Cách bảy năm sau.
Một buổi chiều tháng giêng, bầu trời sáng trong, gió thổi mát mẻ. Tan hầu, mấy ông mấy thầy từ các sở đi ra, ai cũng muốn thả lều bều trên đường Catinat, hoặc đi chung quanh Chợ Mới mà hứng gió xem hàng, duy có người nào có việc nhà mới vội vã về gấp.
Ông Còm-mi Quan ra khỏi cửa dinh Đốc lý thì bước lên chiếc xe nhỏ ba chỗ ngồi, tay cầm tay lái, chân đạp máy, cho xe chạy xuống đường Espagne bây giờ gọi là đường Lê Thánh Tôn. Tới trước tiệm may “Xuân Quan” xe ngừng sát lề đường. Quan tắt máy rồi bước xuống xe mà đi vô tiệm may.
Dì Hai Oanh đương ngồi tiếp chuyện với ba người khách đặt may áo, vừa thấy Quan vô thì vui vẻ hỏi:
– Tan sở rồi hay sao con?
– Dạ, tan sở rồi.
– Hôm nay tan sở rồi mà trời còn sớm quá.
Dì liền day vô nhà trong mà nói trổng: “Đứa nào ở không đó thì cho cô Hai hay đặng về kẻo sắp nhỏ nó trông.“
Cô Quế tươi cười đi xuống thang và vội vã nói với chồng:
– Được, được. Em đang lật đật xuống để về cùng anh đây.
– Về sớm đặng qua tưới đồ một chút, vì bữa nay trời nắng quá, sợ vườn hoa khô héo hết.
– Anh sợ vườn hoa khô héo, còn anh không sợ hai con trông hay sao?
– Quan ngó vợ rồi cười mà đáp nho nhỏ: “Sợ hết cả hai.”
Cô Quế càng thêm vui vẻ, màu hạnh phúc càng chói loà mặt mày cô.
Quan với Quế dắt nhau đi ra, tới chỗ dì Hai Oanh ngồi nói chuyện với khách, thì ngừng lại từ giã rồi mới lên xe. Dì Hai Oanh ngồi ngó theo hai trẻ bằng cặp mắt chứa chan thân ái.
Một bà khách hỏi dì Hai Oanh:
– Con và dâu bà đó phải không?
– Thưa, không. Con nhỏ là cháu gọi tôi bằng dì, chớ không phải là con, còn chồng nó hiện làm Còm-mi trên dinh Đốc lý.
– Hèn chi hai vợ chồng không ở chung với bà.
Một bà khách quen với dì hai đã lâu nên biết gia đạo của dì, bèn rước đáp:
– Vợ chồng cô Hai có nhà trên Phú Nhuận, mỗi bữa cô xuống coi thêu rồi chiều cô về, chớ ở dưới nầy sao được.
Dì Hai Oanh tiếp lời:
– Nó có tới hai đứa con, bữa nay có đồ thêu gấp, trưa nó phải ở lại mà thúc cho thợ họ thêu, mà nó nhảy nhót nhớ con ngồi không an. Nó là chủ tiệm mà nó bỏ phú cho tôi. Phần lúc nầy đồ nhiều, nên tôi mệt hết sức.
Thiệt như vậy, tiệm may “Xuân Quan” nầy là tiệm của cô Quế. Còn Quan là người bạn trong nhóm Mai, Lan, Cúc, Trước hồi trước đó là chồng của cô.
Số là khi Xuân xuống tàu đi Tây rồi, thì cô Quế không đi thêu mướn nữa, cô dùng một ngàn đồng bạc Xuân để lại cho cô đó mà mướn phố dọn tiệm may. Dọn tiệm may xong rồi, cô không biết phải đặt hiệu tiệm thế nào, cô mới lấy tên của hai người bạn thiết là Xuân và Quan mà đặt, ý muốn kỷ niệm tình thân ái của cô với hai anh bạn.
Trong tiệm thì cô Quế quản xuất về phần thêu, còn dì Hai Oanh chủ trương về phần may. Thêu thiệt tươi mà may cũng thiệt khéo, bởi vậy tiệm “Xuân Quan” lập ra trong vòng mấy tháng thì danh tiếng lẫy lừng khắp Sài thành. Mấy bà mấy cô mặc quần áo hay là đi giày thêu mà không phải của “Xuân Quan” may hay thêu thì chưa phải là người biết ăn mặc đứng đắn. Hàng ngày khách đến tiệm may áo may quần hoặc đặt thêu mặt gối nườm nượp. Dì cháu cô Quế phải mướn đến hai mươi người thợ phụ thêu và may mới kịp.
Vì Quan đã hứa bão hộ cô Quế, mà lại có lời Xuân căn dặn thêm nữa, nên Quan làm việc ở Sài Gòn thường hay ghé lại tiệm mà thăm. Mỗi lần Quan ghé thì cô Quế niềm nở vui vẻ, cùng nhắc nhở Xuân luôn luôn. Quan mừng cho cô Quế làm ăn thịnh phát, cô Quế cám ơn đạt được hy vọng cô ôm ấp từ lâu.
Tới lui gần gũi nhau thường, tình của Quan với Quế càng thêm dan díu. Có khi ngồi nói chuyện chơi rồi Quan từ giã ra về, chừng ra đường Quan tự hỏi thầm trong trí: ”Có phải cô Quế là người bạn trăm năm của ta hay không?”
Còn cô Quế khi thanh vắng nằm một mình, cô nhớ tới Xuân và Quan, cô cũng thì thầm trong trí: “Anh Xuân nhứt định không lập gia đình. Còn anh Quan trái hẳn, ảnh giữ chủ nghĩa gia đình, song ảnh đợi người đồng tâm, đồng chí ảnh mới chịu phối hiệp. Không biết mình có phải là người đồng tâm đồng chí đó không?”
Hai người tuy có để ý tới sự hiệp nhau dựng gia đình, xây hạnh phúc, song hoặc còn ái ngại, hoặc chưa quyết định, nên ai giữ kín ý nấy, không tỏ cho nhau biết.
Sự làm ăn của cô Quế thiệt mau phát đạt. Dọn tiệm mới có một năm mà trong tủ có đôi ba ngàn tiền dư. Cô Quế đã có sắc có hạnh, lại có tiền nữa thì càng thêm duyên. Bởi vậy có nhiều ông sang trọng gấp ghé muốn cậy mai mối mà cưới cô.
Một đêm Quan ghé thăm. Dì Hai Oanh mệt mỏi nên đã nghỉ rồi. Cô Quế mời Quan lên lầu. Bữa nay cô Quế có sắc nghiêm trọng chớ không vui vẻ như lúc trước. Quan lấy làm lạ, đương suy nghĩ thì thình lình cô Quế nói:
– Em có một việc riêng muốn tỏ với anh.
– Việc chi thì em cứ nói cho qua nghe.
– Có một ông Đốc-tờ muốn cưới em.
– Em ưng hay không?
– Em chưa nhứt định. Em muốn hỏi anh coi ý anh nghĩ thế nào?
Quan châu mày nghĩ một chút rồi mới hỏi lại:
– Em biết tánh tình ông Đốc-tờ đó hay không?
– Em biết mặt chớ không biết tánh tình.
– Vợ chồng thì phải ý hiệp tâm đầu thì mới ở đời với nhau được. Em nên dọ tánh tình của người cho rõ rồi sẽ nhứt định. Qua không quen với người ấy, nên qua khó mà tỏ ý kiến của qua về cuộc trăm năm của em.
Cô Quế trầm ngâm rồi cô đưa tay chỉ vào chiếc cà rá mà nói: “Chiếc cà rá nầy nó làm cho em ngần ngại nhiều lắm. Em không dám tin người đàn ông nào hết, trừ ra anh với anh Xuân.”
Quan chưng hửng, ngước mắt ngó ngay cô Quế và hỏi:
– Thiệt như vậy hay sao?
– Thiệt như vậy.
– Tại sao em lại tin qua với anh Xuân?
– Tại em thấu hiểu tánh tình của hai anh.
Quan lơ lửng một hồi rồi mới nói:
– Xuân không chịu lập gia đình.
– Phải…Ảnh quyết định như vậy.
– Còn qua thì trọng gia đình… Ví như hai anh em mình hiệp nhau mà lập gia đình, theo ý em, cái gia đình ấy có thể có hạnh phúc hay không?
– Sẽ có hạnh phúc nhiều lắm.
– Vậy thì chúng ta sẽ lo lập gia đình ấy, lập cho mau.
Cô Quế gật đầu và ngó Quan mà cười.
Quan khoan khoái trong lòng không ngồi yên được nữa nên đứng dậy đi qua đi lại mà nói:
– Chúng ta sẽ thành một cặp phụng hoàng đứng trên cây tùng già ngó mông ra khoảng đồng ruộng mênh mông như trong tấm thêu của em năm ngoái.
Cô Quế nói:
– Chẳng những cặp phụng hoàng ấy đậu trên cây tùng rồi ngó mông mà thôi, nó còn kêu mà chỉ đường hạnh phúc cho thanh niên nam nữ khác nữa.
Quan hết sức vui mừng sung sướng, đứng ngó cô Quế mà nói;
– Qua cũng bắt đầu nếm mùi hạnh phúc rồi.
– Em cũng vậy.
– Cha chả, Xuân biết chúng ta phối hiệp trăm năm đây chắc ảnh không vui.
– Sao lại không vui? Ảnh không chịu lập gia đình thì thôi, ảnh muốn người khác cũng phải theo ảnh sao được. Mà em muốn chúng ta đừng cho ảnh biết cuộc phối hiệp của chúng ta. Chúng ta viết thơ cho ảnh thì nói việc thường mà thôi, chớ đừng nói tới việc nầy. Chừng nào ảnh về rồi thì ảnh hay chẳng muộn gì. Anh chịu như vậy hay không?
– Chịu. Em tính như vậy thì hay lắm. Ảnh mắc lo học. Mình phải để cho ảnh yên chí, chẳng nên làm rộn cho ảnh. Huống chi ảnh nghịch với chủ nghĩa gia đình, thì đám cưới chẳng cần phải cho ảnh hay.
Người ta thường nói phải có duyên nợ mới kết thành vợ chồng được. Không biết cái lý thuyết ấy có chánh đáng hay không, nhưng mà đối với cô Quế và Quan đây thì nó đúng lắm. Cô Quế kết bạn với Quan và Xuân, vì Xuân có tánh đa sầu đa cảm, còn Quế có tánh thận trọng trầm tĩnh, nên cô tưởng Xuân có tình với cô nhiều hơn Quan, chẳng dè tình ý bây giờ lộn ngược, làm cho người mà cô để ý lại không có tình, còn người cô không để ý lại có tình. Đó không phải là duyên nợ hay sao?
Ngày lễ Quan về Trà Vinh thưa với mẹ và anh hay, rồi chánh thức tỏ với dì Hai Oanh mà xin cưới cô Quế. Đám cười làm đơn tiện, mời bà con mà thôi, đến Triều mà Quan cũng không cho hay. Cưới rồi Quan về ở chung tại tiệm may mà đi làm việc. Tình vợ chồng ngày nay cũng như tình bằng hữu hồi trước, vẫn một mực chân thành ái kính luôn luôn. Y như lời cô Quế đoán trước, gia đình thiệt là đầm ấm, chồng yêu vợ, vợ kính chồng, mỗi người đều giữ nhiệm vụ vuông tròn nên bầu trời cứ thanh bạch, chẳng bao giờ có một cụm mây phưởng phất.
Cái hạnh phúc của Quan với Quế càng bữa càng lớn thêm hoài. Chẳng những tiệm may được thạnh lợi hơn mà thôi; mà vợ chồng ở được vài năm thì sanh được một đứa con trai đặt tên là Minh, rồi mới năm ngoái đây lại còn sanh thêm một đứa con gái nữa, đặt tên là Phượng. Minh và Phượng là kết quả của niềm ân ái vừa nồng nàn vừa thanh bạch giữa Quan và Quế, mà cũng hai đóa hoa tươi đẹp vừa mới nảy nở để thêm duyên thêm quí cho gia đình trẻ nầy. Bởi vậy Quan với Quế trân trọng đêm ngày, tuy vợ chồng phải đi làm việc, song chẳng có lúc nào hình ảnh hai trẻ không có vởn vơ trong trí.
Năm ngoái, khi sanh Phượng rồi, cô Quế một là muốn mẹ chồng được chung hưởng hạnh phúc gia đình, hai là muốn đem cái hạnh phúc ấy mà để vào một cảnh thanh tịnh tiêu diêu, nên cô than thở xin chồng kiếm mua một miếng đất gần Sài Gòn cất một cái nhà nho nhỏ mà ở cho con chơi thong thả và đặng rước mẹ chồng về ở chung cho vui.
Có một căn nhà, không cần mỹ lệ, song phải cao ráo mát mẻ, ở giữa một miếng đất có hoa quả, cải rau, ấy là cái hy vọng của Quan thuở nay. Hôm nay Quan thấy vợ cũng hiệp ý với mình, lại trong nhà bây giờ có dư đến năm bảy ngàn đồng bạc, bởi vậy Quan không dụ dự, quyết tán thành nguyện vọng của vợ mà cũng là sự mơ ước của mình.
Lúc ấy ở chung quanh Sài Gòn đất trống có nhiều mà bán giá rẻ. Nhờ có anh em quen chỉ dẫn, Quan mua bên Phú Nhuận, dựa trên đường lên Lăng Cha Cả, một miếng đất rộng hơn một mẫu mà giá chỉ có một ngàn đồng thôi. Mua đất rồi Quan đặt cất một cái nhà ngói ba gian vách ván, có nhà bếp, nhà xe, có lồng bồ câu, có giếng nước ngọt, các cuộc tốn hao hết hai ngàn nữa.
Nhà cất xong rồi, vợ chồng Quan dọn hết những đồ của Xuân để lại mà đem về đó, có thiếu bàn ghế tủ giường thì mua thêm, rồi vợ chồng về ở với con và Quan cũng rước mẹ là bà Hương sư Huy lên ở với mình.
Quan mua một chiếc xe hơi nhỏ để mỗi ngày, sớm mai cũng như xế chiều, vợ chồng xuống Sài Gòn, chồng làm việc, vợ coi tiệm. Ở nhà thằng Minh có đứa giữ, con Phượng có vú nuôi, lại có bà Hương sư coi sóc trong ngoài, cũng như ở dưới tiệm có dì Hai Oanh nên vợ chồng Quan khỏi nhọc lòng cực trí.
Miếng đất rộng quá. Quan liệu khó mà trồng cho giáp hết được, bởi vậy Quan chia hai ra rồi phía sau cho người ta trồng thuốc, trồng đậu, trồng bắp, trồng khoai. Quan ra vốn mua giống, mua phân rồi giao cho họ trồng, họ ra công ươm trồng, vô phân rồi tưới nước, chừng bán được bao nhiêu tiền thì họ chia cho Quan phân nửa. Kẻ có của người có công, hai đàng đều vui lòng, Quan xuất vốn thì có lợi, mà họ ra công cũng không thiệt hại.
Còn phân nửa miếng đất nằm về phía trước, thuộc chung quanh nhà thì Quan mướn người coi trồng. Trước sân trồng đủ thứ bông, dọc theo mé quan lộ trồng một hàng mít, hai bên nhà trồng rau trồng cải, trồng ớt, trồng nhãn, trồng trầu, còn phía sau nhà trồng mỳ trồng khoai lang, có khi cũng thay đổi mà trồng bắp, trồng mía.
Trót một năm nay gia đình Quan yên tĩnh cũng như mặt biển lúc trời còn êm, hạnh phước của cô Quế như mùa xuân trăng tỏ. Chung kính mẹ, chung kính dì, chung yêu con, chung làm việc, vợ chồng Quan chẳng mơ ước điều chi khác nữa, chỉ mong làm sao cho chuỗi ngày hạnh phúc nầy kéo dài cho mãn đời.
Chiều hôm đó Quan ghé tiệm “Xuân Quan” mà rước vợ chạy riết về nhà. Xe vô sân vừa ngừng thì thằng Minh chạy ra kêu ba má líu lo, còn con Phượng còn nằm trên tay chị vú, song nó cũng đưa hai cánh tay mềm mại non nớt ra đòi má ẵm. Quan bồng Minh, Quế ẵm Phượng cùng đi vô nhà, vừa đi vừa hun con, vẻ hân hoan chan hoà trên các mặt, từ cha mẹ cho đến hai con. Bà Hương sư ngồi chơi trước hàng ba, bà thấy con cháu tràn trề thân ái như vậy thì bà vui lòng khôn tả, nên bà chúm chím cười mà vì bà cảm động quá nên bà ứa nước mắt.
Gia đình hạnh phúc là đó!
Bức tranh thêu cặp phụng hoàng đứng trên cây tùng già ngó thẳng ra đồng ruộng bát ngát kêu mà chỉ đường hạnh phúc cho thanh niên nam nữ là đó.
Quan nựng nịu Minh, kề mặt Phượng mà hun rồi đi thay đồ đặng ra tiếp với hai đứa ở tưới hoa tưới kiểng. Quan mặc quần vắn, đi chân không, tay xách thùng nước đi tưới cây coi gọn gàng mạnh mẽ. Thằng Minh lẩm đẩm chạy theo cha, tay cầm một chiếc lon mà bắt chước cha tưới nước coi rất ngộ nghĩnh.
Ăm tối rồi thì trăng mọc đã cao.
Chị vú đem em bé Phượng vô buồng mà dỗ ngủ.
Bà Hương sư và cô Quế dắt Minh ra ngồi trên băng đá để giữa sân mà thưởng nguyệt nhìn hoa.
Còn Quan thì cũng như mỗi buổi tối, hễ ăn cơm rồi thì ngồi tại bàn viết hút thuốc và đọc báo, đọc cho hết rồi mới chịu ra ngoài đi bách bộ mà hóng mát.
Bóng trăng tròn tỏ rạng, mùi hoa thơm ngào ngạt, hơi gió thổi lai rai, nhành cây đưa lúc lắc.
Minh đương ôm bắp vế mẹ mà nói nhõng nhẽo: “Mai má cho con xuống tiệm nghe hôn má.”
Cô Quế vuốt tóc con mà đáp:
– Con xuống tiệm chi con? Ở nhà chơi với bà nội chớ.
– Con chơi với bà nội hổm nay. Con muốn xuống con chơi với bà ngoại.
– Con muốn đi thì con phải xin phép với bà nội. Như bà nội cho thì má sẽ dắt đi.
Minh buông mẹ ra mà bước qua bà Hương sư mà nói: ”Bà nội cho con đi, nghe bà nội”.
Bà Hương sư ôm cháu hun khắp mặt mày rồi nói:
– Ừ, mai con đi theo ba má xuống thăm bà ngoại. Hổm nay con lâu xuống chắc bà ngoại nhớ lắm.
Thình lình trong nhà Quan cất tiếng kêu và nói lớn: ”Em ơi em, anh Xuân về gần tới rồi.”
Cô Quế chưng hửng vừa đứng dậy đi vô nhà vừa nói: ”Anh Xuân về?…Ai nói với anh mà anh biết.”
Quan cứ ngồi trong nhà mà đáp: ”Qua thấy trong nhựt trình đây. Em vô coi”.
Cô Quế bươn bả vô nhà, Quan vừa chỉ vào tờ nhựt trình vừa vui vẻ nói: “Nhựt báo đăng đủ hành khách đi chiếc tàu “ARAMIS”, ở Marseille chạy bữa 10 tháng 2. Trong số hành khách có tên Xuân, kỹ sư nông học rõ ràng đây. Mấy năm nay tuy anh Xuân ít gởi thơ và giấu kín không chịu cho mình biết ảnh học khoa nào, song qua có hỏi mấy người ở bên Tây về, thì họ nói ảnh học trường Nông Phố Nogent– sur– Marne. Tên Xuân kỹ sư nông học đi chiếc “ARAMIS” đây, thì ảnh chớ ai ”.
Cô Quế cúi xuống xem kỹ lại rồi cảm xúc nên thủng thẳng nói: “Phải rồi…Chắc ảnh…”
Cô Quế lại ngồi cái ghế để trước bàn viết, mắt ngó chồng trân trân và nói tiếp:
– Anh Xuân về!… Em mừng quá!…
– Qua cũng mừng…
– Phải đón tàu mà rước ảnh. Không biết chừng nào tàu tới?
– Ở Marseille đi bữa 10 tháng 2, chừng 7 tháng 3 sẽ tới Sài Gòn. Bữa nay đã ra khỏi Biển Đỏ rồi. Để gần tới qua sẽ hỏi thăm hãng Nhà Rồng coi chắc giờ nào, ngày nào về.
– Nên cho anh Triều hay đặng ảnh lên mà rước với mình hay không?
– Thôi, lúc nầy đương gặt hái anh Triều mắc lo góp lúa chẳng nên làm rộn ảnh.
– Nhóm Mai, Lan, Cúc, Trước phải hội đại hội chớ… Đã bảy năm rồi.
– Để Xuân về mình phải dọ coi ý ảnh thế nào rồi sẽ hay.Từ ngày ảnh đi Tây, cả năm ảnh mới gởi cho mình một tấm bưu thiếp viết ít chữ sơ sài, không chắc tình bằng hữu như trước nữa. Vậy mình cũng chẳng nên nói chuyện đó làm chi.
– Phận em có thọ ơn của anh Xuân: nhờ có một ngàn đồng của ảnh, em mới leo lên địa vị chủ nhơn rồi làm ăn khá đây, dầu thế nào vợ chồng mình cũng phải lo đền bồi ơn ấy.
– Đó là lẽ dĩ nhiên. Ơn nghĩa phải lo đền đáp, quên làm sao được.
– Em coi ý anh Triều không thích anh Xuân; ảnh thương vợ chồng mình hơn. Anh nhớ không? Lúc vợ chồng mình mới cưới được vài tháng, anh Triều có dịp lên Sài Gòn ảnh kiếm mình ảnh thăm. Ảnh hay hai anh em mình kết nghĩa trăm năm thì ảnh mừng lắm, ảnh khen mình quá, còn ảnh nói hơi như ghét anh Xuân.
– Anh Triều xu hướng về chủ nghĩa gia đình. Mình đồng ý với ảnh nên ảnh thích. Còn ảnh nói anh Xuân là người “Vô gia đình” nên ảnh không ưa.
– Anh Xuân học xong rồi, chừng về xứ chắc ảnh cũng cưới vợ như người ta chớ gì?
– Cái đó qua không dám biết. Anh Xuân nuôi ý khác mọi người. Ảnh mê mẫn với chủ nghĩa chấn hưng xã hội. Ảnh quyết hy sinh đời ảnh để lo khai phá. Không biết mấy năm nay ảnh đổi ý chưa?
– Em tiếc cái nhóm “Mai, Lan, Cúc, Trước” không sum hiệp được như hồi xưa nữa.
– Qua cũng tiếc như em. Cuộc đời thường thay đổi, lòng người cũng vậy. Để thủng thẳng coi…
Bà hương sư dắt Minh vô nhà. Minh lại đứng trước cha mẹ và khoanh tay xin phép đi ngủ. Vợ chồng Quan ôm con mà hun một hồi rồi Minh mới đi theo bà nội mà đi ngủ.
Bóng trăng càng thêm tỏ, khí trời càng thêm mát, tuy gió vàng đã lặng êm, ngọn cây đều đứng sững.
Bây giờ vợ chồng Quan mới vặn cho lu đèn trong nhà rồi cùng nhau đi ra giữa vườn hoa thơm rực rỡ ngồi mà bàn tiếp chuyện Xuân, tính coi phải rước Xuân như thế nào, phải làm cách nào cho chưng hửng, phải mời Xuân ở đâu, phải làm sao mà đem trí ý thực tế để thay cho đầu óc mơ mộng của Xuân, nhứt là phải liệu phương nào gây lại tình bằng hữu thuở xưa.
Vợ chồng bàn tính tới khuya mới đi ngủ.