Người Đàn Ông Mang Tên Ove - Chương 5: Người Bố

(Ngày Trước)

Người Bố

Ove biết bạn bè của bà không thể hiểu được vì sao bà cưới ông. Không trách họ được.

Mọi người nói ông là người cay độc. Có lẽ họ đúng. Ông chưa bao giờ nghĩ ngợi nhiều về điều đó. Mọi người cũng gọi ông là người khó gần. Ông tin rằng điều này có nghĩa là ông không quá chạy theo đồng loại. Và xét về mặt này thì ông hoàn toàn đồng tình với họ. Nói chung con người không được thông minh cho lắm.

Ông không phải là người nhiều lời. Ông đã đi đến chỗ nhận ra rằng, ít nhất vào thời đại bây giờ, đây là một khiếm khuyết trầm trọng trong con người ông. Ngày nay người ta phải ba hoa chích chòe được với bất kỳ kẻ nào đứng trong phạm vi một cánh tay xung quanh họ, đơn giản vì như vậy mới là “dễ gần.” Ông không làm được chuyện đó. Có lẽ là do cách ông được nuôi dạy. Có thể đàn ông ở thế hệ của ông không hề chuẩn bị đầy đủ cho một thế giới trong đó mọi người khua môi múa mép về việc làm cái này cái kia, nhưng chuyện thực hiện chúng dường như chẳng còn bõ công nữa. Ngày nay, đứng trước ngôi nhà mới được cải tạo của mình, người ta có thể huênh hoang như thể tự tay họ đã xây dựng nó, mặc dù chỉ động đến vài con ốc vít. Thậm chí họ còn không giả vờ nói khác đi. Họ huênh hoang vì mình đã chẳng làm gì cả! Việc có thể tự mình lót ván sàn, sửa sang một căn phòng hay thay cái lốp xe đã trở thành một thứ thừa thãi. Nếu cái gì người ta cũng có thể dùng tiền mua được thì còn gì là giá trị? Giá trị của một con người nằm ở đâu?

Bạn bè của bà không thể hiểu được vì sao bà quyết định mỗi sáng thức dậy bên cạnh ông và trải qua một ngày cùng ông. Ông cũng không hiểu nổi. Ông đóng cho bà một cái giá sách để bà chất lên đó những quyển sách được viết bởi những người có thể bôi kín hết trang này tới trang khác bằng cảm xúc của mình. Ông hiểu những thứ mình có thể nhìn thấy và sờ mó được. Xi măng và bê tông. Kính và thép. Đồ nghề. Những thứ mà người ta có thể tính toán. Góc vuông và những chỉ dẫn rõ ràng. Mô hình và các bức vẽ. Những thứ mà người ta có thể vẽ ra giấy. Ông là một con người của trắng và đen.

Còn bà là màu sắc. Tất cả màu sắc của ông.

Trước khi gặp bà, thứ duy nhất mà Ove từng yêu là những con số. Ông không có ký ức đặc biệt nào khác về tuổi trẻ của mình. Ông không bị bắt nạt và cũng không phải một kẻ hiếp đáp người khác, không giỏi chơi thể thao nhưng cũng không quá tệ. Không bao giờ là trung tâm chú ý nhưng cũng chưa bao giờ đứng ngoài cuộc, ông chỉ hiện diện mà thôi. Ông cũng không nhớ gì nhiều về thời niên thiếu của mình. Ông chưa bao giờ là loại người mất thời gian vào việc nhớ cái này cái nọ trừ phi

nhu cầu đặt ra. Ông nhớ mình từng khá hạnh phúc, nhưng trong vài năm sau đó thì không. Có vậy thôi.

Ông nhớ những con số. Những con số lấp đầy đầu óc ông. Ông còn nhớ mình đã thích những bài học toán ở trường đến thế nào. Có thể với những người khác đó là một cực hình, nhưng với ông thì không. Ông không biết vì sao, và cũng không mất công đoán làm gì. Ông chưa bao giờ hiểu được vì sao phải mất thời gian nghiền ngẫm lý giải mọi chuyện. Cứ sống đúng với chính mình, làm công việc của mình, vậy là đủ đối với ông.

Hồi Ove bảy tuổi, phổi của mẹ cậu đình công vào một buổi sáng tháng Tám. Bà làm việc ở một nhà máy hóa chất. Về sau Ove nhận ra hồi đó mọi người không biết gì nhiều về vấn đề hô hấp và an toàn lao động. Mẹ cậu còn hút thuốc lá nữa, bà hút suốt ngày. Ove vẫn còn nhớ hình ảnh mẹ mỗi sáng thứ Bảy ngồi bên cửa sổ căn bếp ngôi nhà nhỏ của họ ở phía ngoài thành phố, với đám mây khói dày đặc xung quanh, mắt ngước nhìn bầu trời. Thỉnh thoảng bà cất tiếng hát với chất giọng khàn khàn, còn cậu thì ngồi bên dưới cửa sổ với cuốn sách toán trong lòng. Ove còn nhớ mình rất thích nghe mẹ hát. Tất nhiên, giọng bà bị khàn và hát chênh phô nhiều chỗ, nhưng cậu bé Ove vẫn cứ thích nghe.

Bố của Ove làm việc trong ngành đường sắt. Lòng bàn tay của bố chai sần như thể bị cắt cứa bằng dao, và những nếp nhăn trên khuôn mặt bố sâu đến nỗi tạo thành những kênh dẫn mồ hôi chảy xuống ngực mỗi khi làm lụng. Tóc bố thưa, người bố mỏng, nhưng cơ bắp ở cánh tay bố sắc nét đến nỗi trông nhờ được đẽo tạc bằng đá. Có lần, hồi Ove còn rất bé, cậu được bố mẹ cho phép tham dự một bữa tiệc lớn, nơi có các bạn bè làm cùng công ty đường sắt của bố. Sau khi bố đã uống hai chai bia, một vài người khách thách bố thi vật tay. Ove chưa từng thấy ai to lớn bằng những người thách đấu ngồi giạng chân trên băng ghế đối diện mình khi ấy. Một số người có lẽ nặng phải đến hai trăm cân. Bố cậu thắng tất cả bọn họ. Khi hai bố con đi về nhà tối hôm ấy, bố đã quàng tay qua vai cậu và nói: “Ove này, chỉ có những kẻ ngu ngốc mới nghĩ rằng kích thước và sức mạnh là một. Con hãy nhớ điều đó.” Và Ove không bao giờ quên.

Bố của Ove chưa bao giờ sử dụng nắm đấm với con trai mình hay bất kỳ ai khác. Nhiều đứa bạn cùng lớp đi học với đôi mắt bầm đen vì bị đánh bằng khóa thắt lưng, nhưng Ove chưa bao giờ bị ăn đòn. “Chúng ta không dùng vũ lực trong cái nhà này,” bố từng tuyên bố như thế. “Dù là với nhau hay với bất kỳ ai khác.”

Là người trầm tính và tử tế, bố rất được quý mến ở công ty đường sắt. Một số người còn cho rằng bố “quá tốt bụng”. Hồi bé, Ove còn nhớ mình không tài nào hiểu nổi vì sao “quá tốt bụng” lại là một điều không hay.

Thế rồi mẹ qua đời, và bố càng trở nên trầm lắng hơn. Dường như mẹ đã đem theo lượng ngôn từ ít ỏi mà bố từng có.

Vậy nên Ove và bố chưa bao giờ nói chuyện lâu dù yêu quý nhau. Hai bố con có thể ngồi im lìm đối diện nhau bên bàn bếp và bận rộn theo các cách khác nhau. Cứ

hai ngày một lần, họ đem thức ăn cho một gia đình chim sống trong cái cây chết sau nhà. Quan trọng là phải cách ngày, Ove hiểu như vậy. Cậu không biết lý do, nhưng cũng không cảm thấy mình cần phải biết.

Vào các buổi tối, hai bố con ăn xúc xích và khoai tây. Rồi họ chơi bài. Họ không bao giờ dư dả, nhưng luôn đủ sống.

Những từ ngữ duy nhất còn sót lại nơi bố (thứ mà mẹ sẵn lòng bỏ lại) toàn liên quan đến máy móc. Bố có thể nói về chúng hàng giờ liền. “Máy móc cho con thứ mà con xứng đáng,” bố từng giải thích như thế. “Nếu con đối xử với chúng một cách tôn trọng, chúng sẽ cho con sự tự do, ngược lại chúng sẽ tước đoạt tự do của con.”

Trong suốt một thời gian dài, bố không có ô tô, nhưng vào thập niên 1940 và 1950, khi các ông chủ và các lãnh đạo của ngành đường sắt bắt đầu mua xe riêng, một tin đồn nhanh chóng lan truyền trong công ty rằng việc kết thân với người công nhân đường sắt kiệm lời ấy sẽ chỉ có lợi mà thôi. Bố của Ove chưa bao giờ hoàn tất việc học và cũng không hiểu được hết các phép toán trong sách của con trai, nhưng lại hiểu máy móc động cơ rất rõ.

Khi con gái của ngài giám đốc làm đám cưới và chiếc xe rước dâu bị hỏng trên đường đưa cô đến nhà thờ, bố của Ove được vời đến. Bố vừa đạp xe vừa đeo trên vai hộp đồ nghề nặng tới nỗi phải cần đến hai người đỡ lấy khi ông xuống xe. Và chiếc ô tô đỏng đảnh khi ông tới đã nổ máy giòn giã lúc ông quay về. Vợ của ngài giám đốc mời ông tham dự đám cưới, nhưng ông bảo rằng sẽ không hay nếu những người khách sang trọng phải ngồi cùng một kẻ có đôi tay dính dầu mỡ đến mức không rửa sạch được. Tuy vậy, ông sẵn lòng nhận lấy một túi bánh mì và thịt cho cậu con trai ở nhà. Hồi đó Ove mới lên tám. Khi bố bày bàn ăn tối hôm đó, Ove tưởng như mình được thưởng thức yến tiệc của vua chúa.

Vài tháng sau, ngài giám đốc lại cho vời bố của Ove lần nữa. Tại bãi đỗ xe của trụ sở công ty có một chiếc Saab 92 cực kỳ cũ kỹ và tàn tạ. Đó là lứa ô tô đầu tiên của Saab, nó không còn được sản xuất sau khi phiên bản nâng cấp rõ rệt của nó là Saab 93 được tung ra thị trường, nhưng bố nhận ra ngay cơ cấu dẫn động và động cơ nằm ngang kêu to như máy pha cà phê của nó. Chiếc xe đã gặp tai nạn, theo lời giải thích của ngài giám đốc thích nghịch sợi dây đeo quần bên trong áo vest. Thân xe màu xanh ve chai đã bị móp méo nghiêm trọng, và tình trạng của những thứ nằm bên dưới ca-pô xe không đẹp mắt chút nào. Nhưng bố của Ove đã rút chiếc tua vít nhỏ từ trong túi của bộ đồ bảo hộ lem luốc ra, rồi sau khi xem xét một hồi, ông tuyên bố rằng với một chút thời gian và đồ nghề thích hợp ông có thể làm cho nó chạy trở lại.

— Xe của ai vậy nhỉ? – Bố của Ove hỏi lúc đứng thẳng người lại và dùng giẻ lau tay.

— Nó thuộc về một người họ hàng của tôi. – Ngài giám đốc đáp như thế, đồng thời rút chiếc chìa khóa trong túi quần ra ấn vào tay bố cậu. – Giờ nó là của anh đấy.thienduongtruyen . com

Vỗ vai bố của Ove một cái, ngài giám đốc quay trở vào văn phòng. Bố đứng nguyên tại chỗ trong sân, cố gắng lấy lại hơi thở. Tối hôm đó ông đã giải thích mọi chuyện cho cậu con trai mắt tròn mắt dẹt và chỉ cho cậu mọi thứ cần biết về con quái vật diệu kỳ đỗ trong vườn nhà họ. Bố ngồi trên ghế lái đến tận nửa đêm cùng với Ove trong lòng, giải thích cặn kẽ cách các bộ phận cơ khí được gắn kết với nhau. Bố có thể mô tả từng con ốc, từng cái ống nhỏ. Ove chưa bao giờ thấy một người đàn ông nào hãnh diện như bố mình tối hôm ấy. Thế là mới tám tuổi đầu, Ove đã quyết định cả đời mình sẽ không lái hiệu xe nào khác ngoài hiệu Saab.

Mỗi khi được nghỉ ngày thứ Bảy, bố của Ove thường đưa con trai ra ngoài sân, mở nắp ca-pô xe, và dạy cho cậu bé tên của tất cả các bộ phận trong xe cũng như vai trò của chúng. Vào ngày Chủ nhật thì hai bố con đi nhà thờ. Không phải vì họ ngoan đạo, mà vì mẹ của Ove cứ nhất định bắt họ phải làm điều đó. Họ ngồi ở hàng ghế cuối, mỗi người nhìn một vết ố trên sàn cho đến khi xong lễ. Và phải nói thật là họ dành thời gian tưởng nhớ mẹ của Ove nhiều hơn là nghĩ đến Chúa. Đó là thời gian của bà, dù bà không còn hiện diện nữa. Sau đó, hai bố con sẽ đi một chuyến dài giữa vùng thôn quê trên chiếc Saab. Đấy luôn là khoảng thời gian trong tuần mà Ove thích nhất.

Năm đó, để khỏi loanh quanh trong nhà một mình, Ove cũng bắt đầu theo bố đi làm việc ở đường ray tàu hỏa sau khi tan trường. Đó là một công việc nhọc nhằn và rẻ mạt, nhưng giống như bố cậu từng lẩm bẩm, “một công việc đàng hoàng, và như vậy là đủ.”

Ove quý mến mọi công nhân đường sắt ngoại trừ Tom. Hắn ta to lớn, ồn ào, với hai bàn tay hộ pháp và đôi mắt lúc nào cũng giống như đang tìm kiếm một con vật tội nghiệp để hành hạ.

Năm Ove lên chín tuổi, có lần cậu được bố sai đi giúp Tom làm sạch một toa xe lửa cũ. Trong sự vui sướng bất ngờ, Tom nhặt được một chiếc vali bị một hành khách vội vã nào đó bỏ quên. Nó đã rơi từ trên giá để hành lý xuống, khiến cho những thứ đựng bên trong văng hết ra ngoài. Tom nhanh chóng bò trên sàn, sục sạo mọi thứ mà hắn ta có thể nhìn thấy.

— Của rơi thuộc về người nhặt. – Hắn ta nói.

Trong đôi mắt của Tom có gì đó khiến Ove cảm thấy như lũ côn trùng đang bò lổm ngổm bên dưới làn da của hắn.

Khi quay lưng bỏ đi, Ove vấp phải một cái ví tiền. Nó được làm bằng loại da mềm mại tựa vải bông dưới những đầu ngón tay thô ráp của cậu. Nó cũng không cần phải được buộc chun để khỏi bị bung ra như ví tiền của bố cậu, mà có một nút bấm bằng bạc kêu tanh tách khi đóng mở. Trong ví có hơn sáu ngàn krona. Một gia tài vào thời điểm ấy.

Tom trông thấy cái ví và cố giằng nó ra khỏi tay của Ove. Theo bản năng tự vệ, cậu bé kháng cự lại. Ove nhận thấy sự sững sờ trên khuôn mặt của gã công nhân đường

sắt và chỉ kịp nhìn thấy Tom co nắm đấm lại. Biết mình sẽ không thể nào thoát thân được, nên Ove nhắm mắt, giữ chặt cái ví hết mức có thể, và chờ đợi cú đấm.

Nhưng trước khi cả hai người kịp nhận ra, bố của Ove đã đứng giữa họ. Đôi mắt giận dữ của Tom chiếu thẳng vào mắt bố trong một vài giây, nhưng bố không hề nao núng. Cuối cùng Tom hạ nắm đấm xuống và cẩn thận lùi lại một bước.

— Của rơi thuộc về người nhặt, luôn là như vậy. – Hắn ta làu bàu, tay chỉ vào cái ví.

— Quyền quyết định thuộc về người tìm thấy nó. – Bố của Ove đáp, không rời mắt khỏi Tom.

Đôi mắt Tom đen kịt lại. Nhưng hắn ta lùi thêm bước nữa, trong tay vẫn cầm chiếc vali. Tom đã làm việc nhiều năm trong ngành đường sắt, nhưng chưa bao giờ Ove nghe thấy các đồng nghiệp của bố nói tốt về hắn ta. Đó là một người không trung thực và hiểm độc, họ hay nói như vậy sau khi đã uống vài chai bia trong các buổi tiệc tùng. Tuy nhiên, Ove chưa bao giờ nghe bố hùa theo họ. “Bốn đứa con và một cô vợ đau ốm, ngay cả người tốt hơn Tom cũng có thể trở thành tồi tệ,” bố thường nói như vậy với các đồng nghiệp của mình, không quên nhìn thẳng vào mắt họ. Sau đó mọi người đổi chủ đề câu chuyện.

Bố của Ove chỉ vào cái ví trong tay cậu và nói:

— Con quyết định đi.

Ove cứ nhìn dán mắt xuống mặt sàn, cảm thấy ánh mắt thiêu đốt của Tom trên đỉnh đầu mình. Rồi cậu đáp với một giọng nói nhỏ nhưng không hề run rẩy rằng bộ phận phụ trách hành lý thất lạc sẽ là nơi thích hợp nhất để giữ cái ví. Bố cậu gật đầu và nắm tay con trai đi dọc đoạn đường ray mất gần nửa tiếng để quay về, không nói thêm gì nữa. Ove nghe thấy Tom điên cuồng la lối phía sau lưng họ. Cậu không bao giờ quên giọng nói đó.

Người phụ nữ ở bộ phận hành lý thất lạc gần như không tin vào mắt mình khi hai bố con đặt cái ví tiền lên quầy.

— Nó nằm chơ vơ ngay trên sàn à? Cháu không thấy túi hay thứ gì đựng nó à? – Cô ta hỏi.

Ove nhìn bố dò hỏi, nhưng thấy bố không nói gì nên cậu đáp:

— Vâng ạ.

Người phụ nữ có vẻ bằng lòng với câu trả lời đó.

— Không nhiều người từng giao nộp một số tiền lớn đến thế này đâu. – Cô mỉm cười với Ove.

— Không phải ai cũng đàng hoàng. – Bố của Ove nói với giọng cộc lốc, rồi nắm tay con trai.

Hai bố con quay gót và trở về chỗ làm việc.

Sau khi đi được vài trăm mét dọc theo đường ray, Ove hắng giọng, thu hết can đảm để hỏi tại sao bố cậu không nhắc đến chiếc vali mà Tom tóm được.

— Chúng ta không phải loại người hớt lẻo chuyện của người khác.

Ove gật đầu. Hai bố con im lặng bước đi.

— Con đã nghĩ đến việc giữ lại chỗ tiền. – Một lúc sau Ove nói khẽ, tay nắm chặt bàn tay bố như thể sợ bị tuột ra.

— Bố biết. – Bố cậu đáp và siết tay cậu mạnh hơn một chút.

— Nhưng con biết bố sẽ giao nộp nó, và con cũng biết một người như chú Tom sẽ không làm điều đó.

Bố cậu gật đầu. Hai bố con không nói gì về chuyện đó nữa.

Nếu Ove là kiểu người tự hỏi làm thế nào và khi nào mình trở thành con người như hiện tại, có lẽ ông sẽ nói rằng đó là thời điểm ông học được “một là một và hai là hai”. Nhưng ông không phải là người hay nghiền ngẫm mọi thứ như thế. Ông bằng lòng với việc nhớ rằng ngày hôm đó ông đã quyết định sau này sẽ giống bố mình nhiều nhất có thể.

Bố mất lúc Ove vừa tròn mười sáu tuổi, khi bị một toa xe bất ngờ lao tới trên đường ray đụng phải. Cậu được thừa hưởng một chiếc Saab, một ngôi nhà ọp ẹp cách thành phố vài chục cây số, và một chiếc đồng hồ đeo tay móp méo, cùng một số thứ lặt vặt khác. Cậu chưa bao giờ có thể lý giải một cách mạch lạc chuyện đã xảy đến với mình ngày hôm ấy. Nhưng cậu không còn hạnh phúc nữa. Cậu không hạnh phúc suốt vài năm sau cái chết của bố.

Tại đám tang, cha xứ muốn nói với Ove về một gia đình đỡ đầu, nhưng rồi nhanh chóng nhận ra rằng cậu được nuôi dạy theo lối không chấp nhận sự thương hại. Ove cũng đồng thời nói rõ là kể từ lúc đó cha không cần phải dành một chỗ cho cậu tại các buổi lễ ngày Chủ nhật. Không phải vì cậu không tin ở Chúa, Ove giải thích với cha xứ như vậy, mà vì trong con mắt của cậu, Chúa chỉ là một gã tồi.

Ngày hôm sau, Ove đi tới phòng phát lương của công ty đường sắt và đưa trả phần lương tháng còn lại. Các cô nhân viên ở đó không hiểu gì cả, khiến cậu phải giải thích rằng bố mình mất vào ngày mười sáu nên không thể đi làm trong mười bốn ngày còn lại của tháng. Và vì tiền lương của bố được ứng trước, cậu muốn nộp lại phần còn thừa.

Ngập ngừng, các cô nhân viên bảo Ove ngồi đợi. Sau khoảng mười lăm phút, ngài giám đốc bước ra và nhìn cậu bé mười sáu tuổi đặc biệt đang ngồi trên chiếc ghế gỗ trong hành lang cùng với số tiền của bố mình trên tay. Ngài giám đốc biết rất rõ cậu bé này. Sau khi biết không thể thuyết phục Ove giữ lại khoản tiền, ngài giám đốc

chỉ còn cách bảo cậu làm nốt số ngày làm việc còn lại của tháng để hợp thức hóa số tiền đó. Ove thấy đây là một đề nghị hợp lý và báo với nhà trường rằng mình sẽ nghỉ học hai tuần. Nhưng cậu không bao giờ quay trở lại trường học.

Ove làm việc cho công ty đường sắt được năm năm. Thế rồi vào một buổi sáng, khi lên tàu, ông trông thấy bà lần đầu tiên. Đó cũng là lần đầu tiên ông cười kể từ sau cái chết của bố.

Và cuộc sống của ông không còn như trước nữa.

Mọi người bảo Ove rằng ông chỉ nhìn đời theo hai màu đen trắng. Còn bà là màu sắc. Tất cả màu sắc của ông.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ