Khi Hơi Thở Hoá Thinh Không - Phần 1- Chương 1

KHỞI ĐẦU TỪ MỘT SỨC KHOẺ HOÀN HẢO

Tay Đức Chúa đặt lên người ta, ngài kéo ta ra bằng tinh thần của Chúa, và đặt ta giữa trũng lầy đầy xương cốt.

Ngài khiến ta đi vòng quanh chúng: và kìa, trên thung lũng mở cơ man nào là chúng; và lại kìa, chúng đều đã khô.

Ngài nói với ta, hỡi Con người5, những bộ cốt này có thể sống không?

Tôi biết chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ trở thành một bác sĩ. Tôi nằm duỗi dài thư giãn dưới ánh nắng trên cao nguyên hoang mạc phía trên nhà. Bác tôi, một bác sĩ, cũng như bao người họ hàng ướm hỏi về dự định nghề nghiệp khi tôi chuẩn bị bước vào cánh cửa đại học. Và câu hỏi chẳng mấy được để tâm. Nếu bị ép buộc, câu trả lời của tôi có lẽ sẽ là một nhà văn, nhưng thú thực, mọi suy nghĩ về nghề nghiệp tại thời điểm đó thực sự rất kỳ cục. Chỉ vài tuần nữa là tôi sẽ rời thị trấn Arizona và cảm thấy mình giống như một hạt electron bay vu vu, sắp sửa đạt được vận tốc thoát ly, lao tới một vũ trụ lấp lánh lạ kỳ, hơn là một ai đó đang chuẩn bị leo lên một nấc thang nghề nghiệp.

Tôi nằm đó trên đám bụi đất, trôi nổi giữa ánh dương và ký ức, cảm nhận kích cỡ co hẹp của thị trấn này, cách xa ký túc xá trường đại học mới của tôi tại Stanford và tất cả những gì nó hứa hẹn với hai mươi lăm ngàn cây số.

Tôi biết tới y học chỉ bằng sự thiếu vắng nó – cụ thể là sự thiếu vắng người cha đang trên đà sự nghiệp, người luôn đi làm trước bình minh và chỉ trở về với đĩa thức ăn hâm lại lúc trời đã tối. Khi tôi mười tuổi, cha đưa chúng tôi – ba cậu con trai mười bốn, mười và tám tuổi – từ một vùng ngoại ô đông đúc, giàu có phía Bắc Manhattan, Bronxville, New York tới Kingman, Arizona, một thung lũng hoang mạc kẹp giữa hai dãy núi, mà thế giới bên ngoài chủ yếu biết đến nó như một trạm xăng để nạp nhiên liệu trên đường di chuyển tới một nơi nào đó. Cha bị thu hút bởi ánh mặt trời và chi phí sinh hoạt nơi đây – nếu không thì làm sao mà ông có thể lo được cho các cậu con trai của mình vào những trường đại học mà ông mong muốn cơ chứ? – và cũng bởi cơ hội để lập một phòng khám tim mạch địa phương của riêng mình. Sự tận tụy bền bỉ của ông với bệnh nhân chẳng mấy chốc giúp ông trở thành thành viên được tôn trọng trong cộng đồng. Khi chúng tôi được gặp ông vào tối muộn hay cuối tuần, ông tựa như một hỗn hợp giữa những ngọt ngào và độc đoán khắt khe, giữa những ôm hôn và tuyên bố sắt đá: “Rất dễ để trở thành số một: chỉ việc kiếm một gã đang đứng số một rồi phấn đấu thắng gã một điểm.” Ồng đã đạt được sự dàn xếp ổn thỏa trong tâm trí rằng tình phụ tử có thể rất nhỏ giọt; những lần xuất hiện cường độ cao, ngắn và cô đọng (nhưng chân thành) cũng đủ bằng bất kỳ điều gì các ông bố vẫn hay làm. Về tất cả những gì tôi biết, nếu đó là cái giá của y học, thì đó là cái giá quá đắt.

Từ chốn cao nguyên hoang mạc của mình, tôi có thể thấy nhà của chúng tôi, phía xa giới hạn thành phố, dưới chân ngọn núi Cerbat, nằm giữa sa mạc đá đỏ, lốm đốm điểm những cây gỗ thông vàng Mesquite, cỏ lăn và những bụi xương rồng hình mái chèo. Ngoài đây, những con ác quỷ bụi đất có thể cuộn xoáy đột ngột trong không trung, làm nhòe đi tầm nhìn của bạn, và rồi biến mất. Không gian trải dài tít tắp, rồi trôi vào vô định. Hai chú chó của chúng tôi, Max và Nip, chưa bao giờ thấy mệt với cái sự tự do ấy. Mỗi ngày, chúng thám hiểm phía xa rồi lại mang về nhà vài kho báu mới mẻ từ sa mạc: chân một con hươu, miếng thịt thỏ dang dở để dành ăn sau, cái đầu ngựa đã bạc thếch vì nắng hay xương hàm của một con chó sói.

Tôi và các bạn của mình cũng yêu cái tự do này. Chiều chiều chúng tôi khám phá, đi dạo, bới xương và kiếm tìm những con lạch hiếm hoi trên sa mạc. Những năm trước đã từng ở một vùng ngoại ô rừng thưa ở miền Đông Bắc với con đường chính hai bên là hai hàng cây cùng một tiệm kẹo ngọt, tôi thấy vùng sa mạc hoang dã đầy nắng gió này thật xa lạ và quyến rũ. Trong hành trình đi bộ đầu tiên của mình năm mười tuổi, tôi phát hiện ra một nắp cống cũ. Tôi dò mở bằng ngón tay, nhấc nó lên và chỉ cách mặt tôi vài phân là ba mạng tơ trắng. Trong mỗi mạng, bò bò trên những cái chân như que tăm là một thân thể phồng to như củ hành, đen lấp lánh, trong cái vẻ huy hoàng của nó một dấu đồng hồ cát đỏ như máu trông khiếp vía. Gần mỗi con là một túi nhỏ nhợt nhạt, phập phồng đang chuẩn bị sinh ra vô số những con nhện góa phụ còn đen sẫm hơn thế. Sự ghê sợ khiến tôi buông nắp cống sập lại. Tôi trượt chân về phía sau. Nỗi kinh hãi đến trong sự trộn lẫn về “thực tế vùng quê” (Không gì độc hơn vết cắn của một con nhện góa phụ đen) và cái tư thế quái vật và màu đen bóng và hình đồng hồ cát đỏ trên bụng: tôi gặp ác mộng hàng năm trời sau đó.

Sa mạc đưa đến một “đền bách thần” của những nỗi khiếp đảm: nhện Tarantula, nhện sói, nhện lưng vĩ cầm, bọ cạp Bark, bọ cạp đuôi roi, rết, răn chuông Diamondback, rắn chuông Sidewinder, rắn chuông Mojave. Sau cùng chúng tôi dần trở nên quen thuộc, thậm chí là cảm thấy thoải mái với những sinh vật này. Khi tôi cùng lũ bạn phát hiện ra một tổ nhện sói, lũ nghịch ngợm chúng tôi thả một con kiến bò phía rìa ngoái cái tổ, xem nó vật vã hết lần này tới lần khác tìm cách thoát thân, làm rung lên những sợi tơ nhện, rồi thả con kiến xuống tận giữa tổ nhện, tò mò chờ đợi khoảnh khắc chết chóc khi con nhện bật lên từ lỗ hõm để chộp lấy con mồi tội nghiệp bằng cái hàm trên của nó. “Thực tế vùng quê” trở thành cụm từ của riêng tôi để mô tả người anh họ nông thôn của ‘truyền thuyết thành thị’7. Khi tôi lần đầu tiên biết về chúng, “thực tế đồng quê” đem đến sức mạnh thần tiên cho các sinh vật hoang mạc, ví như thằn lằn quái vật Gila thực ra cũng chẳng kém phần tàn bạo so với mấy con quỷ Gorgon. Chỉ đến khi sống ở sa mạc một thời gian, chúng tôi mới hiểu ra một số thực tế vùng quê, như sự tồn tại của một con thỏ sừng nai jackalope, đã được tạo ra chỉ để đánh đố lũ người trong thành phố và tiêu khiển cho người dân địa phương. Tôi đã từng dành cả giờ thuyết phục một nhóm sinh viên trao đổi từ Berlin rằng có một loài chó sói riêng biệt sống bên trong những cây xương rồng và có thể nhảy tới cả chục mét để bắt con mồi (người Đức cũng cả tin ra phết). Dù vậy, chẳng ai biết được chính xác sự thực nằm ở đâu giữa những cột xoáy cát; và với mỗi mẩu thực tế vùng quê dường như phi lý luôn tồn tại một điều chắc chắn đáng tin. Ví như việc luôn kiểm tra giày của bạn xem có bọ cạp hay không dường như là một điều chí lý.

Khi mười sáu tuổi, tôi được giao lái xe đưa cậu em Jeevan đến trường. Một buổi sáng, như thường lệ tôi lại trễ giờ. Thằng nhóc Jeevan vừa chờ đợi trong phòng giải lao một cách thiếu kiên nhẫn vừa gào lên rằng nó không muốn bị phạt chỉ vì sự lề mề của tôi, làm ơn hãy nhanh lên chút. Tôi phi nhanh xuống cầu thang, bật mạnh cánh cửa trước… và gần như đã giẫm vào một con rắn đuôi chuông dài gần hai mét đang gà gật, Một truyền thuyết dân gian khác nữa là nếu bạn giết một rắn đuôi chuông trên bậc cửa nhà mình, tình nhân và con cái của nó sẽ kéo đến và làm tổ vĩnh viễn ở đó, giống như mẹ của Grendel8  tìm cách báo thù vậy. Do đó Jeevan và tôi cùng rút thăm: người may mắn sẽ cầm cái xẻng, người còn lại đeo đôi găng tay làm vườn thật dày, cầm một vỏ gối, và sau một hồi nhảy vừa nghiêm trang vừa hoạt kê, chúng tôi đã xoay xở chụp được con rắn vào vỏ gối. Tiếp đó, như một vận động viên Olympic bộ môn ném búa, tôi ném mạnh cái bọc đó vào sa mạc định bụng sẽ ra lấy lại vỏ gối vào chiều tối hôm đó để không gặp rắc rối gì với mẹ.

Trong tất thảy những bí ẩn thời thơ ấu của tôi, điều thần bí nhất không phải là vì sao cha quyết định đưa cả gia đình tới thị trấn hoang mạc vùng Kingman, Arizona, nơi chúng tôi dần yêu mến, mà là làm thế nào cha đã thuyết phục được mẹ cùng đến đây. Vớỉ tình yêu, họ đã cùng nhau chạy trốn khắp thế giới, từ phía Nam Ấn Độ đến thành phố New York (cha là người theo đạo Thiên chúa, mẹ theo đạo Ấn, hôn nhân của họ bị lên án từ cả hai phía và dẫn đến những năm tháng rạn nứt tình thân – bà ngoại chưa từng thừa nhận tên tôi, Paul, mà chỉ khăng khăng gọi tôi bằng tên đệm, Sudhir), và cho đến Arizona, nơi mẹ bị ép buộc phải đối mặt với nỗi khiếp hãỉ không sao chế ngự nổi về rắn. Cho dù là chú rắn tay đua đỏ vô hại nhất, dễ thương nhất và nhỏ nhất cũng có thể khiến bà la hét và lao vào nhà, nơi bà sẽ khóa mọi cánh cửa và tự trang bị cho mình thứ vũ trang to, sắc vớ được ở nơi gần nhất – cào, dao phay, hay rìu.

Rắn là nguồn cơn của nỗi lo sợ trường trực, nhưng tương lai của các con mới là thứ mẹ tôi sợ nhất. Trước khi chuyển nhà, anh trai Suman của tôi đã gần tốt nghiệp trường cấp ba ở Westchester, có triển vọng vào các trường đại học đỉnh nhất. Anh được nhận vào Stanford ngay khi đến Kingman và khăn gói khỏi nhà ngay sau đó. Nhưng chúng tôi được biết Kingman không phải là Westchester. Khi mẹ tôi nghiên cứu hệ thống trường công ở hạt Mohave, bà phát điên. Cục điều tra dân số Mỹ gần đây đã nhận định Kingman là quận giáo dục bết bát nhất cả nước. Tỉ lệ bỏ học cấp ba tới gần 30 phần trăm. Rất ít học sinh học lên đại học và hiển nhiên không ai vào được Harvard – tiêu chuẩn của cha về sự xuất sắc. Mẹ gọi điện tới bạn bè và họ hàng ở những vùng ngoại ô Bờ Đông giàu có để xin lời khuyên và thấy có người thì đồng cảm, vài người khác hoan hỉ vì con cái họ không còn phải cạnh tranh với con cái nhà Kalanithi bỗng dưng bị đói học nữa.

Đêm đến, bà bật khóc, thổn thức trên giường một mình. Mẹ tôi, người luôn lo sợ về một hệ thống trường học cùng kiệt có thể gây trở ngại đối với các con bà từ đâu đó lấy được về một “danh mục sách cần đọc tiền đại học”. Được đào tạo ở Ấn Độ để trở thành một nhà sinh lý học, kết hôn ở tuổi hai mươi ba, và luôn bận rộn chăm sóc nuôi nấng ba đứa trẻ ở một vùng đất không thuộc về mình, bản thân bà chưa từng đọc nhiều cuốn trong danh sách đó. Nhưng bà quyết tâm không để cho các con mình thiếu sách. Bà bắt tôi đọc 1984 khi chỉ mới mười tuổi; và dù bị kinh hoàng bởi phần sex, nhưng nó đồng thời cũng dẫn truyền trong tôi một tình yêu sâu sắc và mối quan tâm đối với ngôn ngữ.

Những tên sách và tác giả tiếp nối vô tận khi chúng tôi tuần tự lần theo danh sách: Bá tước Monte Cristo, Edgar Allan Poe, Robinson Crusoe, Ivanhoe, Gogol, Người Mohican cuối cùng, Dickens, Twain, Austen, Billy Budd… Đến khi mười hai tuổi, tôi có thể tự chọn sách cho mình và anh trai Suman cũng gửi về những cuốn anh đã đọc ở đại học: Quân vương, Đôn Kihôtê, Candide – Chàng ngây thơ, Le Morte D’Arthur, Beowulf, Thoreau, Sartre, Camus. Vài cuốn để lại dấu ấn sâu sắc hơn so với những cuốn khác. Thế giới mới dũng cảm (Brave New World) đặt nền móng cho triết lý đạo đức non trẻ của tôi và trở thành chủ đề cho bài luận văn đăng ký vào đại học, trong đó tôi đã lập luận hạnh phúc không phải là một mục đích trong đời. Hamlet đồng hành với tôi hàng nghìn lần trong suốt thời khủng hoảng tuổi dậy thì. “Gửi người yêu bẽn lẽn” (To His Coy Mistress) và những bài thơ lãng mạn khác dẫn dắt tôi cùng lũ bạn đi qua vô số những phiêu lưu xui xẻo thú vị thời cấp ba – ví như những lần trốn ra ngoài ban đêm cùng hát vang bài “Bánh Mỹ” (American Pie) dưới cửa sổ nhà cô nàng đội trưởng đội cổ vũ. Sau khi tôi bị bắt quả tang mò về nhà vào lúc rạng sáng, người mẹ hay lo của tôi đã thẩm vấn kỹ lưỡng từng loại ma túy tuổi teen hay dùng mà chẳng thể ngờ thứ gây nghiện nhất mà tôi đã từng được trải nghiệm lại chính là tập thơ tình mà bà đưa tôi tuần trước đó. Sách trở thành bạn tâm giao gần gũi nhất, thành những lăng kính được mài giũa tỉ mỉ đưa đến cho tôi những cái nhìn mới mẻ về thế giới.

Mong mỏi cho các con được giáo dục tử tế, mẹ tôi lái xe hàng trăm cây số về phía bắc, đưa chúng tôi tới thành phố lớn gần nhất Las Vegas để chúng tôi có thể tham dự các kỳ thi PSATs, SATs, và ACTs. Bà tham dự vào hội đồng trường học, tập hợp các giáo viên và yêu cầu các lớp Xếp hạng Nâng cao9 phải được đưa vào thời khóa biểu. Bà trở thành một người phi thường: coi việc cải cách hệ thống trường học ở Kingman là nghĩa vụ bản thân và bà thực sự làm được điều đó. Đột nhiên có một thứ cảm giác xuất hiện ở trường cấp ba của chúng tôi rằng hai dãy núi bao quanh thị trấn không còn là phạm vi vạch định thị trấn nữa mà phạm vi này là những gì nằm phía ngoài chúng.

Năm học cuối, Leo – một người bạn thân thiết, câu học sinh á khoa và nghèo nhất tôi từng biết, đã được thầy cố vấn trong trường khuyên rằng: “Cậu rất thông minh – cậu nên nhập ngũ.”

Leo sau đó đã nói với tôi: “Mẹ kiếp,” cậu nói. “Nếu cậu vào Harvard, hay Yale, hay Stanford, thì tớ cũng thế.”

Tôi không biết mình đã hạnh phúc hơn là khi mình vào được Stanford hay khi Leo vào Yale.

Mùa hè trôi qua, và vì Stanford thường bắt đầu vào học muộn hơn các trường khác một tháng, tất cả những người bạn của tôi dần phân tán mỗi đứa một nơi bỏ lại tôi đơn độc. Hầu hết các buổi chiều, tôi đi dạo trên hoang mạc một mình, chợp mắt và suy nghĩ cho tới khi bạn gái tôi Abigail kết thúc ca làm việc ở tiệm cà phê duy nhất của Kingman. Ở hoang mạc có một con đường tắt xuyên qua núi để đi xuống thị trấn và đi bộ thì luôn thú vị hơn nhiều so với đi xe. Abigail là cô gái tuổi đôi mươi, một sinh viên trường Scripps, người vẫn luôn muốn tránh các khoản vay học phí bằng cách xin nghỉ học một kỳ để dành dụm học phí. Tôi bị thu hút bởi tính thực tế của nàng, cái cảm giác rằng nàng biết mọi bí mật mà người ta chỉ có thể thấy được ở trường học – nàng học Tâm lý học! – và chúng tôi thường gặp nhau khi Abigail tan giờ làm. Nàng là tiếng báo hiệu của những gì bí ẩn, của một thế giới mới đang chờ đợi tôi chỉ trong vài tuần sau đó. Một buổi trưa, tôi thức giấc, nhìn lên trên và thấy một đám kền kền lượn vòng quanh nhầm tưởng tôi là xác thối. Tôi xem đồng hồ, đã gần ba giờ. Tôi sắp sửa trễ giờ. Nhanh chóng phủi bụi và chạy bộ xuyên qua hoang mạc cho đến khi đất cát nhường chỗ cho vỉa hè và những tòa nhà đầu tiên hiện ra, tôi đi vòng quanh góc phố để tìm Abigail. Tôi thấy nàng đang cầm chổi trên tay quét dọn sàn tiệm cà phê.

“Em đã lau máy espresso rồi,” nàng nói, “sẽ không có latte đá cho anh hôm nay đâu.”

Sàn được quét sạch, chúng tôi vào trong. Abigail bước tới máy thu tiền và nhặt lên một cuốn sách nàng giấu ở đó. “Đây,” nàng nói, ném nó về phía tôi, “Anh nên đọc cái này. Anh toàn đọc mấy cái văn hóa cao cấp – sao không thử cái gì đó dễ dễ một lần đi?”

Đó là một cuốn tiểu thuyết năm trăm trang có tên Sa – tăng: Tâm Lý Trị Liệu và Cách Chữa Trị của Bác sĩ Kém May Mắn Kassler, J.S.P.S của tác giả Jeremy Leven. Tôi mang nó về và đọc xong trong một ngày. Đó không phải là văn hóa cao cấp. Lẽ ra nó phải hài hước, nhưng lại không như vậy. Tuy nhiên, cuốn sách đã khẳng định một giả thiết bâng quơ rằng tâm trí chỉ là một thao tác của não bộ, đây là một ý tưởng gây một ấn tượng mạnh trong tôi. Nó làm chấn động hiểu biết ngây thơ của tôi về thế giới. Đương nhiên, điều đó hẳn phải đúng – bộ não chẳng làm chức năng đó thì còn chức năng nào khác? Dù chúng ta tự do ý chí, nhưng chúng ta cũng là những cơ thể sinh học – bộ não là một bộ phận cơ thể, cũng phải tuân theo tất cả quy luật vật lý! Văn học đã mang tới một câu chuyện phong phú về ý nghĩa của con người; bộ não như vậy phải là thứ cho phép điều đó. Giống như ma thuật vậy. Đêm đó trong phòng, tôi mở cuốn danh mục đỏ về các khóa học ở Stanford mà tôi đã đọc hàng chục lần và chộp lấy cây bút đánh dấu dòng. Bổ sung vào những lớp Văn học mà tôi đã chọn, tôi bắt đầu tìm kiếm các lớp Sinh học và Khoa học thần kinh.

Vài năm sau, tôi vẫn chưa thông suốt hơn về chuyện chọn nghề dù đã gần hoàn thành tấm bằng Văn học Anh và Sinh học người. Động cơ thôi thúc tôi nhiều hơn không phải là những thành tựu mà là muốn tìm hiểu: Điều gì khiến cuộc đời con người có ý nghĩa? Tôi vẫn thấy văn học là công cụ biểu đạt tốt nhất về đời sống của một tâm hồn, còn khoa học thần kinh lại đặt ra những quy luật tinh tế về não bộ. Ý nghĩa, dù chỉ là một khái niệm mơ hồ, lại có vẻ không thể thoát khỏi các mối quan hệ con người và giá trị đạo đức. Đất Hoang của T.S. Eliot vang vọng mãnh liệt, liên kết sự vô nghĩa với cô lập và nỗi khao khát cùng cực về sự kết nối con người. Tôi nhận thấy những ẩn dụ của Eliot ngấm dần vào ngôn ngữ của chính tôi. Những tác giả khác cũng có ảnh hưởng với tôi. Nabokov, với nhận thức của ông về sự thống khổ của bản thân khiến chúng ta chai lì với nỗi đau hiển hiện của người khác. Conrad, với cảm nhận minh triết về việc thất bại trong giao tiếp giữa người và người có thể ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của họ ra sao. Văn học không chỉ chiếu rọi trải nghiệm của một ai đó, mà tôi tin rằng nó còn cung cấp nguồn nguyên liệu phong phú nhất cho những ngẫm suy về đạo đức. Sự đột nhập ngắn ngủi của tôi vào thứ đạo đức hình thức của triết học phân tích có cảm giác khô khan như gạch ngói, thiếu vắng sự rối rắm và sức nặng của cuộc đời con người thực.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ