Hai Số Phận - Chương 11

Wladek ở lại tòa lãnh sự Ba Lan tại Constantinople đến một năm chứ không chỉ ít ngày như lúc đầu anh đã tưởng. Suốt ngày đêm, anh làm việc cho Pawel Zaleski, trở thành người trợ lực không thể thiếu và là bạn gần gũi của ông ta nữa. Đối với anh, hình như không có việc gì là khó khăn lắm. Zaleski nghĩ bụng không biết trước đây không có Wladek thì ông ta đã xoay xở như thế nào. Một tuần Wladek đến thăm sứ quan Anh một lần, vào trong bếp ngồi ăn với bà Henderson, người Scotland. Có một lần anh ngồi ăn với cả ông phó lãnh sự Prendergast nữa.

Lúc này ở Thổ Nhĩ Kỳ, lối sống cũ của Hồi giáo đang mất dần và đế chế Ottonman đã bắt đầu rệu rã. Cái tên Mustafa Kemal (tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từ 1923 đến 1938 – nhà cải cách đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt đất nước) được nhắc đến ở cửa miệng mỗi người. Không khí sắp diễn ra những thay đổi khiến Wladek sốt ruột. Anh luôn nghĩ đến Nam tước và tất cả những ai anh yêu quý ở lâu đài. Hồi còn ở Nga, do phải làm sao để sống được từ ngày này sang ngày khác nên anh không có lúc nào nghĩ đến họ, nhưng sang đến đây rồi họ lại hiện lên trước mắt anh, lặng lẽ, châm chạp. Đôi khi anh hình dung những con người đó khỏe mạnh vui tươi, anh thấy Leon bơi lội trên sông, thấy Florentyna chơi trò lộn dây trong phòng ngủ, thấy khuôn mặt bệ vệ của Nam tước trong ánh đèn nến buổi tối. Nhưng bao giờ cũng vậy, những khuôn mặt thân yêu mà anh rất nhớ ấy sẽ rung rinh trước mắt anh rồi biến thành những hình ảnh khủng khiếp, Leon nằm chết trên người anh, Florentyna trong cơn hấp hối người đầy máu me và Nam tước gần như mù và kiệt quệ.

Wladek dần dần hiểu ra rằng anh sẽ chẳng bao giờ trở về được quê hương với những hồn ma như thế, mà anh phải làm một cái gì thật xứng đáng được. Nghĩ thế, anh lại nhớ đến nhân vật Tadeusz Kosciusko, mà trước đây Nam tước đã nhiều lần kể cho anh nghe, và anh nghĩ đến chuyện đi sang Mỹ. Pawel Zaleski cũng đã mô tả cho anh nghe nơi đó được gọi là Thế giới mới. Wladek càng hy vọng tương lai anh sẽ có cơ hội được trở về Ba Lan một cách vẻ vang.

Chính Pawel Zaleski đã góp tiền để mua một tấm giấy nhập cư cho Wladek đi sang Mỹ. Kiếm được giấy đó không dễ, vì bao giờ cũng phải đặt cọc trước một năm. Wladek tưởng như khắp cả các nước Đông Âu ai ai cũng tìm cách trốn đi để làm lại cuộc sống ở Thế giới mới vậy.

Mùa xuân năm 1921, Wladek Koskiewicz rời Constantinople bước xuống con tàu Mũi tên đen đi đến đảo Ellis thuộc New York. Anh có chiếc va li đựng tất cả những đồ đạc của mình trong đó với một mớ giấy tờ do Pawel Zaleski cấp.

Ông lãnh sự Ba Lan đưa anh ra bến tài và ôm anh thân mật.

– Cậu đi theo Chúa nhé.

Wladek tự nhiên đáp lại bằng câu nói truyền thống của Ba Lan anh đã thuộc từ bé:

– Xin ông ở lại với Chúa.

Bước chân lên cầu tàu, Wladek chợt nhớ lại chuyến đi khủng khiếp của anh từ Odessa đến Constantinople. Lần này trên tàu không thấy có than, chỉ có người, đủ các thứ người, Ba Lan, Litunia, Estonia, Ucraina và rất nhiều những người khác mà Wladek không hiểu là thuộc dân tộc nào. Anh ôm chặt lấy chiếc va li nhỏ và đứng vào hàng để chờ. Trước khi vào được đất Mỹ, anh còn phải trải qua nhiều lần chờ lâu như thế nữa.

Một sĩ quan trên tàu xem giấy tờ của anh rất cẩn thận, vì ngờ rằng Wladek trốn nghĩ vụ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Pawel Zaleski đã chuẩn bị rất đầy đủ. Lọt qua được cửa đó rồi, anh thầm cảm ơn người đồng bào của anh đã chu đáo được như vậy. Nhiều người khác không có giấy tờ hợp lệ đã bị trả lại.

Sau đó là tiêm chủng và khám bệnh. Giá như không có một năm trời ăn uống tử tế và lấy lại sức khỏe ở Constantinople thì có lẽ Wladek đã không qua được chỗ này. Cuối cùng, mọi thứ kiểm tra đã làm xong, anh được phép xuống khoang dưới, vào chỗ ăn ở rẻ tiền nhất của khách hàng. Dưới đó có những ngăn riêng cho nam nữ và các đôi vợ chồng. Wladek nhanh chóng tìm đến khu nam giới và thấy nhóm người Ba Lan đã chiếm một khu giường sắt hai tầng khá lớn. Trên mỗi chiếc giường có một đệm rơm mỏng, một chiếc chăn mỏng và không có gối. Wladek không lo chuyện không có gối, vì từ khi rời nước Nga đến nay anh chưa bao giờ ngủ có gối.

Wladek chọn một giường nằm phía dưới một anh chàng khác suýt soát tuổi anh, và tự giới thiệu.

– Tôi là Wladek Koskiewicz.

– Tôi là Jerzy Nowak ở Warsaw, – anh kia đáp lại bằng tiếng Ba Lan và đưa tay ra bắt. – Tôi đi làm giàu ở Mỹ đây.

Khi con tàu khởi hành, Wladek và Jerzy ngồi nói chuyện với nhau về mình, cả hai đều lấy làm mừng có bạn để đỡ cô đơn trên tàu. Cả hai đều không muốn nói là mình hoàn toàn không biết gì về nước Mỹ. Hóa ra Jerzy đã mất cả bố mẹ trong chiến tranh và không còn trông cậy vào ai khác. Còn Wladek thì kể cho anh ta nghe về mình: con của một Nam tước, lớn lên trong một căn lều của người thợ săn, bị người Đức và người Nga bỏ tù, trốn khỏi Siberia, thoát khỏi tay một đao phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhờ có chiếc vòng bạc đeo trên tay. Jerzy nhìn vào chiếc vòng rất chăm chú. Wladek kể lại tóm tắt mười lăm năm của mình mà Jerzy tưởng như phải cả một đời người mới trải qua hết được những thứ đó. Suốt đêm, Wladek chỉ nói về quá khứ. Jerzy nghe mà không muốn ngủ, cũng không dám nói ra là mình đang lo ngại về tương lai như thế nào.

Sáng hôm sau, con tàu Mũi tên đen rời bến. Wladek và Jerzy đứng trên boong tàu nhìn Constantinople lùi xa dần trong khoảng trời xanh. Sau biển Marmara phẳng lặng đến vùng có sóng của biển Aegean. Phần lớn các hành khách trong khoang rẻ tiền đều bị say sóng. Trong khu này chỉ có mấy phòng vệ sinh và vòi nước lạnh, không đủ cho họ rửa ráy. Chỉ qua vài ngày là mùi hôi thối đã sực lên không chịu được.

Bữa ăn của họ được để trên những chiếc bàn dài trong một phòng ăn rộng nhưng bẩn thỉu nhếch nhác. Có súp nóng, khoai tây, cá, thịt bò hầm và bắp cải, bánh mì nâu hoặc đen. Trước khi rời nước Nga, Wladek đã được biết những thức ăn khổ hơn thế này nhiều, nhưng ngoài những thứ ở trên tàu này, anh còn có cả những cái bà Henderson đã gói cho anh như xúc xích, lạc và cả một ít rượu brandy nữa. Anh rủ Jerzy đem vào góc giường cùng ăn. Hai người thầm hiểu với nhau mọi thứ mà không cần nói ra lời. Họ cùng ăn, cùng đi xem các nơi trên tàu, và đêm đến lại trèo lên giường cùng ngủ.

Sang ngày thứ bà trên biển, Jerzy rủ một cô gái Ba Lan cùng đến bàn ăn. Anh ta giới thiệu với Wladek đó là Zaphia. Lần đầu tiên trên đời, Wladek nhìn kỹ một cô gái. Anh không rời mắt khỏi Zaphia. Cô ta làm anh nhớ đến Florentyna. Cũng đôi mắt xanh đậm đà, mớ tóc vàng trễ xuống hai vai và giọng nói ấm áp. Wladek cảm thấy như muốn sờ vào người cô ta. Thỉnh thoảng cô gái nhìn Wladek cười. Anh đau khổ thầm nghĩ rằng Jerzy còn đẹp trai hơn mình rất nhiều, Anh đi theo Jerzy đưa cô gái trở về khu phụ nữ.

Sau đó Jerzy quay lại nhìn anh với vẻ hơi khó chịu.

– Cậu tìm một cô gái khác cho cậu chứ? Cô này là của tớ.

Wladek không sẵn sàng thừa nhận là anh chẳng hiểu kiếm riêng cho mình một cô gái bằng cách nào. Anh tỏ ra coi khinh.

– Ối chao, sang đến Mỹ thì còn ối thì giờ đi tìm gái.

– Tại sao phải chờ sang đến Mỹ? Ngay trên tàu này muốn bao nhiêu mà chả được?

– Cậu làm thế nào? – Wladek hỏi, muốn biết những không dám nhận là mình dốt về môn này.

– Chúng ta còn hơn mười hai ngày nữa trong cái hầm này, và mười hai ngày đó tớ sẽ có mười hai người đàn bà cho mà xem, – Jerzy khoe khoang.

– Cậu có thể làm gì với mười hai người đàn bà? – Wladek hỏi.

– Ngủ với họ, chứ còn làm gì nữa?

Wladek ngỡ ngàng không hiểu.

– Ôi, lạy Chúa, – Jerzy kêu lên. – Chẳng lẽ một người như cậu đã sống được với bọn Đức, thoát khỏi tay bọn Nga, đã giết một người khi mình mới mười ba tuổi và suýt nữa bị bọn Thổ Nhĩ Kỳ dã man đem chặt tay, thế mà lại chưa biết đàn bà là gì ư?

Anh ta cười to đến nỗi những người khác ở các giường chung quanh phải lên tiếng bảo im đi.

Jerzy tiếp tục nói thầm với Wladek.

– Đã đến lúc cậu phải học thêm cho biết. Ít nhất tớ cũng có được một cái để dạy cho cậu. – Anh ta thò đầu xuống giường dưới nói, mặc dầu không nhìn thấy rõ mặt Wladek trong bóng tối – Zaphia là một cô gái dễ thông cảm đấy. Tớ có thể nói là sẽ thuyết phục cô ta mở rộng kiến thức thêm cho cậu. Để rồi tớ thu xếp.

Wladek không nói gì.

Cũng không ai nhắc đến chuyện ấy nữa, nhưng hôm sau thì Zaphia tỏ ra chú ý đến Wladek. Lúc ăn, cô ta đến ngồi bên cạnh Wladek và họ nói chuyện với nhau hàng giờ về cuộc sống và những hy vọng của mình. Cô ta là một cô gái mồ côi ở Poznan, bây giờ đi sang với bà con họ hàng ở Chicago. Wladek thì bảo Zaphia là anh sang New York và có lẽ sẽ cùng ở với Jerzy.

– Tôi mong là New York rất gần Chicago, – Zaphia nói.

– Thế thì sẽ có thể đến thăm tôi khi nào tôi làm thị trưởng, – Jerzy huyênh hoang nói.

Cô ta cười khẩy.

– Anh còn Ba Lan lắm, Jerzy ạ. Anh cũng không nói được tiếng Anh tử tế như Wladek.

– Tôi sẽ học, – Jerzy nói với vẻ tin tưởng, – và tôi sẽ bắt đầu bằng cách đặt tên Mỹ cho mình. Từ hôm nay trở đi tôi sẽ là George Novak. Thế là không có khó khăn gì nữa. Mọi người ở Hoa Kỳ sẽ nghĩ tôi là người Mỹ. Còn cậu, Wladek Koskiewicz, cậu thế nào? Cậu giữ cái tên đó thì chả làm gì được mấy đâu, phải không?

Wladek nhìn anh chàng mới có cái tên là George kia và thầm bực mình với tên của chính mình. Không thể lấy ngay được cái tên mà anh có quyền hưởng gia tài kia, anh nghĩ bụng cái tên Koskiewicz thật là rắc rối mà còn bất hợp pháp nữa.

– Tớ sẽ tìm cách sau, – anh đáp. – Nếu cậu muốn, tớ có thể giúp cậu học tiếng Anh được.

– Còn tớ sẽ giúp cậu tìm gái.

Zaphia cười khúc khích.

– Anh chả cần đâu, anh ấy đã tìm được một cô rồi.

Jerzy bây giờ đổi tên là George và anh ta đòi họ phải gọi bằng tên đó, cứ mỗi tối sau khi ăn xong lại chui vào một chiếc xuồng phao có bạt che ở trên để hú hí với một côgái. Wladek rất muốn biết anh ta làm gì trên đó, vì những người đàn bà mà George chọn và rue lên đó không những bẩn thỉu mà còn xấu xí nữa.

Một tối sau bữa ăn, khi George đã biến đi rồi, Wladek với Zaphia ngồi trên boong tàu nói chuyện. Cô ta quàng tay ôm lấy anh bảo anh hôn. Anh kề miệng vào môi cô ta, nhưng người anh cứng quèo, lúng túng không biết làm thế nào. Anh ngạc nhiên thấy cô ta lùa đầu lưỡi vào miệng mình. Lát sau hết sửng sốt rồi, anh thấy miệng cô ta há ra một cách rất khiêu gợi và người anh rạo rực hẳn lên. Anh ngượng, muốn ngồi lùi lại nhưng cô ta không hề chú ý, trái lại cứ áp người vào sát anh đưa đẩy và cầm tay anh kéo xuống dưới. Cơ thể anh giần giật rất khó chịu. Cô ta ngừng hôn và thủ thỉ vào tai anh.

– Anh muốn em cởi quần áo không, Wladek?

Anh không biết thế nào trả lời.

– Thôi có lẽ để đến mai. – Cô ta nói và đứng dậy bỏ đi.

Anh lật đật đi về giường mình, trong bụng nghĩ đến hôm sau sẽ quyết tâm hoàn thành cái việc mà Zaphia đã bắt đầu. Anh vừa đặt lưng xuống và nghĩ xem sẽ thực hiện việc đó như thế nào thì bỗng có một bàn tay to túm lấy tóc anh kéo từ trên giường xuống sàn tàu. Trong khoảnh khắc, sự kích thích tình dục trong anh tan biến mất. Hai người đàn ông anh chưa thấy bao giờ đứng lù lù ở đó. Họ kéo anh vào một góc xa và bắt đứng dựa vào tường. Một bàn tay to bịt chặt lấy miệng anh trong khi một lưỡi dao kề vào cổ họng.

– Cấm được kêu, – tên cầm dao ấn lưỡi dao vào da thịt anh, nói khẽ. – Chúng tao chỉ cần cái vòng bạc ở cổ tay mày thôi.

Mất chiếc vòng bạc này sẽ chẳng khác gì như bị chặt bàn tay, Wladek nghĩ thế mà khiếp sợ. Anh chưa biết làm thế nào thì một trong hai tên đó đã kéo tuột được chiếc vòng ra khỏi cổ tay. Anh không rõ mặt chúng vì ở chỗ này tối quá. Anh đang lo như thế là vĩnh viễn mất chiếc vòng thì bỗng có một người nào đó nhảy lên lưng tên cầm dao. Wladek lợi dụng cơ hội đấm một nhát vào mặt tên đang ghì anh vào tường. Những người ngủ quanh đó thức dậy xôn xao. Hai tên kia vội bỏ trốn nhưng George đã kịp đâm một nhát dao vào cạnh sườn một tên.

– Cho chúng mày chết nhé, – Wladek hét lên và đứng lại.

– Tớ đến vừa kịp, – George nói. – Chúng nó chưa quay lại đâu.

Anh ta nhìn chiếc vòng bạc nằm lăn lóc trên sàn đầy mùn cưa.

– Hay thật, – anh ta trịnh trọng nói. – Sẽ còn có nhiều người muốn cướp cái của quý ấy của cậu đấy.

Wladek nhặt chiếc vòng lên đeo vào tay.

– Suýt nữa thì cậu mất hẳn chiếc vòng này đấy nhé. – George nói. – May cho cậu là tối nay tới về hơi muộn.

– Tại sao cậu về hơi muộn? – Wladek hỏi.

George khoe khoang:

– Tớ nổi tiếng rồi. Thực tình là tối nay tớ vớ được một thằng ngốc mò đến chiếc xuồng của tớ. Hắn tụt quần rồi. Tớ trông thấy thế bèn bảo hắn đừng có nằm với cô gái mà tuần trước tớ định nằm nhưng không dám vì cô ta có bệnh giang mai. Thế là hắn vội vã mặc quần vào bỏ đi ngay.

– Cậu làm gì trong xuồng ấy? – Wladek hỏi.

– Thì ngủ với họ chứ làm gì nữa, sao cậu hỏi ngốc thế?

Nói rồi George lăn ra ngủ.

Wladek nằm nhìn lên trần, tay mân mê chiếc vòng bạc. Anh suy nghĩ về câu George vừa nói, và tự hỏi không biết mình sẽ ngủ với Zaphia như thế nào đây.

Sáng hôm sau tàu gặp một cơn bão. Tất cả các hành khách đều bị cấm không được lên boong. Mùi hôi thối cộng thêm với hệ thống sưởi trong tàu càng nồng nặc lên như sói vào tận trong óc Wladek.

– Thế là hỏng cả việc của tớ, không thực hiện đủ một tá. – George phàn nàn.

Cơn bão tan đi, hầu hết các hành khách kéo lên khoang trên. Wladek và George vội chen trong đám đông chui lên hít thở ít không khí trong lành. Nhiều cô gái nhìn George mỉm cười, nhưng Wladek thấy họ không để ý gì đến anh. Một cô gái tóc đen, má đỏ hồng lên vì gió biển, qua mặt George cười với anh ta. Anh ta quay sang Wladek.

Wladek nhìn cô ta xem cô ta chú ý đến George như thế nào.

– Tối nay nhé, – George chờ cô ta bước đến gần mới nói cho cô ta đủ nghe. Cô ta làm như không nghe thấy gì, vẫn bước đi nhanh hơn trước một chút.

– Wladek, cậu ngoái lại xem cô ta có quay nhìn tớ không.

Wladek ngoái lại, và ngạc nhiên đáp.

– Có, cô ta có nhìn.

– Thế là tối nay cô ta thuộc về tớ, – George nói. – Cậu đã có được Zaphia chưa?

– Chưa, – Wladek đáp. – Tối nay.

– Đã đến lúc rồi hả? Đến New York thì cậu sẽ không bao giờ còn được gặp lại cô ta nữa.

Đúng như George nói, bữa tối hôm đó anh ta đã kéo theo được cô gái tóc đen đó. Wladek và Zaphia không nói gì, quàng tay vào người nhau và đi lên boong trên dạo bước quanh tàu. Wladek liếc nhìn sang thấy nét nghiêng của Zaphia rất xinh. Anh nghĩ bụng, và quyết định phải làm ngay chứ không để lúc khác nữa. Anh dẫn cô ta đến một góc tối và bắt đầu hôn cô ta như hôm qua cô ta đã hôn mình. Cô ta lui lại một chú và tựa vai vào lan can. Wladek tiến theo. Cô ta cầm tay anh kéo xuống ngực. Anh sờ vào đó và không ngờ nó êm ái như vậy. Cô ta cởi vài khuy áo và đưa tay anh luồn vào bên trong. Anh thấy cảm giác đầu tiên sờ vào da thịt thật là ngon lành khó tả.

– Lạy Chúa! Tay anh lạnh thế! – Zaphia nói.

Wladek ghì chặt cô ta vào người, thở dốc. Cô ta cùng đưa đẩy với anh một lúc rồi lùi ra nói: – Ở đây không được, chúng mình phải đi tìm một cái xuồng.

Họ ngó nhìn vào ba chiếc xuồng đầu đều có người bên trong. Cuối cùng thấy một chiếc xuồng không bèn chui ngay vào dưới mái vải bạt. Trong bóng tối của chiếc xuồng Zaphia làm gì đó một lát với đám quần áo của cô ta rồi kéo Wladek nằm đè lên người mình. Wladek loay hoay không biết làm thế nào thì cô ta bỗng ngừng hôn và khẽ bảo anh.

– Cởi quần ra chứ.

Anh cảm thấy mình như một thằng ngốc, vội làm theo, nhưng rồi chưa kịp hành động gì thì đã rùng mình rồi người anh nhủn ra. Anh chợt hiểu là khuỷu tay và đầu gối của mình đang tì vào những đầu mẩu gỗ trong xuồng đau điếng.

– Đây là lần đầu tiên anh làm tình với một cô gái phải không? – Zaphia hỏi và muốn anh lại nằm lên người cô ta nữa.

– Không, tất nhiên không phải, – Wladek nói.

– Anh có yêu em không, Wladek.

– Có, anh yêu em, – Wladek nói. – Và khi có nơi ăn chốn ở tại New York rồi, anh sẽ đến tìm em ở Chicago.

– Em muốn thế lắm, Wladek, – cô ta nói và cài lại khuy áo.

– Và em cũng yêu anh nữa.

Wladek vừa về thì George đã hỏi ngay.

– Cậu có ngủ với cô ta không?

– Có.

– Thích không?

– Thích, – Wladek đáp bâng quơ rồi ngủ ngay.

Đến sang hôm sau, họ bỗng thức dậy nghe tiếng xôn xao trong hành khách. Ai cũng mừng đây là ngày cuối cùng trên con tàu Mũi tên đen. Một số người đã lên boong tàu từ trước mặt trời mọc, hy vọng được nhìn thấy đất liền trước những người khác. Wladek gói ghém đồ đạc cho vào chiếc va li mới, mặc bộ đồ duy nhất vào người, đội mũ vào, rồi lên đứng trên boong cùng với George và Zaphia. Ba người dõi nhìn vào đám sương mù trên mặt biển, im lặng chờ để được trông thấy đất Hoa Kỳ.

– Kia kìa! – Một hành khách reo lên, tiếp theo đó là cả đám người trên boong vui mừng trông thấy dải dất màu xám của đảo Long Island từ từ hiện ra trong buổi sáng mùa xuân

Những chiếc tàu con tiến đến bên tàu Mũi tên đen dẫn nó đi vào giữa Brooklyn và đảo Staten để vào bến New York. Pho tượng Nữ Thần Tự Do đứng sừng sững trên nền trời trước khu Manhattan và giơ ngọn đuốc lên cao khiến mọi người trên tàu nhìn bằng con mắt kinh ngạc.

Cuối cùng, tàu bỏ neo gần những ngôi nhà có tháp cao xây gạch đỏ trên đảo Ellis. Những hành khách có phòng riêng trên tàu xuống trước. Mãi đến hôm nay Wladek mới trông thấy những người đó. Anh đoán có lẽ họ ở một tầng riêng trên tàu và có những phòng ăn riêng. Hành lý của họ đã có người đến mang vác. Họ được những người đứng sẵn dưới bến đón mừng. Wladek biết là mình sẽ chẳng có được cái cảnh ấy.

Sau khi một số người có đặc quyền ấy đã xuống tàu rồi, thuyền trưởng nói trên loa rằng mọi hành khách khác chưa được rời tàu và phải chờ nhiều giờ nữa. Tiếng phàn nàn thất vọng vang lên và Zaphia ngồi bệt xuống boong tàu khóc. Wladek đến khuyên nhủ cô ta. Lát sau những biển số đến đeo vào cổ mỗi hành khách. Wladek mang số B127. Anh nhớ trước đây có một lần phải đeo số rồi. Sao bây giờ cũng lại thế nữa? Mỹ cũng như các trại giam ở Nga chăng?

Cho đến tận giữa buổi chiều họ cũng chẳng được cho ăn uống gì, và cũng không ai nói cho biết là thế nào nữa. Họ được đưa xuống bến bên phía đảo Ellis. Rồi đàn ông tách riêng khỏi phụ nữ, được đưa vào những căn phòng khác nhau. Wladek hôn Zaphia và cứ giữ cô ta đứng lại trong hàng. Một viên chức trách đi qua đó thấy thế tách họ ra.

– Cứ đi đã, – ông ta nói. – Rồi sẽ cho hai người lấy nhau, chẳng bao lâu nữa đâu.

William thấy Zaphia đi mất hút, còn anh và George bị đẩy lên phía trước. Đêm đó họ ngồi trong một căn nhà cũ, ẩm ướt, không sao ngủ được trong khi những người phiên dịch đi đi lại lại giúp cho một số người nhập cư còn lớ ngớ chưa biết gì. Họ giúp qua loa thôi nhưng thái độ cũng nhã nhặn.

Đến sáng, họ chưa đưa đi khám sức khỏe. Chặng đầu là khó thật. Người ta bắt Wladek phải lên lên một cầu thang gác thật dốc. Ông bác sĩ mặc bộ đồng phục màu xanh bảo Wladek lên xuống hai lần và nhìn kỹ cách đi đứng của anh. Wladek cố hết sức không tỏ ra mình hơi bị thọt. Cuối cùng ông bác sĩ hài lòng. Sau đó người ta bảo anh cởi bỏ mũ, và cổ áo cứng, để xem kỹ mặt mũi, tóc tai, tay và cổ. Người đến sau Wladek có môi trên bị sứt, thế là bị ông bác sĩ ách lại, đánh dấu phấn lên vai phải anh ta và chi ra đứng ở đầu nhà. Khám thân thể xong, Wladek cùng với George lại nối vào một đoàn người xếp hàng dài bên ngoài phòng gọi là kiểm tra công cộng. Mỗi người vào trong phòng đó chừng năm phút để họ phỏng vấn. Ba giờ đồng hồ sau đến lượt George được gọi vào. Wladek nghĩ bụng không biết người ta sẽ hỏi gì mình.

Lúc George bước ra, anh ta nhìn Wladek mỉm cười.

– Dễ thôi, cậu cứ đi thẳng vào đó, – anh ta nói. Wladek cảm thấy hai bàn tay mình ướt mồ hôi khi anh bước vào phòng.

Anh bước theo viên chức trách vào một phòng nhỏ chung quanh không có gì trang trí. Có hai người xét hỏi ngồi đó và hí hoáy viết gì lên những tờ giấy có vẻ là giấy khai đặc biệt.

– Anh nói được tiếng Anh không? – người thứ nhất hỏi.

– Thưa ông có, tôi nói được, – Wladek trả lời, nghĩ bụng dọc đường giá tập nói nhiều thì hơn.

– Tên anh là gì?

– Wladek Koskiewicz, thưa ông.

– Họ đưa cho anh một cuốn sách to màu đen.

– Anh có biết cái này là gì không.

– Thưa có, đây là Kinh Thánh.

– Anh có tin ở Chúa không?

– Thưa có, tôi tin.

– Anh hãy để tay lên Kinh Thánh và thề sẽ trả lời thành thật những câu hỏi của chúng tôi.

Wladek đưa tay trái cầm cuốn Kinh Thánh, đặt bàn tay phải lên đó và nói:

– Tôi hứa sẽ nói sự thật.

– Quốc tịch anh là gì?

– Ba Lan.

– Ai trả tiền cho anh đi qua đây?

– Tôi tự trả bằng tiền tôi kiếm được trong Lãnh sự quán Ba Lan ở Constantinople.

Một trong hai người nhìn vào giấy tờ của Wladek, gật đầu rồi hỏi tiếp.

– Anh có đến một nhà nào không?

– Thưa có. Tôi sẽ đến ở nhà ông Peter Novak. Ông ấy là chú của bạn tôi. Ông ấy ở New York.

– Tốt. Anh có việc gì làm không?

– Thưa có. Tôi về làm trong lò bánh mì của Novak.

– Anh đã bị bắt bao giờ chưa?

Wladek chợt nghĩ đến hồi ở Nga. Điều đó không tính. Thổ Nhĩ Kỳ… Không, anh sẽ không nhắc đến làm gì.

– Không, thưa ông, chưa bao giờ.

– Anh có phải là người vô chính phủ không?

– Không, thưa ông. Tôi ghét họ lắm.

– Anh có tuân theo luật pháp của Hoa Kỳ không?

– Có, thưa ông.

– Ạnh có tiền gì không?

– Có thưa ông.

– Cho chúng tôi xem nào?

– Vâng, thưa ông, – Wladek để lên bàn mấy tờ giấy bạc và một ít tiền lẻ.

– Cám ơn, – người xét hỏi nói. – Anh có thể cất tiền vào túi đi.

Người thứ hai nhìn Wladek.

– Hai mươi mốt cộng với hai mươi bốn là bao nhiêu?

– Bốn mươi lăm, – Wladek không ngập ngừng nói ngay.

– Con bò cái có mấy chân?

Wladek không tin ở tai mình.

– Bốn thưa ông, – anh đáp và không biết có phải câu hỏi đó là cái bẫy không?

– Con ngựa có mấy chân?

– Bốn thưa ông, – Wladewk đáp, trong bụng vẫn ngờ ngợ.

– Đang đi trên một chiếc thuyền con ngoài biển, nếu phải vứt đi cho nhẹ thì anh sẽ vứt gì, bánh mì hay tiền bạc.

– Vứt tiền, thưa ông, – Wladek đáp.

– Tốt, – Người xét hỏi cầm lên một tấm thẻ có đề chữ “Chấp nhận” và đưa cho Wladek. – Sau khi anh đổi tiền rồi thì đưa tấm thẻ này trình cho viên sĩ quan Nhập cư. Anh nói đầy đủ tên cho ông ta biết, và ông ta sẽ đưa cho anh thẻ đăng ký. Rồi họ sẽ cho anh giấy nhập cảnh. Nêu trong năm năm anh không phạm tội gì và qua được buổi kiểm tra đọc và viết tiếng Anh, tán thành ủng hộ Hiến pháp, thì anh sẽ được phép xin nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Chúc anh may mắn, Wladek.

– Xin cám ơn ông.

Ra quầy đổi tiền, Wladek đưa cả số tiền mười tám tháng dành dụm ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng với ba tờ bạc 50 rúp còn lại cho họ. Họ trao lại cho anh 47,20 đôla đổi tiền Thổ Nhĩ Kỳ sang, còn những tờ rúp thì họ bảo anh là không có giá trị. Anh nghĩ đến bác sĩ Dubien với mười lăm năm dành dụm của ông.

Bước cuối cùng là ra gặp sĩ quan Nhập cư. Ông ta ngồi sau một chiếc bàn ngay bên cửa ra vào có thang chắn, dưới bức chân dung Tổng thống Harding. Wladek và George cùng bước đến.

– Tên họ? – Ông sĩ quan hỏi George.

– George Novak, – anh ta trả lời gọn. Ông sĩ quan viết lên một tấm thẻ.

– Địa chỉ? – ông ta hỏi.

– 286. phố Broome, New York.

Viên sĩ quan đưa tấm thẻ cho George.

Đây là giấy chứng nhận nhập cư của anh, 21871, George Novak- Hoan nghênh anh đến Hoa Kỳ. Tôi cũng là người Ba Lan. Rồi anh ở đây sẽ thích. Chúc mừng anh và chúc anh may mắn.

George mỉm cười và bắt tay viên sĩ quan, rồi đứng sang một bên chờ Wladek. Viên sĩ quan nhìn Wladek. Wladek đưa cho ông ta tấm thẻ có chữ “Chấp nhận”.

– Tên họ? – viên sĩ quan hỏi.

Wladek ngập ngừng.

– Tên anh là gì? – ông ta nhắc lại to hơn, có vẻ hơi sốt ruột.

Wladek không sao nói ra được. Anh ghét cái tên nông dân kia hết sức.

– Tôi hỏi lần nữa, tên anh là gì?

George nhìn Wladek. Những người khác xếp hàng phía sau cùng nhìn anh. Wladek vẫn chưa nói. Viên sĩ quan bỗng nắm lấy cổ tay anh, nhìn kỹ vào dòng chữ trên chiếc vòng bạc, viết vào tấm thẻ rồi đưa lại cho Wladek.

– 21872, Nam tước Abel Rosnovski. Hoan nghênh đến Hoa Kỳ. Chúc mừng và chúc anh may mắn, Abel.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ