Nhớ Ai Đó Đến Kiệt Quệ - Chương 91

Quan điềm tĩnh ân chuẩn cho mợ trình bày. Mợ tường thuật đâu ra đấy, kể lại câu chuyện với tình tiết y hệt, chỉ thay tên nhân vật vì sợ ảnh hưởng tới danh tiếng của cậu. Ban sáng lão thầy kêu chán trà thèm rượu, mợ nhớ tới cái vò rượu mận khiến mợ ngủ mê man không biết trời đất là gì liền hí hửng đào lên rót ra hai bát bê tới thư phòng mời lão, trong bụng thầm mong lão nốc vào rồi lịm luôn mấy ngày cho mợ đỡ mệt.

Có điều lão mới chỉ ngửi mùi thôi đã chê mợ đầu óc non kém, kêu muốn hại lão thì phải về bồi bổ thêm cho khôn ra đã. Mợ chột dạ nhưng vẫn gân cổ lên chối, ai thèm hại lão, rượu là do mợ tự ủ đó. Thế rồi, tự dưng tâm trạng nẫu nề, mợ dốc bầu tâm sự về vụ mợ với cậu Minh mải vui say tứa lưa, mợ ăn năn mãi không nguôi, đêm đêm đều tự trách bản thân đần độn.

-“Ối chao công nhận ngươi đần thật, rượu này bị bỏ thuốc mà chẳng biết.”

Thầy mắng mợ, đoạn lệ khệ bê một con mèo tới cho nó nếm thử, nó có triệu chứng y như mợ, càng uống càng hăng, uống xong thì lăn ra bất tỉnh. Biết được sự thật hai canh giờ rồi mà nhắc lại mợ vẫn thấy căm phẫn cực độ, trước bàn dân thiên hạ kêu oan vô cùng dõng dạc.

-“Bẩm quan lớn, dân nữ trước giờ thương chồng hơn mạng. Kẻ xấu làm như vậy hòng bôi bác nhân phẩm của dân nữ, hại dân nữ sống dở chết dở, một thời gian dài bị chồng ghẻ lạnh khốn khổ, mong quan lớn minh tra.”

Dân bu quanh đấy bất bình chẳng kém, bọn họ nom trộm thấy vẻ mặt Trấn thủ phẫn nộ ghê lắm, còn khủng khiếp hơn cả vụ quan huyện bắt cóc hàng loạt thôn nữ tháng trước. Quan khẳng định sẽ đòi lại công bằng cho cô gái tội nghiệp kia, đoạn lệnh cho cô ấy tạm thời lui xuống.

Cái uy của quan khiến người ta tin tưởng, bọn họ giải tán dần, chẳng ai mảy may phát hiện người vừa rồi là mợ hai của quan. Mợ giải toả được lòng nhẹ gánh hẳn, lăng xăng chạy về nấu bát chè đậu đen nếp cẩm tạ ơn lão thầy già, tại mợ để ý lão mặt mũi vẫn trẻ chán mà khổ cái râu tóc bạc phơ như ông cụ.

-“Thầy chịu khó ăn cho bổ, bu con cũng chạc tuổi thầy, tuy lam lũ vất vả nhưng tóc còn đen lắm. Mà sao thầy từ quan sớm thế? Lúc choảng nhau với cậu hai con thấy sức thầy vẫn dẻo dai mà.”

-“Tại ta sợ bà mối.”

Gớm, nom con mợ hai kìa? Trêu có chút xíu mà nó ngạc nhiên như chuyện động trời vậy. Thực ra chủ yếu do chán chốn thị phi, cơ mà ngày ngày Thánh Thượng đưa bà mối tới cửa thúc giục việc hôn sự cũng khiến lão mệt mỏi muốn xỉu. Cái con người điên khùng ấy còn tưởng lão đồng bóng, thương xót ban cho chục trai tráng vạm vỡ, cả triều đình cười như được mùa, lòng tự tôn của lão coi như bị ném xuống biển. Từ đó, một đi không trở lại.

Mợ Trâm cười ngất, lão lẩm bẩm rủa đàn bà trên đời đều bất lương như nhau. Mợ trề môi nhạo báng lão cứ ác cảm thì còn ế cả đời. Lão bực bực đuổi mợ biến đi nấu bún riêu cho khuất mắt lão. Hình như ở vùng cậu hai mợ hai ai cũng nấu bún giỏi, mỗi lần lão thưởng thức tưởng như cả bầu trời kỉ niệm ùa về. Các cô nương mơ giàu nọ giàu kia, riêng bà ấy, lại mơ có gánh bún nhỏ của riêng mình. Cái loại người thích an phận chả ôm chí lớn, thật đáng ghét mà.

Đến tầm chiều tối tin quan giải oan cho cô gái ban sáng đã được thông báo khắp trấn, ai cũng mừng cho cô. Riêng trong biệt phủ của Trấn thủ còn lan truyền một tin kinh dị hơn, rằng cậu hai nghe chuyện người nghĩ chuyện ta, nghi ngờ mợ hai bị hại, đang cho người lùng sục tìm vò rượu để kiểm chứng.

Mợ Quyên có tật giật mình, vội sai con Thư lẻn vào vườn mận đào rượu đem về hòng phi tang. Số nhọ, nó bị cậu tóm sống. Nó trung thành nên nhận hết tội, nó với cậu Minh thông đồng, mợ ba không liên can. Ai chả biết nó điêu toa, nhưng vì mợ Thuỳ năn nỉ nên cậu hai nể, không truy cứu thêm gì ngoài việc đuổi nó ra khỏi phủ.

Mợ ba hay tin mặt mũi trắng bệch, trong vòng chưa đầy một tháng, cha mợ gặp nạn, người thân thiết nhất với mợ bị tống đi, người chồng mợ hết mực thương yêu cũng chả nhòm ngó đến mợ, cuộc đời của mợ, chưa từng thê thảm đến thế! Tất cả là tại mợ hai, mợ hai chính là khắc tinh của mợ. Mợ tự tay thêu hình nộm mợ hai, hàng đêm không ngủ được đều lấy ra châm, uất hận rủa mợ hai sớm ngỏm cho đỡ chật đất.

Thực tình nếu biết dạo này mợ hai sức khoẻ yếu chắc mợ ba chẳng phải nhọc công như vậy. Con Quế thoa thuốc cho mợ mà sốt sắng mãi, nó cứ đòi méc cậu, mỗi tội mợ chả cho. Tội nghiệp mợ mới trẻ măng đã bị đau nhức xương khớp, trái gió trở trời lại giở chứng, bữa nay nặng đến mức chả dậy dùng cơm chung với cả nhà được.

Lúc nghe người làm báo tin mợ nhọc nghỉ sớm, cậu hai liền rời bàn luôn. Mấy ngày qua tâm trạng cậu rất tệ, nhớ tới những lời khi xưa chỉ trích mợ cậu lại tự hổ thẹn. Rõ ràng biết thừa những gì đẹp đẽ nhất của mợ đều trao cho cậu, nhưng nóng giận ghen tuông vẫn cứ làm ra những chuyện ngu xuẩn, khốn nạn tới mức hỏi mợ ăn nằm với bao nhiêu thằng. Chắc khi ấy, mợ tủi thân lắm. Giờ đây, cậu cũng chả dễ chịu chút nào.

Cậu đi nhanh sang gian của mợ, lặng lẽ ra hiệu cho con Quế rời khỏi rồi tiến tới thay nó bóp lưng cho mợ. Mợ nằm bẹp dí trên giường, người sôn sốt mơ màng nên chả hay cậu tới, tiếp tục thỏ thẻ tâm tình với Quế.

-“Thư ngày xưa cậu viết cho mợ đấy, hồi đó mợ chưa biết chữ đâu, toàn phải nhờ mợ Chi đọc hộ. Đọc một lần xong mợ vẫn thích nghe lần hai, đọc lần hai xong lại thèm lần ba, nhiều bận bị mợ Chi mắng xơi xơi mà vẫn phải nhịn ý. Xong lúc nào mợ thuộc làu làu rồi thì mợ chả cần mợ ấy nữa, mợ đem ra ruộng này, đi cấy đêm mợ cũng đem, thi thoảng mở ra xem thấy như có cậu bên cạnh.”

Lòng cậu nặng nề khó tả, mợ thì thản nhiên buôn dưa lê.

-“Ôi cái ngày xưa ấy vất vả lắm ngươi không tưởng tượng được đâu. Mợ đi gánh khoai nặng trĩu cả lưng, đêm về nhức chả ngủ nổi. Chưa kể có đợt bị đỉa bám chân chảy máu toé loe nom khiếp lên được, mợ cứ sợ cậu về cậu chê xong mợ lo nơm nớp cả tháng, may mà rồi cũng khỏi. Mùa hạ gặt lúa thì rặm ngứa hết người, tại mợ gặt nhiều, gặt cho nhà con Trang thằng Toàn, nhà bu mợ, xong lại đi gặt thuê, khi đó nghĩ cố được đến đâu thì cố, nhỡ cậu trượt còn có vốn làm ăn. Ai biết cậu đỗ cao thế, biết trước đã chẳng dại, để giờ đau lưng đến khổ.”

Sống mũi cậu cay xè, còn mợ, vẫn cứ kể chuyện vui, vẫn cứ cười toe toét.

-“Có cái bận ao làng cạn, mợ ham hố bắt tép khuya. Xong mệt quá lịm mất, sáng ra người ta nom thấy tưởng mợ chết, vội vã về kêu bu mợ, doạ bu một phen khiếp vía, gớm, mợ mà dễ chết thế à? Nực cười nhỉ Quế nhỉ?”

Cái con này mọi khi lanh lắm cơ, tự dưng ăn phải cái bả gì mà kiệm lời thế? Mợ gọi chán chả được, bực bội quay người lại, không thấy tăm hơi nó đâu, cậu thì ngồi bên mợ từ lúc nào, khoé mắt đỏ quạch.

-“Cậu hai sao vậy?”

Mợ hoảng hốt hỏi thăm, cậu đáp bị đau mắt, nhưng cậu tra thuốc rồi. Mợ yên tâm nhích qua gối đầu lên đùi cậu. Mãi mới có dịp cậu chủ động tới mà không cần mời mọc, mợ muốn bật dậy lắm cơ mà sức yếu, đành mở lời năn nỉ.

-“Tôi nhọc quá, tôi chợp mắt một lát, cậu đừng về vội nhé!”

Nói rồi, mợ thiêm thiếp mất. Cậu buồn buồn lách tay qua gáy mợ, nhấc mợ lên ôm chặt. Mợ khi xưa khổ sở vất vả, âu cũng tại cậu. Mợ bây giờ bị di chứng, cũng tại cậu nốt. Đáng ra mợ phải đánh cho cậu một trận mới đúng, mợ cứng cỏi chẳng ai bắt nạt nổi, thế nhưng lại luôn chịu nhún nhường cậu, mợ thật ngốc hết thuốc chữa. Nghĩ tới mợ, nghĩ đến những năm tháng cơ hàn túng quẫn, tim cậu chợt đau thắt. Cậu xót xa hôn trán mợ, ghé tai mợ năn nỉ.

-“Tôi sai rồi, mợ thức nói chuyện với tôi chút được không?”

Mợ im lặng.

Từ ngày cậu rước mợ về, cậu chỉ hơi chau mày mợ đã cuống lên nịnh nọt tới tấp rồi, rất ít khi mợ như vậy, rất ít khi cậu gọi mà mợ chẳng thèm thưa.

-“Mợ giận à?”

Mới đầu cậu còn tưởng mợ dỗi hờn chút thôi, sau dần, mặc cho cậu hối lỗi như nào, mợ vẫn ương bướng không nghe. Mặc cho thầy lang chuẩn đoán mợ chỉ hơi sốt, nhưng việc mợ nằm bất động suốt cả đêm liền doạ cậu một phen khốn đốn. Mợ kêu mợ chỉ chợp mắt một lát, cơ mà mợ hứa một đằng mợ làm một nẻo. Ít nhiều mợ cũng nên thức giấc giữa chừng kêu khát hay đói chứ? Đằng này mợ cứ im thin thít, mợ muốn cậu đột quỵ theo mợ mới chịu sao?

Vài canh giờ ngắn ngủi trôi qua, đã có đến mấy chục thầy lang từ khắp nơi ra ra vào vào phủ Trấn thủ, kẻ hầu người hạ rối như tơ vò, đến lão thầy già ngồi cắn hướng dương bên phòng mợ Thuỳ cũng lắc đầu ngao ngán.

-“Ốm vặt tý, gì mà làm quá, đến chán lũ trẻ bây giờ!”

Thấy ánh mắt nghĩa nữ của mình đầy ắp sự ngưỡng mộ, lão thương thương an ủi vài câu. Giờ lão cũng chỉ biết vậy chứ chả có cách nào, nhân duyên tiền định cưỡng ép đâu nổi, càng dấn thân càng thêm khổ.

-“Thoái hôn với Trấn thủ, thầy tìm cho con người tốt hơn.”

Lão đề nghị, mợ Thuỳ nhẹ nhàng khước từ. Xế trưa mợ thấy cậu ôm mợ hai rời phủ. Nhớ hôm trước vú Oanh tự ý để lộ mấy vụ mợ âm thầm giúp đỡ cậu rồi xin cậu đưa mợ đi thăm cậu Nguyên. Mục đích của vú là gì, mợ thừa hiểu, mợ cũng chả cản vú. Cậu đồng ý, ngặt nỗi lúc vú bảo cậu ngồi đằng sau xe ngựa chung với mợ, cậu một mực không chịu, bao biện rằng cậu ngồi đó không quen, cậu sẽ cưỡi ngựa theo sau. Hôm đó cậu không quen, vậy hôm nay cậu quen rồi sao?

Cậu kêu người làm khởi hành, mải chăm mợ hai nên không để ý mợ cả đứng trân trân nhìn theo đến khi chiếc xe khuất bóng. Có thể vì đổi gió, xe vừa ra khỏi trấn thì mợ hai khẽ hé mắt, lim dim nhìn cậu ngây ngô kiểu vô tội lắm.

-“Cậu hai giận tôi ngủ lâu à?”

Cậu bị sao ý, cậu nhìn mợ chằm chằm, miệng mỉm cười nhưng nước mắt rơi sượt xuống gò má mợ. Nhất định cậu có chuyện gì buồn rồi, cậu cứ như vậy khiến mợ nôn nao khó chịu ghê lắm. Mợ tính nhoài dậy an ủi cậu, có điều cái sống lưng mợ nó đau ê ẩm, đành với tay luồn qua tóc cậu dỗ ngọt.

-“Cậu hai buồn gì mà cứ thất thần vậy?”

Giọng mợ nhỏ quá, cậu biết mợ còn mệt nhiều, nhưng cứ được mợ nịnh là cậu lại không tự chủ được, theo phản xạ tự nhiên làm nũng mợ.

-“Buồn mợ nợ tôi thằng cu tí mãi chưa trả.”

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ