Cánh Đồng Bất Tận - Bài viết: Đêm trắng giữa Cánh Đồng Bất Tận

Đêm trắng giữa Cánh Đồng Bất Tận

Vũ Bích

Bình Phong Thạnh- Mộc Hóa- Long An đêm 16-12-2009

Trận mưa giông cuối mùa ồn ào và dữ dội rồi cũng dứt. Đường Sài Gòn nhiều chặng thành sông làm chuyến xe khởi hành muộn. Hơn 14 giờ xe mới xuất phát đưa nghệ sỹ đa tài Trần Huy Hoan về Bình Phong Thạnh nơi đêm nay sẽ quay một cảnh nhỏ trong phim Cánh Đồng Bất Tận (dựa theo truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư). Đã khởi quay được hai mươi ngày, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình hình như không tự tin lắm trong một cảnh khó, phải nhờ đến ông anh giầu kinh nghiệm và từng trải trong những pha diễn viên ít hoặc không có gì che thân.

Đường về Mộc Hóa mới hôm nào đầy ổ gà, ổ voi, đang được vá lấp một phần. Từ cầu Mộc Hóa phải rẽ vào con đường đất đỏ chạy dọc khu vực biên giới với nước bạn Campuchia, dài hơn hai mươi kilomet mà có đến mười một cái cầu, cái nào cũng có độ dốc rình rập treo xe bốn chỗ. Cây lá hai bên đường bị phủ một lớp bụi đỏ dày như vừa qua một cơn động đất. Hoàng hôn, xe mới vượt cầu cuối có tên Dâu Tràm, điện thoại liên lạc trước, vừa gửi xe ở quán nước ven cầu, đã có tắc ráng của đoàn phim ra đón. Mùa nước ròng, tắc ráng phải chạy theo dòng kênh thay vì băng đồng mùa nước nổi. Một quầng điện sáng rực giữa vùng đồng hoang: Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười do dược sỹ Nguyễn Văn Bé làm giám đốc. Đây là nơi đoàn làm phim trụ lại trong hai tháng để quay các cảnh chính. Tắc ráng chỉ ghé vào bờ đón nhân viên mang cơm đêm cho đoàn.

Phải hơn ba mươi phút âm thầm lặng lẽ lướt trên con kênh chạy giữa rừng tràm âm u trong màn đêm vừa chụp xuống. Một quầng sáng mới: nơi đang chuẩn bị cảnh quay đêm. Ngổn ngang trên bến dưới kênh là phà chở máy nổ lớn, xà lan, thuyền, tắc ráng và các đạo cụ.

Tắc ráng tắt máy từ xa đánh dấu hiệu xin cập bờ vì sợ ảnh hưởng khi đoàn đang quay. Đoàn đã ra đây từ 5 giờ chiều để chuẩn bị mặc dầu phần lớn là phương tiện đã chuẩn bị từ đêm quay trước.

Hơn 60 người phục vụ cho một cảnh quay đêm chỉ có 2 diễn viên.

Năm dàn đèn 4-5kw để ở bốn góc hồ, vừa làm nhiệm vụ chiếu sáng vừa thu hút muỗi và các loài sâu bọ, nhiều vô kể giữa cánh đồng hoang. Đồng Tháp Mười có nhiều đặc sản đang dần mất mát, nhưng mấy trăm năm qua có những thứ không sợ thời gian: Muỗi như sáo thổi, đỉa lền bánh canh. Rất nhiều phương tiện và công nghệ, kỹ thuật đã được huy động để xua muỗi và các sinh vật phù du. Dưới chân các ngọn đèn pha là những cây quạt gió lớn. Một đèn pha thấp đặt gần quạt thổi phồng một tấm lưới vợt lớn dài đến bốn năm mét để nhốt muỗi. Mấy tấm màn tuyn cái hồng cái xanh căng lên ở mấy góc làm nơi tạm trú cho các diễn viên và các đạo diễn. Nhưng vào bên trong mới thấy muỗi đã tập kết từ bao giờ, như từ đất sinh ra. Mẫy cây vợt khua cá góc màn liên tục lóe sáng kèm những tiếng lép bép nổ triền miên.

Dustin Nguyễn và Đỗ Hải Yến giấu mình trong mấy lớp áo quần mà vẫn bị muỗi tấn công. quần áo bò mà vẫn bị muỗi chích thủng- nữ thư ký trường quay khoác trọn bộ quần áo nilong chống mưa trùm kín đầu tiết lộ.

Mùi dầu tràm chanh, mùi các loại hương liệu chống muỗi nội ngoại ngào ngạt cả không gian. Mấy bếp lửa nhóm trong các thùng phuy cắt đôi, phòng lan tỏa gây cháy rừng, liên tục được bổ sung các loại cành lá tràm chanh còn tươi vừa tạo khói vừa lấy hương xua muỗi. Người mới tới được xoa khắp mặt, cổ, và các chỗ hở trên người một loại tinh dầu đặc biệt, có loại được chiết xuất tại cơ sở dược liệu ở đây.

Tất cả những gì có thể đã được huy động để tạo một không gian nhỏ cho đoàn làm việc nhưng đều bất lực.

Ở một góc, mấy cậu phụ trách âm thanh chui vào tấm màn xanh di động tranh thủ ăn cơm hộp mà một tay vẫn cầm vợt xua muỗi. Đàn vịt mấy trăm con được quây trong lưới trên mảnh đất phẳng cạnh bờ sông thêm một đêm mất ngủ.

Nửa tháng trước ngày khởi quay, các diễn viên chính đã được đưa về miền Tây đi thực tế. Dustin Nguyễn- Việt kiều Mỹ từng đóng một số phim hành động nhưng chưa bao giờ quen miền sông nước. Đỗ Hải Yến quê ở Trung du Bắc Bộ hơn chục năm làm quen với điện ảnh qua các vai hiền lành, ít hành động. Nên cả hai phải tập thói quen của người sống miền sông nước, lội sình, chèo thuyền, lái tắc ráng.

Vịt và người, và cả các diễn viên trong đoàn phải có thời gian làm quen nhau và tập diễn những cảnh cần thiết. Vịt thì phải quen với cảnh đông người, với tiếng động, với ánh đèn, máy quay…để đóng cảnh sống tự nhiên.

Bối cảnh chính đem nay là một cái chòi dựng sát mặt hồ mọc đầy cây súng. Về đem, hoa không nở nhưng lá súng tròn nhỏ phản chiếu ánh đèn như một bầu trời sao. Mái lợp lá tràm đã khô, sàn lát thân tràm. Chủ nhiệm tiết lộ, những cây tràm này mang về thành phố bán làm cừ hoặc dàn giáo giá chỉ 8000 đồng/ cây, nhưng ở đây phải trả 30.000 đồng.

Máy quay, ánh sáng, âm thanh được kiểm tra qua nhiều lần thử.

Trong màn, hai diễn viên cùng đạo diễn ngồi trước màn hình monitor xem phó đạo diễn Lý Thái Dũng thị phạm.

Đó là cảnh: một đêm, khi đã bình phục, Sương ( Hải Yến) rời thuyền tìm tới chòi của ông Võ. Chuyện gì phải đến đã đến! Sáng hôm sau, trong bữa ăn, trước mặt bọn trẻ, ông móc tiền đưa cho Sương và là dịp hiếm hoi con cóc mở miệng nói lý do trả tiền cho chuyện xảy ra đêm qua. Sau giây lát đau đớn sững sờ vì sự tàn nhẫn độc ác của Võ, Sương buông lời khen ông già đẹp trai hào phóng.

Hôm nay quay cảnh diễn ra trong đêm ấy.

Chuyện này trong phim ảnh cổ kim đông tây quá nhiều và quá nhàm. Nhưng trong truyện và trong phim phải có cảnh đó. Nó là một nút thắt làm bộc lộ một nét tính cách độc đáo của hai nhân vật.

Tạo hình ảnh sao cho không giống ai, cho hợp lý, gây được xúc động?

Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, cố vấn Trần Huy Hoan, phó đạo diễn Lý Thái Dũng, đạo diễn hình ảnh Nguyễn Tranh chụm đầu bên monitor vừa quan sát vừa chỉ đạo cách diễn, cách ghi hình.

Độc đáo và có lẽ duy nhất trên thế gian, không quay được, không dùng được trong phim là tất cả thủ pháp, thủ đoạn, kỹ thuật, nghệ thuật, phương tiện có được để tạo một không gian nhỏ ít muỗi nhất cho hai diễn viên không mặc gì trên người diễn cảnh yêu đương có màu hoang dại.

Trong chòi có mắc sẵn một tấm màn. Có nên thả xuống cho họ diễn ở bên trong? Dùng ánh sáng quay thử cảnh bên trong. Đẹp. Hợp lý theo lẽ thông thường. Nhưng tình huống trong phim là khác thường. Cảnh đã quay thiếu đi chất hoang dã và tâm lý bất cần đời của cả hai người.

Quạt mạnh xua muỗi sẽ gây tiếng động.

Khói phủ sẽ làm mờ ống kính.

Thuốc phun đậm đặc sẽ làm nét khó chịu hiện rõ trên gương mặt diễn viên. Sàn phía dưới sát mặt hồ là căn cứ địa, khu tập kết của hàng sư đoàn muỗi đói mồi, chỉ rình chờ lúc lặng gió là xông vào xâu xé hai hình hài thơm tho hoàn toàn không có gì chống đỡ.

Sau trận mưa chiều, giữa đảo nổi trên Đồng Tháp Mười, về đêm trời mát dịu, yên tĩnh lạ lùng. Một trời đầy sao rực rỡ.Khoảnh khắc này, không gian này sẽ đẹp biết bao nếu không ở Đồng Tháp Mười hoặc Đồng Tháp Mười không sở hữu loại sinh vật gây kinh hoàng cho con người. Nó đeo, bám, ám, áp sát, xông xáo, liều lĩnh, táo bạo, quyết liệt, ngoan cố, dai dẳng với số lượng lớn không ngừng được bổ sung tiếp ứng: Muỗi.

Đã quá 12 giờ đêm. Bắt đầu cảnh quay đầu: Sương dời thuyền lần theo bờ sông tới chòi Võ đang ngồi hút thuốc, gương mặt lạnh lùng. Không lời thoại, Sương đặt bàn tay mình gần rồi nhích dần lên bàn tay Võ đang chống xuống sàn. Một thoáng rút ra rồi bị nắm lại. Tay Võ để yên và giành lại thế chủ động. Tình huống xảy ra.

– Cắt! Xong một cảnh.

Bắt đầu cảnh nóng!

Chủ nhiệm hô to: tất cả lực lượng phục vụ lùi vào phía sau; cấm quay phim, chụp ảnh.

Hai diễn viên tiến tới sàn chòi. Một tấm vải được dơ cao làm màn che. Áo khoác chống muỗi được cởi ra. Cả y phục đang mặc. Nữ nhân viên phụ trách trang phục ôm vội tất cả chạy ra khỏi ống kính. Bấm máy. Chỉ chưa đầy một phút. Hai diễn viên mặc vội các lớp áo quần lên xem lại cảnh quay. Chưa thật ưng ý, phải tìm tư thế, vị trí đặt chân, tay. Góc nhìn, tư thế tiếp xúc. Lại trao đổi cân nhắc! Trong tay Hải Yến thường trực cây vợt muỗi màu xanh. Hết khua cho Dustin-Võ lại khua cho đạo diễn. Theo cánh vợt là ánh chớp liên hồi cùng tiếng nổ lép bép liên thanh. Canh khuya, người không diễn cũng mệt rã rời, mà mỗi lần diễn xong cảnh ôm ấp, không biết Dustin Nguyễn nói gì mà chỉ nghe tiếng cười giòn tan của Hải Yến.

Trong lúc chờ đợi, cả đoàn chia nhau tiếp sức bằng cơm hộp. Mấy gói kẹo vừa được tiếp tế từ thành phố về trở nên quý giá. Nhận họp kẹo gôm bạc hà, Hải Yến vừa ngậm vừa khen: Ngon hơn cả sâm.

Chờ đợi nghiên cứu khuôn hình mới, hai diễn viên lại chui vào màn chống sự công kích của muỗi. Nào hay muỗi đã phục sẵn từ bao giờ.

Hỏi thời gian kết thúc, nữ thư ký trường quay cho biết, đêm trước quay tới 3 giờ 30 mà được 2 trang (2 trang kịch bản ứng với 2 phút). Đêm nay thì chưa định được.

Trong phim dự định sẽ có 4 cảnh quay đêm.

Có mặt trong đoàn phim là những gương mặt dày gió dạn sương trong nhiều bộ phim quay ở khắp rừng núi sông hồ từ Bắc chí Nam, thức qua đêm cũng là chuyện quá thường. Nhưng ai cũng nói chưa bao giờ bị rơi vào một hoàn cảnh bị khủng bố, oanh tạc liên tục, dài ngày như khi bước vào Cánh Đồng Bất Tận.

Có một chuyện vui, suốt thời gian quay, để tập trung tâm trí, đạo diễn tuyệt đối không tiếp xúc với báo chí, không trả lời phỏng vấn. Nhưng có tờ báo gửi mail mấy lần phỏng vấn, đầy lòng hoài nghi về nhân sự của bộ phim, nêu ra một số vấn đề để hỏi đạo diễn có bị áp lực nào không và áp lực đó là gì. Quang Bình trả lời: Muỗi! Áp lực chỉ là muỗi. Chắc nhà báo bực mình vì trước một bộ phim khó như thế mà đạo diễn mới làm ít phim này lại không có gì lo lắng. Nhưng có về đây thức một đêm với đoàn, mới thấy đạo diễn nói đúng, nói thật. Bốn năm qua, có đến 6 lần đạo diễn cùng các cộng sự am hiểu Nam Bộ đã đi tìm hiểu cuộc sống và chọn cảnh.

Mấy chục ngày quay, nước da trắng trẻo ngày nào, giờ sạm đen vì nắng gió, suốt ngày lội sình,lội ruộng hái rau, chăn vịt, tắm rửa. Công tử Dustin Nguyễn lại là võ sư, vậy mà mấy ngày đầu làm quen với hoạt động sông nước, đã bị ngã bong gân. Ngày về nhận giải thưởng phim còn đi tập tễnh. Công nương Hải Yến quen với các vai diễn khuê các, lại là dân Bắc chưa một lần xuống miền Tây, vốn sợ nước, không biết bơi, nhận một vai khổ sở từ đầu tới cuối, suốt ngày tắm ao, lội sình, ao đầy gai góc, nước đọng hôi hám, gai cào, sành xước đứt chân, chấp nhận thử thách để làm mới hình ảnh của mình.

Hai giờ sáng, quay lại cảnh yêu đương mà chỉ lấy phần chân trần.

Ống kính liệu có thu hình những con muỗi to kềnh cứ dai dẳng bám vào chân đã đầy dấu hoa bầm tím?

2 giờ 30 phút, tưởng đã dọn rút về. Nhưng đạo diễn còn phân vân. Trần Huy Hoan gợi ý một tư thế, một góc quay khác. Lại di chuyển đèn. Lắp lại cần cẩu 30 tấn mượn từ miền Bắc.

Gần 60 người thêm một đêm thức phục vụ.

Nhưng nhìn hai diễn viên vẫn chờ đợi không một lời than trách, không một dấu hiệu uể oải mệt nhọc, sẵn sàng thực hiện những cảnh quay khó theo ý đồ đạo diễn mới thấy phục ý chí, nghị lực, tình yêu nghề nghiêm túc của người nghệ sỹ chuyên nghiệp. Trong thời buổi, điện ảnh, ti vi là món hàng đơn thuần giải trí, vào vai diễn là một cuộc rong chơi, thì ở đây, đêm nay, mà không chỉ đêm nay, họ đang làm một công việc mà lâu nay ít người nói tới: Hy sinh vì nghệ thuật.

4 giờ 30 phút đạo diễn hô đóng máy.

Mai này xem phim, khán giả mấy ai hay, để chỉ có khoảng 30 giây trong bộ phim gần trăm phút, hai diễn viên cùng gần 60 người phục vụ đã lao động cật lực từ 5 giờ chiều hôm trước đến tận sáng hôm sau.

Bộ phận diễn viên và kỹ thuật lên tắc ráng về trước.

Các bộ phận phục vụ còn thu dọn hiện trường. Có mấy tấn đạo cụ được thuê từ các hãng phim ngoài Bắc phải đóng gói để kịp trả về theo hợp đồng thuê ngắn hạn.

Chiếc tắc ráng chở hai diễn viên đang đi tập tễnh cùng nhóm chuyên môn chủ chốt rẽ sóng theo con kênh xuyên rừng tràm trở về nơi nghỉ. Nghe tiếng động bất ngờ và đèn pin loang loáng, từng bầy chim bị đánh thức giật mình bay vút lên với tiếng kêu thảng thốt.

Đêm phương Nam, những vì sao như xuống thấp, mở mắt to và sáng như kinh ngạc nhìn đám người di chuyển một cách bất thường phá vỡ cảnh bình yên hoang dã của Đồng Tháp Mười.

Đâu rồi sao tua rua? Nơi nào sao Bắc Đẩu?

Có ngôi sao nào đang ngơ ngác nhìn hai ngôi sao đẹp của nghệ thuật Việt Nam đang trong những ngày nhọc nhằn, thức khuya dậy sớm, lội sình, phơi nắng, chịu sự tấn công của bao sinh vật hoang dã hóa thân thành những con người cần lao vô danh chốn hoang sơ này để dựng nên một tác phẩm nghệ thuật nhỏ với hy vọng đánh thức lương tri và trách nhiệm của chúng ta góp tay chung sức làm cho đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Tắc ráng cập bến! Có tiếng người. Mấy con gà rừng được thuần hóa đồng loạt cất tiếng gáy báo hiệu một ngày mới.

Vũ Bích

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ