– Hồng! Mày lên đây! Thầy giáo tôi mặt bỗng đỏ bừng vẫy tôi bằng ngón tay trỏ. Tôi vừa mới tới bục gỗ, thầy đứng ngay dậy. Chiếc ghế dựa siết mạnh vào bục bật lên tiếng “ké… ét” thật dài. Tôi khoanh tay đứng chờ, không hiểu bị gọi lên vì cớ gì. Vì đã gần giờ tan học, chỉ còn phải ngồi nghe đọc điểm các bài thi hàng tuần của từng người. Thầy giáo tôi đã nhảy phắt xuống đất, hất mạnh cằm tôi lên, mắt long sòng sọc chiếu nhìn:
– Mày đứng im không thì chết. Bốp! Chát! Bốp! Chát! Một cái tát trái đập mạnh vào mặt tôi bằng tất cả sức mạnh của con thú dữ đương cuồng lên. Lại một cái tát khác… rồi một cái tát khác… rồi những cái tát khác. Hai bàn tay của thầy giáo vả vào mặt tôi chẳng kỳ mắt mũi, gò má, thái dương. Tôi phải ôm lấy đầu. Thầy giáo liền giằng tay tôi ra và đưa những quả đấm nắm chắc vào một bên mặt tôi. Đầu tôi đã quay tròn, máu mũi chảy ròng ròng. Tôi vẫn không kêu khóc vì không hiểu bởi duyên cớ gì mà bị gọi lên đánh. Bị đánh ngay lúc đó tôi không thấy đau đớn, tôi chỉ ngạc nhiên và phẫn uất. Mãi sau tôi mới dám ngửa mặt nhìn lên, khi thầy giáo túm tóc tôi, lôi sềnh sệch đến gần bục gỗ. ống chân, mông đít, sống lưng, bả vai, và hai cánh tay tôi như bị vặt ra từng miếng thịt bởi những đầu thước kẻ. Trước tôi còn giơ tay đỡ nhưng sau mười ngón tay đã đau nhói như sắp rụng, tôi phải lùi dần vào một góc tường.
Sắc mặt thầy giáo tôi đã tái mét. Hai mắt thầy như hai hòn bi ve ánh ra những vằn sóng. Cằm bạnh ra và hất về phía trước như một lưỡi xẻng. Tôi đã lùi vào sau cái bảng quay, rồi ngồi xệp xuống. Rắc! Cái thước kẻ quật lên đầu tôi vọt lên trần nhà. Thầy giáo tôi rít lên theo một tiếng. Một chân đưa gót giày lên sống lưng tôi. Nhưng tôi đã nằm gục xuống, người co rúm lại.
– Hồng, ra đây! Tôi chập choạng đứng dậy, choáng váng bước ra trước bục gỗ.
– Mày là thằng khốn nạn.
– LạY thầy con không biết gì hết.
– Câm! Câm ngay! Đồ ăn cắp! Câm ngay! Mồm tôi mặn chát. Tôi phải vuốt dòng máu mũi rỉ xuống mép và nhăn mặt nuốt thứ nước bọt lầy nhầy mằn mặn nọ.
– Quả con oan! Con không biết gì hết!
– Câm! Câm ngay! Đồ mất dạá! Nước mắt tôi đến bây giờ mới chảy ra. Tôi ngước mắt mờ lệ nhìn thầy giáo:
– Thưa thầy, thật con không làm gì.
– Lại còn cãi. Câm ngay! Đồ khốn nạn! Đồ ăn cắp! Đồ mất dạá, đồ khốn nạn… Từng ấy câu mắng nhiếc của thầy giáo lại càng làm tôi uất ức. Đánh đập tôi, xỉ vả tôi, mà không cho tôi biết vì phạm lỗi gì! Mà tôi thật chẳng phạm lỗi gì khi thầy dõng dạc cất tiếng bằng tiếng Pháp:
– Các anh ngồi yên nghe tôi đọc “nốt” các bài thi đây này. Thầy giáo đã đứng dậy túm bờm tóc tôi ấn mạnh về lối đi bên trái.
– Xếp mau sách vở rồi lên đây. Từ trên bảng đi về chỗ, tôi thấy tất cả lớp trông đổ dồn vào tôi, ngạc nhiên và ghê sợ. Đến chỗ ngồi, tôi hỏi một thằng bạn:
– Anh có biết tôi có tội gì không? Nó lấm lét nhìn thầy giáo, không đáp. Tôi hỏi thằng ngồi đằng sau:
– Anh làm ơn bảo cho tôi biết tôi có tội gì? Thằng này cũng làm thinh. Trên kia thầy giáo tôi càng thúc giục. Tôi luống cuống lên thêm, ấn cả lọ mực không đóng nút vào cặp sách, lễ mễ ôm lên. Dằn từng tiếng, thầy giáo bảo tôi:
– Mày không được học nữa. Về nhà thôi! Tôi sướt mướt van lơn:
– LạY thầy quả con oan. Con không biết gì hết.
– Nhưng mày phải về, rồi mày sẽ biết mày có tội gì. Câu này thầy nói hơi nhanh như có ý không muốn cho tụi học trò yên lặng khoanh tay trên năm dãy bàn nghe thấy. Tôi gạt nước mắt:
– LạY thầy, thật con không có tội gì. Thầy cười gằn và ẩy vai tôi:
– Không có tội gì thì mày cũng phải về. Ngừng lại giây phút, thầy nói, tiếng nói nhỏ hẳn đi:
– Mày là thằng khốn nạn. Đây tao hỏi mày, mày vừa nói gì khi tao sắp đọc “nốt”? Tôi lại đờ người ra, tôi lại ngẫm nghĩ. Không! Tôi không nói một câu gì xấc láo, phạm đến thầy. Và lúc đó tôi cũng không nghịch ngợm, hoặc thò chân giựt áo anh em bạn học, hay quay lại gọi hỏi ai. Thầy giáo vẫn trừng trừng nhìn tôi. Tôi phải định thần để trước cặp mắt nổi những vằn máu đáng sợ kia, trí tôi trở lại bình tĩnh. Chợt tôi nghĩ ra: thằng bạn ngồi bên trái tôi nó đã vỗ vai tôi bảo:
– Hồng trông đây này.
Tôi chẳng cần xem nó loay hoay nghịch cái gì ở gầm bàn, hất hàm trả lời:
– Kệ xác mày! “Kệ xác mày!”… Trời! Câu nói của đứa học trò xưa nay có tiếng là lêu lổng, hư hỏng khi thầy giáo nó trịnh trọng bảo mọi người:
– Các anh ngồi im, nghe tôi đọc “nốt”!…
* * *
Cứ đến giờ vào lớp là tôi phải quỳ. Đã bốn hôm, sau cái bảng xoay, dưới chân một góc tường, là chỗ tôi ngồi học. Học đây không phải là học chữ nghĩa, nhưng để nhận thấy, theo cái ý muốn của thầy giáo tôi, một cách thấm thía không bao giờ quên được rằng là sự nhục nhã ê chề và đau đớn của những hình phạt tuy độc ác nhưng lại sửa đổi tâm tính một kẻ xấu xa và trừ bỏ được các sự ngạo ngược, gian ngoan. Những lúc quay mặt nhìn ra ngoài, tôi càng cảm thấy rõ ràng những ý muốn sâu xa kia trên vẻ mặt thản nhiên lạnh lùng của thầy giáo. Nhưng, thầy đã lầm! Trái lại, các hình phạt quái ác chỉ nhóm thêm trong lòng tôi những phẫn uất, căm hờn. Tôi có lỗi gì mà hối hận? Tại lòng tự ái, không muốn kẻ dưới cãi chữa khi bị trừng phạt, tại quá tin không bao giờ mình lầm lẫn, hơn nữa, sợ nhắc đến câu hỗn láo của tôi trước tụi học trò thì sẽ không được kính sợ nữa, thầy giáo tôi đã quẳng sách vở tôi ra sân, và trừng mắt lên nhìn tôi.
– Được, mày muốn đi học thì từ rầy đến ngày nghỉ hè hễ đến lớp là phải quỳ.
Luôn bốn hôm, tôi không thấy đói và ăn chẳng biết ngon. Đánh đáo tuy vẫn được nhiều nhưng không thấy thích. Những phim trinh thám, mạo hiểm đặc sắc không làm tôi hồi hộp say mê đến ngày hôm sau như mọi khi. Và, tôi chẳng còn muốn nhấc bước những giờ phải đến nhà trường. Mùa hè mới bắt đầu, với ánh nắng rực rỡ phấp phới trên các cành lá óng ả mượt nõn và những chòm xoan xanh tươi hứa hẹn màu thẫm của các vừng hoa đỏ. Tiếng ve liên miên ghen ghét với vạn vật tưng bừng đã thấy vang tới. Không biết từ đâu, những lớp bụi đường trắng xóa quằn quại uốn theo những đít ô-tô bóng loáng như muốn cưỡng chống làn gió ngược, để bay đi thật xa, rõ thật xa. Trên vỉa đường, các gánh dưa chuột, dưa gang và mận nhót, mềm mại, nhún nhảy nối tiếp nhau, hết tốp này đến tốp khác. Những cảnh đẹp đẽ, vui tươi mở ra ở trong sân trường và ngoài đường kia chiếu sáng luôn luôn vào mắt tôi hàng giờ mỏi mệt và nặng trĩu vì màu tường vôi vàng cặn và mùi nền gạch hôi hám. Trừ nửa giờ ra chơi, một ngày năm giờ học là năm giờ quỳ sau bảng. Và từ đấy đến kỳ nghỉ hè dài hơn hai tháng nữa. Trời! Đầu gối quỳ hơn hai trăm giờ có lẽ thành chai và ê ẩm hàng năm chắc! Tôi rất khinh thường những sự đau đớn về xác thịt ấy. Nhưng mỗi lần tôi quay nhìn vẻ mặt thản nhiên của thầy giáo, sự phẫn uất lại kết thành khối đưa lên chẹn cổ tôi…
Rồi khắp mạch máu tôi lại như có những sinh vật gì mơn man, làm cho bồn chồn, bứt rứt. Nếu ý quáết bất phục và phản kháng thầy giáo mạnh mẽ hơn chút nữa, tôi sẽ đứng ngay dậy, vứt cặp ra đường, hất hàm đi ra khỏi lớp. Vô lý! Thật vô lý! Từ hôm tôi bị quỳ, những bạn tôi dù không thuộc bài, dù bỏ làm bài hay chỉ làm bài chiếu lệ, đều chỉ bị mắng nhiếc vài câu. Hình như thầy giáo tôi muốn dung túng cho những kẻ ấy để tỏ rằng chỉ có những tội hỗn láo của tôi mới đáng trừng phạt, và thầy giáo không phải là người cay nghiệt, trái lại, rất dễ tha thứ, có lòng thương mến tất cả bầy trò nhỏ biết sợ hãi kính trọng mình. Tôi còn ý nghĩ này, không biết có đúng không: thầy giáo tôi còn có chủ tâm muốn gây ra giữa chúng tôi những sự ghen ghét. Một đằng tức tối căm hờn thấy kẻ khác có lỗi được tha thứ, một đằng ghê tởm ruồng bỏ thằng bạn ngỗ ngược bị người trên trừng phạt. Tôi càng phẫn uất thấy bạn học cùng lớp một ngày một xa tôi. Cả mấy thằng lêu lổng, lười biếng xưa kia vẫn đồng tình với tôi ngấm ngầm phản đối thầy giáo vì thường bị phạt. Chúng như tự kiêu được thấy một kẻ bị khinh miệt và đẩy xuống một địa vị thấp kém hơn chúng. Lòng tôi đã thắt lại những lúc bao nhiêu tiếng cười khoái trá cùng cất lên vì một câu trả lời ngộ nghĩnh của anh học trò lơ đễnh hay dốt nát. Vì, trong khi vui cười ấy, lắm kẻ che miệng trông tôi một cách hết sức tinh quái như bảo nhỏ rằng:
– Hồng, về chỗ ngồi đi, rồi cười góp với chúng tớ chứ. Và, có đứa lại hỏi mát lúc tôi ra chơi:
– Ban nãy mày có buồn cười không hở Hồng?
Hoặc trêu chọc tôi với những câu an ủi đãi bôi:
– Mày bị quỳ từ hôm thứ hai nhỉ? Bốn hôm rồi, tội nghiệp! Cũng may mà thằng nói câu ấy có một vẻ mặt không đáng ghét, nếu không tôi chẳng cần nghĩ ngợi gì mà không cám ơn nó bằng một cùi tay vào sống mũi. Chiều hôm thứ bảy, chưa một giờ tôi đã có mặt ở trường. Nằm trên bãi cỏ, dưới một bụi râm bụt và một gốc bàng, hai tay khoanh sau gáy, mắt lim dim, tôi ngửa mặt trông lên vòm trời bao la như bằng thủy tinh xanh phớt. Ba năm trước đây, hồi còn lớp tư, đã không biết bao nhiêu lần, tôi đến trường học sớm như thế này. Cũng trong bóng mát của bụi râm bụt này dạo đó còn lưa thưa, cũng ở dưới gốc bàng này dạo ấy còn bị tôi chồm lên bíu lên cả ngọn và dìu xuống kéo sát mặt đất những cành to nhất. Tôi yên lặng nằm, để tâm trí theo những làn mây trắng bồng bềnh tan về một phía trời. Gió thổi vù vù. Bướm say hoa trong nắng. Trong khoảng thời gian đó, chim chóc thôi không nhảy nhót. Chỉ còn tiếng xào xạc của bãi lau vàng ở đằng xa, bên kia sân, vẳng tới. Sự sinh hoạt của cả một thành phố phồn thịnh như ngừng trệ. Tôi lại sống với bao nhiêu kỷ niệm của những năm học trước cũng vào mùa hè này. Chính ở bãi cỏ, bụi cây và góc trường này đã chứng kiến bao nhiêu cuộc vui chơi của tôi. Đặc biệt là những cuộc bày trận của lớp chúng tôi, một lớp nghịch nhất, và bàn chúng tôi là bàn hăng nhất. Cũng những buổi đến sớm như buổi này, tôi cũng chúi vào giữa bụi cây đây vừa tránh nắng vừa chờ giờ mở cổng trường.
Sự yên lặng khoáng đãng lúc đó rất hợp cho sự suy tưởng của một anh học trò chưa quá mười tuổi đang đặt mình vào địa vị một ông tướng cầm đầu một toán quân tàn trước sức tấn công ghê gớm của quân thù. Tôi, ông thống soái tý hon ấy lúc bấy giờ trằn trọc loay hoay nghĩ các cách chiếm cứ thành trì của địch quân ở góc trường để cứu lấy mấy người tùy tướng can đảm, và cướp lấy lương thực khí giới. Một bãi chiến trường cát bụi lầm diễn ra trước mắt tưởng tượng của viên thống soái kia. Và, bên tai y, vang dậy tiếng reo hò ầm ỹ của hai đám quân cảm tử giáp chiến, đâm chém nhau bằng các cành cây râm bụt, các cây lau, các cành xoan tây với tất cả say sưa trong ánh nắng gay gắt, trong cát bụi nồng nực, trong cái tính khí quật cường sôi nổi. Ba năm qua… những ngày vui náo nhiệt ấy không còn nữa! Tôi lớn lên mấy tuổi. Hai khóe mắt tôi bỗng mọng lệ. Tôi hơi nghiêng mặt đi để nó cùng rớt xuống gò má. Thứ nước mằn mặn ấy rỉ ngay vào miệng tôi. Sự chua chát của những ý nghĩ phiền muộn, phẫn uất, càng nồng nàn. Và, mắt tôi mờ dần sau một màng ướt át dày đặc. Những cái thở nóng ran dồn dập đưa mãi lên đến cổ họng tôi…
Tôi trở mình, nằm sấp mặt lên cánh tay phải. Từ hôm bị phạt quỳ đến nay là năm hôm, đến phút giờ này tôi mới thấy cơ cực đau đớn đến thế. Vì bao nhiêu há vọng được tha đã tiêu tan cả rồi. Ban sáng, tôi đứng chực ở cửa sau lớp, chờ thầy giáo đến để xin lỗi
– tôi nhận rằng tôi có lỗi
– và xin được về chỗ ngồi học, thì thầy đã quay mặt đi chỗ khác, hồi lâu mới hất hàm nói với tôi:
– Không bao giờ tao đổi lời! Mày muốn quỳ hay ở nhà tùy ý.
Đoạn, thầy làm thinh bước nhanh vào lớp. Không! Tôi không thể chịu đựng sự nhục nhã lâu hơn được nữa! Một ngày quỳ năm giờ, tôi tưởng đầu gối ê ẩm sẽ quen đi, ngờ đâu chiều hôm thứ tư, tôi thấy chói nhức không thể nào chịu thêm được. Khi trống ra chơi đánh, tôi đứng dậy, phải nắn bóp một lúc mới khỏi loạng choạng. Tôi căm hờn và lo nghĩ tới hơn sáu mươi ngày đằng đẵng, phải quỳ ở góc tường hôi hám sau cái bảng xoay mà màu đen của nó một giờ một đè nặng lên tâm trí tôi với những cảm giác mỏi mệt, chán nản như lượt hắc ín bám chặt lấy tấm cửa đề lao. Tiếng ve sầu lanh lảnh càng dướn cao. Trong làn không khí oi ả của trưa hè bỗng nổi lên, nhí nhảnh thấp thoáng, tiếng hót ríu rít của một đàn chim khuyên bay chuyền ở những cây bàng chỗ tôi nằm. Chợt một làn gió cuốn nhanh bụi về phía tôi. Tôi vội nhắm mắt lại. Mi mắt vừa chớp xuống, nước mắt tràn ra ngay. Nhưng khi tôi mở to mắt ra, cái màng nước đọng ấy vẫn còn mong manh. Tôi liền đưa cánh tay áo gạt đi. Tức thì một thác ánh nắng ở trên trời rào xuống. Tôi có cái cảm giác trông thấy muôn vàn cánh hoa cánh bướm phấp phới trong đám bụi vàng bụi bạc và trong ánh sáng ngời của pha lê chói điện. Lại một làn gió khác… Lại một làn gió khác… Tiếng xào xạc trong các chòm sấu, các tán bàng và bãi lau rộng cất cao mãi lên. Bầu trời xán lạn sâu thêm, rộng thêm, muốn kéo vút ngay người nhìn lên các cõi xa thẳm vô cùng tận. Trống trường lần thứ hai bỗng nổi dậy. Một loạt tiếng rào rào ran lên rồi lịm dần. Một cảm giác lạnh dọi bỗng chạy suốt sống lưng tôi. Như có một bàn tay bằng thép mỏng vuốt từ đầu xuống gáy tôi rồi móc vào xương quai xanh tôi để kéo tôi vào hàng học trò xếp dài ở sân: cái bàn tay của thầy giáo tôi đã giúi tôi vào cái góc tường hình phạt và không bao giờ nhấc cho tôi lên nữa. Tôi vùng đứng dậy, mê man, chạy như biến ra đường…
1938