Tôi nhận ra đó là sự thực. Trong vài tháng trước đó, tôi làm việc như một kỹ thuật viên phòng mổ đơn thuần. Tôi đã dùng căn bệnh ung thư như một cái cớ để không làm trọn vẹn trách nhiệm đối với bệnh nhân. Mặt khác, đó dù sao cũng là một cái cớ tốt, thật chết tiệt. Giờ đây tôi bắt đầu tới sớm hơn, về muộn hơn, quay trở lại việc chăm sóc bệnh nhân, thêm vào bốn tiếng cho mỗi ngày làm việc vốn kéo dài mười hai giờ. Các bệnh nhân do đó lại trở thành tiêu điểm suy nghĩ của tôi trong mọi lúc. Hai ngày đầu tiên tôi đã nghĩ là mình phải bỏ cuộc khi phải chiến đấu với từng cơn buồn nôn dồn dập, nỗi đau và sự mệt mỏi, buộc phải lui về ngủ trên chiếc giường không sử dụng những lúc mất tinh thần. Nhưng tới ngày thứ ba, tôi bắt đầu tận hưởng công việc bất kể người ngợm suy nhược. Kết nối với bệnh nhân mang tới ý nghĩa trong công việc. Tôi uống thuốc chống nôn mửa và thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID) giữa những ca mổ và trước mỗi phiên làm việc. Tôi chịu đựng đau đớn, nhưng tôi đã trở lại một cách trọn vẹn. Thay vì tìm đến một chiếc giường không ai dùng, tôi bắt đầu nghỉ ngay trên ghế sofa của các bác sĩ nội trú, theo dõi họ khi chăm sóc bệnh nhân và giảng giải trong lúc chịu đựng những cơn co thắt lưng. Cơ thể càng bị tra tấn, tôi càng say mê làm việc. Cuối tuần đầu tiên, tôi ngủ liên tục trong bốn mươi giờ đồng hồ.
Tôi cũng dần chủ động hơn:
“Sếp,” tôi nói, “Tôi đang xem lại các ca cho ngày mai, tôi biết ca đầu tiên là liên bán cầu nhưng có lẽ sẽ an toàn và dễ dàng hơn nếu chúng ta thử xuyên vỏ não vùng đỉnh.”
“Vậy sao?” bác sĩ trực nói. “Để tôi xem lại các bản chụp… ừ đúng đấy. Anh thay đổi lại lịch đặt được không?”
Ngày hôm sau: “Xin chào, tôi Paul đây. Tôi mới gặp ông F và gia đình ở đơn vị chăm sóc đặc biệt – tôi nghĩ chúng ta cần thực hiện mổ ACDF26 cho ông ấy vào ngày mai. Tôi đặt lịch được chứ? Khi nào anh rảnh?”
Và như vậy tôi đã quay lại với nhịp làm việc trọn vẹn ở phòng mổ.
“Y tá, cô có thể nhắn cho bác sĩ S được không? Tôi nghĩ tôi sẽ làm xong ca này trước khi anh ấy đến.”
“Tôi đã kết nối được rồi. Anh ấy nói anh có lẽ chưa xong được đâu.”
Bác sĩ trực chạy tới, thở hổn hển, thay đồ và ngó vào kính hiển vi.
“Tôi chọn một góc khá nhọn để tránh xoang,” tôi nói, “nhưng cả khối u đã ra rồi.”
“Cậu tránh được xoang sao?”
“Đúng.”
“Và loại bỏ nó nguyên khối?”
“Đúng, anh có thể nhìn, nó đang trên bàn.”
“Trông tuyệt. Tuyệt đấy. Làm sao cậu có thể làm nhanh vậy? Xin lỗi tôi không đến sớm hơn được.”
“Không vấn đề gì.”
Một phần kỳ quái của bệnh tật đó là khi phải trải qua nó, giá trị của bạn không ngừng thay đổi. Bạn phải tìm ra điều gì là quan trọng với mình và sau đó lại tiếp tục tìm kiếm. Tôi cảm thấy giống như ai đó lấy đi thẻ tín dụng của mình và tôi phải học cách chi tiêu sao cho hợp lý. Bạn có thể quyết định rằng bạn muốn dành thời gian để làm một bác sĩ phẫu thuật, nhưng hai tháng sau có thể bạn sẽ thấy khác. Hai tháng sau đó, bạn có thể muốn học chơi saxophone hay cống hiến cho nhà thờ. Chết là sự kiện chỉ xảy ra trong chốc lát, nhưng sống cùng bệnh hiểm nghèo lại là cả một quá trình.
Tôi ngạc nhiên nhận ra mình đã trải qua cả năm pha đau buồn – chuỗi rập khuôn “Phủ nhận Tức giận Mặc cả Suy sụp Chấp nhận” – nhưng lại theo chiều ngược lại. Khi nghe chẩn đoán, tôi đã chuẩn bị cho cái chết. Tôi thậm chí còn cảm thấy ổn. Tôi đã chấp nhận nó. Tôi đã sẵn sàng. Sau đó tôi rơi vào trạng thái suy sụp khi biết rằng mình có lẽ chưa chết ngay, điều này dĩ nhiên là chuyện tốt, nhưng cũng rất bối rối và mệt mỏi lạ kỳ. Tốc độ phát triển của khoa học ung thư và các thống kê cho thấy rằng tôi có thể sống thêm một năm hoặc thậm chí thêm mười năm nữa. Những căn bệnh lớn thường làm sáng tỏ cuộc đời. Vậy nhưng tôi chỉ biết rằng tôi sẽ chết – điều mà tôi cũng đã biết trước rồi. Tình trạng hiểu biết của tôi vẫn vậy nhưng khả năng lập kế hoạch ăn trưa thì bị quăng xuống địa ngục. Con đường phía trước có lẽ sẽ rõ ràng nếu như tôi biết chính xác mình còn bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm. Cho tôi ba tháng, tôi dành thời gian cho gia đình. Cho tôi một năm, tôi sẽ viết sách. Cho tôi mười năm, tôi sẽ quay trở lại với việc chữa bệnh. Cái sự thực rằng bạn sẽ sống thêm từng ngày một chẳng có ý nghĩa gì: Tôi sẽ làm gì với ngày đó đây?
Tại thời điểm nào đó, tôi bắt đầu mặc cả một chút – hoặc cũng không hẳn là mặc cả. Kiểu như: “Lạy Chúa, con đã đọc Job, và con không hiểu nó, nhưng nếu đây là bài thử về đức tin, Cha có lẽ đã biết đức tin của con khá yếu ớt, và có lẽ cai hẳn được việc cứ phải cho mù tạt cay vào bánh kẹp thịt bò cũng kiểm tra được chứ sao? Cha đâu cần phải mạnh tay thế này…” Sau đó, sau những lần mặc cả là cơn tức giận kéo đến: “Con đã làm việc cả đời để đạt được chừng này, giờ Cha mang đến cho con ung thư sao?”
Và giờ, cuối cùng, tôi đã đi tới mức Phủ nhận. Có lẽ là phủ nhận hoàn toàn. Có lẽ, khi không có sự chắc chắn nào cả chúng ta đành mặc định rằng mình sẽ sống rất lâu. Có lẽ đó là cách duy nhất để nhìn về phía trước.
Tôi thường phẫu thuật tới đêm muộn hoặc tới tận sáng sớm, tập trung vào việc tốt nghiệp. Chẩn đoán bệnh đã là chuyện chín tháng trước. Cơ thể tôi bị hạ gục. Tôi quá mệt chẳng muốn ăn chút gì đó mỗi lần về nhà. Tôi tăng dần liều lượng Tylenol và NSAID và thuốc chống nôn mửa. Tôi bắt đầu bị ho không ngừng, có lẽ là do những vết sẹo trên phổi do các khối u đã chết. Tôi tự nhủ rằng mình chỉ cần duy trì nhịp độ tàn nhẫn này thêm đôi ba tháng nữa thôi và rồi tôi sẽ tốt nghiệp chương trình nội trú, và ổn định trong vị trí thư thả hơn của một giáo sư.
Vào tháng Hai, tôi bay tới Wisconsin cho một cuộc phỏng vấn. Họ chào mời mọi thứ mà tôi mong muốn: Hàng triệu đô la để mở phòng thí nghiệm khoa học thần kinh, đứng đầu một cơ sở dịch vụ lâm sàng của riêng tôi, sự linh động nếu tôi cần để chăm sóc sức khỏe bản thân, chức danh giáo sư được bổ nhiệm chính thức, những đề nghị hấp dẫn về công việc cho Lucy, lương cao, cảnh đẹp, thị trấn điền viên, lãnh đạo hoàn hảo. “Tôi hiểu vấn đề sức khỏe của anh, và anh có lẽ có quan hệ gắn bó với bác sĩ ung thư của mình,” chủ nhiệm khoa nói với tôi. “Do đó nếu anh muốn duy trì việc chăm sóc sức khỏe ở đó, chúng tôi sẽ cấp vé máy bay để anh di chuyển qua lại – dù rằng chúng tôi cũng có trung tâm ung thư hàng đầu ở đây nếu anh muốn thử khám phá. Liệu còn gì tôi có thể làm khiến cho vị trí này hấp dẫn hơn nữa không?”
Tôi nghĩ về những gì Emma đã nói. Tôi đi từ việc không thể tin rằng mình có thể trở thành bác sĩ phẫu thuật tới khi trở thành một bác sĩ phẫu thuật. Một sự chuyển đổi mang theo lực đổi đức tin. Cô đã luôn lưu tâm về phần nhân diện này của tôi ngay cả khi tôi không thể. Cô đã làm những gì tôi từng thử thách bản thân mình nhiều năm trước trong vai trò của một bác sĩ: Chấp nhận trách nhiệm to lớn đối với linh hồn tôi và đưa tôi trở lại vị trí tôi có thể quay lại với chính bản thân mình. Tôi đã đạt được những đỉnh cao trong việc học nghề phẫu thuật thần kinh, mục tiêu trở thành không chỉ một bác sĩ phẫu thuật mà là bác sĩ phẫu thuật kiêm nhà khoa học. Mọi thực tập sinh đều khao khát điều này; nhưng hầu như không ai làm được điều đó.
Đêm đó, ngài chủ nhiệm khoa đưa tôi về khách sạn sau bữa tối. Ông dừng xe và tấp vào bên đường. “Để tôi cho anh thấy điều này,” ông nói. Chúng tôi ra ngoài và đứng trước bệnh viện, nhìn qua một hồ nước đóng băng, phía bờ hồ tít xa toả sáng lấp lánh ánh đèn chiếu ra từ các toà nhà. “Vào mùa hè, anh có thể bơi hoặc chèo thuyền đi làm. Vào mùa đông, anh có trượt băng hay trượt ván.”
Hệt như truyện cổ tích. Và chính tại khoảnh khắc đó, tôi như bị sét đánh: Nó thực sự là chuyện cổ tích. Chúng tôi sẽ không bao giờ có thể chuyển đến Wiscousin. Nếu bệnh của tôi tái phát nghiêm trọng trong vòng hai năm thì sao? Lucy sẽ bị cô lập, tước đoạt ra khỏi vòng tay bạn bè và gia đình, một mình chăm lo cho người chồng sắp chết và em bé mới sinh. Càng cố cưỡng lại nó, tôi càng điên tiết nhận ra rằng căn bệnh ung thư đã thay đổi toàn bộ phép tính. Trong vài tháng trước, tôi đã nỗ lực từng tí một để khôi phục cuộc sống trở lại với quỹ đạo trước kia, cố gắng phủ nhận việc nó có ảnh hưởng tới cuộc đời mình. Giờ đây tôi muốn được cảm nhận chiến thắng, nhưng thay vì đó tôi chỉ cảm thấy thân thể mình như bị những chiếc càng cua kẹp lại, và tôi vùng vẫy trong vô vọng. Lời nguyền ung thư tạo ra một sự tồn tại căng cứng và lạ kỳ, thử thách tôi đừng để bị đui mù hay trói buộc bởi cái chết tới gần. Ngay cả khi căn bệnh tạm rút lui, nó vẫn là một ám ảnh lớn.
Khi tôi vừa đánh mất vị trí giáo sư ở Stanford, tôi an ủi bản thân rằng điều hành một phòng thí nghiệm chỉ hợp lý trong bối cảnh thời gian khoảng hai mươi năm. Giờ tôi nhận ra đó là một thực tế. Freud bắt đầu sự nghiệp của ông là một nhà khoa học thần kinh xuất sắc. Khi ông thấy rằng khoa học thần kinh cần tới ít nhất một thế kỷ để có thể bắt kịp với tham vọng thực sự của ông trong việc tìm hiểu bộ não, ông đã gạt kính hiển vi của mình sang một bên. Tôi nghĩ tôi cảm thấy tương tự. Dùng nghiên cứu của mình để làm thay đổi ngành phẫu thuật thần kinh là một canh bạc mà khả năng thắng cuộc chỉ là rất nhỏ xét tới chẩn đoán bệnh của tôi; phòng nghiên cứu không phải là nơi mà tôi muốn đặt cược toàn bộ thời gian còn lại của mình.
Tôi lại nghe thấy tiếng của Emma vang lên: Anh phải tìm ra điều gì là quan trọng nhất với mình.
Nếu tôi không còn muốn tìm cách bay trên quỹ đạo cao nhất của một bác sĩ phẫu thuật thần kinh kiêm nhà khoa học, vậy tôi muốn gì?
Một người cha?
Một bác sĩ phẫu thuật thần kinh?
Dạy học?
Tôi không biết. Nhưng ngay cả khi tôi không biết mình muốn gì, tôi cũng đã học được một điều, một điều không hề có trong Hippocrat, Maimonide, hay Osler: nghĩa vụ của bác sĩ không phải là ngăn chặn cái chết hay đưa bệnh nhân trở lại cuộc sống cũ của họ, mà là ôm lấy bệnh nhân cũng như gia đình họ trong vòng tay, những người mà cuộc sống đang dần tan vỡ và làm việc cho tới khi họ có thể đứng đây, đối mặt, và hiểu được sự tồn tại của chính bản thân mình.
Sự ngạo mạn của chính tôi, một bác sĩ phẫu thuật đang hiện ra trần trụi trước mắt tôi: khi tôi dồn mọi chú ý vào trách nhiệm và quyền lực của tôi đối với cuộc đời bệnh nhân, nó chỉ là thứ trách nhiệm tạm thời, một quyền lực phù du. Một khi cơn khủng hoảng được giải quyết, bệnh nhân thức tỉnh, tháo ống thở, và sau đó là được cho xuất viện, họ và người thân sẽ tiếp tục sống – mọi thứ sẽ không bao giờ trở lại như cũ. Những lời của bác sĩ có thể làm xoa dịu tâm hồn, giống như con dao mổ của ông ta làm dịu đi những căn bệnh trên não. Dù vậy họ sẽ vẫn luôn phải vật lộn với những bất định và sự hoành hành, cả về mặt cảm xúc và thể chất của bệnh tật.
Emma không mang lại cho tôi nhân diện cũ. Cô bảo vệ khả năng rèn giũa ra một con người mới của tôi. Và cuối cùng thì tôi cũng biết mình sẽ phải làm vậy.
Một buổi sáng mùa xuân trời trong như pha lê của ngày Chủ Nhật thứ ba của mùa chay927, Lucy và tôi tới nhà thờ cùng cha mẹ. Ông bà từ Arizona bay sang thăm chúng tôi vào cuối tuần. Chúng tôi ngồi bên nhau trên một băng ghế gỗ dài có tựa lưng, mẹ tôi bắt đầu một cuộc trò chuyện phiếm với gia đình bên cạnh, ban đầu là khen ngợi đôi mắt của cô con gái nhỏ, sau đó nhanh chóng chuyển tới những vấn đề khác. Kỹ năng lắng nghe, tâm tình của và kết nối của bà thể hiện sắc bén. Bài đọc thánh kinh của linh mục bỗng khiến tôi khúc khích. Nó mô tả hình ảnh một Đức Chúa đầy chán nản khi thứ ngôn ngữ ẩn dụ của Ngài bị dịch ra theo nghĩa đen tầm thường bởi đám con chiên của Ngài:
Chúa Jesus trả lời, “Ai uống nước giếng này rồi sẽ lại khát; nhưng ai uống nước Ta cho thì sẽ không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời.” Người đàn bà thưa. “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó, để tôi chẳng còn khát hay khỏi phải đến đây kéo nước làm gì.”
Cùng lúc đó, môn đệ của Ngài thúc giục, “Rabbi, ăn đi.” Nhưng Ngài nói với họ, “Ta có thức ăn mà các ngươi không biết.” Các môn đệ lần lượt nói với nhau, “Rốt cuộc là ai đã đem đồ ăn đến cho Ngài?”
Những đoạn như thế này có một sự châm chích rõ ràng về việc đọc Kinh theo đúng nghĩa đen câu chữ. Điều này mang tôi trở lại với Thiên Chúa giáo sau một khoảng thời gian dài kể từ thời đại học, khi đó cảm nhận của tôi về Thánh Thần và Chúa Jesus, nói một cách giảm nhẹ, thì là đã trở nên hời hợt. Trong suốt thời gian tôi tại vị ở trường phái vô thần đầy cứng rắng, vũ khí chính chống lại Thiên chúa giáo là sự thất bại của nó ở những cơ sở thực nghiệm. Rõ ràng những lý luận đầy khai sang mang đến một vũ trụ mạch lạc và chặt chẽ hơn nhiều. Rõ ràng con dao cạo của Ockham28 đã giải thoát người theo nó khỏi niềm tin mù quáng. Không có minh chứng nào về Chúa, do đó, thật chẳng có lý do gì để tin vào Chúa.