Rừng Na Uy - Chương 4

Trong những ngày nghỉ hè ấy nhà trường gọi cảnh sát dã chiến đến. Họ dỡ hết những chướng ngại vật và bắt nhiều sinh viên. Chuyện ấy chẳng có gì lạ. Hồi bấy giờ sinh viên là vậy. Các trường đại học không dễ gì bị “giải tán”. Hàng núi của đã được người ta đầu tư vào cho chúng, và chúng không thể cứ thế tan rã chỉ vì một số sinh viên hứng trí làm càn. Mà thực sự thì lũ sinh viên đã bao vây trường kia cũng chẳng muốn giải tán trường. Tất cả ý muốn thực của chúng chỉ là thay đổi cán cân quyền lực trong nội bộ nhà trường, mà chuyện ấy thì tôi không bao giờ quan tâm. Cho nên khi cuộc bãi khoá cuối cùng chấm dứt, tôi chẳng có tí xúc cảm nào.

Tháng Chín, tôi vào trường và tưởng sẽ thấy toàn cảnh đổ nát. Nhưng mọi thứ vẫn y nguyên. Sách trong thư viện vẫn đâu vào đó, các phòng giáo viên vẫn không bị phá, phòng giáo vụ vẫn không bị đốt. Tôi kinh ngạc vô cùng. Lũ chúng nó đã làm gì sau những đông chướng ngại vật ấy?

Khi cuộc bãi khoá đã tịt ngòi và các giờ lên lớp lại bắt đầu trong khi cảnh sát vẫn chiếm đóng nhà trường, bọn đầu tiên đến lớp lại chính là lũ khốn đã cầm đầu cuộc bãi khoá. Như đã không có chuyện gì xảy ra, chúng ngồi đó, ghi ghi chép chép và trả lời “có mặt” khi điểm danh. Thật không thể tin được. Dù thế nào đi nữa thì cuộc bãi khoá vẫn còn chứ đã xong đâu. Chưa có tuyên bố kết thúc gì hết. Chỉ mới có chuyện nhà trường gọi cảnh sát vào dỡ bỏ các chướng ngại vật, còn cuộc bãi khoá nhẽ ra vẫn đang tiếp tục mới đúng. Lũ khốn này đã vừa mới gào thét như điên, chửi cả những sinh viên phản đối bãi khoá (hoặc mới chỉ tỏ ra nghi ngại), và đôi khi còn đem họ ra xử trong những toà án chuột do chính chúng dựng nên. Không nhịn được, tôi đã gặp bọn đầu sỏ này và hỏi tại sao chúng lại đến lớp nghe giảng chứ không tiếp tục bãi khoá, nhưng đứa nào cũng ấp a ấp úng không ra sao hết. Mà chúng có thể nói gì được chứ? Rằng chúng sợ mất điểm vì bỏ lớp ư? Cứ nghĩ chính bọn này đã hò hét đòi giải tán đại học! Thật là một trò đùa. Gió chỉ đổi chiều một chút thôi, nhưng tiếng thét của chúng đã chỉ còn là những lời thì thào thiểu não.

Này Kizuki, tôi nghĩ cậu chẳng lỡ làng cái quái hì đâu. Thế giới này là một bãi cứt. Lũ khôn kia đang được điểm tốt và sẽ tạo ra một xã hội theo hình ảnh ghê tởm của chính chúng.

Trong một thời gian tôi vẫn đến lớp nhưng không chịu lên tiếng lúc điểm danh. Tôi biết đó chỉ là một cư chỉ vô nghĩa, nhưng rất buồn vì chẳng có cách nào khác. Tôi chỉ còn cách hết sức xa lánh những sinh viên khác. Cứ im lặng mỗi khi nghe gọi đến tên mình, ít nhất tôi cũng làm cho mọi người phải khó chịu mất mấy giây. Không có đứa nào nói năng gì với tôi, và tôi cũng không hé răng với một đứa nào trong bọn chúng.

Sang tuần thứ hai của tháng Chín thì tôi đi đến kết luận rằng học đại học là một việc làm vô nghĩa. Tôi quyết định sẽ coi đó là một giai đoạn luyện tập các kỹ năng đối phó với buồn chán. Tôi chẳng có gì đặc biệt phải làm ở ngoài đời để phải bỏ học ngay lập tức, nên tôi vẫn đến lớp hàng ngày, ghi chép, và thời gian rỗi thì vào thư viện đọc sách hoặc ngó nghiêng linh tinh.

Và mặc dù cái tuần lễ thứ hai của tháng Chín ấy đã sắp hết, vẫn chưa thấy tin tức gì của Quốc-xã. Còn hơn là bất thường, đây là một chuyện long trời lở đất. Trường đã vào chương trình rồi, và không ai có thể tưởng tượng là Quốc-xã lại để lỡ những buổi học của hắn. Một lớp bụi mỏng đã phủ trên bàn học và cái đài của hắn. Cái cốc nhựa và bàn chải đánh răng, hộp trà bằng thiếc, ống thuốc xịt giết sâu bọ và những đồ linh tinh khác vẫn xếp gọn gàng trên giá.

Tôi vẫn giữ căn phòng sạch sẽ lúc vắng mặt hắn. Trong một năm rưỡi qua tôi đã nhiễm thói sạch sẽ, và không có hắn dọn phòng, tôi chẳng còn cách nào khác là phải tự mình làm chuyện đó. Tôi quét nhà hàng ngày, lau cửa sổ ba ngày một lần, và phơi chăn nệm mỗi tuần một lần, chờ hắn về và có lời khen ngợi tôi.

Nhưng hắn không bao giờ trở lại nữa. Một hôm tôi đi học về và thấy tất cả đồ của hắn đã biến mất và tên hắn ở cửa cũng bị bóc đi. Tôi đến chỗ ông giám thị để hỏi xem có chuyện gì.

“Anh ấy ra khỏi khu học xá này rồi,” ông ta nói. “Hiện thời thì anh ở một mình trong phòng đó.”

Tôi không thể làm cho ông ta nói thật chuyện gì đã xảy ra với Quốc-xã. Niềm vui lớn lao nhất của con người ấy là kiểm soát mọi chuyện và không cho ai biết gì hết.

Bức ảnh núi băng trôi của Quốc-xã ở lại trên tường thêm một thời gian, nhưng cuối cùng tôi cũng hạ nó xuống và thay bằng ảnh Jim Morrison và Miles Davis. Cái đó khiến căn phòng có vẻ là của tôi hơn một chút. Tôi dùng một ít tiền đi làm dành dụm được mua một máy stereo nho nhỏ. Đêm đến tôi thường uống rượu và nghe nhạc một mình. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ đến Quốc-xã, nhưng tôi thấy ở một mình thật là thích.

Mười một giờ rưỡi một sáng thứ Hai nọ, sau giờ giảng về Euripides trong lớp Lịch sử sân khấu, tôi đi bộ mười phút đồng hồ đến một quán ăn nhỏ và ăn trưa với món trứng rán lòng đào và một đĩa rau trộn. Cái quán nằm trong một ngõ nhỏ yên tĩnh và hơi đắt hơn nhà ăn sinh viên, nhưng ngồi ở đó có thể thư giãn được, và họ biết cách làm món trứng lòng đào tuyệt ngon. “Họ” đây là một cặp vợ chồng rất ít khi nói gì với nhau, với một người chạy bàn làm việc nửa thời gian. Khi tôi ngồi ăn cạnh cửa sổ, một nhóm bốn sinh viên bước vào quán, hai trai hai gái, tất cả đều ăn mặc gọn gàng. Họ ngồi gần cửa ra vào, xem thực đơn và bàn thảo một lúc cho đến khi một người lên tiếng gọi món cho cả bọn.

Một lúc sau tôi để ý thấy một trong hai cô gái cứ liếc mắt về phía tôi. Cô ta có mái tóc cực ngắn và đeo kính râm, mặc một bộ ảo váy mini bằng vải bông trắng. Tôi không hề biết cô ta là ai, nên cứ tiếp tục ăn, nhưng rồi cô lách ra khỏi bàn đang ngồi và bước đến chỗ tôi. Đặt một bàn tay lên mép bàn tôi đang ngồi, cô nói, “Cậu là Watanabe có phải không?”

Tôi ngẩng lên và nhìn cô kỹ hơn. Nhưng vẫn không nhớ ra đã gặp cô lần nào chưa.

Cô ta thuộc loại con gái hễ thấy là phải để ý, cho nên nếu đã gặp rồi thì nhẽ ra tôi phải nhận ra ngay mới phải. Nhưng ở trường cũng chẳng có mấy ai biết tên tôi như thế.

“Tôi ngồi được không?” cô ta hỏi. “Hay cậu đang đợi ai?”

Vẫn không biết thế nào, tôi lắc đầu. “Không. Không ai đến đâu. Mời cậu ngồi”. Cạch một cái, cô ta đã kéo một chiếc ghế ra và ngồi xuống đối diện tôi, nhìn tôi chằm chằm qua cặp kính râm, rồi liếc xuống đĩa.

“Trông ngon nhỉ,” cô nói.

“Ngon lắm. Trứng nấm lòng đào và rau trộn đậu đũa”

“Khỉ thật,” cô nói. “Nhưng thôi không sao, lần sau tôi sẽ ăn món đó. Vừa mới gọi món khác xong.”

“Món gì thế?”

“Mỳ ống với phó-mát.”

“Mỳ ống với phó-mát của họ cũng được đấy,” tôi nói. “Cũng xin được hỏi, tôi có biết cậu không nhỉ? Tôi vẫn chưa nhớ…”

“Euripides,” cô nói. “Electra. “Không vị thần nào nghe thấy giọng nói của Electra lầm lạc.” Bạn biết đấy, lớp học vừa mới xong mà.”

Tôi nhìn cô thật kỹ. Cô ta bỏ kính râm ra. Cuối cùng thì tôi nhớ – một sinh viên năm đầu tôi đã gặp trong lớp Lịch sử sân khấu. Kiểu tóc thay đổi dữ dội quá làm tôi không thể nhận ra cô được.

“Ồ,” tôi nói, tay chỉ vào một điểm ở dưới vai mình độ năm sáu phân, “Hồi trước nghỉ hè tóc cậu để dài xuống tận đây.”

“Đúng rồi,” cô nói. “Hè rồi tôi đi uốn tóc, kinh quá. Thà chết còn hơn. Ra bãi biển trông tôi như một con chết đuối đầu vướng đầy rong. Cho nên tôi quyết định nếu còn chưa muốn chết thì phải cắt hết tóc đi cho rồi. Ít ra thì nó cũng mát mẻ hơn trong mùa hè.” Cô đưa tay vuốt qua những chỏm tóc cắt theo kiểu răng cưa nhọn hoắt và mỉm cười với tôi.

“Trông đẹp đấy chứ,” tôi nói, miệng vẫn nhai món trứng. “Cậu quay nghiêng cho tôi xem nào.”

Cô ta quay nghiêng và giữ tư thế ấy một vài giây.

“Phải, tôi biết mà. Kiểu này rất hợp với cậu đấy. Khổ đầu đẹp lắm. Tai cũng thế, nhất là để lộ như thế kia.”

“Vậy là tôi không đến nỗi khùng phải không! Tôi đã nghĩ trông mình sẽ khá hơn khi cắt hết tóc đi. Nhưng chẳng có thằng cha nào thích cả. Tất cả chúng nó đều bảo tôi trông như một nạn nhân sống sót ở trại tập trung. Có gì mà con trai cứ thích con gái phải để tóc dài thế nhỉ? Bọn phát xít, cả lũ chúng nó? Tại sao con trai ai cũng cho là con gái tóc dài mới là sang trọng nhất, dịu dàng nhất, có nữ tính nhất? Thế này nhé, bản thân tôi đã biết ít nhất đến hai trăm năm mươi đứa con gái tóc dài mà chẳng sang trọng tí gì. Thật đấy.”

“Tôi nghĩ bây giờ trông cậu hay hơn trước nhiều,” tôi nói. Và tôi nghĩ thế thật. Theo trí nhớ của tôi thì với mái tóc dài cô ta cũng chỉ như một sinh viên xinh xắn thế thôi. Còn cô gái ngồi trước mặt tôi thì đang căng tràn một sinh lực tươi mát. Cô giống như một con thú nhỏ vừa nhảy póp một cái vào cuộc đời lúc xuân sang. Cặp mắt cô chuyển động như một cơ thể độc lập với niềm vui sướng, tiếng cười, nói giận dữ, kinh ngạc và tuyệt vọng.

Đã lâu lắm tôi mới được thấy một gương mặt sinh động và linh hoạt đến thế, và tôi vui sướng ngắm nhìn nó trực tiếp và tại chỗ.

“Cậu nói thật chứ?” cô hỏi.

Tôi gật đầu, vẫn đang nhai món rau trộn.

Cô đeo kính râm lên và nhìn tôi từ sau cặp kính đó.

“Cậu không nói dối đấy chứ?”

“Tôi vẫn thích nghĩ mình là một người trung thực,” tôi nói.

“Quá đi rồi.”

“Thế thì thử nói xem: tại sao cậu lại đeo kính râm đen thế?”

“Khi đột ngột cắt tóc ngắn đi, tôi thấy như mình không được che chắn gì cả. Như thể có ai đó vừa ném tôi trần truồng ra giữa đám đông.”

“Có lí,” tôi nói, ăn nốt miếng trứng cuối cùng. Cô ta quan sát tôi với một vẻ thích thú cực kì.

“Cậu không phải về chỗ với họ à?” tôi hỏi, ra hiệu về phía ba người đi cùng với cô.

“Không. Lúc nào họ dọn đồ ăn ra tôi sẽ về. Tôi có làm hỏng bữa ăn của cậu không thế?”

“Còn gì nữa đâu mà sợ hỏng,” tôi nói, gọi cà-phê khi thấy cô có vẻ còn muốn ngồi nữa. Bà vợ chủ quán dọn đĩa đi và đem sữa với đường đến.

“Bây giờ cậu thử nói tôi nghe nhé,” cô lên tiếng.

“Tại sao cậu không thưa lúc họ điểm danh sáng nay? Cậu là Watanabe mà, đúng không? Toru Watanabe, phải không nào?”

“Đúng tôi đây?”

“Vậy sao cậu không thưa là có mặt?”

“Chỉ vì hôm nay tôi không thích thế.”

Cô bỏ kính râm ra, đặt nó lên bàn, rồi nhìn tôi như nhìn vào một cái chuồng nhốt mấy con vật lạ trong vườn bách thú. “Chỉ vì hôm nay tôi không thích thế”. Cậu ăn nói như Humphrey Bogart vậy. Tỉnh bơ. Rắn mặt.”

“Đừng ngốc thế. Tôi chỉ là một thằng bình thường như mọi người.”

Bà chủ quán mang cà-phê đến cho tôi và đặt nó xuống bàn. Tôi nhấp một ngụm không đường sữa gì cả.

“Nhìn kìa. Cậu còn uống đen không đường nữa?”

“Chẳng liên quan gì đến Humphrey Bogart cả,” tôi kiên nhẫn giải thích. “Chỉ tình cờ là răng tôi không chịu được đường. Cậu nghĩ về tôi sai bét rồi.”

“Sao da cậu rám nắng thế?”

“Mấy tuần rồi tôi đi chơi bộ trên núi. Ba-lô. Túi ngủ.”

“Cậu đi đâu?”

“Kanazawa. Bán đảo Noto. Lên tận Niigata.”

“Một mình ư?”

“Một mình,” tôi nói. “Gặp bạn đồng hành chỗ này chỗ kia.”

“Vài bạn đồng hành lãng mạn chứ? Đàn bà lạ ở những nơi xa lạ.”

“Lãng mạn ư? Bây giờ thì tôi biết đúng là cậu hiểu tôi sai bét thật. Một thằng lưng đeo túi ngủ và râu ria lởm chởm thì lấy đâu ra lãng với mạn!”

“Lúc nào cậu cũng đi một mình thế à?”

“Đại khái thế.”

“Cậu thích cảnh cô liêu à?” cô hỏi, tựa má vào tay. “Du lịch một mình, ăn một mình, ngồi một mình trong lớp…”

“Chẳng ai thích một mình nhiều đến thế. Nhưng tôi không cố đánh bạn, vậy thôi. Làm thế chỉ tổ hay thất vọng.”

Miệng ngậm đầu mẩu của một bộ hoa tai, kính râm tụt trễ xuống, cô ta lẩm bẩm, “Chẳng ai thích một mình nhiều đến thế. Tôi chỉ ghét bị thất vọng.” Cậu có thể dùng câu này nếu có khi nào cậu viết hồi ký.”

“Cám ơn,” tôi nói.

“Cậu thích màu xanh lá cây không?”

“Sao cậu hỏi thế?”

“Cậu đang mặc sơ-mi polo xanh lá cây đấy”. “Chẳng có gì đặc biệt. Tôi sẽ mặc bất cứ màu gì.”

“Chẳng có gì đặc biệt. Tôi sẽ mặc bất cứ màu gì”. Tôi thích lối nói chuyện của cậu quá. Giống như trát vữa, mịn mà hay. Đã có ai nói với cậu điều này chưa?

“Chưa,” tôi nói.

“Tên tôi là Midori,” cô nói. “Xanh lá cây” đấy”. Nhưng tôi mặc xanh lá cây thì nhìn khủng khiếp lắm. Lạ đấy chứ, hả? Hình như tôi bị phép thuật nguyền rủa, cậu có thấy thế không? Tên chị tôi lại là Momoko: “Hồng đào.”

“Chị ấy mặc màu hồng có đẹp không?”

“Tuyệt đẹp? Chị ấy sinh ra là để mặc đồ màu hồng. Thật hoàn toàn bất công.”

Bàn chỗ Midori đã có đồ ăn, và một cậu mặc áo tây vải madras gọi với sang, “Ê,

Midori, về ăn đi chứ?”

Cô vẫy tay về phía ấy như đang nói “Biết rồi.”

“Này,” cô nói, “Cậu có ghi chép ở lớp không đấy? Lớp sân khấu ấy!”

“Có”

“Thế này thật không phải, nhưng cậu cho tôi mượn vở ấy được không? Tôi đã lỡ mất hai buổi, mà chẳng quen ai ở lớp cả.”

“Có vấn đề gì đâu,” tôi nói, tay rút quyển vở trong túi sách ra. Sau khi đã xem kỹ và thấy không có bút tích riêng tư gì trong đó, tôi đưa nó cho Midori.

“Cám ơn,” cô ta nói. “Ngày kia cậu có đến lớp không?”

“Có”

“Vậy gặp tôi ở đây vào buổi trưa nhé. Tôi sẽ trả lại vở cho cậu và đãi cậu bữa trưa. Nghĩa là… không ăn một mình thì cậu cũng sẽ không bị đau bụng hay gì chứ, phải không?”

“Không có đâu,” tôi nói. “Nhưng cậu không cần phải đãi tôi bữa trưa chỉ vì tôi cho cậu mượn vở”

“Đừng lo chuyện đó,” cô nói. “Tôi thích đãi người khác ăn trưa mà. Nhưng mà cậu cũng nên ghi lại ở đâu đó. Cậu sẽ không quên chứ.”

“Tôi sẽ không quên. Ngày kia. Mười hai giờ. Midori. Xanh lá cây.”

Ai đó từ bàn bên kia lại gọi với sang, “Nhanh lên chứ Midori, đồ ăn nguội hết rồi!”

Cô vẫn mặc kệ và lại hỏi tôi, “Lúc nào cậu cũng nói chuyện kiểu này à?”

“Chắc vậy,” tôi nói. “Chưa từng để ý chuyện đó.”

Quả thực chưa có ai từng nói cho tôi biết cách nói chuyện của tôi có gì khác thường hay không.

Cô ta có vẻ nghĩ ngợi điều gì đó vài giây, rồi đứng lên, mỉm cười, và đi về bàn mình.

Cô vẫy tay lúc tôi đi qua bàn ấy, nhưng ba người kia chẳng ai ngó đến tôi.

Trở lại quán ăn vào trưa hôm thứ Tư, tôi chẳng thấy tăm hơi Midori đâu cả. Tôi định sẽ làm một cốc bia để chờ, nhưng khi bia vừa bưng ra thì quán bỗng bắt đầu đầy khách nên tôi bèn gọi món và ăn một mình. Tôi ăn xong lúc mười hai giờ ba mươi lăm, nhưng vẫn không thấy Midori đến. Tôi trả tiền, ra ngoài rồi sang đường đến một ngôi dền nhỏ và đứng ở chỗ thềm đá cho đầu óc sảng khoái để chờ Midori. Đến một giờ thì tôi bỏ cuộc và quay về thư viện đọc sách. Hai giờ thì đến lớp tiếng Đức.

Học xong, tôi đến văn phòng sự vụ sinh viên và tìm tên Midori trong danh sách lớp lịch sư sân khấu. Có mỗi một Midori trong lớp ấy, là Midori Kobayashi. Sau đó tôi lục phiếu hồ sơ sinh viên và tìm ra địa chỉ cùng số điện thoại của một Midori Kobayashi, vào học từ 1969. Cô ta sống ở một khu ngoại ô nhỏ phía tây bắc gọi là Thshima, cùng với gia đình. Tôi lẳng lặng vào một trạm điện thoại và quay đến số ấy.

Một người đàn ông trả lời: “Hiệu sách Kobayashi xin nghe.”

Hiệu sách Kobayashi ư?

“Xin lỗi làm phiền ông,” tôi nói, “Midori có nhà không ạ?”

“Không, nó không có nhà,” ông ta nói.

“Thưa ông cô ấy có ở trường không ạ?”

“Hừmmm, không đâu, có lẽ nó ở bệnh viện. Xin hỏi ai đang gọi thế ạ?”

Đáng nhẽ phải trả lời thì tôi chỉ cám ơn ông ta rồi cúp máy. Bệnh viện ư? Cô ta ốm hoặc bị làm sao chăng?

Nhưng giọng người kia không thấy có tí lo âu cấp bách nào. “Có lẽ nó ở bệnh viện,” ông ta đã nói thế, nghe dễ dàng như là “Nó đang ở tiệm bán cá.” Tôi nghĩ đến một vài khả năng khác cho đến lúc chỉ nghĩ thế thôi cũng đã thành quá rắc rối, rồi tôi về phòng mình nằm dài trên giường đọc cuốn Đức ông Jim mượn của Nagasawa. Đọc xong, tôi đến phòng hắn để trả.

Nagasawa đang trên đường đến nhà ăn nên tôi đi luôn cùng với hắn để ăn bữa tối.

“Thi cử thế nào?” tôi hỏi. Vòng thứ hai của cuộc thi cao cấp vào Bộ Ngoại giao đã diễn ra hồi tháng Tám.

“Vẫn thế thôi,” Nagasawa nói, như thể vòng thi ấy chẳng là cái gì hết. “Cậu thi, cậu đỗ, thảo luận nhóm, phỏng vấn… như đi dùi một con nhỏ vậy”

“Nghĩa là dễ chứ gì,” tôi nói. “Bao giờ họ cho biết kết quả?”

“Tuần đầu tháng Mười. Nếu đỗ, tớ sẽ đãi cậu một bữa tối thịnh soạn.”

“Này cậu nói xem, loại nào mới lọt được vào vòng hai? Toàn siêu sao như cậu chứ.”

“Đừng có ngốc. Toàn một bọn ngu xuẩn hết. Ngu xuẩn hoặc cám hấp. Tớ xin tuyên bố là chín lăm phần trăm những thằng muốn thành quan chức đều chẳng đáng cứt gì hết. Tớ không đùa đâu. Thậm chí chúng chưa chắc đã đọc hết một cuốn sách bao giờ.”

“Vậy sao cậu lại cố vào Bộ Ngoại giao?”

“Đủ các thứ lí do,” Nagasawa nói. “Tớ thích làm việc ở hải ngoại, là một lí do. Nhưng chủ yếu tớ muốn thử các năng lực của mình. Mà nếu đã thử thách bản thân thì tớ muốn ra hẳn cái sân lớn nhất là quốc gia nhà nước. Tớ muốn xem mình leo cao được đến đâu, có quyền lực được đến đâu trong cái hệ thống quan liêu mất trí khổng lồ này. Hiểu tớ nói gì không?”

“Nghe như một cuộc chơi.”

“Thì là cuộc chơi mà. Tớ chẳng quan tâm mẹ gì đến quyền lực hoặc tiền bạc, đó không phải là mục tiêu. Thực là như vậy. Có thể tớ là một thằng đểu ích kỷ, nhưng chuyện ấy thì tớ lại tuyệt đối dửng dưng. Tớ có thể làm một ông thánh Thiền. Nhưng có một thứ mà tớ có thật, ấy là tò mò. Tớ muốn thấy mình có thể làm được gì trong cái thế giới khổng lồ khắc nghiệt ở ngoài kia.”

“Và cậu chẳng có tí nhu cầu “lí tưởng” nào, phải không?”

“Đúng vậy cuộc sống không cần đến lí tưởng. Nó chỉ cần nhưng tiêu chuẩn hành động.”

“Nhưng còn có nhiều cách sống khác, đúng không?” tôi hỏi.

“Cậu có thích cách sống của tớ không?”

“Vấn đề không phải ở đó,” tôi nói. “Tớ có thể không bao giờ vào được Đại học Tokyo; tớ không thể ngủ với bất kì cô gái nào tớ muốn vào đúng lúc tớ thích; tớ không có tài ăn nói; mọi người không vì nể gì tớ cả; tớ không có cả bồ gái; và cũng chẳng có tương lai xán lạn gì khi có được mảnh bằng cỡ nhân văn chương của một trường đại học tư loại hai. Vậy thì có thành vấn đề gì nếu tớ thích cách sống của cậu”

“Cậu đang nói rằng cậu ghen tị với cách sống của tớ chăng?”

“Không? Tớ không nói thế? tôi nói. “Tớ đã quá quen với việc chỉ là chính mình. Và tớ chẳng quan tâm mẹ gì đến Đại học Tokyo hoặc Bộ Ngoại giao. Nhưng có một thứ mà tớ phải ghen tị với cậu, ấy là có được một cô bồ tuyệt vời như Hatsumi.”

Nagasawa câm mồm và cắm cúi ăn. Khi bữa tối đã xong, hắn nói, “Cậu biết không, Watanabe, tớ có một cảm giác thế này có thể mười hoặc hai mươi năm sau khi chúng ta ra khỏi nơi này, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở một nơi nào đó. Và gì thì gì, tớ nghĩ chúng ta vẫn sẽ còn đồng cảm được với nhau.”

“Nghe như Dickens,” tôi mỉm cười nói.

“Tớ cũng đoán vậy,” hắn nói, mỉm cười lại với tôi. “Nhưng linh tính tớ thường rất đúng.”

Hai đứa chúng tôi rời nhà ăn và đến một quán bar. Chúng tôi uống rượu ở đó đến tận sau chín giờ.

“Nói xem, Nagasawa,” tôi hỏi, “Cái tiêu chuẩn hành động trong cuộc đời của cậu là gì?

“Tớ mà nói ra thì cậu phì cười mất thôi,” hắn bảo.

“Không, tớ không cười đâu.”

“Thôi được,” hắn nói. “Là một người quân tử.”

Tôi không cười, nhưng suýt ngã lộn ra khỏi ghế.

“Là một người quân tử? Một người quân tử ư?”

“Cậu nghe rõ rồi đấy.”

“Là một người quân tử có nghĩa là thế nào? Cậu định nghĩa quân tử ra sao?”

“Quân tử là người không làm những gì mình muốn mà chỉ làm những gì mình nên làm.”

“Cậu là thằng dở hơi nhất mà tớ đã từng gặp,” tôi nói.

“Cậu là thằng lạ lùng nhất mà tớ đã từng gặp” hắn nói. Và trả tiền cho cả hai thằng.

Tuần sau đó tôi vẫn đến lớp sân khấu, và vẫn không thấy tăm hơi gì của Midori Kobayashi. Sau khi nhìn quanh một lượt và đã chắc là không có cô ta ở lớp, tôi ngồi vào chỗ quen thuộc của mình ở hàng ghế đầu và viết thư cho Naoko trong khi ông giáo còn chưa đến. Tôi viết về những chuyến du lịch mùa hè – những con đường tôi đã đi bộ, những thị trấn tôi đã qua, những con người tôi đã gặp. Và đêm nào mình cũng nghĩ đến cậu. Giờ đây khi không thể gặp cậu được nữa, mình mới biết rằng mình cần cậu biết dường nào. Trường lớp buồn tẻ vô cùng, nhưng để tự kỷ luật, mình vẫn dự lớp và làm bài đầy đủ. Từ khi cậu đi, tất cả đều như vô nghĩa. Mình thèm được nói chuyện thật dài và thật thoả với cậu. Nếu có thể được, mình muốn đến thăm cậu ở khu an dưỡng và ở với cậu nhiều giờ. Và nếu có thể được, mình muốn được đi bộ với cậu như kiểu chúng mình vẫn đi với nhau. Cậu hay cố gắng trả lời thư này của mình nhé – dù chỉ mấy chữ thôi cũng được. Mình sẽ không buồn đâu.

Tôi viết kín bốn tờ giấy, gập chúng lại, cho vào phong bì, và đề gởi cho Naoko, nhờ gia đình nàng chuyển hộ.

Lúc ấy ông giáo mới đến, vừa bước lên bục giảng vừa lau mồ hôi trán. Ông ta nhỏ người, vẻ mặt lúc nào cũng như đang khóc, chống gậy kim loại. Tuy không vui, nhưng các bài giảng của ông trong chương trình đều rất chu đáo và đáng nghe. Sau khi nhận xét rằng thời tiết đang nóng hơn bao giờ hết, ông bắt đầu nói về thủ pháp dùng một sự kiện hoặc nhân vật thần thánh để cởi nút vở kịch trong các tác phẩm của Euripides, và giảng giải những chỗ khác nhau trong khái niệm “thần thánh” giữa Euripides và Aeschylus hoặc Sophocles. Ông nói được khoảng mười lăm phút thì cửa giảng đường mở ra và Midori bước vào. Cô mặc sơ-mi thể thao xanh nước biển thẫm, quần vải bông màu kem và cặp kính râm thường lệ. Sau khi nở một nụ cười theo kiểu “Xin lỗi em đến muộn” về phía ông giáo, cô ngồi xuống cạnh tôi. Rồi cô lấy một cuốn vở – vở của tôi – từ túi đeo vai và đưa nó cho tôi. Trong vở có kẹp một mẩu giấy viết: Xin lỗi hôm thứ Tư nhé. Cậu có giận không đấy?

Được độ nửa bài giảng, ông giáo sư đang vẽ phác một cái sâu khấu Hy Lạp lên bảng đen thì cửa lại mở, và hai sinh viên đội mũ sắt bước vào. Trông họ giống như một cặp kép hài, một anh cao gày nhợt nhạt, anh kia lùn béo đen nhẻm với một bộ râu dễ dài không hợp với mình chút nào. Cao kều ôm theo một mớ truyền đơn trong tay. Lùn tè bước lên chỗ ông giáo sư và nói, giọng có phần lễ độ, rằng họ muốn dùng nửa thời gian còn lại của giờ giảng để thảo luận chính trị và hy vọng là ông sẽ hợp tác. Rồi hắn nói thêm, “Thế giới đang đầy những vấn đề cấp bách và có ý nghĩa hơn bi kịch Hy Lạp.” Nghe không ra một lời đề nghị nữa, mà là một tuyên cáo. Ông giáo sư đáp “Ta vẫn không muốn tin rằng thế giới đang có những vấn đề cấp bách và có ý nghĩa hơn bi kịch Hy Lạp, nhưng ta biết có nói gì thì các anh cũng chẳng nghe, nên thôi, các anh muốn làm gì thì làm.” Vịn tay vào mép bàn, ông bước từ bục giảng xuống sàn, nhặt cái gậy chống rồi khập khiễng ra khỏi lớp.

Trong khi cao kều phát truyền đơn, lùn tè bước lên bục giảng và bắt đầu lên lớp. Truyền đơn đầy những câu hô khẩu hiệu đơn giản: “Đả đảo bầu cử gian lận chức chủ tịch đại học!”, “Hãy tập hợp mọi lực lượng để bãi khoá toàn trường một lần nữa.”, “Đả đảo tổ hợp công nghiệp-giáo dục-đế quốc!” Tôi không có vấn đề gì với những điều họ đang nói, nhưng cách viết của họ thì dở quá. Chẳng có gì gây được lòng tin hoặc kích động nhiệt huyết. Cả bài nói của anh lùn cũng chẳng hơn gì – vẫn một giọng điệu cũ rích với những từ ngữ khác mà thôi. Kẻ thù thực sự của bọn này không phải là chính quyền mà là tình trạng Thiếu trí Tưởng tượng.

“Bọn mình chuồn đi,” Midori nói.

Tôi gật đầu và đứng dậy và cả hai chúng tôi bước ra cửa. Lúc ấy anh lùn nói với theo tôi cái gì đó mà tôi không nghe ra. Midori vẫy hắn và nói, “Gặp lại sau nhé.”

“Này cậu, bọn mình có phải phản cách mạng không thế?” Midori hỏi tôi khi hai đứa đã ra đến ngoài. “Nếu cách mạng thành công liệu họ có treo tụi mình lên cột điện thoại không?”

“Cũng chưa biết thế nào, hay cứ đi ăn trưa luôn cái đã”

“Phải đấy. Tớ muốn mời cậu đến một chỗ này. Hơi xa một tí. Cậu có thời gian không?”

“Có, tớ rảnh, đến hai giờ mới có lớp.”

Midori đưa tôi đi xe buýt đến Yotsuya, vào một hiệu chuyên phục vụ cơm phần rất đỏm đáng, nằm trong một chỗ có mái che ngay sau trạm đỗ xe. Vừa ngồi vào bàn họ đã mang ngay ra món súp và các thức ăn đặc biệt của ngày hôm đó, dọn trong hai cái hộp sơn mài vuông vức màu đỏ. Đúng là một nơi ăn trưa có phải đi xe buýt cũng bõ.

“Ngon quá,” tôi nói.

“Và rẻ nữa. Tớ vẫn ăn ở đây từ hồi còn ở trung học. Trường cũ của tớ ở ngay dưới phố kia kìa. Họ nghiêm lắm, bọn tớ đều phải lẻn ra ăn ở đây. Bị bắt đi ăn ngoài là họ phạt nghỉ học liền.”

Không đeo kính râm, mắt Midori có vẻ buồn ngủ hơn so với lần gặp trước. Khi không mải nghịch cái vòng bạc nho nhỏ đeo ở cổ tay trái, thế nào cô cũng đưa một đầu ngón tay út lên day day các khóe mắt.

“Mệt à?” tôi hỏi.

“Đại loại thế. Tớ thiếu ngủ. Nhưng không sao, đừng lo,” cô nói. “Xin lỗi chuyện hôm nọ nhé. Tự nhiên có chuyện quan trọng và tớ không thể dứt ra được. Đùng một cái, ngay sáng ngày ra. Tớ đã nghĩ đến chuyện gọi cậu ở quán ăn, nhưng không thể nhớ ra cái tên quán, mà số ở nhà của cậu thì tớ không có. Cậu có đợi lâu không?”

“Không có gì đâu. Tớ có nhiều thời gian lắm.”

“Nhiều lắm ư?”

“Nhiều quá mức cần thiết. Giá mà tớ có thể cho cậu một ít để cậu ngủ.”

Midori dựa má vào bàn tay và mỉm cười với tôi.

“Cậu là một thằng tốt thật đấy.”

“Không tốt đâu. Chỉ là vì tớ có thời gian để giết thôi,” tôi nói. “Mà này, tớ có gọi đến nhà cậu hôm ấy và có người bảo tớ rằng cậu đang ở bệnh viện. Có chuyện gì thế?”

“Cậu gọi đến nhà tớ?” cô hỏi, hơi nhăn trán lại một tí ở giữa hai lông mày. “Làm sao mà cậu có số điện của tớ?”

“Tìm ở văn phòng sự vụ sinh viên. Ai chẳng làm được”

Cô gật gù mấy cái rồi lại bắt đầu nghịch cái vòng bạc.

“Thế mà tớ chưa hề nghĩ ra. Nhẽ ra tớ cũng có thể tìm được số của cậu. Mà thôi, về chuyện bệnh viện, lần sau tớ sẽ kể. Bây giờ thì tớ chưa thích. Xin lỗi nhé.”

“Được thôi. Tớ không định tọc mạch đâu.”

“Không, cậu không tọc mạch. Chỉ là vì tớ cứ mệt mệt thế nào ấy. Như khi gặp mưa.”

“Có lẽ cậu nên về nhà ngủ một tí?”

“Chưa đâu. Mình chuồn khỏi đây đã.”

Cô dẫn tôi đến ngôi trường trung học cũ, một quãng đi bộ ngắn từ Yotsuya.

Lúc đi ngang trạm xe, tôi nghĩ đến Naoko và nhưng cuộc đi bộ vô tận của chúng tôi. Tất cả đã bắt đầu từ đây. Tôi nhận ra rằng nếu đã không tình cờ gặp Naoko trên chuyến tàu chủ nhật tháng Năm ấy, đời tôi chắc đã rất khác bây giờ. Nhưng rồi tôi lại nghĩ khác: Không, ngay cả nếu chúng tôi đã không gặp nhau ngày ấy, cuộc đời tôi chắc cũng chẳng có gì khác. Chúng tôi phải gặp nhau. Nếu không phải bấy giờ thì cũng sẽ vào một lúc nào đó. Tôi cũng chẳng có cơ sở gì để nghĩ thế. Chỉ là cảm giác thôi.

Midori Koyabashi và tôi ngồi với nhau trên ghế trong công viên, nhìn ngôi trường xưa của cô ta. Thường xuân bám chặt trên các bức tường, và lũ bồ câu lúi húi dưới hồi nhà, sã cánh nghỉ ngơi. Một toà nhà cổ, đẹp và có cá tính. Trong sân chơi có một cây sồi lớn, và một cột khói trắng bốc thẳng lên trời ngay cạnh đó. Trong nắng chiều hè đang phai dần, cột khói trông như một làn mây xốp nhẹ.

“Cậu có biết khói gì đấy không?” Midori đột ngột hỏi tôi.

“Chịu,” tôi nói.

“Họ đốt băng vệ sinh đấy.”

“Thật ư?” tôi không biết nói gì khác.

“Băng vệ sinh, tăm-pông, những thứ như thế,” cô nói với một nụ cười. “Trường nữ sinh mà. Ông già chuyên dọn dẹp đi thu thập chúng ở tất cả những thùng đựng rồi đốt chúng trong lò. Khói đó đấy.”

“Uao!”

“Ờ, tớ cũng thường tự kêu lên như thế mỗi khi ngồi trong lớp nhìn ra và thấy cột khói ấy ngoài cửa sổ. “Uao! Cứ nghĩ mà xem: trường có gần một nghìn đứa con gái. Vậy cứ giả dụ là chín trăm đứa vừa mới vào tuổi kinh nguyệt, và có thể một phần năm số đó lúc nào cũng đang hành kinh: một trăm tám mươi đứa. Vậy là ngày nào cũng phải đốt băng vệ sinh của một trăm tám mươi đứa ấy”

“Chắc cậu nói phải; mặc dù tớ không chắc cậu tính thế có đúng không.”

“Gì thì gì cũng là rất nhiều. Một trăm tám mươi đứa con gái. Cậu nghĩ phải đi thu lượm và đốt ngần ấy mỗi ngày thì nó ra làm sao?”

“Chịu không tưởng tượng được,” tôi nói. Làm sao tôi có thể tưởng tượng ông già kia cảm thấy như thế nào?” Midori và tôi vẫn tiếp tục nhìn cột khói.

“Tớ đã không muốn học ở trường này tí nào,” Midori nói. Cô hơi lắc đầu. “Tớ muốn vào một trường công tuyệt đối bình thường, với những con người bình thường, để tớ có thể thoải mái và vui vẻ như một đứa trẻ bình thường. Nhưng bố mẹ tớ lại nghĩ vào được cái chỗ điệu đà kia thì trông tớ sẽ khá hơn. Họ là người đã cương quyết nhét tớ vào đó. Cậu biết không, cứ học giỏi ở tiểu học là thể nào cũng rơi vào cảnh ấy. Thầy cô giáo sẽ nói với bố mẹ “Với điểm số như thế thì cháu nhất định phải vào học ở đó!” Và thế là tớ bị rơi vào đó thật. Sáu năm trời tất cả, và tớ chưa bao giờ thích nó cả. Tớ chỉ tìm cách chuồn. Và cậu biết không, tớ còn được bằng khen vì chưa bao giờ muộn giờ hoặc vắng mặt ở trường. Tớ căm ghét chỗ ấy đến như vậy đấy. Cậu hiểu không?”

“Không, không hiểu.”

“Vì tớ ghét cái trường này thậm tệ, nên tớ nhất định không chịu để nó hạ nhục mình. Chỉ để nó làm vậy một lần thôi là tớ đi tong. Tớ sợ mình sẽ bị tụt hậu. Tớ bò đến trường khi đang sốt hơn bốn mươi độ. Thầy hỏi tớ có ốm không, nhưng tớ bảo không. Khi ra trường họ cho tớ nhiều bằng khen về đi học đều và đúng giờ, với một cuốn tự điển tiếng Pháp. Vì thế mà bây giờ tớ đang học tiếng Đức. Tớ không muốn mắc nợ cái trường này bất kì thứ gì. Tớ không nói đùa đâu.”

“Sao cậu lại ghét nó đến thế?”

“Thế cậu có thích trường cậu không đã nào?”

“Ừ, thì không, nhưng tớ cũng không đặc biệt ghét nó. Tớ học ở một trường công bình thường nhưng chẳng bao giờ nghĩ ngợi về nó thế này hay thế nọ.”

“Nhưng mà, cái trường này,” Midori nói, ngón tay út gãi gãi khóe mắt, “chỉ có rặt một bọn con gái thượng lưu gần một nghìn đứa, đứa nào cũng có lí lịch tốt, và điểm thi tốt. Lại giàu có nữa. Chúng phải giàu mới sống được Học phí cao, đóng góp liên miên, những chuyến tham quan đắt tiền. Ví dụ nếu chúng tớ đi Kyoto, họ sẽ đưa chúng tớ vào một nhà hàng hạng nhất và bưng ra những món ăn trà đạo bày trên bàn sơn mài, và năm nào họ cũng đưa chúng tớ vào khách sạn đắt tiền nhất ở Tokyo để học cũng cách ứng xử trong bữa ăn. Tớ muốn nói là cái trường này không bình thường tí nào. Trong số một trăm sáu mươi đứa con gái cùng năm, tớ là đứa duy nhất sống trong một khu trung lưu như Toshima. Đã có lần tớ lục danh sách học sinh ở trường để xem bọn nó sống ở đâu, hoá ra đứa nào cũng ở những khu giàu có cả. Gượm đã, cũng có một đứa ở mãi tận Chiba với nông dân, và tự nhiên tớ cũng có cảm tình thế nào đó với nó. Con bé cũng rất hay. Nó mời tớ về nhà, cứ xin lỗi vì tớ phải đi xa. Tớ đi và thật không thể tin được, cái khu đất ở khổng lồ ấy, phải đi mười lăm phút mới hết xung quanh.

Lại còn một cái vườn tuyệt vời và hai con chó to như hai cái xe con mà họ vẫn nuôi bằng thịt bò bí-tết. Thế mà con bé ấy vẫn thấy ngượng là phải sống ở Chiba. Đó là một đứa mà hễ muộn giờ là nó đi Mercedes Benz đến trường? Có tài xế riêng lái. Giống hệt như ở phim Green Honet bước ra: nào mũ, nào găng trắng, đủ thứ. Mà nó vẫn cứ bị mặc cảm tự ti. Cậu có tin được không?”

Tôi lắc đầu.

“Tớ là đứa duy nhất trong trường sống ở một nơi như Kita-Otsuka Toshima. Và ở mục “nghề nghiệp cha mẹ” thì là “chủ hiệu sách”. Ai ở trong lớp tớ cũng tưởng thế là oách lắm: “Ôi chao, may mắn thế, cậu có thể tha hồ đọc sách” và đại loại nhưng câu như thế. Tất nhiên chúng nó chỉ nghĩ đến những hiệu sách khổng lồ như Kinokuniya. Chúng không thể tưởng tượng ra một hiệu sách Kobayashi nghèo nàn bé nhỏ. Cửa mở thì cọt kẹt và chẳng thấy có gì ngoài tạp chí. Bán đều nhất là tạp chí đàn bà bóng bẩy có kẹp nhưng phụ trương rời minh hoạ nhưng kỹ thuật làm tình mới nhất. Các bà nội trợ ở quanh đấy mua về và ngồi đọc ở bàn làm bếp từ bìa trước đến bìa sau, và khi chồng về thì đem ra thực hành thử. Mà cũng có những tư thế kì lạ không thể tin được! Có phải các bà nội trợ chỉ nghĩ đến những chuyện ấy suốt ngày không nhỉ? Bán chạy thứ hai là chuyện tranh: những tờ như Magazine, Sunday, Jump. Và tất nhiên là các loại báo tuần nữa. Nghĩa là hiệu sách hầu như toàn tạp chí. Nhưng mà cũng có một ít sách, loại tái bản rẻ tiền, truyện trinh thám giật gân và tiểu thuyết ái tình lãng mạn. Chỉ bán được những loại ấy. Và còn cả loại sách “Làm thế nào” nữa chứ: làm thế nào để được bạc, trồng bonsai ra làm sao, phát biểu ở đám cưới như thế nào, làm tình như thế nào, làm cách nào để cai thuốc lá, muốn loại gì có loại ấy. Nhà mình còn bán cả văn phòng phẩm – hàng bó bút bi bút chì và vở viết chất đống ở cạnh quầy thu tiền. Nhưng chỉ có thế. Không có Chiến tranh và hoà bình, không có Kenzaburo Oe, không có Bắt trẻ đồng xanh. Hiệu sách Kobayashi là như vậy đấy. Tớ may mắn như vậy đấy. Cậu có thấy tớ may mắn không?”

“Tớ chỉ mới thấy cái cửa hàng.”

“Cậu biết tớ nói gì mà. Người nào trong khu phố cũng đến hàng nhà tớ, có những người liên tục hàng nhiều năm liền, và gia đình tớ đáp ứng được nhu cầu của họ. Làm ăn vậy là tốt, dư dật đối với một gia đình bốn người; không nợ nần, hai con gái học đại học, nhưng chỉ thế thôi. Không làm được gì thêm nữa. Nhẽ ra bố mẹ đừng bao giờ cho tớ vào một trường như thế. Nó chỉ là bài thuốc gây đau đầu. Tớ phải nghe họ lầu bầu mỗi lần nhà trường đòi một khoản đóng góp, và lúc nào cũng sợ gần chết mỗi khi đi chơi với bạn và chúng lại muốn ăn ở một chỗ đắt tiền. Sống như vậy thật đến khổ. Gia đình cậu có giàu không?”

“Gia đình tớ ư? Không, bố mẹ tớ chỉ là người lao động hoàn toàn bình thường, không giàu, cũng chẳng nghèo. Tớ biết vào học ở một đại học tư ở Tokyo như thế này cũng là khó khăn với họ, nhưng nhà chỉ có mình tớ, nên cũng không đến nỗi gay go quá. Họ không cho tớ nhiều tiền sinh hoạt, nên tớ đi làm thêm. Gia đình tớ sống trong một ngôi nhà phổ biến có một mảnh vườn nhỏ và đi xe Toyota Corolla.”

“Việc làm thêm của cậu thế nào?”

“Tớ làm ở một tiệm nhỏ bán đĩa nhạc trong khu Shinjuku, ba đêm một tuần. Dễ ợt. Chỉ việc ngồi đó và để ý cửa hàng.”

“Cậu không đùa đấy chứ?” Midori nói. “Tớ không biết thế nào, nhưng nhìn cậu thì tớ nghĩ là cậu chưa bao giờ phải vất vả cả.”

“Đúng vậy. Tớ chưa bao giờ phải vất vả. Nhưng tớ cũng chẳng có nhiều tiền. Tớ cũng như hầu hết mọi người thôi.”

“Vâng, nhưng hầu hết mọi người ở trường cậu đều giàu cả,” Midori nói, úp tay trong lòng. “Đó mới là vấn đề”

“Vậy bây giờ cậu sẽ có nhiều cơ hội thấy một thế giới không vướng phải vấn đề đó. Có thể nhiều hơn cậu muốn nữa.”

“Thôi nào, hay nói xem, giàu có thì cái gì là hay nhất?”

“Tớ không biết.”

“Là có thể nói tớ chẳng có đồng nào. Đây nhé, nêu tớ rủ một đứa bạn ở trường làm cái gì đó, nó có thể nói “Tiếc quá, tớ chẳng có đồng nào”. Đó là điều mà tớ không thể mở mồm nói nếu tớ ở vào hoàn cảnh của nó. Nếu tớ nói “tớ chẳng có đồng nào”, đó sẽ là vì thực sự là tớ chẳng có đồng nào. Buồn thật. Nó giống thế này này: nếu một đứa con gái xinh đẹp nói “hôm nay trông tớ xinh quá, tớ chẳng muốn ra ngoài nữa” thì không sao, nhưng nếu một đứa xấu xí mà nói thế thì mọi người sẽ cười vào mũi nó. Với tớ, thế giới là như vậy đấy. Sáu năm liền như thế, cho tới tận năm ngoái.”

“Rồi cậu sẽ quên thôi.”

“Hy vọng thế. Vào đại học thật nhẹ hết cả người. Xung quanh đày nhưng người bình thường.”

Cô mỉm cười mà chỉ hơi cong môi một tí và vuốt mái tóc ngắn bằng lòng bàn tay.

“Cậu có làm thêm không?”

“Có. Tớ viết chú giải bản đồ. Cậu biết loại sách quảng cáo nhỏ kèm bản đồ chứ? Có mô tả các khu vực khác nhau, số dân cư, và nhưng chỗ đáng tham quan ấy mà. Chỗ này chỗ nọ có đường để đi bộ hoặc một huyền thoại gì đó, hoặc một vài loài chim hoa cây cỏ đặc biệt nào đó. Tớ viết những cái đó. Rất dễ. Chẳng mất thì giờ chút nào. Một ngày ngồi trong thư viện là tớ có thể xong một cuốn sách nhỏ. Chỉ cần thành thạo mấy bí quyết thôi là làm không hết việc.”

“Bí quyết gì thế?”

“Đại loại như thêm thắt những chi tiết chưa ai viết bao giờ và thế là những người ở công ty bản đồ sẽ tưởng mình là thiên tài văn chương và đưa thêm việc cho mình ngay. Chẳng cần chuyện gì to tát, chỉ vài chi tiết là đủ. Ví dụ như khi xây dựng con đập này ở cái thung lũng nọ, nước đã ngập hết ngôi làng ấy nhưng mỗi độ xuân sang những loài chim từ phương nam vẫn nhớ đường về và bạn có thể thấy chúng bay lượn trên mặt hồ. Cứ thêm một giai thoại nho nhỏ như thế và ai đọc cũng thấy thích, rất hình ảnh và tình cảm. Bọn làm thêm bình thường không nghĩ đến những cái như thế, nhưng tớ có thể viết và kiếm được khối tiền.”

“Ờ, nhưng cũng phải tìm ra những giai thoại ấy chứ.”

“Đúng thế,” Midori nói, hơi nghiêng đầu. “Nhưng nếu đã tìm là thể nào cũng có. Còn nếu không thì mình bịa ra cái gì đó cũng có chết ai đâu?”

“Á, à…”

“Hoà bình mà!” Midori nói.

Cô nói muốn nghe chuyện khu học xá của tôi, và tôi kể những câu chuyện quen thuộc về lễ kéo cờ và về các bài thể dục theo đài của Quốc-xã. Cũng như mọi người khác, Midori phì cười vì anh chàng Quốc-xã này. Cô nói giá được vào thăm khu học xá chắc sẽ vui lắm. Làm gì có cái gì vui, tôi bảo, “Chỉ có mấy trăm thằng trong những căn phòng đày rác rưởi, uống rượu và thủ dâm.”

“Kể cả cậu chứ.”

“Thì thằng đàn ông nào trên thế giới này mà chẳng thế,” tôi giải thích. “Con gái thì hành kinh mà con trai thì thủ dâm. Tất tật.”

“Kể cả những đứa có bồ gái ư? Nghĩa là có bạn tình ấy”

“Chuyện ấy chẳng có liên quan gì. Thằng ở cạnh phòng tớ lại còn phải cho ra trước khi đi chơi với bồ. Nó bảo thế nó mới thấy thoải mái.”

“Tớ không biết lắm những chuyện ấy. Tớ ở trường nữ sinh quá lâu.”

“Tớ đoán những tạp chí đàn bà bóng bẩy kia không đề cập đến chuyện này.”

“Đúng thế! Chẳng có tí nào!” cô nói, cười ầm lên.

“Mà này, Watanabe, Chủ nhật này cậu có thời gian không? Có rảnh không?”

“Chủ nhật nào tớ cũng rảnh. Ít nhất là đến sáu giờ. Lúc ấy tớ phải đi làm”

“Thế thì đến tớ chơi nhé! Đến hiệu sách Kobayashi. Hàng thì nghỉ, nhưng tớ phải loanh quanh ở đó cả ngày một mình. Có thể sẽ có một cú điện thoại quan trọng. Cậu đến ăn trưa nhé! Tớ sẽ nấu.”

“Nghe được đấy,” tôi nói.

Midori xé một trang vở rồi vẻ một bản đồ chi tiết chỉ đường đến chỗ cô. Cô lấy bút đỏ đánh một cái dấu X to tướng vào chỗ ngôi nhà.

“Thể nào cậu cũng thấy nó ngay, có cả biển đề “Hiệu sách Kobayashi”. Đến buổi trưa nhé. Tớ sẽ soạn bữa chờ cậu.”

Tôi cám ơn và bỏ cái bản đồ vào túi quần.

“Bây giờ tớ phải về trường,” tôi nói. “Lớp tiếng Đức của tớ bắt đầu lúc hai giờ.” Midori nói cô phải đi đâu đó, rồi lên tàu ở trạm Yotsuya.

Sáng Chủ nhật tôi dậy lúc chín giờ, cạo mặt, giặt quần áo và đem phơi trên nóc nhà. Hôm ấy đẹp trời. Trong không khí đã thấy những hương vị đầu mùa của tiết thu. Chuồn chuồn ngô bay đầy quanh sân, chạy trốn bọn trẻ con khu phố đang cầm vợt đuổi theo chúng. Không có gió, lá cờ Mặt trời mọc ủ rũ trên cột. Tôi mặc cái sơ-mi mới là rồi đi bộ ra trạm tàu điện. Cảnh tượng khu sinh viên sáng Chủ nhật: đường phố vắng về, gần như không có ai, hàng họ đóng cửa gần hết. Những âm thanh ít ỏi vọng lại với một âm sắc rõ ràng đặc biệt. Một cô gái đi guốc bước lóc cóc qua mặt đường nhựa, và cạnh trạm tàu điện có mái che là bốn năm đứa trẻ đang ném đá một dãy vỏ đồ hộp. Có một tiệm bán hoa mở cửa, và tôi vào mua mấy bông thuỷ tiên. Mùa thu mà có thuỷ tiên! Thật lạ? Nhưng tôi vẫn thích thứ hoa này.

Chuyến tàu điện sáng Chủ nhật chỉ có ba bà già. Họ đều nhìn tôi và mấy bông hoa của

tôi. Một bà còn mỉm cười với tôi. Tôi cười đáp lại. Tôi ngồi xuống hàng ghế cuối cùng và nhìn những ngôi nhà cổ trôi qua ngay sát cửa sổ. Tàu gần như sắp chạm cả vào những hồi nhà nhô ra. Sân phơi của một nhà có mười cái chậu trồng cà chua, cạnh đó là một con mèo đen to bự nằm sưởi nắng. Trong vườn một nhà khác có một đứa con gái bé tí đang thổi bong bóng xà-phòng. Tôi nghe thấy một bài hát của Ayumi Ishida văng văng từ đâu đó, và còn ngửi thấy cả mùi cà-ri đang nấu. Con tàu len lỏi qua cái thế giới sân sau riêng tư ấy. Dọc đường có thêm một vài khách lên tàu, nhưng ba bà già vẫn ngồi chụm sát lại và mải miết chuyện gì đó với nhau.

Tôi ra khỏi tàu ở trạm Otsuka rồi đi theo bản đồ của Midori xuống một phố rộng chẳng có gì mấy để xem. Không có cửa hàng nào trong phố ấy có vẻ phát đạt, toàn ở trong những toà nhà cũ có nội thất buồn thảm, nhiều biển hiệu đã phôi pha. Trông kiểu nhà thì có lẽ vùng này đã không bị ném bom hồi chiến tranh và cả dãy phố vẫn còn nguyên như cũ. Một vài chỗ đã được xây mới lại hoàn toàn, nhưng hầu hết đều được cơi nới thêm chỗ này cho kia, và chính những cơi nới ấy trông còn nhem nhếch hơn bản thân những toà nhà cũ.

Toàn bộ không khí của chỗ ấy khiến ta nghĩ rằng hầu hết nhưng cư dân gốc gác ở đây đã chán ngấy cảnh xe cộ đông đúc, không khí bẩn thỉu, tiếng ồn và giá thuê nhà cao, và đã dọn hết về các vùng ngoại ô, để lại toàn những căn hộ rẻ tiền, những văn phòng cho thuê và các cửa tiệm rất khó bán, cùng với một số ít những người còn ngang bướng bám chặt lấy tài sản để lại của gia đình. Mọi thứ đều mờ mịt và u ám như bị bọc trong một làn khói thải phun ra từ ống xả xe hơi vậy.

Sau mười phút đi bộ đọc dường phố ấy, tôi đến một trạm xăng góc đường, rồi rẻ phải vào một đoạn phố toàn những cửa hàng nhỏ, ở giữa có một tám biển đề Hiệu sách Kobayashi. Đúng là một cửa hàng nhỏ, nhưng cũng không đến nỗi nhỏ như mô tả của Midori. Nó điển hình là một hiệu sách khu phố, đúng như cửa hàng mà tôi vẫn chạy ù đến những hôm truyện tranh trẻ con vừa về số mới. Lòng tôi bỗng tràn ngập một nỗi nhớ tiếc khi đứng trước cửa hiệu sách.

Toàn bộ mặt tiền của cửa hiệu được đóng kín bằng một cửa sắt cuốn có sơn in một

quảng cáo tạp chí: “Tuần báo Bunshun có bán tại đây vào thứ năm hàng tuần.” Vẫn còn mười năm phút nữa mới đến giờ hẹn, nhưng tôi không muốn phải lang thang trong dãy phố đó với bó thuỷ tiên trong tay, nên cứ bấm chuông ở cạnh cửa rồi lùi lại vài bước đứng đợi. Mười lăm giây sau vẫn không thấy gì, và đang chưa biết có nên bấm chuông nữa hay không thì tôi nghe tiếng cửa sổ mở ra ở phía trên. Tôi ngẩng lên và thấy Midori đang nghiêng người ra vẫy:

“Vào đi!” cô nói to. “Cứ nhấc cái cửa lên.”

“Ôkê chứ? Tớ đến hơi sớm!” tôi lớn tiếng đáp.

“Không sao. Lên gác nhé. Tớ đang bận trong bếp.”

Cô đóng cửa sổ lại.

Cái cửa cuốn kêu xào xạo ầm khi tôi nhấc nó lên chừng một thước, chui qua, rồi lại hạ nó xuống. Bên trong cửa hàng tối om. Tôi lần mò tìm đường vào tới chân cầu thang ở phía sau, vấp phải nhưng bó tạp chí lăn lóc dưới đất. Tôi cởi giày rồi theo cầu thang lên phòng khách. Nội thất ngôi nhà tối và ảm đạm. Cầu thang dẫn vào một phòng khách giản dị có một cái ghế sô-pha và mấy cái ghế bành. Đó là một gian phòng nhỏ có ánh sáng lờ mờ lọt vào từ cửa sổ, giống như trong những phim Ba Lan ngày xưa. Bên trái có vẻ là một chỗ chứa đồ và cái gì đó như cửa vào nhà tắm. Đoạn thang lên tầng trên nữa rất dốc và tôi phải thận trọng từng bước, nhưng lên đến nơi thì khung cảnh sáng sủa hơn nhiều đến nỗi tôi thấy nhẹ cả người.

“Tớ ở đây,” Midori gọi. Phía bên phải đầu cầu thang có vẻ là buồng ăn, ở sau đó là bếp. Ngôi nhà thì cũ, nhưng gian bếp có vẻ vừa mới được thay thế bộ tủ mới và bàn rửa vòi nước sáng choang. Midori đang nấu nướng. Một cái nồi đang sôi, và không khí sặc mùi cá nướng.

“Có bia trong tủ lạnh,” cô nói và liếc sang phía tôi. “Cậu ngồi đi để tớ làm nốt món này.” Tôi lấy một hộp bia và ngồi cạnh bàn bếp. Bia lạnh toát như thể nó đã ở trong tủ lạnh cả năm trời. Trên bàn có một cái gạt tàn nhỏ màu trắng, một tờ báo, và một vịt

xì-dầu. Có cả một tập giấy ghi chú và bút viết, thấy có ghi một số điện thoại và mấy con số có vẻ là tính toán chợ búa gì đấy.

“Chắc phải mười phút nữa mới xong,” cô nói. “Cậu đợi được chứ.”

“Tất nhiên rồi,” tôi nói.

“Vậy thì cứ để cho thật đói đi. Tớ làm nhiều đồ ăn đấy.”

Tôi nhâm nhi bia và dồn mắt vào Midori trong khi cô nấu nướng, quay lưng về phía tôi. Cô làm việc với những động tác nhanh nhẹn khéo léo, đến bốn năm thứ việc một lúc ở trên bếp. Vừa mới bắt đầu luộc cá ở đây, một giây sau đã thấy thái tanh tách ngoài thớt, rồi lấy cái gì đó trong tủ lạnh ra chất đầy vào một cái bát, sau đó nhoáng một cái đã rửa xong cái nồi vừa mới dùng. Từ sau lưng trông cô như một nghệ sĩ Ấn Độ điều khiển bộ gõ – nào rung chuông, nào đánh mõ, nào gõ sửng trâu, động tác nào cũng chính xác và tiết kiệm trong một tổng thể hài hoà. Tôi nhìn mà phát khiếp.

“Nếu tớ giúp được gì thì cậu cứ bảo nhé,” tôi nói, cũng là để khỏi ngượng là chính.

“Ôkê mà,” Midori nói và mỉm cười về phía tôi. “Tớ vẫn quen làm mọi thứ một mình.” Cô mặc quần bò chen màu nước biển và một chiếc áo phông xanh thuỷ quân. Hình lôgô của hãng đĩa hát Apple chiếm gần hết lưng áo. Cô có bộ hông cực kỳ hẹp, như thể đã bỏ qua tuổi phát dục và không chịu nảy nở, và điều đó làm cô trông lưỡng tính hơn các cô gái mặc quần bò chẽn bình thường khác. Ánh sáng tràn vào từ cửa sổ bếp bao bọc lấy thân hình cô với một đường viền mờ ảo.

“Nhẽ ra cậu không cần phải bày vẽ đại tiệc thế,” tôi nói.

“Tiệc tùng gì đâu,” Midori đáp mà không quay lại. “Hôm qua tớ bận quá không đi chợ hẳn hoi được. Tớ chỉ nhặt nhạnh những thứ có sẵn trong tủ lạnh thôi. Thật đấy, cậu đừng có lo. Với lại họ Kobayashi nhà tớ có truyền thống đãi khách. Tớ cũng không biết tại sao, nhưng nhà tớ thích thù tiếp bạn bè lắm. Thâm căn cố đế thế rồi, như một chứng bệnh vậy. Cũng chẳng phải tại nhà tớ đặc biệt tử tế hoặc tại mọi người quý mến

gia đình tớ quá hay gì đó, nhưng cứ hễ có ai đến chơi là sẽ được hậu đãi, bất kì là thế nào. Cả nhà tớ đều có những khiếm khuyết tính cách giống nhau, tốt xấu gì cũng thế. Ví dụ như bố tớ. Ông ấy hầu như không uống rượu, nhưng trong nhà lúc nào cũng đầy rượu. Để làm gì ư? Để đãi khách! Cho nên đừng có nhịn, cậu cứ uống bia xả láng nhé.”

“Cám ơn,” tôi nói.

Tôi bỗng nhớ ra là đã để mấy bông thuỷ tiên ở dưới nhà. Tôi đã để chúng sang bên cạnh lúc cởi giày. Tôi lẳng lặng xuống thang và thấy mười bông hoa đang nở sáng rực trong bóng tối. Midori lấy một cái cốc thuỷ tinh cao trong chạn ra và cắm hoa vào đó.

“Tớ thích thuỷ tiên lắm,” Midori nói. Đã có lân tớ hát bài “Bảy đoá thuỷ tiên” trong một cuộc thi tài ở trường. Cậu biết bài đó không?”

“Có”

“Chúng tớ có một nhóm nhạc dân gian. Tớ chơi ghi-ta.”

Cô vừa dọn đồ ăn ra đĩa vừa hát bài “Bảy đoá thuỷ tiên.”

Midori nấu nướng giỏi hơn tôi tưởng rất nhiều: đủ các loại món rán, xào, luộc, nướng, muối rất ngon, chế biến từ trứng gà, cá thu, đậu quả tươi, cà tím, các loại nấm, củ cải đỏ, vừng, nấu theo phong cách Kyoto rất tinh tế.

“Ngon tuyệt,” tôi nói, miệng vẫn đầy thức ăn.

“Ôkê, bây giờ cậu nói thật đi!” Midori nói. “Cậu tưởng tớ không thể nấu nướng ngon lành thế này đúng không – và cứ nhìn tớ thì ai cũng nghĩ vậy, đúng không?”

“Quả có thế,” tôi thú thật.

“Cậu quê ở Kansai, nên thích ăn các món có hương vị tinh tế kiểu này, đúng không?”

“Chẳng nhẽ cậu đã chọn món và nấu nướng theo khẩu vị đặc biệt của tớ?”

“Đừng vớ vẩn? Tớ không chịu rắc rối thế đâu. Không đâu. Nhưng nhà tớ vẫn ăn uống kiểu này.”

“Vậy. mẹ cậu hoặc bố cậu, cũng là người Kansai à?”

“Không. Bố tớ đẻ ở Tokyo và mẹ tớ là người Fukushima. Họ hàng nhà tớ không có ai là người Kansai. Tất cả đều là người Tokyo hoặc Kanto bắc.”

“Tớ chịu đấy,” tôi nói. “Làm sao cậu có thể nấu nướng theo lối Kansai một trăm phần trăm thế này được. Có ai dạy cậu à?”

“À, đó là cả một câu chuyện đấy,” cô nói, miệng nhai một miếng trứng rán. “Mẹ tớ ghét đủ thứ việc nhà, và bà ấy hầu như không nấu nướng gì bao giờ. Và chúng tớ lúc nào cũng phải nghĩ, ví dụ như “Hôm nay bận quá, mình gọi đồ ăn về nhà đi”, hoặc “Mình ra hàng thịt mua ít chả cá mà ăn cho rồi”, đại loại thế. Ngay từ hồi bé tớ đã ghét thế rồi, kiểu cứ làm một nồi cà-ri to đùng và ăn ba ngày liền. Cho đến một hôm, đang năm thứ năm trung học, tớ quyết định sẽ phải ra tay nấu nướng cho cả nhà và phải nấu thật ngon. Tớ đến hiệu sách lớn Kinokuniya ở Shinjuku mua cuốn dạy nấu ăn to nhất và đẹp nhất, rồi tớ thông thạo sách ấy từ bìa trước đến bìa sau, từ chọn thớt mài dao cho đến cách lọc xương và đánh vẩy cá, đủ thứ. Tác giả cuốn sách ấy tình cờ lại là người Kansai, cho nên tất cả những món tớ biết nấu đều là theo lối Kansai.”

“Nghĩa là cậu đã học nấu tất cả những thứ này từ một cuốn sách ư?”

“Tớ để dành tiền để đi ăn của thật. Có thế mới học được hương vị. Cảm tính của tớ tốt. Nhưng đầu óc logic thì tớ tuyệt vọng.”

“Cậu tự học mà nấu giỏi thế này thì thực là kinh khủng!”

“Không dễ đâu,” Midori thở dài nói, “Lớn lên trong một cái nhà mà mọi người đều chẳng thèm để ý gì đến đồ ăn thức uống. Tớ nói tớ muốn mua dao với nồi tử tế nhưng

chẳng ai cho tiền. Họ bảo “Những cái mình đang dùng là tốt chán rồi”. Nhưng tớ bảo họ điên à, dao dựa kiểu ấy có muốn lọc xương cá cũng không xong, thế là họ nói “Mày lọc xương cá làm cái quái gì cơ chứ?” Không thể nói phải quấy với họ được. Tớ bèn dành dụm tiên tiêu vặt và đi sắm dao nồi rổ rá chuyên nghiệp mang về dùng. Cậu có tin được không? Một con nhóc mười lăm tuổi tiết kiệm từng xu để mua rố rá đá mài và nồi chống dính trong khi lũ con gái khác ở trường đã nhiều tiền thì chớ lại tha hồ sắm quần áo giày dép để chưng diện. Cậu có thấy buồn cho tớ không hả?”

Tôi vừa gật đầu vừa nuốt đầy một ngụm súp đậu xanh nước trong veo.

“Đến lớp cuối ở trung học, tớ đã phải mua một cái chảo rán trứng – loại chảo dài hẹp để làm món trứng dashimaki mà mình đang ăn đây này. Tiền ấy đáng nhẽ tớ dùng để mua một cái xu-chiêng mới. Thế là ba tháng liền tớ chỉ có độc một cái xu-chiêng. Cậu có tin được không? Tớ giặt nó vào ban đêm, làm đủ cách cho nó khô để sáng hôm sau còn mặc. Khổ nhất trần đời là phải mặc xu-chiêng ẩm. Tớ đi đó đây mà nước mắt cứ trào ra. Cứ nghĩ đến mình đang phải khổ vì một cái chảo rán trứng!”

“Tớ hiểu,” tôi nói, phì cười.

“Tớ biết nhẽ ra không được nói thế này, nhưng quả thật tớ thấy như nhẹ cả người khi mẹ tớ chết. Tớ có thể quản lí chi tiêu theo cách của mình. Tớ có thể mua cái gì tớ thích. Bây giờ thì tớ đã có tương đối đầy đủ đồ làm bếp. Bố tớ không biết tí gì về chuyện tiền nong cả.”

“Mẹ cậu mất khi nào?”

“Được hai năm rồi. Ung thư. U não. Bà ấy nằm bệnh viện một năm rưỡi. Thật kinh khủng. Đau đớn suốt. Cuối cùng bà ấy mất trí; phải dùng thuốc an thần liên tục, mà mãi vẫn chưa chết được, nên khi mẹ tớ đi thì gần như là phải có tác động đề giúp cho bà ấy được chết. Chết kiểu ấy là đáng sợ nhất – bản thân thì đau đớn, gia đình thì khổ sở. Nhà có đồng nào là tiêu vào bệnh viện hết. Nguyên thuốc tiêm thôi cũng đã mỗi phát hai mươi ngàn Yên, mà tiêm liên miên, rồi lại tiền dịch vụ chăm sóc hai tư giờ

một ngày. Tớ bận với bà ấy đến nỗi không thể học hành gì được, bị chậm đại học mất một năm. Mà thế đã phải hết đâu…” Cô dừng lại giữa câu, đặt đũa xuống và cười. “Nhưng sao tự nhiên mình lại nói nhưng chuyện thảm thế nhỉ?

“Nó bắt đầu từ chuyện cái xu-chiêng,” tôi nói.

“Thôi nhé, ăn món trứng đi và hay nghĩ đến những điều tớ vừa bảo với cậu,” Midori nói với vẻ nghiêm trang.

Ăn hết phần mình là tôi no kễnh, nhưng Midori ăn ít hơn nhiều. “Nấu rồi thì hết muốn ăn.” cô nói. Cô dọn bát đĩa, lau bàn, mang ra một bao Marlboro, rút một điếu và châm lửa bằng diêm. Hai tay ôm cái cốc cắm thuỷ tiên, cô chăm chú nhìn mấy bông hoa một lúc lâu.

“Có lẽ tớ sẽ không cắm chúng sang bình nữa,” cô nói. “Để chúng thế này thì có vẻ như tớ vừa tình cờ hái chúng ở một cái ao nào đó và cứ thế mà bỏ vào cái gì đầu tiên có trong tay.”

“Quả là tớ đã hái chúng ở một cái ao chỗ ga tàu Otsuka,” tôi nói.

Cô chặc lưỡi. “Cậu là một gã kì lạ. Nói đùa mà mặt cứ tỉnh khô.”

Tay đỡ cằm, cô hút đến nửa điếu thuốc thì dụi nó vào cái gạt tàn. Cô dụi mắt như thể vừa bị khói xộc vào.

“Con gái nhẽ ra phải duyên dáng hơn khi tắt thuốc lá. Cậu dụi thuốc như một ga thợ xẻ vậy. Cậu không nên dúi nó xuống ngay thế, mà phải nhẹ nhàng gạt quanh một tí đã. Như thế nó mới không cong gẫy thế kia. Với lại con gái không ai nhả khói ra đằng mũi như thế. Mà cũng chẳng bao giờ đi kể chuyện chỉ mặc một cái xu-chiêng liền trong ba tháng trong khi ngồi ăn một mình với đàn ông.”

“Thì tớ là thợ xẻ mà,” Midori nói, gãi gãi cạnh sống mũi. “Tớ không bao giờ có thể sành điệu được. Tớ đã đùa thử nhiều lần, nhưng không thể được. Còn chê trách gì nữa

không?”

“Con gái không hút Marlboro,” tôi bảo.

“Khác quái gì? Thuốc nào thì cũng dở như nhau cả.” Cô xoay xoay cái bao Marlboro trong tay. “Tớ bắt đầu hút thuốc từ tháng trước. Chẳng phải thèm thuồng gì. Chỉ thinh thích thế thôi.”

“Sao lại thế?”

Cô ép chặt hai tay lên mặt bàn và nghĩ một lúc. “Mà có gì là khác nhau đâu? Cậu không hút thuốc?”

“Bỏ từ tháng Sáu” tôi nói.

“Sao thế?”

“Phiền lắm. Tớ ghét bị hết thuốc vào lúc nửa đêm. Tớ không thích bị cái gì bó buộc mình kiểu ấy.”

“Cậu biết rất rõ cái gì cậu thích và cái gì cậu không thích,” cô nói.

“Có lẽ thế,” tôi bảo. “Có lẽ vì thế mà mọi người không thích tớ. Chưa bao giờ.”

“Là vì cậu lộ liễu chuyện đó,” cô nói. “Cậu tỏ rõ thái độ cậu bất cần người ta có thích hay ghét cậu hay không. Cái đó chọc tức mọi người.” Cô nói gần như lẩm nhẩm, cằm tựa trong lòng bàn tay. “Nhưng tớ thích nói chuyện với cậu. Cách nói của cậu rất lạ. “Tớ không thích bị cái gì bó buộc mình kiểu ấy.”

Tôi giúp cô rửa bát. Đứng cạnh cô, tôi lau những cái cô đã rửa, rồi xếp chúng lên mặt bàn.

“Này,” tôi nói, “hôm nay nhà cậu mọi người đi vắng hết à?”

“Mẹ tớ ở dưới mộ. Bà ấy chết hai năm rồi.”

“Rồi, tớ đã nghe chuyện ấy.”

“Chị tớ đi chơi với chồng chưa cưới. Có lẽ lái xe đi đâu đó. Anh kia làm cho một hãng ôtô. Hắn thích xe lắm. Tớ không thích ôtô.”

Midori ngừng nói và rửa. Tôi ngừng nói và lau.

“Còn có bố tớ nữa,” cô nói sau một lúc im lặng.

“Phải rồi,” tôi bảo.

“Ông ấy đi Uruguay từ tháng Sáu năm ngoái và vẫn ở đó cho đến bây giờ.”

“Uruguay! Sao lại Uruguay?”

“Ông ấy đang tính ở hẳn đó, cậu có tin hay không thì tuỳ. Một chiến hữu từ thời lính tráng của ông ấy có cái nông trại ở đó. Đùng một cái, bố tớ tuyên bố là ông ấy cũng sẽ đi, rằng ở Uruguay khả năng của ông ấy sẽ không bị hạn chế, và ông ấy lên máy bay, thế thôi. Chúng tớ cố hết sức ngăn ông ấy, như “Sao bố lại muốn đến một chỗ như thế? Bố không biết tiếng, bố hầu như chưa bao giờ ra khỏi Tokyo.” Nhưng ông ấy không nghe. Mẹ tớ mất là một cú sốc thật sự với ông ấy. Nghĩa là chuyện đó làm ông thành ra lẩn thẩn. Bố tớ yêu mẹ tớ đến thế đấy. Thật thế.”

Tôi không biết nói gì, chỉ nhìn Midori chằm chằm, mồm há hốc.

“Cậu có biết ông ấy nói gì với chị em tớ lúc mẹ tớ mất không? “Tao thà mất hai đứa chúng mày còn hơn mất bà ấy.” Tớ xỉu hết cả người. Không thể nói được gì nữa. Cậu có hiểu không? Có ai lại nói ra một điều như thế chứ? Ôkê, ông ấy mất người đàn bà yêu dấu, người bạn đời của ông ấy. Tớ hiểu nỗi đau ấy, nỗi buồn ấy, sự đổ vỡ ấy. Tớ thương ông ấy. Nhưng không ai nói với con gái của chính mình rằng “Nhẽ ra mày nên chết thay cho mẹ mày” Nghĩa là, nó thật khủng khiếp. Cậu có đồng ý không nào?”

“Ờ tớ hiểu ý cậu rồi.”

“Cái vết thương ấy sẽ không bao giờ lành được,” cô vừa nói vừa lắc đầu. “Nhưng quả thực, nhà tớ ai cũng lạ. Người nào cũng có cái gì đó hơi là lạ.”

“Có vẻ thế thật,” tôi nói.

“Dù sao, thật tuyệt vời khi thấy có hai người yêu nhau, phải không cậu? Tớ muốn nói là một người đàn ông yêu vợ mình đến mức có thể bảo lũ con gái đáng nhẽ chúng phải chết thay cho mẹ.”

“Có thể tuyệt vời thật, nếu như cậu nhìn nhận theo kiểu ấy.”

“Và thế là ông ấy bỏ mặc hai đứa chúng tớ và trốn sang Uruguay.”

Tôi lau thêm một cái đĩa mà không nói năng gì. Sau cái cuối cùng, Midori xếp tất cả lại vào chạn.

“Thế cậu có tin tức gì của bố không?” tôi hỏi.

“Một cái bưu thiếp. Hồi tháng Ba. Nhưng ông ấy viết gì chứ? “Ở đây nóng lắm” hoặc “Hoa quả không ngon như bố tưởng”. Những chuyện như thế. Tớ muốn nói là, xin ông tạnh đi cho được việc! Một bức ảnh ngu xuẩn chụp một con lừa! Ông ấy điên hẳn rồi! Thậm chí ông ấy cũng chẳng báo tin đã gặp được lão kia chưa – cái ông chiến hữu hoặc gì gì ấy. Ông ấy cũng có thêm ở dòng cuối rằng khi nào ổn định ông ấy sẽ đón tớ với chị tớ sang, nhưng sau đấy thì bặt vô âm tín. Và ông ấy không bao giờ trả lời thư của bọn tớ..”

“Cậu sẽ làm gì nếu bố cậu bảo “Đến Uruguay với bố”?”

“Tớ sẽ đi và ngó nghiêng một tí. Biết đâu lại vui. Chị tớ thì lại bảo không đời nào. Chị tớ không chịu được những nơi bẩn thỉu.”

“Uruguay bẩn lắm à?”

“Ai biết đâu được! Chị ấy nghĩ thế. Kiểu như đường xá thì đầy phân lừa và ruồi

nhặng, rồi chuồng xí thì hỏng, và cho nào cũng lổm ngổm những thằn lằn với bọ cạp. Có lẽ chị ấy xem thấy trên phim. Chị ấy không thể chịu được ruồi nhặng. Chị ấy chỉ thích phóng ôtô xịn qua những nơi có phong cảnh đẹp.”

“Lại thế nữa kia à?”

“Nói thật chứ, Uruguay thì đã sao? Tớ sẽ đi.”

“Vậy ai sẽ trông cửa hàng?”

“Chị tớ. Nhưng chị ấy ghét việc này lắm. Chúng tớ có một ông bác ở gần đây vẫn đến giúp và đi giao hàng. Tớ thì cứ rảnh là phụ một tay. Hiệu sách thì việc cũng không đến nỗi khổ sai lắm, nên bọn tớ có thể làm được. Còn nếu quá sức thì bọn tớ sẽ bán nó đi.”

“Cậu có thích bố cậu không?”

Midori lắc đầu. “Không thích lắm.”

“Vậy sao cậu lại có thể theo ông ấy sang Uruguay?”

“Tớ tin ông ấy.”

“Tin ông ấy?”

“Ừ, tớ không ưa ông ấy lắm, nhưng tớ tin ở bố tớ. Làm sao có thể không tin một người dám bỏ hết nhà cửa, con cái, công việc để chạy sang tận Uruguay chỉ vì choáng váng trước cái chết của vợ mình? Cậu có hiểu ý tớ không?”

Tôi thở dài. “Một tí thôi, nhưng cũng không hẳn.”

Midori cười váng lên và vỗ vỗ vào lưng tôi. “Thôi nào,” cô nói, “không sao đâu.”

Có hết chuyện lạ này đến chuyện lạ kia trong buổi chiều Chủ nhật ấy. Một trận hoả hoạn xảy ra gần nhà Midori, và khi leo lên sân phơi trên tầng ba để xem, chúng tôi đã

gần như hôn nhau. Nói thế nghe thật ngu xuẩn, nhưng mà đúng như vạy.

Chúng tôi đang uống cà-phê sau bữa ăn và nói chuyện về cuộc sống ở đại học thì nghe tiếng xe cứu hoả.

Tiếng còi cứ to mãi lên và có vẻ có thêm nhiều xe. Rất nhiều người chạy ngang qua cửa hàng, nhiều người hò hét. Midori vào một phòng phía mặt đường, mở cửa sổ nhìn xuống. “Chờ một phút nhé,” cô nói và biến mất, sau đó tôi nghe tiếng chân chạy thình thịch trên cầu thang.

Tôi ngồi đó uống cà-phê một mình và cô nhớ xem Uruguay là ở đâu. Xem nào, Brazil thì ở đây, Venezuela ở kia, và Colombia ở đâu đó chỗ này nhưng tôi không thể nhớ vị trí của Uruguay. Mấy phút sau Midori xuống và giục tôi đi ngay theo cô. Tôi theo cô đến cuối phòng và trèo một cái thang hẹp dốc ngược lên một cái sàn gô có những cọc phơi quần áo bằng tre. Cái sàn ấy cao hơn hầu hết những mái nhà xung quanh và có thể nhìn xuống khu phố ấy rất rõ. Những đám khói đen lớn đang ngùn ngụt bốc lên từ một nơi cách đó ba bốn nhà và bị gió thổi bay về phía phố chính. Không khí khét lèn lẹt.

“Nhà Sakamoto rồi,” Midori nói, nghiêng người trên lan can. “Họ vẫn làm những phụ kiện cửa truyền thống và những đồ như vậy. Nhưng lâu nay đã thôi rồi.”

Tôi cũng nghiêng theo cô trên lan can và cố nhìn xem chuyện gì đang xảy ra. Một toà nhà ba tầng che khuất chỗ bị cháy, nhưng hình như có ba hoặc bốn xe cứu hoả đang hoạt động ở đó. Chỉ có hai xe có thể len vào ngõ hẹp chỗ nhà cháy, mấy cái kia phải đậu ngoài phố chính. Một đám đông tò mò đang tụ tập quanh đó.

“Này, có khi cậu nên gói ghém những thứ có giá trị và sẵn sàng sơ tán đi,” tôi bảo Midori. “Gió đang thổi về hướng khác, nhưng có thể đổi chiều bất kì lúc nào, mà lại có cái trạm xăng ở ngay kia. Tớ sẽ giúp cậu xếp đồ.”

“Những thứ có giá trị nào? Midori nói.

“Ơ kìa, chắc cậu phải có vài thứ cậu muốn giữ chứ? Giấy tờ ngân hàng, các con dấu, giấy tờ luật pháp, những thứ như thế. Tiền mặt dự trữ nữa.”

“Quên đi. Tớ không chạy đi đâu cả.”

“Ngay cả nếu nó cháy đến đây ư?”

“Cậu nghe rõ rồi mà. Tớ chết cũng chẳng sao.”

Tôi nhìn vào mắt cô, và cô nhìn thẳng vào tôi. Tôi không thể biết là cô đùa hay thật.

Chúng tôi cứ thế mất một lúc, và rồi tôi hết lo lắng.

“Ôkê,” tôi bảo. “Tớ hiểu rồi, tớ sẽ ở lại với cậu.”

“Cậu sẽ chết cùng tớ ư? Midori nói với cặp mắt sáng long lanh.

“Làm gì có chuyện ấy tôi bảo. “Tớ sẽ chạy nếu có nguy hiểm. Nếu cậu muốn chết, cậu có thể chết một mình.”

“Cái đồ đểu lòng lim dạ đá này!”

“Tớ không thể chết với cậu chỉ vì cậu đã đãi tớ bữa trưa. Tất nhiên, nếu là bữa tối thì…”

“Thôi nào, được rồi… Mình cứ ở đây xem một lúc đã. Mình có thể hát. Nếu tình hình xấu đi thì lúc ấy hãy tính.”

“Hát ư?”

Midori mang hai cái gối ngồi sàn, bốn hộp bia và một cái ghi-ta từ dưới nhà lên. Chúng tôi uống và nhìn khói đen bốc lên cao. Cô gẩy đàn và hát. Tôi hỏi cô không sợ hàng xóm họ ghét hay sao, xem hoả hoạn ngay gần nhà mà lại vừa uống bia vừa hát trên sân phơi chẳng có vẻ là một cử chỉ đáng kính.

“Quên đi,” cô nói. “Chúng tớ không bao giờ để hàng xóm họ nghĩ gì.”

Cô hát vài bài dân cả đã từng hát với nhóm nhạc của cô. Nói cô hát hay thì quá gượng, nhưng cô có vẻ rất say sưa với âm nhạc của mình. Cô hát qua tất những bài hát cũ mà ai cũng biết – “Cây chanh”, “Con rồng có phép”, “Năm trăm dặm”, “Những bông hoa đã đi đâu” “Michael, hãy chèo thuyền vào bờ”. Lúc đầu cô còn định bắt tôi hát bè trầm, nhưng tôi hát dở quá nên cuối cùng cô hát một mình cho thoả thích. Tôi uống bia, nghe cô hát và để mắt đến đám cháy. Nó bùng lên lụi xuống nhiều lần. Người ta hò hét ra lệnh ầm ĩ. Một cái trực thăng báo chí lạch phạch trên cao, chụp ảnh rồi bay đi. Tôi sợ hai đứa đã bị chụp vào ảnh. Một viên cảnh sát thét qua loa phóng thanh bắt mọi người phải lùi ra. Một đứa bé khóc gọi mẹ. Có tiếng kính vỡ ở đâu đó. Và chẳng mấy chốc gió bắt đầu đổi hướng lung tung, và bụi tro trăng trắng rơi lả tả xung quanh chúng tôi. Nhưng Midori vẫn uống và hát. Sau khi đã hát hết nhưng bài quen thuộc, cô hát một bài nghe rất lạ và bảo rằng đó là do cô sáng tác:

Muốn nấu món hầm cho anh mà không có nồi.

Muốn đan chiếc khăn cho anh mà chẳng có len.

Muốn viết một bài thơ tặng anh mà không có bút.

“Đó là bài “Em chẳng có gì”, Midori tuyên bố. “Một bài hát thực sự khủng khiếp, cả lời lẫn nhạc”.

Tôi lắng nghe mớ âm nhạc hổ lốn ấy, bụng nghĩ đến chuyện ngôi nhà sẽ nổ tung theo cái trạm xăng khi nó bắt lửa. Hát mệt rồi, Midori để cái ghi-ta xuống và ngả vào vai tôi như con mèo ngoài nắng.

“Cậu thấy bài hát của tớ thế nào?” cô hỏi.

Tôi thận trọng đáp, “Độc đáo, đặc biệt, và biểu lộ rất rõ tính cách của cậu.”

“Cám ơn,” cô nói. “Chủ đề là: Tớ chẳng có gì.”

“Ô tớ cũng hơi thấy thế.”

“Cậu biết không,” cô nói, “khi mẹ tớ chết…”

“Sao nữa?”

“Tớ chẳng thấy buồn tí nào.

“Ồ!”

“Mà lúc bố tớ bỏ đi cũng vậy.”

“Thật ư?”

“Thật thế. Cậu thấy tớ có kinh khủng không? Có chai lì không?”

“Tớ chắc cậu phải có lí do.”

“Lí do của tớ. Hừmm. Mọi thứ đều khá phức tạp trong cái nhà này. Nhưng tớ luôn nghĩ đúng thế, rằng họ là mẹ và bố tớ, và tất nhiên là tớ phải buồn nếu họ chết hoặc tớ không bao giờ thấy họ nữa. Nhưng chuyện lại không xảy ra như thế. Tớ không cảm thấy gì cả. Không buồn. Không cô đơn. Thậm chí còn chẳng mấy nghĩ đến họ. Nhưng có đôi khi tớ nằm mơ. Lúc thì mẹ tớ đang từ trong bóng tối quát mắng vọng ra, lên án là tớ đã vui khi bà ấy chết. Nhưng tớ có vui đâu. Tớ chỉ không buồn. Và nói thật là tớ không nhỏ một giọt nước mắt nào. Vậy mà tớ đã từng khóc suốt đêm khi con mèo của tớ chết, hồi tớ còn bé.”

Sao nhiều khói thế? Tôi tự hỏi. Không thể nhìn thấy ngọn lửa, và khu vực đang cháy có vẻ không lan rộng thêm. Chỉ có mỗi cột khói cứ ngoằn ngoèo bốc mãi lên trời. Cái gì cháy mà lâu vậy?

“Nhưng tớ không phải là đứa duy nhất có lỗi, Midori tiếp tục. “Đúng là tớ có tính lạnh lùng. Tớ biết thế. Nhưng nếu họ, bố mẹ tớ, đã yêu tớ hơn một chút, có lẽ tớ đã xúc cảm nhiều hơn – và biết buồn, ví dụ thế?”

“Cậu nghĩ cậu chưa được thương yêu đầy đủ phải không?”

Cô ngoẹo đầu nhìn tôi. Rồi khẽ gật một cái thật dứt khoát. “Ở đâu đó giữa “chưa đủ” và “không có tí gì”. Tớ vẫn luôn thèm được yêu. Dù chỉ một lần thôi. Tớ muốn biết được yêu đầy phần mình nó ra sao, đầy đến mức không thể chịu được nữa ấy. Chỉ một lần thôi. Nhưng họ chưa bao giờ cho tớ cái đó. Chưa bao giờ, dù chỉ một lần. Nếu tớ nũng nịu và xin cái gì đó, họ chỉ biết đẩy tớ đi rồi quát “Không! Tốn tiền quá!” Tớ chỉ có nghe thấy câu ấy. Thế là tớ quyết định phải tìm được ai đó sẽ yêu tớ vô điều kiện ba trăm sáu lăm ngày một năm. Lúc đó tớ mới học tiểu học, nhưng đã quyết định dứt khoát một lần như vậy đấy.”

“Uao?” tôi nói. “Thế cậu đã tìm được ai chưa?”

“Đấy mới là cái khó,” Midori nói. Cô nhìn khói bốc lên một lúc, vẻ nghĩ ngợi. “Có lẽ tớ đã đợi quá lâu. Tớ đang tìm kiếm sự hoàn hảo. Thế mới khó.”

“Đợi một tình yêu hoàn hảo ư?”

“Không, ngay tớ cũng không ngu đến thế. Tớ đang tìm sự ích kỉ. Ích kỉ hoàn hảo. Nói ví dụ như tớ bảo cậu tớ muốn ăn bánh dâu. Và cậu liền bỏ hết mọi việc đang làm để chạy đi mua nó cho tớ. Rồi cậu hổn hển chạy về, quì gối dâng cái bánh dâu ấy cho tớ. Rồi tớ nói tớ không muốn ăn nó nữa và vứt nó ra ngoài cửa sổ. Đó là cái tớ đang tìm.”

“Tớ không chắc cái đó có liên quan gì đến tình yêu không,” tôi nói, hơi ngạc nhiên.

“Có chứ,” cô nói. “Cậu không biết đấy thôi. Có những lúc trong cuộc đời một đứa con gái, những cái như thế lại cực kì quan trọng.”

“Như ném cái bánh dâu ra ngoài cửa sổ ư?”

“Chính xác! Và khi tớ làm thế, tớ muốn người đàn ông phải xin lỗi tớ. “Midori này, bây giờ thì anh biết rồi”. Anh thật là một thằng ngốc! Nhẽ ra anh phải biết là em sẽ không thèm bánh dâu nữa. Tất cả trí thông minh và lòng nhạy cảm của anh chỉ bằng một bãi phân lừa. Để bù đắp cho em, anh sẽ đi mua cho em cái gì khác nhé. Em thích gì nào? Bánh sô-cô-la? Bánh phó-mát?”

“Rồi sao nữa?”

“Tớ sẽ hiến cho anh ấy tất cả tình yêu xứng đáng với điều anh ấy đã làm.”

“Tớ nghe thấy điên lắm.”

“Mặc kệ cậu, với tớ, đó mới là tình yêu. Mặc dù không phải ai cũng có thể hiểu được tớ.” Midori hơi hơi lắc đầu dụi vào vai tôi. “Với một loại người nào đó, tình yêu bắt đầu từ cái gì đó tí xíu và ngốc nghếch. Từ những cái như thế, hoặc nó không bao giờ bắt đầu được cả.”

“Tớ chưa gặp cô gái nào suy nghĩ như cậu.”

“Khối người đã nói thế với tớ,” cô nói, cạo cạo mãi vào cái móng tay. “Nhưng đấy là cách nghĩ duy nhất mà tớ biết. Nói nghiêm chỉnh đấy. Tớ đang nói với cậu nhưng điều tớ tin tưởng. Chưa bao giờ tớ biết là cách nghĩ của tớ khác với mọi người. Tớ không cố tình khác người. Nhưng khi tớ nói thật thì ai cũng cho là tớ đùa hoặc đóng kịch. Lúc ấy, tớ thấy đời chỉ là của nợ mà thôi!”

“Và cậu muốn chết cháy cho xong hả?”

“A, không phải, chuyện đó khác. Đó chỉ là chuyện tò mò thôi.”

“Cái gì? Chết cháy à?”

“Không, tớ chỉ muốn xem cậu phản ứng thế nào,” Midori nói. “Nhưng, tớ cũng không sợ chết. Thực đấy. Như ở đây này, cứ thế sặc khói rồi bất tỉnh và chưa kịp gì thì tớ đã có thể chết rồi. Cái đó không làm tớ sợ, so với cái chết của mẹ tớ và mấy người họ hàng khác. Tất cả họ hàng nhà tớ đều chết sau khi đã đau đớn vì những căn bệnh khủng khiếp. Di truyền trong máu rồi. Tớ đoán thế. Luôn luôn là một quá trình lâu dài, thật lâu dài, và cuối cùng thì hầu như không thể biết được họ còn sống hay đã chết nữa kia. Chỉ có đau đớn và chịu đựng mà thôi.”

Midori đặt một điếu Marlboro lên miệng và châm lửa.

“Kiểu chết đó mới làm tớ sợ. Bóng đen của sự chết gặm dần dần vào vùng sống, và rồi tất cả tối mò không nhìn thấy gì hết, và mọi người xung quanh đều cho rằng mình chết nhiều hơn sống rồi. Tớ ghét cái đó. Không thể chịu được nó.”

Nửa tiếng sau, trận hoả hoạn đã được dập tắt. Người ta đã có vẻ ngăn chặn được nó không lan rộng ra và cũng không có thương vong gì. Chỉ còn một xe cứu hoả ở lại, và đám đông đã giải tán, tiếng người nói râm ran. Một xe cảnh sát ở lại điều khiển xe cộ, ngọn đèn xanh của nó cứ xoay tròn. Hai đám đông đã tụ lại ở mấy cái cột đèn gần đó để xem nhưng hoạt động ở phía dưới.

Midori có vẻ đã kiệt sức. Người mềm oặt, cô nhìn lên trời và không nói gì nữa.

“Mệt hả?” tôi hỏi.

“Cũng chẳng đến nỗi,” cô nói. “Tớ chỉ tự tha lổng mình và gian ra thôi. Lâu lắm mới lại làm thế.”

Cô nhìn vào mắt tôi và tôi cũng thế. Tôi quàng tay và hôn cô. Vai cô hơi rung lên rất nhẹ, rồi cô thả lỏng người và nhắm mắt lại trong nhiều giây. Nắng đầu thu làm hàng mi cô đổ bóng xuỏng hai gò má, và tôi có thể thấy đường viền của nó run rẩy.

Đó là một nụ hôn nhẹ nhàng êm ái, một nụ hôn không có ý sẽ lấn tới nữa. Có lẽ tôi đã không hôn Midori hôm ấy nếu chúng tôi không ở cả buổi chiều trên sân phơi ngoài nắng, uống bia và xem đám cháy, và chắc hẳn là cô cũng cảm thấy như vậy. Sau một thời gian dài cùng nhìn những mái nhà lấp loá và đám khói và bọn chuồn chuồn ngô với nhiều thứ khác nữa, chúng tôi đã cảm thấy cái gì đó ấm áp và gần gụi, và có thể cả hai chúng tôi đã muốn, một cách lờ mờ, lưu giữ cái tâm trạng ấy dưới một hình thức nào đó. Nụ hôn đó là như vậy. Nhưng cũng như mọi nụ hôn khác, không phải nó không có một yếu tố nguy hiểm nhất định.

Người đầu tiên lên tiếng là Midori. Cô nắm tay tôi và bảo tôi, với một bộ dạng như hơi khó khăn, rằng cô đang đi lại với ai đó. Tôi nói tôi cũng cảm thấy chuyện đó.

“Cậu có một cô gái mà cậu thích chưa?” cô hỏi.

“Có,” tôi nói.

“Nhưng cậu vẫn luôn rảnh vào Chủ nhật, phải không nào?”

“Phức tạp lắm đấy,” tôi nói.

Thế rồi tôi nhận ra rằng màn phép lạ ngắn ngủi của buổi chiều đầu thu ấy đã tan mất rồi.

Đến năm giờ tôi nói tôi phải đi làm và hỏi Midori có đi uống nước ăn bánh với tôi ở đâu đó không. Cô nói phải ở nhà nhỡ có người gọi đến.

“Tớ ghét phải đợi ở nhà cả ngày vì một cú điện thoại. Khi có một mình cả ngày, tớ cảm thấy như da thịt mình cứ thối dần tửng tí một – thối và tan rữa ra cho đến khi chỉ còn là một vùng xanh xanh bị hút hết xuống đất. Tất cả những gì còn lại chỉ là mớ quần áo này. Đợi ở nhà cả ngày với tớ là như vậy đấy.”

“Lần sau cậu còn phải đợi thế thì ta sẽ ở với cậu,” tôi nói. “Với điều kiện là phải có ăn trưa.”

“Tuyệt,” cô nói. “Tớ sẽ thu xếp một trận hoả hoạn nữa làm món tráng miệng.”

Midori không đến lớp Lịch sử sân khấu ngày hôm sau. Sau lớp học, tôi ra nhà ăn và ngồi nuốt bữa trưa nguội ngắt vô vị một mình. Rồi tôi ra ngoài nắng ngồi quan sát cảnh sân trường. Cạnh tôi là hai cô sinh viên đang trò chuyện rất lâu rồi, mà đứng suốt. Một cô ôm cái vợt bóng quần vào ngực âu yếm như ôm con, còn cô kia ôm mấy cuốn sách và một cái đĩa nhạc của Leonard Bernstein. Cả hai đều xinh và có vẻ say sưa câu chuyện lắm. Từ phía toà nhà câu lạc bộ sinh viên vọng đến một giọng nam trầm đang luyện giọng theo gam. Rải rác khắp nơi là những nhóm bốn năm sinh viên một đang trao đổi cái gì đó với nhau, cười nói hò hét ầm ĩ. Ngoài bãi đỗ xe có những tay đang đi patanh ván. Một ông giáo sư với chiếc cặp da trong tay đang vừa đi ngang

bãi xe vừa phải tránh bọn đi patanh kia. Trong sân có một cô gái đội mũ sắt quì dưới đất, đang viết những đại tự lên một tấm biển về chuyện đế quốc Mỹ đang xâm lăng châu Á gì đó. Đó là quang cảnh ban trưa bình thường ở trường, nhưng khi tôi ngồi đó và quan sát với một thái độ mới, tôi bỗng nhận ra một điều. Bằng cách riêng của họ, tất cả những con người tôi thấy trước mắt đều có vé hạnh phúc. Họ hạnh phúc thật hay chỉ có vẻ thế thôi thì tôi không biết. Nhưng nhìn bề ngoài thì họ đều hạnh phúc trong cái buổi chiều đẹp trời cuối tháng Chín ấy, và vì vậy mà tôi cảm thấy một nỗi cô liêu rất mới mẻ với mình, như thể tôi là đứa duy nhất ở đó không thực sự là một phần của cảnh trí xung quanh.

Hãy thử nghĩ xem, trong những năm tháng qua tôi đã từng là một phần của cảnh trí nào? Cảnh cuối cùng mà tôi nhớ được là một quán bi-a gần hai cảng, nơi Kizuki và tôi chơi với nhau trong tinh thần hoàn toàn bằng hữu. Kizuki đã chết đêm hôm đó, và từ ấy một ngọn gió lạnh gay gắt đã ngăn cách tôi với thế giới. Thằng bé Kizuki này sự tồn tại của nó có nghĩa gì đối với tôi? Tôi không thể trả lời được câu hỏi đó. Tôi chỉ biết rằng – và tuyệt đối chắc chắn – cái chết của Kizuki đã mãi mãi lấy đi một phần tuổi mới lớn của tôi. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì, và hậu quả của nó ra sao, thì tôi không thể tìm hiểu được.

Tôi ngồi đó rất lâu, quan sát sân trường và những con người qua lại trên đó, và cũng hy vọng sẽ thấy Midori. Nhưng cô không xuất hiện, và khi giờ nghỉ trưa đã hết, tôi vào thư viện chuẩn bị cho lớp học tiếng Đức của mình.

Nagasawa đến phòng tôi chiều thứ Bảy ấy và rủ tôi lại đi chơi đêm ngoài thành phố. Hắn sẽ thu xếp thông hành qua đêm cho tôi. Tôi nói sẽ đi. Cả tuần lễ đó đầu óc tôi đã như bùn loang và tôi đang sẵn sàng ngủ với bất kì người nào, bất kể là ai.

Cuối chiều, tôi tắm rửa, cạo mặt và mặc quần áo sạch sẽ – sơ-mi polo và áo ngoài vải bông – sau đó ăn tối với Nagasawa ở nhà ăn rồi hai đứa lấy xe buýt đến Shinjuku. Chúng tôi đi bộ quanh một khu phố tấp nập một lúc, rồi vào một quán bar và ngồi đợi một cặp gái thích hợp. Bọn con gái thường đi thành từng cặp vào quán bar này – chỉ trừ tối hôm đó. Chúng tôi ở đó gần hai tiếng, nhấm nháp whisky pha Soda với tốc

độ không để cho mình say. Cuối cùng, hai cô gái trông có vẻ thân thiện vào ngồi ở quầy và gọi một cốc gin pha chanh với một cốc gin Mexico pha chanh có muối lăn miệng cốc. Nagasawa đến chỗ họ ngay, nhưng các cô nói đang chờ bạn trai rồi. Dù sao, cả bốn chúng tôi vẫn được một hồi tán phét vui vẻ cho đến khi bạn tình của hai cô xuất hiện.

Nagasawa đưa tôi đến một quán bar khác thử vận may, một cái quán chật hẹp ở một nơi như hũ nút, hầu hết khách đều đã say và rất ầm ĩ. Một nhóm ba cô gái chiếm cứ một cái bàn ở phía sau. Chúng tôi nhập bọn và nói chuyện vui vẻ, cả năm đều hứng thú, nhưng khi Nagasawa đề nghị cả bọn đi một chỗ khác uống tiếp thì các cô nói đã sắp đến giờ cấm trại và họ phải về khu học xá. Vận may của chúng tôi chỉ có thế. Hai đứa còn đến một chỗ khác nữa nhưng kết quả cũng chẳng hơn gì. Không biết làm sao không có đứa con gái nào đồng hành nhập bọn với chúng tôi đêm đó.

Đến mười một rưỡi thì Nagasawa đành phải bỏ cuộc.

“Xin lỗi đã kéo cậu đi mà chẳng được gì,” hắn nói.

“Không sao,” tôi đáp. Với tớ, thỉnh thoảng được thấy cậu hỏng việc một hôm thế này cũng bõ.”

“Có lẽ mỗi năm một lần,” hắn thú nhận.

Thực tình tôi cũng chẳng thấy thèm muốn gì nữa.

Lang thang trong khu Shinjuku trong một đêm thứ bảy ầm ĩ, quan sát cái năng lượng bí hiểm phát ra từ hỗn hợp tình dục và rượu cồn, tôi bắt đầu cảm thấy rằng cái thèm muốn của tôi chả là cái thá gì.

“Cậu làm gì bây giờ hả, Watanabe?”

“Có lẽ tớ đi xem phim,” tôi nói. “Lâu lắm rồi tớ chưa xem phim.”

“Vậy thì tớ sẽ đến chỗ Hatsumi,” Nagasawa nói. “Cậu cảm phiền nhá.”

“Có gì đâu,” tôi nói. “Sao tớ lại phiền chứ.”

“Nếu cậu thích, tớ có thể giới thiệu cậu với một cô sẽ cho cậu ngủ cùng đêm nay.”

“Thôi, thực tình là tớ đang muốn xem phim.”

“Xin lỗi nhá,” Nagasawa nói. “Tớ sẽ bù cho cậu vào dịp khác.”

Rồi hắn biến vào đám đông. Tôi đến một cửa hàng ăn nhanh làm một chiếc bánh kẹp với ít cà-phê cho tỉnh táo, rồi đi xem The Graduate ở một rạp chiếu phim cũ kỹ mở cửa hai tư giờ một ngày. Phim cũng chẳng hay đến thế, nhưng vì không biết làm gì hơn nên tôi vẫn ngồi lại và xem nó lần nữa. Ra khỏi rạp lúc bốn giờ sáng, tôi lang thang dọc những con phố giá lạnh ở Shinjuku, nghĩ ngợi mông lung.

Khi đi bộ đã mệt, tôi vào một tiệm cà-phê mở suốt đêm và ngồi đợi chuyến tàu sáng đầu tiên với một cuốn sách và một tách cà-phê. Chẳng mấy chốc, tiệm cũng đông toàn những người như tôi, đang đợi những chuyến tàu đầu tiên trong ngày. Một người hầu bàn tới lễ phép hỏi xem tôi có đồng ý cho khách khác ngồi cùng bàn không. Tôi bảo không sao. Ai ngồi trước mặt tôi chẳng được tôi chỉ đang đọc sách mà thôi.

Hoá ra lại là hai cô gái. Trông cũng trạc tuổi tôi. Không cô nào tuyệt thế giai nhân, nhưng cũng chẳng tệ.

Cả hai đều ăn mặc và trang điểm một cách kín đáo: chắc chắn họ không phải loại hay lang thang ở Shinjuku vào lúc năm giờ sáng thế này. Tôi đoán họ chỉ bị lỡ mất chuyến tàu cuối cùng thôi. Họ có vẻ yên tâm ngồi với tôi: tôi ăn mặc tử tế, đã cạo mặt tối hôm trước, và nhất là tôi lại đang chăm chú đọc Núi Thiêng của Thomas Mann.

Một cô có khổ người đã có thể gọi là to lớn. Cô mặc một cái áo khoác ngắn màu xám, quần bò trắng, tay cầm một cuốn sách bỏ túi to bìa nilông, và đeo hoa tai lớn hình vỏ sò. Bạn cô thì nhỏ người, đeo kính, mặc áo len cài khuy xanh da trời ra ngoài sơ-mi carô, và có một cái nhẫn đồi mồi. Cô nhỏ người có thói quen bỏ kính ra và ấn ấn vào hai mắt bằng đầu ngón tay.

Cả hai gọi cà-phê sữa với bánh ngọt mà họ ăn mãi chưa hết vì còn mải thì thầm tranh cãi chuyện gì đó có vẻ nghiêm trọng. Cô lớn nghiêng nghiêng đầu nhiều lần, còn cô nhỏ thì lắc đầu cũng nhiều lần như thế. Tôi không nghe thủng được câu chuyện của họ vì máy stereo đang chơi rất to các bài hát của Marvin Gaye hoặc Bee Cees hoặc cái gì đó, nhưng có vẻ như cô nhỏ đang giận dữ hoặc cáu bẳn còn cô lớn thì đang cố an ủi. Cứ đọc một đoạn sách tôi lại liếc sang phía họ một tí.

Ôm chặt cái túi đeo vai vào ngực, cô nhỏ đi vào nhà vệ sinh nữ, và lúc đó cô lớn quay sang nói với tôi.

“Xin lỗi làm phiền anh, nhưng anh có biết có quán nào trong khu này vẫn còn bán rượu giờ này không ạ”

Bị bất ngờ, tôi đặt sách xuống và hỏi, “Sau năm giờ sáng ư?”

“Vâng….”

“Nếu cô hỏi tôi, thì năm giờ hai mươi sáng mọi người đều đã trên đường về nhà để giã rượu và đi ngủ rồi.”

“Vâng, tôi củng biết thế,” cô nói, hơi có vẻ lúng túng, “nhưng bạn tôi nói cô ấy cần uống rượu. Cũng là quan trọng đấy ạ.”

“Có lẽ các cô chỉ có thể về nhà uống rượu thôi.”

“Nhưng tôi lại phải đi chuyến tàu bảy giờ rưỡi về Nagano.”

“Vậy cô phải tìm một máy bán đồ uống và một chỗ tốt để ngồi. Chắc các cô chỉ có thể làm như vậy.”

“Tôi biết hỏi thế này là quá đáng, nhưng anh có thể đi cùng không ạ? Chỉ có hai đứa con gái thì thực không thể làm thế được.”

Tôi đã có những trải nghiệm bất thường ở Shinjuku, nhưng chưa bao giờ được hai cô

gái lạ mời uống rượu vào lúc năm rưỡi sáng. Từ chối có thể sẽ còn rắc rối hơn, mà thời gian thì không thành vấn đề, thế là tôi mua một ôm rượu sakê với đồ nhắm ở một máy bán hàng gần đó, và ba đứa chúng tôi vào một bãi đậu xe vắng ngắt cạnh cửa ra phía tây của ga tàu để làm một bữa nhậu tuỳ hứng.

Hai cô nói họ đã thành bạn vì cùng làm với nhau ở một hãng du lịch. Cả hai đều đã tốt nghiệp đại học năm nay và bắt đầu đi làm. Cô nhỏ có một bồ trai đã cặp với nhau được một năm, nhưng vừa mới phát hiện ra anh chàng vẫn ngủ với một cô khác và chuyện này làm cho cô rất đau khổ. Cô lớn nhẽ ra đã phải về vùng núi Nagano từ đêm trước để dự đám cưới anh trai, nhưng đã quyết định ở lại qua đêm với người bạn đang đau khổ và sẽ đi chuyến tàu tốc hành đầu tiên sáng Chủ nhật.

“Chuyện của cô thật tệ,” tôi nói với cô nhỏ, “nhưng làm sao cô biết được là bạn trai cô đang ngủ với người khác?”

Vừa nhấp từng ngụm sakê nhỏ, cô gái vừa luôn tay rứt cỏ dưới chân.

“Tôi không phải làm gì cả,” cô nói. “Tôi mở cửa phòng anh ta, và anh ta đang ở đó, làm chuyện ấy.

“Khi nào vậy?”

“Đêm hôm kia.”

“Sao lại thế được? Cửa không khoá à?”

“Đúng thế.”

“Tại sao anh ta không khoá cửa?”

“Tôi biết thế quái nào được!”

“Ồ, chị ấy biết phải nghĩ làm sao bây giờ?” cô lớn nói, có vẻ thật sự lo lắng cho bạn. “Chắc chị ấy phải choáng lắm. Anh có thấy thế là kinh khủng không?”

“Tôi thực không biết nói sao bây giờ,” tôi đáp. “Cô phải nói chuyện hẳn hoi với bạn trai cô. Sau đó là vấn đề cô có tha thứ cho anh ta hay không.”

“Chẳng ai hiểu tình cảnh của tôi cả,” cô nhỏ cắm cảu, tay vẫn nhỏ cỏ.

Một bầy quạ xuất hiện ở phía tây và lượn trên một cửa hàng bách hoá lớn. Lúc bấy giờ trời đã rạng. Sắp đến giờ tàu đi Nagano, nên chúng tôi đem chỗ sakê còn lại cho một ga vô gia cư dưới cầu thang cửa ra phía Tây, mua vé và cùng vào tiễn cô lớn đi. Sau khi tàu chạy rồi, cô nhỏ và tôi cuối cùng thể nào lại vào một khách sạn ở gần đó. Cả hai đều chẳng có nhu cầu đặc biệt gì phải ngủ với nhau, nhưng dường như đều thấy cần phải thế để kết thúc mọi chuyện.

Tôi cởi quần áo trước và ngồi trong bồn tắm uống bia như trả thù đời. Cô vào ngồi với tôi và cũng uống như thế. Hai đứa duỗi người trong nước và im lặng nốc bia.

Hình như chúng tôi không thể say được, mà cũng chẳng thấy buồn ngủ. Da thịt cô rất trắng trẻo mịn màng, và cô có một đôi chân đẹp. Tôi ngỏ lời khen đôi chân, nhưng câu “Cảm ơn” của cô nghe như một tiếng cằn nhằn.

Nhưng khi đã vào giường, cô bỗng thành một con người khác hẳn. Cô đáp ứng lại từng động chạm nhẹ nhàng nhất của tôi, oằn oại và rên rl. Khi tôi vào trong cô, cô bấu chặt móng tay vào lưng tôi, và khi lên đến cực cảm, cô gọi tên anh chàng kia đúng mười sáu lần. Tôi tập trung đếm những tiếng gọi ấy để trì hoãn cực cảm của chính mình. Rồi hai đứa lăn ra ngủ.

Lúc mười hai giờ rưỡi tôi thức dậy thì cô đã đi rồi.

Không thấy mảnh giấy nào viết để lại. Một bên đầu tôi nặng trịch rất lạ vì say rượu vào cái giờ oái oăm nọ. Tôi tắm hương sen cho tỉnh người, cạo mặt và trần truồng ngồi trên một cái ghế, uống một chai nước quả lấy trong tủ lạnh và điểm lại những sự kiện đêm hôm trước. Cảnh nào cũng có vẻ không có thật và xa xôi lạ lùng, như thể tôi đang nhìn chúng qua hai ba lần kính, nhưng chúng đều là những chuyện đã thực sự xảy đến với tôi. Những cốc bia vẫn còn trên bàn kia, và một cái bàn chải đánh răng đã

dùng còn lăn lóc cạnh bồn rửa mặt.

Tôi ăn bữa trưa nhẹ ở Shinjuku rồi vào trạm điện thoại gọi cho Midori Kobayashi, nhớ đâu hôm nay cô lại chẳng ở nhà đợi cú điện thoại ấy. Tôi để máy reo mười lăm lần mà vẫn không ai trả lời. Hai mươi phút sau tôi gọi lại nhưng cũng vẫn thế. Tôi lấy xe buýt về học xá. Một phong thư phát chuyển đặc biệt đang đợi tôi trong hộp thư bên cửa vào. Thư của Naoko.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ