Người đua diều - Chương XXV – Hết

Họ không muốn để tôi vào.

Tôi thấy họ đẩy nó, qua hai lần cửa và tôi đi theo. Tôi xông qua hai cửa đó, mùi iốt và ôxy già xộc vào mũi tôi, nhưng tôi chỉ đủ thời gian trông thấy hai người đàn ông đội mũ phẫu thuật và một phụ nữ mặc đồ xanh đang hội ý bên chiếc xe đẩy. Tấm khăn trắng buông cả ra ngoài thành xe, quệt xuống sàn lát gạch men hình ô vuông cáu bẩn. Đôi chân bé nhỏ, đầy máu thò ra ngoài dưới tấm khăn và tôi nhìn thấy móng ngón cái bên chân trái bị bong ra. Rồi một người đàn ông cao lớn, chắc nịch mặc đồ xanh lơ áp tay vào ngực tôi, đẩy tôi trở ra bên ngoài qua mấy lần cửa, chiếc nhẫn cưới của ông ta lạnh toát áp lên da tôi. Tôi lao về phía trước và nguyền rủa ông, nhưng ông ta nói tôi không thể ở đây, nói bằng tiếng Anh, giọng lịch sự nhưng kiên quyết:

– Ông phải đợi, – vừa nói ông ta vừa dẫn tôi tới khu vực đợi, và chiếc cửa đôi đu đưa đóng lại phía sau ông ta cùng một tiếng thở dài, và tất cả những gì tôi trông thấy chỉ còn là chóp những chiếc mũ phẫu thuật qua ô kính hẹp hình chữ nhật của lần cửa.

Ông ta bỏ tôi trong một hành lang rộng không có cửa sổ, chật ních những người đang ngồi trên những ghế sắt gấp kẻ dọc tường, những người khác trên tấm thảm trải mỏng, xơ mòn. Tôi lại muốn kêu thét nữa, và tôi nhớ lần cuối cùng, tôi cũng cảm thấy như thế, đi cùng với Baba trong bồn của chiếc xe tải chở xăng dầu, vùi mình trong bóng tối cùng những người chạy nạn khác. Tôi muốn tự mình tách khỏi chốn này, khỏi thực tại này, nổi lên như một đám mây và bồng bềnh trôi đi, tan chảy vào đêm hè ẩm ướt và rã ra đâu đó thật xa, bên kia các quả đồi. Nhưng tôi đang ở đây, đôi chân nặng như chì, hai lá phổi như cạn kiệt dưỡng khí, họng tôi cháy bỏng. Sẽ chẳng trôi đi đâu hết. Sẽ chẳng có thực tại nào khác đêm nay. Tôi nhắm mắt lại và hai lỗ mũi tôi sực mùi hành lang, mồ hôi và mùi amôniắc, mùi cồn sát trùng và mùi món cà ri. Trên trần, những con thiêu thân đang lao mình vào ánh đèn tuýp nhờ xám chạy dọc hành lang và tôi nghe được ca tiếng vỗ những đôi cánh mỏng của chúng. Tôi nghe thấy tiếng chuyện gẫu, tiếng thổn thức nghẹn ngào, tiếng sụt sịt, ai đó đang than khóc, ai khác lại thở dài, những chiếc cửa thang máy mở ra đánh “bình” một cái, phẫu thuật viên gọi to ai đó bằng tiếng Urdu.

Tôi lại mở mắt và tôi biết mình phải làm gì. Tôi nhìn quanh, tim tôi như một búa khoan trong lồng ngực, mạch máu đập thình thịch trong tai. Có một phòng nhỏ làm kho chứa đồ tối om bên trái. Ở đó, tôi tìm được thứ tôi cần. Thế là được rồi. Tôi vơ lấy một chiếc khăn trải giường trắngtừ đống khăn đã gấp và mang ra ngoài hành lang. Tôi thấy một y tá đang trò chuyện với viên cảnh sát gần phòng nghỉ. Tôi nắm lấy khuỷu tay cô y tá đó mà kéo ra, tôi muốn biết phía nào là phía Tây. Cô không hiểu và những nếp nhăn trên mặt cô hằn sâu thêm khi cô cau mày. Họng tôi đau và mắt tôi cay vì mồ hôi, mỗi hơi thở như hít lửa vào, và tôi cho là tôi đang khóc. Tôi lại hỏi. Tôi van xin. Viên cảnh sát là người chỉ cho tôi.

Tôi ném chiếc jai-namaz, thảm quỳ tạm thời của tôi, xuống sàn nhà, quỳ gối, rạp đầu xuống đất, nước mắt tôi đầm đìa tấm khăn. Tôi cúi lạy về phía Tây. Rồi tôi nhớ mười lăm năm nay tôi chưa từng cầu nguyện. Từ lâu tôi đã quên hết câu cú. Nhưng không quan trọng, tôi sẽ thốt ra mấy từ tôi vẫn còn nhớ: La illaha il Allah, Muhammad u rasul ullah. Không có Thượng đế nào ngoài Đức Allah và Muhammad là Sứ giả của Người. Bây giờ, tôi mới thấy Baba nhầm, có một Thượng đế, luôn luôn có một Thượng đế. Tôi thấy Người ở đây, trong những con mắt của mọi người nơi dãy hành lang tuyệt vọng này. Đây là ngôi nhà thực sự của Thượng đế, đây là nơi những ai để lạc mất Thượng đế sẽ tìm thấy Người, không phải toà masjid trắng với những ngọn đèn lấp lánh như kim cương và những tháp gọi cầu kinh cao vời vợi. Có một Thượng đế ở đây, ở đây phải có, và bây giờ tôi sẽ nguyện cầu, tôi sẽ cầu xin Người xá tội cho tôi vì đã lãng quên Người bao nhiêu năm qua, xá tội cho tôi vì đã phản bội, đã dối trá, và đắc tội mà không bị trừng phạt, chỉ quay lại với Người vào giờ khắc cần thiết lúc này của tôi. Tôi cầu xin Người hãy nhân từ, khoan dung và độ lượng như cuốn kinh của Người đã dạy về Người như vậy. Tôi cúi lạy về phía Tây, hôn mặt đất và hứa tôi sẽ cầu kinh sáng zakat, cầu kinh tối namaz. Tôi sẽ ăn chay suốt tuần lễ Ramadan và khi tháng Ramadan qua đi tôi sẽ tiếp tục ăn chay, tôi sẽ ghi khắc trong tâm khảm mình từng lời dạy cuối cùng trong cuốn sách thiêng của Người, và tôi sẽ hành hương tới cái thành phố nóng bức ấy trong sa mạc và cũng sẽ cúi lạy trước Ka’bah 1. Tôi sẽ làm tất cả những việc này và ngày nào tôi cũng sẽ nghĩ tới Người, miễn là Người ban cho tôi chỉ nguyện ước này: Hai bàn tay tôi đã vấy máu của Hassan, tôi xin Người đừng để nó phải vấy máu con trai cậu ấy nữa.

Tôi nghe thấy tiếng thút thít và nhận ra đó là tiếng của mình. Đôi môi tôi mặn chát, nước mắt từ từ tuôn xuống mặt. Tôi cảm thấy mắt mọi người trong hành lang đều nhìn tôi, và tôi vẫn cúi lạy về phía Tây. Tôi cầu nguyện. Tôi cầu xin tội lỗi không đuổi kịp tôi với cung cách mà tôi vẫn luôn sợ rằng nó sẽ đuổi kịp.

Một đêm không sao tối đen bao trùm lên Islamabad. Đã mấy giờ qua, tôi vẫn đang ngồi trên sàn của phòng đợi nhỏ ngoài cái hành lang dẫn tới phòng cấp cứu. Trước mặt tôi là một chiếc bàn cà phê màu nâu ảm đạm bề bộn nhật báo và tạp chí quăn góc – một số tháng 4/1996 của Time và tờ tin Pakistan chụp bộ mặt của một chàng trai trẻ bị tàu cán chết tuần trước đó, một tạp chí giải trí với những diễn viên Lollywood đang mỉm cười trên bìa láng bóng. Có một bà già mặc áo shalwar-kameez màu xanh và quàng một chiếc khăn san móc sợi gà gật trong một chiếc ghế đẩy ngang qua chỗ tôi. Chốc chốc bà lại giật mình tỉnh dậy và lẩm bẩm cầu kinh bằng tiếng Ẳrập. Tôi băn khoăn đến phát mệt mỏi, không biết lời cầu xin của ai, của tôi hay của bà ấy đêm nay sẽ được Người nghe thấy. Tôi hình dung ra khuôn mặt của Sohrab, cái cằm hơi dẩu ra, đôi tai ốc biển nho nhỏ, đôi mắt xếch lá tre quá giống bố nó. Một nỗi buồn thảm đen tối như đêm bên ngoài xâm lấn hồn tôi, và tôi cảm thấy cổ họng mình nghẹn lại.

Tôi cần không khí.

Tôi đứng dậy và mở cửa sổ. Không khí lọt qua màn cửa có mùi ẩm mốc và nóng. Nó sực mùi quả chà là chín nẫu và mùi phân súc vật. Tôi cố hít vào phổi từng ngụm lớn, nhưng như thế cũng không xoá tan cảm giác nghẽn nghẹt trong lồng ngực. Tôi lại ngồi xuống sàn. Tôi vớ lấy cuốn tạp chí Time và lật giở các trang. Nhưng tôi không thể đọc, không thể tập trung vào bất cứ điều gì. Vì vậy tôi lại quăng nó lên bàn và trở lại chăm chú nhìn vào các khe nứt ngoằn ngoèo trên sàn xi măng, những mạng nhện ở phào trần nhà, những xác ruồi và xác côn trùng khác trên bậu cửa sổ. Chủ yếu tôi chăm chăm nhìn đồng hồ treo trên tường. Đã hơn bốn giờ sáng, tôi đã ở bên ngoài căn phòng cửa quay hơn năm tiếng đồng hồ rồi. Tôi vẫn chưa nghe được tin tức gì.

Tôi bắt đầu cảm thấy sàn nhà bên dưới như một phần của cơ thể, hơi thở tôi mỗi lúc một nặng nề hơn, chậm chạp hơn. Tôi muốn ngủ, nhắm mắt lại, ngả đầu tôi xuống sàn nhà lạnh và bụi bặm. Thiếp đi. Khi tôi tỉnh dậy, biết đâu tôi sẽ khám phá ra mọi thứ tôi nhìn thấy trong cái buồng tắm của khách sạn chỉ là một phần của cơn mơ: những giọt nước nhỏ từ vòi thành tiếng binh binh xuống nước tắm hoà máu, cánh tay trái đung đưa qua thành bồn, lưỡi dao cạo đầm đìa máu vẫn nằm trên téc nước bồn cầu – vẫn lưỡi dao cạo tôi đã dùng cạo râu hôm trước – và đôi mắt nó vẫn hé mở nhưng không còn ánh sáng. Hơn bất cứ điều gì. Tôi muốn quên đi đôi mắt ấy.

Chẳng mấy chốc, giấc ngủ kéo đến và tôi để mặc nó mang tôi đi. Tôi mơ thấy nhiều chuyện mà sau đó tôi không nhớ nổi.

Ai đó vỗ vào vai tôi. Tôi mở mắt. Có một người đàn ông đang quỳ bên tôi. Ông ta đội một chiếc mũ, giống những người đàn ông đằng sau lần cửa quay, với một cái khẩu trang phẫu thuật bằng giấy trùm kín miệng – tim tôi lặng đi khi tôi nhìn thấy một giọt máu trên chiếc khấu trang. Ôngmới dán tấm hình cô gái nhỏ mắt nai vào máy nhắn tin của mình. Ông bỏ mặt nạ ra và tôi mừng vì không phải nhìn vào máu của Sohrab nữa. Da ông ngăm đen giống màu sôcôla Thuỵ Sĩ nhập khẩu mà Hassan và tôi vẫn thường mua ở phố chợ Shar-e-Nau. Tóc ông thưa mỏng và đôi mắt màu nâu lục dưới hai hàng lông mày cong. Bằng giọng nói rất Anh, ông bảo tôi ông là bác sĩ Nawaz, và bất chợt tôi muốn tránh xa con người này, bởi tôi không nghĩ tôi có thể chịu nổi khi nghe những gì ông đến để nói với tôi. Ông nói thằng bé đã tự cắt sâu vào tay mình và mất rất nhiều máu, vậy là miệng tôi lại lẩm bẩm câu kinh ấy.

La illaha il Allah, Muhammad u rasul ullah

Họ đã phải truyền vài ba đơn vị máu.

Mình sẽ phải nói với Sohrab thế nào đây?

Hai lần, họ phải giành lại sự sống cho nó.

Tôi sẽ cầu namaz, tôi sẽ cầu zakat.

Họ có lẽ đã không cứu được nó nếu trái tim nó không trẻ và khoẻ mạnh.

Tôi sẽ ăn chay.

Nó sống rồi.

Bác sĩ Nawaz mỉm cười.

Phải mất một lúc tôi mới ghi nhận được những gì ông vừa nói. Rồi ông còn nói thêm nhưng tôi không nghe thấy. Bởi vì tôi đã nắm lấy hai tay ông và đưa lên mặt. Tôi khóc vì trút được nỗi lo âu trong hai bàn tay nhỏ bé, múp míp của con người xa lạ này và ông không nói gì lúc ấy. Ông đợi.

Phòng hồi sức cấp cứu hình chữ L và nhờ tối, một mớ bòng bong các thiết bị điện tử kiểm tra kêu bíp bíp và các máy móc kêu ro ro. Bác sĩ Nawaz dẫn tôi đi giữa hai dãy giường phân cách nhau bởi những rèm nhựa trắng. Giường của Sohrab là chiếc cuối ở góc phòng, chiếc gần nhất với bàn làm việc của y tá, nơi có hai nữ y tá trang bị áo quần mổ màu xanh đang ghi chép vội vào kẹp giấy và khẽ chuyện gẫu với nhau. Lúc lặng lẽ cùng lên thang máy với bác sĩ Nawaz, tôi đã nghĩ tôi sẽ lại khóc khi trông thấy Sohrab. Nhưng khi ngồi trên chiếc ghế ở chân giường nó, nhìn vào khuôn mặt trắng nhợt của nó qua một mớ rối tung những ống nhựa nhờ sáng và dây truyền máu, mắt tôi ráo hoảnh. Nhìn ngực nó phập phồng theo nhịp của chiếc máy thở đang huýt lên tôi lặng người đi, giống như một người lặng đi mấy giây sau khi đánh tay lái chiếc xe của mình tránh được một cú va chạm ngay đầu mũi xe.

Tôi ngủ gà ngủ gật, và khi tỉnh dậy, tôi thấy mặt trời đang lên trên một bầu trời màu bơ sữa qua chiếc cửa sổ gần bàn y tá. Ánh nắng xiên vào phòng, đổ bóng tôi lên người Sohrab. Nó vẫn không động đậy.

– Tốt nhất ông nên ngủ đi một lúc. – Cô y tá bảo tôi. Tôi không nhận ra cô. Có lẽ đã có thay ca trong khi tôi thiếp đi. Cô đưa tôi sang một căn phòng khác, ngay bên ngoài phòng hồi sức cấp cứu. Căn phòng trống. Cô đưa cho tôi gối và chăn bệnh viện. Tôi cảm ơn cô và nằm xuống một chiếc sofa nhựa ở góc phòng. Tôi hầu như ngủ thiếp đi ngay.

Tôi mơ thấy mình trở lại căn phòng tầng dưới. Bác sĩ Nawaz bước vào và tôi ngồi dậy đón ông. Ông tháo cái khẩu trang giấy ra, hai bàn tay ông đột nhiên trắng hơn tôi nhớ, những móng tay gọt giũa cẩn thận, tóc rẽ đường ngôi mượt mà, và tôi thấy ông không phải là bác sĩ Nawaz nữa mà là Raymond Andrews, người đàn ông bé nhỏ ở toà đại sứ, với chậu cà chua. Andrews ngẩng đầu lên. Nheo mắt lại.

Ban ngày, bệnh viện là mê cung vô số những hành lang bắt góc nhau, nhờ nhờ thứ ánh sáng huỳnh quang đỏ nhạt ở trên đầu. Tôi đã nhận ra sơ đồ bệnh viện, nhận ra rằng nút bấm tầng bốn trong thang máy phía Đông không bật sáng, rằng cánh cửa tới phòng đàn ông ở tầng ấy bị kẹt và phải đẩy vai mới mở ra được. Tôi đã hiểu được bệnh viện có một nhịp sống riêng, hoạt động náo nhiệt lúc đổi ca sáng, cái hối hả ban trưa, sự tĩnh lặng và êm ả của những giờ giấc đêm khuya, thỉnh thoảng mới bị ngắt quãng bởi những hình ảnh lờ mờ các bác sĩ và y tá vội vã cấp cứu ai đó. Tôi vẫn ngồi canh bên giường Sohrab suốt cả ngày, và đêm thì lang thang qua những hành lang ngoằn ngoèo của bệnh viện, lắng nghe gót giày mình gõ trên gạch lát, nghĩ về những gì tôi sẽ nói với Sohrab khi nó tỉnh đậy. Cuối cùng tôi đành trở lại phòng hồi sức cấp cứu, bên chiếc máy thở kêu ro ro cạnh giường nó, hầu như chẳng thiết nghĩ thêm gì nữa.

Sau ba ngày ở phòng hồi sức cấp cứu, họ tháo ống thở và chuyển nó xuống chiếc giường tầng dưới. Tôi không ở đó lúc họ chuyển nó. Tôi đã trở về khách sạn đêm ấy đề có thể ngủ thêm một chút nhưng cuối cùng trằn trọc trên giường suốt cả đêm. Sáng ra, tôi cố không nhìn vào cái bồn tắm. Lúc này nó đã sạch sẽ, ai đó đã lau sạch máu, trải chiếu mới lên sàn, và cọ rửa sạch tường. Nhưng tôi không thể ngăn tôi ngồi trên bờ sứ lạnh của bồn tắm. Tôi hình dung Sohrab xả đầy nước nóng vào bồn. Thấy nó cởi quần áo. Thấy nó vặn bàn cạo ra, và mở cái chốt kép an toàn ở trên, tháo lưỡi dao, cầm giữa ngón trỏ và ngón cái. Tôi hình dung nó ngâm mình vào nước, nằm ở đó một lúc, mắt nhắm lại. Tôi không hiểu lúc cuối nó nghĩ gì khi nó giơ lưỡi dao lên rồi hạ xuống.

Tôi đang chực ra khỏi phòng tiếp khách của khách sạn thì ông giám đốc Fayyaz đuổi kịp tôi:

– Tôi rất lấy làm buồn cho ông, – ông nói. – Nhưng tôi yêu cầu ông, làm ơn rời khỏi khách sạn. Chuyện này tệ hại cho công việc kinh doanh của tôi, rất tệ hại.

Tôi bảo ông tôi hiểu, và làm thủ tục trả phòng. Ông không tính tiền ba ngày tôi ở bệnh viện. Chờ một chiếc taxi bên ngoài phòng đợi của khách sạn, tôi lại nghĩ đến những gì ông Fayyaz đã nói với tôi cái đêm chúng tôi đi tìm Sohrab: một điều về người Afghan các ông là… ồ, dân các ông hơi liều đấy.

Tôi đã cười ông, nhưng bây giờ tôi thật sự kinh ngạc. Có phải thực sự tôi đã ngủ mất sau khi cho Sohrab hay cái tin mà nó sợ nhất hay không?

Khi đã vào trong xe, tôi hỏi người tài xế có biết một hiệu sách Ba Tư nào không. Anh ta nói có một hiệu cách đây hai cây số về phía Nam. Chúng tôi dừng lại ở đó trên đường tới bệnh viện.

Phòng mới của Sohrab có tường màu kem, gờ tường xám đen sứt mẻ, gạch lát nền tráng men có lẽ đã từng rất trắng. Nó ở cùng phòng với một đứa con trai choai choai người Punjabi, một y tá cho biết thằng bé bị gãy chân khi tuột từ trên nóc chiếc xe buýt đang chạy. Chân thằng bé bị bó bột, được nâng lên, giữ bằng nẹp có đai dây da treo lên cho khối nặng.

Giường của Sohrab ở gần cửa sổ, nửa phía dưới được chiếu sáng bởi ánh nắng mặt trời non trưa tràn qua những ô cửa hình chữ nhật. Một nhân viên bảo vệ mặc đồng phục đứng ở cửa sổ đang cắn hạt dưa rang – Sohrab được theo dối hai bốn trên hai bốn giờ vì tự sát. Quy chế bệnh viện, bác sĩ Nawaz thông báo vậy cho tôi. Người gác nghiêng mũ khi thấy tôi và rời khỏi phòng.

Sohrab mặc áo ngủ cộc tay của bệnh viện và nằm ngửa, chăn kéo tới ngực, mặt quay về phía cửa sổ. Tôi nghĩ nó đang ngủ, nhưng khi tôi kéo nhẹ chiếc ghế sát vào giường nó, hai mi mắt nó chớp chớp và mở ra. Nó nhìn tôi, rồi nhìn đi chỗ khác. Nó quá xanh xao, mặc dầu tất cả số máu họ đã tiếp cho nó, và có vết thâm tím ở nếp gấp cánh tay phải.

– Cháu có sao không? – Tôi hỏi.

Nó không trả lời. Nó nhìn qua cửa sổ, vào những hố cát và ghế đu trong vườn bệnh viện. Có một giàn lưới uốn hình vòm gần sân chơi, dưới bóng những hàng cây dâm bụt, vài cây nho xanh leo lên hàng rào mắt cáo bằng gỗ. Đám trẻ đang nô đùa với những xô chậu trong hố cát. Bầu trời hôm đó xanh biếc không một gợn mây và tôi thấy một chiếc máy bay phản lực nhỏ xíu để lại đằng sau hai vệt trắng. Tôi quay lại Sohrab và hỏi:

– Mấy phút trước, bác nói chuyện với bác sĩ Nawaz, ông ấy nghĩ vài ngày nữa cháu sẽ được ra viện. Đó là một tin mừng, phải không?

Tôi vẫn vấp phải yên lặng. Đứa con trai Punjabi ở cuối phòng cựa quậy trong giấc ngủ và rên lên điều gì đó.

– Bác thích phòng này của cháu, – tôi vừa nói vừa cố không nhìn vào cổ tay băng bó của Sohrab. – Trời đẹp quá, cháu có thấy thế không.Vẫn im lặng. Vài phút lúng túng nữa trôi qua, lông mày và môi trên tôi lấm tấm mồ hôi. Tôi chỉ vào bát đậu aush 2 Hà Lan không đụng đến ở trên tủ giường, và chiếc thìa nhựa không dùng đến:

– Cháu nên cố ăn một chút. Lấy lại sức khoẻ của cháu. Cháu có muốn bác giúp cháu ăn không?

Nó bắt lấy cái nhìn của tôi, rồi lại trông đi nơi khác, mặt lạnh như đá. Mắt nó vẫn không có sắc sáng, trống rỗng y như khi tôi tìm thấy nó và kéo nó ra khỏi bồn tắm. Tôi thò tay vào trong túi giấy giữa hai chân và lấy ra cuốn sách cũ Shahnamah tôi đã mua ở hiệu sách Ba Tư. Tôi quay bìa sách về phía Sohrab:

– Bác vẫn thường đọc cuốn này cho bố cháu, khi hai anh em còn nhỏ. Bọn bác thường leo lên ngọn đồi ở gần nhà, và ngồi dưới gốc cây lựu…Tôi nói nhỏ dần, Sohrab lại nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi gượng cười:

– Bố cháu thích nhất là chuyện về Rostam và Sohrab, vì thế mà cháu mang cái tên ấy, bác biết là cháu biết điều đó. – Tôi dừng lại, hơi cảm thấy như mình là một thằng ngốc. – Dù thế nào thì bố cháu cũng đã nói trong thư gửi cho bác cháu thích chuyện đó, vì vậy bác nghĩ bác có thể đọc cho cháu nghe một ít. Cháu có thích thế không?

Sohrab nhắm mắt lại. Lấy cánh tay, cái cánh tay thâm tím ấy che lên mắt.Tôi lật mở đến trang tôi gập lúc ở trong xe taxi và bảo “bắt đầu nào”, lần đầu tiên tự hỏi không biết Hassan đã nghĩ gì khi cuối cùng cậu tự đọc được Shahnamah và phát hiện ra tôi đã đánh lừa cậu suốt những năm tháng ấy.Tôi hắng giọng và đọc: “Hãy để tai nghe kỳ hết trận chiến của Sohrab chống Rostam, dẫu đó là một chuyện đầm đìa nước mắt. Chuyện kể rằng vào một ngày, Rostam từ trường kỷ vươn mình thức dậy, đầu óc đầy nhưng điềm triệu quái gở. Ông ta nhớ ra…”. Tôi đọc cho nó gần hết chương 1, tới phần chàng chiến binh trẻ Sohrab đến chỗ mẹ mình, là Tahminah, công chúa của Samengan và yêu cầu được biết hình dáng của cha chàng. Tôi gấp sách lại.

– Cháu có muốn bác tiếp tục không? Sắp có những trận đánh xảy ra, cháu nhớ không? Sohrab dẫn quân đội của mình tới pháo đài trắng ở Iran phải không nhỉ? Bác đọc tiếp nhé?

Nó khẽ lắc đầu. Tôi bỏ cuốn sách trở lại vào túi giấy.

– Cũng được, – tôi nói, cảm thấy phấn chấn vì dẫu sao nó cũng đã đáp lại. – Có lẽ ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục. Cháu cảm thấy thế nào? Miệng Sohrab hé mở và một tiếng khàn khàn vuột ra. Bác sĩ Nawaz đã bảo tôi sẽ xảy ra như thế do ống thở luồn qua dây thanh quản. Nó liếm môi và lại cố nói:

– Mệt.

– Bác biết. Bác sĩ Nawaz đã lường trước là như thế. – Nó lắc đầu.

– Sao cơ, Sohrab?

Nó nhăn mặt khi nói lại bằng một giọng khàn khàn, gần như không hơn tiếng thì thào:

– Chán tất cả.

Tôi thở dài và ngồi sụp xuống ghế. Có một dải nắng trên giường giữa hai chúng tôi, và trong đúng một khắc, từ phía bên kia dải nắng, bộ mặt xanh xám như tro đang nhìn tôi giông hệt bộ mặt của Hassan. Không phải Hassan chơi bi đá với tôi tới tận lúc giáo sĩ rung chuông báo giờ kinh Azan buổi tối và ông Ali gọi chúng tôi về nhà, không phải Hassan tôi đuổi theo từ trên đồi trong khi mặt trời đang lặn sau những nóc nhà đất sét ở đằng Tây, mà là Hassan lần cuối cùng tôi thấy còn sống, đang kéo lê đồ đạc của mình phía sau ông Ali trong một trận mưa như trút nước của mùa hè ấm áp, nhét chúng vào cốp xe của Baba trong khi tôi dõi theo qua cửa sổ ròng ròng nước mưa của phòng mình.Nó lắc đầu từ từ và nhắc lại:

– Chán hết mọi thứ.

– Bác phải làm gì, Sohrab? Làm ơn nói cho bác biết.

– Cháu muốn… – nó lắc đầu. Nó lại nhăn nhó và đưa tay lên họng như thể để gỡ tung bất cứ thứ gì đang chặn lấy giọng nói của nó. Hai mắt tôi lại hướng vào cổ tay quấn chặt băng gạc trắng. – Cháu muốn lại được sống như xưa. – Nó thở.

– Ồ, Sohrab.

– Cháu muốn Bố và Mẹ Jan. Cháu muốn Sasa. Cháu muốn chơi đùa với ông Rahim Khan sahib ở ngoài vườn, cháu muốn được sống trong ngôi nhà của chúng cháu, – nó đưa cánh tay lên ngang mắt. – Cháu muốn lại được sống như xưa.

Tôi không biết nói gì, nhìn đi đâu, đành nhìn xuống hai bàn tay tôi. Cuộc sống như xưa của cháu, tôi nghĩ. Cuộc sống như xưa của bác nữa. Bác đã chơi đùa trong cùng cái sân ấy, Sohrab. Bác sống trong cùng ngôi nhà đó. Nhưng cỏ đã chết và một chiếc xe jeep của kẻ xa lạ đã đỗ trên lối xe vào ngôi nhà của chúng ta, vãi dầu trên khắp mặt đường nhựa. Cuộc sống như xưa của chúng ta đã ra đi rồi, Sohrab, và mọi người trong đó đều đã chết hoặc đang chết. Bây giờ chỉ còn mỗi cháu và bác thôi. Chỉ mỗi cháu và bác.

– Bác không thể cho cháu điều đó, – tôi nói.

– Giá bác đừng…

– Xin cháu đừng nói thế.

– Giá bác đừng… giá bác để mặc cháu trong bồn nước.

– Đừng bao giờ nói thế, Sohrab, – tôi vừa nói vừa ngả người về phía trước. – Nghe cháu nói thế bác không chịu nổi. – Tôi sờ vào vai nó, nó giật nảy người. Lùi lại. Tôi buông tay, buồn rầu nhớ lại nhưng ngày cuối cùng trước khi tôi thất hứa với nó rút cục nó đã thoải mái để tôi chạm vào người nó thế nào.

– Sohrab, bác không thể đem lại cho cháu cuộc sống như xưa, bác cầu mong Thượng đế để bác có thể làm như vậy. Nhưng bác có thể mang cháu đi theo bác. Bác chạy vào buồng tắm để nói cho cháu biết là vì thế. Cháu có visa đi sang Mỹ, để sống với bác và bác gái. Thật đấy. Bác xin hứa.

Nó thở hắt ra qua lỗ mũi và nhắm mắt lại. Giá tôi đừng nói mấy từ “Bác xin hứa” thì hơn.

– Cháu biết đấy, bác đã làm nhiều điều bác hối tiếc trong đời. Và có thể không gì đáng tiếc hơn việc bác không giữ được lời hứa với cháu. Nhưng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, bác hết sức xin lỗi, bác xin cháu, xin sự tha thứ của cháu. Cháu có thể làm việc đó không? Có thể tha thứ cho bác không? Cháu có thể tin tưởng bác không – Tôi hạ giọng. – Cháu sẽ đi cùng với bác chứ?

Trong lúc đợi nó trả lời, trí óc tôi chợt loé trở lại một ngày đông đã lâu rồi, Hassan và tôi ngồi trên tuyết dưới gốc cây anh đào trụi lá. Tôi đã chơi một trò độc ác với Hassan hôm đó, giỡn với cậu ấy, yêu cầu cậu ấy ăn bẩn để chứng tỏ lòng trung thành của cậu ấy với tôi. Giờ đây, tôi là kẻ dưới kính hiển vi, là kẻ phải chứng tỏ nhân cách của mình. Tôi đáng như thế lắm.

Sohrab xoay nghiêng người, xây lưng lại tôi. Nó không nói gì một lúc lâu. Thế rồi, đúng lúc tôi nghĩ có thể nó đã ngủ, nó nói giọng khàn khàn:

– Cháu mệt lắm.

Tôi ngồi bên giường nó cho tới khi nó ngủ. Có cái gì đó đã mất giữa Sohrab và tôi. Cho tới lúc tôi gặp ông luật sư, ông Omar Faisal, một tia hy vọng đã bắt đầu lọt vào đôi mắt Sohrab, như một vị khách rụt rè.Bây giờ tia hy vọng ấy đã ra đi rồi, vị khách kia đã bỏ chạy, tôi không biết khi nào nó dám quay trở lại. Tôi không biết bao lâu nữa Sohrab mới lại cười. Bao lâu nữa nó mới lại tin tôi. Liệu có bao giờ không?

Tôi đành rời khỏi phòng bệnh và đi tìm một khách sạn khác, không biết rằng phải một năm sau đó tôi mới lại được nghe thấy Sohrab nói thêm một lời nào khác.

Cuối cùng thì Sohrab cũng chẳng bao giờ nhận lời đề nghị của tôi. Nó cũng chẳng khước từ. Nhưng nó biết, một khi băng đã được tháo ra, áo quần bệnh viện đã trả lại, nó chỉ là một đứa trẻ Hazara mồ côi vô gia cư nào đấy. Nó có gì mà lựa chọn? Nó có thể đi đâu? Vì vậy, tiếng vâng ở nó trên thực tế giống một sự đầu hàng lặng lẽ hơn, không hẳn một sự chấp thuận mà chính là một hành động buông xuôi, vì quá chán nản để mà quyết định, và quá mệt mỏi để mà tin tưởng. Điều nó mong mỏi là cuộc sống xưa kia. Những gì nó có được là tôi và nước Mỹ. Xét cho hết lẽ, chẳng phải là một số phận tồi tệ gì cho lắm, nhưng tôi không thể nói với nó như thế. Viễn cảnh là điều xa xỉ khi đầu óc anh lúc nào cũng ong ong một bầy quỷ dữ.

Và nếu sự việc diễn ra như thế, khoảng một tuần nữa thôi, chúng tôi sẽ vượt qua cái đường băng trải bê tông nhựa đường ấm nóng, và tôi sẽ mang con trai của Hassan từ Afghanistan tới Mỹ, đem nó ra khỏi tình trạng chắc chắn hỗn loạn và bỏ nó vào sự hỗn loạn của sự không chắc chắn.

Một hôm, có thể vào khoảng năm 1983 hoặc 1984 gì đó, tôi ở cửa hàng video ở Fremont. Tôi đang đứng ở gian hàng phim Phương Tây thì một anh chàng cạnh tôi đang uống coke, chỉ vào băng Bảy anh chàng cừ khôi và hỏi tôi đã xem phim này chưa.

– Rồi, mười ba lần, – tôi nói. – Charles Bronson chết trong phim, rồi cả James Coburn và Robert Vangha cũng chết.

Hắn nhăn mặt lại nhìn tôi, như thế tôi vừa nhổ vào cốc nước giải khát của hắn.

– Cảm ơn nhiều, trời hỡi.

Hắn vừa nói vừa lắc đầu, mồm lấm bẩm một điều gì đó trong khi đi khỏi.Về sau tôi mới biết, ở Mỹ, đừng có tiết lộ hồi kết của bộ phim, nếu anh làm thế, anh sẽ bị khinh thường, và phải hết lời xin lỗi vì đã mắc tội Làm Hỏng Phần Kết.

Ở Afghanistan, phần kết mới là phần được quan tâm nhất. Khi Hassan và tôi trở về nhà sau khi xem một bộ phim Hindu ở rạp chiếu phim Zainab, những gì ông Ali, chú Rahim Khan – Baba hoặc vô số bạn bè của Baba, những em họ, cháu họ lũ lượt ra ra vào vào ngôi nhà – chỉ muốn biết điều này: Cô gái trong phim có tìm thấy hạnh phúc không? Bacheh, chàng trai trong phim, có thành công và hoàn thành những giấc mộng của mình không hay là chàng ta đành chịu đắm mình trong thất bại?

Cuối cùng có hạnh phúc không, họ muốn biết điều ấy.

Nếu có ai hôm nay muốn hỏi tôi liệu câu chuyện về Hassan, Sohrab và tôi có kết thúc hạnh phúc không, có lẽ tôi sẽ chẳng biết nói thế nào.

Liệu có ai muốn hỏi?

Rốt cuộc, cuộc đời không phải là một bộ phim Hindu. Zendagi migzana, những người Afghan thích nói thế: Đời cứ trôi đi, chẳng kể đến bắt đầu, kết thúc, kamyab, nab-kam, khủng hoảng hay thanh thản, luôn tiến về phía trước như một đoàn lữ hành ì ạch và bụi bặm của người du mục Kochis.Tôi có lẽ không biết trả lời câu hỏi đó thế nào. Bất kể chuyện phép mầu nho nhỏ Chủ nhật vừa rồi.

Chúng tôi về đến nhà khoảng bảy tháng trước, vào một ngày ấm áp tháng Tám năm 2001. Soraya đón chúng tôi ở sân bay. Tôi chưa từng lần nào xa Soraya lâu đến thế, và khi nàng khoá hai cánh tay quanh cổ tôi, khi tôi ngửi thấy mùi hương táo trên tóc nàng, tôi mới nhận ra tôi nhớ nàng quá thể. Tôi thì thầm:

– Em vẫn cứ là mặt trời ban mai cho yeld 3 của anh.

– Gì cơ?

– Không có gì. – Tôi hôn tai nàng.

Sau đó nàng khom gối xuống ngang tầm mắt Sohrab. Nàng cầm tay nó và mỉm cười với nó:

– Salaam, Sohrab Jan. Dì là Khala Soraya của cháu. Tất cả chúng ta đang mong cháu.

Nhìn nàng mỉm cười với Sohrab, mắt hơi ngân ngấn, tôi thoáng nghĩ nàng lẽ ra đã có thể làm mẹ, nếu dạ con của nàng không phản bội nàng.

Sohrab rê rê chân và nhìn đi chỗ khác.

Soraya đã chuyển phòng đọc trên gác thành phòng ngủ cho Sohrab. Nàng dẫn nó vào và nó ngồi ở mép giường. Khăn trải giường nổi bật những cánh diều sắc màu rực rỡ tung bay trong bầu trời xanh biếc. Nàng đã tạo nhiều vạch trên bức tường gần chiếc tủ con, từng phân từng tấc để đo chiều cao sẽ ngày một tăng của đứa trẻ. Ở chân giường, tôi thấy một rổ liễu gai đầy sách, một đầu tàu và một hộp màu nước.

Sohrab đang mặc một chiếc áo phông trắng loại bình thường và quần Jeans mới mà tôi mua cho nó ở Islamabad ngay trước khi chúng tôi rời khỏi đó – Chiếc áo phông lụng thụng ngoài đôi vai giơ xương và hõm xuống của nó. Sắc màu vẫn còn chưa ửng lên trên mặt nó, trừ những quầng thâm quanh đôi mắt. Lúc này nó nhìn chúng tôi một cách thản nhiên như nhìn vào những đĩa cơm bệnh viện đặt ngay ngắn trước mặt.

Soraya hỏi liệu nó có thích căn phòng của nó không và tôi để ý thấy nàng cố tránh nhìn vào cổ tay thằng bé, mắt nàng luôn quay trở lại những vết cắt màu hồng. Sohrab hơi cúi đầu. Giấu hai bàn tay dưới khe đùi và không nói không rằng. Rồi nó hồn nhiên ngả đầu lên gối. Chưa đầy năm phút sau, Soraya và tôi đứng ở cửa ngắm vào, nó đã đang ngáy.

Chúng tôi đi ngủ, Soraya ngủ thiếp đi, đầu nàng gối trên ngực tôi. Trong bóng tối của căn phòng, tôi nằm thao thức, lại thêm một lần mất ngủ. Thao thức. Và cô đơn cùng lũ ma quỷ của bản thân tôi.

Đôi lần giữa đêm khuya, tôi rón rén ra khỏi giường đến phòng Sohrab. Tôi đứng bên, nhìn xuống, và thấy một cái gì đó thò ra dưới gối. Tôi cầm lên. Thấy đó là tấm ảnh Polaroid của Rahim Khan, tấm ảnh tôi đã cho Sohrab vào cái đêm chúng tôi ngồi bên nhà thờ Shah Faisal. Tấm ảnh của Hassan và Sohrab đứng sát cạnh nhau, nheo mắt trong ánh mặt trời, và mỉm cười như thể thế giới là một nơi tốt đẹp, công bằng. Tôi không hiểu Sohrab đã nằm trên giường chăm chú nhìn tấm ảnh, chuyển tay nọ qua tay kia trong bao lâu.Tôi nhìn vào tấm ảnh. Cha cháu là một người bị giằng xé giữa hai nửa, chú Rahim Khan đã viết thế trong bức thư của ông. Tôi đã từng là cái nửa được cho phép, được xã hội thừa nhận, nửa hợp pháp, hiện thân vô thức tội lỗi của Baba. Tôi nhìn vào Hassan phô ra hai chiếc răng cửa bị khuyết, ánh nắng chiếu xiên lên mặt. Nửa kia của Baba. Cái nửa không được phép, nửa không có đặc quyền. Cái nửa thừa kế tất cả những gì là trong sạch và cao quý ở Baba. Cái nửa mà, biết đâu, trong cõi hẻo lánh bí ẩn nhất của trái tim mình, Baba đã nghĩ nó mới là đứa con trai đích thực của ông.

Tôi lại luồn tấm ảnh trở về nơi tôi đã lấy. Rồi tôi nhận ra được một điều: Rằng ý nghĩ vừa xong không hề mang theo nhói đau nào hết. Khép cửa phòng Sohrab, tôi băn khoăn tự hỏi liệu có phải ấy là con đường sựkhoan dung đâm chồi nảy lộc, không phải bằng trống giong cờ mở, mà chính là nỗi đau đã thu dọn những đồ lề của nó, gói ghém lại, và tiêu biến đi không lời giã biệt giữa đêm khuya.

Ông tướng và Khala Jamila hôm sau đến ăn tối. Khala Jamila, tóc cắt ngắn và đỏ sẫm hơn bình thường, đưa cho Soraya maghout 4 rắc hạnh nhân để ăn tráng miệng. Bà nhìn thấy Sohrab liền tươi cười:

– Mashallah! Soraya jan bảo chúng ta là cháu xinh trai lắm, nhưng nhìn ngoài đời cháu còn xinh trai hơn.

Bà trao cho nó chiếc áo len màu xanh cổ lọ:

– Bà đan cho cháu đấy. Cho mùa đông tới. Inshallah, mong cháu mặc vừa.

Sohrab cầm lấy chiếc áo len.

– Xin chào, anh bạn trẻ, – đó là tất cả những gì ông tướng nói, vừa cúi xuống hai tay tì lên cây gậy của ông, nhìn Sohrab như thể người ta đang nghiên cứu một đồ trang hoàng lạ lùng tại nhà ai đó.

Tôi trả lời, rồi lại trả lời, những câu hỏi của Khala Jamila về những vết thương của tôi – Tôi đã yêu cầu Soraya nói với họ rằng tôi bị cướp – khẳng định với bà rằng tôi không bị thương tật nào vĩnh viễn, rằng những dây thép vài tuần nữa sẽ được tháo ra và tôi lại có thể ăn những thứ bà nấu, rằng, vâng, tôi sẽ cố bôi nước ép cây hoàng liên và đường lên các vết sẹo của tôi để cho chúng chóng mờ.

Ông tướng và tôi ngồi ở phòng khách uống rượu vang trong khi Soraya và mẹ nàng dọn bàn ăn. Tôi kể cho ông nghe về Kabul và bọn Taliban. Ông lắng nghe và gật gù, cây gậy đặt lên đùi và tặc tặc lưỡi khi tôi kể cho ông về người đàn ông tôi bắt gặp đang bán chiếc chân giả của mình. Tôi không đả động đến cuộc hành quyết ở Sân vận động Ghazi và Assef. Ông hỏi tôi về Rahim Khan, người mà ông đã gặp ở Kabul vài lần, và lắc đầu nghiêm nghị khi tôi kể cho ông nghe về bệnh tình của chú. Nhưng trong khi chúng tôi nói chuyện, tôi bắt gặp mắt ông không ngừng hướng về Sohrab đang nằm ngủ trên chiếc ghế dài. Như thể chúng tôi đang mon men quanh bờ những gì ông thực sự muốn biết.

Việc tán gẫu cuối cùng cũng chấm dứt trong bữa tối, khi ông tướng đặt dĩa xuống và nói:

– Vậy Amir jan, anh sẽ nói cho chúng ta biết tại sao anh lại mang cậu bé này về cùng với anh chứ?

– Iqbal jan! Hỏi thế là thế nào? – Khala Jamila nói.

– Trong khi mình đang bận đan áo len, mình yêu quý, tôi phải quan tâm sự nhìn nhận của cộng đồng về gia đình chúng ta. Mọi người sẽ hỏi. Họ sẽ muốn biết tại sao lại có một thằng bé Hazara sống cùng với con gái chúng ta. Tôi phải nói với họ thế nào đây?

Soraya buông thìa xuống. Quay về phía bố mình.

– Bố có thể nói…

– Thôi được rồi, Soraya, – tôi vừa nói, vừa cầm lấy tay nàng, – thôi được rồi. – Tướng quân Sahib hoàn toàn có lý. Mọi người sẽ hỏi.

– Amir!… – Nàng ngắt lời.

– Không sao. – Tôi quay về phía ông tướng. – Tướng quân Sahib, bố thấy đấy, bố con ngủ với vợ người ở của ông ấy. Bà này đẻ cho bố con một đứa con trai tên là Hassan. Hassan bây giờ đã chết. Thằng bé đang ngủ trên ghế dài là con của Hassan. Nó là cháu của con. Đó là những gì bố cứ nói cho mọi người biết khi họ hỏi.

Tất cả đều nhìn tôi chằm chằm.

– Và một điều nữa, tướng quân Sahib, – tôi nói. – Bố đừng bao giờ gọi nó là thằng bé Hazara trước mặt con nữa. Nó có một cái tên. Tên nó là Sohrab.

Chẳng ai nói gì đến bữa ăn bị ế.

Sẽ là sai lầm nếu nói Sohrab trầm lặng. Trầm lặng là thanh thản. Bình yên. Trầm lặng là vặn nhỏ cái nút Âm Lượng của cuộc đời.

Im lặng là ấn nút Tắt. Tắt nó đi. Tắt tất cả.

Sự im lặng của Sohrab không phải là im lặng tự thân của những kẻ nhận thức được tội lỗi của mình, nhưng kẻ phản kháng, tìm cách nói lên căn nguyên bằng cách không thèm nói gì hết. Đó là sự im lặng của một người che mình trong một chốn tối tăm, cuốn hết tất cả các mép điểm lại và đè chặt xuống dưới.

Nó có chiếm mất nhiều không gian sống lắm đâu. Rất ít là khác. Đôi khi ở chợ, trong công viên, tôi đề ý thấy cái lối mọi người khác hầu như không cả nhìn nó, như thể nó chẳng hề ở đó. Tôi đang đọc sách chợt nhìn lên, thấy Sohrab đã vào trong phòng và ngồi trước mặt tôi từ lúc nào mà tôi đã không hề để ý. Nó bước như sợ để lại đằng sau tiếng bước chân. Nó di chuyển như không muốn khuấy động không khí xung quanh nó. Thường thường, nó ngủ.

Sự im lặng của Sohrab cũng khó cho cả Soraya nữa. Trên điện thoại đường dài tới Pakistan, Soraya đã nói với tôi về những việc nàng đang sắp xếp cho Sohrab. Những lớp học bơi. Bóng đá. Liên đoànBowling. Giờ đây nàng sẽ chỉ lướt qua phòng Sohrab, hé nhìn những cuốn sách vẫn nằm im không mở trong giỏ liễu gai, đồ thị tăng trưởng không đánh dấu, mớ đồ chơi xếp hình không lắp ráp, mỗi thứ lại một nhắc nhở về cuộc đời lẽ ra có được. Một sự nhắc nhở đến giấc mơ héo rũ khi mới đâm chồi. Nhưng không phải một mình nàng như thế. Tôi cũng đã có những giấc mơ riêng cho Sohrab.

Trong khi Sohrab trầm lặng, thế giới lại không như vậy. Một buổi sáng thứ Ba ngày 11 tháng Chín năm 2001, toà Tháp Đôi đổ sụp và sau đêm ấy, thế giới đã đổi thay. Cờ Mỹ đột nhiên xuất hiện ở khắp nơi, trên cần ăng ten của những chiếc taxi màu vàng len lỏi giữa dòng xe cộ, trên những ve áo của khách hộ hành đi lại trên các hè đường thành một dòng chảy đều đặn, cả trên những chiếc mũ cáu bẩn của đám ăn xin ở San Francisco ngồi bệt dưới mái bạt của những phòng trưng bày mỹ thuật nhỏ và những cửa hiệu có mặt tiền rộng rãi. Một hôm tôi đi qua chỗ Edith, người đàn bà vô gia cư ngày nào cũng chơi đàn ắc-coóc-đê-ông trên góc phố Sutter và Stockton và nhận thấy một lá cờ Mỹ dán trên hộp đàn dưới chân bà ta.

Chẳng bao lâu, sau khi toà Tháp Đôi bị tấn công, Mỹ oanh tạc Afghanistan. Liên minh miền Bắc tiến vào và bọn Taliban chạy cuống quýt như lũ chuột cống rút vào hang. Đột nhiên, mọi người đứng xếp hàng trong cửa hàng bách hoá cũng nói chuyện với nhau về những thành phố tuổi thơ tôi. Kandahar, Herat, Maza-i-Sharif. Khi tôi còn nhỏ, Baba đã mang Hassan và tôi tới Kunduz. Tôi không còn nhớ nhiều lắm về chuyến đi, trừ chuyện ngồi dưới bóng một cây keo với Baba và Hassan, thay nhau uống nước ép dưa hấu tươi trong một cái vò sành và xem ai nhổ hạt dưa xa nhất. Giờ đây Dan Rather, Tom Brokaw, và mọi người nhấm nháp cà phê sữa tại Starbucks cũng đang nói về trận đánh chiếm Kunduz, thành luỹ cuối cùng của Taliban ở phía Bắc. Tháng Mười hai năm ấy, người Pashtun, người Tajik, người Uzbek và người Hazara, tập trung lại ở Bonn và, dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, bắt đầu một tiến trình để ngày nào đó chấm dứt trên hai mươi năm bất hạnh trong thời trai trẻ của họ. Chiếc mũ lông cừu và chiếc áo chapan xanh của Hamid Karzai 5 trở nên nổi tiếng.

Sohrab mộng du qua tất cả những sự kiện đó.

Soraya và tôi tham gia vào những dự án của người Afghan, ngoài ý thức về nghĩa vụ công dân, còn là nhu cầu đối với một điều gì đó – bất cứ điều gì – để lấp đầy cái im lặng ở trên gác, cái im lặng hút hết mọi điều như một cái hố đen. Trước đây, tôi chưa từng là kiểu người ưa hoạt động, nhưng khi một người đàn ông tên là Kabir, một cựu đại sứ của Afghanistan ở Sofia, kêu gọi tôi và hỏi tôi có muốn giúp ông một dự án bệnh viện không, tôi nói đồng ý. Cái bệnh viện nhỏ này trụ gần biên giới Afghan – Pakistan và có một phòng mổ nhỏ điều trị cho những người Afghan tị nạn bị thương vì mìn chôn. Nhưng nó đã phải đóng cửa vì thiếu ngân sách. Tôi trở thành giám đốc dự án, Soraya là đồng giám đốc của tôi. Hầu như ngày nào tôi cũng ở trong phòng làm việc, gửi thư điện tử cho mọi người khắp thế giới, xin trợ cấp, tổ chức những chương trình xã hội gây vốn. Và tự nhủ mang Sohrab sang đây là việc nên làm.

Năm đó kết thúc với tôi và Soraya trên tràng kỷ, chăn phủ lên chân, xem Dick Clark trên tivi. Mọi người reo lên vui mừng và hôn nhau khi quả cầu bạc rơi xuống và hoa giấy tung trắng xoá màn hình. Trong ngôi nhà chúng tôi, năm mới bắt đầu khá giống cách năm cũ kết thúc. Trong im lặng.

Thế rồi, bốn hôm trước, vào một ngày mưa lạnh tháng Ba năm 2002, một điều kỳ diệu nho nhỏ đã xảy ra.

Tôi đem Soraya, Khala Jamila, và Sohrab tới nơi người Afghan tụ hội lại với nhau ở công viên Hồ Elizabeth tại Fremont. Ông tướng, tháng trước cũng đã được triệu tập về Afghanistan giữ cương vị bộ trưởng, và đã bay về đó hai tuần trước – Ông không mang theo bộ đồ màu xám và chiếc đồng hồ bỏ túi. Kế hoạch để mấy tháng sau Khala Jamila đoàn tụ với ông cũng đã được ông sắp xếp. Bà nhớ ông khổ sở – và lo lắng cho sức khoẻ của ông ở đó – và chúng tôi đã nài bà ở lại với chúng tôi ít lâu.

Thứ Năm trước, ngày đầu xuân, là ngày Tết Năm Mới – ngày Sawl-e-Nau – nên người Afghan ở Vùng Vịnh đã lên kế hoạch đón mừng khắp Vịnh Đông và toàn bán đảo. Kabir, Soraya, và tôi có thêm lý do để vui mừng: Cái bệnh viện nhỏ bé của chúng tôi ở Rawalpindi đã khai trương tuần trước, không phải một bệnh viện phẫu thuật, chỉ là một bệnh viện nhi khoa. Nhưng đây là sự khởi đầu tốt, tất cả chúng tôi đều nhất trí như vậy.

Đã nhiều ngày nắng mãi, nhưng sáng Chủ nhật khi tôi bước ra khỏi giường, tôi nghe thấy tiếng những giọt mưa vỗ mạnh vào cửa sổ. Vận may của người Afghan, tôi nghĩ vậy. Cười thầm. Tôi cầu kinh namaz buổi sáng, trong khi Soraya vẫn ngủ – Tôi không còn phải xem đến cuốn sách kinh nhỏ tôi có được từ nhà thờ nữa, những thánh thi lúc này tuôn ra một cách tự nhiên, không cần cố gắng.

Chúng tôi đến vào quãng trưa và thấy đầy người đang trú dưới một tấm vải nhựa lớn hình chữ nhật căng trên sáu cái cọc cắm xuống đất. Ai đó đã rán món bánh bolani, hơi nước bốc lên từ những tách trà, và một thùng xúp lơ nấu aush. Một bài hát cũ của Ahmad Zahir xoẹt xoẹt, ồm ồm cất lên từ một máy cát-xét. Tôi hơi mỉm cười lúc bốn người chúng tôi chạy vội qua bãi cỏ ướt sũng. Soraya và tôi dẫn đầu, Khala Jamila chạygiữa, Sohrab đằng sau chúng tôi, mũ trùm của chiếc áo mưa màu vàng nảy lên sau lưng nó.

– Chuyện gì mà vui thế – Soraya vừa nói vừa cầm tờ báo gấp che lên đầu.

– Em có thể đem người Afghan ra khỏi Paghman, nhưng em không thể đem Paghman ra khỏi người Afghan được. – Tôi nói.

Chúng tôi rạp người xuống dưới cái lều bạt tự chế. Soraya và Khala Jamila từ từ đi về phía một người đàn bà to béo quá khổ đang rán bánh bolani nhồi rau bina. Sohrab đứng im dưới mái che một lúc rồi bước ra ngoài trời mưa, hai tay đút túi áo mưa. Tóc nó – bây giờ ngả màu nâu và thẳng như tóc Hassan – bết xuống da đầu. Nó dừng lại gần một vũng nước nhỏ màu cà phê và chăm chú nhìn vào đó. Hình như chẳng ai để ý. Chẳng ai gọi nó vào. Thời gian trôi đi, những thắc mắc về đứa con trai nuôi bé nhỏ – nhất định là kỳ cục – của chúng tôi may sao cũng đã tạm ngừng, và xét tới thực tế những thắc mắc của người Afghan đôi khi sống sượng đến mức nào, cung có thể coi đây như một khuây khoả đáng kể. Mọi người thôi không hỏi tại sao nó chẳng bao giờ nói. Tại sao nó không chơi với những đứa trẻ khác. Và hay nhất là, họ thôi không làm chúng tôi ngột mạt với sự đồng cảm quá mức của họ, họ khe khẽ lắc đầu, với tiếng “tặc” lưỡi, với câu “Oh, gung bichara”. Ô, thằng bé tội nghiệp này câm. Trò sính cái lạ dần dần sẽ biến đi. Như tấm giấy dán tường xỉn màu, Sohrab đã hoà lẫn vào bối cảnh.

Tôi bắt tay ông Kabir, một người đàn ông nhỏ nhắn tóc trắng như cước. Ông giới thiệu tôi với hơn chục người, một trong số họ là giáo viên về hưu, người khác là một kỹ sư, một cựu kiến trúc sư, một nhà phẫu thuật lúc này đang điều hành một cửa hàng bánh mì kẹp xúc xích nóng ở Hayward. Tất cả bọn họ đều nói họ đã biết Baba từ hồi ở Kabul, và đều nói về ông với lòng kính trọng. Bằng cách này hoặc cách khác, ông đều liên quan tới cuộc sống của họ. Những người này đều nói tôi thật may mắn có một người cha vĩ đại như ông.

Chúng tôi trò chuyện với nhau về thế sự khó khăn và cái cương vị có thể là bạc bẽo mà ông Karzai đang gánh, về khoá Loya jirga 6 sắp tới, và việc nhà vua đe doạ sắp trở về quê hương sau hai mười tám năm biệt xứ. Tôi còn nhớ cái đêm năm 1973, người em họ của Zahir Shah lật đổ ông ta. Tôi còn nhớ súng nổ hàng loạt và bầu trời sáng trắng như bạc, ông Ali ôm tôi và Hassan trong cánh tay ông và bảo chúng tôi đừng sợ, rằng đó chỉ là họ đang bắn vịt.

Rồi ai đó kể một chuyện cười về giáo sĩ Nasruddin và tất cả chúng tôi đều cười.

– Anh biết không, cha anh cũng là một con người hài hước đấy. – ông Kabir nói.

– Ông ấy hài hước à, đúng thế không? – Tôi vừa nói vừa mỉm cười nhớ lại chỉ sau khi đến Mỹ được ít lâu Baba bắt đầu càu nhàu về ruồi Mỹ ra sao. Ông thường ngồi tại bàn bếp với cái vỉ ruồi của ông, theo dõi lũ ruồi bay vụt từ tường này sang tường khác, vo ve ở chỗ này, vù vù ở chỗ kia, gây bực bội và đâm bổ vào người.

– Ở cái đất nước này, đến ruồi cũng vội vội vàng vàng. – Ông thường rên rỉ. Tôi đã cười thích chí đến thế nào. Bây giờ nhớ lại tôi chỉ mỉm cười.

Vào quãng ba giờ chiều, mưa ngừng, và bầu trời đông đặc những cụm mây màu xám nặng nề. Một luồng gió mát lạnh thổi qua công viên. Thêm những gia đình xuất hiện. Nhưng người Afghan đón chào nhau, ôm ghì lấy nhau, hôn nhau, chia sẻ các món ăn. Ai đó nhóm than trong những bếp nướng ngoài trời, và chẳng mấy chốc, mùi hành nướng và thịt cừu morgh ngào ngạt mũi tôi. Rồi nhạc, giọng một ca sĩ mới nào đó tôi không biết và tiếng trẻ con khúc khích cười đùa. Tôi thấy Sohrab, vẫn trong chiếc áo mưa màu vàng, tựa người vào thùng rác, mắt đăm đăm nhìn một cái chuồng dơi rỗng không bên kia công viên.

Một lúc sau, lúc tôi đang chuyện gẫu với một nhà cựu phẫu thuật, người mới nói cho tôi biết ông và Baba từng là bạn học cùng lớp tám, thì Soraya kéo ống tay áo tôi:

– Amir, xem kìa! Nàng đang chỉ tay lên trời. Nửa tá diều đang bay trên cao, lấp lánh các màu vàng, đỏ, xanh lá cây in trên nền trời.

– Thử xem sao, – Soraya nói, lần này nàng chỉ vào một người đang bán diều ở một quầy hàng gần đó.

– Cầm lấy cái này, – tôi nói và đưa cốc trà của tôi cho Soraya. Tôi xin lỗi và bước tới quầy bán diều, đôi giầy của tôi nhóp phép trên cỏ ướt. Tôi chỉ vào chiếc seh parcha 7 màu vàng. “Sawh-e-nau mubabrak” 8, người bán diều nói, lấy hai mươi đô và trao cho tôi chiếc diều với ống tar thuỷ tinh. Tôi cảm ơn và cũng chúc ông ta một năm mới hạnh phúc. Tôi thử dây theo cách Hassan và tôi vẫn quen thử, kẹp dây diều giữa ngón cái và ngón trỏ rồi kéo. Dây đỏ máu và người bán diều mỉm cười. Tôi cũng mỉm cười đáp lại.

Tôi mang diều tới cho Sohrab đang đứng, vẫn tựa người vào thùng rác, hai tay khoanh trước ngực. Nó đang nhìn lên bầu trời.

– Cháu có thích chiếc seh parcha này không? – Tôi vừa nói vừa cầm chiếc diều ở hai đầu thanh ngang, nâng lên. Đôi mắt nó chuyển từ trên trời xuống nhìn tôi, rồi lại nhìn lên trời. Vài dòng nước mưa nhỏ rỉ từ tóc xuống mặt nó.

– Một lần bác đọc thấy ở Malaysia, người ta dùng diều để câu cá, – tôi nói. – Bác dám cược cháu không biết chuyện đó đấy. Họ buộc dây câu vào diều và thả diều bay trên những chỗ nước nông để diều không in bóng xuống nước làm cá sợ. Cả ở nước Trung Hoa cổ đại, các vị tướng cũng dùng diều bay qua chiến trường để gửi những chỉ thị cho quân lính của mình. Chuyện thật đấy. Bác không bịp cháu đâu, – Tôi chỉ cho nó xem ngón cái đang chảy máu. – Dây tar này cũng không tồi đâu.

Liếc mắt sang bên, tôi thấy Soraya từ lều bạt đang theo dõi chúng tôi, hai bàn tay kẹp vào bên nách. Không giống tôi, nàng đã dần dần từ bỏ ý đồ thu phục nó. Nhưng câu hỏi không được trả lời, những cái nhìn hoang mang trống rỗng, sự im lặng, tất cả đều quá đau khổ. Nàng đã phải chuyển sang “Thế cầm cự” 9, chờ tín hiệu đèn xanh của Sohrab. Đợi chờ.

Tôi nhấp nước bọt vào ngón tay trỏ và giơ lên:

– Bác vẫn nhớ cách bố cháu kiểm tra hướng gió, lấy dép đá tung bụi lên, nhìn xem gió thổi hướng nào. Bố cháu biết rất nhiều mẹo kiểu như thế, – hạ ngón tay xuống, tôi nói. – Hướng Tây bác nghĩ vậy.

Sohrab lau một giọt nước ở dái tai và rê rê hai chân. Không nói gì. Tôi lại nghĩ tới mấy tháng trước khi Soraya hỏi tôi giọng nói của thằng bé nghe thế nào. Tôi đã bảo nàng tôi cũng chẳng còn nhớ gì nữa.

– Đã bao giờ bác nói cho cháu biết bố cháu là người đua diều giỏi nhất quận Wazir-Akhbar Khan chưa? Có thể nhất cả Kabul ấy chứ? – Tôi vừa nói vừa thắt nút đầu dây tar vào dây thòng buộc ở trụ quay. – Bố cháu làm cho trẻ con hàng xóm phát ghen lên. Bố cháu điều khiển diều mà chẳng bao giờ cần phải nhìn lên trời, và mọi người thường nói, cậu ta săn bóng diều. Nhưng họ không hiểu rõ bố cháu như bác. Bố cháu không săn đuổi cái bóng nào cả. Mà chỉ… hiểu rõ thôi.

Nửa tá diều khác đã bay lên. Mọi người bắt đầu tụ tập lại thành từng nhóm, tách trà trong tay, mắt dán lên bầu trời.

– Cháu có muốn giúp bác thả cái diều này không – Tôi hỏi.

Mắt Sohrab chăm chú nhìn chiếc diều rồi nhìn sang tôi. Rồi lại nhìn lên trời.

– Thôi được, – tôi nhún vai. – Xem như bác sẽ phải thả diều một mình vậy.

Tôi giữ cho cân cuộn dây trong tay trái và thả ra khoảng một mét dây nhựa. Chiếc diều vàng đung đưa ở đầu dây ngay trên cỏ ướt:

– Cơ hội cuối cùng này – Tôi nói. Nhưng Sohrab đang nhìn lên, một cặp diều đang mắc vào nhau bên trên những ngọn cây.

– Hay lắm, bác thả đây, – tôi bắt đầu chạy, đôi giày đế mềm của tôi làm các vũng nước mưa bắn tung toé, bàn tay tôi giữ chặt đầu dây diều và giơ cao lên trên trên đầu. Đã quá lâu rồi, quá nhiều năm rồi kể từ khi tôi làm như thế này, và tôi cũng chẳng hiểu liệu mình có làm trò cười cho thiên hạ hay không. Tôi để cho ống cuộn quay trong bàn tay trái trong khi chạy, cảm thấy dây diều lại cứa vào bàn tay phải lúc nó tở ra. Lúc này, chiếc diều được nâng bổng lên sau vai tôi, cất lên, quay như bánh xe, và tôi chạy nhanh hơn. Ống cuộn quay nhanh hơn nữa và dây tẩm thuỷ tinh cứa thêm một vết rạch vào lòng bàn tay phải tôi. Tôi dừng và quay lại. Mỉm cười. Tít trên cao, con diều của tôi nghiêng bên nọ qua bên kia như một quả lắc đồng hồ, nghe như tiếng vỗ cánh của con chim giấy xưa kia, khiến tôi luôn luôn liên tưởng tới những sáng mùa đông ở Kabul. Đã một phần tư thế kỷ tôi không thả con diều nào, nhưng bất ngờ tôi lại trở lại tuổi mười hai và những bản năng xưa kia của tôi ào ạt trở về.

Tôi cảm thấy có ai đó ở gần tôi và tôi nhìn xuống. Thì ra Sohrab. Hai tay thọc vào túi áo mưa, nó đã chạy theo tôi.

– Cháu có muốn thử không, – tôi hỏi. Nó không nói gì. Nhưng khi tôi trao dây diều cho nó, nó rút bàn tay ra khỏi túi. Phân vân. Nắm lấy dây diều. Tim tôi đập nhanh, trong lúc tôi quay ống dây cho dây kịp. Chúng tôi đứng lặng lẽ bên nhau. Cổ ngẩng lên.

Xung quanh chúng tôi, lũ trẻ đuổi nhau, trượt chân trên cỏ. Ai đó đang cho chạy một băng nhạc từ phim Hindu cũ. Một hàng người lớn đang làm lễ cầu kinh namaz buổi chiều trên một tấm vải nhựa trải trên đất. Không khí sực mùi cỏ ướt, mùi khói và mùi thịt nướng. Tôi ước sao thời gian ngừng trôi.

Rồi tôi thấy, chúng tôi có cả một bầy đoàn diều. Một chiếc diều xanh đang sát vào. Tôi dò ra dây diều là của một thằng bé đứng cách xa chỗ tôi khoảng gần mười mét. Đầu nó húi ngắn, nó mặc một chiếc áo phông cộc tay in đậm nét hàng chữ THE ROCK RULES. Nó thấy tôi đang nhìn nó, và nó mỉm cười. Vẫy tôi. Tôi vẫy lại.

Sohrab trả lại dây diều cho tôi.

– Cháu trả lại thật đấy chứ? – Tôi vừa hỏi vừa cầm lấy dây diều.

Nó cầm lấy ống cuộn từ tay tôi.

– Được lắm, – Tôi nói. – Bác cháu mình hãy cho nó một sabagh, dạy cho nó một bài học, phải không?

Tôi liếc nhìn nó. Vẻ vô hồn, trống trải trong đôi mắt nó đã biến mất. Cái nhìn chăm chú của nó lướt đi lướt lại giữa con diều của chúng tôi và chiếc diều xanh. Mặt nó hơi ửng đỏ, mắt nó bất chợt lanh lợi hẳn lên. Thức tỉnh. Sống động. Tôi không hiểu từ khi nào tôi đã quên mất rằng, bất kể mọi chuyện xảy ra, nó vẫn chỉ là một đứa trẻ con.

Chiếc diều xanh đang xoay chuyển.

– Cứ đợi đã, – tôi nói. – Cứ để nó đến sát hơn chút nữa.

Nó nhào xuống hai lần và lén bay về phía con diều của chúng tôi.

– Nào, lao vào. Lao vào diều ta đi, – tôi nói.

Chiếc diều xanh bây giờ đã bay đến sát hơn, lúc này đang vọt lên cao trên con diều của chúng tôi, không biết đó là cái bẫy tôi đã giăng sẵn.

– Xem đây, Sohrab. Bác sắp biểu diễn cho cháu xem một trong những mẹo lừa mà bố cháu ưa thích, cái mẹo nhào lộn cũ rích ấy.

Đứng gần tôi, Sohrab đang thở nhanh bằng mũi. Ống cuộn lăn trong lòng bàn tay nó. Gân tay ở cổ tay đóng sẹo của nó giống như những dây đàn rubab 10. Rồi tôi chớp mắt, và chỉ trong khoảnh khắc, hai bàn tay cầm ống cuộn đã thành hai bàn tay sứt móng, chai sạn của một thằng bé hẻ môi. Tôi nghe thấy một con quạ kêu quạ quạ ở đâu đó, và tôi ngước mắt nhìn. Công viên lung linh tuyết mới rơi, lấp lánh sáng trắng, làm loá mắt tôi. Tuyết lất phất rơi không một tiếng động từ những cành cây như mạ bạc. Lúc này, tôi ngửi thấy mùi củ cải nấu qurma. Những quả dâu tằm khô. Cam chua. Mùn cưa và quả óc chó. Một sự yên tĩnh ấp ủ, một lớp êm đềm tuyệt phủ đang im lìm tuyệt đối. Thế rồi xa xa, vượt qua sự tĩnh lặng, một giọng nói kêu gọi chúng tôi trở về quê hương, giọng nói của một người đàn ông kéo lê chân phải của mình.

Chiếc diều xanh lúc này đang bay liệng ngay trên trên con diều của chúng tôi.

– Nó đang định lao xuống đấy. Giờ thì lúc nào cũng được. – tôi nói và mắt tôi vụt nhìn từ Sohrab lên con diều của chúng tôi.

Chiếc diều xanh ngập ngừng. Giữ thế. Rồi lao xuống.

– Nó đến rồi! – Tôi nói.

Tôi triển khai một cách hoàn hảo. Sau ngần ấy năm trời. Cái hãy nhào-lên-lộn-xuống. Tôi nới lỏng tay và giật dây, nhào xuống và tránh khỏi chiếc diều xanh. Một loạt những cú giật nhanh bên cánh, và con diều của chúng tôi lao lên ngược chiều kim đồng hồ, thành nửa vòng tròn. Bất thình lình diều tôi vọt lên trên. Chiếc diều xanh lúc này đang trườn ra, hoang mang luống cuống. Nhưng chậm quá rồi. Tôi đã thoát khỏi nó bằng trò lừa của Hassan. Tôi giật mạnh và diều tôi bổ thẳng xuống. Tôi gần như nghe thấy, tiếng dây diều tôi cứa vào dây diều nó. Gần như nghe thấy tiếng đứt phựt.

Rồi, đúng vậy, chiếc diều xanh quay quay và mất lái.

Phía sau chúng tôi, mọi người reo lên. Tiếng huýt sáo và tiếng vỗ tay hoan hô vang dậy. Tôi thở hổn hển. Lần cuối cùng tôi cảm thấy một sự trào dâng như thế này là cái ngày mùa đông năm 1975, ngay sau khi tôi cắt hạ chiếc diều cuối cùng, khi tôi thấy Baba trên nóc nhà của chúng tôi, đang vỗ tay, mặt rạng rỡ.

Tôi nhìn xuống Sohrab. Một bên mép nó cong lên, đúng vậy.

Một nụ cười.

Lệch về một bên.

Khó có thể được.

Nhưng lại có đấy.

Phía sau chúng tôi, lũ nhỏ chạy lăng quăng, và một đám đông hỗn loạn những người đua diều la hét, sai đuổi chiếc điều bị đứt đang rơi xuống bên trên những ngọn cây. Tôi chớp chớp mắt và nụ cười biến mất. Nhưng nó đã ở đó. Tôi đã thấy.

– Cháu có muốn bác đoạt chiếc diều đó cho cháu không.

Nó nuốt nước bọt, quả hầu nó nâng lên hạ xuống. Gió làm tung tóc nó lên. Tôi nghĩ tôi đã thấy nó gật đầu.

– Vì cháu, cả ngàn lần rồi, – tôi nghe thấy mình nói thế.

Rồi tôi quay lưng và chạy đuổi.

Chỉ là một nụ cười thôi, có gì hơn đâu. Nó chẳng khiến mọi chuyện ổn thoả. Nó chẳng khiến điều gì ổn thoả. Chỉ là một nụ cười thôi. Một việc nhỏ nhặt. Một chiếc lá trong rừng cây, rung rinh theo đường bay của một con chim giật mình cất cánh.

Nhưng tôi sẽ nắm lấy nó. Với hai cánh tay rộng mở. Bởi vì khi mùa xuân đến, tuyết từng bông một sẽ tan, và có thể tôi sẽ dược chứng kiến bông tuyết đầu tiên tan chảy.

Tôi chạy. Một người đàn ông cùng một lũ trẻ con đang la hét chạy đua. Nhưng tôi không bận tâm. Tôi chạy theo hướng gió thổi vào mặt, và một nụ cười nụ rộng như thung lũng Panjsher trên đôi môi tôi.

Tôi chạy.

——————————–

1 Ka’bah: Hòn đá đen linh thiêng ở Thánh địa Mecca.

2 Aush: Món canh Afghan gồm mì sợi, rau, cà chua dầm, bên trên có kem sữa chua và húng bạc hà.

3 Yelda: Những đêm dài mùa đông (phần trên đã nói).

4 Maghout: Món ăn.

5 Hiện là Tổng thống chính thức của Afghanistan.

6 Loya jirga: Quốc hội.

7 Seh parcha: Diều.

8 Sawh-e-nau mubabrack: Chúc năm mới hạnh phúc.

9 Tiếng Anh Holding pattern trong nguyên bản: Lộ trình máy bay phải lượn vòng trên sân bay chờ tín hiệu hạ cánh, tạm dịch: thế cầm cự.

10 Rubab: một loại đàn dây của Afghanistan.

Hết.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ