Ý và tình - Chương 1

Năm 1929, giữa tháng sáu, sau một cơn hạn kéo dài hơn 10 ngày, rồi liên tiếp mấy bữa giọt mưa chan tưới đều hết làm cho đồng ruộng chỗ nào cũng có nước đầy đủ. Nông gia hớn hở, ai cũng lo làm cho kịp thời. Cái quang cảnh ngoài đồng, ở miền Hậu Giang, có vẻ náo nhiệt khác thường, vì ở đâu người ta cũng lăng xăng hoạt động, vui vẻ cần lao, chỗ thì cào phát, chỗ thì cày bừa, chỗ thì nhổ mạ chở đi, chỗ thì lum khum cấy lúa.

Lối hai giờ trưa, trên khúc liên tỉnh từ Sóc Trăng qua Bạc Liêu, có một chiếc xe hơi nhỏ, 2 chỗ ngồi, ở phía Sóc Trăng chạy vô, xe sơn màu đỏ và cũ xì, máy kêu rầy rà, thùng khua lạch cạch. Khi gần tới Phú Lợi thì giàn máy chúng chứng, không muốn quay nữa, bởi vậy xe lúc chạy được, lúc rề rề, giục giặc một hồi rồi người sốp-phơ[1] khó ép buộc giàn máy ráng nữa được, nên phải đành ngừng sát bên lề đường mở cửa leo xuống.

Một cậu trai, chạc chừng đôi mươi tuổi, gương mặt sáng sủa, bộ tướng mạnh mẽ, mình mặc một bộ Âu phục bằng bố xám may thiệt khéo, mà trên cánh tay trái lại có cuốn một miếng nỉ đen, cậu cũng mở cửa xe phía bên kia mà bước xuống gọn gàng. Cậu thấy sốp-phơ đương lum khum dòm vô giàn máy thì cậu hỏi:

–        Sao mà giục giặc vậy? Nghẹt xăng phải không?

–        Thưa, không phải, xăng xuống đều lắm, chắc thiếu lửa, để tôi coi lại coi.

–        Mấy bữa đám ma, anh đi chợ hoài, có giục giặc như vầy hay không?

–        Thưa, không. Hổm nay chạy êm lắm mà. Xe tuy cũ nhưng mà nhờ ông ít đi, nên máy còn tốt, có hư đâu.

–        Anh ráng sửa, chớ nếu nằm đường chỗ nầy thì khổ lắm đa.

–        Thưa, có lẽ nào mà nằm đường. Cậu chơi một chút đợi tôi kiếm coi hư cái gì mà trắc trở đây.

Cậu trai nầy là cậu Xuân, con của Hội đồng Kinh ở trên Bình Thuỷ, thuộc tỉnh Cần Thơ. Cậu là con một, mồ côi mẹ từ hồi mười hai tuổi, học đã đậu tú tài Phần thứ nhứt, rồi mới đây ông Hội đồng lại từ trần, làm cho cậu từ còn non nớt, đương chăm chú về đèn sách, chớ chưa để ý đến việc đời, mà bây giờ trơ trọi có một mình, trong nhà không còn cha mẹ, lại cũng không có anh em, nên cậu phải lo lắng mọi bề, phải sắp đặt các việc.

Cậu thọc hai tay vào túi quần mà đi qua đi lại trên lộ, trong trí tư lự rồi sự lo biểu lộ ra ngoài, nên sắc mặt coi rất nghiêm trang.

Trời ui ui chớ không nắng, lại nhờ ngọn gió Tây thổi lao xao, bởi vậy không khí được mát mẻ rồi làm cho con người khoẻ khoắn. Cậu Xuân ngước mắt mà ngó tứ hướng, thấy dưới ruộng chẳng cách lộ bao xa, có một đám đàn bà, đầu đội nón lá, quần xăn lên tới bắp vế, đương lum khum cấy lúa. Mỗi người đều chăm chú về công việc của mình, hễ tay đâm cây nọc[2], thì tay rút tép mạ mà giâm[3] liền, làm rất lẹ làng, làm hoài không mỏi. Gần đó lại có một đám đàn ông ở trần phơi lưng đen trạy, người thì đem đám mạ rải trên ruộng đã dọn dẹp sạch sẽ rồi, người nào mình mẩy  cũng lấm lem, song ai cũng hớn hở vui cười, chớ không phiền về việc cực nhọc.

Phía bên nầy lộ có hai cặp trâu đương trục đặng dọn đất cấy, hai người đứng trục tay huơi ngọn roi mây, miệng la thá ví[4] om xòm. Gần đó có một đứa trẻ cỡi một con trâu, tay dắt theo một con nữa, nó ngồi trên lưng trâu, quần áo tả tơi, mái tóc xấp xải, mà có lẽ nó vui lòng đắc ý lắm, nó nghêu ngao hát:

“Em ơi đám bắp trổ cờ,

Đám dưa trổ nụ, em chờ mà ăn”

Cậu Xuân lắng nghe lời lẽ rất thật thà, khác hẳn với giọng du dương, tứ dâm dật, của những câu hát ở thành thị, cậu chúm chím cười, đứng ngó trân trân theo đứa cỡi trâu đang thủng thẳng đi lần vào xóm. Mà trong xóm bây giờ lại có khói bay là đà trên mái lá của mấy nhà nhỏ dựa mé ruộng, cậu thấy vậy thì tin chắc trong nhà lo nhúm lửa nấu cơm đặng gần tới giờ mấy người đi trục, cấy và nhổ mạ nầy về có sẵn mà ăn.

Cậu Xuân tuy sinh trưởng nơi chốn điền viên, nhưng mà vừa lớn lên thì cậu mắc đi học, lúc bãi trường về nhà thì cậu mắc đi chơi. Đã biết cậu có thấy người ta cày, trục, cấy, nhổ mạ và gặt lúa, song thấy là thấy thoáng qua trước mắt, chớ cậu chưa quan sát cho tường tận những công việc cực nhọc của nông phu.

Hôm nay tình cờ mà cậu phải đứng lâu giữa đồng, đứng rồi tự nhiên ngó chơi mấy việc của nông phu đương làm, cậu ngó một hồi sanh cảm, trí bắt đầu suy nghĩ đến sự sống của kẻ ở chốn thôn quê. Từ đứa nhỏ cỡi trâu kia, cho tới đám đàn bà cấy lúa nầy, tới mấy anh đàn ông đứng trục và nhổ mạ đó, mỗi người đều dãi nắng dầm mưa cả năm, mọi người đều cực thân nhọc xác tối ngày, mà coi bộ ai ai cũng vui vẻ hăng hái, cực mà chẳng hề than phiền, nhọc mà chẳng hề thối chí.

Hết mùa cấy rồi tới mùa gặt, hết mùa khô rồi qua mùa ướt, quanh năm cứ chuyên làm cho ra hột lúa hoài. Như may được trúng mùa lúa tốt, hột nhiều nên vui mà làm nữa, ấy chẳng lạ chi; rủi gặp thất mùa, huê lợi không xứng với công phu cực nhọc, mà cũng vẫn hăng hái làm nữa, ấy mới thiệt mà kiên tâm bền chí.

Rõ ràng nông phu nước mình là hạng người vui vẻ mà chuyên cần lao, tận tụy với nghề nghiệp, sống thác với vườn ruộng, ai giàu sang mặc ai, ai khôn khéo mặc ai, miễn là mình an phận thủ thường, lòng bình tịnh, trí thơ thái thì thôi. Con người mà có đức tánh như vầy, thì sự sống tự nhiên vui vẻ khỏi buồn, khỏi lo, lại có thể giúp nhà thêm giàu, nước thêm mạnh.

Cậu Xuân nghĩ tới đó thì phát tâm yêu mến kính phục nông phu, rồi nhớ tới phận mình đương hăng hái học tập tài trí đặng tranh khôn, tranh khéo với đời, thì trong trí phưởng phất chút ít sự hối ngộ. Mà vừa hối ngộ thì cậu liền nghĩ nông phu có cái thú thong thả thiệt. Nông nghiệp là một nguồn lợi lớn của nước nhà thiệt, song nếu muốn dân giàu nước mạnh, thì cần phải gầy dựng công nghệ, mở rộng thương trường nữa mới được, chớ cả mọi người chuyên cày sâu cuốc bẫm, thì nền kinh tế khó mà thạnh vượng. Đời tấn hoá thì người phải tấn hoá theo…

Cậu Xuân nghĩ chưa hết ý, kế nghe xe hơi rồ xăng.

Cậu mừng rỡ chạy lại chỗ xe đậu mà hỏi:

–        Chạy được rồi hả?

Sốp-phơ lắc đầu đáp:

–        Thưa, ít lửa quá.

–        Sao máy chạy được đó?

–        Tuy chạy được, nhưng chạy không đều, hễ hụt lửa là tắt.

–        Bây giờ làm sao?

–        Để ráng chạy thử coi.

–        Ừ, anh ráng chạy cho tới Bạc Liêu. Nếu tối thì tôi ghé nhà anh Triều tôi nghỉ, để anh sửa máy cho tử tế rồi ngày mai mình sẽ đi Cà Mau.


[1] tài xế

[2] dụng cụ bằng gỗ dùng để cấy lúa ở vùng Tiền- Hậu giang. Sử dụng cây nọc, công cấy có thể cấy đạt tốc độ rất cao so với kỹ thuật cấy tay không ở Trung và Bắc:

[3] cấm mạ vào

[4] tới lui,mặt trái

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ