Hai Số Phận - Chương 20

Albel dụi điếu Corona một lần nữa và thề rằng nhất định sẽ không hút điếu xì gà nào trước khi thanh toán được món nợ hai triệu đô la và hoàn toàn kiểm soát được công ty Richmond.

Bây giờ không phải là lúc hút những điếu xì gà to như thế nhất là với chỉ số Down Jones xuống thấp nhất trong lịch sử và ở các thành phố lớn trên đất Mỹ còn những đoàn ngân hàng xếp hàng dài lĩnh súp phát chẩn như hiện nay. Anh ngước nhìn lên trần nhà suy nghĩ về những gì phải làm trước đã. Anh cần phải giữ cho được số nhân viên tốt nhất của khách sạn Richmond Chicago.

Anh ngồi dậy khoác áo vào và bước sang khu nhà phụ của khách sạn, nơi phần lớn những nhân viên chưa tìm được việc làm kể từ hôm xẩy ra vụ cháy, đến nay còn ở lại đó. Abel dùng lại tất cả những ai anh tin được, và cho những người nào muốn rời bỏ Chicago được tiếp tục làm việc ở một trong mười lăm khách sạn còn lại. Anh nói rất rõ cho họ biết là trong tình hình thất nghiệp tràn lan như hiện nay, công việc của họ chỉ có thể đảm bảo được chừng nào các khách sạn đều làm ăn có lãi. Anh biết tất cả các khách sạn khác trong công ty đều được quản lý một cách bất lương như khách sạn Richmond Chicago trước đây, và anh muốn điều đó phải được thay đổi nhanh chóng. Anh cho ba người phó quản lý ở Chicago về ba nơi, trông coi những khách sạn Richmond ở Dallas, Cincinati và St Louis. Anh chỉ định các quản lý mới cho bảy khách sạn còn lại ở Houston Mobile, Charleston, Allanta, Memphis, New Orleans và Louiville. Các khách sạn Leroy cũ đều ở miền Nam và vùng Trung Tây. Chỉ có khách sạn ở Chicago là do Davis Leroy đích thân đứng ra xây dựng. Abel phải mất đến ba tuần mới bố trí được cho những nhân viên cũ ở Chicago về các khách sạn mới.

Abel quyết định đặt đại bản doanh của mình trong khu nhà phụ của Richmond ở Chicago và mở một nhà ăn nhỏ ở tầng dưới cùng. Anh tính như vậy sẽ ở gần với người ủng hộ mình và gần với nhà ngân hàng hơn là về ở trong một khách sạn ở miền Nam. Hơn nữa, Zaphia cũng ở Chicago, và Abel tin chắc rằng chỉ ít lâu nữa cô ta sẽ bỏ rơi anh chàng kia và yêu anh. Cô ta là người đàn bà duy nhất anh cảm thấy yên tâm trong quan hệ. Khi Abel chuẩn bị đi New York để tuyển thêm nhân viên chuyên môn, anh đã được cô hứa với anh là không đi lại với người bạn trai kia nữa.

Đêm trước khi Abel đi, anh với Zaphia nằm với nhau lần đầu tiên. Cô ta mềm mại, mũm mĩm, vui tính và rất dễ thương.

Thái độ âu yếm và rất thành thạo của Abel khiến cho Zaphia phải ngạc nhiên.

– Từ hồi sau chuyến tàu Mũi Tên Đen đến nay, anh đã nằm với bao nhiêu cô gái rồi? – cô ta hỏi đùa.

– Chẳng có ai anh thật sự quan tâm cả, – anh đáp.

– Phải, cũng đủ để quên được em rồi, – cô nói.

– Anh không bao giờ quên được em, – anh nói dối, và cúi xuống hôn cô, vì chỉ có như vậy mới thôi không nói chuyện được.

Đến New York, việc đầu tiên của anh là đi tìm George và thấy anh ta đang thất nghiệp, sống trong một căn gác tồi tàn ở đường số 3 phía Đông thành phố. Abel hầu như đã quên đi những ngôi nhà như thế này khi có tới hai chục gia đình cùng sống chung với nhau một chỗ. Phòng nào cũng sực mùi thức ăn để lâu mùi hố vệ sinh không có nước tháo và mùi giường có ba loại người khác nhau nằm ngủ trong một ngày một đêm. Hình như cái lò bánh đã đóng cửa và chính ông chú của George phải đi kiếm việc làm ở một nhà máy khác tận ngoại ô New York. Nhà máy đó không nhận George vào làm. Được về với Abel và công ty Richmond, dù là làm gì, George cũng rất lấy làm sung sướng.

Abel tuyển được ba nhân viên mới, một người làm bánh, một kế toán và một người phục vụ bàn. Rồi anh cùng với George lên đường trở về Chicago đặt căn cứ của mình trong khu nhà phụ Richmond. Abel hài lòng về kết quả chuyến đi ấy. Phần lớn các khách sạn ở bờ biển phía Đông đều giảm nhân viên của họ xuống mức tối thiểu, do đó anh dễ dàng chọn được những người có kinh nghiệm, trong số đó có cả một người của khách sạn Plaza nữa.

Đầu tháng ba, Abel và George lại đi một tua thăm các khách sạn còn lại trong công ty. Abel đề nghị Zaphia cùng đi, lại còn cho cô có quyền được chọn làm ở bất cứ khách sạn nào cô muốn, nhưng cô nhất định không rời khỏi Chicago là nơi duy nhất trên đất Mỹ cô đã sống quen rồi. Để cho anh yên tâm, cô bằng lòng về ở trong phòng của Abel ở khu nhà phụ Richmond trong khi anh đi vắng. George vốn từ sau khi vào quốc tịch Mỹ và học được cách sống của lớp người trung lưu ở Mỹ, lại có được nguồn gốc Ki-tô giáo nữa, khuyên Abel nên đi vào kiểu sống có vợ chồng hẳn hoi thì có lợi hơn. Abel đã sống đơn độc trong các phòng khách sạn nhiều rồi, thấy chẳng ra thế nào, sẵn sàng nghe lời George khuyên bảo.

Abel không lấy làm ngạc nhiên thấy tất cả các khách sạn khác mặc dầu vẫn được quản lý một cách luộm thuộm và phần lớn là bất lương nhưng do tình hình thất nghiệp đang phổ biến khắp nơi nên các nhân viên thấy anh đến thì hầu hết ai cũng mừng, cho anh là người cứu sống cho những gì còn lại của công ty, Abel thấy không cần phải sa thải ồ ạt nhân viên như anh đã làm khi mới đến Chicago. Phần lớn những ai biết tiếng của anh là ngại cách làm của anh thì đều đã bỏ đi cả rồi. Một số người phải loại bỏ nhưng cũng vẫn không tránh được họ còn dính dáng đến số còn lại vì đã gắn bó với công ty Richmond từ lâu và đến bây giờ sau khi Davis Leroy đã chết rồi họ rất khó thay đổi được cách làm ăn cũ kỹ của họ. Abel thấy việc chuyển nhân viên từ một khách sạn này sang khách sạn khác đòi hỏi phải có một thái độ rất khác.

Vào cuối năm đầu của anh với tư cách chủ tịch của công ty Richmond anh chỉ dùng đến nửa số nhân viên so với trước kia, và tính toán các mặt thì số tiền thâm hụt chỉ trên 100.000 đô la một chút. Trong toàn bộ nhân viên, việc thay đổi người xẩy ra rất ít. Abel rất tin ở tương lai của công ty, và mọi người cũng chia sẻ với anh niềm tin đó.

Abel đặt ra cho mình mục tiêu đến năm 1932 là ổn định. Anh cảm thấy cách duy nhất có thể thực hiện được làm ăn có lãi nhanh chóng là để cho mỗi người quản lý khách sạn có toàn quyền trách nhiệm đối với chính khách sạn của mình và có phần lợi nhuận của họ trong đó, giống như Davis Leroy đã từng làm với anh khi anh mới đến Chiacago Richmond vậy.

Abel di chuyển từ khách sạn này đến khách sạn khác không nghỉ ngơi hoặc ở lại nơi nào quá ba tuần. Trừ George là người làm tai mắt cho anh ở Chicago và rất trung thành với anh, anh không bao giờ báo cho ai biết là lần sau anh sẽ đến khách sạn nào. Hàng mấy tháng một lần, anh chỉ phá vỡ quy luật ấy nếu thấy cần phải đi thăm Zaphia hoặc đi gặp Curtis Fenton mà thôi.

Sau khi đánh giá lại toàn bộ tình hình tài chính của công ty, Abel đã phải đi đến một số quyết định không lấy gì làm vui vẻ lắm. Quyết định mạnh nhất là tạm thời đóng cửa hai khách sạn, một ở Mobile một ở Charleston, vì đã làm ăn thua lỗ đến mức anh cảm thấy nếu để sẽ nguy hiểm đến tình hình tài chính của các khách sạn khác. Nhân viên ở các khách sạn khác thấy chiếc rìu sẽ bổ vào đầu mình, phải làm ăn tử tế hơn. Mỗi lần đi đâu về đến phòng làm việc nhỏ của mình trong khu nhà phụ của Richmond ở Chicago, anh đều thấy cả một loạt những giấy tờ gửi đến yêu cầu phải quan tâm ngay, nào là ống nước rò rỉ ở nhà tắm, nào là chuột gián ở nhà bếp, rồi nào là cãi cọ nhau ở nhà ăn, và có một ông khách không hài lòng đang dọa kiện v.v…

Henry Oborne lại đến với cuộc đời của Abel với một khoản tiền 750.000 đô la do Công ty Bảo hiểm Great Western trả vì không tìm được chứng cớ gì để buộc tội Abel cố dính đến Desmond Pacey đốt khách sạn Richmond Chicago. Chứng cớ do Trung úy O’Malley đưa ra về vụ này là rất xác đáng, vì vậy Abel nghĩ mình còn nợ ông ta nhiều chứ không chỉ một cốc sữa trứng mà thôi đâu.

Abel lấy làm sung sướng đã giải quyết được việc này với Công ty Great Western và món tiền bồi thường như vậy là phải chăng. Osborne có gợi ý với anh là nên đòi một món tiền lớn hơn để anh ta được hưởng chênh lệch vào đó. Abel là người tuy có khuyết điểm này khác nhưng vốn rất ghét chuyện tham ô, đã nhìn ngay Osborne bằng con mắt không thiện cảm.

Anh nghĩ nếu Osbome có thể bất lương với công ty của chính ông ta như vậy thì mai kia nếu có dịp ông ta sẽ chẳng tha gì mà không hại Abel.

Mùa xuân năm 1932 Abel ngạc nhiên nhận được một bức thư cua Melanie Leroy, những gì viết trong thư thân mật hơn nhiều so với lúc gặp trực tiếp. Anh lấy làm phấn khởi và hẹn cô đến gặp ăn tối ở nhà hàng Stenvens, một quyết định mà khi bước chân vào đến phòng ăn anh đã ân hận ngay vì Zaphia đang có đó, trông quê mùa và mỏi mệt. Melanie, trái lại, trông lộng lẫy trong chiếc áo màu xanh dài bó sát người nổi lên các đường nét. Đôi mắt của cô, có lẽ được chiếc áo phản ánh vào, lại càng xanh và hấp dẫn hơn trước.

– Trông anh mạnh khỏe mà tôi rất mừng, Abel ạ, – cô vừa nói vừa ngồi xuống ghế ở bàn giữa phòng ăn- Và cố nhiên ai cũng biết anh đang làm ăn rất giỏi với công ty Richmond.

– Công ty Nam tước chứ! – Abel nói.

– Tôi không biết là anh đã đổi tên công ty rồi.- Cô ta hơi đỏ mặt.

– Vâng, tôi đổi tên từ năm ngoái, – Abel nói dối.

Thực ra đến lúc này anh mới chợt nghĩ rằng mỗi khách sạn của công ty sẽ mang tên là khách sạn Nam tước. Anh không hiểu sao trước nay mình lại không nghĩ ra điều đó.

– Tên hay đấy, – Melanie mỉm cười nói.

Abel biết rằng từ phía đầu phòng bên kia Zaphia đang dõi nhìn hai người, nhưng bây giờ đã quá muộn rồi, anh không làm thế nào khác được.

– Cô chưa làm việc chứ ? – Abel hỏi, tay ghi mấy chữ “Công ty Nam tước!” vào phía sau tờ thực đơn.

– Không bây giờ thì chưa, nhưng tình hình xem ra có vẻ khá hơn. Một người đàn bà tốt nghiệp về nghệ thuật tự do ở thành phố này bao giờ cũng phải ngồi đó chờ cho mọi người đàn ông có việc làm đã rồi mới đến lượt mình.

– Nếu cô muốn làm việc cho Công ty Nam tước, – Abel nói và hơi nhấn mạnh vào cái tên đó, – thì cô chỉ việc cho tôi biết.

– Không, không, – Melanie đáp. – Tôi không có gì đáng lo cả.

Cô nhanh chóng chuyển câu chuyện sang vấn đề âm nhạc và sân khấu. Nói chuyện với cô ta vẫn là một thách thức mà Abel không quen nhưng thấy thú vị. Cô ta vẫn trêu chọc anh nhưng trêu một cách thông minh, khiến anh cảm thấy ngồi với cô bây giờ yên tâm hơn trước nhiều. Bữa ăn kéo dài đến tận sau mười một giờ. Sau khi mọi người đã ra khỏi phòng ăn, kể cả Zaphia, anh mới đưa Melanie ra xe về nhà, mắt đỏ lòm một cách không bình thường. Lần này, cô ta mời anh lên nhà uống rượu. Anh ngồi trên chiếc ghế xô-pha trong khi cô rót mời anh uống một thứ rượu whisky bị cấm và cho chạy đĩa hát.

– Tôi không thể ngồi lâu được,- Abel nói. – Ngày mai có rất nhiều việc.

– Câu đó phái để tôi nói chứ, đã lâu quá rồi không gặp nhau . Tối nay vui thế kia mà. Như hồi xưa vậy.

Cô ta ngồi xuống bên anh, áo kéo lên quá đầu gối Không phải như hồi xưa đâu, anh nghĩ bụng. Đôi chân thật đẹp. Khi cô nhích đến gần, anh không làm gì tỏ ra cưỡng lại. Lát sau, anh thấy mình hôn cô ta – hay cô ta hôn mình? Anh cũng không biết nữa. Đôi tay của anh lần mò xuống đôi chân đó, rồi lần lên đến ngực và lần này xem ra cô ta sẵn sàng đáp ứng. Rồi chính cô ta đã cầm tay anh dắt vào phòng ngủ, gấp khăn trải giường lại cẩn thận, rồi quay lại bảo anh cởi áo cho cô. Abel nghe theo nhưng trong bụng vẫn không tin, và anh tắt đèn trước khi cởi quần áo. Sau đó anh dễ dàng đem những bài học mà Joyce đã dạy cho anh bây giờ áp dụng vào thực tế. Cố nhiên Melanie cũng không phải là người thiếu kinh nghiệm gì. Abel chưa bao giờ được thấy sung sướng như vậy trong cuộc làm tình. Anh lăn ra ngủ thiếp đi với một tâm lý rất hài lòng.

Đến sáng Melanie cho anh ăn điểm tâm và phục vụ đầy đủ cho đến lúc Abel phải ra về.

– Tôi sẽ theo dõi Công ty Nam tước với một mối quan tâm mới, – cô nói. – Tôi chắc không ai còn ngờ gì về thành công lớn của nó sau này.

– Cảm ơn cô về bữa ăn sáng và một đêm đáng ghi nhớ, – Abel nói.

– Tôi hy vọng chúng ta sẽ gặp lại nhau sớm, Melanie nói.

– Tôi muốn thế lắm, – Abel đáp.

Cô hôn lên má anh, chẳng khác nào như người vợ hôn tiễn chồng đi làm.

– Tôi không biết rồi anh sẽ lấy một người đàn bà như thế nào, – cô hỏi một cách ngây thơ khi khoác áo ngoài lên người cho Abel.

Anh nhìn cô mỉm cười.

– Khi nào tôi có quyết định ấy, Melanie ạ, thì cô hãy tin chắc rằng tôi sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều về những quan điểm của cô đấy.

– Anh nói vậy là sao? – Melanie lúng túng hỏi lại.

– Là tôi sê phải quan tâm đến những lời khuyên của cô, – Abel nói lúc ra đến gần cửa – Tức là phải cố tìm cho mình một cô gái Ba Lan tử tế.

* *

Một tháng sau, Abel và Zaphia cưới nhau. Người anh họ của Zaphia là Janek đưa dâu và George làm phù rể. Cuộc chiêu đãi tổ chức ở nhà hàng Stenvens. Mọi người ăn uống nhẩy nhót đến tận đêm khuya. Theo truyền thống, mỗi người trả một số tiền tượng trưng để ra nhẩy với Zaphia. George chạy quanh phòng và len lỏi chụp ảnh các khách đến dự mà toát cả mồ hôi. Sau bữa súp vào nửa đêm với những món truyền thống của Ba Lan và rượu vang, brandy, voska, Abel và Zaphia được rút lui về phòng tân hôn.

Sáng hôm sau, Abel lấy làm ngạc nhiên một cách thú vị nghe thấy Curtis Fenton nói lại rằng toàn bộ chi phí cho cuộc chiêu đãi của anh ở khách sạn Stenvens đã được ông Maxton trả hết, coi đó như một món quà cưới của ông. Abel dùng số tiền anh đã dành dụm được cho cuộc chiêu đãi này làm một phần để trả cho ngôi nhà nhỏ anh mua được ở phố Rigg. Lần đầu tiên trong đời, anh có được ngôi nhà riêng của mình.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ