Hai Số Phận - Chương 18

Albel trở về Chicago vào sáng hôm sau, trong lòng vẫn còn bực bội về chuyện William Kane đã đối xử với mình như vậy. Anh không nghe rõ chú bé bán báo rao những gì ở góc đường vì anh đang gọi chiếc xe tắc xi và trèo lên ngồi ở phía sau.

– Cho tôi về khách sạn Richmond.

– Ông có phải nhà báo không?- người lái xe đánh lên phía phố State và hỏi anh.

– Không. Sao ông hỏi thế?- Abel nói.

– Không, vì ông hỏi về Richmond mà. Hôm nay các nhà báo đều đến đó cả.

Abel không thể nhớ ra khách sạn Richmond của mình có định làm gì để thu hút các nhà báo như vậy đâu nhỉ.

Người lái xe nói tiếp:

– Nếu ông không phải nhà báo thì có lẽ tôi đưa ông đến một khách sạn khác chứ?

– Tại sao thế? Abel hỏi lại, ngơ ngác.

– Nếu ông về khách sạn đó thì chả ngủ ngon được đâu vì Richmond đă bị cháy trụi rồi còn đâu.

Chiếc xe vừa quay rẽ ở góc đường thì Abel đã thấy mình đối diện với cảnh khách sạn Chicago Richmond bị cháy trụi. Xe cảnh sát, xe cứu hỏa, gỗ ván bị cháy đen với nước tràn trề cả ngoài đường phố. Anh bước ra ngoài xe nhìn những gì còn lại của căn nhà đầu đàn của công ty Davis Leroy.

Người Ba Lan thường khôn ngoan tỉnh táo sau khi tai vạ đã xảy ra rồi, Abel nghĩ bụng và nắm chặt tay đấm mạnh vào bên chân thọt của anh. Anh không thấy đau, vì chẳng còn lại gì để mà thấy đau nữa.

– Bọn khốn nạn – anh thét to lên – Tao đã chịu đựng còn hơn thế này nữa cơ. Nhưng rồi tao sẽ diệt từng đứa chúng mày cho mà coi. Từng thằng Đức, thằng Nga, thằng Thổ Nhĩ Kỳ, thằng vô lại Kane, và bây giờ đến cả cái này nữa. Tao sẽ diệt hết. Không ai giết được Abel Rosnovski đâu.

Người phó quản lý trông thấy Abel đang hoa chân múa tay bên chiếc xe tắc xi vội chạy đến. Abel cố tỏ ra bình tĩnh.

– Mọi người chạy ra được an toàn chứ? – anh hỏi.

– Vâng, lạy Chúa. Khách sạn gần như không có khách, vì vậy chạy thoát ra được không có vấn đề gì lắm. Chỉ một vài người hơi bị xây xát và bị bỏng, đã được đưa đến bệnh viện. Nhưng ông không có gì đáng phải lo đâu.

– Tốt. ít ra cũng yên tâm được về chuyện đó. Tạ ơn Chúa, khách sạn đã được bảo hiểm cẩn thận, tôi nhớ hình như trên một triệu đô la. Chúng ta rất có thể biến cái tai vạ này thành ra có lợi được đấy.

– Nếu đúng như báo chí sáng nay đã nói thì không được đâu

– Anh nói vậy là sao?- Abel hỏi.

– Có lẽ tự ông nên đọc xem trong đó nói gì thì hơn, ông chủ ạ, – người phó quản lý đáp.

Abel bước đến quầy bán báo gần đó, bỏ ra hai xu mua số báo mới nhất của tờ Diễn đàn Chicago. Dòng chữ lớn ở trang đầu đã đủ nói lên hết cả:

KHÁCH SẠN RICHMOND BỐC CHÁY – CÓ THỂ DO CỐ Ý ĐỐT PHÁ

Abel lắc đầu tỏ ra không tin. Anh đọc đi đọc lại dòng chữ đó.

– Còn có gì xảy ra hơn thế được?- anh lẩm bẩm.

– Ông có chuyện gì không thế?- chú bán báo hỏi.

– Hơi một tí thôi,- Abel đáp và quay lại người phó quản lý.

– Ai phụ trách điều tra của cảnh sát?

– Viên sĩ quan đang đứng tựa vào xe cảnh sát kia kìa, – người phó quản lý nói và chỉ tay ra phía một người cao gầy có cái đầu hói. – Tên ông ta là Trung úy O’Malley.

– Được rồi,- Abel nói.- Bây giờ ông cho tất cả nhân viên sang khu nhà phụ đi. Mười giờ sáng mai tôi sẽ đến gặp tất cả mọi người. Còn trước đó ai muốn tìm tôi thì đến nhà hàng Stenvens. Tôi sẽ ở đây cho đến khi nào điều tra ra vụ này.

– Như thế cũng được.

Abel bước ra chỗ Trung úy O’Malley tự giới thiệu. Viên cảnh sát cao gầy hơi cúi xuống bắt tay Abel.

– A, ông cựu quản lý biến đi đâu mất bây giờ mới về nhìn cảnh tan hoang đây.

– Ông sĩ quan, tôi không thấy đó là chuyện đáng đùa,- Abel nói.

– Xin lỗi, – ông ta nói – Đúng là không có gì đáng đùa. Khiếp, mất cả một đêm dài. Ta đi uống cái gì chứ.

Viên cảnh sát cầm lấy khuỷu tay Abel và đưa anh qua Đại lộ Michigan đến một hiệu ăn ở góc đường.

Trung úy O’Malley gọi hai cốc sữa trứng. Abel cười khi anh thấy người ta để trước mặt cốc sữa đã đánh lên thành bọt trắng xoá. Từ bé đến giờ, đây là lần đầu tiên anh ăn sữa trứng đánh thành bọt.

– Tôi biết thế này là ngộ lắm. Mọi người trong thành phố đều phá luật và họ đều uống rượu buốc-bông với uống bia, – viên cảnh sát nói,- vì vậy phải có người uống cái khác chứ. Dù sao, luật cấm uống rượu cũng chẳng thể cấm mãi được. Rồi sau đây chắc tôi sẽ gặp nhiều khó khăn, vì bọn cướp sẽ phát hiện ra là tôi chỉ thích có sữa đánh trứng thôi.

Abel lại cười.

– Bây giờ nói đến những vấn đề của ông, ông Rosnovski. Trước hết tôi phải nói ngay là ông sẽ chẳng có tí hy vọng gì giành được tiền bảo hiểm cho khách sạn đó đâu. Các nhà chuyên gia chữa cháy đã đi xem xét kỹ lưỡng tất cả những chỗ còn lại của toà nhà và họ phát hiện ra đâu đâu cũng sặc mùi dầu lửa. Mà người ta cũng không thèm giấu nó nữa cơ. chỉ cần một que diêm đủ cho cả tòa nhà cháy bùng lên rồi.

– Ông có nghĩ là ai gây ra chuyện này không? – Abel hỏi.

– Xin ông để tôi hỏi. Ông có nghĩ về chuyện ai có thù hằn gì với khách sạn hoặc với cá nhân ông không?

Abel ậm ừ nói.

– Có đến năm chục người, ông ạ. Hồi mới đến đây, tôi đã thanh toán cả một bọn sâu mọt. Nếu ông cần, tôi có thể cho ông cả danh sách.

– Có lẽ tôi sẽ cần đến, nhưng cứ theo như người ta nói ở quanh đó thì có thể tôi cũng không cần đến, – viên trung úy nói – Tuy nhiên, nếu ông có được một thông tin gì chắc chắn thì ông cứ cho tôi biết, ông Rosnovski. Ông cần cho tôi biết, vì tôi nói để ông liệu là ông có rất nhiều kẻ thù ở ngoài kia lắm đấy, ông ta vừa nói vừa chỉ tay ra ngoài phố.

– Ông nói vậy là sao?- Abel hỏi.

– Có người nói chính ông làm chuyện đó vì ông đã mất hết tiền vào vụ phá sản vừa rồi, và bây giờ ông cần đến tiền bảo hiểm.

Abel đang ngồi đứng vụt dậy.

– Bình tĩnh, bình tĩnh. Tôi biết cả ngày hôm đó ông ở Boston, và điều quan trọng nữa là ở Chicago người ta biết ông xây dựng khách sạn thì có chứ đốt phá thì không. Nhưng chắc chắn là đã có người đốt khách sạn Richmond và thế nào tôi cũng tìm ra được tên đó. Bây giờ thì hãy cứ để đó đã – ông ta đứng dậy – Để tôi trả tiền sữa trứng, ông Rosnovski. Tương lai thế nào cũng có lúc tôi nhờ đến ông.

Hai người cùng đi ra cửa. Viên cảnh sát cười với cô gái ngồi ở quỹ thu tiền. Ông khen cô có đôi chân đẹp nhưng chỉ tiếc cho váy của cô theo mốt mới lại hơi quá dài. Ông ta đưa cho cô đồng năm mươi xu và nói.

– Cô em giữ lấy tiền lẻ nhé.

– Cảm ơn ông lắm, – cô gái nói.

– Chả ai khen tôi được một câu – viên trung úy nói.

Abel lại cười, lần này là lần thứ ba. Trước đây một tiếng đồng hồ, anh không nghĩ là mình còn có thể cười được nữa.

Lúc ra đến cửa, viên trung úy nói tiếp:

– Nhân đây, xin nói để ông biết là công ty bảo hiểm đang cho người tìm ông. Tôi không nhớ tên hắn ta, nhưng tôi chắc thế nào hắn cũng sẽ tìm ông. Ông đừng vội thù ghét gì hắn nhé, vì nếu như hắn tưởng ông có dính líu đến vụ này thì ai mà trách hắn được? Ông cứ liên lạc với tôi nhé, ông Rosnovski, tôi sẽ còn cần nói chuyện với ông nữa đấy.

Abel nhìn viên trung úy đi lẫn vào đám đông đứng đó rồi anh chậm chạp đi về phía khách sạn Stevells thuê phòng ngủ lại đêm. Viên tiếp tân của khách sạn vốn đã ghi tên phần lớn những người ở Richmond chạy sang, không khỏi mỉm cười thấy cả đến quản lý của khách sạn ấy cũng phải chạy sang đây nữa.

Vào đến trong phòng, Abel ngồi xuống viết một bức thư chính thức gửi cho William Kane, kể lại tất cả những chi tiết nào đó anh có thể biết được về vụ cháy. Trong thư anh cũng nói muốn nhân lúc được tự do một cách không ngờ này đi một tua thăm các khách sạn khác của công ty. Abel thấy mình chả nên nán lại Chiacago làm gì với đống tro tàn Richmond này và với hy vọng có ai đến cứu cho anh thoát được cái xui xẻo ở đây.

Sáng hôm sau, sau một bữa ăn sáng thịnh soạn ở Stenvens, Abel bao giờ cũng thấy dễ chịu trong một khách sạn được quản lý tử tế, anh đi bộ đến ngân hàng Contineltal gặp Curtis Feutơn đề nói lại cho ông ta nghe về thái độ của ngân hàng Kane và Cabot, nói cho đúng hơn là thái độ của William Kane. Mặc dầu Abel nghĩ yêu cầu này là vô lý nhưng anh vẫn nêu lên ý kiến là sẽ tìm người mua lại công ty Richmond với giá 2 triệu đô la.

– Vụ cháy đó chả giúp gì được cho chúng ta, nhưng tôi sẽ xem có thể làm gì được không, Fenton nói với vẻ tích cực hơn là Abel tưởng – Hồi ông mua 24 phần trăm cổ phần của bà Leroy, tôi đã bảo những khách sạn đó là vốn liếng có giá trị và ông làm như vậy là đúng. Mặc dầu có chuyện phá sản vừa rồi, tôi vẫn không nghĩ khác đâu, ông Rosnovski. Tôi đã theo dõi việc ông quản lý khách sạn gần hai năm nay rồi, nếu là cá nhân tôi quyết định thì tôi sẽ ủng hộ ông, nhưng tôi e rằng ngân hàng này sẽ không đồng ý cứu cho Công ty Richmond đâu. Chúng tôi biết tình hình tài chính của Công ty này từ lâu rồi, nên không tin tưởng lắm. Bây giờ lại thêm vụ cháy đó càng khó. Tuy nhiên, tôi vẫn còn có một số quan hệ với bên ngoài nên tôi sẽ xem họ có thể giúp được gì. Trong thành phố này có lẽ ông còn có nhiều người khâm phục ông hơn là ông tưởng, ông Rosnovski.

Sau khi nghe mấy lời bình luận của Trung úy O’Malley, Abel nghĩ bụng không biết mình còn có bạn nào ở Chicago nữa không. Anh cảm ơn Curtis Fenton, rồi trở ra quầy rút 5000 đôla trong tài khoản của khách sạn. Cả buổi sáng hôm đó, anh ở lại trong khu nhà phụ của Richmond. Anh trả cho mỗi nhân viên hai tuần lương và bảo họ có thể tiếp tục ở lại trong nhà này ít nhất một tháng hoặc cho đến khi nào kiếm được việc khác Rồi anh trở lại khách sạn Stenvens, gói ghém ít quần áo mới phải mua thêm vì số cũ đã bị cháy hết, và chuẩn bị đi một tua thăm các khách sạn khác của Công ty Richmond.

Anh đánh chiếc xe Buick vừa mua trước khi có vụ thị trường chứng khoán đổ sụp, đi về phía Nam và bắt đầu bằng khách sạn Richmond ở St. Louis. Chuyến đi quanh các khách sạn của công ty mất gần bốn tuần. Mặc dầu nơi nào cũng yếu kém và làm ăn thua lỗ cả, nhưng trong cách nhìn của Abel thì không nơi nào đến nỗi tuyệt vọng. Ở đâu cũng đều có địa điềm rất tốt có nơi thậm chí khách sạn ở chỗ tốt nhất trong thành phố. Ông già Leroy ngày xưa rõ ràng là có con mắt tinh đời hơn ông con, Abel nghĩ bụng. Anh kiểm tra lại cẩn thận chính sách bảo hiểm của từng khách sạn, đều không thấy có vấn đề gì. Cuối cùng anh đến khách sạn Richmond ở Dallas và anh có thể tin chắc được một điều, đó là bất cứ ai mua được công ty này với giá 2 tnệu đô la thì sẽ có lợi vô cùng. Anh ước gì mình có được cơ hội này, vì anh biết rõ cách làm thế nào cho công ty được phát đạt.

Về đến Chicago, anh lại đến khách sạn Stenvens. Ở đây có nhiều thư đang đợi anh. Trung úy O’Malley muốn được gặp anh. Cả William Kane, Curtis Fenton và cuối cùng là một ông Henry Osborne nào đó.

Abel bắt đầu bằng luật pháp đã. Anh nói chuyện điện thoại với O’Malley và hẹn gặp ông ta ở Đại lộ Michigan. Abel ngồi trên một chiếc ghế quay lưng vào quầy nhìn ra cái vỏ cháy đen của khách sạn Richmond và chờ viên Trung úy O’Malley đến muộn vài phút nhưng không xin lỗi, ông ta ngồi luôn xuống ghế bên và xoay người sang nhìn Abel.

– Tại sao ta phải gặp nhau thế này nữa?- Abel hỏi.

– Ông còn nợ tôi đấy, – viên Trung úy nói. Ở Chicago này, ai còn nợ O’Malley một cốc sữa trứng thì không chạy đi đâu được.

Abel gọi hai cốc, một cốc to và một cốc thường.

– Ông tìm ra điều gì không? – Abel hỏi và đưa ống hút sữa cho ông ta.

– Bọn anh em bên cứu hỏa nói đúng đấy, đây là vụ cố ý đốt. Chúng tôi đã bắt giam một gã tên là Desmond Pacey, sau mới biết hắn là người quản lý cũ của Richmond. Đó là vào hồi ông, phải thế không?

– Có lẽ như vậy, – Abel nói.

– Tại sao lại có lẽ? – viên Trung úy hỏi.

– Tôi cho đuổi Pacey về tội giả mạo hóa đơn khách sạn. Lão ta dọa sẽ trả thù tôi. Tôi thì tôi không quan tâm, vì đời tôi đã có quá nhiều chuyện đe dọa như vậy rồi, cho nên những loại người như Pacey có dọa mấy tôi cũng không coi vào đâu.

– Ấy thế mà chúng tôi phải coi chừng lão ta đấy. Cả bên cơ quan bảo hiểm nữa. Tôi được nghe là họ sẽ không trả một xu nào nếu không chứng minh được rằng giữa Pacey với ông không có sự đồng lõa gì với nhau trong vụ đốt này.

– Bây giờ tôi cũng chỉ cần có thế, – Abel nói.- Làm sao ông biết chắc rằng đó là Pacey?

– Ngay trong ngày xảy ra vụ cháy, chúng tôi đã tìm ra lão ta ở khu thương tật trong bệnh viện thành phố. Chúng tôi chỉ cần hỏi qua bệnh viện cho biết tên từng người đã vào bệnh viện hôm đó vì bị bỏng thôi. May làm sao, trong nghề cảnh sát chúng tôi thường gặp may thế đấy vì chẳng phải tất cả chúng tôi đều là Sherlock Holmes cả đâu, có bà vợ của một viên thượng sĩ nghe nói đến tên lão ta đã biết ngay đó là người quản lý cũ của khách sạn Richmond, vì bà ta đã từng làm ở đó rồi. Dù không biết chuyện đó thì tôi cũng vẫn có thể tìm ra được, vì nó đã rõ như hai với hai là bốn. Lão ta đã nhanh chóng khai ra ngay, hình như lão ta chẳng ngại gì chuyện bị giam cả, coi như trả thù được như thế là sướng rồi. Chỉ mới trước đây ít lúc thôi, tôi vẫn chưa xác định được ông ta trả thù như thế để làm gì, nhưng bây giờ thì tôi hiểu rồi, tuy tôi không lấy gì làm ngạc nhiên lắm. Vậy là coi như chuyện đó đến đây kết thúc, ông Rosnovski ạ.

Viên Trung úy lại ngậm vào ống hút cạn sữa trong cốc.

– Ông làm cốc nữa nhé, – Abel hỏi.

– Thôi, tôi đủ rồi. Tôi còn nhiều việc trong ngày hôm nay lắm – ông ta đứng dậy – Chúc ông may mắn, ông Rosnovski. Nếu ông có thể chứng minh với cơ quan bảo hiểm là ông không dính líu gì đến Pacey thì ông sẽ đòi được tiền đấy. Nếu vụ này đưa ra tòa thì tôi sẽ làm mọi cách để giúp ông nếu được. ông cứ liên lạc với tôi nhé!

Abel nhìn ông ta đi khuất sau cửa. Anh cho cô phục vụ một đô la rồi bước ra ngoài hè và đứng nhìn vào khoảng không, khoảng không trước đây gần một tháng là Khách sạn Richmond. Rồi anh quay mình đi trở về khách sạn Stenvens.

Lại một bức thư nữa của Henry Osborne, mà trong thư này anh vẫn chưa biết được người đó là ai. Chỉ còn một cách để tìm hiểu. Abel gọi thẳng cho Osbome thì được biết ông ta là thanh tra của Công ty Bảo hiểm Great Western có liên quan đến khách sạn này. Abel hẹn gặp Osborne vào buổi trưa. Rồi sau đó anh gọi cho William Kane ở Boston thông báo lại về chuyến đi của anh thăm các khách sạn kia.

– Tôi cũng muốn nói thêm rằng tôi có thể biến những thua lỗ của các khách sạn đó thành lợi nhuận nếu tôi được ông cho thêm thời gian và ủng hộ tôi. Những gì tôi đã làm được ở Chicago, tôi sẽ có thể làm được với tất cả khách sạn khác của công ty.

– Ông có thể làm được đấy, ông Rosnovski, nhưng tôi e rằng sẽ không phải bằng tiền của ngân hàng Kane và Cabot. Tôi cũng xin nhắc để ông nhớ rằng ông chỉ còn ít ngày để tìm người mua thôi đấy. Xin chào ông.

– Thật là một bọn hãnh tiến, – Abel nói nhưng đầu dây đằng kia không còn ai nghe. – Tôi không đáng dùng tiền của các anh được hả? Được rồi, một ngày kia bọn vô lại các anh…

Tiết mục sau trên chương trình nghị sự của Abel là làm việc với người của công ty bảo hiểm Henry Osbome hóa ra là một người cao lớn, bảnh trai, có đôi mắt đen và bộ tóc đen đã đốm bạc. Abel thấy ông ta thoải mái và hợp với tính mình. Ngoài câu chuyện của Trung úy O’Malley, Osborne không có ý trả một đồng nào trong khi cảnh sát đang đòi truy tố Desmond Pacey và trong khi chưa có gì chứng thực rằng Abel không dính líu đến vụ đốt phá này. Henry Osborne xem ra có vẻ rất thông cảm với toàn bộ vấn đề.

– Công ty Richmond có đủ tiền xây dựng lại khách sạn không? – Osborne hỏi.

– Chẳng có xu nào, – Abel nói.- Cả công ty đã bị thế nợ, và bây giờ ngân hàng đang thúc tôi phải bán đi đây

– Tại sao lại là ông? – Osborne hỏi.

Abel giải thích đầu đuôi chuyện anh đã mua cổ phần mà không thật sự làm chủ khách sạn như thế này. Henry Osborne nghe có vẻ ngạc nhiên.

– Cố nhiên tự ngân hàng họ có thể thấy rõ ông đã quản lý khách sạn tốt như thế nào chứ? Mọi nhà kinh doanh ở Chicago đều biết ông là người quản lý đầu tiên đem lại lợi nhuận cho Davis Leroy. Tôi biết là ngân hàng họ cũng gặp thời buổi khó khăn, nhưng dù như thế đi nữa họ cũng phải biết phân biệt ai là người có thể làm lợi cho mình chứ.

– Không phải ngân hàng này.

– Continental ư?- Osborne nói. – Tôi vẫn thấy ông Curtis Fenton tuy có hơi cứng nhắc nhưng chịu nghe điều phải trái đấy chứ?

– Không phải Continental. Khách sạn nằm trong tay một ngân hàng ở Boston có tên là Kane và Cabot.

Henry Osborne bỗng tái người và ngồi bệt xuống ghế.

– Ông sao thế? – Abel hỏi.

– Không, tôi không sao.

– Có lẽ ông cũng biết Kane và Cabot chứ?

– Ông giữ kín được không? – Henry Osborne hỏi

– Được chứ.

– Trong quá khứ, công ty chúng tôi đã có một lần làm ăn với họ rồi.- ông ta ngập ngừng một lát. – Và cuối cùng chúng tôi phải đưa họ ra tòa.

– Tại sao thế?

– Tôi không thể tiết lộ cụ thể được. Một chuyện kinh doanh bẩn thỉu đó thôi. Phải nói là một trong những giám đốc ngân hàng ấy đã không hoàn toàn lương thiện và thẳng thắn đối với chúng tôi.

– Người nào thế?- Abel hỏi.

– Ông đã làm việc với người nào?- Osborne hỏi.

– Một người có tên là Wilham Kane.

Osbome lại có vẻ ngập ngừng.

– Ông phải cẩn thận đấy.- ông ta nói.- Đó là một tên đểu giả hạng nhất. Tôi có thể cho ông biết kỹ về hắn ta nếu ông cần, nhưng điều này thì chỉ hoàn toàn có chúng ta biết với nhau thôi.

– Tôi chả nhờ cậy gì ông ta đâu, – Abel nói. – Rồi tôi sẽ liên hệ với ông, ông Osborne. Tôi cũng có việc phải thanh toán với ông Kane đó về chuyện ông ta đã đối xử với Davis Leroy.

– Vậy thì ông có thể trông vào sự giúp đỡ của tôi nếu như đó là chuyện liên quan đến William Kane. – Henry Osbome nói. Ông ta đứng dậy nói tiếp. – Nhưng điều này chỉ có hai chúng ta biết với nhau thôi nhé. Nếu như tòa án cho thấy rõ ràng chỉ có Desmond Pacey đốt khách sạn thôi và không có ai dính dáng vào đó nữa, thì ngay trong ngày hôm đó công ty sẽ trả tiền bảo hiểm cho ông. Rồi có lẽ chúng ta có thể cùng làm ăn với nhau về những khách sạn khác nữa.

– Có thể lắm, – Abel đáp.

Anh sẽ về Stenvens, quyết định ngồi ăn trưa ở đó xem khách sạn này quản lý nhà ăn như thế nào. Có một lá thư đang chờ anh ở quầy tiếp tân. Một ông David Maxton nào đó muốn hỏi xem Abel có thể cùng ăn trưa với ông ta được không.

– David Maxton – Abel nói to lên. Nhân viên tiếp tân nhìn anh. Anh hỏi cô gái ở đó. – Tôi biết ông này là ai đâu?

– Ông ấy là chủ khách sạn này, thưa ông Rosnovski.

– À thế. Xin cô nói giùm với Maxton là tôi sẽ rất lấy làm sung sướng được cùng ăn trưa với ông.- Abel nhìn đồng hồ – Nhờ cô nói thêm với ông ấy rằng tôi xin đến muộn vài phút nhé.

– Tất nhiên, thưa ông – cô gái đáp.

Abel vội lên phòng mình thay chiếc áo sơ-mi trắng mới, trong bụng nghĩ không biết David Maxton muốn gì ở mình.

Lúc Abel đến thì phòng ăn đã chật người. Người trưởng nhóm phục vụ chỉ anh đến một chiếc bàn riêng để trong hốc và đã có ông chủ khách sạn Stenvens ngồi đó rồi. ông ta đứng dậy chào Abel.

– Tôi là Abel Rosnovski, thưa ông.

– Vâng, tôi biết, – Maxton nói – Đúng hơn, tôi được biết tiếng ông. Mời ông ngồi và chúng ta cùng gọi ăn trưa.

Abel phải khen ngợi Stenvens. Mọi thứ, từ ăn uống đến phục vụ đều tốt như ở khách sạn Plaza vậy. Nếu anh muốn có một khách sạn tốt nhất ở Chicago thì chắc chắn nó phải hơn khách sạn này mới được.

Người trưởng hầu bàn đem thực đơn đến. Abel xem kỹ bản thực đơn trong tay mình, anh khiêm tốn bỏ qua món đầu khai vị, và chọn ngay món thịt bò, vì anh nghĩ đó là cách tốt nhất và nhanh nhất để xác định xem nhà ăn ở đây có quan hệ với một cửa hàng thịt tốt hay không. Dayid Maxton không nhìn vào thực đơn, chỉ gọi món cá hồi. Người phục vụ vội bước đi ngay.

– Chắc ông còn chưa hiểu tại sao tôi mời ông đến ăn trưa, phải không ông Rosnovski?

– Tôi đoán, – Abel cười nói,- ông định yêu cầu tôi tiếp quản khách sạn Stenvens này cho ông.

– Ông nói rất đúng, ông Rosnovski.

Abel sững người. Bây giờ lại đến lượt Maxton cười.

Mặc dầu người hầu bàn đã đẩy một chiếc xe nhỏ đưa món thịt bò ngon nhất đến bên bàn nhưng họ vẫn không để ý. Người phục vụ chờ. Maxton vắt chanh lên món cá và nói tiếp:

– Trong vòng năm tháng nữa, người quản lý của tôi sẽ về nghỉ hưu sau hai mươi năm làm việc rất trung thành, rồi liền sau đó một ít là người phó quản lý cũng về nốt, vì vậy tôi phải tìm người thay thế.

– Tôi thấy chỗ này đã quá tốt rồi, – Abel nói.

– Nhưng tôi vẫn muốn cho tốt hơn nữa, ông Rosnovski. Tôi không bao giờ thỏa mãn với hiện trạng, – Maxton nói.- Tôi đã theo dõi rất kỹ những hoạt động của ông. Chỉ sau khi ông tiếp quản nhà Richmond vào tay mình thì nơi đó mới được liệt vào hàng khách sạn. Trước đó, nó chỉ là một cái nhà trọ. Trong vài ba năm nữa, nếu như không có thằng điên nào đó đốt nó đi như vậy thì ông đã là một đối thủ cạnh tranh với Stenvens rồi.

– Ông ăn khoai chứ ạ, thưa ông?

Abel nhìn lên một cô phục vụ trẻ rất xinh đẹp. Cô ta cười nụ với anh.

– Không, cảm ơn cô, – anh nói. – Vâng, thưa ông Maxton, tôi rất hân hạnh về lời nhận xét và cảm ơn về đề nghị vừa rồi của ông.

– Tôi nghĩ làm ở đây ông sẽ rất hài lòng, ông Rosnovski. Stenvens là một khách sạn được quản lý khá tốt và tôi sẵn sàng trả ông ngay từ đầu mỗi tuần năm mươi đô la cộng với hai phần trăm lợi nhuận. Tùy ông muốn bắt đầu làm lúc nào cũng được.

– Tôi cần có ít ngày để suy nghĩ về đề nghị rất rộng rãi của ông, thưa ông Maxton, – Abel nói. Tôi phải thú thật với ông là đề nghị đó rất hấp dẫn, tuy nhiên tôi còn một số vấn đề với Richmond chưa giải quyết xong.

– Ông dùng đậu đũa chứ ạ, thưa ông?- Vẫn cô phục vụ đó và vẫn nụ cười đó.

Khuôn mặt trông thật quen thuộc. Abel tin chắc là mình đã trông thấy cô ta ở đâu rồi. Có lẽ cô ta đã làm việc ở Richmond rồi chăng.

– Vâng, xin cô.

Anh nhìn theo cô ta bước đi. Cô ta có một cái gì đó là lạ

– Sao ông không ở lại thêm mấy ngày, coi như khách của tôi?- Maxton nói. – Ông ở lại xem chúng tôi quản lý chỗ này thế nào, như vậy sẽ giúp cho ông quyết định được.

– Điều đó không cần thiết lắm, thưa ông Maxton. Chỉ cần ở đây một ngày là tôi đã thấy khách sạn được quản lý tốt như thế nào rồi. Cái khó đối với tôi ở chỗ chính tôi là chủ công ty Richmond.

David Maxton ngạc nhiên.

– Tôi lại không biết điều đó. – ông ta nói. – Tôi cứ yên trí cô con gái của ông Davis Leroy hiện nay là chủ.

– Câu chuyện dài lắm, – Abel nói. Rồi anh giải thích đầu đuôi cho Maxton nghe anh đã đi đến làm chủ những cổ phiếu của công ty như thế nào.

– Vấn đề bây giờ cũng đơn giản thôi, thưa ông Maxton. Cái tôi thực sự muốn làm bây giờ là làm sao kiếm ra hai triệu đô la để xây dựng lại công ty đó cho xứng đáng, tạo ra một cái gì đó có ý nghĩa đối với đồng tiền bỏ ra.

– À ra thế, – Maxton nói và nhìn vào đĩa mình đã ăn xong với một vẻ băn khoăn. Người phục vụ đến dọn đĩa đi.

– Thưa ông dùng cà phê chứ ạ?- Vẫn cô phục vụ ấy. Vẫn nụ cười quen thuộc ấy. Abel bắt đầu cảm thấy lo ngại

– Và ông nói là Curits Fenton của ngân hàng Continental đang tìm người mua cho ông?

– Vâng. ông ấy tìm đã gần một tháng nay, – Abel nói.- Thật ra, đến chiều hôm nay thì tôi sẽ biết được ông ta có thành công hay không, tuy nhiên tôi không lạc quan lắm.

– Kể cũng lý thú đấy nhỉ. Tôi không hề biết là công ty Richmond đang tìm người mua. Được hay không ông cũng cho tôi biết nhé.

– Vâng, thưa ông, – Abel đáp.

– Ngân hàng hàng Boston còn cho ông bao nhiêu thời gian nữa để kiếm được hai triệu đô la ấy?

– Chỉ còn mấy ngày nữa thôi, vì vậy cho đến khi tôi báo cho ông biết về quyết định của tôi thì chắc cũng sẽ không lâu đâu.

– Cảm ơn ông, – Maxtin nói. – Tôi vui mừng được gặp ông, ông Rosnovski. Tôi tin chắc là làm việc với ông sẽ thích lắm. – ông ta bắt tay Abel rất nồng nhiệt Trên đường đi ra khỏi phòng ăn, Abel lại thấy cô phục vụ nhìn mình cười. Ra đến chỗ người trưởng nhóm, anh đứng lại và hỏi tên cô ta là gì.

– Thưa ông, rất tiếc là chúng tôi không được phép cho khách biết tên của bất cứ nhân viên nào làm việc ở đây, đó là chính sách của công ty chúng tôi phải triệt để tuân theo. Nếu ông có điều gì đáng phàn nàn, xin ông cứ việc cho tôi biết cũng được.

– Không phàn nàn gì hết, – Abel nói.- Trái lại, đây là một bữa ăn tuyệt vời.

Vốn đã có sẵn một việc làm khác rồi, Abel đi gặp Curtis Fenton với một tâm lý tự tin hơn. Anh tin chắc là nhà ngân hàng kia chưa tìm được người mua, nhưng anh vẫn vui vẻ đến Continental. Anh thấy thú vị với ý nghĩ được làm quản lý của một khách sạn tốt nhất Chicago. Có lẽ anh sẽ biến nó thành một khách sạn tốt nhất nước Mỹ. Anh vừa bước đến ngân hàng đã được người ta mời vào ngay phòng làm việc của Curtis Fenton. Nhà ngân hàng cao và gầy, không biết ông ta ngày nào cũng mặc bộ quần áo ấy hay ông có ba bộ giống nhau, mời anh ngồi xuống ghế và nở một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt bình thường là nghiêm nghị.

– Ông Rosnovski, rất mừng được gặp lại ông. Nếu ông đến từ sáng sớm nay thì tôi chả có tin tức gì báo cho ông biết được. Nhưng vừa cách đây một lúc, tôi đã nhận được điện thoại của một nguời quan tâm đến nó.

Abel giật mình vừa vì ngạc nhiên vừa vì vui mừng. Anh lặng người đi một lát rồi nói:

– Ông có thể cho tôi biết đó là ai được không?

– Có lẽ không. Người có liên quan ấy ra lệnh cho tôi là phải tuyệt đối giữ kín tên cho, vì việc mua bán này là một chuyện đầu tư riêng có phần nào mâu thuẫn với chính công việc kinh doanh của người đứng ra mua.

– David Maxton rồi, – Abel lẩm bẩm trong miệng. – Chúa phù hộ cho ông ta.

Curtis Fenton không trả lời và nói tiếp:

– Như tôi đã nói đó, ông Rosnovski, tôi không có tư cách gì để. . . .

– Hoàn toàn có, hoàn toàn có, – Abel nói.- ông tưởng còn phải thế nào nữa thì ông mới có tư cách để cho tôi biết về quyết định của người đó, bằng cách này hay cách khác?

– Lúc này đây thì tôi chưa chắc được, nhưng có thể đến thứ hai thì tôi sẽ có thêm tin tức cho ông. Nếu ông có dịp qua…

– Có dịp qua ư? – Abel ngắt lời. – Đây là chuyện của cả đời tôi kia mà.

– Vậy thì chúng ta hẹn gặp vào sáng thứ hai.

Abel đi bộ dọc theo Đại lộ Michigan trên đường trở về khách sạn Stenvens, miệng ư ử bài hát “Vì sao xa mờ”. Anh lên phòng và gọi điện thoại cho William Kane đề nghị cho kéo dài thời hạn đến thứ hai tuần tới Anh báo cho anh ta biết là có thể đã tìm được người mua rồi Kane tỏ ra hơi miễn cưỡng nhưng cuối cùng đã đồng ý.

– Thằng vô lại, – Abel nhắc đi nhắc lại mấy lần chữ đó rồi bỏ máy xuống. – Hãy cho tao ít thời gian nữa thôi Kane ạ. Rồi mày sẽ sống để mà ân hận vì đã giết Davis Leroy.

Abel ngồi ở góc giường, gõ ngón tay lên thành giường trên đầu, bụng nghĩ không biết làm gì hết thì giờ cho đến thứ hai. Anh xuống nhà đi lang thang trong hành lang. Anh lại trông thấy cô ta, cô gái đã phục vụ anh bữa trưa và bây giờ đang phục vụ trà trong Vườn Nhiệt Đới. Tính tò mò nổi lên, Abel bèn bước vào trong đó, ngồi ở một chiếc ghế góc phòng. Cô ta bước tới.

– Xin chào ông, – cô ta nói. – ông muốn dùng trà chứ ạ? – Lại vẫn nụ cười quen thuộc ấy.

– Chúng ta biết nhau chứ, phải thế không?- Abel nói.

– Chúng ta có biết nhau, Wladek.

Nghe đến cái tên đó, Abel giật nẩy mình, hơi đỏ mặt lên, và chợt nhớ lại ngay mớ tóc vàng ngắn này trước kia đã dài và mềm mại biết chừng nào, và đôi mắt mơ màng kia đã từng khêu gợi biết chừng nào.

– Zaphia, chúng ta cùng đi một chuyến tàu sang Mỹ, tàu Mũi Tên Đen ấy. Đúng rồi, sau đó em đi Chicago. Em làm gì ở đây?

– Em làm việc ở đây, anh thấy đó. Thưa ông, ông dùng trà chứ ạ? – Giọng nói Ba Lan của cô khiến Abel cảm thấy ấm lòng.

– Tối nay em ăn với anh nhé – Abel nói.

– Không được đâu, Wladek. Ở đây không được phép đi ăn với khách. Nếu làm thế là mất việc liền.

– Anh không phải là khách, – Abel nói. – Anh là bạn cũ.

– Người bạn cũ đã từng hứa là sau khi có chỗ ăn ở tử tế sẽ đến Chicago thăm em, – Zaphia nói, – Và khi anh ta đến đây rồi thì cũng không còn nhớ ra em ở đây nữa.

– Anh biết, anh biết. Tha lỗi cho anh, Zaphia. Em hãy cùng ăn với anh tối nay đi. Chỉ một lần này thôi,- Abel nói.

– Chỉ một lần này thôi,- cô nhắc lại.

– Em đến gặp anh ở nhà hàng Brundage vào bảy giờ tối nhé. Giờ đó có được không?

Zaphia nghe đến tên đó mà thấy ngượng. Đó có lẽ một nhà hàng sang trọng và đắt tiền nhất ở Chicago, cô chỉ muốn phục vụ ở đó cũng được, chứ đừng nói là khách đến ăn nữa.

– Không. đi nơi nào nhỏ hơn cơ, Wladek.

– Ở đâu? – Abel hỏi.

– Anh có biết nhà Sausage ở góc đường 43 không?

– Không, anh không biết, nhưng rồi sẽ tìm ra. Bảy giờ nhé?

– Bảy giờ, Wladek. Thế thì tuyệt. Bây giờ anh có muốn uống trà không?

– Không, có lẽ anh thôi,- Abel nói.

Cô mỉm cười và bước đi. Anh nhìn cô phục vụ trà một lúc. Trông cô xinh đẹp hơn nhiều so với hình ảnh anh nhớ lại được. Vậy là từ nay đến thứ hai, giết thì giờ cũng sẽ không có gì khó lắm.

Nhà hàng Sausage khiến Abel nhớ lại những ngày đầu gian khổ khi mới đặt chân lên đất Mỹ. Anh ngồi nhấp một cốc bia lạnh chờ Zaphia đến và nhìn những người phục vụ bê thức ăn đến các bàn chung quanh bằng con mắt nhà nghề, tỏ ra không bằng lòng. Anh cũng không biết ở đây cái gì dở hơn, thức ăn hay là cách phục vụ. Zaphia đến chậm gần hai mươi phút.

Cô xuất hiện ở cửa vào, mặc chiếc áo màu vàng trông rất bảnh với chiếc váy thả dài xuống một chút cho hợp với thời trang nhưng vẫn không giấu được vẻ thon thả rất hấp dẫn vốn có của cô. Đôi mắt màu xám của cô nhìn quanh tìm bàn của Wladek. CÔ đỏ bừng mặt khi biết mọi người xung quanh đang ngắm nhìn mình.

– Chào anh, Wladek,- cô nói bằng tiếng Ba Lan lúc đến gần bên Abel.

Abel đứng dậy nhường ghế cho cô ngồi ở gần lò sưởi

– Anh rất mừng em đến được, – anh nói bằng tiếng Anh.

Cô phân vân một lát rồi cũng trả lời lại bằng tiếng Anh.

– Em xin lỗi đến muộn.

– Em uống gì đã chứ, Zaphia?

– Không, cảm ơn anh.

Hai người ngồi im không nói gì, nhưng rồi cả hai người cùng nói.

– Anh đã quên đi mất rằng em xinh đẹp biết chừng nào… – Abel nói.

– Làm sao anh có thể… Zaphia nói.

Cô cười và hơi thẹn khi Abel muốn chạm vào người cô. Anh rất nhớ đến lần đầu cách đây hơn tám năm lúc vừa chạm vào người cô cũng có phản ứng như vậy.

– George thế nào?- Cô hỏi.

– Đã hơn hai năm nay anh không gặp cậu ta, – Abel đáp, trong lòng bỗng thấy ngượng.- Anh làm việc ở một khách sạn Chicago này, và…

– Em biết, – Zaphia nói.- Người ta đốt nó rồi.

– Tại sao em không đến chơi gặp anh?- Abel hỏi.

– Em chắc anh không nhớ, Wladek. Và em nghĩ thế là đúng.

– Vậy sao em nhận ra anh?- Abel nói. – Anh béo ra nhiều thế kia mà.

– Đó là do chiếc vòng bạc của anh, – cô nói.

Abel nhìn xuống cổ tay và cười.

– Anh phải cảm ơn chiếc vòng này rất nhiều, và bây giờ thì phải cảm ơn nó đã cho chúng ta gặp lại nhau.

Cô tránh không nhìn anh.

– Bây giờ không còn khách sạn nữa thì anh làm gì?

– Anh đang tìm việc, – Abel nói, không muốn làm cho cô lo ngại về chuyện người ta mới đề nghị anh về quản lý khách sạn Stenvens.

– Sắp có việc quan trọng ở Stenvens đấy. Bạn trai em nói vậy.

– Bạn trai em bảo thế à?- Abel hỏi lại, trong lòng không vui.

– Vâng, – cô đáp.- Khách sạn sắp tìm một người phó quản lý mới. Sao anh không xin luôn việc đó đi? Em chắc anh xin thì được đấy, Wladek. Em vẫn tin rằng anh sang đây sẽ thành công.

– Có lẽ anh sẽ xin, – Abel nói.- Em nghĩ đến anh như thế là rất đáng quý. Nhưng tại sao bạn trai của em không xin việc ấy?

– Ồ không, anh ta còn quá trẻ, người ta chả màng đến anh ta đâu. Anh ta chỉ là người phục vụ phòng ăn như em thôi.

Abel bỗng muốn đổi chỗ cho anh chàng kia.

– Chúng ta ăn chứ? – anh nói.

– Em không quen đi ăn ngoài thế này, – Zaphia nói.

Cô nhìn vào thực đơn. Bỗng Abel chợt hiểu ra là cô chưa đọc được tiếng Anh, vì vậy anh gọi cho cả hai người. Cô ăn một cách khoan khoái và cứ khen ngon mãi.

Abel thấy niền vui hồn nhiên của cô là một liều thuốc bổ sau khi đã tiếp xúc với cái vẻ hiện đại nhưng nhàm chán của Melanie. HỌ nói chuyện với nhau về cuộc đời của mình từ khi sang Mỹ đến giờ. Zaphia bắt đầu bằng những việc hầu hạ trong nhà và dần dần trở thành cô chiêu đãi viên ở khách sạn Stenvens, cho đến nay đã được sáu năm. Abel kể rất nhiều về chuyện mình cho đến lúc cô liếc nhìn vào đồng hồ tay của anh.

– Xem giờ nhé, Wladek, – cô nói.- Đã hơn mười một giờ rồi, mà em thì sáng mai phải có mặt ở phòng ăn sáng từ sáu giờ đấy.

Abel không để ý đến thời gian trôi nhanh, thế mà đã bốn tiếng rồi. Anh muốn ngồi nói chuyện với Zaphia cho đến hết đêm. Cô thì nghe chuyện rất khâm phục anh và nghĩ gì nói thẳng ra ngay.

– Anh còn gặp lại em được không, Zaphia? – anh hỏi lúc hai người cùng khoác tay nhau đi bộ về Stenvens.

– Tùy anh, Wladek.

Họ dừng lại ở cửa ra vào của nhân viên ở phía sau khách sạn.

– Em vào bằng cửa này, – cô nói – Còn nếu anh làm phó quản lý thì anh sẽ được vào bằng cửa trước.

Em gọi anh là Abel được không?- anh hỏi cô.

– Abel?- cô hơi lạ hỏi lại trước kia anh tên là Wladek kia mà.

– Trước kia thì thế, bây giờ thôi rồi. Tên anh là Abel Rosnovski.

– Tên Abel nghe ngộ nghĩnh đấy, nhưng cũng hợp với anh, – cô nói – Cảm ơn anh về bữa ăn, Abel. Gặp lại anh em mừng lắm. Thôi, chúc anh ngủ ngon nhé.

– Chúc em ngủ ngon, Zaphia, – anh đáp, và cô quay người đi.

Anh nhìn cô đi khuất vào trong cửa rồi chầm chậm quay trở lại ra phía cửa trước khách sạn. Anh chợt cảm thấy mình cô đơn quá, và lần này không phải là lần đầu tiên trong đời.

Mấy ngày cuối tuần Abel chỉ toàn nghĩ đến Zaphia và những hình ảnh liên quan đến cô. Anh nghĩ đến mùi hôi thối trong hầm tầu đi di cư, nghĩ đến những đoàn người xếp hàng dài trên đảo Ellis, và nhất là lúc hai người yêu nhau say đắm trên con thuyền phao ở tàu. Tất cả các bữa ăn anh đều xuống phòng ăn trong khách sạn để được gần với cô và để xem người bạn trai nào đó của cô mà Abel đoán là anh ta thế nào cũng có mụn nhọt trên mặt. Quả nhiên là anh ta có thế thật, nhưng dù như vậy đi nữa anh ta vẫn là một chàng đẹp trai nhất trong tất cả những người phục vụ.

Hôm thứ bẩy, Abel muốn đưa Zaphia đi chơi, nhưng cô phải làm việc cả ngày. Tuy vậy, anh vẫn thu xếp để cùng đi nhà thờ với cô vào sáng Chủ nhật nghe linh mục người Ba Lan làm lễ khiến anh càng nhớ đến quê hương. Kể từ ngày ở trong lâu đài Ba Lan đến nay, bây giờ anh mới lại đi lễ nhà thờ. Hồi đó, anh không sao hình dung được tất cả những sự độc ác nó đã khiến anh không còn thể tin được ở lòng từ thiện của các thần thánh nữa. Đi lễ nhà thờ, anh coi như được có một phần thưởng vì Zaphia cho anh cầm tay cô và hai người cùng đi bộ về khách sạn.

– Anh còn nghĩ về làm ở Stenvens nữa không? – cô hỏi dò.

– Đến sáng mai thì anh sẽ biết được họ quyết định thế nào. .

– Ồ thế thì em mừng cho anh lắm, Abel. Em tin rằng anh sẽ làm được một phó quản lý rất tốt.

– Cảm ơn em, – Abel nói, trong bụng muốn cô chuyển sang chuyện khác.

– Tối nay anh có muốn cùng đến ăn với bà con ở chỗ em không?- Zaphia hỏi. – Tối chủ nhật nào em cũng về đó.

– Có anh rất muốn thế.

Mấy người chị họ của Zaphia ở gần nhà hàng Sausage giữa thành phố. Họ rất cảm động thấy zaphia cùng về với một người bạn Ba Lan mà lại lái chiếc xe Buick mới. Zaphia gọi đây là gia đình nhưng chỉ có hai người chị họ, Katya và Janina, với người chồng của Katya là Janek. Abel tặng các bà chị một bó hoa hồng rồi ngồi xuống nói chuyện bằng tiếng Ba Lan rất thạo. Anh trả lời mọi người các câu hỏi về tương lai và triển vọng làm ăn. Zaphia thì có vẻ lúng túng nhưng Abel biết rằng bất cứ người bạn trai nào đến một gia đình người Mỹ gốc Ba Lan cũng đều phải xử sự như anh. Thấy Janek nhìn mình bằng con mắt thèm muốn, anh phải cố tỏ ra khiêm tốn và kể lại những ngày đầu mình làm việc trong cửa hàng thịt.

Katya dọn một bữa ăn Ba Lan đơn giản mà nếu là mưởi lăm năm trước đây thì có lẽ Abel đã ăn rất ngon miệng. Anh nói chuyện với hai cô chị kia nhiều hơn là với Janek. Còn một thanh niên ít tuổi nữa cũng ngồi đấy nhưng Abel không biết anh ta có phải người Ba Lan không và cũng không hỏi tên.

Trên đường trở về Stenvens, Zaphia làm ra vẻ nũng nịu quay sang hỏi anh rằng một tay lái xe còn một tay nắm lấy tay phụ nữ ngồi cạnh như thế có an toàn không. Abel cười rụt tay về và cứ để nguyên trên tay lái cho đến lúc về tới khách sạn.

– Ngày mai em có thì giờ gặp anh không? – anh hỏi.

– Em hy vọng thế, Abel, – cô nói. – CÓ lẽ lúc đó anh đã là ông chủ của em rồi. Dù sao cũng chúc anh may mắn.

Anh mỉm cười với mình và nhìn cô đi khuất vào sau cửa, bụng nghĩ không biết cô sẽ thấy thế nào nếu kết quả ngày mai không được như ý muốn. Anh ngồi im trên xe cho đến lúc cô đã bước hẳn vào trong cửa ra vào của nhân viên.

– Phó quản lý thế đấy, – anh nói và cười to lên rồi nằm vào giường. Anh không biết đến sáng mai tin tức của Curtis Fonton sẽ ra sao. Anh cố xua đuổi hình ảnh Zaphia ra khỏi đầu mình, vứt chiếc gối xuống sàn rồi lăn ra ngủ.

Hôm sau, anh tỉnh dậy từ trước năm giờ. Căn phòng còn tối om khi anh gọi lấy số báo Diễn đàn buổi sớm. Anh đọc qua những mục về tài chính, mặc quần áo vào và sẵn sàng đi ăn sáng lúc nhà ăn mở cửa vào bẩy giờ. Sáng hôm nay, Zaphia không phục vụ trong nhà ăn chính. Chỉ có anh chàng bạn trai của cô thôi, và Abel cho đó là điều xấu. Anh chỉnh lại chiếc cavát đeo trên cổ đến mấy chục lần và lại nhìn đồng hồ.

Anh ước tính nếu mình đi bộ thật chậm thì sẽ đến ngân hàng vào đúng giờ họ mở cửa. Thực ra, anh đến đó trước năm phút và anh phải đi vòng quanh khối phố đó một lượt, nhìn một cách vô định vào các cửa hàng, xem những đồ nữ trang đắt tiền, những chiếc đài và những bộ quần áo cắt may bằng tay rất công phu. Anh tự hỏi Không biết bao giờ mình mới có tiền mua nổi những bộ quần áo như thế Anh quay về ngân hàng lúc chín giờ bốn phút.

– ông Fenton hiện giờ đang bận. ông muốn nửa giờ nữa quay lại hay muốn ở đây đợi? – cô thư ký hỏi.

– Tôi sẽ quay lại, – Abel đáp, không muốn tỏ ra lo lắng.

Đây là quãng thời gian ba mươi phút dài nhất kể từ khi anh đến Chicago. Anh nhìn kỹ từng cửa hàng trên phố La Salle, nhìn kỹ cả quần áo phụ nữ bày trong đó. Anh nghĩ đến Zaphia.

Quay về ngân hàng Continental, cô thư ký báo ngay cho anh biết Fenton đã sẵn sàng gặp anh.

Hai bàn tay toát mồ hôi, Abel bước vào phòng làm việc của giám đốc ngân hàng.

– Chào ông Rosnovski. Mời ông ngồi.

Curtis Fenton rút trong ngăn ra một tập hồ sơ. Abel có thể trông thấy chữ “Mật” viết trên bìa.

– Bây giờ nhé, – ông ta nói. – Tôi hy vọng ông sẽ thấy cái tin này của tôi là hợp với ý thích của ông đấy. Người bỏ tiền ra có ý muốn mua những khách sạn này với những điều kiện mà tôi cho ra rất thuận lợi.

– Lạy Chúa! – Abel nói.

Curtis Fonton làm như không nghe thấy gì, nói

– Thực ra là cực kỳ thuận lợi cho ông. ông ta sẽ có trách nhiệm bỏ ra toàn bộ hai triệu để thanh toán món nợ của ông Leroy, đồng thời lập ra một công ty mới với ông, trong đó cổ phần sẽ được chia ra sáu mươi phần trăm cho ông ta và bốn mươi phần trăm cho ông. Chỗ bốn mươi phần trăm của ông là tám trăm nghìn đô la, coi như được công ty mới cho ông vay trong thời hạn không quá mười năm, với lãi suất 4 phần trăm và có thể trả bằng lợi nhuận của công ty cũng với tỷ lệ lãi suất ấy. Có nghĩa là nếu trong một năm công ty có lợi nhuận ấy trả cho khoản nợ tám trăm ngàn của ông cộng với bốn phần trăm lãi suất. Nếu ông trả hết được số tiền vay tám trăm ngàn ấy trước hạn mười năm thì ông sẽ có quyền được mua sáu mươi phần trăm cổ phần còn lại của công ty với giá ba triệu đô la.

Như thế này khách hàng của tôi sẽ được quyền ưu tiên đầu tư, còn ông thì có cơ hội làm chủ công ty Richmond. Thế vào đó, ông sẽ có lương năm nghìn đô la một năm và với tư cách là chủ tịch công ty ông sẽ có quyền hoàn toàn kiểm soát các khách sạn. ông sẽ chỉ có quan hệ với tôi trên những vấn đề thu chi mà thôi.

Tôi được ủy nhiệm báo cáo trực tiếp cho người đã bỏ tiền ra, và ông ta cũng yêu cầu tôi đại diên cho quyền lợi của ông ta trong ban giám đốc của công ty Richmond mới. Tôi đã vui vẻ nhận lời làm việc này. Khách hàng của tôi không muốn cá nhân mình dính líu đến đó như tôi đã nói trước đây, có thể có chuyện mâu thuẫn về lợi ích nghề nghiệp của ông ta trong việc mua bán này, nhưng tôi chắc ông sẽ hiểu được. Ông ta cũng nhắc lại một lần nữa là ông chớ có bao giờ tìm hiểu xem ông ta là ai. Ông ta cho ông mười bốn ngày để suy nghĩ về những điều kiện trên đây, những điều klện mà ông ta cho rằng không còn gì đáng phải thương lượng nữa vì đã vô cùng thuận lợi rồi, và riêng tôi thì tôi cũng đồng ý như vậy.

Abel không thể nói được một lời nào.

– Ông nói gì đi chứ, ông Rosnovski.

– Tôi không cần đến mười bốn ngày để quyết định, – Abel nói. Tôi chấp nhận những điều kiện mà khách hàng của ông đã nêu ra. Xin ông cảm ơn ông ta giùm tôi và nói lại với ông ấy rằng tôi nhất định sẽ tôn trọng yêu cầu của ông ấy được giấu tên.

– Thế thì rất tốt, – Curtis Fenton nói và toét miệng cười – Bây giờ còn một số điểm nhỏ nữa. Tài khoản của khách sạn trong công ty đều sẽ gửi ở ngân hàng Continental và các chi nhánh. Tài khoản chính sẽ nằm ở đây, do tôi trực tiếp kiểm soát. Về phần tôi, tôi sẽ được hưởng mỗi năm một ngàn đô la với danh nghĩa một trong những giám đốc của công ty mới.

– Tôi mừng cho ông cũng có được phần mình trong cuộc này.

– Ông nói sao cơ? – nhà ngân hàng hỏi.

– Tôi nói là rất mừng được cùng làm việc với ông, ông Fenton.

– Ông chủ tài khoản cũng đã bỏ ra hai trăm năm mươi ngàn đô la gửi vào ngân hàng để dùng vào những chi phí hàng ngày cho các khách sạn trong mấy tháng tới. Khoản này cũng coi như một khoản vay với lãi suất bốn phần trăm. Nếu như số tiền này không đủ cho những nhu cầu của ông thì ông phải cho tôi biết ngay. Tôi cho rằng nếu như ông coi số tiền hai trăm năm chục ngàn đô la đó là đủ rồi thì ông khách hàng của tôi quả là đã đánh giá đúng về ông đó.

– Tôi sẽ suy nghĩ thêm về điều đó, – Abel nói, bắt chước giọng của nhà ngân hàng.

Custis Fenton mở ngăn kéo rút ra một điều xì gà Cu Ba.

– Ông có hút không?

– Có – Abel nói, thực ra cả đời anh chưa hề hút điếu xì gà nào bao giờ.

Anh ho suốt dọc đường qua phố La Salle về đến khách sạn Stenvens. Về đến nơi, anh thấy David Maxton đang đứng giữa nhà sảnh. Abel dụi tắt điếu xì gà mới hút được một nửa, coi như thoát nợ, và bước vội đến chỗ ông ta.

– Ông Rosnovski, trông ông sáng nay có vẻ vui lắm.

– Vâng, tôi rất vui, thưa ông, và tôi chỉ tiếc là không được làm việc cho ông với tư cách quản lý khách sạn này.

– Tôi cũng tiếc, ông Rosnovski ạ. Thật tình tôi cũng không ngạc nhiên lắm về tin đó.

– Xin cảm ơn ông về mọi thứ, – Abel nói, dồn hết tình cảm của mình vào trong câu nói ngắn ngủi ấy và trong cái nhìn của anh.

Anh chào David Maxton rồi bước vào phòng ăn tìm Zaphia, nhưng cô đã nghỉ. Abel đi thang máy về phòng châm lại điếu xì gà, hút một cách nhè nhẹ hơn, rồi anh gọi cho ngân hàng Kane và Cahot. Cô thư ký chuyển cho anh nói thẳng với William Kane.

– Ông Kane, tôi đã kiếm được đủ tiền để lấy lại quyền làm chủ công ty Richmond. Một ông tên là Curtis Fenton của ngân hàng Continental sẽ liên hệ với ông trong ngày hôm nay để cung cấp các chi tiết. Như vậy là không cần phải đem các khách sạn ra bán trên thị trường công khai nữa.

Yên lặng một lát. Abel mừng thầm cái tin của mình hẳn làm cho William Kane phải khó chịu lắm.

– Cảm ơn ông đã báo cho tôi biết, ông Rosnovski. Tôi rất mừng ông đã tìm được người ủng hộ. Chúc ông mọi thành công trong tương lai.

– Tôi cũng mong được chúc ông như vậy, ông Kane.

Anh bỏ máy xuống, nằm ra giường và suy nghĩ về tương lai.

– Một ngày kia, – anh nhìn lên trần nhà nói, – tao sẽ mua luôn cả cái ngân hàng chết tiệt của mày và làm cho mày phải nhẩy từ phòng ngủ trên tầng mười bẩy xuống cho mà xem.

– Anh lại nhấc điện thoại lên yêu cầu cô gái ở tổng đài cho anh nói chuyện với ông Henry Osborne ở Công ty Bảo hiểm Great Westem.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ