Giông tố - Chương 7

Đến trước bàn giấy ông giám đốc Đại Việt học hiệu là Tú Anh, ông chủ rất trẻ tuổi của mình, Long mở quyển sổ lớn, cầm bút chì dò vào cột chữ số, vừa đọc, vừa nói:

– Thưa ông, tính đến mồng 10 này thì số tiền học phí thu được cũng đã khá lắm. Năm thứ tư, học sinh trả hết cả. Năm thứ ba, năm thứ hai và năm thứ nhất thì độ mươi học sinh tất cả, khất đến cuối tháng. Còn lớp nhất thì 25 học sinh thiếu tiền, lớp nhì 7 người, lớp ba 16 người. Còn lớp dự bị và lớp đồng ấu thì vì ông chưa ra lệnh giảm 10 hay 30 phần trăm, nên chưa thu.

– Mai thì thầy thu một lượt đi. Hạ cho các cô các cậu ấy 30 phần trăm học phí. Còn cái bản thống kê của thư viện thì ra sao?

Long lại giở một tập giấy đánh máy, nhìn vào rồi đáp:

– Tháng này có hai trăm học sinh mượn sách của thư viện, trong số đó thì sáu phần mười đọc tiểu thuyết tình, bốn phần đọc truyện trinh thám, mà chỉ có hai phần mượn sách học mà thôi.

– Thế số tiền học phí thu được bao nhiêu?

– Bẩm tổng cộng năm trăm sáu mươi tư đồng?

Ông giám đốc thở dài một cái rồi bảo:

– Thôi được, thày lên ăn cơm.

Long cúi chào rồi quay ra được mươi bước, thì ông chủ trẻ lại gọi lại:

– À này! Hay thày hộ tôi một việc đã nhé?

– Vâng.

– Thày đừng ăn cơm nữa, lấy ở két một đồng bạc mà đi ăn hiệu. Nhưng mà trước khi đi ăn thì hãy lại cái tiệm thuốc phiện chú Sếch ở hàng Buồm hộ tôi một việc này đã.

– Bẩm vâng.

– Đây này thôi thì chắc thày cũng chẳng lạ gì cái việc bậy bạ của ông cụ nhà tôi mà vừa rồi tờ báo Lưỡng kỳ nó đăng tin đã loạn cả lên…

Long làm bộ ngớ ngẩn mà rằng:

– Bẩm việc gì thế ạ? Thưa ông, quả độ này tôi không đọc báo.

Ông chủ ấp úng:

– Nguyên ông cụ nhà tôi… ông cụ nhà tôi… vừa rồi có làm một việc nài hoa ép liễu, kể cũng bậy bạ lắm. Thế rồi cái thằng con riêng của ông cụ, một thằng con mất dạy,

mà ông cụ không nhận nữa, không biết làm thế nào, lại rõ việc ấy. Chẳng biết nó là đứa trống mồm trống miệng, hay là vì nó thù ông cụ mà nó cứ rêu rao lên cho mọi người biết cái chuyện xấu hổ ấy. Hôm qua tôi có đến tiệm tìm nó thì lại không gặp, vậy bây giờ thày lại tìm nó giúp tôi. Tên nó là thằng Vạn, nhưng mà thiên hạ cứ quen gọi nó là thằng Vạn tóc mai. Thày tìm được nó rồi thì khẽ bảo với nó đại khái rằng: tôi, Tú Anh, con giai trưởng cụ nghị Hách, nghĩa là anh em cùng cha khác mẹ với nó, muốn mời nó lại chơi để bảo nó rằng: nó đừng rêu rao ông cụ nữa thì chính tôi, tôi sẽ xin với ông cụ cho nó được hẳn một cái nhà. Thày nói thế rồi kéo ngay nó về đây cho tôi.

– Vâng.

– Thày nên khôn khéo một chút nhé, thằng ấy nó vô nghĩa lắm.

– Vâng, thế thì tôi chợt nhớ ra chuyện ấy rồi. Chuyện xảy ra, hình như cũng đã quá nửa tháng. Mà nghe đâu như cụ nghị nhà ta bỏ ra những năm trăm đền cho bố mẹ cô gái quê vừa rồi cơ mà?

– Cái gì? Ai bảo thày thế?

– Thiên hạ đồn nhau thế thì phải.

Ông giám đốc thở dài một cái, mình tự nhủ mình: “Không còn một ai là không biết nữa”. Rồi nói với người thư ký:

– Không, đấy là họ đồn nhảm. Ông nghị nhà tôi sẽ cưới cô bé ấy làm vợ lẽ thì mới là đền bù được cho cả một đời bị hại của người ta.

Long tái xanh mặt, vội quay nhìn ra phía khác, rồi cúi xuống đất nhặt một cái đanh ghim để giấu sự xúc động rất mạnh đã hiện ra cả thần thái. Hồi lâu, chàng hỏi chủ:

– Bẩm lấy làm vợ thì phải có phép cưới hẳn hoi?

– Phải.

– Mà lại có cả cụ nghị bà ưng thuận?

– Cái đó dã hẳn. Lễ cưới sẽ rất trọng thể, rất linh đình.

– Bẩm, chính cụ nghị ông muốn lấy người gái quê ngu đần ấy về làm thứ phòng mà ông không phản đối?

– Sao tôi lại phản đối? Ấy là chính tôi, tôi bắt ép ông cụ nhà tôi phải xử sự như thế, cho bõ với cái lúc càn bậy, chứ có phải ông cụ tôi muốn thế đâu!

Long gượng cười mà rằng:

– Thưa ông, tôi tưởng chẳng cần phải thế. Cứ đền cho họ vài trăm bạc, họ muốn lấy ai thì lấy có được không!

Ông chủ trẻ tuổi xo vai, nghiêm khắc mà rằng:

– Thày đừng nói càn! Cái tân tiết của một người con gái, dù là gái quê ngu đần, thì cũng là đáng quí lắm. Ông cụ ấy đã phá tân người ta, thì ông cụ ấy phải lấy hẳn người ta. Mà lấy làm bà hai hẳn hoi chứ không phải là mua về làm hầu như những người khác.

Long xoa tay, lễ phép hỏi lại:

– Bẩm xin ông tha lỗi cho, thế ngộ người ta không bằng lòng thì sao?

– À, cái ấy có thể xảy ra được lắm, vì bố người ta cũng là một nhà nho hẳn hoi, mà một nhà nho thì vẫn khí khái lắm. Nhưng mà tôi tưởng việc ấy rồi thành được. Là vì cái kiện theo đuổi con dở dang thì chẳng may cho ông đồ lại bị quan đồn truy tố về tội không xin phép mà lại mở trường tư. Ông ta dạy sáu đứa trẻ con, nghĩa là sai nghị định. Hiện giờ thì ông đồ vẫn được tại ngoại hậu cứu, nhưng nay mai tòa án xét xử thì thế nào rồi cũng phải tù. Nếu phải tù thì tất cái gia đình ấy cần tiền, mà tôi bảo ông cụ nhà tôi đem nghìn bạc đến thì còn gì mà chả cưới được! Vừa lấy một người đã trót ngủ với mình làm chồng, lại vừa có tiền chạy chọt cho bố, thì có phải là một việc nhất cử, lượng tiện không?

– Bẩm thế đã bị bắt chưa ạ?

– Chỉ thấy nói bị truy tố, chứ bị bắt chưa, thì không hiểu.

Nghe đến đó, Long cúi đầu xuống, lo sợ không thể giấu được nét mặt nữa. Chân tay chàng đều run bần bật lên. May sao ông chủ của Long ngắt chuyện mà giục chàng:

– Ô hay thầy đi ngay đi chứ?

May quá, Long làm ra bộ hấp tấp bước ra ngoài Đại Việt học hiệu. Chàng gọi xe, bước lên, bảo phu kéo đến phố Hàng Buồm. Câu chuyện Tú Anh vừa hở cơ kể lại, khiến chàng như cái đồng hồ đứt mấy dây tóc. Nhưng chàng cứ phải cố giữ nét mặt điềm tĩnh cho khỏi hớ trong công cuộc dò la.

Xe đỗ trước một hiệu phở nhỏ. Một ngọn đèn đất leo lét chiếu vào một con gà, một miếng thịt bò, vài dây ớt đỏ, với mấy cây rau cải làn, rau cần tây. Hiệu vắng vẻ như bãi sa mạc. Chủ hiệu, một chú khách ngồi ngủ gật, hút một cái điếu thuốc lá bào, Long nói:

– Xin phép chú, tôi lên trên chú Sềnh.

– Hẩu lở!

Long thoăn thoắt bước qua bốn cái bàn, một cái bếp, thì đến một chỗ tối om. Trong tối hiện ra, tỏ tỏ mờ mờ, một dẫy mười cái buồng, mỗi buồng có cái phản mỗi phản có một cái màn xếp che, mỗi màn xếp có treo một xâu cá mắm mực. Buồng nào cũng cách nhau bằng một lần cót, buồng nào cũng có một cái hỏa lò bốc khói xanh mù. Tiếng trẻ con khóc, tiếng mỡ nổ lanh tanh trong sanh đồng, tiếng chó con bú mẹ un ủn, cắt nghĩa rằng trong chỗ tối tăm ấy có mười gia đình hẳn hoi. Một thứ mùi tanh tanh rất khó tả, bảo rằng mười gia đình ấy là mười gia đình khách trú.

Long cứ giẫm bừa lên lớp bùn quánh giữa lối đi, không sợ bẩn đến gấu quần. Đến một cái thang gỗ nhỏ, chàng đứng lại, nhìn lên. Trên gác lụp sụp chỉ có một thứ ánh sáng héo hắt, thấy vang lên những tiếng ro ro, do những cái cổ họng anh hùng kéo thật khỏe.

Long, vì là lần đầu, nên rón rén lên thang. Vừa lên đến bậc nhất, đầu chàng đập phải cái giầm đánh bốp một cái. Cùng giữa lúc ấy có ngay một chuỗi cười vang lên. Tiếng cười lẫn lộn của cả ta, tây đen, khách, tây trắng. Long dừng lại, đỏ bừng mặt, nhưng không phải họ cười cái đụng đầu chàng. Vì rằng sau chuỗi cười kỳ lạ và hỗn độn ấy, tức khắc có một giọng khàn khàn nói rất to:

– Ồ, thật đấy mà! Cái thằng cha ấy nó đẻ ra moa, chính là vì một phút điên rồ của xác thịt đấy!

– Ha ha ha! Hà hà hà!… Hi hi hi!!!!…

– Cũng vì thế mà luý bỏ ma me, để ma me nghèo, chết, rồi bây giờ luý lại chực từ nốt cả moa! Các đằng ấy bảo vì lẽ gì tớ lại không rửa thù? Luý đẻ ra moa mà luý chẳng bao giờ thèm nghĩ đến moa cả!

Cái tiếng dâm của nghị Hách thì đã lừng lẫy cả mấy tỉnh!

Long nhìn vào thì người vừa nói những câu ấy là một thiếu niên mặt mũi võ vàng, hai bên tai có bộ tóc mai rất to, mặc áo gấm lam, ngoài phủ một cái áo dạ vai vuông, cái đầu tóc hung hung đỏ và quăn quăn kê lên trên mông một thiếu phụ mặt bự những phấn mà môi lại tái nhợt, tóc búi, cổ có đeo kiềng, quần áo lối mới, cổ áo bành bẻ, cũng có ba đờ suy đờ vin hẳn hoi. Trước mặt cặp ấy là hai thiếu niên áo quần cực kỳ sang trọng. Các phản khác đầy những nhân viên làng bẹp. Năm người Việt Nam, tám người khác trong số đó có hai ả sẩm, một lính tây trắng và ba linh tây đen, và mụ đầm gần già.

Nói xong thiếu niên hôn vào đùi thiếu nữ đánh chút một cái, vỗ về người yêu một hồi mà rằng:

– Bây giờ ở trên đời này, moa chỉ có ma Quỳ này là thân yêu! Ô hay! Trô(1) đi chứ các ngài? Tự tử bằng thuốc phiện là nhất, nhất nhất!

Long đến bên cạnh, lễ phép hỏi.

– Xin lỗi, ngài là ông Vạn có phải không? Vạn tóc mai méo xệch cái mồm, cả cười mà rằng: – Sao biết?

Rồi lại điềm nhiên bảo nhân tình:

– Mình cứ việc trô đi cho thật đủ, cho thỏa thích. Chốc nữa ta sẽ đi nhờn ở hiệu nem.

Hai người quần áo lịch sự cùng nằm quanh cái tĩnh ấy đã ngồi lên dẹp chỗ cho Long. Vạn tóc mai bấy giờ mới lại hỏi:

– Ú, sao đằng ấy lại biết tên tớ? Đằng ấy muốn hỏi gì? Long ngồi xuống giường đáp:

– Tôi là người làm của trường Đại Việt, nghĩa là của ông Anh. Ông ta sai tôi đến đây tìm ông, mời ông lại chơi có việc cần.

Cô ả nằm dưới đầu Vạn tóc mai đánh một câu:

– Làm chó gì có việc cần! Cái thằng cha ấy hưởng gần hết gia tài của chúng tôi, bây giờ gọi đến, chắc lại chỉ có chuyện không tốt.

Biểu đồng tình với nhân ngãi ở chỗ ấy, Vạn tóc mai cũng tiếp:

– Có lẽ lắm. Nhất là mẹ nó xử với chúng mình thì càng tệ. Nghe đâu bà lớn với mấy cô Chiêu ở Hải Phòng, cũng đem cái của chiếm được của chúng mình, ra đồng bóng hết mà thôi.

Rồi Vạn tóc mai giới thiệu cho Long biết hai người quần áo lịch sự:

– Đây, tôi giới thiệu ông biết, hai ông này là hai tay nhà báo, một ông thì trợ bút cho báo Lưỡng kỳ, một ông thì là chủ bút của tờ báo Cùng dân. Hai ông thật là những người anh hùng nghĩa hiệp, hết sức bài bác những việc vô nhân đạo, hết sức công kích những kẻ cậy thế lực kim tiền mà xử đểu với người không có xu. Các ông ấy đều đã công kích kịch liệt cái việc hiếp dâm vừa rồi của monpère(1)! nhưng mà, đằng ấy ạ, đằng ấy ạ… đằng ấy chỉ là kẻ làm

công cho Tú Anh thôi nên đằng ấy không biết, chứ tớ thì tớ biết nhiều điều đểu giả của monpère lắm. Tớ sẽ nói hết tất cả những cái tội ác của lúy(1) ở ngoài mỏ, ở trong xưởng máy, ở đồn điền…

Ông chủ bút tờ Cung dân đưa đón:

– Cứ kể như ông cụ nghị ấy thì cũng quá thật. Có con mà lại không nhận con thì thật là phạm một tội đại ác. Mà khi ông cụ ấy sợ phải nuôi con như thế thì sao lại còn cứ dâm đãng quá sức… Tôi chắc ông cụ ấy rắc con trong thiên hạ cũng đã khá nhiều…

Vạn tóc mai ngồi nhổm dậy, sốt sắng mà rằng:

– A, cái đó thì đã hẳn! Cái số con cái luý rắc trong thiên hạ thì chắc là phải nhiều! Vì rằng lúc nào luý cũng chỉ chăm chỉ cái việc bồi dưỡng thân thể bằng sâm, nhung, thuốc bổ, rượu sâm banh…

Nói đến đấy, Vạn tóc mai lại méo xệch cái mồm ra mà cười. Những người nằm quanh những khay đèn, ở những giường cạnh đấy, cũng khúc khích cười thầm với nhau.

Chú Sếch, ông chủ tiệm, tuy là người Tàu nhưng nói tiếng ta chẳng ngọng tí nào cả, cũng từ xa nói với lại:

– Cứ kể những chuyện cậu Vạn nói mà đúng thì ra ông cụ ấy đáng sợ lắm, mà ác bằng Tần Thủy Hoàng rồi đấy.

Vạn tóc mai lại hùng hồn tiếp:

– Còn phải bàn!…

Cả gian gác lại vang động lên một chỗi cười dài. Ả Quỳ cau mặt, cầm dọc tẩu chọc vào má Vạn tóc mai một cái mà rằng:

– Thôi cút đi đã! Khỉ lắm, chỉ có một cái chuyện khỉ gió ấy mà cứ lúc nào cũng giở ra nói mãi được. Hút đi rồi thử lại với ông ấy xem có chuyện gì không.

Long cũng nói ngay:

– Vâng. Ông chủ tôi bảo tôi đến tìm ông Vạn để nói chuyện về gia tài gì đó.

Kéo xong điếu thuốc, Vạn tóc mai hấp tấp hãm một chén nước nóng, rồi bảo nhân ngãi.

– Thế thì toa cứ ở đây nhé, Quỳ nhé? Để moa đi ngay xem ra sao. Nếu anh Anh mà lại nói hộ cho chúng mình cứ mỗi tháng được hưởng một số tiền nhà thì hả lắm, thì cuộc đời chúng ta chũng không ba đào nữa. Nếu thật thì từ nay trở đi chúng ta tẩy chay mẹ nó cái thứ xái “nạm thân” này đi!

– Ừ, thôi được, hãy cứ đi đi đã!

Hai tay làm báo cũng đưa mắt cho nhau đứng lên. A Quỳ nói:

– Hai ông cứ ngồi chơi, nhà tôi chỉ đi có chốc rồi về thôi mà. Nếu các ngài có muốn điều tra về đàn bà ăn cơm đen

thì cứ nằm đây, tôi nói hết tâm sự của tôi sau khi trụy lạc cho mà nghe.

Vạn tóc mai cũng hưởng ứng.

– Phải đấy, các ngài cứ ở chơi! Chỉ chốc nữa là tôi về. Đêm nay chúng ta sẽ ở đây đến 2 giờ khuya. Rồi tôi sẽ kể hết sự tổ chức của đảng Càn Long cho hai người nghe. Moa đã lật tẩy thì phải biết!

Hai tay làm báo lại nằm xuống giường, Vạn tóc mai cùng với Long xuống thang…

Khi về tới Đại Việt học hiệu, Long vào trước báo cho chủ. Tú Anh vội bật đèn điện cho phòng khách sáng trưng, rồi ra tận bậc cửa đứng đón rất trọng thể, không ngờ chưa chi đã phải nhăn mặt lại, vì ông em dùng áo gấm và ba-đờ-suy để đứng vén quần… tiểu tiện ngay ở gốc cây trước cửa trường.

Vào trong phòng khách, ai nấy an vị đâu đấy rồi Tú Anh nói trước:

– Tôi nhờ ông Long đây lại mời chú, về một việc cần lắm. Xưa nay chú cứ nghe những lời đồn ở ngoài, nghi tôi xui bậy ông cụ từ chú để chiếm hết gia tài, cái đó là chú nhầm, chứ không phải cái bụng dạ tôi khốn nạn đến thế đâu. Chứng tỏ hiển nhiên là tôi đã có nói với ông cụ để lại ngay cho chú một cái nhà ở phố Mới, để chú có vốn mà sinh cơ lập nghiệp. Ông cụ đã hứa nay mai về thì sang tên cho chú.

Vạn tóc mai tươi cười đáp:

– Thưa bác, thế thì cám ơn bác lắm. Còn nghi bác xúc xiểm ông cụ thì quả là không bao giờ em nghi, bác đừng nhầm và oan em.

– Thôi được, nếu chú đã nghi tôi thì từ rày trở đi đừng có nghi nữa, còn nếu không nghi thì thôi. Mà chú cũng nên cải tà qui chính đi thì vừa, đừng nên ăn chơi lêu lổng mãi như thế nữa, đừng nên đi hết tiệm này đến tiệm khác nữa.

– Thưa bác, vì ba bốn tháng nay chúng tôi bị cắt lương phải bán đồ đạc đi, bán quần áo đi mà ăn, rồi phải ngủ nhờ mọi chỗ, chứ có phải muốn lăn lóc thế làm gì?

– Chú với thím ấy, nếu có phải duyên kiếp với nhau, thì nên ăn ở với nhau cho nó ra vợ, ra chồng, đừng có tạm bợ như trước nữa. Nếu chưa có chỗ tạm trú thì để tôi xếp cho một cái buồng trong trường này rồi thì về đây mà ở, và cho thuê bớt đi, lấy tiền mà ăn. Nhưng mà chú phải cam đoan với tôi là đừng có trống mồm, trống miệng như trước nữa, đừng có bạ cái gì cũng nói…………… Nhiều người nói đến tai tôi là chú cứ nói xấu ông cụ với những tay làm báo, như vậy là dại dột lắm.

Vạn tóc mai ngơ ngác cãi:

– Oan! Oan tôi quá! Nào tôi có nói xấu ông cụ bao giờ?

– Ở những tiệm mà chú vào hút, chú đều nói toang ra cả.

Vạn tóc mai nháy Long một cái mà rằng:

– Đây là ông Long làm chứng nhé: vừa rồi ông có thấy tôi đả động gì đến ông cụ nhà tôi không? Họ chỉ nói láo!

Ra vẻ sốt ruột, Tú Anh nhăn mặt khó chịu, gạt đi mà rằng:

– Thôi, nếu chú không nói gì thì thôi! Nhưng mà chú lại đến tiệm hút cho đủ đi, rồi ngay đêm nay hai vợ chồng phải đưa nhau về nhà này. Hoặc là chú bị ông cụ từ, hoặc là chú sẽ có một cái nhà và vâng lời tôi!

– Thưa bác, bác là anh tôi, lại thương tôi, tất nhiên là tôi phải vâng lời bác.

– Thôi, thế chú có thể quay về chỗ cũ để sửa soạn…

– Vâng, lạy bác, em đi rồi chốc nữa em xin về đây.

Vạn tóc mai sung sướng ra đường, ném mình đánh phịch một cái lên một chiếc cao su, nằm thẳng cẳng ra… xe chạy.

Tú Anh bảo người thư ký:

– Ông Long, tôi lại nhờ ông một vài việc nữa. Trưa mai thì ông đã phải giao hết công việc cho người thư ký mới để rồi ông đi. Có lẽ ông lên tỉnh trên với cụ Nghị nhà tôi. Có lẽ ông sẽ đi điều đình với người nhà cô Mịch cho tôi nữa mà có lẽ rồi ông lại phải xuống Hải Phòng, điều đình với bà cụ tôi, để ông tôi được cưới người ta làm lẽ nữa. Nếu xem ý ông cụ tôi không có lòng muốn lấy người ta làm vợ thì ông sẽ nói là tôi cũng không bằng lòng lấy cô con quan tổng đốc nào đó mà ông cụ đã hỏi cho tôi đâu. Ông cụ đã trót hỏi thì mặc kệ ông cụ

– Ông Long hãy ra đây. Mấy cái thư của tôi đây này…

Long cúi xuống đọc mấy cái thư.

– Thế ông có tận tâm giúp được tôi trong công cuộc này không? Ông nên biết tôi tin cậy ở ông lắm, và tôi hiểu cái lòng lương thiện của ông lắm.

Long đứng ngay ngắn lên mà rằng:

– Thưa ông, tôi cũng lấy làm vinh dự mà được làm công cho một người như ông. Tôi xin cố hết sức.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ