Thép Đã Tôi Thế Đấy - Chương IX – Hết

Gia đình Pa-ven dọn về ở Mát-xcơ-va đã khá lâu, ở một buồng kho lưu trữ công văn của một cơ quan; đồng chí thủ trưởng cơ quan đó ra sức giúp Pa-ven, tìm cách đưa anh vào chữa ở một bệnh viện chuyên khoa.

Mãi đến giờ Pa-ven mới hiểu rằng, thân còn cường tráng, máu còn thanh niên mà đứng vững thì hãy còn là chuyện tương đối dễ và thường thôi. Nhưng giờ bị cuộc đời dồn ép vào một vòng đai thép như thế này, mà vẫn không nao núng, thì đấy mới là tiết tháo.

Mười tám tháng đau liên miên.

Ở bệnh viện, giáo sư A-véc-bác đã nói thẳng với Pa-ven là không thể nào chữa cho anh khỏi mù được. Nếu sau này, mắt anh không sưng nữa – nào biết bao giờ khỏi được sưng – thì sẽ thử dùng cách giải phẫu mổ con ngươi xem sao. Trong khi chờ đợi, để cho mắt khỏi sưng tấy lên nữa, thầy thuốc đề nghị mổ chỗ mắt đau.

Hỏi ý kiến Pa-ven thì Pa-ven cho phép muốn làm gì thì làm, tùy các thầy thuốc xét thấy cần thiết.

Anh nằm trên bàn mổ hàng giờ, trong khi dao mổ rạch thịt cổ và cắt hạch lấy tuyến giáp thì cánh đen của thần chết ba lần suýt quệt vào anh. Nhưng sự sống vẫn bám chắc rễ trong người Pa-ven. Thai-a chờ đợi lo hãi từng giờ, lúc được vào thăm thì thấy anh tái mét như người chết, nhưng Pa-ven vẫn còn sống và vẫn bình tĩnh, dịu dàng như mọi khi.

– Em đừng lo, em ạ, làm anh ngoẻo được không phải là dễ đâu. Anh còn sống hằng năm và anh sẽ nhảy múa nữa cho mà xem, dù chỉ để cải chính những tính toán máy móc của các thầy lang thông thái ấy chơi. Bảo cơ thể anh suy kiệt thì các thầy đều có lý cả, nhưng bảo anh trăm phần trăm là một người tàn phế thì nhầm quá lắm. Rồi mà xem.

Pa-ven quyết tâm chọn con đường đưa anh trở về hàng ngũ nhũng con người xây dựng cuộc đời mới.

Mùa đông qua. Mùa xuân đã tới, mở toang các cửa sổ ra, và Pa-ven gầy rộc đi qua lần mổ vừa rồi, thấy rằng không thể ở bệnh viện lâu hơn được nữa. Sống bằng ấy tháng trời, chung quanh toàn là những con người đau đớn bệnh tật, giữa tiếng kêu la rên xiết của những người bệnh tuyệt vọng, anh thấy khổ hơn là chịu đựng những đau đớn của riêng bản thân mình.

Khi thầy thuốc bảo nên mổ nữa thì anh trả lời, lạnh lùng và dứt khoát:

– Tôi không mổ nữa đâu. Mổ thế là đủ. Tôi đã hiến cho khoa học một phần máu của tôi rồi. Chỗ máu còn lại tôi còn phải để dùng vào việc khác.

Ngay ngày hôm ấy, Pa-ven viết thư đề nghị Trung ương thu xếp cho anh ở lại Mát-xcơ-va, sợ sau này phải đi lại mất công, vả chăng vợ anh cũng có công tác ở đấy rồi. Đây là lần đầu tiên anh phiền đến Đảng, xin Đảng giúp anh. Đáp lại lời đề nghị đó, Xô-viết Mát-xcơ-va xếp cho anh một căn phòng. Pa-ven liền ra viện với một mong ước độc nhất là không bao giờ phải trở lại đấy nữa.

Nhà anh chỉ là một căn phòng giản dị ở ngõ rẽ ra phố Cơ-rô-pốt-kin . Anh cho thế là đã sang trọng nhất rồi. Thỉnh thoảng giữa đêm, Pa-ven thức dậy, anh vẫn không tin là mình chỉ vừa mới rời khỏi bệnh viện.

Thai-a được công nhận là đảng viên chính thức. Chị làm việc bền bỉ, tuy cả tấn bi kịch của đời tư cứ đè trĩu trên người, chị vẫn không kém các nữ công nhân xung kích; và tập thể theo dõi người nữ công nhân ít nói ấy, đem lòng tín nhiệm chị và bầu chị vào ủy ban công xưởng. Lòng tự hào về vợ nay đã trở thành một chiến sĩ bôn-sê-vích cũng làm cho Pa-ven dịu bớt đau buồn về cảnh ngộ.

Ba-gia-nô-va có công tác đi qua, vào thăm Pa-ven. Hai người nói chuyện với nhau lâu. Pa-ven nói với bạn một cách say sưa về con đường trong một tương lai gần đây sẽ đưa anh về hàng ngũ chiến đấu.

Ba-gia-nô-va nhận thấy tóc ở thái dương Pa-ven đã bạc. Chị dịu dàng nói:

– Tôi thấy anh đã trải nhiều gian khổ mà vẫn giữ được lòng hăng hái không gì dập tắt được. Cuốn sách mà anh nghĩ đã năm năm, giờ anh định bắt đầu viết phải không? Nên lắm anh ạ. Nhưng anh làm thế nào mà cầm bút viết được.

Pa-ven mỉm cười, nói cho bạn khỏi lo:

– Mai người nhà sẽ làm cho tôi một thứ bìa để kê giấy viết. Không có bìa kê ấy, không viết được, dòng chữ sẽ lên xuống, đè lên nhau. Tôi nghĩ mãi mới tìm ra cách ấy. Những mảnh bìa ấy sẽ làm cho tôi không đưa chệch ngọn bút chì ra khỏi dòng thẳng. Viết mà không trông thấy điều mình viết thì khó viết lắm, nhưng không phải là không viết được. Tôi tin như thế. Tôi tập viết đã lâu mà không được. Nhưng giờ thì tôi rút kinh nghiệm, tôi viết chậm thôi, tôi nắn nót từng chữ, và kết quả thì cũng khá.

Pa-ven bắt đầu làm việc.

Anh dự định viết một truyện về sư đoàn anh dũng Cô-tốp-ski. Tên cuốn sách do ngay chủ đề cuốn sách mà ra:

“Ra đời trong bão táp”.

Từ hôm ấy, anh sống chỉ để mà viết cuốn sách đó. Dần dần mọc ra hết dòng này đến dòng khác, hết trang này đến trang khác. Anh quên hết mọi việc, chỉ miệt mài với những hình tượng. Lần đầu tiên anh biết cái đau đớn của sáng tác, khi anh thấy mình không tài nào ghi hết lên giấy được những cảnh đời rực rỡ không sao quên được, hồi tưởng lại rất nồng cháy, thế mà viết ra thì nhợt nhạt, thiếu lửa, thiếu tình.

Tất cả những điều anh đã viết, anh phải nhẩm trong óc, nhớ từng chữ một. Đôi khi anh quên khuấy mất dòng văn thì công việc dừng cả lại. Bà mẹ nhìn con hí hoáy viết cả ngày thì rất đỗi kinh sợ.

Anh phải đọc lại bằng trí nhớ hàng trang sách, có khi hàng cả chương sách nữa, mới có thể lại tiếp tục viết được nữa. Những lúc ấy bà mẹ ngỡ là con hóa dại. Trong khi con còn đang mải viết, bà mẹ không dám lại gần. Nhưng khi nào bà cụ đến nhặt những tờ giấy vương rơi dưới đất thì ngập ngừng, rồi ngần ngại khẽ bảo Pa-ven:

– Con đừng viết thế nữa, Pa-vơ-lu-sa ạ. Mẹ chẳng trông thấy ai viết lắm như thế bao giờ.

Thấy mẹ lo, anh bật cười vui và nói cho mẹ vui và nói cho mẹ yên tâm là anh chưa đến nỗi hóa rồ hẳn đâu.

Ba chương cuốn sách anh định xây dựng đã viết xong. Pa-ven gửi đi Ô-đét-xa cho mấy đồng chí cũ trong sư đoàn Cô-tốp-ski đọc để lấy ý kiến. Ít lâu sau, anh nhận được thư họ trả lời tỏ ý khen ngợi. Song bản thảo gửi trả lại lạc mất. Toi công sáu tháng trời. Anh rụng rời điếng người, tiếc cay tiếc đắng sao lại gửi đi bản thảo duy nhất của cuốn sách mà không chép lại một bản giữ ở nhà. Anh nói chuyện với Lê- đê-nhếp về việc mất bản thảo đó.

– Ai lại vô ý đến thế. Nhưng, đừng buồn bực, chú ạ. Bực tức giờ cũng vô ích.Thôi, chú lại chịu khó viết lại đi.

– Nhưng, bác Lê-đê-nhếp ơi, thế là cướp không mất của tôi sáu tháng trời, quần quật làm căng óc tám giờ một ngày. Trời ơi, chúng nó là đồ ăn hại, ba lần chết tiệt!

Lê-đê-nhếp tìm lời khuyên nhủ cho anh nguôi lòng.

Phải viết lại từ đầu. Lê-đê-nhếp kiếm giấy cho anh viết. Bản thảo viết ra, đồng chí lại đem đi nhờ đánh máy lại. Được sáu tuần thì làm sống lại được chương thứ nhất.

Gia đình Pa-ven ở chung nhà với gia đình A-lêc-xê-ép. Gia đình này có con trai lớn là A-lêc-xan-đơ- rơ, làm bí thư quận Đoàn thanh niên. Em gái A-lêc- xan-đơ-rơ là Ga-li-a, mười tám tuổi, đã tốt nghiệp trường dạy nghề của nhà máy.

Ga-li-a đang tuổi chan chứa lòng yêu đời. Pa-ven nhờ mẹ hỏi xem cô ấy có ưng giúp làm “thư ký” cho anh không. Ga-li-a vui vẻ nhận lời. Cô niềm nở, vui cười sang gặp Pa-ven. Khi cô em được biết là anh đang viết một cuốn tiểu thuyết, thì bảo với anh rằng:

– Em vui lòng giúp anh lắm, đồng chí Pa-ven ạ. Chép tiểu thuyết cho anh còn thú vị hơn là thảo cho thầy em những thông tri về việc giữ gìn vệ sinh trong các phòng.

Từ hôm ấy, công việc tiến hành nhanh gấp đôi. Qua một tháng thì viết được đã khá, đến Pa-ven cũng phải lấy làm lạ. Ga-li-a, với tính tình vui tươi và giàu lòng trắc ẩn, đã làm cho công việc sáng tác của anh đỡ vất vả nhiều. Ngọn bút chì của cô nhẹ nhàng đưa sột soạt trên mặt giấy; những đoạn cô thú nhất, cô thường đọc đi đọc lại, thấy Pa-ven viết được thành công như thế, thì cô lấy làm vui thích lắm. Có lẽ, trong nhà này, cô là người duy nhất tin tưởng vào công việc của Pa-ven làm. Những người khác thì cho là viết thế chẳng đi đến đâu, chẳng qua bị bắt buộc phải ngồi không thì Pa-ven vẽ ra làm cho đời đỡ trống trải.

Lê-đê-nhếp có công tác trở lại Mát- xcơ-va. Đồng chí đọc xong những chương đầu, nói với Pa-ven:

– Cứ viết đi chú ạ. Nhất định là thành công đấy. Đồng chí Pa-ven ơi, đồng chí sẽ còn được sống những niềm vui lớn. Tôi tin tưởng chắc chắn là mộng ước của chú trở về trong đội ngũ sẽ thực hiện được. Đừng ngã lòng, con ạ.

Đồng chí già ra về rất hài lòng: đồng chí nhận thấy Pa-ven đang tràn đầy nghị lực.

Ngày ngày, Ga-li-a lại sang, bút chì của cô siết trên giấy, những hàng chữ mọc lên kể lại dĩ vãng không bao giờ quên được. Những khi Pa-ven nghe thấy những kỉ niệm cũ trào lên, lặng suy nghĩ thì mi mắt mấp máy, mắt như động đậy phản ánh những ý nghĩ trôi qua. Những lúc ấy, Ga-li-a khó mà tin được là mắt anh không nhìn thấy, bởi vì ở đôi con ngươi trong vắt không có lòng đen kia trông có tinh thần, có sự sống.

Mỗi ngày viết xong, Ga-li-a đọc lại, Pa-ven lắng nghe, nét mặt đăm chiêu, mày cau lại.

– Sao anh lại cau mày, hở anh? Đoạn này viết hay lắm cơ mà!

– Không hay đâu Ga-li-a ạ. Còn tồi lắm.

Những trang không vừa ý thì anh lại tự tay viết lại. Tay bị bó trong những mảnh bìa kê chật hẹp, lắm lúc anh viết chệch ra ngoài dòng: anh liền bỏ cả không viết nữa. Những lúc ấy, anh tức giận như điên, như dại, giận thân, giận đời đã bắt anh mù. Anh bẻ gãy bút chì, và trên môi cắn chặt rớm mấy giọt máu.

Công việc gần xong, nhưng những tình cảm tiêu cực càng hay đến trong lòng, mặc dù ý chí của anh lúc nào cũng tỉnh táo cố kìm những tình cảm ấy lại. Đấy là nỗi buồn vô hạn vì những tình cảm nồng cháy, tha thiết, những tình cảm mà con người ai cũng có, ai cũng có quyền được hưởng, thế mà riêng anh không được Nếu anh không biết tự chủ, dù chỉ để cho một trong những tình cảm kia lôi cuốn, thì cuộc đời sẽ kết thúc bằng một tấn thảm kịch mất.

Thai-a đi làm mãi khuya mới về, nói chuyện thầm với mẹ dăm ba câu, rồi đi ngủ ngay.

Chương cuối cùng đã viết xong. Suốt mấy hôm, Ga-li-a đọc lại cuốn tiểu thuyết cho Pa-ven nghe.

Mai là ngày gửi bản thảo đi Lê-nin-gơ-rát cho Ban tuyên huấn của Đảng ủy khu. Nếu ở đấy người ta cấp cho cuốn sách ” giấy thông hành vào đời” – và đưa sang nhà xuất bản cho in thì…

Pa-ven những nghĩ mà hồi hộp. Nếu được thế thì… Thế sẽ là bắt đầu một cuộc đời mới, giành lại được bằng bao nhiêu năm khó nhọc, làm cật sức và bất chấp gian nan.

Số phận cuốn sách sẽ quyết định số phận Pa-ven. Nếu bản thảo bị từ chối, không in được thì đấy sẽ là cảnh chiều tàn cuối cùng của đời anh. Song nếu không bị bỏ đi tất cả, thì còn có phương có chữa, anh sẽ tiếp tục sửa đi sửa lại, bắt tay vào ngay một trận tiến công mới..

Mẹ đem ra nhà dây thép gửi đi một gói giấy nặng. Những ngày lo lắng đợi chờ… Trong đời chưa bao giờ anh đợi thư đến một cách sốt ruột khắc khoải đau xót như lúc này. Cuộc đời anh trông vào ngày hai buổi sớm chiều phát thư của nhà dây thép. Lê-nin- gơ-rát vẫn tuyệt vô âm tín.

Sự im hơi lặng tiếng của nhà xuất bản làm anh phát lo.

Càng ngày càng đinh ninh là thất bại đến nơi rồi, và Pa-ven thú thật với mình rằng nếu cuốn sách bị bác đi, thì đời anh thế là hết: anh chẳng còn sống làm gì nữa.

Những lúc nghĩ thế, anh lại nhớ tới cái buổi chiều hôm nào ở khu vườn ngoại ô bên bờ biển, và một lần nữa anh tự hỏi:

“Để trở về chỗ đứng của mi trong đội ngũ, làm cho đời mi còn có ích, mi đã làm hết cách để giựt tung vòng đai thép đang chịt lấy cổ mi chưa?”

Và lần này anh tự trả lời:

“Lần này thì ta đã cố hết phép rồi !”

Ngày lại ngày, cảnh chờ đợi đau đớn đến cùng cực.

Bỗng một hôm, mẹ chạy vào phòng, mẹ cũng cảm động như con, mẹ kêu lên:

– Có dây thép ở Lê-nin-gơ-rát đánh về! Dây thép của Đảng ủy khu.

Mấy chữ vắn tắt trên một bức điện trả lời có mẫu sẵn: “Tiểu thuyết được nhiệt liệt tán thành xuất bản. Bắt đầu in. Xin có lời chúc mừng thắng lợi của đồng chí”.

Tim Pa-ven đập gấp. Mong ước thế là thành! Anh đã giựt tung được vòng đai thép. Với vũ khí mới, anh đã giành lại được chỗ của anh trong đội ngũ và trong cuộc sống.

Hết.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ