Chiến binh cầu vồng - Chương 10: Hai Lần Làm Anh Hùng

Giờ là chuyện xảy ra trong suốt cả tháng Tám – cái tháng luôn đem tới những tin tức tồi tệ.

Hết chuyện này đến chuyện khác xảy đến tới tấp khiến tôi mấy phen chao đảo. Suốt nhiều năm, khó khăn về tài chính luôn đồng hành cùng thầy trò chúng tôi, hết ngày này đến ngày khác. Thêm vào đó, người ta luôn miệng bảo chỉ ít tuần nữa thôi trường tôi thể nào rồi cũng sụp.

Tuy vậy, chúng tôi đã có thể trụ được đấy, ấy là nhờ cả vào ngọn gió quyết tâm được cô Mus và thầy Harfan thổi vảo lòng nhứng đứa học trò chúng tôi. Đối với chúng tôi, được đến trường là điều tốt đẹp nhất chúng tôi có được từ trước tới giờ – tốt hơn gấp vạn lần việc trở thành cu li, đi nạo dừa, chăn cừu, nhặt tiêu hay trông coi cửa hàng.

Khó khăn dồn dập ập đến như những đợt sóng biển, nhưng chúng tôi chẳng bao giờ thoái lui dẫu chỉ một bước – thật ra chúng tôi đã miễn nhiễm với những khó khăn đó rồi. Chúng tôi là minh chứng sống cho câu ngạn ngữ, “Những thứ đã không thể làm bạn chùn bước thì nhất định sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn.” Và tuy lớp tôi vẫn chỉ có mười học sinh, sau vài năm chẳng có thêm học sinh mới nào vào học, chúng tôi rốt cuộc đã có vài học sinh lớp dưới – không nhiều nhưng dù sao vẫn có.

Tuy nhiên, không có thử thách nào khó khăn bằng thử thách này.

Một chiếc mô tô cũ kỹ hiệu DKW ống xả thổi bành bạch nhắm thẳng hướng trường tôi mà tiến. Ôi thôi. Ông ta lại xuất hiện nữa rồi.

Tài xế chiếc DKW ấy là một người đàn ông đứng tuổi thân hình nhỏ thó đeo kính dày cộp, vầng trán rộng và nhẵn thin, bóng loáng. Những đường gân phập phồng trên trán khiến cho người đối diện có cảm giác ông thích áp đặt người khác. Thật ra, những người quen thói chỉ trích người khác thường không có nhân cách tốt. Ông ta có tiếng là không biết nhượng bộ ai bao giờ. Ông ta chỉ cần ho một tiếng là đủ khiến cho một ngôi trường phải đóng cửa hoàn toàn. Một cái búng tay của ông ta có thể khiến một hiệu trưởng phải nghỉ việc, khiến một giáo viên không được thăng chức cho đến khi tuổi về hưu, hoặc một giáo viên ông ta không ưa có thể bị luân chuyển đến một hòn đảo xa xôi nào đó – một chốn mà thậm chí không ai có thể tìm thấy trên bản đồ – để giảng dạy những đứa trẻ hoang dã và bọn khỉ cộc đuôi. Nhìn thấy đôi kính của ông ta đã đủ khiến cho tất thảy giáo viên ở Belitong run sợ. Ông ta, chẳng ai khác ngoài Samadikun – Chánh thanh tra trường học.

Trước đây, chúng tôi đã lọt qua được kẽ tay của ông ta khi Harun cứu chúng tôi vào ngày đầu tiên bằng việc trở thành học sinh thứ mười của lớp. Ông Samadikun không vui khi chuyện đó xảy ra.

Thật ra, ông Samadikun muốn đóng cửa trường chúng tôi từ lâu lắm rồi – quyết tâm này càng được củng cố bởi các cán bộ trong phòng Hành chính của Sở giáo dục và Văn hóa. Những cán bộ này liên tục thúc bách sao cho trường chúng tôi mau chóng bị biến mất khỏi trái đất này. Bản thân Samadikun có lần khoác lác với cấp trên rằng, “Ôi dào, để tôi lo cái vụ trường tiểu học Muhammadiyah đó cho. Chỉ cần một cú đá thôi là nó sụp đổ ngay ấy mà. Thậm chí tôi cũng chẳng cần phải làm thế, một cơn gió mạnh là đủ để kết liễu cái trường ấy. Chẳng mấy chốc tất cả sẽ bị san phẳng thôi.”

Trong trí tưởng tượng của tôi, sau tuyên bố đầy ngạo mạn ấy, ông Samadikun và các quan chức cấp cao trong ngành nâng cốc chúc mừng – những cái cốc tràn đầy sữa thốt nốt vốn là quà đút lót của những giáo viên muốn được thăng chức hay được chuyển về vùng thành thị, hoặc muốn trường mình được công nhận là trường điểm.

Vì vậy ông Samadikun rắp tâm đóng cửa ngôi trường chúng tôi bằng một điều kiện khôn khéo và ma mãnh. Ấy là lớp phải đủ mười học sinh, một điều kiện đã được Harun hoàn thành đầy kịch tính vào phút chót. Ông Samadikun cực kỳ khó chịu về trường chúng tôi, đặc biệt là Harun.

Ông ta không chỉ khó chịu với chúng tôi vì áp lực từ cấp trên. Chính ông ta có trách nhiệm đảm bảo rằng chúng tôi phải tham gia các kỳ thi tại một trường khác bởi vì họ xét thấy trường chúng tôi thiếu khả năng tổ chức thi. Nói cách khác, chúng tôi khiến ông ta phải kham thêm việc. Ông ta cũng thấy bực bội vì chúng tôi không có bất kỳ giải thưởng nào. Trong hệ thống giáo dục mang tính cạnh tranh thời nay, những ngôi trường như chúng tôi có thể khiến cả hệ thống ấy mất hiệu quả. Xét về mặt này, ông Samadikun hoàn toàn đúng. Nhưng chẳng phải tương lai là do Đấng Toàn năng định đoạt hay sao?

Cô Mus tái mặt khi ông Samadikun đột xuất đến thanh tra. Tệ hơn nữa là hiện giờ trường chỉ còn lại mình cô. Thầy Harfan nghỉ ốm cả tháng. Thầy lang bảo ông bị viêm phổi do hàng mấy chục năm trời phải hít thứ phấn kém chất lượng.

Ông Samadikun thò đầu nhìn vào lớp học. Ngay khi nhìn thấy tủ kính trưng bày trống rỗng, mặt ông ta đanh lại, vì ông ta đã quen trông thấy những bằng khen, giải thưởng trong các tủ trưng bày ở những ngôi trường khác rồi.

Vì quá căng thằng, ngay từ đầu cô Mus đã phạm một sai lầm chết người. “Mời thầy vào ạ,” cô nói giọng lịch sự.

Ông Samadikun trừng mắt nhìn cô cắm cảu, “Gọi tôi là Ông!”

Ai cũng biết rằng ông không muốn bị người khác gọi là thầy Samadikun. Có thể ông bị ảnh hưởng từ những giáo viên Hà Lan, hoặc có lẽ ông làm thế để tạo cho mình một hình ảnh đầy quyền uy. Dù là lý do nào đi nữa, rõ ràng ông ta muốn được gọi bằng Ông.

Ông Samadikun lấy ra một tờ mẫu thanh tra. Ông ngó nghiêng khắp phòng học và liên tục lắc đầu để chúng tôi biết ông ta thất vọng đến thế nào. Trên cột “phấn và đồ đạc trong phòng học” ông ta chèn vào một thanh đánh nữa: bên dưới E) Tồi, ông ta thêm vào F) Cực kỳ tồi. Trên cột “quốc gia” – ảnh Tổng thống, Phó Tổng thống và quốc huy Garuda Pancasila – và những cột về sơ cứu ý tế và giáo cụ trực quan, ông ta buộc phải một lần nữa thêm vào một đánh giá khác – lần này là F) Không hề có. Trong cột “nhà vệ sinh và thiết bị chiếu sáng”, ông ta thêm F) Tự nhiên.

Và rồi đến cột dành cho tình trạng học sinh. Ông ta hít một hơi thật dài và thật sâu rồi nhìn chúng tôi – hầu như không đứa nào mang giày, còn quần áo thì lôi thôi nhếch nhác, thiếu cúc. Áo của thằng Mahar không còn cái cúc nào. Ông Samadikun đứng sững lại khi thấy Lintang và tôi đeo trên cổ ná cao su, và chép miệng khó chịu khi trông thấy áo thằng Kucai vấy đầy nước xoài. Do vậy, trong cột “tình trạng học sinh”, đánh giá F) Cực kỳ tệ cũng chưa đủ để nói hết tình trạng hiện tại của chúng tôi. Ông ta lại thêm một đánh giá nữa bên dưới: G) Thảm hại.

Ông Samadikun hỏi, “Ai có máy tính, compa và bút chì nào?”

Không đứa nào trả lời. Thằng Mahar nhìn tôi nhướng mày. Đã lên lớp năm rồi nhưng chúng tôi thậm chí cũng không biết những thứ đó trông như thế nào nữa.

Ông Samadikun quay sang cô Mus. “Cô Mus! Tôi chưa từng thấy lớp học nào kinh khủng như thế này. Cô gọi đây là trường học sao? Chỗ này chẳng khác gì chuồng nuôi gia súc!”

Cô Mus sâu tít ở góc phòng, mặt còn tái hơn lúc nãy.

“Những đứa trẻ này giống bọn săn cheo cheo chứ đâu phải học sinh!”

Cô Mus thấy bị xúc phạm, nhưng rõ ràng không bởi thế mà niềm kiêu hãnh cô dành cho chúng tôi giảm đi.

“Không còn lựa chọn nào khác, phải đóng cửa trường học này thôi!”

Cô Mus hoảng lên. Cô có thể ngồi im chịu đựng bị xúc phạm nhưng không đời nào cô chịu để trường bị đóng cửa.

“Không được, thưa ông. Chúng tôi đã dạy và học ở đây được năm năm nay rồi.”

Cô Mus thật dũng cảm. Trước đây chưa hề có giáo viên nào dám đứng ra cãi lệnh ông Samadikun như thế.

“Những đứa trẻ này thì sao chứ?” cô Mus tiếp tục.

Ông Samadikun cáu tiết lên. “Đó là chuyện của cô, tôi không cần biết. Cho chúng đến trường khác học.”

“Trường khác? Trường công gần nhất cũng phải mãi tận Tanjong Pandan. Các em không thể sống xa cha mẹ được. Cha mẹ các em không đủ khả năng chi trả để con cái theo học ở đó. Trường PN gần đây nhưng ở đó người ta có cho những trẻ em nghèo như thế này vào học đâu chứ.”

Ông Samadikun phát rồ lên, thở dồn dập, như thể sắp sửa mắng cô Mus té tát vì cái tội dám lớn tiếng với ông. Tuy nhiên, thái độ của cô Mus cho thấy cô sẵn sàng hy sinh vì học trò của mình. Chúng tôi những muốn đứng về phe cô, nhưng đứa nào cũng sợ chết điếng. Chúng tôi chẳng biết làm gì ngoài việc ngồi buồn bã nhìn cô – ngoại trừ Harun. Lúc nào cậu ấy cũng cười, cậu không biết chuyện gì đang xảy ra cả.

“Chúng tôi đã đáp ứng điều kiện mười học sinh. Nếu vấn đề chỉ là dụng cụ y tế, chúng tôi có thể…”

“Không chỉ có thế!” Ông Samadikun ngắt lời. “Harun cũng là một nguyên do!”

Cô Mus kinh ngạc, giờ mặt cô đỏ bừng lên; ông ta đã chạm đúng vào nỗi đau của cô. Chủ đề về Harun luôn là chủ đề nhạy cảm với cô. Cô không bao giờ ngần ngại che chắn cho cậu ấy. Không như cô Mus, Harun luôn thấy vui mỗi khi được ai đó nhắc đến tên mình.

“Harun sao ạ?” cô Mus hỏi vẻ phòng thủ.

“Nó không thể học trường này. Đây không phải là nơi thích hợp. Nó phải học ở trường đặc biệt! Trên đảo Bangka ấy!”

Cô Mus cố lắm mới giữ được bình tĩnh. Chúng tôi biết cô yêu Harun đến thế nào, nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng một khi ông Samadikun đã quyết định thì cứ thế mà thi hành thôi. Ông Samadikun nắm quyền lực trong tay còn cô Mus chỉ là một cô giáo làng. Trong cuộc chiến quyền lực này, với sự khác biệt to lớn về địa vị xã hội, chúng tôi nắm chắc phần thua. Cô Mus như muốn khóc. “Thưa ông,” cô Mus nói giọng yếu ớt, “trường này là nơi tốt nhất cho Harun rồi đấy ạ. Ở trường em ấy rất siêng năng và rất thích được học cùng các bạn. Ông làm ơn đừng chuyển em ấy đi.”

Ông Samadikun chẳng biểu lộ xúc cảm nào. “Học? Cô bảo nó học? Nó thậm chí không có lấy một bảng điểm chính thức, liệu nó có thể học được gì chứ?”

Quả thật Harun được nhận sự đối đãi đặc biệt. Khi chúng tôi lên lớp, cậu ấy cũng được lên, mặc dù không có bảng điểm gì cả.

Cô Mus im lặng, mặc dù lúc này cô thật sự muốn giải thích cho ông Samadikun rằng Harun có nhiều tiến bộ trong suốt thời gian học ở trường, và Harun tìm thấy niềm vui khi được học cùng chúng tôi. Nhưng miệng cô như bị ai đó khóa chặt. Cô không hiểu rõ lắm về tâm lý học nhưng cô tin chắc môi trường tự nhiên là điều mà những đứa trẻ như Harun cần.

Ông Samadikun gọi Harun. Harun đứng dậy, sốt sắng đến gần ông. Cậu cố chào ông Samadikun thật thân thiện. Nụ cười của cậu mở rộng hết cỡ trên khuôn mặt buồn cười. Định kiến là một thứ gì đó nằm ngoài hiểu biết của Harun. Cậu không biết mình chính là nguồn gốc của cuộc tranh luận gay gắt đó, và cậu không hề hay biết rằng số phận ngôi trường chúng tôi học nằm cả trong tay cậu. Nếu cậu đi, lớp học còn lại ít hơn mười học sinh. Theo quy định, trường phải có ít nhất một lớp học với mười học sinh. Vì vậy, nếu lớp chúng tôi mất một học sinh, trường sẽ đóng cửa. Đột nhiên, không ai bảo Harun cố ghé sát vào ông Samadikun và kể câu chuyện muôn thuở của cậu về con mèo tam thể được sinh được ba con mèo con vào ngày thứ ba của tháng, dù cô Mus đã cố hết sức để ngăn cậu lại.

“Được thôi, thử kiểm tra xem Harun đã học được gì suốt năm năm học vừa qua nào.”

Ông Samadikun cố ý nhấn mạnh cụm từ suốt năm năm học vừa qua bởi vì ông muốn phủ nhận những nỗ lực của cô Mus dành cho Harun và tấn công cô Mus bằng cách cho cô thấy trường của cô không phù hợp cho Harun. Nhưng, cho đến lúc này, ý đồ xấu xa nhất của ông ta là hạ nhục Harun. Lúc đó, với trái tim trong sáng, Harun vẫn vô cùng sung sướng. Mặt cậu bừng lên niềm kiêu hãnh bởi cậu sắp được hỏi đến – cậu thấy mình thật quan trọng.

“Hoài bãi của em là gì nào, Harun?”

Harun nhìn ông Samadikun rất nghiêm trang. Cậu không trả lời, nhưng cười cười bí hiểm. Đối với cậu, câu hỏi hệt như một trò giải trí. Ông Samadikun ngay lập tức nhận thấy một sự thật rằng Harun không hiểu từ hoài bão. Ông nhìn cô Mus đắc thắng. Mắt ông như muốn nói: Cậu học trò Harun yêu quý của cô thậm chí từ hoài bão cũng không biết!

“Ý ông đây muốn hỏi là, sau này, khi em lớn lên, em muốn làm nghề gì, Harun? Em muốn trở thành bác sỹ, kỹ sư hay phi công chẳng hạn?” cô Mus khẽ khàng gợi ý.

“Ô ô ô ô,” Harun thốt lên, nghe như vừa hồi tỉnh sau một tuần dài hôn mê.

“Cảm ơn cô,” Harun đáp và ngước mặt nhìn lên ông Samadikun. Mắt cậu sáng lên nhưng rồi lại cúi đầu xuống, như thể cậu có biết câu trả lời nhưng thấy xấu hổ nên không nói ra được.

“Em muốn làm gì, Harun?” ông Samadikun lại hỏi.

Cậu rụt rè chỉ vào Trapani. Ông Samadikun và cô Mus nhìn Trapani. Trapani thấy bối rối.

“Đừng ngượng,” ông Samadikun dỗ dành..

Harun lại chỉ vào Trapani. Không ai hiểu được hành động kỳ quặc của Harun, nhưng tôi thì biết. Một ngày nọ, khi bọn tôi còn học lớp một, Harun rủ tôi lao tít lên đỉnh ngọn tháp cao nhất của thánh đường Al-Hikamah. Cậu muốn đến nơi yên tĩnh không có ai xung quanh để nói cho tôi biết cậu muốn làm gì khi lớn lên. Chỉ có tôi là người được cậu tin tưởng tiết lộ thông tin này. Vậy nên tôi sẽ không hé nửa lời về chuyện này cho bất kỳ ai, còn cậu thì hối lộ cho tôi ba củ khoai môn luộc. Tôi đặt một bàn tay trên ba củ khoai môn đó và đưa tay còn lại lên thề rằng tôi sẽ giữ bí mật cho cậu.

Tôi nghĩ vì Harun chỉ vào Trapani, cậu đã tự mình để lộ điều bí mật và muốn nói ra ước vọng thầm kín của mình. Tôi thấy mình đã được giải thoát khỏi lời thề củ khoai môn tím luộc đó. Khi ông Samadikun vẫn tiếp tục thúc bách Harun trả lời, tôi không chịu nổi đành nói thay.

“Khi lớn lên, Harun muốn giống như Trapani,” tôi nói. Ai nấy đều giật mình. Harun ngoác mồm cười, cúi thấp đầu, và thân người cậu rung lên khi cố nín cơn cười.

Tất cả chúng tôi đều ngưỡng mộ Trapani; nó là đứa đẹp trai và sáng sủa nhất trong đám chúng tôi. Vậy nên Harun thầm mong ước khi lớn lên được giống như Trapani. Đương nhiên vấn đề là ước vọng này quả khó thực hiện, nhất là khi Harun lớn tuổi hơn Trapani rất nhiều.

Ông Samadikun ném sang cô Mus một ánh nhìn châm chọc. Năm năm học ở đây và Harun không tiến bộ được chút nào. Ông Samadikun vẫn chưa thỏa mãn.

“Thôi được, Harun, câu hỏi cuối cùng nào. Hai cộng hai bằng mấy?”

Lần này ông ta đi quá xa. Ông Samadikun cố ý chọn một câu hỏi đơn giản đến ngớ ngẩn thậm chí đứa trẻ chưa đến tuổi tới trường cũng có thể trả lời được, với mục đích làm nhục cô Mus.

Harun ngạc nhiên và liếc nhanh vào mặt ông Samadikun. Nét mặt cậu như muốn nói: Câu hỏi gì mà dễ quá! Hai cộng hai? Sao mà mình không trả lời được chứ? Đương nhiên mình biết!

Harun tiến lại gần ông Samadikun. Cậu bước hùng dũng. “Thưa ông,” cậu điềm tĩnh nói, “ông nói đùa phải không ạ?”

“Không đâu, Harun, nghiêm túc đấy. Ta muốn biết em học được những gì sau ngần ấy năm.”

“À, thưa ông, hẳn là ông muốn trêu cháu! Đó là phép tính đơn giản. Cháu đã học phép cộng rồi. Cháu có thể tính tới hàng trăm, dễ như không ấy!”

“Tốt quá, Harun.”

Harun vẫn nghĩ ông ta đang đùa.

“Cháu đã học lớp năm, thưa ông.Chẳng mấy nữa mà cháu lên cấp hai. Không có câu hỏi nào khó hơn sao ạ?”

Trông thấy Harun tỏ ra tự tin như vậy, mặt ông Samadikun đanh lại. Ông tự nhận thấy mình đã mắc một sai lầm chết người. Câu hỏi quá dễ! Ông ta thấy hối hận vì đã đưa ra một câu hỏi dễ đến nhường ấy. Lẽ ra ông nên hỏi hai nhân hai là mấy mới phải.

Thật là một tình huống dở khóc dở cười cho ông Samadikun. Nếu Harun có thể trả lời, kế hoạch của ông coi như bị phá sản. Thế có nghĩa là cô Mus đã thành công trong việc dạy dỗ Harun. Nếu đây là một bộ phim, sự đắc thằng quá sớm của ông Samadikun đối với cô Mus sẽ là cao trào, và tình huống sẽ dần được giải quyết từ đây. Ông ta sẽ không vin được vào bất kỳ lý do nào để đẩy Harun ra khỏi trường. Chúng tôi vẫn sẽ có đủ mười học sinh trong lớp học, và miễn là còn đủ mười, ngay cả ông Bộ trưởng Bộ giáo dục Indonesia cũng không thể đóng cửa trường chúng tôi được.

Cô Mus ôm ngực. Dù lo lắng nhưng cô tin Harun có thể trả lời được câu hỏi đó. Cô đã rất vất cả biết mấy cố dạy Harun phép cộng. Chúng tôi cầu nguyện đấng Tối cao, hy vọng Harun có thể trả lời đúng. Mắt Sahara và Mahar đỡ đẫn không hồn. Chúng tôi dành cho ngôi trường của mình một tình yêu vô bờ bến; chúng tôi không muốn mất nó. Chúng tôi sẽ như thế nào nếu thiếu ngôi trường? Nhưng đừng sợ, vì lần thứ hai, sau lần giúp lớp chúng tôi đủ mười người, Harun sẽ cứu chúng tôi lần nữa. Một câu hỏi dễ đến thế lẽ nào cậu ấy không trả lời được chứ. Và Harun sẽ lại là người hùng của của chúng tôi lần thứ hai.

“Ông vẫn còn muốn nghe câu trả lời chứ ạ?” Harun nói giọng thách thức trong khi đuôi mắt vẫn hướng về phía thần tượng Trapani của mình. Ông Samadikun không còn lực chọn nào khác. Ông ta không thể rút lui câu hỏi ngu ngốc của mình – ông ta không đời nào chịu nhận sai về mình và thay thế bằng một câu hỏi khó hơn. Ông ta trả lời với giọng chán nản, “Có, Harun, hai cộng hai bằng mấy? Em biết câu trả lời chứ?”

“Đương nhiên cháu biết,” cậu khoanh tay, “Dễ ợt,”

“Bao nhiêu, Harun?”

Harun vung tay lên và tự tin hét tướng, “Ba!”

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ