Chiều muộn hôm đó, chúng tôi đến con đường trước kia có tên là phố Ngọc. Ngôi trường đứng đợi chúng tôi ở cuối phố, dáng bè bè đầy tự đắc, và tôi thấy bụng mình thắt lại. Julie ngần ngừ ở ngã tư, nhìn về phía những ô cửa sáng đèn của trường vẻ trầm tư. “Đó là chỗ huấn luyện,” nàng nói. “Nhưng anh không muốn nhìn thấy trong đó đâu. Đi tiếp thôi.”
Tôi nhẹ người đi theo nàng rời khỏi con đường tối tăm đó, nhưng vừa đi tôi vừa nhìn kĩ tấm bển tên phố mới sơn xanh. Tôi dám chắc chữ cái đàu tiên là chữ J.
“Phố ấy… tên gì?” Tôi chỉ tấm biển nói.
Julie mỉm cười. “Thì là phố Julie chứ còn gì nữa.”
“Trước kia nó là hình một viên kim cương hay đại loại như thế.” Nora nói, “nhưng bố cô ấy đặt nó theo tên con gái khi xây trường. Dễ thương nhỉ?”
“Đúng là dễ thương thật,” Julie thừa nhận. “Thỉnh thoảng bố tôi cũng có những cử chỉ như thế.’
Nàng dẫn chúng tôi đi vòng quanh tường đến một đường hầm rộng, tối, đối diện cổng chính. Tôi nhận ra đây là đường hầm mà các đội bóng thường đi qua để kiêu hãnh tiến vào sân vận động, từ cái hồi mà hàng ngàn người còn có thể reo hò cổ vũ cho những điều vặt vãnh như thế. Và vì đường hầm ở đầu bên kia dẫn vào thế giới của Người Sống, cũng thật hợp lí khi đường hầm này lại dẫn vào nghĩa địa.
Julie chìa thẻ căn cước cho mấy lính gác và họ cho chúng tôi đi qua cổng sau. Chúng tôi bước vào một cánh đồng trập trùng bao quanh là hàng trăm mét hàng rào dây thép. Những cây táo gai đen ngòm vặn cành vươn tới bầu trời lốm đốm màu xám vàng, đứng canh những bia mộ kiểu cổ có cả thập tự và tượng thánh. Tôi đoán chừng được lấy về từ một nhà tang lễ bỏ hoang nào đó. Vì những cái tên và ngày tháng được khắc lên đó đã bị phủ lấp những chữ tô vụng bằng sơn trắng. Những tấm bia nhìn giống hệt chữ kí trên các bức tranh tường.
“Đây là nơi chúng tôi chôn… những gì còn lại.” Julie nói. Nàng bước tới trước mấy bước trong khi tôi và Nora đứng ở ngoài cổng. Ngoài đây, với cánh cổng đóng lại sau lưng chúng tôi, những âm thanh ồn ào của sự sống đã biến mất, thay thế bởi cái tĩnh lặng khắc nghiệt của những người đã chết hẳn. Mỗi thi thể yên nghỉ ở đây đều không có đầu, bị bắn vào óc, hoặc chỉ là những mẩu xương thịt còn sót lại nhét trong một cái hộp. Tôi có thể hiểu vì sao họ lại xây Nghĩa địa ở bên ngoài Sân vận động; không chỉ bởi nó chiếm nhiều đất hơn tất cả những đồng ruộng ở bên trong, mà chắc hẳn còn vì nó không có ảnh hưởng tốt đến tinh thần của mọi người. Đây là một điều nhắc nhở đáng sợ hơn nhiều so với những nghĩa địa sáng sủa của thế giới cũ, với những cái chết yên bình và requiem eternum[2]. Đây là một ý niệm về tương lai của chúng ta. Không phải là tương lai của từng cá nhân, vì cái chết của từng cá nhân chúng ta có thể chấp nhận được, mà là tương lai của loài người, của nền văn mình, của toàn bộ thế giới.
[2] Tiếng Latin, nghĩa là: yên nghỉ vĩnh hằng.
“Cậu chắc là hôm nay cậu muốn đi vào đó đấy chứ?” Nora khẽ hỏi Julie.
Julie nhìn những ngọn đồi điểm mấy ngọn cỏ màu nâu. “Ngày nào tớ chẳng đến đây. Hôm nay cũng là một ngày. Hôm nay là thứ Ba.”
“Ừ, nhưng… cậu có muốn bọn này đợi ở đây không?”
Nàng quay lại nhìn tôi và ngẫm nghĩ một lát. Rồi nàng lắc đầu. “Không. Đi nào.” Nàng bước đi và tôi bám theo. Nora theo sau cách một quãng dài, với vẻ sững sờ không thốt nổi nên lời.
Trong nghĩa địa này không có lối đi. Julie bước thẳng qua các tấm bia và ngôi mộ, nhiều cái đất hãy còn mềm và ẩm ướt. Mắt nàng tập trung vào một ngọn thác cao, trên đỉnh là một bức tượng thiên thần bằng cẩm thạch. Chúng tôi dừng lại trước ngôi mộ, tôi và Julie đứng cạnh nhau, Nora vẫn cách một quãng phía sau. Tôi cố đọc tên ngôi mộ nhưng không đọc nổi. Ngay cả những chữ cái đầu tiên tôi cũng không luận ra được.
“Đây là… mẹ tôi.” Julie nói. Hơi gió lạnh buổi tối thổi tóc bay vào mắt nàng, nhưng nàng không gạt ra. “Mẹ đi năm tôi mười hai tuổi.”
Sau lưng chúng tôi Nora có vẻ lúng túng, rồi cô bỏ đi và giả vờ ngắm các tấm bia.
“Tôi đoán là mẹ đã phát điên,” Julie nói. “Một đêm mẹ một mình chạy vào thành phố, và thế là xong. Họ tìm thấy mấy mảnh còn lại của mẹ, nhưng… trong mộ này không có gì.” Giọng nàng vẫn bình thường. Tôi chợt nhớ đến khi nàng bắt chước những Người Chết trong sân bay, cái cách nàng cường điệu hóa mọi cử động, chiếc mặt nạ mỏng tang của nàng. “Tôi đoán những cái này quả quá sức chịu đựng của mẹ, tất cả mọi thứ.” Nàng khoát tay về phía nghĩa địa và Sân vận động phía sau. “Mẹ tôi là người rất tự do tự tại, anh biết không? Một nữ thần bohemian hoang dại rực lửa. Mẹ gặp bố tôi lúc mới 19 tuổi. Kể cũng khó tin, nhưng lúc ấy bố tôi là nhạc sĩ, chơi piano trong một ban nhạc rock, chơi cũng khá giỏi. Họ lấy nhau khi còn rất trẻ, và rồi… tôi không biết nưa… thế giới sụp đổ, và bố thay đổi. Tất cả đều thay đổi.”
Tôi cố dò mắt nàng nhưng tóc nàng vẫn che khuất chúng. Tôi nghe thấy một thoáng run rẩy trong giọng nàng. “Mẹ đã cố. Cố gắng thực sự. Mẹ nỗ lực tham gia giữ gìn trật tự, hoàn thành phần việc hàng ngày được giao, rồi chỉ còn có tôi. Mẹ trút tất cả vào tôi. Bố chẳng mấy khi có nhà nên lúc nào cũng chỉ có mẹ và con nhóc này. Tôi còn nhớ hai mẹ con đã rất vui, mẹ thường dẫn tôi đến công viên nước ở…” Một tiếng nấc nhỏ bật ra khiến nàng ngạc nhiên, nghẹn ngào không nói tiếp được, và nàng đưa tay lên che miệng. Đôi mắt đằng sau những món tóc cáu bẩn nhìn tôi cầu khẩn. Tôi nhẹ nhàng gạt tóc ra khỏi nàng. Nàng tránh nhìn tôi và quay về phía ngôi mộ. “Mẹ tôi sinh ra không phải để dành cho cái nơi khốn kiếp này.” Nàng nói, giọng run run thành ra the thé. “Mẹ biết làm gì ở đây? Tất cả những thứ mang lại sự sống cho mẹ đều đã biến mất rồi. Mẹ chỉ còn một con bé mười hai tuổi ngủ ngốc răng khấp khểnh đêm đêm lại đánh thức mẹ dậy để ôm ấp xua đi một cơn ác mộng. Thảo nào mà mẹ muốn thoát ra.”
“Thôi đi,” tôi cương quyết nói, và xoay người nàng lại đối mặt với tôi. “Thôi ngay.” Nước mắt đang tràn xuống mặt nàng, những giọt nước mặn chát tiết ra qua các ống và tuyến lệ, xuyên qua những tế bào sáng rực còn phập phồng và những mô đổ ngầu. Tôi lau chúng đi và kéo nàng vào người mình. “Em… còn sống,” tôi thì thầm vào tóc nàng. “Em… đáng người ta sống vì mình.”
Tôi cảm thấy nàng run rẩy trên ngực tôi, bám chặt lên ngực tôi trong khi tay tôi vòng quanh người nàng. Không khí im lìm chỉ còn tiếng gió rít khe khẽ. Nora giờ đang nhìn về phía chúng tôi, cuốn tay qua mớ tóc xoăn. Cô bắt gặp mắt tôi và mỉm cười buồn bã, như muốn xin lỗi vì đã không cảnh báo cho tôi. Nhưng tôi không sợ những bộ xương trong tủ[3] của Julie. Tôi mong được gặp nốt những bộ xương còn lại, nhìn thẳng vào mắt chúng, và siết chặt tay chúng đến gãy.
[3] Thành ngữ chỉ những việc xấu xa hay bí mật phải che đậy
Khi nàng đã làm ướt cả áo tôi bằng đau buồn và nước mũi thì tôi nhận ra mình sắp làm thêm điều mà tôi chưa từng làm. Tôi hít một hơi và chuẩn bị hát. “Em… thật tuyệt vời..” tôi cất giọng khàn khàn, cố tìm một chút giai điệu của Siinatra. “Thật tuyệt vời… thế thôi.”
Im lặng, rồi Julie thay đổi thái độ. Tôi chợt nhận ra nàng đang cười.
“Ôi trời,” nàng khúc khích ngước lên nhìn tôi, bên trên nụ cười ấy mắt nàng vẫn còn long lanh ướt. “Nghe hay lắm, R ạ, thật đấy. Anh và Xác Sống Sinatra nên thu âm đĩa Song ca, tập 3 đi.”
Tôi húng hắng ho. “Chưa… khởi động trước.”
Nàng vén lại tóc tôi. Nàng quay nhìn ngôi mộ. Nàng thò tay sau túi lôi ra một bông hoa cúc hái ở sân bay đã héo rũ và chỉ còn bốn cánh. Nàng đặt nó lên nền đất trước tấm bia. “Xin lỗi mẹ,” nàng khẽ nói. “Con chỉ tìm được bông này thôi.” Nàng nắm lấy tay tôi. “Mẹ, đây là R. Anh ấy rất tốt, mẹ sẽ thích anh ấy cho mà xem. Hoa này cũng là của cả anh ấy nữa.”
Mặc dù ngôi mộ trống, tôi vẫn thoáng nghĩ rằng tay mẹ nàng sẽ thọc lên khỏi nền đất túm lấy cổ chân tôi. Dù sao thì tôi cũng là một tế bào trong khối u đã giết chết bà. Nhưng nếu lấy Julie làm bằng thì tôi đoán mẹ nàng sẽ tha thứ cho tôi. Những người này, những phụ nữ người Sống tuyệt đẹp này, dường như họ không liên hệ tôi với những sinh vật đang giết hết những gì họ yêu quý. Họ coi tôi là một điều ngoại lệ, và tôi thấy mình quá tầm thường so với món quà ấy. Tôi muốn làm cách nào để đáp trả lại, để xứng đáng với lòng vị tha của họ. Tôi muốn sửa lại thế giới mà tôi đã góp phần tàn phá.
Nora quay lại với chúng tôi khi chúng tôi rời khỏi mộ bà Grigio. Cô xoa vai Julie và hôn lên đầu nàng. “Cậu không sao chứ?”
Julie gật đầu. “Vẫn ổn như mọi khi.”
“Cậu có muốn nghe một tin hay không?”
“Muốn cực kì.”
“Tớ nhìn thấy một bụi hoa dại gần nhà. Chúng mọc trong một cái rãnh.”
Julie mỉm cười. nàng dụi mắt cho khô nốt những giọt lệ cuối cùng và không nói gì nữa.
Vừa đi tôi vừa ngắm nghía các tấm bia. Chúng được đặt vẹo vọ, không ra hàng lối gì, khiến nghĩa địa có vẻ hết sức cổ kính, bất chấp mấy chục ngôi mộ mới đào. Tôi nghĩ về cái chết. Tôi nghĩ cuộc sống thật ngắn ngủi biết bao khi đem so với cái chết. Tôi tự hỏi rằng nghĩa địa này sâu bao nhiêu, có bao nhiêu lớp quan tài chồng lên nhau, và bao nhiêu phần đất được tạo nên bởi thân xác thối rữa của chúng ta.
Rồi một điều gì đó cắt ngang những suy nghĩ đen tối của tôi. Tôi thấy bụng bỗng thót lại, một cảm giác kì lạ mà trong trí tưởng tượng của tôi cũng chẳng khác gì người mẹ cảm thấy thai nhi đá trong bụng. Tôi dừng bước và quay lại. Một tấm bia hình chữ nhật đơn giản dõi theo tôi từ một đỉnh đồi gần đó.
“Đợi đã,” tôi nói với hai cô gái, rồi đi lên đồi.
“Hắn làm gì thế?” Tôi nghe thấy Nora thì thào hỏi. “Có phải đó là…?”
Tôi dừng lại trước ngôi mộ, nhìn trừng trừng vào cái tên trên tấm bia. Một cảm giác nôn nao chóng mặt xuyên qua chân tôi, như thể một vực thẳm há toác đang mở ra trước mặt tôi, kéo tôi về phía nó với một sức mạnh đen tối, không sao cưỡng lại nổi. Bụng tôi lại thót lên, tôi cảm thấy cuống não mình bị giật một cái… tôi ngã xuống.
TÔI LÀ PERRY KELVIN, và đây là ngày cuối đời của tôi.
Thật là một cảm giác kỳ lạ khi thức dậy với ý nghĩ ấy. Cả đời mình tôi đã chống lại cái đồng hồ báo thức, không ngừng bấm nút “ngủ” với nỗi chán ghét bản thân mỗi lúc một dâng cao cho tới khi sự hổ thẹn đẩy tôi ngồi dậy. Chỉ trong những buổi sáng rực rỡ nhất, những ngày hiếm hoi đầy sinh lực, quyết tâm, và có lý do rõ ràng để sống, tôi mới có thể bật dậy một cách dễ dàng. Thật lạ làm sao, tôi lại có thể làm như thế vào ngày hôm nay.
Julie khẽ rên một tiếng khi tôi gỡ mình khỏi cánh tay nổi da gà của nàng và chui ra khỏi giường. Nàng quấn nửa chăn của tôi quanh mình và cuộn tròn lại áp lưng vào tường. Nàng sẽ ngủ thêm hàng giờ nữa, mơ về những phong cảnh bất tận và những tân tinh đầy màu sắc vừa đẹp đẽ vừa đáng sợ. Nếu tôi ở lại, nàng sẽ thức dậy và miêu tả chúng cho tôi. Tất cả những cốt truyện thắt nút điên rồ và những hình ảnh siêu thực ấy, vô cùng sống động đối với nàng nhưng lại chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Đã từng có thời tôi trân trọng việc được lắng nghe nàng, khi tôi thấy những rung động trong tâm hồn nàng thật tuyệt vời, vừa cay đắng vừa ngọt ngào, nhưng giờ thì tôi không chịu nổi nữa. Tôi cúi xuống định hôn tạm biệt nàng, nhưng môi tôi cứng lại và tôi rúm người tránh xa khỏi nàng. Tôi không thể. Tôi không thể. Tôi sẽ khuỵu xuống đây mất. Tôi lùi lại và bỏ đi mà không chạm vào nàng.
Tròn hai năm trước bố tôi bị đè nát dưới bức tường mà chính ông đang xây nên, và tôi trở thành trẻ mồ côi. Tôi đã nhớ bố suốt bảy trăm ba mươi ngày, nhớ mẹ tôi còn lâu hơn thế, nhưng ngày mai tôi sẽ không nhớ ai nữa. Tôi nghĩ về điều này khi bước xuống các bậc thang xoáy ốc của trại trẻ, ngôi nhà khốn nạn chất chứa những kẻ bỏ đi, và vào thành phố. Bố, mẹ, ông, các bạn bè của tôi… ngày mai tôi sẽ không nhớ ai nữa.
Còn sớm và mặt trời chưa lên hết đỉnh núi, nhưng thành phố đã tỉnh dậy từ lâu. Các con phố đông nghẹt người lao động, các đội sửa chữa, những bà mẹ đẩy những chiếc xe cũ kỹ và các bà mẹ nuôi dắt theo hàng đàn trẻ con như dắt gia súc. Đâu đó ở xa xa ai đang chơi kèn clarinet, những nốt nhạc run rẩy tràn qua bầu không khí buổi sáng như tiếng chim, và tôi cố ngăn không cho nó lọt vào tai. Tôi không muốn nghe tiếng nhạc, tôi không muốn thấy ráng hồng của bình minh. Thế giới này là kẻ dối trá. Sự xấu xa của nó đã át hết tất cả; những mẩu vụn đẹp đẽ chỉ làm nó tệ hơn mà thôi.
Tôi đi đến tòa nhà hành chính ở phố Đảo và nói với nhân viên lễ tân là tôi có buổi hẹn lúc bảy giờ với Tướng Grigio. Chị ta dẫn tôi đến văn phòng của ông rồi đóng cửa lại. Vị tướng không ngẩng lên khỏi đống giấy tờ trên bàn. Ông chỉ giơ một ngón tay lên với tôi. Tôi đứng đợi, đưa mắt nhìn vơ vẩn những thứ treo trên tường. Một bức ảnh chụp Julie. Một bức ảnh chụp mẹ Julie. Một bức ảnh đã phai màu chụp chính ông và Đại tá Rosso hồi còn trẻ, mặc quân phục Mỹ chính quy, đang hút thuốc trước một đường chân trời ngập trong biển nước của thành phố New York. Cạnh đó là một bức ảnh khác cũng chụp hai người đang hút thuốc, lần này là trước một thành London nát vụn. Rồi Paris bị bom san phẳng. Rồi Rome đang còn âm ỉ cháy.
Cuối cùng vị tướng cũng đặt giấy tờ xuống. Ông bỏ kính ra và ngắm nhìn tôi. “Cậu Kelvin,” ông nói.
“Thưa ngài.”
“Hôm nay là buổi thu gom đầu tiên của cậu với tư cách là trưởng nhóm.”
“Vâng, thưa ngài.”
“Cậu đã sẵn sàng chưa?”
Lưỡi tôi ngập ngừng một giây trong khi những hình ảnh nào là ngựa, nào là nghệ sĩ chơi cello, nào là dấu son môi đỏ thắm trên miệng ly rượu tràn qua óc tôi, cố làm tôi sẩy bước. Tôi đốt cháy chúng như đốt đống phim cũ. “Đã sẵn sàng, thưa ngài.”
“Tốt. Đây là giấy phép ra vào của cậu. Giờ cậu đến trung tâm cộng đồng gặp Đại tá Rosso để nhận danh sách nhóm.”
“Cảm ơn ngài.” Tôi cầm lấy tờ giấy và quay lưng định đi. Nhưng tôi dừng lại ở ngưỡng cửa. “Thưa ngài?” Giọng tôi hơi run run mặc dù tôi đã thề là sẽ không để chuyện đó xảy ra.
“Gì vậy, Perry?”
“Cho phép cháu được nói thoải mái ạ?”
“Cháu cứ nói đi.”
Tôi liếm đôi môi khô khốc. “Có lý do cho tất cả những việc này không ạ?”
“Cháu nói sao cơ?”
“Có lý do nào bắt chúng ta phải tiếp tục làm những việc này không ạ? Việc thu gom và… tất cả các việc khác ấy ạ?”
“Ta e là ta không hiểu câu hỏi của cháu, Perry ạ. Những gì chúng ta thu gom được đang giúp chúng ta sống sót.”
“Có phải chúng ta đang cố sống sót vì chúng ta nghĩ một ngày kia thế giới sẽ tốt đẹp hơn không ạ? Đó có phải là mục đích của chúng ta không?”
Nét mặt ông không biểu lộ điều gì. “Có thể.”
Giọng tôi nghẹn lại, không đường hoàng chút nào, nhưng tôi không còn kiểm soát được nó nữa. “Thế còn ngay bây giờ thì sao ạ? Có điều gì mà bác yêu đến mức muốn sống vì nó ngay bây giờ không ạ?”
“Perry…”
“Bác nói cho cháu biết được không ạ? Xin bác?”
Mắt ông lạnh như hai viên mã não. Một âm thanh trôi lên cổ ông như âm tiết nào đó, rồi dừng lại. Ông mím chặt môi. “Cuộc trò chuyện này không thích hợp.” Ông đặt cả hai tay lên bàn. “Cậu nên đi đi. Cậu có việc phải làm.”
Tôi khó khăn nuốt xuống. “Vâng, thưa ngài. Xin lỗi ngài.”
“Đến gặp Đại tá Rosso ở trung tâm cộng đồng để nhận danh sách nhóm.”
“Vâng, thưa ngài.”
Tôi bước qua cửa và đóng nó lại.
Trong văn phòng của Đại tá Rosso tôi cư xử một cách cực kỳ chuyên nghiệp. Tôi xin danh sách và ông giao chúng cho tôi, đưa cho tôi chiếc phong bì với vẻ tự hào nồng ấm trong cặp mắt nheo nheo đang kém dần. Ông chúc tôi may mắn và tôi cảm ơn ông, ông mời tôi đến ăn tối và tôi lịch sự từ chối. Giọng tôi không hề run. Tôi không hề mất bình tĩnh.
Khi đi qua sảnh của trung tâm cộng đồng, tôi liếc mắt về phía phòng tập thể dục và thấy Nora đang nhìn tôi qua ô cửa sổ cao. Cô mặc quần soóc đen vừa khít và áo ba lỗ trắng, cũng như đám trẻ con dưới mười ba tuổi trên sân bóng chuyền sau lưng cô. “Đội” của Nora, một cố gắng thảm hại của cô để mỗi tuần hai lần giúp bọn trẻ quên đi thực tại. Tôi đi qua cô mà không buồn gật đầu, và khi đang đẩy cửa ra thì tôi nghe thấy tiếng giày thể thao của cô lẹp kẹp trên mặt sàn lát gạch sau lưng mình.
“Perry!”
Tôi dừng lại và để cho hai cánh cửa tự đóng vào. Tôi quay lại đối diện với cô. “Chào.”
Cô đứng trước mặt tôi, hai tay khoanh trước ngực, mắt rắn đanh. “Hôm nay là ngày trọng đại đấy nhỉ?”
“Tớ đoán vậy.”
“Cậu sẽ đi đến khu nào? Cậu đã lên kế hoạch hết rồi chứ?”
“Tòa nhà Pfizer cũ trên đại lộ 8.”
Cô gật đầu lia lịa. “Tốt, kế hoạch ổn đấy Perry ạ. Và cậu sẽ xong việc rồi về nhà vào lúc sáu giờ chứ? Vì tối nay bọn này sẽ dẫn cậu xuống Vườn Quả, nhớ đấy. Bọn này sẽ không để cậu ủ ê suốt cả ngày hôm nay như năm ngoái đâu.”
Tôi ngắm lũ trẻ trong phòng tập, chuyền – giao – đập bóng, vừa cười vừa chửi thề. “Tớ không biết có về kịp không. Vụ thu gom này có thể muộn hơn bình thường.”
Cô vẫn gật đầu. “À. Được rồi. Bởi vì tòa nhà đó đã bị nghiêng và đầy vết nứt cùng ngõ cụt và cậu phải cẩn thận hơn bình thường, đúng không?”
“Đúng”
“Được.” Cô hất hàm về phía chiếc phong bì trong tay tôi. “Cậu đã kiểm tra chưa?”
“Chưa.”
“Thế thì cậu nên kiểm tra đi, Perry.” Chân cô nhịp nhịp trên sàn; cả người cô run lên vì cơn giận nén lại. “Cậu cần biết chắc là mình nắm được tiểu sử, điểm mạnh, điểm yếu của mỗi thành viên trong đội và các thứ đại loại thế. Của tôi chẳng hạn, bởi vì tôi cũng có mặt đấy.”
Mặt tôi ngớ ra. “Cái gì?”
“Đúng mà, tôi sẽ đi cùng, Rosso đã cho tôi vào nhóm hôm qua. Cậu có biết điểm mạnh và điểm yếu của tôi không? Trong chương trình của cậu có việc gì mà cậu nghĩ là sẽ quá khó với tôi không? Vì tôi không muốn làm hỏng cuộc thu gom đầu tiên với tư cách trưởng nhóm của cậu đâu.”
Tôi xé toạc chiếc phong bì và bắt đầu lướt qua những cái tên.
“Julie cũng tham gia đấy, cô ấy có bảo cậu thế không?”
Tôi trợn mắt rời khỏi tờ giấy.
“Đúng thế đấy, đồ khốn, có rắc rối gì với cậu không?” Giọng cô gằn xuống đến mức gần như vỡ òa. Những giọt lệ long lanh trong mắt cô. “Có bất kỳ vấn đề gì không?”
Tôi đẩy cửa lao vào bầu không khí se lạnh buổi sớm. Chim bay trên đầu. Những con bồ câu mắt lờ đờ, những con hải âu gào thét, những con ruồi và bọ ăn phân – khả năng bay lại được tống cho những sinh vật hèn kém nhất của Trái đất. Nếu như tôi biết bay thì sao? Cảm giác tự do hoàn hảo, không trọng lượng ấy. Không hàng rào, không tường, không ranh giới; tôi sẽ bay đi khắp mọi nơi, bay qua đại dương và lục địa, núi đồi và rừng rậm và thảo nguyên bất tận, và đâu đó trên thế giới, đâu đó giữa những vẻ đẹp nguyên sơ xa vời ấy, tôi sẽ tìm ra được một lý do.