Người đua diều - Chương XXI

Chúng tôi vượt qua sông và cho xe chạy về phía Bắc xuyên qua quảng trường Pashtunistan. Baba vẫn thường đem tôi nhà hàng Khyber ăn món cừu kabob. Toà nhà vẫn còn đứng vững, nhưng cửa đã bị khoá bằng khoá treo, cửa sổ vỡ tan chữ K và chữ R trên biển hiệu đã mất 1.

Tôi thấy một xác người chết gần nhà hàng. Chắc là treo cổ. Một người đàn ông trẻ lủng lẳng dưới đầu dây thừng buộc vào xà nhà, mặt sưng lên và xanh xám, áo quần anh ta mặc trong ngày cuối đời mình rách bươm và thấm máu. Hình như là chẳng mấy ai để ý đến anh ta.

Chúng tôi lặng lẽ cho xe chạy qua, và thẳng đến quận Wazir-Akbar Khan. Đâu đâu, tôi cũng thấy một lớp bụi mù mịt bao phủ lên thành phố và những toà nhà bằng gạch phơi. Đi khỏi vài dãy nhà phía Bắc quảng trường Pashtunistan, Farid chỉ vào hai người đang nói chuyện sôi nổi ở một góc phố đông đúc. Một trong hai người tập tễnh một chân, chân kia cụt dưới gối. Hắn đang ôm cái chân giả trong hai cánh tay.

– Ông có biết họ đang làm gì không? Mặc cả cái chân giả đấy.

– Hắn đang bán chân giả à? Farid gật đầu:

– Ông có thể kiểm được một món tiền kha khá ở chợ đen. Nuôi lũ con ông vài tuần lễ.Điều làm tôi ngạc nhiên, phần lớn nhà cửa ở quận Wazir-Akbar Khan vẫn còn mái và tường không đổ. Thực ra, những ngôi nhà này vẫn nguyên hình dạng xinh đẹp, cây cối vẫn ló ra ngoài tường, và đường phố hầu như không rác rưởi như ở Karteh-Seh. Những biển chỉ đường đã phai nhạt, một số xoắn lại và bị đạn bắn thủng, vẫn còn chỉ đường.

– Nơi này không đến nỗi tệ lắm, – tôi nhận xét.

– Có gì lạ đâu, phần lớn những nhân vật quan trọng sống ở đây.

– Taliban?

– Cả chúng nữa. – Farid nói.

– Ai khác nữa?

Anh ta lái xe đưa chúng tôi vào một đường phố rộng lề đường khá sạch, hai bên là những ngôi nhà có tường vây quanh phía bên kia đường.

– Những nhân vật đằng sau bọn Taliban. Những bộ não thực sự của cái chính phủ này, nếu ông có thể gọi nó như thế: Những tên Ẳ rập, Chechens, Pakistan. – Farid nói rồi chỉ tay về phía Bắc. – Phố 15, lối đó, được gọi Sarak-e-Mehmana. Phố Khách. Khách, đó là tên chúng gọi những kẻ sống ở đây. Tôi nghĩ một ngày nào đấy, lũ khách đó sẽ đái bừa lên thảm trải.

– Tôi nghĩ phố ấy đấy! – Tôi nói. – Kia kìa! – Tôi chỉ về phía cái mốc thường vẫn dùng định hướng khi tôi còn nhỏ. Baba từng bảo: Nếu có bao giờ con bị lạc, hãy nhớ phố của chúng ta là phố có cái nhà màu hồng ở cuối ấy. Ngôi nhà màu hồng với cái mái rất dốc từng là ngôi nhà duy nhất ở khu này ngày xưa có cái màu đó. Nay vẫn thế.Farid ngoặt lên phố đó. Tôi thấy ngay ngôi nhà của Baba.

° ° °

Chúng tôi tìm thấy con rùa nhỏ đằng sau những bụi tầm xuân ở trong sân. Chúng tôi không biết làm thế nào nó lại ở đó, và chúng tôi đang quá phấn khích để mà bận tâm chuyện vặt ấy. Theo ý kiến của Hassan, một ý hay, chúng tôi sơn mai nó màu đỏ tươi. Như thế chúng tôi không bao giờ thất lạc mất nó trong bụi rậm. Chúng tôi giả vờ chúng tôi là những nhà thám hiểu liều mạng, đã khám phá ra một con quỷ khổng lồ thời tiền sử từ một khu rừng nhiệt đới xa xôi và chúng tôi mang nó về cho cả thế giới xem. Chúng tôi đặt nó trong toa hàng bằng gỗ mà ông Ali đã đóng mùa đông năm trước cho sinh nhật của cậu, giả vờ đó là một chiếc lồng thép khổng lồ. Chú ý, quái vật thở ra lửa! Chúng tôi đi đều bước trên cỏ và kéo toa xe đằng sau chúng tôi, quanh những cây táo và cây anh đào trở thành những toà nhà chọc trời vươn cao đến tận mây, bao cái đầu thò ra khỏi hàng ngàn cửa sổ ngắm nhìn quanh cảnh diễn ra ở bên dưới. Chúng tôi bước qua cây cầu cong nhỏ hình bán nguyệt mà Baba xây gần một đám những cây sung, nó trở thành cây cầu treo vĩ đại nối liền các thành phố và cái ao nhỏ bên dưới trở thành một biển sóng cồn. Pháo hoa nổ bên trên những cột cầu đồ sộ và binh lính vũ trang đứng hai bên chào chúng tôi cùng những dây cáp thép khổng lồ đâm lên trời. Con rùa nhỏ xóc lên xóc xuống trong khoang lái, chúng tôi kéo toa hàng xung quanh lối xe lượn vòng ngoài cổng sắt và đáp lại sự chào đón của các nhà lãnh đạo thế giới khi họ vẫn đang đứng và vỗ tay hoan hô. Chúng tôi là Hassan và Amir, những nhà phiêu lưu nổi tiếng, những nhà thám hiểm vĩ đại nhất thế giới, xứng đáng nhận một huân chương danh dự vì hành động can trường của chúng tôi…

Tôi thận trọng bước lên lối xe vào nơi nhưng bãi cỏ dại lúc này mọc xen giữa nhưng viên gạch màu đỏ úa. Tôi đứng bên ngoài cánh cổng sắt ngôi nhà của Baba, cảm thấy như một người khách lạ. Tôi đặt hai tay lên những song sắt han gỉ, nhớ lại tôi đã chạy qua chiếc cổng này hàng ngàn lần khi còn là đứa trẻ ra sao, vì những chuyện giờ chẳng còn nghĩa lý gì khi đó hình như lại vô cùng quan trọng. Tôi chăm chú nhìn vào trong.

Lối xe vào từ cổng tới sân, nơi Hassan và tôi mùa hè thường tập đi xe đạp và thay nhau ngã, trông không rộng và dài như tôi nhớ. Nhựa đường nứt ra thành những vết ngoằn ngoèo như tia chớp, thêm nhiều đám cỏ dại mọc lên từ các khe. Phần lớn bạch dương đã bị đốn, những thân cây mà Hassan và tôi thường trèo lên để chiếu gương vào các nhà hàng xóm. Những cây nào còn đứng vững hầu như trụi lá. Bức tường Ngô ốm vẫn còn đó, dẫu tôi chẳng nhìn thấy ngô, thấy ốm hoặc thấy cái gì khác dọc theo bức tường ấy bây giờ. Nước sơn đỏ bắt đầu bong ra, có chỗ tróc từng mảng lớn. Cái sân cỏ trước nhà đã chuyển sang cùng một màu nâu như những lớp bụi lượn lờ khắp trên cánh phố, loáng thoáng điểm những bãi phân trơ ra, bên trên không có gì mọc được.

Một chiếc xe jeep đỗ ở lối xe vào và trông thật nghịch cảnh: chiếc Mustang đen của Baba cũng từng ở chỗ đó. Bao năm trời, chiếc Mustang tám xi lanh rồ lên nổ máy đánh thức tôi dậy. Tôi nhìn thấy dầu xe nhỏ xuống từ phía dưới chiếc xe Jeep và vấy bẩn lối đi như vết mực. Ngoài chiếc xe jeep ra chỉ còn thấy một cái xe cút kít rỗng không lăn lóc bên cạnh. Tôi chẳng thấy dấu vết nào của những khóm hoa hồng mà Baba và ông Ali đã trồng bên trái lối đi, chỉ có phân vãi trên nhựa đường. Và cỏ dại.Farid bấm còi ô tô hai lần phía sau tôi. Anh ta gọi:

– Chúng ta nên đi thôi. Agha. Chúng ta sẽ gây chú ý đấy.

Tôi nói:

– Cho tôi thêm mấy phút nữa thôi.

Ngôi nhà tự bản thân nó đã khác xa với toà nhà trắng bề thế của tuổi thơ tôi. Trông nó nhỏ hơn. Mái xô, vữa nứt. Cửa sổ phòng khách tiền sảnh và phòng tắm của khách ở trên gác đều vỡ, được đóng đinh qua loa vào khung cửa vải nhựa trong hoặc ván gỗ. Sơn tường khi xưa sáng trắng lấp loá nay ngả màu xám như ma quỷ và xói mòn long tróc từng phần, trơ lớp gạch lên dưới. Bậc thềm trước cửa đổ nát. Giống như rất nhiều nhà khác ở Kabul, ngôi nhà của cha tôi là bức tranh của sự huy hoàng sụp đổ.

Tôi thấy cửa sổ của phòng ngủ tôi ngày xưa, trên tầng hai, cửa sổ thứ ba phía Nam cầu thang chính lên nhà. Tôi kiễng chân nhòm, chẳng thấy gì phía sau ngoài bóng tối. Hai nhăm năm trước tôi từng đứng sau vẫn cái cửa sổ ấy, mưa mau nhỏ giọt trên ô kính và hơi thở tôi làm kínhmờ đi. Tôi đã dõi theo Hassan và ông Ali chất những gói đồ của họ vào cốp xe của cha tôi.

– Amir Agha! – Farid lại gọi.

– Tôi đến đây, – tôi đáp lại.

Tôi muốn vào đó phát điên lên. Muốn bước lên thềm nhà phía trước nơi ông Ali thường bắt Hassan và tôi phải bỏ ủng đầy tuyết ra. Muốn bước vào tiền sảnh, ngửi mùi vỏ cam ông Ali quăng vào lò cho cháy cùng với mùn cưa. Ngồi vào bàn ăn, uống trà với một lát bánh naan, nghe Hassan hát những bài ca Haraza cổ.Lại một tiếng còi nữa. Tôi bước lại cho chiếc Land Cruiser đỗ dọc lề đường. Farid ngồi hút thuốc sau tay lái.

– Tôi phải nhìn thêm một thứ nữa, – tôi bảo anh ta thế.

– Ông có thể nhanh nhanh lên không?

– Cho tôi mươi phút.

– Vậy, đi đi.

Rồi đúng lúc tôi quay lưng định đi.

– Có điều hãy quên tất cả đi cho nhẹ lòng.

– Để làm gì?

– Để sống tiếp, – Farid nói. Anh ta ném điếu thuốc qua cửa xe. – Ông cần phải nhìn thêm bao nhiêu nữa. Hãy để tôi giúp ông bớt phiền muộn: Chẳng thứ gì ông nhớ tới còn tồn tại đâu. Tốt như hãy quên đi.

– Tôi không muốn quên nữa, – tôi nói. – Cho tôi thêm mươi phút.

Chúng tôi hầu như không đổ một giọt mồ hôi, Hassan và tôi, hồi vất vả trèo lên ngọn đồi ngay phía Bắc ngôi nhà của Baba. Chúng tôi chạy nhảy lên tận đỉnh đồi, đuổi nhau hoặc ngồi trên một sườn dốc nơi nhìn thấy sân bay ở đằng xa rất rõ. Chúng tôi thường xem máy hay cất cánh và hạ cánh. Rồi lại chạy đuổi.

Giờ đây, lúc tôi lên tới đỉnh ngọn đồi cheo leo này, mỗi hơi thở rã rời như hít phải lửa. Mồ hôi từng giọt nhỏ xuống mặt. Tôi đứng đó, thở phì phò một lúc, cái gì bất ngờ đau nhói bên sườn. Rồi tôi đi tìm khu nghĩa trang bị bỏ hoang. Không mất mấy thì giờ để thấy nó. Nó vẫn ở đó, và cây lựu xưa cũng vậy.

Tôi tựa người vào tảng đá xám lối cống nghĩa trang nơi Hassan chôn mẹ mình. Đôi cánh cổng bằng sắt xưa kia trụ trên những chiếc bản lề nay biến mất, và những bia mộ khó lòng nhìn rõ qua hàng đám cỏ dại dày đặc tranh nhau đất mọc. Một đôi quạ đậu trên bức tường thấp vây quanh nghĩa trang.

Hassan đã viết trong bức thư rằng cây lựu nhiều năm không ra quả. Nhìn cái cây gầy guộc, trụi lá, tôi ngờ nó sẽ không bao giờ ra quả nữa. Đứng bên dưới gốc, tôi nhớ lại bao nhiêu lần chúng tôi đã trèo lên đấy, cưỡi lên những cành cây, hai chân đung đưa, ánh nắng lốm đốm lung linh qua kẽ lá, chiếu lên mặt chúng tôi như một bức khảm sứ của ánh sáng và bóng tối. Mùi vị đặc trưng của quả lựu như thấm vào miệng tôi.

Tôi quỳ gối xuống và lấy hai tay cọ cọ lên thân cây. Tôi tìm thấy cái tôi tìm. Dấu khác đã mờ đi, hầu như hoàn toàn phai nhạt, nhưng nó vẫn còn đấy: “Amir và Hassan, hai sultan của Kabul.” Tôi lấy ngón tay vạch lên đường cong của mỗi nét chữ. Cậy những miếng vẩy nhỏ ở những kẽ nứt.

Tôi ngồi xếp bằng dưới gốc cây nhìn về phía Nam thành phố tuổi thơ tôi. Những ngày đó, ngọn cây vươn lên sau những bức tường của mọi ngôi nhà. Bầu trời trải rộng và xanh biếc, và quần áo giặt hong khô trên những dây phơi chấp chới trong ánh mặt trời. Nếu bạn cố lắng nghe, bạn có thể nghe thấy cả tiếng rao của những người bán trái cây cùng với con lừa của họ, khắp quận Wazir Akbar Khan: Ai đào đây! Mơ đây! Nho đây! Vào lúc chiều sớm, bạn còn nghe thấy azan, tiếng gọi từ tháp chuông nhà thờ ở Sar-e-Nau gọi tín đồ cầu nguyện.

Tôi nghe thấy tiếng còi xe và nhìn thấy Farid vẫy tôi. Đến giờ phải đi rồi.

Chúng tôi lại cho xe chạy về phía Nam, trở lại hướng Quảng trường Pashtunistan. Chúng tôi đi ngang qua dăm ba chiếc xe tải hở mui màu đỏ với đám thanh niên đeo súng và để râu ngồi chật cứng trong buồng lái.

Farid lầm bầm chửi mỗi lần chúng tôi vượt qua một chiếc.

Tôi thuê một phòng nhỏ gần Quảng trường. Ba cô bé mặc áo váy dài đen giống hệt nhau và những chiếc khăn quàng trắng bâu lấy một gã đàn ông đeo kính, dáng người nhẹ nhõm, sau quầy thanh toán. Hắn chém tôi 75 đô, cái giá không thể nghĩ tới cho một nơi có mã ngoài tồi tàn đến thế này, nhưng tôi cũng chẳng bận tâm. Vơ vét để tận thu cho một nhà nghỉ bãi biến ở Hawaii là một chuyện. Làm việc đó để nuôi lũ trẻ là chuyện khác.

Không có nước nóng, bệ xí sứt mẻ và giật nước không chảy. Chỉ có mỗi một chiếc giường khung sắt và tấm đệm cũ, một cái chăn rách, và một ghế gỗ ở góc phòng. Cửa sổ nhìn xuống quảng trường bị vỡ, không ai thay. Lúc tôi hạ va li của mình xuống, tôi để ý thấy một vết máu khô trên bức tường ở phía sau chiếc giường.

Tôi đưa cho Farid một ít tiền để anh ta ra ngoài mua cái gì đó về ăn. Anh ta quay về với bốn xiên thịt kabob nướng nóng bỏng, bánh naan mới và một bát to cơm trắng. Chúng tôi ngồi lên giường và gần như ngốn ngấu các món ăn. Rốt cuộc, cũng có một thứ ở Kabul chẳng hề thay đổi: Món cừu kabob vẫn ngậy béo và ngon như ngày nào.

Đêm đó, tôi ngủ trên giường còn Farid dưới sàn, quấn trong tâm chăn cực dày mà chủ khách sạn cho thuê tính thêm tiền. Không có ánh sáng nào lọt vào phòng, ngoài ánh trăng tràn qua chiếc cửa sổ kính vỡ. Farid nói với tôi rằng chủ nhà bảo Kabul đã hai ngày hôm nay không có điện và máy phát của ông ta cần sửa chữa. Chúng tôi chuyện trò với nhau một lúc. Anh ta kể cho tôi nghe chuyện mình lớn lên ở Mazar-i-Sharif, thuộc Jalalabad. Anh ta kể cho tôi nghe về khoảng thời gian ngắn sau khi cha con anh ta tham gia jihad, chiến đấu chống bọn Shorawi ở Thung lũng Panjsher. Họ bị vây hãm, không có thực phẩm và phải ăn cả châu chấu để sống. Anh ta kể cho tôi nghe cái ngày trực thăng nã súng giết chết bố anh, cái ngày mìn chôn cướp mất hai con gái anh. Anh ta hỏi tôi về nước Mỹ. Tôi bảo, ở Mỹ, anh có thể bước vào một cửa hàng tạp hoá mua bất kỳ thứ nào trong số mười lăm hay hai mươi loại ngũ cốc khác nhau. Thịt cừu non luôn luôn tươi và sữa lúc nào cũng lạnh, đầy trái cây và nước sạch. Nhà nào cũng có tivi, tivi nào cũng có điều khiển từ xa, và nếu muốn, có thể dùng ăng-ten chảo vệ tinh, thu được trên năm trăm kênh.

– Năm trăm kênh cơ à? – Farid ngạc nhiên kêu lên.

– Năm trăm.

Chúng tôi im lặng một lúc. Đúng lúc tôi nghĩ anh ta đã ngủ, Farid cười khúc khích:

– Agha, ông đã nghe kể giáo sĩ Nasruddin làm gì khi con gái ông về nhà và phàn nàn rằng bị chồng mình đánh chưa?

Tôi có thể cảm thấy anh ta đang mỉm cười trong bóng tối và nụ cười của chính tôi trên mặt tôi. Không có một người Afghan nào trên thế giới lại không biết ít nhất vài chuyện đùa về ông giáo sĩ ngớ ngẩn ấy.

– Làm gì?

– Ông cũng đánh con gái, rồi trả con về để bảo cho chồng cô ta biết rằng giáo sĩ không ngu đâu: Nếu tên chó đẻ định đánh con gái ông, thì giáo sĩ sẽ đánh lại vợ nó để trả đũa.

Tôi cười. Phần vì câu đùa, phần vì sao mà tính hài hước của người Afghan chẳng bao giờ thay đối. Những cuộc chiến được phát động, Internet ra đời, và người máy đã lăn trên bề mặt sao Hoả, vậy mà ở Afghanistan chúng ta vẫn còn kể những chuyện cười về giáo sĩ Nasruddin. Tôi nói:

– Anh đã nghe kể cái lần giáo sĩ vác trên vai một bao nặng và cưỡi lừa chưa?

– Chưa.

– Ai đó trên đường phố bảo tại sao ông không đặt cái bao lên lưng con lừa ông ấy nói: như thế là tàn nhẫn. Riêng tôi thôi cũng đủ nặng cho con vật tội nghiệp rồi.

Chúng tôi kể cho nhau những chuyện cười về giáo sĩ Nasruddin cho đến khi cạn vốn và chúng tôi lại nằm im.

– Amir agha? – Farid nói, làm tôi giật mình vì đã gần ngủ thiếp.

– Sao?

– Tại sao ông lại về đây ý tôi muốn hỏi, thực ra tại sao ông về đây?

– Tôi đã nói với anh rồi.

– Vì thằng bé?

– Vì thằng bé.

Farid trở mình trên sàn nhà:

– Không thể tin nối.

– Đôi khi bản thân tôi, tôi cũng không thể tin nổi tôi lại về đây.

– Không… ý tôi muốn nói là, tại sao lại thằng bé đó? Ông đi cả một đoạn đường dài từ Mỹ vì… một thằng bé Shi’a?

Câu hỏi đó giết chết tiếng cười trong tôi. Và cả giấc ngủ nữa. Tôi nói:

– Tôi mệt rồi. Ta hãy ngủ đi một lát.Farid ngáy vang ngay khắp căn phòng trống trải. Tôi vẫn thức hai tay khoanh trên ngực, mắt đăm đăm nhìn qua chiếc cửa sổ vỡ kính vào đêm sáng sao và nghĩ, có thể những gì người ta nói về Afghanistan là đúng. Có thể đó là một chốn không hy vọng.

Một đám đông hối hả đang tràn vào đầy Sân vận động Ghazi khi chúng tôi bước theo các lối hầm vào. Hàng nghìn người quẩn quanh chen chúc nhau trong dãy khán đài bằng bê tông chặt như nêm cối. Trẻ con nô đùa trong lối đi giữa các hàng ghế và đuổi bắt khắp các bậc lên xuống. Mùi đậu ngọt nấu trong nước tương gia vị bốc lên trên không, pha lẫn với mùi phân súc vật và mùi mồ hôi. Farid và tôi bước đi qua những người bán hàng rong, bán thuốc lá, hạt thông. và bích quy.

Một thằng bé gầy nhom mặc chiếc áo jacket vải tuýt níu lấy khuỷu tay tôi và nói nhỏ vào tai tôi. Hỏi tôi có muốn mua “ảnh sex” không.

– Rất sex, Agha, – nó nói, đôi mắt nhớn nhác của nó đảo đi đảo lại, nhắc tôi nhớ đến một cô gái vài năm trước cố nài bán côcain cho tôi ở quận Tenderloin bang San Francisco. Thằng bé vén một bên áo jacket của nó hở ra, cho tôi thoáng nhìn thấy đám ảnh sex của nó: những tấm bưu thiếp phim Hinđi giới thiệu các nữ diễn viên mắt nai đầy nhục cảm, áo quần đầy đủ trong vòng tay của những diễn viên nam chính. “Quá sex”. Thằng bé nhắc lại.

– Không, cảm ơn, – Tôi vừa nói vừa tránh nó ra.

– Nó mà bị tóm, chúng sẽ cho nó một trận đòn roi khiến bố nó ở trong mồ cũng phải thức dậy, – Farid lẩm bẩm.

Tất nhiên, chẳng có chỗ ngồi được chỉ định. Chẳng ai lịch sự chỉ cho chúng tôi khu, cánh, dãy và ghế ngồi. Chẳng bao giờ lại có chuyện đó, kể cả ngày xưa dưới chế độ quân chủ. Chúng tôi tìm được một chỗ tàm tạm, ngay bên trái khu trung tuyến, mặc dầu Farid phải xô đẩy và cùi chỏ mất một lúc.

Tôi vẫn nhớ sân bóng cỏ mọc xanh rờn vào những năm 70 khi Baba thường mang tôi tới xem bóng đá ở đây. Nay, đường pít là một bãi hổ lốn. Hố nhỏ, hố to khắp nơi. Đáng chú ý nhất là một đôi hố sâu ở phần đất phía sau khung thành phía Nam. Và chẳng có một đám cỏ nào, chỉ có phân. Cuối cùng, khi hai đội ra sân chơi – tất cả đều mặc quần dài bất kể trời nóng và khi cuộc chơi bắt đầu, khó có thể theo dõi quả bóng trong những lớp mây bụi mù do cầu thủ đá lên. Những tên Talib trẻ, mang theo roi, lăng xăng trên lối đi giữa các hàng ghế ngồi, vụt bất kỳ ai reo lên quá to.

Sau tiếng còi dứt nửa hiệp đấu, chúng lôi họ ra ngoài ngay. Một đội xe tải đỏ hạng nhẹ đầy bụi, giống như những chiếc xe tôi đã gặp quanh thành phố từ lúc mới đến, phóng qua cổng vào sân vận động. Đám đông đứng cả lên. Một phụ nữ mặc burqa màu xanh lục ngồi trong buồng lái của một chiếc xe tải, và một người đàn ông bị bịt mắt trong chiếc xe kia. Hai chiếc xe từ từ chạy quanh đường biên như thế để đám đông được nhìn kỹ. Và nó có được hiệu quả mong muốn: Mọi người vươn cổ lên, chỉ trỏ kiễng chân nhìn. Cạnh tôi, quả hầu ở cổ Farid lên lên xuống xuống trong khi anh ta khẽ lẩm bẩm cầu kinh.

Hai chiếc xe tải đỏ chạy vào bãi bóng, phóng thẳng về phía cuối bãi trong hai làn mây bụi. Chiếc xe tải thứ ba gặp chúng ở phía cuối bãi. Buồng lái chiếc xe tải này chất đầy một thứ gì đó, và bất chợt tôi hiểu ra, mục đích của hai cái hố sâu phía sau khung thành. Chúng bốc dỡ chiếc xe tái thứ ba. Đám đông lầm rầm đoán chuyện gì sắp xảy ra.

– Ông có muốn ở lại không? – Farid nghiêm nghị hỏi tôi.

– Không, – tôi nói. – Trong đời mình, tôi chưa từng bao giờ muốn rời khỏi một nơi tệ hại như tôi muốn lúc này. Nhưng chúng ta phải ở lại.

Hai tên Talib với những khẩu Kalashnikov đeo lủng lẳng qua vai, giúp người đàn ông bị bịt mắt ra khỏi chiếc xe tải thứ nhất, hai tên khác giúp người phụ nữ trùm burqa. Người phụ nữ khuỵu gối và đổ phịch xuống đất. Mấy tên lính kéo chị lên và chị lại ngã khuỵu xuống. Khi chúng cố kéo chị dậy, chị kêu thét lên và đá túi bụi. Chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ không bao giờ quên được âm thanh tiếng kêu thét đó. Đó là tiếng kêu của con thú hoang đang cố rút chiếc chân bị kẹp ra khỏi cái bẫy gấu. Hai tên Talib nữa nhập hội, đẩy chị xuống cái hố sâu đến ngực. Người đàn ông bị bịt mắt, trái lại, để mặc chúng hạ anh xuống chiếc hố đào cho anh ta. Lúc này trông chỉ còn thấy một cặp bán thân nhô lên khỏi mặt đất.

Một viên giáo sĩ, mặt bầu bĩnh, râu bạc, mặc quần áo màu xám đứng gần khung thành hắng giọng vào chiếc micro cầm tay. Đằng sau lão ta, người phụ nữ dưới cái hố vẫn đang gào thét. Lão ta đọc một đoạn dài từ kinh Koran, cái giọng mũi của lão lượn lờ khắp sân vận động. Lúc này quần chúng bất chợt đã trở nên yên lặng. Tôi bỗng nhớ tới câu của Baba đã nói với tôi từ rất lâu: Đái vào râu cái lũ khỉ già lên mặt đạo đức ấy. Bọn chúng chẳng làm được trò trống gì, ngoài việc lần tràng hạt và đọc một cuốn sách viết bằng thứ tiếng mà chính chúng cũng không hiểu. Mong Thượng đế giúp tất cả chúng ta, đừng để bao giờ Afghanistan rơi vào tay bọn chúng.

Khi đọc kinh xong, viên giáo sĩ lại hắng giọng:

– Hỡi những người anh em và chị em, – lão cất tiếng kêu gọi bằng tiếng Farsi, giọng oang oang khắp sân vận động. – Chúng ta đến đây hôm nay để thực hiện Shari’a 2. Chúng ta đến đây hôm nay để thực hiện công lý. Chúng ta hôm nay tới đây vì ý muốn của Đức Allah, và lời phán bảo của Đấng tiên tri Muhammad, cầu cho Người được bình yên, sống mãi và bằng an ở đây, Afghanistan quê hương yêu dấu của chúng ta. Chúng ta lắng nghe những gì Thượng đế phán, và chúng ta vâng lời người, bởi vì chúng ta chẳng là cái gì ngoài việc là những sinh linh hèn hạ, bất lực trước sự vĩ đại của Thượng đế. Và Thượng đế bảo sao? Ta hỏi các người đấy! THƯỢNG ĐẾ PHÁN BẲO SAO? Thượng đế phán bảo mọi kẻ mắc tội đều phải bị trừng phạt xứng đáng với tội lỗi của hắn. Đấy không phải lời lẽ của ta, cũng không phải lời lẽ của những người anh em của ta. Đấy là những lời phán bảo của THƯỢNG ĐẾ. – Giáo sĩ chỉ bàn tay không cầm micro lên trên trời. Đầu tôi như đang có cái gì đập thình thình bên trong. Mặt trời dường như quá nóng.

– Mọi kẻ mắc tội phải bị trừng phạt thích đáng với tội lỗi của nó. – Viên giáo sĩ nhắc lại vào micro, giọng hạ xuống, phát âm rành mạch từng từ một, thong thả và rất kịch. – Và trừng phạt như lúc nào cho xứng đáng với tội ngoại tình, hỡi các anh em, chị em. Chúng ta sẽ trừng phạt kẻ làm nhơ bẩn tính thiêng liêng của hôn nhân lúc nào đây? Chúng ta sẽ phải xử lý thế nào, kẻ dám nhổ vào mặt Thượng đế? Chúng ta sẽ trả lời những kẻ ném đá vào cửa sổ ngôi nhà của Thượng đế như thế nào? CHÚNG TA SẼ NÉM ĐÁ TRẲ LẠI!

Giáo sĩ tắt micro. Một tiếng xì xào khe khẽ lan khắp đám đông.

Bên cạnh tôi, Farid đang lắc đầu lẩm bẩm:

– Thế mà chúng dám tự nhận là tín đồ Hồi giáo.

Rồi một gã đàn ông cao lớn vai rộng bước ra khỏi chiếc xe tải hạng nhẹ. Bộ dạng của hắn cũng gây được những tiếng hoan hô của vài ba khán giả. Lần này, không ai bị vụt vì reo lên quá to. Bộ quần áo trắng sáng chập chờn trong ánh nắng chiều, mép áo sơ mi rộng của hắn phập phồng trong gió nhẹ, hai cánh tay hắn giang ra như hai cánh tay Jesus trên thánh giá. Hắn từ từ quay người đủ một vòng để chào đám đông. Khi hắn đối mặt với phần khán đài chúng tôi, tôi thấy hắn đeo một đôi kính râm tròn đen như đôi kính của John Lennon.

– Chắc hắn là người chúng ta cần gặp, – Farid nói.

Gã Talib cao lớn đeo kính râm đen bước lại đống đá mà chúng bốc dỡ trên chiếc xe tải thứ ba xuống. Hắn nhặt một hòn lên và giơ cho quần chúng xem. Tiếng ồn xẹp xuống, thay vào là tiếng xôn xao lan khắp sân vận động. Tôi nhìn quanh tôi, thấy ai cũng đang phì ra tiếng xì. Gã Talib giống một cách kỳ cục cầu thủ ném bóng chày trên ụ đất, ném mạnh hòn đá vào người đàn ông bịt mắt trong cái hố. Hòn đá trúng vào bên cạnh đầu. Người đàn bà lại kêu thét lên. Quần chúng giật mình kêu “Ối!” Tôi nhắm mắt lại lấy hai tay che mặt. Tiếng khán giả kêu”Ối” hoà nhịp với mỗi lần đá văng đi, cứ thể tiếp tục trong một lúc lâu. Khi họ dừng lại, tôi hỏi Farid liệu đã xong chưa. Anh ta bảo chưa. Tôi đoán là cổ họng mọi người đã khản hết. Tôi không biết tôi ngồi hai tay ôm mặt như thế bao lâu. Tôi chỉ biết tôi lại mở mắt ra khi mọi người xung quanh tôi hỏi: Mord? Mord? Đã chết chưa?

Người đàn ông trong cái hố lúc này là một đống giập nát đầm đìa máu me, rách xé tơi tả. Đầu quẹo xuống phía trước, cằm sát vào ngực. Gã Talib đeo kính râm đang nhìn xuống một người đàn ông khác ngồi xổm gần cái hố, tay gã tung lên tung xuống một hòn đá. Người đàn ông ngồi xổm, hai tai cắm hai nhánh ống nghe, đầu kia ống nghe áp vào ngực người đàn ông trong cái hố. Người này rút ống nghe khỏi tai và lắc đầu, bảo chưa với gã Talib đeo kính râm. Quần chúng kêu rên lên.

John Lennon bước trở lại cái ụ đất.

Khi mọi việc đã xong, khi hai cái xác đầm ma máu me đã bị quăng một cách phỉ báng lên phía sau hai chiếc xe tải đỏ hạng nhẹ – mỗi xác một xe – vài người lấy xẻng lấp hố lại. Một trong số họ phủ qua loa vết máu bằng cách đá đất bẩn lên trên. Mấy phút sau hai đội bóng lại ra sân. Hiệp hai bắt đầu.

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi được sắp xếp vào ba giờ chiều hôm ấy. Sự nhanh chóng làm tôi ngạc nhiên. Tôi cứ nghĩ phải có thời hạn, ít nhất cũng phải hỏi vòng vo, có lẽ cả kiểm tra giấy tờ của chúng tôi nữa. Nhưng tôi được nhắc cho biết ngay cả những việc công vẫn cứ được giải quyết ngoài cửa công thế nào ở Afghanistan: Tất cả những gì Farid phải làm là bảo một gã Talib cầm roi rằng chúng tôi có một chuyện riêng tư muốn thảo luận với người đàn ông mặc đồ trắng. Farid và gã trao đổi một vài câu. Thế là gã cầm roi gật đầu và quát bằng tiếng Pashtu với một thanh niên trên sân bóng, tên này chạy ngay về phía khung thành phía nam, nơi tên Talib đeo kính râm đang gẫu chuyện với giáo sĩ mặt phúng phính đọc bài thuyết giáo. Cả ba nói chuyện với nhau. Tôi thấy gã đeo kính râm đưa mắt tìm kiếm xem ai. Gã gật đầu. Nói điều gì đó vào tai người nhắn tin. Gà thanh niên truyền đạt lời nhắn lại cho chúng tôi.Nhất trí. Ba giờ.

——————————–

1 Khyber Restaurant: Nhà hàng Khyber, nay đã mất chữ K và chữ R có nghĩa biển hiệu chỉ còn chữ hyber-estaurant.

2 Shari’a: Luật Islam, luật Hồi giáo.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ