Người đua diều - Chương XXII

Farid cho xe chạy chậm lại trên lối xe vào của một toà nhà lớn ở Wazir Akbar-Khan. Anh ta cho xe đỗ dưới bóng một cây dương liễu rủ ra ngoài tường của khu cư trú hỗn hợp trên phố 15, Sarak-e-Mehmana, Phố Khách. Anh để động cơ chạy số không và chúng tôi ngồi khoảng một phút, nghe tiếng tinh tinh của máy đã mát lại, chẳng ai nói điều gì. Farid xoay người trên ghế ngồi, và mân mê chùm chìa khoá vẫn còn cắm vào công tắc khởi động. Tôi chắc anh ta đang chuẩn bị nói với tôi một điều gì.

– Tôi cho là tôi nên đợi ông ở trong xe, – cuối cùng anh ta cũng nói, giọng hơi có vẻ xin thứ lỗi. Anh ta không nhìn tôi. – Đây là công việc chính của ông rồi, tôi…

Tôi vỗ vào lưng anh:

– Anh đã làm hơn rất nhiều những gì tôi trả cho anh. Tôi không mong anh đi cùng với tôi.

Nhưng tôi lại mong tôi không phải đi một mình. Bất kể những gì tôi đã học được ở Baba, tôi vẫn mong ông đứng ngay bên tôi lúc này. Baba chắc sẽ phá cổng trước đi vào, yêu cầu được đưa đến người có trách nhiệm, đái vào râu kẻ nào cản đường ông. Nhưng Baba đã chết lâu rồi, và đã được chôn ở khu người Afghan trong một cái nghĩa trang nhỏ ở Hayward. Mới tháng vừa rồi, Soraya và tôi còn đặt một bó cúc trắng và hoa lan cạnh mộ chí của ông. Tôi chỉ có mỗi một mình.

Tôi ra khỏi xe, và bước tới cánh cổng trước bằng gỗ cao to. Tôi bấm chuông, nhưng không nghe thấy tiếng reo – vẫn chưa có điện – và tôi phải đập thình thình vào cánh cửa. Một lát sau, tôi nghe thấy những giọng nói cộc cằn, ở bên kia cánh cổng, và hai người đàn ông xách súng Kalashnikov ra mở cửa.Tôi liếc nhìn về phía Farid đang ngồi trong xe, miệng mấp máy không thành tiếng, tôi sẽ trở lại, nhưng không chắc mấy tôi sẽ quay lại.

Gã đàn ông đeo súng lục soát tôi từ đầu đến chân, vuốt chân, sờ nắn đũng quần tôi. Một trong hai tên nói với nhau bằng tiếng Pashtu, và cả hai cùng cười thầm. Chúng tôi bước qua cổng trước. Hai tên lính gác dẫn tôi ngang qua một sân cỏ được cắt tỉa rất cẩn thận, đi qua một hàng hoa thiên trúc quỳnh và những bụi cây thấp dọc theo tường. Một chiếc máy bơm nước bằng tay ở phía cuối sân. Tôi nhớ ngôi nhà của Kaka Homayoun ở Jalalabad đã bơm nước dưới giếng như thế, hai chị em sinh đôi Fazila và Karima thường cùng tôi ném sỏi xuống để nghe tiếng tõm.

Chúng tôi leo lên vài ba bậc thềm, và đi vào một ngôi nhà rộng lớn trang trí sơ sài. Chúng tôi đi qua tiền sảnh – một lá cờ lớn phủ kín một bức tường – và hai gã lính canh dẫn tôi lên gác, tới một căn phòng có đôi ghế sofa màu xanh bạc hà giống hệt nhau và một tivi màn hình lớn ở góc xa. Một tấm thảm cầu kinh đóng đinh ở trên tường trưng ra một thánh địa Mecca nho nhỏ hình chữ nhật. Tên nhiều tuổi hơn lấy nòng súng chỉ về phía chiếc sofa. Tôi ngồi xuống. Chúng rời khỏi căn phòng.

Tôi bắt chéo chân lên nhau. Lại bỏ ra. Ngồi với hai bàn tay vã mồ hôi trên hai đầu gối. Liệu tư thế đó có làm tôi trông căng thẳng không? Tôi cài hai bàn tay lại với nhau, khẳng định thế lại tệ hơn nên đành khoanh tay trước ngực. Máu giần giật hai bên thái dương tôi. Tôi cảm thấy cô đơn tuyệt đối. Những ý nghĩ cứ lởn vởn quẩn quanh trong đầu tôi, nhưng tôi không muốn nghĩ chút nào, bởi vì cái phần điềm tĩnh trong tôi biết rằng tất cả những gì tôi loay hoay ngụy tạo thật điên rồ. Tôi ở cách xa vợ tôi hàng nghìn dặm và đang ngồi trong căn phòng như một cái xà lim đợi một gã đàn ông mà tôi thấy rõ là kẻ đã giết hai con người cùng ngày hôm đó. Đúng là điên rồi. Còn tệ hại hơn, thật là vô trách nhiệm. Rất có thể tôi sẽ làm cho Soraya trở thành một biwa, một goá phụ ở tuổi ba mươi sáu. Đây không phải mày, Amir – một phần trong con người tôi nói. Mày là kẻ nhát gan. Mày bẩm sinh đã thế rồi. Và như thế đâu có gì là xấu xa bởi vì mày không bao giờ lừa dối bản thân về việc này. Cũng không về việc kia. Hèn nhát không có gì tệ hại chừng nào hèn nhát đi đôi với thận trọng. Nhưng khi một kẻ hèn nhát không còn nhớ mình là ai… cầu Thượng đế cứu rỗi hắn.

Có một chiếc bàn cà phê bên ghế sofa. Chân bàn kim loại bắt chéo hình chữ X có treo một vòng những quả chuông nhỏ bằng đồng thau cỡ quả óc chó. Tôi đã từng trông thấy một chiếc bàn như thế trước đây. Ở đâu nhỉ? Rồi tôi sực nhớ ra: Trong một hiệu trà đông đúc ở Peshawar, cái đêm tôi đi dạo bộ. Trên bàn có đặt một chiếc bát đựng nho đỏ. Tôi vặt một quả, ném vào miệng. Tôi phải làm cho bản thân tôi bận tâm đến một điều gì đó, bất cứ điều gì, để làm câm bặt tiếng nói trong đầu tôi. Nho ăn ngọt. Tôi ném một quả khác vào miệng, không nhận ra rằng nó có thể là miếng thực phẩm đặc cuối cùng tôi được ăn trong một thời gian dài.

Cửa mở và hai gã đeo súng trở lại, giữa chúng là gã Talib cao lớn mặc đồ trắng, vẫn đeo kính râm John Lennon, trông giống như một lãnh tụ tinh thần Hindu thần bí vai rộng, theo trào lưu Thời đại Mới nào đó.

Hắn ngồi vào một chỗ đối diện với tôi, hai tay đặt lên hai tay ghế. Hắn chẳng nói chẳng rằng một lúc lâu. Chỉ ngồi đó, quan sát tôi, một tay gõ vào bao súng, tay kia xoay xoay những hạt màu ngọc bích của chuỗi hạt cầu kinh. Lúc này hắn mặc áo vest đen ra ngoài áo sơ mi trắng, và đeo một chiếc đồng hồ vàng. Tôi còn nhìn thấy một vết máu khô trên ống tay áo trái. Tôi còn thấy hắn không thay quần áo sau hai vụ hành quyết đầu ngày hôm ấy, như một ám ảnh bệnh hoạn.

Chốc chốc bàn tay tự do của hắn lại huơ lên và những ngón tay mập mạp của hắn lại đập vào cái gì đó trong không khí. Các ngón tay làm những động thái vuốt ve từ tốn, như thể hắn đang mơn trớn một con thú cảnh vô hình. Một trong hai ống tay áo co lại và tôi thấy những vết xăm trên cánh tay, tôi đã từng thấy vẫn những vết đó trên mình đám người vô gia cư sống trong những ngõ hẻm rùng rợn ở San Francisco.

Da hắn xanh xao hơn hai tên kia, gần như tái xám, một hạt mồ hôi nhỏ long lanh trên trán, ngay dưới chiếc khăn đen Hồi giáo. Râu hắn cũng dài đến ngực như những tên khác nhưng nhạt màu hơn.

– Salaam alykum, – hắn nói.

– Salaam.

– Giờ thì cậu có thể bỏ cái trò đó đi rồi, cậu biết không. – Hắn nói.

– Xin lỗi, tôi không hiểu.

Hắn ngoặt lòng bàn tay về phía một trong hai gã vũ trang và ra hiệu. Phrưưựt Bất thình lình má tôi đau nhói, tên lính gác đang giật lên giật xuống chòm râu tôi và cười khúc khích. Tên Talib nhăn nhở:

– Một trò khá hay lâu nay tao mới xem đấy. Nhưng tao nghĩ thực ra trò này còn hay hơn nhiều. Mày có thấy thế không? Hắn xoay xoay ngón tay, bật tanh tách, nắm đấm mở ra rồi lại nắm chặt lại:

– Vậy, Inshallah, mày thích trò diễn hôm nay chứ?

– Trò diễn là thế à? – Tôi vừa nói vừa xoa má, hy vọng giọng nói của tôi không phản lại nỗi kinh hoàng đang bùng nổ trong tôi.

– Công bằng xã hội là trò diễn vĩ đại nhất, người anh em ạ. Kịch tính. Căng thẳng hồi hộp. Và, hay nhất là giáo dục tập thể.

Hắn lại bật ngón tay.

Tên trẻ hơn trong hai tên lính gác châm một điếu thuốc cho hắn. Tên Talib cười, lẩm bấm một mình. Hai bàn tay nó rung rung và gần như đánh rơi điếu thuốc:

– Nhưng mày muốn một trò diễn thực sự, phải cùng tao ở Mazar. Tháng Tám năm 1998, thế đó.

– Tôi xin lỗi không hiểu.

– Chúng tao bỏ chúng cho lũ chó, mày biết chứ. Tôi hiểu hắn đang định đi tới đâu.

Hắn đứng phắt lên, bước quanh sofa một vài bước. Rồi lại ngồi xuống. Nói liến thoắng:

– Chúng tao đi từ nhà này sang nhà khác, tập trung bọn đàn ông và lũ con trai lại. Chúng tao bắn ngay ở đó trước mặt gia đình chúng. Để chúng hiểu. Để chúng nhớ chúng là ai, chúng thuộc về đâu.

Lúc này hắn gần như hổn hển:

– Đôi khi chúng tao phá cửa nhà bọn chúng, xông thẳng vào trong nhà. Và… tao… tao quét nòng súng máy của tao khắp quanh phòng và bắn, bắn cho đến khi khói mờ mắt tao.

Hắn ngả người về phía tôi, như một người định thổ lộ một bí mật lớn.

– Mày không biết ý nghĩa của từ “giải phóng” cho đến khi mày làm xong chuyện đó, đứng trong một căn phòng đầy những mục tiêu, để cho đạn bay, không cảm thấy tội lỗi và cắn rứt, hiểu rõ mình là đức hạnh, tốt, và đứng đắn. Biết được mình đang làm công việc của Thượng đế giao cho. Thật đáng kinh ngạc.

Hắn hôn chuỗi hạt và ngoẹo đầu.

– Mày nhớ chuyện đó chứ, Javid?

– Vâng, Agha sahib, – tên trẻ hơn đáp lại. – Làm sao tôi có quên được?

Tôi đã được đọc về cuộc tàn sát tập thể người Hazara ở Mazar-i-sharif trên báo chí. Nó xảy ra ngay sau khi bọn Taliban chiếm Mazar, một trong những thành phố cuối cùng bị thất thủ. Tôi vẫn nhớ Soraya đưa cho tôi bài báo đó vào lúc ăn sáng, mặt nhợt không còn hạt máu.

– Từ nhà này sang nhà khác, chúng tao chỉ nghỉ để ăn và cầu kinh, – tên Taliban nói. Hắn nói một cách thích thú, như người đang kể về việc mình đã tham dự một phần lớn vào câu chuyện. – Chúng tao để xác chúng trên đường phố và nếu gia đình chúng cố lẻn ra để lôi chúng trở lại trong nhà chúng tao đã bắn nốt cả bọn này. Chúng tao để xác chúng trên đường phố trong nhiều ngày. Chúng tao để chúng cho chó ăn. Thịt chó cho chó. – Hắn bóp nát điếu thuốc. Day mắt bằng hai bàn tay run run. – Mày ở Mỹ về?

– Vâng.

– Độ này, con điếm ấy thế nào? Tôi bất chợt muốn vãi đái. Tôi cầu mong mọi sự sẽ qua đi.

– Tôi đang tìm một thằng bé.

– Không phải đứa nào cũng được chứ? – Hắn nói. Hai tên đeo súng Kalashnikov cười. Răng chúng cáu màu vàng thuốc lá naswar 1.

– Tôi biết nó ở đây, với ông, – tôi nói. – Tên nó là Sohrab.

– Tao sẽ hỏi mày một điều: Mày đang làm gì với con điếm đó? Tại sao mày không ở đây, cùng với những người anh em Hồi giáo, phục vụ đất nước mày?

– Tôi đã đi xa lâu lắm rồi, – tôi chỉ nghĩ nổi để nói thế. Đầu tôi cảm thấy quá nóng. Tôi ép chặt hai đầu gối, kìm giữ bóng đái của tôi.

Tên Talib quay về phía hai tên đang đứng ở cửa và hỏi chúng:

– Đấy có phải là câu trả lời không?

– Không, thưa Agha sahib, – chúng thống nhất, vừa đáp vừa tủm tỉm cười.

Hắn quay lại nhìn tôi. Nhún vai:

– Không phải câu trả lời. Chúng bảo thế. – Hắn nhả ra một hơi thuốc. – Có những người trong nhóm của tao ở đây tin rằng, bỏ watan 2 khi nó cần mày nhất cũng cùng một giuộc phản bội. Tao có thể bắt giữ mày về tội phản bội, và cả bắn mày về tội đó nữa. Việc đó có làm mày sợ không?

– Tôi chỉ đến đây tìm thằng bé.

– Việc đó có làm mày sợ không?

– Sợ.

– Có thế chứ, – hắn nói. Hắn ngả lưng vào chiếc ghế sofa. Bóp nát điếu thuốc.

Tôi nghĩ về Soraya. Như thế làm tôi trấn tĩnh. Tôi nghĩ tới vết chàm hình lưỡi liềm của nàng, đường cong thanh tao ở cổ nàng, đôi mắt ngời sáng của nàng. Tôi nghĩ về cái đêm cưới của chúng tôi, nhìn vào hình nhau trong gương dưới tấm khăn che màu xanh lục, và má nàng đỏ bừng lên như thế nào khi tôi nói yêu nàng. Tôi vẫn nhớ hai chúng tôi nhảy theo một bài ca Afghan cổ, lượn đi lượn lại, mọi người xem và vỗ tay, một thế giới mờ mờ những hoa, những váy áo, những bộ lễ phục, và những khuôn mặt tươi cười.

Tên Talib đang nói cái gì đó.

– Xin lỗi?

– Tao bảo mày có muốn thấy nó không? Mày có muốn thấy thằng bé của ta không? – Môi trên hắn cong cớn lên thành một tiếng cười khẩy, khi nói đến hai từ thằng bé.

– Có.Tên lính gác rời khỏi phòng. Tôi nghe thấy tiếng cọt kẹt của cánh cửa lắc lư mở ra. Nghe thấy tên lính gác nói gì bằng tiếng Pashtu, bằng một giọng cứng rắn. Rồi tiếng chân, tiếng vòng nhạc leng keng cùng mỗi bước đi. Nó nhắc tôi nhớ tới người làm xiếc khỉ mà Hassan và tôi thường đuổi theo, xuống tận Shar-e-Nau. Chúng tôi thường trả hắn một đồng rupia để xem một điệu múa. Chiếc chuông quanh cổ con khỉ cũng kêu leng keng như thế này.Rồi cửa lại mở ra và tên lính gác bước vào. Gã mang theo một máy stereo – một máy radio cátxét lớn – trên vai. Phía sau hắn, một đứa bé trai mặc áo choàng pirhan-tumban rộng màu xanh xaphia đi theo.

Giống nhau đến sững sờ. Đến độ lầm lẫn. Tấm ảnh Polaroid của chú Rahim Khan đã không được công bằng.

Thằng bé có cái mặt tròn như mặt trăng giống bố, chiếc cằm nhọn, hai tai xoắn như ốc biển và cũng vẫn thân hình nhẹ nhõm. Bộ mặt búp bê Tàu của tuổi thơ tôi, bộ mặt chăm chú bên trên những quân bài bạc màu suốt những ngày mùa đông, bộ mặt đằng sau chiếc màn chống muỗi, khi chúng tôi ngủ trên mái nhà của Baba vào mùa hè. Đầu nó cũng cạo trọc, mắt nó đen sẫm màu chì tô, và hai má đỏ rực khác thường. Khi nó dừng lại ở giữa phòng, những chiếc chuông nhạc đeo quanh mắt cá chân cũng ngừng leng keng.

Mắt nó nhìn tôi. Nấn ná mãi. Rồi nhìn đi chỗ khác. Nhìn xuống đôi chân trần của nó.Một trong hai tên lính gác ấn nút và nhạc Pastu tràn ngập căn phòng. Trống vỗ, đàn harmonium, tiếng the thé của dilroba 3. Tôi cho là âm nhạc không đắc tội chừng nào nó vẫn còn lọt lỗ tai bọn Taliban. Cả ba tên đều vỗ tay:

– Wah wah! Mashallah! – Chúng reo lên hoan hô.

Sohrab giơ hai cánh tay lên và từ từ quay người. Nó đứng kiễng trên ngón chân, quay quay một cách duyên dáng, hạ mình xuống gối, lại thẳng người lên, rồi lại quay tiếp. Hai bàn tay bé nhỏ xoay xoay trên cổ tay, những ngón tay bật tanh tách, và cái đầu lắc lư bên nọ qua bên kia như một quả lắc đồng hồ. Hai chân nó giậm xuống sàn nhà, nhạc rung leng keng hoà một cách hoàn hảo với nhịp điệu của tiếng vỗ, mắt nó lim dim nhắm lại.

– Mashallah! – Chúng reo lên. – Shahbas!

Hoan hô! Hai tên lính gác huýt sáo và cười. Tên Talib mặc đồ trắng gật gù theo điệu nhạc, miệng hơi há ra trong một vẻ dâm dật.

Sohrab nhảy theo một vòng tròn, mắt nhắm lại, nhảy cho đến khi nhạc dừng. Những chiếc chuông nhạc reo lên một lần cuối, khi nó giậm mạnh chân cùng với nốt nhạc cuối cùng của bài ca. Rồi nó đứng sững lại trong nửa vòng quay.

– Bia, bia 4, cậu bé của ta, – tên Talib vừa nói vừa gọi Sohrab lại chỗ hắn.

Sohrab đi đến cho hắn, đứng giữa hai đùi hắn, đầu cúi xuống. Tên Talib ôm hai cánh tay quanh thằng bé.

– Nó múa mới tài chứ, đúng không, thằng con trai Hazara của ta.

Hai tay nó vuốt từ lưng thằng bé xuống rồi lại vuốt lên đến dưới hai nách. Một trong hai tên gác huých tên kia và cười rúc rích. Tên Talib bảo chúng đi ra để mặc chúng tôi.

– Vâng, thưa Agha sahib, – chúng vừa nói vừa đi ra.

Tên Talib quay thằng bé lại để đối mặt với tôi. Nó khoá hai cánh tay quanh bụng Sohrab, tì cằm lên vai thằng bé. Sohrab nhìn xuống chân nhưng vẫn lén liếc nhìn tôi, ngượng ngùng, trốn tránh. Tay gã đàn ông vuốt lên vuốt xuống bụng thằng bé, lên rồi lại xuống, từ từ, dịu dàng.

– Dẫu sao tao vẫn cứ thắc mắc. – Tên Talib nói. – Đôi mắt vằn đỏ của nó chằm chằm nhìn tôi qua vai của Sohrab. – Đại khái đã có chuyện gì xảy ra với Balabu già?

Câu hỏi giáng một nhát búa vào giữa hai mắt tôi. Tôi cảm thấy không còn một chút sắc diện. Hai chân tôi lạnh toát. Chết điếng.

Hắn cười:

– Mày nghĩ thế nào? Nghĩ mày đeo râu giả vào và tao sẽ không nhận ra mày ư? Về điểm này, tao cược với mày là mày chẳng bao giờ hiểu nổi tao cả. Tao chẳng bao giờ quên một khuôn mặt. Không bao giờ.

Hắn cọ môi vào tai Sohrab, mắt vẫn không rời tôi.

– Tao nghe nói cha mày chết rồi. Xì – xì. Tao vẫn luôn luôn muốn đánh cuộc với ông ấy. Xem ra tao sẽ phải giải quyết mọi chuyện cho đứa con trai bạc nhược của ông ấy.

Nói rồi hắn bỏ kính râm ra, và găm đôi mắt xanh vằn máu vào mắt tôi.Tôi cố thở mà không thở được. Tôi cố chớp mắt mà không chớp được. Khoảnh khắc như siêu thực – Không, không siêu thực mà vô lý – nó làm cho tôi không thể thở được nữa, nó đem thế giới quanh tôi đến một nơi tắc nghẹn. Mặt tôi nóng bừng. Câu ngạn ngữ cổ về đồng xu tồi 5 như thế nào nhỉ? Quá khứ của tôi cũng giống thế, luôn luôn lật đi lật lại. Tên hắn nhô lên từ một nơi sâu thẳm mà tôi không muốn nói tới, như thể gọi tên hắn thì có thể cầu hồn hắn tới. Nhưng hắn đã ở đây rồi bằng xương bằng thịt, ngồi cách tôi không đầy một mét rưỡi, sau bao năm ròng ấy. Tên hắn thoát ra khỏi đôi môi tôi: “Assef”.

– Amir jan.

– Anh đang làm gì đây? – Tôi nói, biết hoàn toàn dại dột đi hỏi như thế, tuy vậy không thể nghĩ được điều gì khác để nói.

– Tao ư? – Assef nhíu lông mày. – Tao thích làm gì thì làm thôi. Câu hỏi phải là mày định làm gì ở đây?

– Tôi đã nói với anh rồi. – Tôi nói. Giọng tôi run lên. Tôi mong sẽ không run như thế, mong thịt tôi đừng rời rụng khỏi xương tôi.

– Thằng bé?

– Vâng.

– Tại sao?

– Tôi sẽ trả anh tiền đề chuộc nó, – tôi nói. – Tôi có thể chuyển tiền qua ngân hàng.

– Tiền ư? – Hắn bật cười. – Mày đã bao giờ được nghe nói về Rockingham chưa? Miền Tây nước Úc, một mảnh thiên đường. Mày nên thấy nơi ấy. Hàng dặm, hàng dặm bãi biển. Nước xanh biếc. Bầu trời trong xanh. Bố mẹ tao sống ở đấy, một biệt thự trước bãi biển. Có cả một sân golf sau biệt thự và một hồ bơi nhỏ. Ngày nào bố tao cũng chơi golf. Mẹ tao, bà thích quần vợt hơn. Bố tao bảo, bà có quả vụt trái phù thuỷ. Họ sở hữu một tiệm ăn Afghan và hai cửa hàng đá quý. Cả hai ngành kinh doanh này là để làm cảnh thôi.

Hắn vặt một quả nho âu yếm bỏ vào miệng Sohrab.

– Vậy nếu tao cần tiền, tao sẽ bảo họ chuyển theo ngân hàng cho tao.

Hắn hôn vào bên cạnh cổ Sohrab. Thằng bé hơi ngại ngùng một chút và lại nhắm mắt lại.

– Vả lại tao không chiến đấu chống bọn Shorawi vì tiền. Cũng không tham gia Taliban vì tiền. Mày có muốn biết tại sao tao tham gia vào bọn họ không?

Đôi môi đã khô. Tôi liếm môi và thấy lưỡi tôi cũng khô.

– Mày có khát không? – Assef vừa hỏi vừa cười một cách tự mãn.

– Không.

– Tao nghĩ mày đang khát đấy.

– Tôi không sao, – tôi nói. Sự thật là, tôi cảm thấy căn phòng bất chợt quá nóng. Mồ hôi vã ra các lỗ chân lông của tôi, làm nhói buốt da tôi. Và có phải điều này đang thực sự xảy ra không? Có phải tôi đang thực sự ngồi đối diện với Assef không?

– Tuỳ mày, – hắn nói. – Dẫu sao chăng nữa, tao đã từng ở đâu nhỉ? Ồ, phải, tao đã tham gia Taliban như thế nào. Ồ, như mày nhớ đấy, tao không phải hạng thích tôn giáo lắm. Nhưng một hôm tao trải qua ngày lễ mang quà cho chúa Hài đồng Jesu ở Bethleem. Tao trải qua ở trong nhà lao. Mày có muốn nghe không đấy?

Tôi không nói gì.

– Được. Tao kể cho mày vậy, – hắn nói. – Tao trải qua một thời gian ở trong tù, tại Poleh-Cherkhi, đúng sau khi Babrak Karmal 6 nắm quyền năm 1980. Tao ở đó được một đêm, khi toán lính Parcham 7 rầm rập tiến vào nhà tao, gí súng ra lệnh cho cha tao và tao đi theo chúng. Lũ chó đẻ chẳng đưa ra một lý do gì, và cũng chẳng thèm trả lời những câu hỏi của mẹ tao. Đó cũng chẳng phải là một chuyện ly kỳ gì. Ai cũng biết bọn cộng sản không có giai cấp. Chúng xuất thân từ những gia đình nghèo khổ vô danh. Vẫn cái lũ chó không đáng liếm giày cho tao trước khi bọn Shorawi đến, lúc này lại đang gí súng ra lệnh cho tao, cờ Parchami trên ve áo chúng, bày tỏ phần nào lòng tin của chúng vào sự sụp đố của giai cấp tư sản và chúng hành động như thể chúng mới là những kẻ có giai cấp. Khắp nơi đều xảy ra chuyện bắt giữ nhà giàu, tống họ vào nhà lao, nêu gương cho các đồng chí.

Chúng tao bị nhét bừa thành từng nhóm sáu người một vào một xà lim, mỗi cái chỉ bằng cỡ cái tủ lạnh. Đêm nào thằng chỉ huy, cái giống nửa Hazara, nửa Uzbek người ngợm sực mùi lừa thối, cũng lôi một tù nhân ra khỏi xà lim mà đánh cho đến khi mồ hôi ròng ròng xuống cái mặt mẹt của nó mới thôi. Rồi nó thường châm một điếu thuốc lá, bẻ khục tay và bỏ đi. Đêm hôm sau, nó lại chọn một người khác. Một đêm, nó chọn tao. Không gì có thể tệ hại hơn là chọn tao vào lúc ấy. Tao bị đái ra máu đã ba hôm liền. Sỏi thận. Và nếu mày chưa một lần bị, hãy tin tao khi tao nói đau không thể tưởng tượng nổi. Mẹ tao cũng thường bị thế, và tao nhớ bà một lần đã bảo tao rằng, thà đau đẻ còn hơn là đau sỏi thận. Dẫu sao tao cũng làm gì được nào? Chúng lôi tao ra ngoài và bắt đầu đá tao. Thằng có đôi ủng cao đến gối với mũi ủng bằng thép mà đêm nào nó cũng đi vào để chơi cái trò đá người nho nhỏ ấy. Và nó đá ủng vào người tao. Tao kêu thét rồi lại kêu thét, nhưng nó vẫn đá tao, và thế rồi, bất chợt, nó đá vào bên thận trái tao và sỏi thận trôi ra. Đúng như thế đấy! Ôi, nhẹ cả người. – Assef cười. – Và tao hét lên Allah-u-akhar, và nó lại đá tao mạnh hơn và tao bật cười. Nó điên lên, đá mạnh hơn và nó càng đá mạnh,tao càng cười khoẻ. Nó ném tao trở lại xà lim, tao vẫn cười. Tao vẫn cười và cười mãi, bởi vì bất chợt tao hiểu rằng đó vốn là thông điệp của Thượng đế. Người ở bên tao. Người muốn tao sống có lý tưởng.

Mày biết không, mấy năm sau, tao chạm trán với thằng chỉ huy đó trên một chiến trường – Thượng đế mới khéo giở trò chứ. Tao vớ được nó trong một chiến hào ngay phía ngoài Meymanah, đang đầm đìa máu với một mảnh đạn ở ngực. Nó vẫn còn đi đôi ủng ấy. Tao hỏi nó liệu nó có còn nhớ tao không. Nó bảo không. Tao bảo nó vẫn cái điều tao vừa bảo với mày ấy, rằng tao không bao giờ quên một bộ mặt. Rồi tao bắn nó bằng một loạt đạn. Từ đó tao đã được trao cho một sứ mạng.

– Sứ mạng gì kiểu đó? – Tôi nghe thấy tôi nói – Ném đá vào những cặp ngoại tình? Vụt roi những người đàn bà đi giày cao gót? Tàn sát người Hazara? Tất cả đều nhân danh Hồi giáo?

Tôi đâu ngờ mình lại bỗng tuôn ra hàng tràng như thế, chẳng kịp kiềm chế nữa. Tôi chỉ mong thu hồi lại những lời nói đó. Nuốt chúng đi. Nhưng chúng đã tuột ra mất rồi. Tôi đã vượt qua ranh giới, và bất kể thế nào, chút hy vọng nhỏ nhoi tôi vẫn mong, sống sót ra khỏi chỗ này đã tiêu tan theo nhưng lời nói đó.

Một cái nhìn ngạc nhiên lướt qua khuôn mặt Assef, rồi lại biến mất ngay.

– Rốt cuộc, tao thấy việc này hoá ra cũng thú, – hắn cười khẩy nói. – Nhưng có những điều loại phản quốc như mày không hiểu đâu.

– Như điều gì?

Lông mày Assef cau lại:

– Như niềm kiêu hãnh về dân tộc mày, những phong tục của mày, ngôn ngữ của mày. Afghanistan giống như một toà nhà đẹp bừa bãi rác rưởi và ai đó phải loại bỏ rác rưởi đi.

– Đó là những gì anh vẫn đang làm ở Mazar, đi từ nhà này sang nhà khác? Vứt bỏ rác rưởi?

– Đúng như thế.

– Ở Phương Tây người ta có một từ chuyên dùng chỉ việc đó đấy – tôi nói. – Họ gọi đó là kỳ thị chủng tộc.

– Họ gọi thế à? – Mặt Assef rạng rỡ lên. – Kỳ thị chủng tộc. Tao lại thích chuyện ấy. Tao thích âm thanh của những chữ đó.

– Tất cả những gì tôi muốn là thằng bé.

– Kỳ thị chủng tộc. – Assef lẩm bẩm, nhấm nháp từng câu từng chữ.

– Tôi muốn thằng bé, – tôi lại nói. Đôi mắt của Sohrab liếc nhanh sang tôi. Đôi mắt ấy là đôi mắt cừu bị chọc tiết. Chúng cũng có cái màu than đen nhánh. Tôi vẫn nhớ vào ngày lễ Eid qorban 8, ông giáo sĩ trong sân sau nhà chúng tôi vẫn thường quệt chất bôi đen lông mày lên mắt con cừu và cho nó một thỏi đường, trước khi cắt họng nó. Tôi nghĩ tôi thấy được sự cầu xin trong đôi mắt của Sohrab.

– Nói cho tao biết tại sao. – Assef nói. Hắn cắn dái tai của Sohrab giữa hai hàm răng hắn. Nhả ra. Những hạt mồ hôi lăn từ lông mày hắn xuống.

– Đó là việc riêng của tôi.

– Mày muốn làm gì với nó? – Hắn nói. Rồi nở một nụ cười bẽn lẽn. – Hoặc cho nó.

– Chuyện đó thật tởm lợm, – tôi nói.

– Mày đã biết thế nào chưa? Mày đã thử chưa?

– Tôi muốn đem nó đến một nơi tốt đẹp hơn.

– Nói cho tao biết tại sao.

– Đó là việc riêng của tôi, – tôi nói. Tôi không biết điều gì đã làm tôi bạo dạn lên đến mức cộc cằn như thế, cũng có thể là bởi tôi nghĩ đằng nào tôi cũng sắp chết.

– Tao lấy làm lạ, – Assef nói. – Tao không hiểu tại sao mày lại đi bao nhiêu đường đất, Amir, đi cả một chặng đường dài như thế vì một thằng Hazara? Tại sao mày lại về đây? Thực ra tại sao mày lại tới đây?

– Tôi có những lý do của tôi, – tôi nói.

– Vậy thì rất tốt, – Assef nói và cười mỉa. Hắn đẩy mạnh vào lưng Sohrab, xô thằng bé vào cái bàn. Hông của Sohrab đập vào bàn, làm lật ngửa cái bàn lên và nho đổ ra ngoài. Nó ngã đè lên nho, trước hết là mặt rồi đến áo sơ mi đều tím đỏ nước nho. Chân bàn, bắt chéo qua vòng chuông đồng, lúc này chĩa lên trần.

– Vậy, mang nó đi, – Assef nói.Tôi giúp Sohrab đứng dậy, phủi đi những miếng nho giập nát bám vào quần nó như những con hà bám vào chân cầu tàu biển.

– Mang nó đi, xéo, – Assef vừa nói vừa chỉ ra cửa.

Tôi cầm lấy tay của Sohrab. Bàn tay nhỏ bé, da khô và chai lì. Những ngón tay của nó ngọ nguậy lồng vào những ngón tay tôi. Tôi lại nhìn thấy Sohrab trong tấm ảnh Polaroid, cung cách hai cánh tay nó ôm lấy chân Hassan, đầu nó tựa vào hông cha nó. Cả hai đều đang mỉm cười.

Tiếng nhạc rung leng keng khi chúng tôi bước qua căn phòng. Chúng tôi đã đến sát cửa.

– Tất nhiên, – Assef nói phía sau chúng tôi. – tao quên không bảo mày, mày không thể mang nó đi miễn phí.

Tôi quay lại:

– Anh muốn gì?

– Mày phải giành được nó.

– Anh muốn gì?

– Chúng ta, mày và tao, còn có một chuyện chưa thanh toán, – Assef nói. – Mày vẫn nhớ chứ, có nhớ không?

Nó không cần phải lo. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được, cái ngày sau khi Daoud Khan lật đổ nhà vua. Cả cuộc đời trưởng thành của tôi, bất cứ khi nào tôi nghe thấy cái tên Daoud Khan, tôi lại như thấy Hassan đang chĩa súng cao su vào mặt Assef, Hassan đang nói rằng mọi người sẽ bắt đầu phải gọi nó là thằng Assef Một-mắt thay cho Assef Ăn-Tai. Tôi vẫn nhớ, tôi đã từng thèm muốn lòng dũng cảm của Hassan như thế nào. Assef phải quay bước và giao hẹn cuối cùng sẽ gặp lại chúng tôi. Nó đã giữ lời hẹn đó với Hassan. Bây giờ đến lượt tôi.

– Được thôi, – tôi nói, cũng chẳng còn biết phải nói thế nào khác nữa. Tôi không đến mức phải cầu xin, thì chỉ còn mỗi cách làm dịu khoảnh khắc này đối với hắn.

Assef gọi hai thằng lính gác quay lại căn phòng và nói với chúng:

– Tao muốn chúng mày hãy nghe kỹ ta nói đây. Một lát nữa tao sẽ đóng cửa lại. Rồi nó và tao sẽ thanh toán một chuyện nhỏ cũ. Bất kể chúng mày nghe thấy gì, cũng không được vào. Có nghe rõ tao nói không? Không được vào!

Bọn gác gật đầu. Hết nhìn Assef lại nhìn tôi:

– Vâng, thưa Agha sahib.

– Khi mọi việc đã xong, chỉ một trong hai chúng tao sẽ bước ra khỏi căn phòng này, – Assef nói. – Nếu là nó, vậy là nó đã giành được tự do của nó, và chúng mày để cho nó đi. Chúng mày hiểu chứ?

Tên lính gác nhiều tuổi hơn rê rê chân:

– Nhưng Agha sahib…

– Nếu là nó, để cho nó đi! – Assef hét lên.

Hai tên kia ngần ngại nhưng lại gật đầu. Chúng quay bước. Một trong hai đứa đến sát Sohrab.

– Cứ để nó ở đấy, – Assef nói. Hắn nhăn nhở. – Để cho nó xem. Những bài học là việc tốt đối với những thắng bé.

Bọn gác rời khỏi đó. Assef đặt chuỗi hạt cầu kinh của hắn xuống. Sờ lên túi ngực chiếc áo vest đen. Những gì hắn moi ra khỏi chiếc túi đó không làm tôi ngạc nhiên chút nào: hai quả đấm bằng thép không gỉ.

Ông ta tóc chải gôm và có bộ ria Clark Gable 9 trên đôi môi dày. Gôm thấm qua chiếc mũ giấy phẫu thuật màu xanh, tạo ra một vết sẫm màu hình châu Phi. Tôi nhớ như thế về ông ta. Nhớ chuỗi dây chuyền vàng có tượng Thánh Allah quanh chiếc cổ ngăm đen của ông ta. Ông ta đang nhìn sát xuống người tôi, nói rất nhanh bằng thứ tiếng gì đó tôi không hiểu, hình như tiếng Urdu. Đôi mắt tôi cứ nhìn theo quả hầu ông ta nhô lên nhô xuống, và tôi muốn hỏi xem, ông ta bao nhiêu tuổi quá chừng, ông ta còn quá trẻ, giống như một diễn viên trong phim lá cải nước ngoài nào đó trên vô tuyến, nhưng tất cả những gì tôi lúng búng nói được là: Tôi nghĩ, tôi đã đánh nhau với hắn một trận tuyệt hay. Tôi nghĩ tôi đánh một trận tuyệt hay với hắn.

Tôi không biết liệu tôi có đánh với Assef một trận thật tuyệt hay hay không. Tôi không nghĩ là tôi đã làm được như thế. Làm sao tôi có thể cơ chứ? Đó là lần đầu tiên tôi đánh nhau với người khác. Ngay cả đến việc thụi ai một quả, cả đời tôi, tôi cũng chẳng bao giờ làm nổi.

Ký ức về trận đánh nhau với Assef thật sinh động lạ thường theo nhiều giai đoạn. Tôi nhớ Assef vặn to nhạc lên trước khi đeo quả đấm thép vào. Tấm thảm để quỳ, tấm thảm Mecca đan hình chữ nhật, tuột một bên khỏi tường quàng lên đầu tôi bụi bay ra làm tôi hắt hơi. Tôi nhớ Assef ép nho lên đầu tôi, hắn gầm gừ nghiến răng, và nhe hết răng ra sáng bóng, đôi mắt vằn máu của hắn long lên. Chiếc khăn tu-ban của hắn trễ xuống để tuột ra những mảng tóc uốn cong màu hung đỏ dài xuống tận vai.

Và kết cục, tất nhiên. Tôi vẫn còn nhìn thấy một cách hoàn toàn rõ ràng. Tôi sẽ mãi mãi nhìn thấy.

Chủ yếu, tôi nhớ việc này: Hai quả đấm thép của hắn loé lên trong ánh trời chiều. Mấy quả đấm đầu tiên cảm thấy nó lạnh biết chừng nào và chúng nhanh chóng nóng lên bằng máu tôi biết mấy. Bị lạng người vào tường, một chiếc đinh nơi một khung tranh có thể từng được treo đâm vào lưng tôi. Sohrab kêu thét lên. Trống vỗ, phong cầm, chiếc dilroba. Bị văng mạnh vào tường. Hai quả đấm thép đấm vỡ xương hàm tôi. Những cái răng chèn vào họng, nuốt chúng, nghĩ về vô số thời gian tôi đã tiêu tốn để đánh răng, chải răng. Bị văng mạnh vào tường. Nằm lăn trên sàn nhà, máu từ môi trên bị rách toác ra vấy lên tấm thảm màu hoa cà, cơn đau lan rất nhanh khắp bụng tôi, và tự hỏi không biết từ khi nào lại có thể thở được. Tiếng xương sườn tôi răng rắc như những cành cây Hassan và tôi thường bẻ để đấu gươm, như chàng Sinbad trong những phim cổ. Sohrab kêu thét. Một bên mặt tôi bị đập mạnh vào góc chiếc tivi đứng, lại một tiếng gãy rắc nữa. Lần này ngay dưới mắt trái tôi. Tiếng nhạc. Sohrab kêu thét.

Những ngón tay túm lấy tóc tôi, kéo ngửa đầu tôi ra sau, ánh thép không gỉ lấp lánh. Chúng xông tới kìa. Lại thêm tiếng gãy rắc nữa, lần này là mũi tôi. Nhịn đau, để ý xem răng tôi không còn thẳng hàng như trước ra sao. Lại bị đá. Sohrab kêu thét.

Tôi không biết đến mức nào tôi bật cười, nhưng tôi đã bật cười. Đau đến bật cười, đau hai hên hàm, xương sườn, cổ họng tôi. Và tôi càng cười khoẻ, hắn càng đá tôi khoẻ, đấm tôi, cào cấu tôi.

– GÌ MÀ CƯỜI KHỎE THẾ? – Assef vẫn gầm lên cùng mỗi quả đấm.

– GÌ MÀ VUI ĐẾN THẾ? – Assef rống lên, lại một xương sườn nữa răng rắc. Lần này thấp hơn.

Chuyện vui thế ấy là vì lần đầu tiên kể từ mùa đông năm 1975 tôi cảm thấy thư thái. Tôi cười bởi tôi cảm thấy điều đó, trong một cái xó xỉnh hẻo lánh ở một góc tâm trí tôi, tôi vẫn từng mong mỏi nó. Tôi vẫn nhớ cái ngày trên đồi, tôi đã ném những quả lựu túi bụi vào Hassan và cố khiêu khích cậu. Cậu chỉ đứng đó, không làm gì, nước lựu đỏ thấm đẫm áo sơ mi của cậu như máu. Rồi cậu đã giật một quả lựu từ tay tôi, nghiền nát nó vào trán mình. Bây giờ cậu đã thoả mãn chưa? Cậu rít lên. Có cảm tháy dễ chịu hơn không? Tôi đã không được hạnh phúc, và đã không cảm thấy dễ chịu hơn, không một chút nào. Nhưng bây giờ thì tôi đã hạnh phúc và dễ chịu hơn. Thân thể tôi gãy nát – mãi sau này tôi mới phát hiện ra mình bị thương nặng đến mức nào. – Nhưng tôi cầm thấy đã lành. Cuối cùng lành bệnh. Tôi cười.

Rồi thì kết cục. Chuyện ấy, tôi sẽ mang xuống mồ.Tôi vẫn nằm trên mặt đất, cười mãi, Assef ngồi giạng hai chân trên ngực tôi, mặt hắn, một cái mặt nạ điên rồ, được đóng khung bằng những mớ tóc rối tung của hắn lắc lư sát gần vào mặt tôi. Bàn tay không đeo quả đấm thép của hắn khoá quanh họng tôi. Tay kia, cái tay đeo quả đấm thép giơ thẳng lên trên vai hắn. Hắn giơ nắm đấm cao hơn nữa, định đấm tiếp.Rồi, một giọng nói nhỏ nhẹ:

– Bas. Thôi đi.Cả tôi và hắn cùng nhìn.

– Làm ơn, đừng đánh nữa.Tôi nhớ tới một điều gì đó ông giám đốc trại mồ côi đã nói khi ông ra mở cổng cho tôi và Farid. Tên ông là gì nhỉ Zaman phải không? Nó không rời vật đó, ông ấy đã nói thế. Đi đâu nó cũng giắt vào thắt lưng quần nó.

– Đừng đánh nữa.

Hai vệt mascara hoà lẫn nước mắt lăn xuống đôi má Sohrab làm vấy bẩn cả màu hồng. Môi dưới nó run run. Nước mũi chảy ra. Nó quát lên:

– Bas. Thôi.

Tay nó giơ cao hơn vai, giữ miếng da đựng đạn ở cuối mảnh dây cao su được kéo giãn hết mức ra đằng sau. Có một cái gì đó trong miếng da, một vật gì sáng sáng và màu vàng. Tôi chớp chớp từ trong hốc mắt và nhìn thấy đó là một viên bi đồng từ cái vòng chuông ở đáy bàn. Sohrab chĩa súng cao su vào mặt Assef từ lúc nào.

– Làm ơn, đừng đánh nữa, Agha. – Nó nói, giọng nó khàn khàn và run run. – Không được đánh bác ấy nữa.

Miệng Assef mấp máy không thành lời. Hắn định nói điều gì đó. Rồi dừng lại. Cuối cùng hắn nói:

– Mày nghĩ mày đang làm gì cơ chứ?

– Làm ơn dừng lại, – Sohrab nói, những giọt nước mắt mới ứa ra ngân ngấn trong đôi mắt xanh của nó, hoà lẫn với mascara.

– Bỏ xuống, thằng Hazara, – Assef rít lên. – Bỏ xuống nếu không, những gì tao đang làm với nó sẽ chỉ là vặn tai nếu đem so với những gì tao sẽ làm với mày.

Nước mắt chảy ròng ròng, Sohrab lắc đầu:

– Làm ơn, Agha, dừng lại.

– Bỏ súng cao su xuống.

– Không được đánh bác ấy nữa.

– Bỏ xuống.

– Xin Agha.

– BỎ XUỐNG!

– Bas. Thôi đi.

– BỎ XUỐNG! Assef bỏ họng tôi ra. Lăn xả vào Sohrab.

Súng cao su phựt một cái khi Sohrab thả dây. Thế là Assef kêu thét lên. Nó đặt tay lên chỗ mới chỉ một khoảnh khắc trước thôi mắt trái nó vẫn còn. Máu chảy ra giữa những ngón tay nó. Máu và một chất gì khác nữa, một chất gì trắng và trong như keo. Chất đó được gọi là thuỷ tinh dịch. Tôi hiểu rõ như vậy. Ta đã được đọc về chất ấy ở đâu đó. Thuỷ tinh dịch.

Assef lăn lộn trên tấm thảm. Lăn đi lăn lại. Rú lên, tay úp vào cái hốc đầm đìa máu.

– Đi thôi! – Sohrab nói. Nó cầm lấy tay tôi. Giúp tôi đứng dậy. Từng phân một cái cơ thể bị giập nát của tôi đều như rên lên vì đau đớn. Đằng sau chúng tôi, Assef vẫn rú.

– CÚT! ĐEM NÓ CÚT KHỎI ĐÂY! – Nó hét lên.

Tôi loạng choạng ra mở cửa. Mắt hai tên gác trợn lên khi thấy tôi, và tôi tự hỏi không biết tôi lúc ấy trông như thế nào. Mỗi khi thở bụng tôi lại đau nhói. Một trong hai tên gác nói gì đó bằng tiếng Pashtu, rồi chúng chạy vụt qua chúng tôi vào căn phòng nơi Assef vẫn đang kêu thét “CÚT”.

-Bia. Lại đây. – Sohrab nói, vừa kéo tay tôi. – Đi thôi!

Tôi loạng choạng bước xuống hành lang, bàn tay nhỏ bé của Sohrab trong tay tôi. Tôi ngoảnh lại đằng sau nhìn lần cuối cùng. Hai tên lính gác xúm lại trên mình Assef, làm gì đó trên mặt nó. Rồi tôi hiểu: Viên bi đồng nhỏ vẫn găm trong cái hốc mắt trống rỗng.

Toàn bộ thế giới chao đảo, bập bềnh, đu đưa. Tôi tập tễnh bước xuống bậc thềm, dựa người vào Sohrab. Bên trên, Assef vẫn tiếp tục kêu thét, tiếng kêu của con thú bị thương. Chúng tôi cứ thế đi ra ngoài nơi có ánh sáng, cánh tay tôi quàng lên vai Sohrab, và tôi nhìn thấy Farid đang chạy lại phía chúng tôi.

– Bismillah! Bismillah! Đức Allah phù hộ! – Anh ta nói, đôi mắt trố lên nhìn vào tôi.

Farid quàng cánh tay tôi quanh vai mình và bế tôi lên. Chạy vội, đem tôi về chiếc xe tải. Tôi nghĩ tôi đã kêu rên. Tôi quan sát đôi dép của Farid chạy rầm rập trên mặt đường lát đá, vỗ vào đôi gót chân đen nhẻm chai sạn của anh. Thở cũng đau. Rồi tôi đã đang nhìn lên nóc chiếc Land Cruiser, trong chiếc ghế sau, đệm nhồi màu be sờn rách, lắng nghe tiếng đinh đinh đinh báo hiệu cửa mở, tiếng chạy rầm rập quanh chiếc xe tải, Farid và Sohrab nói với nhau mấy câu gì đó. Cửa xe đóng sập lại và máy nổ. Chiếc xe lao về phía trước, và tôi cảm thấy một bàn tay nhỏ bé trên trán tôi. Tôi nghe thấy tiếng nói trên đường phố, ai đó đang quát tháo, và những hàng cây mờ mờ lướt qua cửa sổ. Sohrab đang thổn thức. Farid thì vẫn đang nhắc lại:

– Bismillah! Bismillah! Đức Allah phù hộ!

Đại khái tôi đã trải qua như thế.

——————————–

1 Naswar: Một loại thuốc gây nghiện làm từ lá thuốc, vôi và đất ở Ba Tư.

2 Watan: Tuổi trẻ, tuổi thanh xuân.

3 Dilroba: Một loại nhạc cụ.

4 Bia, bia: Lại đây, lại đây.

5 Ngạn ngữ cổ: Turn up like a bad penny: Nghĩa đen: trở mặt như một đồng xu tồi; ý muốn nói: Hiện ra khi không mong muốn, không được hoan nghênh, đặc biệt thường xuyên như thế.

6 Tổng bí thư Đảng Cộng sản Afghanistan khi đó, sau chống lại Liên Xô và bị xử bắn.

7 Parchami: Thuộc đảng Babrak Karmal lúc đó.

8 Eid qorban: Lễ Hiến sinh.

9 Clark Gable: Diễn viên nổi tiếng của Mỹ chuyên đóng vai cao bồi, và đóng vai Rhett Burtler trong phim Cuốn theo chiều gió.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ