Bước vào bệnh viện khi mặt trời đã lặn, tôi cố gắng nhớ lại từng bước chuyển dạ, độ mở tử cung tương ứng, tên từng điểm mô tả vị trí xuống thai của đứa trẻ – bất kỳ điều gì có thể hữu ích lúc cần thiết. Là một sinh viên Y, nhiệm vụ của tôi là học thông qua quan sát và tránh ngáng đường. Các bác sĩ nội trú, những người đã kết thúc chương trình học ở trường và giờ đang hoàn thành đào tạo chuyên khoa và các y tá với nhiều năm kinh nghiệm lâm sàng sẽ là những người hướng dẫn chính của tôi. Nhưng nỗi sợ hãi vẫn len lỏi – tôi có thể cảm thấy những nhịp đập của nó – rằng trong những phút ngẫu nhiên hay dự tính, tôi sẽ có thể bị gọi qua đỡ đẻ, và thất bại.
Tôi tới phòng đợi của bác sĩ để gặp bác sĩ nội trú hướng dẫn mình. Bước vào trong phòng, tôi thấy một người phụ nữ trẻ tóc tối màu đang nằm trên sofa, rào rạo nhai bánh kẹp trong khi đang xem tivi và đọc một bài báo khoa học. Tôi tự giới thiệu bản thân mình.
“Ồ, chào,” cô nói. “Tôi là Melissa. Tôi sẽ ở đây hay trong phòng nghỉ nếu cậu cần gặp. Có lẽ điều tốt nhất cậu có thể làm là chú ý đến bệnh nhân Garcia. Cô ấy hai mươi hai tuổi, đến đây vì cơn chuyển dạ sớm và mang song thai. Mọi người khác thì đều khá bình thường.”
Giữa những lần cắn bánh, Melissa tóm tắt cho tôi một loạt sự việc và thông tin. Cặp song sinh mới hai mươi ba tuần rưỡi; hy vọng là có thể giữ cho thai kỳ tiếp tục cho đến khi song thai phát triển thêm càng lâu càng tốt; hai mươi tư tuần được coi là điểm lùi về khả năng sống sót, và mỗi một ngày sau đó đều tạo ra sự khác biệt; bệnh nhân đang sử dụng vài loại thuốc để kiểm soát các cơn co tử cung. Máy nhắn tin của Melissa vang lên.
“Được rồi,” cô nói, đu chân ra khỏi ghế, “Tôi phải đi rồi. Cậu có thể ở đây nếu cậu thích. Chúng tôi có rất nhiều kênh truyền hình cáp hay đấy. Hoặc cậu đi cùng tôi cũng được.”
Tôi theo Melissa tới phòng y tá. Một bức tường treo đầy máy theo dõi, hiển thị những đường viễn trắc lượn sóng.
“Cái gì vậy?” tôi hỏi.
“Đó là kết quả của máy đo trương lực cơn co tử cung và nhịp tim thai. Để tôi đưa cậu đi gặp bệnh nhân. Cô ấy không nói tiếng Anh. Cậu có nói tiếng Tây Ban Nha không?”
Tôi lắc đầu. Melissa dẫn tôi tới đó. Căn phòng tối om. Người mẹ nằm trên giường, nghỉ ngơi và yên lặng, băng theo dõi quấn quanh bụng cô, theo sát cơn co và nhịp tim của cặp song sinh, gửi tín hiệu tới màn hình mà tôi đã thấy ở phòng y tá. Người cha ngồi cạnh giường nắm tay vợ, lo lắng hằn trên trán, Melissa thì thầm gì đó với họ bằng tiếng Tây Ban Nha sau đó dẫn tôi ra ngoài.
Trong vài tiếng sau đó, mọi sự diễn ra thuận lợi. Melissa ngủ trong phòng chờ. Tôi cố gắng giải mã những đường nguệch ngoạc không thể hiểu trong đồ thị của Garcia, giống như việc đọc chữ tượng hình vậy, và rời khỏi nó chỉ với chút kiến thức rằng tên của cô là Elena14, đây là lần mang thai thứ hai, cô không được chăm sóc tiền sản và cũng không có bảo hiểm. Tôi viết tên những loại thuốc cô đang dùng và ghi chú lại rằng mình cần tìm hiểu thêm. Tôi có đọc một chút về sinh non trong cuốn sách tìm được trong phòng chờ. Những đứa trẻ sinh non, nếu chúng sống sót, thường có một tỷ lệ cao mắc chứng xuất huyết não và bại não. Nhưng mặt khác ba thập kỷ trước, anh trai Suman của tôi cũng sinh non gần tám tuần và giờ đang là một nhà thần kinh học. Tôi bước tới một y tá và hỏi cô cách đọc những đường nguệch ngoạc trên máy theo dõi, vốn chẳng rõ ràng hơn “chữ bác sĩ” là bao nhưng hiển nhiên là có thể nói trước một tình trạng bình yên hay là thảm họa. Cô gật đầu và bắt đầu nói với tôi về cách đọc những cơn co tử cung và nhịp tim, theo cách mà nếu cậu nhìn kỹ vào đây, và cậu sẽ thấy…
Cô dừng lại. Vẻ lo lắng thoáng trên mặt. Không nói lời nào cô đứng bật dậy và chạy tới phòng Elena, sau đó phi vội ra ngoài, vơ lấy điện thoại và nhắn Melissa. Một phút sau, Melissa đến, mắt lờ đờ liếc những đường kẻ và lao tới phòng bệnh nhân. Tôi bám phía sau. Cô bật mở điện thoại và gọi bác sĩ chính, líu ríu những biệt ngữ mà tôi chỉ hiểu phần nào. Cặp song sinh đang gặp nguy hiểm, tôi hiểu được điều đó, và cơ hội sống sót duy nhất hiện giờ là mổ bắt con.
Vẫn còn đang choáng váng, tôi được đi theo tới phòng mổ. Họ đặt Elena nằm ngửa trên bàn, truyền thuốc vào ven cô. Một y tá điên cuồng phết vào bụng bầu của cô thứ dung dịch khử trùng, trong khi đó bác sĩ chính, bác sĩ nội trú và tôi xịt tẩy cồn lên bàn tay và cánh tay. Tôi bắt chước các động tác gấp rút của họ, đứng yên lặng khi miệng họ rủa thầm. Bác sĩ gây mê luồn ống vào khí quản bệnh nhân trong khi bác sĩ mổ kỳ cựu và bác sĩ chính đầy sốt ruột.
“Nhanh lên,” ông nói. “Chúng ta không có nhiều thời gian đâu. Cần phải nhanh lên.”
Tôi đứng ngay cạnh bác sĩ chính khi ông mổ phanh bụng người phụ nữ, tạo một vết rạch cong dài dưới rốn, ngay dưới đỉnh của phần dạ con nhô lên. Tôi gắng dõi theo nhất cử nhất động, đào bới trong trí não những hình vẽ giải phẫu trong sách giáo khoa. Ông rạch một đường đầy tự tin qua cân mạc thẳng bao phủ cơ, sau đó tách phần cân mạc và thớ cơ bên dưới bằng tay, để lộ ra hình ảnh loáng thoáng của tử cung tròn như trái dưa. Ông lại tiếp tục rạch mở nó, một khuôn mặt nhỏ xíu xuất hiện, sau đó biến mất trong làn máu. Bàn tay vị bác sĩ thọc sâu vào, kéo ra một, sau đó là hai em bé tím ngắt hầu như không cử động, mắt nhắm nghiền, giống như những chú chim rơi khỏi tổ quá sớm. Xương của chúng hiện ra qua lớp da trong mờ, trông chúng giống như những bức phác họa nháp của hai đứa trẻ hơn là hai đứa trẻ bằng xương bằng thịt. Chúng nhỏ xíu, khó mà ẵm bế được, không lớn hơn nhiều so với bàn tay bác sĩ mổ. Chúng nhanh chóng được truyền tới vị chuyên gia về trẻ sơ sinh đang đợi, người này nhanh chóng đưa chúng tới đơn vị chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt.
Cơn nguy cấp tạm đẩy lui, nhịp độ cuộc phẫu thuật chậm lại, sự điên cuồng chuyển sang thứ gì đó tương tự như bình yên. Mùi thịt cháy thoảng qua trong không khí khi dao đốt chặn lại những tia máu bắn ra. Tử cung được khâu lại, những sợi chỉ giống như một hàng răng ngậm vết thương đóng lại.
“Giáo sư, thầy có muốn đóng màng bụng không?”. Melissa hỏi. “Em đọc gần đây rằng điều đó là không cần thiết”.
“Không để ai bị tan rời những gì Chúa đã kết cho họ,” bác sĩ chính nói. “Ít nhất thì không lâu hơn tạm thời. Tôi thích để mọi sự lại như lúc trước thấy chúng – hãy khâu lại đi.”
Màng bụng là một tấm màng bao phủ khoang bụng. Bằng cách nào đó tôi đã hoàn toàn mất dấu chỗ nó bị phanh ra và giờ đây tôi cũng chẳng thể nhìn thấy nó. Với tôi, vết thương giống như một đống mô lộn xộn, dù vậy đối với những bác sĩ phẫu thuật, nó có một sự ngăn nắp thấy rõ, giống như một khối cẩm thạch trong mắt nhà điêu khắc vậy.
Melissa gọi lấy chỉ khâu màng bụng, chạm kẹp forcep vào vết thương và kéo lên một lớp mô trong suốt giữa cơ và tử cung. Đột nhiên, tấm màng bụng và lỗ hổng trong nó trở nên rõ ràng. Cô khâu nó lại, rồi chuyển đến vùng cơ và cân mạc, giữ chúng lại gần nhau bằng một chiếc kim lớn và vài mũi khâu vòng lớn. Bác sĩ chính rời đi, lớp da được khâu lại với nhau. Melissa hỏi nếu tôi có muốn thực hiện hai mũi khâu cuối.
Hai tay tôi run rẩy khi kéo kim qua lớp mô dưới da. Khi thắt chặt sợi chỉ, tôi thấy chiếc kim khẽ cong. Lớp da dính lại không cân phẳng, một cục mỡ thụt qua.
Melissa thở dài, “Không cân rồi,” cô nói. “Cậu chỉ cần phải bắt lấy lớp da này – cậu nhìn thấy sọc trắng mỏng này không?”
Tôi có thấy. Không chỉ trí não tôi phải được rèn luyện mà cả đôi mắt của tôi nữa.
“Kéo!” Melissa cắt các nút thắt thiếu chuyên nghiệp của tôi đi, khâu lại vết thương, đặt vào đó một miếng gạc và bệnh nhân được đưa đến phòng hồi sức.
Như Melissa đã nói với tôi trước đó, hai mươi tư tuần trong dạ con được coi là ranh giới của khả năng sống sót. Cặp song sinh đã qua hai mươi ba tuần và sáu ngày. Các bộ phận cơ thể đã hình thành, nhưng có lẽ chưa sẵn sàng cho trách nhiệm duy trì sự sống. Chúng bị nợ tới gần bốn tháng phát triển an toàn trong tử cung nơi dòng máu đầy oxy và dinh dưỡng đến qua dây rốn. Hiện giờ khí oxy sẽ phải đi qua lá phổi và những lá phổi chưa đủ khả năng giãn nở một cách phức tạp và thưc hiện việc trao đổi khí vốn được gọi là hô hấp. Tôi đến thăm cặp song sinh ở phòng chăm sóc đặc biệt, mỗi đứa nằm trong một lồng ủ bằng nhựa trong suốt, lọt thỏm giữa những chiếc máy lớn không ngừng kêu bíp, hầu như khó có thể thấy giữa mớ dây dợ và ống xoắn xuýt lại. Chiếc lồng ấp có lỗ thông nhỏ ở cạnh bên, nơi cha mẹ có thể vươn tới và khẽ vỗ tay chân bé, đem đến một chút đụng chạm bằng da thịt của người sống.
Mặt trời đã lên, ca trực của tôi kết thúc. Tôi được về nhà, hình ảnh của cặp song sinh đưa ra khỏi tử cung phá quấy giấc ngủ của tôi. Giống như một lá phổi chưa trưởng thành, tôi cảm thấy chưa sẵn sàng cho trách nhiệm suy trì sự sống.
Khi quay trở lại làm việc tối hôm đó, tôi được phân công phụ trách một thai phụ khác. Không ai nhận thấy có vấn đề gì trong thai kỳ này. Mọi thứ đều theo trình tự hết mức có thể, hôm nay thậm chí còn là ngày dự sinh của cô. Cùng với y tá, tôi theo dõi diễn tiến đã ổn định của người mẹ, những cơn co tử cung hành hạ thể xác với mật độ tăng dần. Y tá báo cáo lại độ mở tử cung, từ ba đến năm rồi đến mười centimet.
“Ok, đến lúc phải rặn rồi,” y tá nói.
Quay lại tôi, bà nói, “Đừng lo lắng – chúng tôi sẽ nhắn cho cậu khi tới lúc sinh.”
Tôi bắt gặp Melissa ở phòng chờ của bác sĩ. Sau một lúc, nhóm bác sĩ sản được gọi vào phòng: thời điểm sinh đến gần. Bên ngoài cửa, Melissa đưa cho tôi một áo choàng, găng tay và một đôi bọc ủng.
“Sẽ nhem nhuốc lắm đấy,” cô nói.
Chúng tôi vào phòng. Tôi ngượng nghịu đứng nép về một bên cho tới khi Melissa đẩy tôi ra trước, giữa đôi chân bệnh nhân, ngay trước mặt bác sĩ chính.
“Rặn!” y tá động viên. “Lại nào: như thế, nhưng đừng hét.”
Tiếng thét không ngừng lại, và đi kèm ngay sau đó là máu và các chất lỏng khác phun ra. Những biểu đồ y học gọn ghẽ chẳng có gì là liên quan đến Tự nhiên, màu máu đỏ không chỉ trong răng và vuốt mà còn trong sinh nở. (Đây không phải là một bức ảnh của Anne Gedders15.) Việc học để trở thành bác sĩ thực hành rõ ràng là một kiểu giáo dục rất khác so với là một sinh viên y trên lớp. Đọc sách và trả lời những câu hỏi trắc nhiệm chẳng hề giống với hành động thực tế, cộng thêm với cả trách nhiệm đi kèm. Việc biết rằng ta cần phải thận trọng khi kéo chiếc đầu ra trước để tạo thuận lợi cho vai chui ra an toàn chẳng giống với việc thực hành nó. Nếu tôi kéo quá mạnh thì sao? (Tổn thương thần kinh vĩnh viễn, trí não tôi gào lên.) Cái đầu ló ra ở mỗi cơn rặn và thụt lại trong lúc nghỉ, thò ra ba, lại lùi lại hai. Tôi chờ đợi. Bộ não con người đã đem đến cho cơ thể chức năng cơ bản nhất: sinh sản, một hoạt động nguy hiểm. Nhưng cũng vẫn bộ não đó khiến cho những thứ như các đơn vị chuyển dạ và sinh nở, máy đo nhịp tim, tiêm gây tê màng cứng và mổ cấp cứu trở thành những thứ khả thi và không thể không cần đến.
Tôi đứng yên, không biết lúc nào phải ra tay cũng như phải làm gì. Giọng bác sĩ chính chỉ huy đôi bàn tay tôi hướng tới chiếc đầu đang trồi ra và trong lần rặn kế tiếp, tôi nhẹ nhàng định hướng đôi vai khi một bé gái chui ra. Cô bé khá lớn, tròn trịa và nhớt nhát, có lẽ to gấp ba lần kích thước của sinh mệnh giống như chú chim đêm trước. Melissa kẹp dây rốn và tôi cắt nó. Đôi mắt mở ra và cô bé bắt đầu khóc. Tôi giữ cô bé thêm một chút, cảm nhận sức nặng và thực thể của em, sau đó chuyển lại cho y tá để đưa đến mẹ em.
Tôi bước tới phòng đợi để thông báo cho toàn thể gia đình tin tốt lành. Hàng tá người thân tập trung tại đó nhảy lên vì vui sướng, một sự náo loạn với những cái bắt tay và ôm hôn. Tôi là một nhà tiên tri16 trở lại từ đỉnh núi với giao ước17 mới thuận lợi! Tất cả những nhem nhuốc của sự sinh đẻ đều biến mất; tại đây tôi vừa mới ôm trên tay thành viên mới nhất của gia đình này, cháu của người đàn ông này, em họ của cô gái này.
Quay trở lại phòng sinh, đầy hăm hở, tôi gặp đúng Melissa.
“Này, cô có biết cặp song sinh đêm trước thế nào không?” tôi hỏi.
Mặt cô tối lại. Trẻ A chết chiều hôm qua; trẻ B không gượng nổi qua hai mươi tư giờ và đã chết trong khoảng thời gian tôi đỡ đẻ bé mới. Tại khoảnh khắc đó, tôi chỉ có thể nghĩ về Samuel Beckett, về phép ẩn dụ rằng cặp sơ sinh đó đã chạm tới giới hạn cuối cùng: “Một ngày chúng ta được sinh ra, một ngày khác chúng ta sẽ chết đi, cùng một ngày, cùng một giây… Cửa sinh cũng là cửa tử, ánh sáng lóe lên một khoảnh khắc, và lần nữa lại là đêm.” Tôi đã đứng cạnh gần “người đào mộ” với chiếc “forcep” của anh. Những cuộc đời này đã thành gì?
“Cậu nghĩ rằng vậy là tồi tệ lắm sao” cô tiếp tục. “Hầu hết các thai phụ có trẻ sinh non vẫn phải trải qua quá trình chuyển dạ và sinh con. Cậu có tưởng tượng được không? Ít ra thì những nhóc này đã có một cơ hội.”
Một que diêm bập bùng mà không cháy, Người mẹ vẫn đang rền rĩ trong phòng 543, vành mắt đỏ khô héo của người cha, vệt nước mắt khẽ rơi trên khuôn mặt anh: cái phương diện đối nghịch của niềm vui, sự hiện diện bất ngờ, phi lý và không thể chịu đựng nổi của cái chết… Còn thể lý giải cho nó thế nào đây, lời lẽ nào có thể an ủi?
“Mổ cấp cứu liệu có phải là lựa chọn đúng không?” tôi hỏi.
“Chẳng có gì để thắc mắc,” cô nói. “Đó là cơ hội duy nhất mà chúng ta có.”
“Điều gì sẽ xảy ra nếu không mổ?”
“Có lẽ là chúng sẽ chết. Đường nhịp tim bất thường xuất hiện khi máu thai nhi chuyển sang tính axit; dây rốn có thể đã bị tổn thương, hoặc có gì đó nghiêm trọng đang xảy ra.”
“Nhưng làm sao biết được lúc nào thì đường biểu đồ ở ngưỡng bất thường? Cái gì tệ hơn, việc được sinh quá sớm hay phải đợi quá lâu để được sinh ra?”
“Tự phán quyết.”