi sai vặt thôi”. Với cô hàng xóm mang đến cho ả những cặp nến kép để soi tỏ bức chân dung người tình đã bỏ mình, thì ả nói một cách chắc nịch đầy bí hiểm:

– Cây nến duy nhất khiến anh ấy trở lại sẽ luôn luôn cháy sáng.

Như ả đã thấy trước, Aurêlianô Sêgunđô trở lại nhà ả ngay sau khi tuần trăng mật kết thúc. Anh kéo theo những người bạn cố tri của mình và một bác phó nháy mang theo bộ quần áo và chiếe áo khoác lông điểu thử mà Phecnanđa đã mặc trong vũ hội Cacnavan. Trong không khí vui vẻ như ngày hội kéo suốt buổi chiều ấy, anh khoác cho Pêtra Côtêt xiêm y hoàng hậu, đội cho ả chiếc vương miện hoàng hậu xứ Mađagasca, chụp ảnh rồi phân phát chân dung ả cho eáe bạn hữu. Ả không chỉ phụ hoạ vào trò chơi mà còn động lòng thương hại anh vì nghĩ rằng chắc hẳn anh đã phải hất hoảng lắm nên mới nghĩ ra thủ đoạn làm lành lạ lùng này. Vào lúc bảy giờ tối, tuy vẫn còn mặc xiêm y hoàng hậu, ả đã tiếp anh trên giường. Anh mới cưới vợ chưa chầy vài tháng, nhưng ả đã nhận thấy ngay rằng vợ chồng họ không được hoà thuận ngay ở trên giường cưới và ả sướng như điên vì thấy sự trả thù của mình đã được thực hiện trọn vẹn. Tuy nhiên, hai ngày sau, khi anh không những không dám trở lại nhà ả mà còn nhờ một người trung gian đến giải quyết nốt các điều khoản chia ly, thì ả hiểu rằng sẽ cần phải điềm tĩnh hơn và rằng dường như anh đã sẵn sàng quyết chí chạy theo cái mẽ hào nhoáng bên ngoài ấy. Ả cũng không bực dọc. Ả lại thuận theo mọi đòi hỏi của anh, làm cho mọi người thực lòng tin rằng ả là người đàn bà đau khổ. Vật kỷ niệm duy nhất của Aurêlianô Sêgunđô ả còn giữ được là đôi ủng màu be mà theo đúng như lời anh nói, anh sẽ mang chúng khi được liệm vào quan tài. Ả cuộn chúng trong tấm vải và giấu kĩ ở dưới đáy rương, rồi lại chờ đợi, chờ đợi một cách đầy hy vọng.

– Sớm hay muộn thế nào anh ấy cũng phải trở lại, – ả nói với chính mình, – dù chỉ để đi đôi ủng này.

Ả không cần phải đợi lâu như từng dự đoán trước. Thực ra, Aurêlianô Sêgunđô, ngay từ đêm tân hôn, đã hiểu rằng mình sẽ trở lại nhà Pêtra Côtêt sớm hơn rất nhiều trước khi cần phải đi đôi ủng màu be, vì Phecnanđa là một người đàn bà lạc loài trong cuộc đời này. Nàng đã sinh ra và lớn lên ở một nơi xa biển hàng ngàn kilômét, một thành phố buồn thê lương với những đêm đầy sợ hãi vang lên tiếng bánh xe lọc cọc của các bậc phó vương trên những con đường đá gồ ghề. Ba mươi hai tháp chuông cùng đổ hồi vào lúc sáu giờ chiều một cách thê lương, chết chóc. Không bao giờ nắng chiếu vào ngôi nhà cổ kính lát đá. Gió tắt lịm trên đỉnh những cây bá ở ngoài sân, trên những tấm màn gió đã úa màu trong các phòng, trên mái vòm giao nhau của những cáy cam tùng ở ngoài vườn. Ngay khi đã ở tuổi dậy thì, Phecnanđa vẫn không hay biết gì về cuộc đời ngoài những bản nhạc tập pianô buồn bã nhớ nhung, do một người nào đó được phép không ngủ trưa chơi bên nhà hàng xóm. Ngồi trong căn phòng của bà mẹ ốm yếu da xanh mái đi trong ánh sáng lọc qua những tấm kính mờ bụi; nàng nghe những cung bậc thứ tự, rền rĩ, buồn bã và nghĩ rằng âm nhạc ấy hiện hữu trong cuộc đời, trong lúc nàng mải mê tết những chiếc mũ tang bằng lá cây palma. Mẹ nàng, sốt đổ mồ hôi vào lúc năm giờ chiều, kể cho nàng nghe thời huy hoàng đã qua. Có một đêm trăng, khi còn nhỏ tuổi, Phecnanđa nhìn thảy bóng một người đàn bà vận đồ trắng đi từ vườn hoa vào phòng cầu kinh. Cái bóng vừa lướt qua quá nhanh ấy đã làm nàng lo lắng chính là vì nàng cảm thấy nó giống hệt mình, cứ như thể đó là bóng dáng mình trong khoảng hai mươi năm sau. “Ðó là bà hoàng hậu cố nội con đấy”, mẹ nàng nói trong lúc cơn ho diu đi, “Cụ chết vì ngộ gió khi chặt một cành cam tùng”. Rất nhiều năm sau, khi cảm thấy mình giống hệt cụ cố nội mình, Phecnanđa đâm ra nghi ngờ bóng ma mình nhìn thấy hồi còn nhỏ, nhưng mẹ nàng đã mắng nàng về tội thiếu đức tin.

– Chúng ta vốn giàu có và có thế lực mạnh mẽ vô cùng, bà nói với nàng. – Rồi con sẽ là hoàng hậu mà.

Nàng tin điều đó mặc dù gia đình nàng hiện chỉ làm chủ một chiếc bàn ăn dài có đủ khăn và đồ dùng ăn uống bằng bạc, và cái bàn này chỉ được dùng để ăn bánh ngọt và uống nước sôcôla. Ngay đến ngày làm lễ thành hôn, nàng vẫn mơ thời làm vua. Huyền thoại ấy dẫu rằng cha nàng, đông Phecnanđô đã buộc phải cầm cố ngôi nhà để lấy tiền may sắm đồ cưới cho nàng. Không quá ngây thơ cũng chẳng hợm mình về danh giá gia đình, người ta đã giáo dưỡng nàng như thế đấy. Ngay từ thuở mới hiểu biết chút ít, nàng còn nhớ mình vẫn được ngồi trên chiếc bô bằng vàng có khắc gia huy dòng họ mình để ì đái. Lần đầu tiên bước ra khỏi nhà là lúc nàng đã mười hai tuổi, ch trên một chiếc xe ngựa chỉ cần chạy qua hai ô phố để đến tu viện.

Những cô bạn cùng lớp đều ngạc nhiên rằng người ta tách riêng nàng ra, cho nàng ngồi trên một chiếc ghế dựa rất cao, và rằng ngay cả trong lúc vui chơi nàng cũng không chơi chung với họ. “Cô ấy rất khác đấy”, các nữ tu sĩ giải thích cho họ, “Cô ấy sẽ là hoàng hậu đấy”. Các bạn gái của nàng tin điều đó, bởi vì ngay từ lúc ấy nàng đã là một cô gái xinh đẹp, khác thường và kín đáo nhất. Tám năm sau, sau khi đã học làm thơ bằng chữ Latinh, đã học chơi đàn clavơxanh(1) học đàm đạo với các công tử về nghề nuôi chim ưng, với các dực Giám mục về môn thần học chuyên biện giải cho tôn giáo, học tranh luận với các chính khách ngoại quốc về các vấn đề nhà nước và với Giáo hoàng về các vấn đề của Thượng đế, nàng trở về nhà cha mẹ mình để lại tết những chiếc mũ tang bằng lá cây palma. Nàng thấy nhà mình quang sạch đồ đạc. Hầu như chỉ còn những giường tủ không có giá trị, các ngọn đèn chùm, và bộ đồ ăn bằng bạc, bởi vì những đồ dùng có giá trị đều bị bán dần bán mòn để lấy tiền trang trải các khoản chi phí cho việc dạy dỗ nàng. Mẹ nàng đã từ trần vì cơn sốt lúc năm giờ chiều. Cha nàng, đông Phecnanđô, mặc đồ đen, với áo cổ cồn và một chiếc xà tích vàng vắt chéo ngang ngực, vào các ngày thứ hai đưa cho nàng một đồng tiền bạc để chi dùng ăn uống, rồi cụ mang đi những chiếc mũ tang tết lá cây palma vừa làm xong tuần trước. Phần lớn buổi ban ngày cụ ở lì trong phòng riêng, và trong những dịp hiếm hoi cụ mới đi ra ngoài đường cái nhưng lại vội trở về nhà trước lúc sáu giờ tối để cùng nàng đọc kinh Rôsariô. Không bao giờ chơi thân với một ai. Không bao giờ nghe nói về những cuộc nội chiến đang làm tổn thương đất nước. Không bao giờ bỏ nghe các buổi tập đàn pianô vào lúc ba giờ chiều. Vào lúc nàng bắt đầu vỡ mộng mình sẽ là hoàng hậu thì ở ngoài cửa chính vang lên tiếng vồ gọi cửa nện khẩn cấp, nàng vội mở cửa cho một quân nhân bảnh bao, điệu bộ khoan thai, trên má mang một vết sẹo và trên ngực gài tấm huy chương vàng. ông ta vào đàm đạo ở phòng riêng với cha nàng. Hai giờ sau, cha nàng đến phòng máy may tìm nàng. “Con hãy chuẩn bị đồ đạc của mình đi”, cụ nói với nàng “Con cần phải đi xa”. Nàng bị mang đến Macônđô như thế đấy. Chỉ trong một ngày thôi, cuộc đời đã trút xuống đầu nàng tất cả sức nặng của một thực tế mà trong

nhiều năm cha mẹ cố tình tránh cho nàng. Từ khi trở về nhà, nàng đóng kín cửa, ở trong phòng khóc, bất chấp những lời van xin và giải thích của đông Phecnanđô, để xoá đi vết nhục cháy bỏng thành sẹo trên da mình. Nàng vừa tự nhủ lòng sẽ không ra khỏi phòng cho đến khi chết thì cũng vừa hay Aurêlianô Sêgunđô đến nhà tìm nàng. Ðó là một vận may không thể dự tính trước được, bởi vì trong lúc hoang mang vì tức giận, trong lúc điên tiết vì xấu hổ, nàng đã nói dối anh để không bao giờ anh lần ra được tông tích đích thực của mình. Nhưng dấu vết thực tế duy nhất để Aurêlianô Sêgunđô lần mò theo khi đi tìm nàng là lối nói vùng thảo nguyên không trộn lẫn được và nghề tết mũ tang bằng lá cây palma của nàng. Anh nhẫn nại tìm nàng với quyết tâm lớn mà cụ Hôsê Accađiô Buênđya đã sử dụng để vượt núi thành lập làng Macônđô, với lòng tự hào mù quáng mà đại tá Aurêlianô Buênđya sử dụng để khơi dậy các cuộc chiến tranh vô bổ, với lòng kiên trì rồ dại mà Ucsula đùng để khẳng định sự trường tồn của dòng họ mình. Aurêlianô Sêgunđô đã đi tìm Phecnanđa như thế đấy mà không lúc nào anh tỏ ra chán nản. Khi anh hỏi ở đâu có bán mũ tang tết bằng lá cây palma thì mọi người dẫn anh về nhà họ để chọn những chiếc mũ đẹp nhất. Khi anh hỏi cô gái đẹp nhất trên mặt đất này ở đâu thì các bà mẹ lập tức đưa anh đi xem mặt con gái mình. Anh lạc lối trên những ngọn đèo mây phủ, trong những vùng bị lãng quên, và trong mớ bòng bong của sự thất vọng. Anh đã vượt qua một cao nguyên vàng úa nơi chỉ có tiếng vọng o o lắp lại những suy tưởng và chỉ có cơn khát làm mờ mắt. Sau nhiều tuần kham khổ, anh đã tới được một thành phố xa lạ mà ở đấy tất cả các tháp chuông đều dỗ hồi thê thảm. Dù chưa từng nhìn thấy, cũng chưa từng nghe ai miêu tả, anh đã nhận ra ngay những bức tường thành lở lói vì gió sương mang hơi mặn của xương người táp vào, nhận ra ngay những ban công gỗ ọp ẹp vì mọt đục khoét lâu ngày, nhận ra ngay tấm biển quảng cáo ở đây bán mũ tang, mà chữ viết của nó đã nhom đi trên tấm bìa các tông cũ. Kể từ lúc anh đến cho tới buổi sáng Phecnanđa để lại ngôi nhà cho Ðức mẹ Toàn năng trông nom, lúc nào anh và nàng cũng tất bật đến mức hầu như không đủ thời gian cho các cô nữ tu sĩ kịp may bộ đồ cô dâu. Họ bận rộn lo nhét những ngọn đèn chùm, những bộ đồ ăn bằng bạc, và những thứ vô dụng nhiều vô kể của cái gia đình quý tộc đã khánh kiệt từng tồn tại hai thế kỷ này vào sáu chiếc thùng lớn. Ðông Phecnanđô từ chối lời mời cùng đi với họ. Cụ hứa sẽ đi khi nào đã hoàn thành các lời hứa của mình. Kể từ lúc cúi mình làm dấu ban phức cho con gái, cụ lại đóng kín cửa để ở lý trong phòng, viết thư bằng thơ có kèm theo những hình trang trí bi thương và con dấu gia huy, vốn là những thứ qua đó Phecnanđa và cha nàng có quan hệ trực tiếp với đời thường. Đối với Phecnanđa, ngày ấy là ngày sinh đích thực của nàng. Đối với Aurêlianô Sêgunđô, ngày ấy là ngày mở đầu đồng thời là ngày kết thúc hạnh phúc của anh.

Phecnanđa mang theo mình một cuốn lịch quý và một chùm thìa khoá mạ vàng trong đó vị cha cố làm thầy giáo của nàng đã dùng mực luôn tươi màu đánh dấu những ngày kiêng nhập phòng. Nếu không kể tuần lễ Thánh, những ngày chủ nhật, những ngày buộc phải nghe kinh mixa, những ngày thứ sáu đầu tiên của một tháng, những ngày tế thần và những ngày hành kinh, là những ngày nhất thiết phải kiêng cữ, cuốn lịch bổ ích của nàng chỉ còn lại bốn mươi hai ngày được tự do nằm rải rác trong tấm mạng nhện những dấu gạch chữ thập còn tươi màu mực. Aurêlianô Sêgunđô cho rằng thời gian sẽ quật đổ bức rào trở ngại đó, đã kéo dài tiệc cưới quá thời gian quy định. Mệt mỏi vì còn phải sai đổ vỏ chai rượu Brandy và rượu sâm banh ra thùng rác để ngôi nhà được gọn gàng, và đồng thời tò mò thấy rằng cô dâu chú rể đã không đi ngủ cùng một giờ lại còn ngủ tại hai phòng biệt lập trong lúc pháo vẫn nổ, nhạc vẫn cử, gia súc vẫn bị giết, Ucsula nhớ lại kinh nghiệm sống của chính mình và tự hỏi không biết có phải Phecnanđa cũng thắt chiếc thắt lưng trinh tiết mà sớm hay muộn sẽ gây nên những lời bình phẩm độc địa của dân làng và là cội nguồn của tấn bi kịch hay không.

Nhưng Phecnanđa đã thú nhận với cụ rằng nàng chỉ phải đợi qua hai tuần trước khi được phép ăn nằm lần đầu tiên với chồng mình. Quả nhiên hai tuần qua đi, nàng mở cửa phòng mình trong sự nhượng bộ bắt buộc của một nạn nhân bị trừng phạt, và Aurêlianô Sêgunđô đã nhìn thấy người đàn bà đẹp nhất trần gian với đôi mắt rực vẻ kiêu hãnh của con vật hoảng sợ và những mớ tóc vàng màu đồng xoã trên gối. Anh sung sướng quá trước hình ảnh ấy đến mức một lúc sau mới nhận ra rằng Phecnanđa đã vận chiếc áo ngủ trắng muốt, che kín mắt cá chân và chùm cả mu bàn tay, ở ngang bụng mở một cửa mở to và tròn, được thêu viền cẩn thận. Aurêlianô Sêgunđô không thể kìm được một chuỗi cười giòn giã.

– Ôi, cái này còn khêu gợi hơn cả những cảnh anh từng nhìn thấy – anh gào, với tiếng cười khanh khách rền vang cả nhà. – Anh đã cưới một nữ tu dòng Xanh Vanh xanh đơ Pôn.

Một tháng sau, vì không làm sao thuyết phục được vợ mình cởi chiếc áo ngủ ấy, anh đã mò đến nhà Pêtra Côtêt để chụp cho ả bức ảnh vận xiêm y của nữ hoàng. Sau đó, khi anh thuyết phục được Phecnanđa thôi không bỏ về quê nữa để trở lại nhà mình, nàng đã nhượng bộ trước những yêu cầu làm lành tha thiết của anh, nhưng anh vẫn không biết cách sắp đặt việc nghỉ ngơi theo đúng như điều anh mơ ước khi đến thành phố ba mươi hai tháp chuông để tìm nàng. Aurêlianô Sêgunđô chỉ tìm thấy ở nàng một ý vị chán nản. Có một đêm, trước khi sinh cậu con trai đầu lòng ít bữa, Phecnanđa biết rằng chồng mình đã bí mật trở lại nằm cùng giường với Pêtra Côtêt.

– Ðúng thế đấy, – anh thú nhận. Rồi bằng một giọng nhượng bộ, anh giải thích: – Anh cần phải hành động như vậy để cho đàn gia súc của ta tiếp tục sinh sôi nảy nở nhiều hơn nữa.

Anh không mất nhiều thời gian để thuyết phục nàng về biện pháp lạ lùng ấy, nhưng khi anh đã thuyết phục được nàng bằng những chứng cứ dường như không thể bác bỏ thì điều kiện duy nhất mà Phecnanđa buộc anh phải hứa là không được để cho thần chết túm được mình ngay trên giường của tình nhân. Ba người sống vòi nhau như thế, không ai đả động đến ai. Aurêlianô Sêgunđô âu yếm và đúng hẹn với cả hai, Pêtra Côtêt hả lòng hả dạ với sự hoà thuận, còn Phecnanđa giả vờ không biết sự thật.

Tuy nhiên, sự hoà thuận lại không đạt được trong gia đình: Phecnanđa không sống hoà mình với mọi người. Ucsula cố sức la mắng để nàng ném đi cái khăn nỉ mà nàng dùng lót giường mỗi khi chung đụng với chồng rồi sau đó lại quàng lên vai và chính chiếc khăn này đã gây nên bao lời nhỏ to bàn tán của dân làng nhưng nàng vẫn không chịu ném nó đi. Cụ không tài nào thuyết phục nổi nàng khi nào cần ị đái thì đi vào. cầu tiêu và bán quánh chiếc bô bằng vàng cho đại tá Aurêlianô Buênđya để ngài làm những con cá vàng. Amaranta khó chịu trước cách nói năng thô bạo và thói quen gọi sai tên sự vật của nàng nên bà cũng thường xuyên nói lóng trước mặt nàng.

Có một ngày, cáu tiết trước lời báng bổ, Phecnanđa muốn biết Amaranta nói gì và bà này không dùng lối nói văn hoa bóng gió, đã trả lời nàng:

– Tao bảo, – bà nói, – rằng cháu là một trong những cô gái tôm đội cứt lên đầu.

Kể từ ngày đó hai người không nói chuyện với nhau. Khi bất đắc dĩ phải nói với nhau điều gì thì họ nhắn qua người khác hoặc nói một cách gián tiếp. Phớt lờ trước nỗi khó chịu của người nhà, Phecnanđa vẫn không từ bỏ ý định sắp đặt thói quen cho các bậc bề trên. Nàng đã quyết định bỏ lệ ăn cơm ở nhà bếp mà ai đói cứ việc đi ăn như trước đây, buộc mọi người phải ăn cơm vào đúng giờ quy định tại phòng ăn, phải ngồi vào bàn ăn lớn đã dọn dẹp tinh tươm có khăn lau, đèn chùm, đồ ăn bằng bạc. Tính chất nghiêm trang của cái việc vốn vẫn được Ucsula coi là một việc giản dị nhất của đời thường, đã tạo nên một không khí căng thẳng khiến Hôsê Accađiô Sêgunđô lầm lì đã là người đầu tiên chống lại nó. Nhưng thói quen vẫn cứ được thiết lập, chẳng hạn như thói quen cầu kinh Rôsariô trước khi ăn bữa tối và chính nó đã làm cho hàng xóm phải để ý và gây nên lời đồn rằng: nhà Buênđya không ngồi vào bàn ăn như mọi gia đình mà trái lại đã biến bữa ăn tối thành một buổi lễ mixa trang trọng. Ngay đến những niềm tin tôn giáo của Ucsula, nảy sinh từ hy vọng chốc lát của cụ hơn là từ truyền thống, cũng bắt đầu mâu thuẫn với những tín điều mà Phecnanđa đã thừa hưởng của cha mẹ. Trong lúc Ucsula còn chắc chân mạnh tay, thì một số tục lệ cổ vẫn còn được duy trì và cuộc sống gia đình vẫn tuân theo những cảm nhận tinh tế của cụ, nhưng từ khi cụ bị loà và sức nặng tuổi già buộc cụ phải ngồi yên một xó, thì cái vòng cương toả được Phecnanđa khởi xướng ngay từ khi nàng mới về nhà chồng đã hoàn toàn khép kín lại và không một ai ngoài nàng quyết định vận mệnh của gia đình. Nghề làm kẹo bánh từng được Santa Sôphia đê la Piêđat duy trì theo ý nguyện của Ucsula đã bị Phecnanđa coi là một nghề hèn mọn và chẳng bao lâu bị đình chỉ. Cửa nhà, vốn được mở toang từ sáng sớm cho đến khi đi ngủ, đã bị đóng lại trong giờ nghỉ trưa với cái cớ để tránh ánh nắng nung nóng các phòng ngủ và sau đó im ỉm đóng suốt ngày. Cành lá lô hội và chiếc bánh vốn được treo ở trước cửa nhà ngay từ thuở mới lập làng Macônđô nay đã bị thay thế bằng một cái hốc để thờ tượng Chúa Giêsu. Ðại tá Aurêlianô Buênđya cũng đã biết được những thay đổi ấy và đã nhận ra lý do của chúng. “Chúng ta đang quay trở lại để làm người quý phái”, ngài phản đối, “Ðến cái bước này thì một lần nữa chúng ta lại phải chiến đấu chống chế độ Bảo hoàng, nhưng lần này là để đưa một ông vua khác lên ngai vàng”. Phecnanđa vốn rất tinh tế, tự giữ gìn ý tứ để khỏi phải va chạm với ngài. Tinh thần tự do của ngài, cái sức phản kháng của ngài trước mọi nghi thức xã hội cứng rắn khiến nàng rất khó chịu. Những tách cà phê không đường uống vào lúc năm giờ sáng, sự bừa bộn trong xưởng kim hoàn, chiếc áo khoác sứt chỉ đường tà cũng như thói quen ngồi trước cửa nhìn ra đường vào lúc chiều tà của ngài, tất cả những thứ đó đều như những chiếc gai nhức nhối đâm vào mắt nàng. Nhưng Phecnanđa cấn phải nhượng bộ ngài, phải coi ngài như một bộ phận ở ngoài cái cỗ máy gia đình bởi vì nàng hiểu rất rõ ràng rằng ngài đại tá già này là một người đã bị tuổi tác và nỗi thất vọng làm cho hiền lành đi; chứ nếu không chỉ với một hành động quật khởi đầy sức mạnh, ngài hoàn toàn có thể làm lay chuyển nền móng của cả ngôi nhà. Khi chồng nàng quyết định gọi tên đứa con trai đầu lòng bằng tên của ông nội nó thì nàng không dám cãi lại, bởi vì nàng mới về nhà chồng vẻn vẹn một năm trời. Nhưng khi sinh đến trưởng nữ, nàng một mực đòi đặt tên cho nó là Rênata như tên của mẹ mình. Ucsula đã quyết định gọi tên nó là Rêmêđiôt. Sau một cuộc tranh luận gay gắt trong đó Aurêlianô Sêgunđô đóng vai một nhà hiền triết vui vẻ, họ đặt tên cho nó là Rênata Rêmêđiôt, nhưng Phecnanđa vẫn cứ gọi nó là Rênata chọc lỏn, trong khi đó cả nhà và dân làng gọi nó là Mêmê, một tên gọi thân mật của Rêmêđiôt.

Thoạt đầu, Phecnanđa không nói chuyện về gia đình mình, nhưng rồi dần dần nàng bắt đầu lý tưởng hoá người cha mình. Ngay tại bàn ăn, nàng ca ngợi cụ như một con người đặc biệt từng từ bỏ mọi nghi lễ trống rỗng và đã trở thành một vị thánh sống. Aurêlianô Sêgunđô ngạc nhiên trước sự tán tụng không phải lúc về ông bố vợ, đã không dừng được, đành phải giễu nhẹ sau lưng vợ mình. Cả nhà đều theo gương anh. Ngay chính Ucsula, đang hết sức tự hào về gia đình êm ấm và ngược lại phải lặng lẽ chịu đựng nhưng mối bất hoà trong nhà, đã có lần tự mình nói rằng thằng chít còn oắt con của mình chắc chắn sẽ là một Hồng y Giáo chủ bởi vì hắn là “cháu ngoại của một vị thánh, là con của một hoàng hậu và một thằng ăn trộm gia súc”. Bất kể nụ cười mỉa ấy, bọn nhóc quen nghĩ về ông ngoại mình như nghĩ về một nhân vật huyền thoại, người vẫn thường gửi cho chúng những vần thơ âu yếm trong các bức thư và cứ mỗi bận lễ Noen đến lại gửi cho chúng một thùng quà to đùng gần như không mang lọt cửa chính. Thực ra đó là những đồ vặt vãnh cuối cùng còn lại của gia tài quyền quý xưa. Ngay tại phòng ngủ của bọn trẻ, bằng những thứ này người ta dựng một bàn thờ với những tượng thánh to bằng cỡ người thực mà đôi mắt thuỷ tinh của các vị này đã gây cho chúng ấn tượng sâu sắc như người thật; còn những bộ áo quần được thêu thùa thật đẹp của các vị thì theo con mắt chúng là những bộ quần áo đẹp nhất chưa một người dân Macônđô nào trong được mặc. Dần dần, vẻ huy hoàng tẻ nhạt của ngôi nhà cổ kính và lạnh lẽo nọ đã được chuyển về ngôi nhà sáng sủa của gia đình Buênđya. “Giờ đây, họ đã gửi cho chúng ta một nghĩa địa gia đình rồi”, có lần nào đó Aurêlianô Sêgunđô đã bình luận, “chỉ còn thiếu những cây liễu giỏ và đá xây mồ thôi”. Mặc dù trong các thùng này không bao giờ đựng các đồ chơi cho bọn trẻ, nhưng chúng vẫn cứ mong đợi cho chóng hết năm để đến tháng chạp, bởi vì dù thế nào đi nữa thì các đồ cổ lỗ sĩ và luôn luôn không được biết trước ấy cũng vẫn là một sự kiện mới lạ trong nhà.

Trong dịp lễ Noen lần thứ mười kể từ khi Phecnanđa về nhà chồng, khi cậu bé Hôsê Accađiô đã chuẩn bị đi thi, một chiếc hòm gỗ khổng lồ của ông ngoại được đóng đinh quét xi thật cẩn thận và được gửi đến cho bà Phecnanđa đen Cacpiô đê Buênđya rất tôn kính viết bằng thứ chữ gôtích quen thuộc, đã đến khá sớm hơn mọi năm. Trong lúc nàng ở trong phòng đọc thư, những đứa trẻ nôn nóng vội mở chiếc hòm. Như thường lệ, được sự giúp sức của Aurêlianô Sêgunđô, bọn chúng cậy các mảng xi gắn, mở nắp chiếc hòm, moi hết mùn cưa ở bên trong ra, và chúng thấy ở bên trong một chiếc hòm chì được các vít đồng vít lại rất chắc chắn. Trước mặt những đứa trẻ đang háo hức, Aurêlianô Sêgunđô tháo tám chiếc vít đồng, và khi mở nắp hòm ra hầu như anh không kịp kêu lên và đẩy bọn trẻ sang một bên, vì đã nhìn thấy đông Phecnanđô vận đồ đen, trên ngực đeo một cây thánh giá, da dẻ nứt bung ra trong những nốt lở khẳn mùi hôi và cái tử thi này đã được chưng trong một thứ nước thịt trai nuôi lấy ngọc đặt trên bếp lửa cháy âm ỉ.

Sau ngày sinh bé gái ít lâu, lễ thượng thọ không hề mong đợi của đại tá Aurêlianô Buênđya được công khai loan báo. Chính phủ ra lệnh tổ chức nó để kỷ niệm ngày ký hiệp định Neclanđia. Ðó là một quyết định trái với đường lối chính trị chính thống đến mức đại tá đã mạnh mẽ tuyên bố chống lại và ngài đã từ chối lễ mừng. “Ðây là lần đầu tiên ta nghe nói đến lễ thượng thọ”, ngài nói, “Nhưng muốn nói gì thì nói, điều đó chỉ có thể là một lời báng bổ mà thôi”. Cái xưởng kim hoàn vốn đã hẹp rồi giờ đây lại đông nghịt các vị sứ giả. Những luật gia mặc đồ sẫm trước đây như nhưng con quạ lượn lờ quanh đại tá nay trở lại với dáng vẻ già nua và trang trọng hơn rất nhiều. Khi thấy bọn họ xuất hiện như trước đây họ từng đến để ngăn cản cuộc chiến, ngài đã không thể chịu nổi những lời tán tụng quá ư trơ trẽn cửa họ. Ngài ra lệnh cho họ hãy để mình yên, không chịu nhận mình là một yếu nhân của dân tộc, như lời bọn họ nói, mà chỉ là một anh thợ thủ công tầm thường với ước muốn duy nhất là được chết vì mệt mỏi trong lãng quên và trong cảnh nghèo túng làm những con cá vàng của mình. Ðiều khiến ngài phẫn nộ hơn cả là tin tức nói rằng chính ngài Tổng thống nước Cộng hoà đã dự định sẽ đích thân tham gia các hoạt động quần chúng ở Macônđô để gắn Huân chương Công huân cho đại tá.

Ðại tá Aurêlianô Buênđya đã nhờ nói lại chính xác từng từ một với ngài Tổng thống rằng mình thật lòng khao khát đợi cái dịp tuy là muộn mằn nhưng rất quý này để cho ngài Tổng thống một phát súng, không phải để ngài chuộc tội vì những bất công và không hợp thời của chế độ mà để ngài chuộc lấy cái tội dám hỗn xược đối với một cụ già vốn không làm hại ai cả. Ðó là lời cảnh cáo đanh thép mà đại tá đã nói ra miệng, do đó ngài Tổng thống nước Cộng hoà đến phút chót đã hoãn chuyến đi và để cho lễ mừng thêm long trọng, ngài đã phái một đặc phái viên đi thay mình. Ðại tá Hêrinênđô Mackêt, hoàn toàn ở yên một chỗ, đã rời bỏ giường bệnh bại liệt, đến an ỉn người bạn chiến đấu cũ của mình. Khi thấy xuất hiện một chiếc ghế xích đu được bốn người đàn ông khiêng, và thấy người bạn từng chia sẻ với mình mọi nỗi vinh nhục ngay từ thời trai trẻ ngồi trên nó bên những chiếc gối, thì đại tá Aurêlianô Buênđya nhận ra ngay rằng đại tá Hêrinênđô Mackêt gắng gượng đến để bày tỏ tình đoàn kết của mình. Nhưng khi đã biết ý định thực của chuyến viếng thăm này, ngài đã ra lệnh đuổi người bạn cố tri của mình ra khỏi xưởng kim hoàn.

– Thật là quá muộn ta mới hiểu rằng, – ngài nối với bạn mình, – nếu để chúng bắn anh thì ta đã làm phúc cho anh nhiều đấy.

Thế là ngày lễ thượng thọ của ngài đại tá được tiến hành không có sự tham gia của bất kỳ thành viên nào trong gia đình Buênđya. Lễ mừng này đã ngẫu nhiên trùng với tuần lễ hội giả trang Cacnavan nhưng không một ai có thể cởi bỏ cho đại tá Aurêlianô Buênđya cái ý nghĩ dai dẳng cho rằng sự trùng hợp ấy cũng đã được chính phủ dự tính trước để làm cho lời bắng bổ đó càng thêm thô bạo. Từ xưởng kim hoàn vắng lặng, ngài nghe các bản hành khúc hùng dũng, nghe hăm mốt loạt đại bác nổ, nghe những hồi chuông vang lên bản thánh ca tạ ân, và nghe một vài câu trong cái bài diễn văn đọc trước nhà mình khi họ lấy tên ngài đặt cho một đường phố. Khi mắt ngài nhoè nước mắt, thứ nước mắt tủi hờn, thứ nước mắt căm giận và lần đầu tiên kể từ khi chịu thất bại đến nay, ngài cảm thấy đau khổ vì không còn chí cái thế và sức bạt núi thời trai trẻ để mở một cuộc chiến đẫm máu đặng quét sạch chế độ Bảo hoàng. Giữa lúc những tiếng ồn vui vang vọng của ngày hội chưa dứt thì Ucsula gõ cửa xưởng kim hoàn.

– Ðừng làm phiền nữa, – ngài nói. – Ta đang bận.

– Mở cửa mau, – với giọng nói thường ngày, cụ đòi mở. – Việc này chẳng can dự gì với ngày hội đâu.

Thế là đại tá Aurêlianô Buênđya mở then cửa và ngài thấy ở trước cửa mười bảy người đàn ông hoàn toàn khác nhau, từ vóc dáng đến màu da, nhưng tất cả đều mang vẻ cô đơn mà qua đó ở bất cứ xó xỉnh nào trên mặt đất này người ta đều có thể nhận ra họ là anh em. Ðó là những người con trai của ngài. Không hề bảo nhau, cũng không hề quen nhau, họ đã đến đây từ những xó xỉnh hẻo lánh nhất của vùng duyên hải đang rộn ràng trong ngày hội náo nhiệt. Tất cả đều tự hào mang tên Aurêlianô kèm với tên họ của mẹ mình. Trong ba ngày ở lại nhà đại tá, để làm hài lòng Ucsula và khiến Phecnanđa phải ngạc nhiên, đôi lúc họ gây ra những vụ ẩu đả. Amaranta lục tìm trong đống giấy tờ cũ cuốn sổ tay trong đó Ucsula đã tự tay ghi lại tên, ngày tháng năm sinh, ngày đặt tên của tất cả và bà chỉ cho từng người phòng ở hiện tại thuộc về mình. Danh sách ấy cho phép nhớ lại hai mươi năm chiến tranh. Với danh sách này người ta có thể dựng lại những hành trình ban đêm của đại tá, kể từ buổi sáng sớm chàng đi khỏi làng Macônđô dẫn đầu hai mươi mốt chàng thanh niên để gia nhập một cuộc khởi nghĩa đầy ảo tưởng, cho đến lần cuối cùng trở về mình lẩn trong chiếc áo khoác bê bết máu khô. Aurêlianô Sêgunđô không bỏ lỡ dịp chúc mừng các ông chú mình bằng việc ồn ĩ mở tiệc vui gồm rượu sâm banh và đàn phong cầm và tiệc vui này ồn ĩ vui nhộn đến mức được liệt hạng hay hơn cả vũ hội Cacnavan không thành vì trùng với lễ thượng thọ của đại tá do chính phủ tổ chức. Họ đập vỡ một nửa số cốc tách, xéo nát cả các vườn hoa để đuổi theo một chú bê non. Họ bắn súng để giết gà, buộc Amaranta phải nhảy những điệu van buồn của Piêtrô Crêspi, dỗ ngon dỗ ngọt Rêmêđiôt – Người đẹp để cô mặc quần đàn ông leo cột mỡ, rồi thả một chú lợn bôi dày mỡ chạy trên hành lang và con lợn này đã húc ngã Phecnanđa. Nhưng không một ai ca thán những trò nghịch ngợm quá trớn ấy, bởi vì ngôi nhà rung lên như một trận động đất trước trò vui trong đó sức khoẻ cường tráng của con người được tràn ra. Ðại tá Aurêlianô Buênđya, vốn lúc đầu tiếp họ hờ hững và thậm chí còn hồ nghi một số người có quan hệ máu thịt với mình, đã cùng vui với niềm vui sôi nổi của họ và trước khi họ ra đi ngài đã tặng mỗi nhời một con cá vàng. Ngay đến cả Hôsê Accađiô Sêgunđô vốn ngạo đời, cũng hiến cho bọn họ một buổi chiều chơi gà chọi mà tí nữa gây ra tai nạn, vì một số trong số mười bảy anh em Aurêlianô này vốn là những tay sành sỏi trong các sởi thi gà chọi, do đó mới thoáng nhìn cú đá đầu tiên họ đã lập tức phát hiện ra những thủ đoạn ma quái của cha Antôniô Isaben. Aurêlianô Sêgunđô, đứng xem những người anh em cùng chung một bát máu sôi nổi chơi những trò vui vô tận đầy lý thú, đã quyết định mời mọi người ở lại làm việc với mình. Người duy nhất chấp nhận lời mời là Aurêlianô Tristê, một thanh niên lai đen lực lưỡng vốn kế thừa được nhiệt tình hăng say và lòng ham tìm tòi khám phá của ông nội, người từng nếm trải đủ mọi gian truân ở khắp nới, do đó anh cho rằng mình sống ở đâu cũng vậy. Những người khác mặc dù vẫn còn chưa vợ, đã tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Tất cả đều là thợ thủ công thạo nghề, đều là trụ cột của gia đình, đều là dân hiền lành. Ngày thứ tư Lễ tro, trước khi mỗi người một ngả đi khắp vùng duyên hải, Amaranta tìm mọi cách để họ mặc quần áo đẹp ngày chủ nhật và đưa bà đi nhà thờ. Thích thú hơn là sùng tín, họ đã để cho mình bị cuốn vào tận nơi làm lễ kiên tin. Chính tại đây cha Antôniô Isaben đã lấy tro vạch một chữ thập lên trán từng người. Về đến nhà, người nhỏ tuổi nhất muốn lau trán đã phát hiện ra vết tro không thể rửa sạch được, rồi ngay sau đó, cậu phát hiện ra vết tro của các anh cậu cũng không thể rửa sạch được. Họ thử lấy nước xà phòng, rồi lấy đất và bã cọ, rồi lấy đá kỳ và dung dịch kiềm, vẫn không tài nào xoá được chữ thập trên trán mình. Trái lại, Amaranta và những người khác đi dự lễ mixa đều dễ dàng chùi sạch chữ thập ấy trên trán mình. “Chúng ra đi như vậy càng tốt”, – Ucsula nói, – “Từ đây trở đi không một ai có thể nhầm lẫn chúng”. Họ ồn ĩ ra đi trong tiếng pháo và âm nhạc đưa tiễn, và để lại cảm giác rằng dòng họ Buênđya đã gieo giống ở khắp mọi nơi cho muôn đời. Aurêlianô Tristê, với chữ thập xám màu tro trên trán, đã lập ở ngoài bìa làng một nhà máy làm nước đá mà Hôsê Accađiô Buênđya từng mơ thấy trong những đam mê sáng tạo của cụ.

Ở được mấy tháng, nghĩa là khi đã là người quen thuộc và được mọi người trọng nể, Aurêlianô Tristê đi tìm một ngôi nhà để đưa mẹ và cô em gái chưa chồng (vốn không phải là con gái ngài đại tá) đến ở với mình và anh thích ngôi nhà cổ lỗ dường như bỏ hoang ở phố gần quảng trường. Anh hỏi ai là chủ ngôi nhà ấy. Có người bảo anh rằng đó là nhà vô chủ, rằng trước đây có một bà goá cô đơn chuyên ăn đất và vôi tường để sống đã ở ngôi nhà này và rằng trong những năm cuối đời, người ta chỉ hai lần nhìn thấy bà ra đường đội một chiếc mũ gài nhiều bông hoa giả nhỏ li ti và đi đôi giày cũ màu bạc khi bà đi ngang qua quảng trường để đến bưu điện gửi thư cho đức Giám mục. Người ta bảo anh rằng người bạn gái duy nhất của bà là một người ở gái rất ác vẫn thường giết chó, giết mèo và bất kỳ con vật nào dám bén mảng vào nhà, rồi vất xác chúng ra giữa đường cái khiến cả làng ngột ngạt trong mtù hôi xác con vật thối rữa. Kể từ độ mặt trời sấy khô bộ da con vật cuối cùng bị ném ra giữa đường cái đến nay đã trải qua một thời gian rất dài, đến mức cả làng thống nhất cho rằng bà chủ và người ở gái đã chết từ trước khi chiến tranh kết thúc rất lâu, và nói rằng ngôi nhà vẫn còn đứng vững được là vì trong nhiều năm gần đây chưa hề có một cơn lốc cũng như chưa có mùa đông ác nghiệt nào, các bản lề cửa đã rời rã hết vì gỉ; những cánh cửa hầu như vẫn đứng yên được là nhờ mạng nhện giăng chằng chịt, các cửa sổ vẫn bám vào nhau nhờ có hơi ẩm; nền nhà nứt nẻ hết bởi cỏ và hoa dại mọc um tùm, và những kẽ nẻ này là nơi để thằn lằn và đủ loại con vật ghê tởm làm tổ, tất cả những thứ đó dường như cùng phụ hoạ nói lên rằng tại ngôi nhà này ít nhất là từ nửa thế kỷ nay không có ai sinh sống. Aurêlianô Tristê, vốn thích mạo hiểm, không cần thêm nhiều bằng chứng. Anh lấy vai khẽ ẩy cửa chính, thế là cái khung cửa gỗ đã mọt bỗng đổ xuống không hề gây tiếng động trong một trận mưa bụi và cứt mọt. Aurêlianô Tristê đứng yên ở bậc cửa đợi cho đến khi luồng bụi mù mịt bay đi hết, và lập tức anh nhìn thấy ngay ở giữa phòng khách có một người đàn bà gầy guộc, vẫn ăn mặc theo mốt thế kỷ trước, trên cái đầu trọc vẫn còn vương một vài mớ tóc hung, đôi mắt to vừa tắt đi những tia sáng hy vọng vẫn còn đẹp, và da mặt nhăn nhúm lại bởi nỗi cô đơn chua xót. Ðang hoảng hốt trước hình ảnh của con người đã thuộc về một thế giới khác, Aurêlianô Tristê hầu như vẫn chưa hay rằng người đàn bà ấy đang chĩa nòng khẩu súng lục cũ về phía mình ngắm bắn.

– Bà thứ lỗi cho, – anh khẽ nói.

Bà ta đứng yên ngay giữa phòng khách mù mịt bụi, chăm chú quan sát người đàn ông to lớn có tấm lưng vuông vức, trên trán xăm bức hình cây Thánh giá màu xám tro, và qua làn bụi mù mịt này bà lại thấy. anh trong một làn sương mờ thuộc một thời khác, khoác chéo ngực một khẩu súng săn hai nòng và tay xách một xâu thỏ.

– Trời ơi? Vì tình yêu thương của Thượng đế, – bà ta khẽ thốt lên, – có lẽ nào giờ đây anh lại trở về với em bằng ký ức này?

– Thưa bà, cháu muốn thuê ngôi nhà này ạ, – Aurêlianô Tristê nói.

Thế là người đàn bà giương khẩu súng lên, nhắm thẳng vào chữ thập màu tro ở trán anh, rồi lên đạn một cách kiên quyết.

– Xéo ngay? – bà ra lệnh.

Ðêm ấy, trong lúc ăn tối, Aurêlianô Tristê kể lại câu chuyện này cho cả nhà nghe, Ucsula bật khóc nức nở. “Lạy Thượng đế thánh thần?”, hai tay ôm lấy đầu, cụ thốt lên, “Nó vẫn sống ư”.

Thời gian, chiến tranh, những nỗi bất hạnh thường ngày nhiều vô kể đã khiến cụ quên khuấy Rêbêca. Người duy nhất không lúc nào không ý thức rằng Rêbêca vẫn còn sống là Amaranta già nua và ương bướng. Amaranta nghĩ đến Rêbêca vào lúc trời sáng khi cơn băng giá của trái tim đánh thức bà dậy trên chiếc giường cô đơn, rồi nghĩ đến Rêbêca khi bà xoa xà phòng lên bộ vú teo và cái bụng nhăn nheo, khi bà mặc đồ lót của tuổi già, và khi bà thay tấm băng đen trên bàn tay mà bà đã tự mình nhúng vào bếp đang rực than hồng để trừng trị mình.

Amaranta nghĩ tới Rêbêca vào tất cả mọi giờ, dù ngủ hay thức, dù vui hay buồn, bởi vì nỗi cô đơn đã buộc bà phải lựa chọn những kỉ niệm, phải đất bỏ hàng đống rác rưởi buồn nhớ của cuộc đời đã dồn tụ lại trong trái tim mình, và mặt khác đã thanh lọc, đã nâng cao, đã vĩnh hằng hoá những kỉ niệm khác, những kỉ niệm chua chát nhất của đời mình. Qua bà, Rêmêđiôt – Người đẹp biết được sự tồn tại của Rêbêca. Cứ mỗi bận họ đi qua ngôi nhà rách nát, bà kể cho cô cháu nghe về một sự kiện nhàm chán, hay một câu chuyện ngụ ngôn tục tĩu, rồi thông qua hình thức này cố làm cho cô cháu chia sẻ với mình nỗi hận thù đã nguội đi và do đó cố kéo dài nó cho đến khi chết. Nhưng bà đã không thực hiện được các mực đích của mình, bởi vì Rêmêđiôt – Người đẹp hoàn toàn ngây thơ trước mọi thứ tình cảm dễ xúc động và hơn nữa cũng dửng dưng trước những tình cảm quá ư xa xôi đối với mình. Trái lại, Ucsula, người từng chịu đựng sự dằn vặt khác hẳn với sự dằn vặt của Amaranta, đã nhớ tới Rêbêca trong một kí ức thanh sạch hơn, bởi vì hình ảnh một con bé đáng thương được người ta mang đến nhà cùng với tải hài cất của cha mẹ nó dã chiến thắng đòn trừng phạt mà cụ thực hiện để không công nhận nó là thành viên của gia đình mình. Aurêlianô Sêgunđô quyết định cần phải đưa bà về nhà để chăm nom, nhưng thiện chí của anh bị thất bại vì tính cố chấp của Rêbêca, người đã đổi bao năm tháng đau thương và nghèo túng để giành lấy quyền an hưởng trong cô đơn, và đã không sẵn lòng từ bỏ nó để đổi lấy một tuổi già vui vẻ trong những niềm vui giả tạo của cuộc đời lầm than hàng ngày.

Tháng hai, khi mười sáu người con trai của đại tá Aurêlianô Buênđya trở lại nhà và trong lúc cuộc vui đang náo nhiệt Aurêlianô Tristê đã nói với họ về Rêbêca và chỉ trong nửa ngày, bọn họ đã khôi phục lại diện mạo ngôi nhà, thay cửa và cửa sổ, quét vôi bức tường mặt tiền, chống đỡ các bức tường khác và láng xi măng lại nền nhà. Họ làm tất cả ở nhà ngoài nhưng không được phép sửa sang ở nhà trong. Rêbêca không hề ló mặt ra đến cửa. Bà để cho họ làm xong công việc sửa sang nhà cửa ồn ĩ ấy, sau đó bà tính công và bảo Arhêniđa, bà hầu già vẫn ở với bà, mang ra cho họ một nắm tiền, thứ tiền đã bị cấm lưu hành từ cuộc chiến tranh cuối cùng nhưng Rêbêca cứ đinh mình tin rằng chúng vẫn còn tiêu được. Ðó là lúc bà biết được sự xa lánh cuộc đời thực của mình đã đi đến đâu và bà hiểu rằng trong lúc mình còn một hơi thở thì thật khó có thể tách mình ra khỏi sự tự giam hãm một cách cố chấp trong ngôi nhà cô đơn này.

Trong chuyến viếng thăm Macônđô lần thứ hai của các con trai đại tá Aurêlianô Buênđya, có một người đã ở lại làm việc với Aurêlianô Tristê. Anh ta tên là Aurêlianô Xêntênô. Ðó là một trong số những người đầu tiên tìm đến nhà để được đặt tên. Ucsula và Amaranta nhận ra anh ngay vì chỉ trong ít giờ anh đã làm vỡ không biết bao nhiêu đồ dễ vỡ khi anh đụng vào. Thời gian đã làm giảm đi sức phát triển cơ thể lúc ban đầu của anh và giờ đây anh là người có tầm vóc trung bình, người đầy sẹo đậu lào, nhưng khả năng đập phá của anh vẫn nguyên như cũ. Nhiều bát đĩa đã vỡ, ngay cả khi anh chưa đụng phải chúng. Phecnanđa phải vội vàng chọn mua cho anh một bộ đồ ăn bằng hợp kim để anh khỏi đập vỡ nốt những bộ đồ sứ đắt tiền của nàng. Ngay cả những bát đĩa bằng kim loại này chỉ trong ít ngày cũng đã cái thì sứt mẻ, cái thì méo mó. Nhưng ngoài tật hay làm vỡ bát đĩa vô phương khắc phục ấy ra, anh là người chân thành rất mực đến mức ngay lập tức anh được mọi người tin yêu và là người làm việc rất khoẻ. Chỉ trong thời gian ngắn, bằng sức lực của mình anh đã làm cho việc sản xuất nước đá phát triển vượt quá nhu cầu thị trường địa phương. Và do đó Aurêlianô Tristê nghĩ đến khả năng phải mở rộng kinh doanh nước đá sang các làng khác thuộc vùng đầm lầy. Đó là lúc anh thai nghén bước ngoặt quyết định không chỉ có ý nghĩa đôi với việc hiện đại hoá nhà máy của mình mà còn có ý nghĩa đôi với sự nghiệp làm cho Macônđô gắn bó với phần còn lại của thế giới.

– Cần phải mở đường xe lửa đến tận đây, – anh nói.

Ðó là lần đầu tiên ở Macônđô được nghe cái từ ấy. Ðứng trước bản vẽ do Aurêlianô Tristê vạch ra, và nó là bản vẽ thừa kế trực tiếp những sơ đồ mà cụ Hôsê Accađiô Buênđya đã minh hoạ cho kế hoạch sử dụng năng lượng mặt trời trong chiến tranh, Ucsula càng khẳng định cảm giác của mình về thời gian đang quay vòng tròn. Nhưng khác hẳn với ông nội mình, Aurêlianô Tristê không mất ngủ, không biếng ăn, không hay cáu giận thất thường khiến người khác phải khổ tâm, mà trái lại anh hình dung rõ ràng các kế hoạch, thấy chúng hiện ra như những khả năng trực tiếp, anh đặt những con tính rành mạch về những tốn kém và những thời hạn xây dựng rồi cứ thế anh tính kỹ càng không hề để lọt một khe hở đáng tiếc nào.

Aurêlianô Sêgunđô, người dường như có thói không biết lo xa vốn thừa kế được từ cụ cố nội và tính nết này lại không có ở đại tá Aurêlianô Buênđya, đã tung tiền ra một cách nông nổi để làm đường xe lửa như trước đây đã tung tiền cho người anh mình làm đường thuỷ thất bại. Aurêlianô Tristê xem lịch rồi ngày thứ tư tiếp đó đã lên đường để kịp trở về sau mùa mưa. Từ dạo anh đi không hề có tin tức gì hơn. Aurêlianô Xêntênô, sau khi đã làm cho sản phẩm nước đá quá ư thừa mứa bắt đầu thử làm nước đá trên cơ sở nước hoa quả thay cho nước lã, và thế là do không biết và không có ý định anh đã tìm được nguyên tắc cơ bản để làm kem và bằng hình thức này anh nghĩ đến việc thay đổi phương thức sản xuất của một nhà máy mà anh đoán rằng sẽ thuộc về mình, bởi vì người anh vẫn chưa để lộ dấu hiệu sẽ trở về sau khi đã qua đi một mùa mưa, lại qua đi tiếp một mùa hè. Tuy nhiên, vào đầu một mùa đông nữa, có một bà giặt rũ quần áo ở ngoài sông đang lúc oi bức nhất, đã chạy ngang qua con đường trung tâm, vừa chạy vừa hớt hải kêu toáng lên trong trạng thái tâm hồn hoàn toàn bị kích động:

– Làng nước ơi! – bà ta kêu. – Một con quái vật khủng khiếp giống như cái nhà bếp kéo theo cả một làng đang đến kia kìa?

Trong lúc ấy, cả làng rùng mình trước tiếng còi huýt dài vang động và tiếng thở xình xịch nặng nhọc của đầu máy xe lửa. Những tuần lễ trước đây, dân làng đã nhìn thấy các đội công nhân đang đặt tà vẹt và kéo đường ray nhưng không một ai để ý, bởi vì họ nghĩ rằng đó chẳng qua là một trò ảo thuật mới của những người digan trở lại với kèn và lục lặc thi nhau thổi và gõ để quảng cáo cho những phát minh kỳ tài của các bậc thông thái người Giêrudalem. Nhưng khi đã hoàn hồn trước tiếng còi và tiếng xình xịch của đầu máy xe lửa, toàn thể dân cư thị trấn Macônđô đổ ra đường và họ nhìn thấy Aurêlianô Tristê từ trên đầu máy xe lửa vẫy chào mình, họ hào hứng nhìn con tàu cắm đầy hoa trên các thành cửa sổ, lần đầu tiên đến được thị trấn Macônđô sau tám tháng chậm trễ. Con tàu màu vàng thơ ngây có lẽ sẽ mang đến cho Macônđô biết bao điều không chắc chắn và những điều sáng tỏ, biết bao lời phỉnh nịnh và nỗi bất hạnh, biết bao biến động, đau khổ và nhớ mong.

Chú thích:

(1) Một thứ đàn phong cầm cổ xưa.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ