Chiến binh cầu vồng - Chương 2: Người Đàn Ông Có Dáng Người Giống Cây Thông

Khuôn mặt cô Mus mới một ít phút trước còn sưng húp, nhòe nhoẹt phấn, giờ tươi rói như đóa hoa huệ tây trên rặng Himalaya. Cô rướn thẳng người hệt như thân cây của loài hoa xinh đẹp ấy. Tấm khăn của cô mang vẻ mềm mại trắng muốt của hoa huệ tây, và quần áo của cô thậm chí cũng tỏa ra mùi hương hoa huệ tây ngọt ngào. Với nét mặt hớn hở tươi vui như thế, cô bắt đầu sắp xếp chỗ ngồi cho chúng tôi.

Cô Mus đến bên từng bậc cha mẹ đang ngồi trên những chiếc ghế băng dài, thân mật chào hỏi vài ba câu trước khi bắt đầu điểm danh. Mấy đứa khác đều đã vào lớp và đã có bạn cùng bàn, chỉ còn lại tôi và đứa con trai nhỏ thó nhếch nhác tóc đỏ hoe xoăn tít – cái đứa tôi chưa hề gặp lần nào ấy. Thằng đó cứ ngọ nguậy suốt, và ở nó bốc ra mùi cao su cháy.

“Ông Cik, con trai ông sẽ ngồi cùng bàn với Lintang”, cô Mus nói với cha tôi.

Ồ, vậy ra tên nó là Lintang. Tên gì mà kì cục quá.

Nghe thấy thế, Lintang ngọ nguậy cố vùng ra khỏi vòng tay cha. Người cha cố hết sức giữ yên nó, nhưng Lintang rốt cuộc cũng thoát ra được và chạy ù vào lớp tìm chỗ ngồi. Tôi bị bỏ lại đằng sau, đứng trân trân nhìn vào lớp học. Thằng nhóc đó cứ như đứa bé ngồi trên con ngựa non – sung sướng, chẳng muốn xuống tẹo nào. Nó đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn để được đi học cơ mà.

Cô Mus lại gần cha Lintang. Ông giống hệt một cây thông bị sét đánh: đen trũi, héo hắt, gầy gò, và khô đét. Ông làm nghề đánh cá nhưng nhìn mặt ai cũng nghĩ ông là một người chăn cừu tốt bụng – một người hiền lành, nhân hậu và chứa chan hy vọng. Tuy vậy, giống như mọi người dân Indonesia khác, ông không nhận thức được rằng đi học là một quyền cơ bản của con người.

Không như những ngư dân khác, giọng ông nghe rất nhẹ nhàng. Ông kể cho cô Mus nghe một câu chuyện.

“Hôm qua”, giọng ông căng thẳng, “một đàn chim pelintang pulau về đậu trên bờ biển đấy.”

Ông tiếp tục kể cho cô giáo nghe về chuyện những con chim thiêng đó về đậu lại một chốc trên đọt cây hạnh như, báo hiệu một cơn bão sắp đổ bộ vào, và thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn, khiến cho biển cả nổi trận lôi đình. Ngư dân vùng Belitong, như cha của Lintang, có một niềm tin mãnh liệt rằng sự xuất hiện của loài chim này báo hiệu cơn bão đang đến gần.

Chắc chắn rằng tất cả những thế hệ trước trong gia đình của người đàn ông có dáng người giống cây thông này chưa khi nào thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của đói nghèo, cứ mặt nhiên trở thành những ngư dân trong cộng đồng người Mã Lai này. Những ngư dân này không thể độc lập làm việc được – không phải vì biển không đủ rộng, chỉ là vì thiếu thuyền. Năm nay, cha của Lintang muốn bẽ gãy cái vòng lẩn quẩn đó. Đứa con trai cả, Lintang, sẽ không trở thành một ngư dân như cha nó. Thay vào đó, Lintang sẽ ngồi bên cạnh một cậu nhóc khác với tóc xoăn tít – là tôi – và ngày ngày sẽ đi xe đạp đến trường và về nhà. Nếu nó thực sự muốn trở thành một ngư dân, thì đoạn đường dài bốn mươi cây gập ghềnh sỏi đá kia sẽ đập tan quyết định đi học của nó. Cái mùi khét lẹt tôi ngửi thấy lúc nãy thật ra là mùi của đôi xăng đan cunghai làm từ lốp xe ô tô nó đang đi. Đôi giày mòn vẹt và bốc mùi khét vì Lintang đã phải đạp xe hết một đoạn đường dài mới đến được trường.

Gia đình của Lintang ở Tanjong Kelumpang, một ngôi làng cách bờ biển không xa lắm. Để đến được đó, bạn phải đi qua bốn rừng cọ rậm rì, những vùng đầm lầy khiến cho người làng tôi mỗi khi đi qua đều rợn cả tóc gáy. Nơi này, gặp phải cá sấu là chuyện thường – những con cá sấu to bằng thân cây dứa hay bò ngang qua đường. Ngôi làng ven biển của Lintang nằm ở cực Đông của Sumatra và có thể nói là nơi hẻo lánh và đói nghèo nhất đảo Belitong. Đối với Lintang, nơi có ngôi trường nó đến học đây như thể là một thành phố mang tầm cỡ quốc tế, và đến được đây nó đã phải bắt đầu đạp xe từ lúc subuh, giờ cầu kinh sáng, khoảng bốn giờ. Ái chà! Cái thằng nhỏ thó đó…

Khi tôi vào lớp lại gần Lintang, nó chào tôi bằng một cái bắt tay siết chặt, cứ như một người cha bắt tay chàng trai đầu tiên đến cầu hôn con gái mình vậy. Bầu nhiệt huyết dồi dào trong người nó truyền sang tôi, lan khắp người tôi như một nguồn điện cao áp. Nó thao thao đầy hứng khởi, bằng một thứ phương ngữ vùng Belitong, đặc trưng của dân vùng sâu vùng xa, nghe rất thú vị. Mắt nó sáng rực lên khi lia khắp phòng học với vẻ háo hức không giấu đi đâu được. Nó cứ như một cái cây dương xỉ. Hễ có vài giọt nước rơi xuống cánh hoa là ngay lập tức nó bắn tung phấn ra – lấp lánh, rực rỡ và đầy nhựa sống. Ở bên cạnh Lintang, tôi cứ có cảm giác như thể mình đang bị thách tham gia một cuộc chạy đua cự ly một trăm mét vậy. “Cậu chạy nhanh đến mức nào?” ánh nhìn của nó thách thức.

Cô Mus phát cho tất cả các bậc cha mẹ mẫu đơn để điền các thông tin liên quan đến tên tuổi, nghề nghiệp, nơi ở. Ai nấy cắm cúi viết, trừ cha của Lintang. Ông dè dặt đón lấy tờ mẫu, nắm chặt trong tay, bồn chồn. Tờ giấy ấy cứ như một vật thể lạ trong nắm tay ông. Ông nhìn quanh quất, sang trái, rồi sang phải, nhìn những bậc cha mẹ khác đang hí húi điền vào tờ mẫu. Ông lúng túng đứng lên.

“Cô giáo à,” ông chậm rãi nói. “Thứ lỗi cho tôi, tôi không biết đọc biết viết.”

Rồi cha của Lintang rầu rầu nói thêm rằng ngay cả đến năm sinh của mình ông cũng không biết nốt. Đột nhiên Lintang đứng lên đến bên cha mình, lấy tờ mẫu từ tay ông rồi dõng dạc, “Con sẽ điền vào tờ mẫu này sau, thưa cô, chừng nào con biết đọc biết viết hẵng!”

Mọi người sửng sốt ngước nhìn Lintang, một đứa nhóc dám đứng ra che chở cho cha nó.

Chính tôi cũng cảm thấy bối rối. Một đứa nhóc trong thoáng chốc phải trải nghiệm quá nhiều thứ mới mẻ. Căng thẳng, mừng rỡ, lo lắng, ngượng ngập, bạn mới, cô giáo mới, mọi cảm xúc lẫn lộn rộn lên trong lòng tôi.

Một chuyện nữa khiến tình huống tệ hơn: ấy là đôi giày mẹ mới mua cho. Tôi thụt chân ra đằng sau cố giấu để không ai trông thấy. Đôi giày đen sọc trắng bằng nhựa cứng giống như giày đá banh xấu không chịu nổi. Bữa sáng nay, mấy ông anh trai cười nắc nẻ. Chỉ một cái liếc mắt của cha tôi thôi là mấy ông tướng đó im bặt. Nhưng chân tôi thì đau và lại còn ngượng nữa chứ, tất cả cũng chỉ tại đôi giày này mà ra cả.

Trong lúc ấy, đầu thằng Lintang cứ xoay qua xoay lại như đầu một con cú. Đối với nó, khung cảnh hỗn độn của lớp học – một cây thước gỗ, một lọ hoa bằng đất sét do mấy anh chị lớp sáu làm trong giờ thủ công nằm chễm chệ trên bàn cô Mus, một tấm bảng đen cổ lỗ sĩ và những mẩu phấn vung vãi khắp sàn, một số mẩu vừa mới bị nghiền nát bốc lên một lớp bụi mỏng – khiến nó cực kỳ ngạc nhiên và thích thú.

Rồi tôi trông thấy cha của Lintang, người đàn ông có dáng người giống cây thông ấy, nhìn thằng con đang ngắm nghía xung quanh với niềm háo hức ngày một dâng cao, miệng ông cười mà lòng ngổn ngang – buồn vui lẫn lộn. Tôi hiểu. Người đàn ông đến năm sinh của mình cũng không biết tưởng tượng ra cảnh thấy thằng con sẽ rầu rĩ đến thế nào nếu buộc phải thôi học năm lớp một hay lớp hai bậc tiểu học vì những lý do muôn thuở liên quan đến tiền bạc hay những bức bách đầy bất công của cuộc sống. Đối với ông, giáo dục là một điều bí ẩn. Nếu cha Lintang nhớ không lầm thì trong bốn đời dòng họ nhà ông. Lintang là người đầu tiên được đến trường. Còn nhiều thế hệ trước đó nữa mà ông không thể nào kể hết được, những thế hệ sống cách đây đã lâu rồi, khi người Mã Lai vẫn còn sống rày đây mai đó. Họ mặc quần áo làm từ vỏ cây, ngủ trên các cành cây và thờ mặt trăng.

Nhìn chung, cô Mus xếp chúng tôi ngồi chung dựa trên nét giống nhau của hai đứa. Lintang và tôi ngồi cùng bàn vì tóc cả hai đều xoăn tít. Trapani ngồi cùng Mahar vì hai đứa đó dễ coi nhất, có nhiều nét giống hệt những ca sĩ Mã Lai truyền thống được mọi người hâm mộ. Trapani không màng gì tới lớp học; nó cứ liếc trộm ra ngoài cửa sổ, dõi theo cái đầu của mẹ nó nhấp nhô lẫn với đầu các bậc cha mẹ khác.

Nhưng Borek và Kucai được xếp ngồi chung không phải vì chúng trông giống nhau mà vì cả hai đều nghịch như quỷ sứ. Chỉ mới một lúc thôi mà thằng Borek đã kịp lấy khăn lau bảng chùi khắp mặt thằng Kucai. Nhất là con nhỏ Sahara, đứa con gái nhỏ người quấn khăn ấy, nó cố tình hất đổ chai nước của thằng A Kiong, khiến thằng nhóc người Phúc Kiến – Trung Quốc khóc thét lên như thấy ma hiện hồn. Sahara đúng là một con nhóc ương ngạnh hết chỗ nói. Chuyện chai nước hôm đó đã khởi sự mối thù nghịch giữa hai đứa kéo dài mãi cho đến những năm sau. Cơn khóc của thằng A Kiong suýt chút nữa khiến cho buổi học đầu tiên đầy rộn ràng kém vui đi.

Đối với tôi, sáng hôm ấy là một buổi sáng không thể nào quên, nó luôn hiện hữu trong tâm trí tôi suốt hàng chục năm sau đó. Sáng hôm ấy, tôi trông thấy Lintang lóng ngóng đánh vật với cây bút chì to tổ bố, đầu chì không được vót nhọn, cứ như cầm con dao thái. Cha nó đã mua phải bút chì không phù hợp. Nó có hai màu khác nhau, một đầu màu đen, đầu kia màu xanh da trời. Đó chẳng phải loại bút thợ may dùng để làm dấu lên vải hay sao? Hay thợ đóng giày dùng để làm dấu lên da? Dù cho thế nào đi nữa, đây dứt khoát không thể là bút dùng để viết.

Ông cũng mua phải loại vở không phù hợp. Ấy là một cuốn vở bìa màu xanh dương loại ba ô li. Có phải ấy là loại vở dùng cho lớp hai khi chúng tôi tập viết chữ thảo không nhỉ? Nhưng có một điều tôi không thể nào quên được, đó là buổi sáng hôm ấy, tôi được mục kích một đứa con trai miền biển, bạn cùng bàn, lần đầu tiên được cầm bút vở. Và suốt những năm sau đó, mọi thứ nó viết ra đều là thành quả của một bộ óc sáng sủa, một câu nói thốt ra từ miệng nó đều tỏa rạng một thứ ánh sáng chan hòa rực rỡ. Và cùng với thời gian, đứa con trai miền biển nghèo khó ấy đã xua tan đám mây đen u ám bấy lâu bao phủ ngôi trường vì sau này cậu đã trở thành một nhân vật kiệt xuất nhất tôi từng gặp trong suốt cả cuộc đời mình.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ