Suối Nguồn - Chương 8

VIII.

Khi ở trên một hòn đảo hoang, việc đi bộ trên mặt đất làm cho người ta cảm thấy mình đang được neo giữ với phần còn lại của trái đất.

Nhưng khi ở trong căn hộ áp mái của họ, với điện thoại bị ngắt, Wynand và Dominique không có cảm giác về năm mươi bảy tầng lầu phía dưới hay về những bê tông cốt thép. Đối với họ, căn nhà dường như được neo vào trong không gian; nó không phải là một hòn đảo, mà là một hành tinh. Thành phố trở thành một hình ảnh cố hữu, một ý tưởng trừu tượng mà họ không thể liên lạc được; giống như bầu trời, chỉ là một cảnh đẹp để ngắm nghía, chứ không có bất cứ một mối liên hệ trực tiếp nào với cuộc sống của họ.

Trong suốt hai tuần sau đám cưới, họ không hề ra khỏi căn hộ. Cô có thể bấm thang máy và phá vỡ những tuần lễ này bất kỳ lúc nào cô muốn; nhưng cô không muốn điều đó. Cô không có ham muốn chống cự, hay suy tính, hay chất vấn. Chỉ có sự hân hoan và bình yên.

Khi cô muốn, ông ngồi nói chuyện với cô hàng giờ. Khi cô muốn, ông sẵn lòng ngồi yên lặng, quan sát cô với ánh mắt xa xôi, bình thản như khi ông ngắm nghía những vật thể trong gallery của mình. Ông trả lời mọi câu hỏi cô đặt ra. Ông không bao giờ hỏi gì cả. Ông không nói về cảm xúc của mình. Khi cô muốn ở một mình, ông không gọi cô. Một buổi tối, khi ngồi đọc sách trong phòng mình, cô nhìn thấy ông đang đứng bên lan can lạnh cóng của vườn cây tối sẫm cạnh nhà. Ông không hề ngoái đầu nhìn căn nhà, ông chỉ đứng trong vệt sáng chiếu ra từ cửa sổ phòng cô.

Sau khi hai tuần đó kết thúc, ông quay lại với công việc của mình ở tòa soạn tờ Ngọn cờ. Thế nhưng sự cách ly với thế giới bên ngoài vẫn tồn tại nguyên vẹn, như là một quy ước đã được tuyên bố và sẽ được gìn giữ suốt những ngày sắp tới của họ. Ông về nhà vào buổi tối và thành phố tạm ngừng tồn tại. Ông không có ham muốn đi bất kỳ đâu. Ông không mời khách khứa đến nhà.

Ông chưa bao giờ nói ra, nhưng cô biết rằng ông không muốn cô bước ra khỏi căn nhà, cho dù với ông hay là đi một mình. Đó là một nỗi ám ảnh thầm kín mà ông không lường trước. Khi về đến nhà, ông hỏi “Em có đi ra ngoài không?” chứ chưa bao giờ hỏi “Em đã đi đâu?” Đó không phải là sự ghen tuông – việc cô “đi đâu” không có ý nghĩa gì cả. Khi cô muốn mua một đôi giày, ông gọi ba cửa hàng gửi các mẫu giày đến cho cô lựa chọn – cách này ngăn cô khỏi phải đến cửa hàng. Khi cô nói rằng cô muốn nhìn một bức tranh nào đó, ông cho xây một phòng chiếu trên mái nhà.

Cô ngoan ngoãn nghe lời trong một vài tháng đầu. Khi cô nhận thấy rằng cô yêu sự tách biệt với thế giới bên ngoài của hai người, cô phá vỡ nó ngay tức khắc. Cô buộc ông chấp nhận những lời mời, và cũng mời khách khứa đến nhà. Ông chiều theo ý cô, không hề phản đối.

Nhưng ông luôn giữ một bức tường mà cô không thể phá vỡ – đó là bức tường ngăn giữa cô và những tờ báo của ông. Tên cô không bao giờ xuất hiện trên những trang báo đó. Ông phá tan mọi cố gắng của đám nhà báo nhằm đưa bà Wynand ra trước công chúng – như việc đứng đầu các hội đồng, tài trợ các hoạt động từ thiện, lên tiếng ủng hộ các cuộc vận động lớn. Ông chẳng ngại ngần bóc những lá thư gửi đến cho cô – nếu như phần danh tính của bức thư để lộ mục đích của nó – ông sẽ hủy nó mà không thèm trả lời, rồi sau đó nói cho cô biết rằng ông đã hủy bức thư đó. Cô nhún vai và không nói gì cả.

Tuy thế, dường như ông không chia sẻ sự coi thường của cô đối với các tờ báo của ông. Ông không cho phép cô bàn luận về chúng. Cô không thể nào biết ông nghĩ gì hay cảm thấy thế nào về những tờ báo đó. Có một lần, khi cô nhận xét về một bài xã luận chướng tai gai mắt, ông nói lạnh lùng:

“Tôi chưa bao giờ xin lỗi về tờ Ngọn cờ. Tôi sẽ không bao giờ.”

“Nhưng Gail, bài này thật quá tệ.”

“Tôi nghĩ em đã lấy tôi với tư cách chủ báo của tờ Ngọn cờ.”

“Tôi nghĩ là ông không thích nghĩ như thế.”

“Việc tôi thích hay không thích cái gì không có liên quan tới em. Đừng trông đợi tôi sẽ thay đổi hay hy sinh tờ Ngọn cờ. Tôi sẽ không làm điều đó vì bất kỳ ai trên trái đất này.”

Cô cười to. “Tôi sẽ không yêu cầu điều đó đâu, Gail.”

Ông không hề cười đáp lại.

Trong phòng làm việc ở tòa nhà Ngọn cờ, ông làm việc với một nguồn năng lượng mới – một thứ năng lượng sung mãn, hân hoan. Điều này làm bất ngờ ngay cả những người đã biết ông trong những năm tháng tham vọng nhất. Ông ở lại văn phòng cả đêm khi cần – điều lâu nay ông không làm. Không có gì thay đổi trong phương pháp và đường lối của ông. Alvah Scarret quan sát ông với sự hài lòng. “Chúng ta đã nhầm về ông ấy, Ellsworth,” Scarret nói với người đồng hành thường xuyên của mình – “Gail vẫn như thế, Chúa phù hộ cho ông ấy. Lại còn tốt hơn bao giờ hết.”

“Alvah yêu quý ơi, mọi thứ không đơn giản như anh nghĩ đâu – và cũng chẳng nhanh thế đâu.” – Toohey nói.

“Nhưng ông ấy đang hạnh phúc. Ông không nhìn thấy ông ấy hạnh phúc sao?”

“Hạnh phúc là điều nguy hiểm nhất đối với ông ấy. Và với tư cách một người luôn theo chủ nghĩa vị nhân sinh, tôi nói điều này là vì chính ông ấy.”

* * *

Sally Brent quyết định đánh lừa sếp của cô. Sally Brent là một trong những tài sản đáng tự hào nhất của tờ Ngọn cờ. Cô là một phụ nữ trung niên, mập mạp, luôn ăn mặc như một người mẫu theo phong cách của thế kỷ hai mươi mốt, nhưng viết lách hết sức thủ cựu. Cô có rất nhiều độc giả ruột trong số những độc giả của tờ Ngọn cờ. Sự nổi tiếng của cô làm cô quá tự tin.

Sally Brent quyết định viết một câu chuyện về bà Gail Wynand, loại chuyện theo gu của cô – loại nhanh chóng bị vứt vào sọt rác. Bằng những thủ thuật mà cô học được dưới sự đào tạo của Wynand về việc tìm cách lọt vào những chỗ mà người thường không thể vào được, cô đã được phép vào căn hộ của Wynand. Cô xuất hiện với vẻ ấn tượng thường ngày – một bộ váy đen với một bông hoa hướng dương tươi đeo trên cầu vai, thứ trang sức đặc trưng của cô. Cô gần như nín thở khi nói với Dominique “Thưa bà Wynand, tôi đến đây để giúp bà lừa phu quân của bà.”

Cô nháy mắt một cách tinh nghịch và giải thích: “Thưa bà, ngài Wynand đáng kính của chúng ta đã không công bằng với bà khi tước đi quyền nổi tiếng chính đáng của bà vì một lý do nào đó mà tôi không thể hiểu nổi. Nhưng bà và tôi – chúng ta có thể thay đổi ông ấy. Một người đàn ông có thể làm được gì khi mà cánh đàn bà chúng ta tập hợp lại? Đơn giản là ông ấy không hiểu được bà là một đề tài hấp dẫn đến thế nào. Hãy kể cho tôi chuyện của bà. Tôi sẽ viết một câu chuyện hay đến mức ông ấy không thể không cho đăng nó.”

Dominique đang ở nhà một mình. Cô mỉm cười với một vẻ mà Sally Brent chưa từng thấy; đến nỗi, mặc dù có một đầu óc quan sát tinh tế, Sally cũng không thể tìm được một tính từ chính xác mô tả nụ cười ấy. Dominique kể một câu chuyện đúng như thể loại mà Sally mong chờ.

“Vâng, dĩ nhiên là tôi chuẩn bị bữa sáng cho ông ấy,” Dominique kể. “Ông ấy rất thích món thịt hun khói và trứng…” Ồ, vâng, cô Brent, tôi rất hạnh phúc. Mỗi sáng khi mở mắt ra, tôi tự nhủ rằng đây không thể là sự thật, không lẽ nào một người nhỏ bé như tôi lại trở thành phu nhân của Gail Wynand vĩ đại, người có trong tay hàng tá người đẹp trên thế giới để mà lựa chọn. Cô biết đấy, tôi đã thầm yêu ông ấy nhiều năm. Ông ấy là giấc mơ của tôi, một giấc mơ đẹp và không thể với tới. Và giờ đây, giấc mơ đó trở thành hiện thực. Cô Brent, hãy làm ơn mang thông điệp này của tôi tới những người phụ nữ Mỹ: Sự kiên nhẫn luôn được đền đáp xứng đáng và hạnh phúc ngọt ngào chỉ ở đâu đó quanh ta. Tôi nghĩ đấy là một ý nghĩ tốt đẹp và nó sẽ giúp ích cho các cô gái khác như nó đã giúp tôi. Vâng, tất cả những gì tôi muốn trong cuộc đời này là làm cho Gail được hạnh phúc, được chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn với ông ấy, và trở thành một người vợ, một người mẹ tốt.”

Alvah Scarret đọc câu chuyện này và khoái chí đến độ bất cẩn. “Đăng ngay đi, Alvah”, Sally hối thúc anh. “Để một bản in thử trên bàn ông ấy. Ông ấy sẽ đồng ý cho mà xem. Ông ấy không thể không đồng ý…” Tối hôm đó, Sally Brent bị đuổi việc. Hợp đồng làm việc đắt giá của cô bị mua lại mặc dù nó có giá trị ba năm nữa. Cô bị cấm không bao giờ được bước chân vào trụ sở tòa soạn tờ Ngọn cờ dù với bất kỳ lý do nào.

Scarret cuống cuồng phản đối: “Gail, ông không thể sa thải Sally, không thể là Sally!”

“Khi nào tôi không thể sa thải bất cứ nhân viên tòa soạn nào tôi muốn, tôi sẽ đóng cửa tờ báo và cho nổ tung cái tòa nhà khốn khiếp này,” Wynand bình thản đáp lại.

“Nhưng còn độc giả của cô ta, chúng ta sẽ mất họ!”

“Quỷ tha ma bắt độc giả của cô ta đi.”

Trong bữa ăn tối hôm đó, Wynand lấy trong túi một cuộn giấy nhàu nát chứa bản in thử câu chuyện. Ông ném qua bàn vào mặt Dominique mà không nói lời nào. Nó đập vào má cô và rơi xuống sàn. Cô nhặt lên, mở ra xem và phá lên cười.

Sally Brent viết một bài báo về chuyện tình yêu của Gail Wynand. Với lối viết hài hước mà trí thức, với những thuật ngữ thuộc chuyên ngành xã hội học, bài báo này đưa ra những tư liệu mà chẳng có bất cứ tờ báo lá cải nào nhận đăng. Nhưng nó đã được đăng trên tờ Những mặt trận mới.

* * *

Wynand mua tặng Dominique một chiếc dây chuyền được thiết kế theo đơn đặt hàng riêng của ông. Chiếc dây chuyền được làm bằng những hạt kim cương, các mối nối được làm rất nhỏ để không thể nhìn thấy; các viên kim cương được rải xa nhau, không theo một quy tắc nào; như thể chúng được rắc ra một cách ngẫu nhiên. Những hạt kim cương ấy đã được gắn với nhau nhờ một sợi dây bạch kim được làm dưới kính hiển vi; gần như không thể nhận thấy. Khi ông đeo nó vào cổ cô, chiếc dây chuyền trông như những giọt nước ngẫu nhiên rơi xuống và đậu ở đó.

Cô đứng trước một tấm gương. Cô tuột chiếc áo ngủ khỏi bờ vai và để những hạt nước mưa đó lấp lánh trên da thịt. Cô nói:

“Cái bài về bà vợ gì ở Bronx mà giết chết tình nhân của chồng mình ấy – bài đấy thật là bẩn thỉu, Gail ạ. Nhưng tôi thấy sự tò mò của công chúng với câu chuyện ấy còn bẩn thỉu hơn. Nhưng có cái lại còn bẩn thỉu hơn nữa – những kẻ làm ma cô dẫn đường cho sự tò mò ấy. Thực ra thì chính cái bà vợ với cái chân như chân đàn piano và cái cổ phì nộn trong mấy bức tranh đó đã làm nên chuỗi vòng cổ này. Thật là một cái dây chuyền tuyệt đẹp. Tôi sẽ rất tự hào được đeo nó.”

Ông mỉm cười. Trong đôi mắt chợt bừng sáng của ông có một sự can đảm kỳ lạ.

“Đấy là một cách để nhìn nhận chuyện này,” ông nói. “Có một cách nhìn khác. Tôi thích nghĩ rằng mình đã lọc ra những thứ rác rưởi tồi tệ nhất trong đầu óc con người – đầu óc của bà vợ đó và đầu óc của những kẻ thích tìm đọc về bà ta – và tôi dùng cái đó để làm ra cái dây chuyền trên vai em. Tôi thích nghĩ rằng mình là một nhà giả kim có khả năng tinh chế kỳ diệu.”

Cô không nhìn thấy một chút sám hối, nuối tiếc hay bực tức nào trong ánh mắt ông nhìn cô. Đó là một ánh nhìn kỳ lạ mà cô chưa từng thấy nó. Đấy là ánh nhìn của một sự tôn thờ giản dị. Cái nhìn ấy làm cô nhận ra rằng có một trạng thái của sự tôn thờ ở đó bản thân người tôn thờ lại trở thành đối tượng của sự thờ phụng.

Vào buổi tối hôm sau, khi cô đang ngồi trước gương trong phòng trang điểm thì ông bước vào. Ông cúi xuống, áp môi vào gáy cô – và ông nhìn thấy một mẩu giấy hình vuông đính ở góc gương. Đó là bức điện tím đã chấm dứt công việc của cô ở tờ Ngọn cờ. SA THẢI CON CHÓ CÁI ĐÓ.GW.

Ông rướn người để đứng thẳng dậy phía sau cô. Ông hỏi:

“Làm sao em có được nó?”

“Ellsworth Toohey đã đưa nó cho tôi. Tôi đã nghĩ là nó đáng được giữ lại. Dĩ nhiên là tôi đã không lường được là lại có lúc mảnh giấy này trở nên phù hợp đến thế.”

Ông nghiêng đầu một cách nghiêm trang để thừa nhận mình là tác giả của bức điện tín đó và không nói gì thêm.

Cô đã chờ đợi bức điện tín sẽ biến mất vào sáng hôm sau. Nhưng ông đã không động đến nó. Cô cũng không gỡ bức điện tín đó đi. Nó cứ nằm nguyên trên góc gương. Khi ông ôm cô trong tay, cô thường thấy ánh mắt của ông hướng về mảnh giấy vuông đó. Cô không thể đoán được ông nghĩ gì.

* * *

Mùa xuân năm đó, ông tới New York một tuần để tham dự một cuộc hội nghị của các chủ báo. Đây là lần đầu tiên họ xa nhau. Dominique đã làm ông bất ngờ khi đến đón ông ở sân bay lúc ông trở về. Cô trông thật vui tươi và dịu dàng; cử chỉ của cô hứa hẹn một điều mà ông chưa bao giờ dám hy vọng, đã không dám tin tưởng; và ông thấy mình đang hoàn toàn tin nó.

Khi ông bước vào phòng khách trong căn hộ của hai người và nằm duỗi nửa người trên đi văng, cô biết ông muốn nằm yên ở đó để cảm nhận sự yên ổn trong thế giới của riêng mình mà ông vừa giành lại được. Cô nhìn thấy mắt ông mở to, hướng về cô, không một chút tự vệ. Cô đứng thẳng, sẵn sàng. Cô nói:

“Anh nên thay đồ đi Gail. Tối nay chúng ta sẽ đi tới nhà hát.”

Ông nhấc mình ngồi dậy. Ông mỉm cười; những nếp nhăn nằm nghiêng hằn rõ trên trán ông. Cô cảm thấy vô cùng khâm phục ông: sự tự chủ của ông thật hoàn hảo, tất cả, chỉ trừ những nếp nhăn. Ông đáp:

“Được thôi. Cà-vạt đen hay trắng?”

“Trắng. Tôi có vé vở Không phải việc của ngài. Vé vở này khó kiếm lắm đấy.”

Vậy là quá đủ. Dường như vở kịch quá lố bịch khi trở thành một phần trong trận đấu vào lúc này giữa hai người. Ông đầu hàng bằng cách cười phá lên với vẻ ngán ngẩm không thể che giấu.

“Lạy Chúa, Dominique, không thể là vở đó được!”

“Kìa Gail, vở này đang ăn khách nhất ở thành phố này đấy. Nhà phê bình của anh, Jules Foughler” – ông ngừng cười. Ông đã hiểu ra – “đã bình rằng đây là vở kịch tuyệt vời của thời đại chúng ta. Ellsworth Toohey nói rằng vở kịch này là tiếng nói trong trẻo của một thế giới mới đang đến. Alvah Scarret thì nói rằng nó không là viết bởi mực mà viết bằng dòng sữa của sự nhân đạo. Còn Sally Brent – trước khi anh sa thải cô ta – đã nói rằng vở kịch này làm cô ta cười nghẹn ngào. Chà, vở kịch này là đứa con đỡ đầu của tờ Ngọn cờ. Tôi đã nghĩ thế nào anh cũng muốn xem nó.”

“Tất nhiên rồi” ông nói.

Ông đứng dậy và đi thay đồ.

Không phải việc của ngài được trình diễn hàng tháng nay. Ellsworth Toohey đã đề cập đến vở kịch này trong một bài báo của ông rằng thật là đáng tiếc vì tên của vở kịch đã bị thay đổi ít nhiều “như một sự nhượng bộ đối với thói lịch thiệp giả dối cổ lỗ sĩ của giai cấp trung lưu vốn vẫn ngự trị trong các rạp hát của chúng ta. Đây là một ví dụ đáng báo động về sự can thiệp vào sự tự do của người nghệ sĩ. Từ giờ đừng bắt chúng ta phải nghe những điều nhảm nhí như chúng ta đang sống trong một xã hội tự do. Tên nguyên gốc của vở kịch tuyệt đẹp này vốn là một câu lấy từ kho tàng ngôn ngữ của đại chúng – một câu nói hùng hồn đơn giản và dũng cảm như một câu thành ngữ dân gian.”

Wynand và Dominique ngồi chính giữa hàng ghế thứ tư. Họ không nhìn nhau. Họ chăm chú lắng nghe vở kịch. Những thứ đang diễn ra trên sân khấu chỉ đơn thuần là những lời thoại sáo mòn và thô thiển, nhưng chính những gì ẩn đằng sau cánh gà mới làm cho vở kịch trở nên khủng khiếp. Những lời thoại ngớ ngẩn buồn tẻ ấy tạo nên một bầu không khí riêng của vở kịch – nó ngấm vào người chính những diễn viên như một bệnh truyền nhiễm; nó ở trên gương mặt ngớ ngẩn của họ, trong giọng nói giả tạo của họ, trong điệu bộ lôi thôi lếch thếch của họ. Đấy là một không khí gồm toàn những lời ngớ ngẩn nhưng lại được thốt ra như những lời mặc khải và xấc xược đòi hỏi người ta phải chấp nhận chúng như sự mặc khải; một không khí không phải được tạo nên bởi sự tự mãn ngây thơ, mà bởi sự vô liêm sỉ có ý thức, như thể tác giả biết rõ bản chất tồi tệ của tác phẩm của anh ta và cố tình huênh hoang về khả năng biến sự tồi tệ ấy thành ra cao cả trong đầu óc khán giả, và do đó mà hủy diệt khả năng nhận biết sự cao cả trong họ. Vở kịch đã thành công đúng như các nhà tài trợ cho nó dự đoán: nó làm người ta cười, nó làm người ta ngạc nhiên; nó là một trò đùa khiếm nhã, được diễn không phải trên sân khấu mà ngay trong chính khán giả. Vở kịch là một cái bàn thờ, nơi mà tượng thần đã bị vứt bỏ, và thay vào đó không phải là một bức tượng quỷ Sa tăng đang cầm gươm, mà là một gã khờ đang ngồi mút Coca-Cola.

Một sự im lặng bao phủ lên khán giả của vở kịch – họ hoang mang và khúm núm. Khi có ai đó cười, những người còn lại cũng cười theo, cười một cách nhẹ nhõm, vui mừng vì thấy rằng chính mình cũng thích thú với vở kịch này. Jules Foughler không cố tình áp đặt ảnh hưởng đến bất cứ một ai. Ông chỉ tuyên bố rõ ràng từ trước, qua nhiều kênh thông tin khác nhau, rằng những người không thể thưởng thức vở kịch này về cơ bản là những người chẳng có giá trị gì. “Chẳng cần phải giải thích dài dòng gì” – ông nói – “Hoặc là quý vị tốt đẹp đủ để thưởng thức vở kịch này, hoặc là không.”

Trong giờ nghỉ giải lao giữa vở kịch, Wynand nghe thấy một phụ nữ mập mạp nói: “Vở kịch thật tuyệt vời. Tôi không hiểu nó, nhưng tôi có cảm giác rằng nó là một cái gì đó rất lớn lao.” Dominique hỏi: “Anh có muốn về không, Gail?” Ông đáp lại: “Không, chúng ta sẽ xem hết vở kịch.”

Ông im lặng trong ô-tô trên suốt đường về nhà. Khi họ bước vào phòng khách, ông đứng yên chờ đợi, sẵn sàng nghe và chấp nhận bất cứ điều gì. Trong một khoảnh khắc, cô cảm thấy muốn để ông được yên. Cô cảm thấy trống rỗng và mệt mỏi. Cô không muốn làm tổn thương ông, mà muốn tìm kiếm sự che chở từ ông.

Sau đó cô nhớ lại những gì cô đã suy nghĩ khi ở trong nhà hát. Cô đã nghĩ rằng vở kịch này là con đẻ của tờ Ngọn cờ. Chính tờ Ngọn cờ đã ép cho vở kịch ra đời, dã nuôi dưỡng, nâng đỡ và mang lại vinh quang cho nó. Cũng chính tờ Ngọn cờ đã bắt đầu và kết thúc việc phá hủy ngôi Đền Stoddard. Chính tờ Ngọn cờ New York, vào ngày mùng hai tháng Mười một năm 1930, chuyên mục Một ý kiến nhỏ… bài Tội báng bổ thánh thần của Ellsworth M.Toohey… mục Những nhà thờ của tuổi thơ của Alvah Scarret… Ngài Siêu nhân, ngài có hạnh phúc không?… Và giờ đây, việc phá hủy ngôi đền đó, không phải là một sự kiện đã xảy ra lâu rồi… đây không phải là sự so sánh giữa hai thực thể cũng không thể đo lường về giá trị – một công trình xây dựng và một vở kịch… đây không phải một sự tình cờ, cũng không phải là vấn đề của một số người, không phải của Ike, Foughler, Toohey, không phải cô… và Roark. Đây là một cuộc đấu không có thời gian, cuộc chiến giữa hai lực lượng trừu tượng, giữa cái tạo ra công trình kiến trúc đó và cái đã nuôi dưỡng vở kịch này… hai thế lực ấy chợt trở nên trần trụi trước cô với những tuyên ngôn giản đơn của chúng… hai thế lực đã đấu tranh với nhau từ khi thế giới này hình thành – và mọi tôn giáo đều biết đến chúng… – và đã luôn luôn có một bên luôn là Chúa và một bên luôn là Ác quỷ… chỉ có điều, con người đã nhầm lẫn về hình thù của Ác quỷ… Ác quỷ không phải chỉ có một mình, khổng lồ, mà rất nhiều, bẩn thỉu và nhỏ bé. Tờ Ngọn cờ đã phá hủy ngôi Đền Stoddard để có chỗ cho cái vở kịch này ra đời… không có cách nào khác… không có cách lựa chọn nào ở giữa, không có lối thoát, không có sự dung hòa… hoặc cái này hoặc cái kia… luôn là như vậy… có rất nhiều vật biểu trưng cho cuộc chiến ấy, nhưng người ta chưa bao giờ gọi tên và tuyên bố nó ra… Roark, cô nghe thấy tiếng mình gào thét bên trong, Roark… Roark… Roark….

“Dominique… có chuyện gì vậy?”

Cô nghe thấy tiếng của Wynand. Giọng nói của ông nhẹ nhàng và lo lắng. Ông chưa bao giờ cho phép mình để lộ sự lo lắng. Cô nhận rõ được rằng âm thanh đó là sự phản chiếu của chính gương mặt cô, của những gì mà ông đã nhìn thấy trên gương mặt cô.

Cô đứng thẳng, tự tin và vô cùng bình thản.

“Tôi đang nghĩ về anh, Gail” cô nói.

Ông chờ đợi.

“Thế nào, Gail… Đam mê tuyệt đối với độ cao tuyệt đối hả?” Cô cười to và để cho hai cánh tay vung vẩy uể oải giống như điệu bộ của những diễn viên trong vở kịch họ đã xem. “Nào, Gail, anh có con tem hai xu nào mà có ảnh của George Washington không? Anh bao nhiêu tuổi rồi hả Gail? Anh đã làm việc vất vả đến thế nào? Anh đã đi quá nửa cuộc đời, và tối nay anh đã thấy phần thưởng của mình. Thành tựu lớn nhất của anh. Tất nhiên là không có ai tương xứng được với đam mê lớn nhất của anh ta. Nhưng bây giờ, nếu anh nỗ lực vượt bậc, một ngày nào đó anh sẽ đạt được tới vị trí của cái vở kịch đó!”

Ông đứng im lặng, lắng nghe và chấp nhận.

“Tôi nghĩ anh nên lấy một bản thảo của vở kịch đó và đặt nó trên một cái bục ở chính giữa gallery của anh dưới nhà. Tôi nghĩ anh nên làm lễ rửa tội cho cái thuyền buồm của anh và đặt tên nó là Không Phải Việc Của Ngài. Tôi nghĩ anh nên đưa tôi…”

“Đừng nói nữa.”

“… vào danh sách diễn viên và bắt tôi sắm vai Marry mỗi tối. Mary người đã nuôi một con chuột xạ không có tổ và…”

“Dominique, đừng nói nữa.”

“Vậy thì anh nói đi. Tôi muốn nghe anh nói.”

“Tôi chưa bao giờ phải thanh minh với bất cứ ai.”

“Vậy thì hãy khoe khoang về mình đi. Hai cách đó như nhau.”

“Nếu em muốn nghe thì đây, cái vở kịch này làm tôi buồn nôn. Em biết rõ điều đó. Nó còn tệ hơn cả chuyện bà vợ ở Bronx.”

“Tệ hơn nhiều.”

“Nhưng tôi có thể nghĩ ra những thứ còn tệ hơn thế. Viết ra một vở kịch vĩ đại và dâng nó làm trò cười cho cái đám khán giả tối nay. Và biến mình thành kẻ tử vì đạo cho những kẻ cười đùa vui vẻ mà chúng ta thấy tối nay.”

Ông nhận thấy một cái gì đó đã chạm tới cô. Ông không biết chắc cô đang đáp lại sự ngạc nhiên hay sự tức giận. Ông không biết cô đã nhận ra những lời ấy như thế nào. Ông tiếp tục:

“Nó đúng là làm tôi buồn nôn. Nhưng tờ Ngọn cờ cũng đã từng làm được nhiều việc khác làm tôi buồn nôn. Vở kịch tối nay tồi tệ hơn những thứ kia, bởi vì nó có những tính chất đi quá mức bình thường. Một kiểu hiểm ác đặc biệt. Nhưng nếu điều này lại được những kẻ ngu ngốc kia ưa thích, thì tờ Ngọn cờ phải có trách nhiệm với nó. Tờ Ngọn cờ được tạo ra để phục vụ quyền lợi của những kẻ ngu ngốc. Em còn muốn tôi thừa nhận điều gì nữa không?”

“Những gì anh cảm thấy tối nay.”

“Một kiểu địa ngục nho nhỏ. Bởi vì em ngồi đó với tôi. Chính em muốn điều đó phải không? Em muốn làm cho tôi cảm nhận được sự trái ngược. Tuy nhiên em đã tính nhầm. Tôi đã nhìn lên sân khấu và tôi nghĩ con người là như thế này, tinh thần của họ là như thế này – còn tôi – tôi đã tìm ra em, và tôi có em – và sự trái ngược đó xứng đáng với nỗi đau tôi phải chịu. Tôi quả đã phải chịu đựng tối nay, như em đã muốn, nhưng nó là một nỗi đau chỉ có khả năng đi xuống được đến một điểm nhất định còn sau đó…”

“Anh im đi” – cô gào lên. “Anh im đi, quỷ tha ma bắt anh đi!”

Họ đứng lặng một lúc, cả hai đều ngỡ ngàng. Ông cử động trước, ông biết rằng cô cần sự giúp đỡ của ông; ông nắm lấy bờ vai cô. Cô vùng ra khỏi tay ông. Cô bước ngang qua phòng, tới bên cửa sổ. Cô đứng đó nhìn xuống thành phố, nhìn những tòa nhà đồ sộ trải dài với những mảng tối sẫm lẫn với ánh lửa phía bên dưới cô.

Sau một lúc, cô nói với một giọng điệu không âm sắc:

“Tôi xin lỗi, Gail.”

Ông không đáp lại.

“Tôi không có quyền nói những điều đó với anh.” Cô không quay lại; cô đưa hai tay lên cao, bám lấy khung cửa sổ. “Chúng ta hòa nhau, Gail. Tôi đã trả giá – nếu như điều đó làm anh thấy dễ chịu hơn. Tôi đã đầu hàng trước.”

“Tôi không muốn em phải trả giá gì cả.” Ông nói nhẹ nhàng. “Dominique, cái đó là cái gì?”

“Không có gì.”

“Tôi đã làm em nghĩ tới chuyện gì? Không phải những gì tôi nói. Nó là một điều gì khác. Những từ ấy có nghĩa như thế nào với em?”

“Chẳng có nghĩa gì cả.”

“Nỗi đau chỉ xuống đến một điểm nhất định. Chính là câu này. Tại sao?” Cô đang nhìn xuống thành phố. Cô có thể nhìn thấy khung tòa nhà Cord ở phía xa. “Dominique, tôi biết khả năng chịu đựng của em. Nếu những lời ấy có thể làm cho em như thế kia, nó hẳn phải là cái gì đó rất kinh khủng. Tôi cần phải biết. Không có gì là không thể cả. Tôi có thể giúp em chống lại điều đó, bất kể đó là chuyện gì.” Cô không trả lời. “Ở rạp hát tối nay, không chỉ có vở kịch ngớ ngẩn đó. Tối nay em còn có chuyện gì đó nữa. Tôi đã nhìn thấy nét mặt em ở rạp hát. Và bây gìơ em lại có cái vẻ mặt ấy ở đây. Nó là cái gì?”

“Gail, anh sẽ tha thứ cho tôi chứ?” cô nói khẽ.

Ông để cho một giây trôi qua; ông đã không chuẩn bị cho câu hỏi đó.

“Tôi phải tha thứ cho em vì cái gì?”

“Tất cả. Và cả buổi tối hôm nay.”

“Đó là đặc quyền của em mà, là điều kiện để em kết hôn với tôi. Là bắt tôi phải trả giá cho tờ Ngọn cờ.”

“Tôi không muốn buộc anh phải trả giá cho tờ Ngọn cờ.”

“Tại sao em không muốn điều đó nữa?”

“Vì không thể trả nổi.”

Trong không gian yên lặng, cô nghe thấy tiếng bước chân ông đi đi lại lại phía sau cô.

“Dominique, cái đó là cái gì?”

“Nỗi đau sẽ dừng lại ở một điểm nhất định nào đó ư? Không có gì cả. Có điều anh không có quyền nói ra điều đó. Những người có quyền nói ra điều đó – họ phải trả giá để có quyền đó – một cái giá anh không kham được. Nhưng bây giờ thì chuyện ấy chẳng có ý nghãi gì nữa cả. Anh cứ nói nếu anh muốn. Tôi cũng chẳng có quyền nói điều đó.”

“Đó chưa phải là tất cả.”

“Tôi nghĩ rằng anh và tôi có rất nhiều điểm tương đồng. Ở chỗ nào đó, chúng ta đã cùng mắc tội phản bội. Không, đó là một từ xấu… Mà không, tôi nghĩ từ đó rất chính xác. Đó là từ duy nhất diễn đạt được điều tôi nghĩ.”

“Dominique, em không thể cảm thấy như vậy.” Giọng của ông nghe rất lạ. Cô quay về phía ông.

“Tại sao?”

“Bởi vì đó là điều tôi cảm nhận thấy tối nay. Sự phản bội.”

“Phản bội ai?”

“Tôi không biết. Nếu như tôi là người theo đạo, thì tôi có thể trả lời là ‘Chúa trời’. Nhưng tôi lại không theo đạo.”

“Đó chính là ý tôi, Gail.”

“Tại sao em lại cảm thấy điều đó? Tờ Ngọn cờ không phải là con đẻ của em.”

“Có những hình thức biểu hiện khác của cùng một tội lỗi.”

Ông đi qua căn phòng dài, tiến về phía cô, ông ôm cô trong tay mình và nói:

“Em không biết được ý nghĩa của những từ ngữ em đã dùng. Chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng, nhưng không phải là điểm đó. Tôi thà để em nhổ nước bọt vào mặt tôi còn hơn là để em cố gắng chia sẻ những tội lỗi của tôi.”

Cô áp bàn tay mình dọc má ông, những đầu ngón tay cô chạm vào thái dương ông.

Ông hỏi:

“Bây giờ em sẽ nói cho tôi cái đó là cái gì được không?”

“Không có gì đâu. Tôi đã chất lên mình nhiều hơn những gì tôi có thể vác. Anh mệt rồi đấy, Gail. Anh lên gác ngủ đi. Cho tôi ở lại đây một chút. Tôi chỉ muốn nhìn thành phố. Một lúc nữa tôi sẽ lên và tôi sẽ ổn thôi.”

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ