Chiến binh cầu vồng - Chương 5: Đảo Belitong

Belitong là hòn đảo nhỏ giàu có nhất Indonesia, thậm chí có thể là nhất thế giới nữa kia. Nó thuộc quần đảo Sumatra, nhưng sự giàu có khiến nó trở nên biệt lập. Tại đó, trên hòn đảo xa xôi ấy, là nền văn hóa cổ xưa của người Mã Lai được du nhập từ Malacca, và một bí mật bấy lâu được giấu kín nơi miền đất này mãi cho đến khi người Hà Lan tìm thấy. Tận sâu trong vùng đất lầy ấy có một kho tàng khổng lồ: thiếc. Thứ thiếc thiêng liêng. Chỉ cần một nắm thôi cũng đủ đổi lấy cả hàng chục xô gạo rồi.

Giống như tòa tháp Babel[1], cái thang ẩn dụ bắc lên thiên đàng và là biểu tượng của quyền lực, thiếc ở Belitong là tòa tháp của sự thịnh vượng không ngừng lớn dần lên bao trùm bán đảo Malacca, như những đợt sóng không dứt từ ngoài khơi ùa vào bờ.

[1] Sau trận đại hồng thủy, hậu duệ của Noah sinh sôi nảy nở lan tràn khắp mặt đất. Do lo sợ sẽ bị Thiên Chúa giáng một đại nạn nữa như trận đại hồng thủy nên loài người rủ nhau xây dựng tháp Babel. Họ cùng nhau xây tòa tháp ở thành phố Babylon với tham vọng sánh ngang Thiên chúa, thách thức Thiên chúa. Vì thế Thiên chúa đã làm cho họ trở nên bất đồng ngôn ngữ, không hiểu ý nhau và không thống nhất được trong việc xây tháp. Cuối cùng thì tháp Babel không bao giờ được hoàn thành.

Nói không ngoa, nếu ai đó vục tay vào lớp đất nông ở bất kỳ chỗ nào, rút tay lên sẽ thấy nó lấp lánh ánh thiếc. Từ ngoài khơi xa trông vào, đảo Belitong sáng lóa như một ngọn hải đăng định hướng cho tàu thuyền qua lại trên biển.

Nổi tiếng trên khắp thế giới nhờ những mỏ thiếc, nơi này được ghi dấu trong các cuốn sách địa lý bằng cái tên Belitong, Đảo Thiếc. Nhưng đảo thiếc Belitong ấy không có được cái phúc phận giúp tàu thuyền đến đảo không mất tích giữa đường. Thay vào đó, Thượng đế lại cố tình để những mỏ thiếc trở thành bài học cho chính những cư dân trên đảo. Phải chăng họ không biết trân trọng món quà của Thượng đế – để rồi mất tất cả, giống như khi đấng Tối cao trừng phạt người Lemuria[2] chăng? Thiếc cứ tỏa sáng thế cả trong đêm tối. Việc khai thác thiếc trên diện rộng liên tục diễn ra dưới hàng ngàn ngọn đèn tiêu tốn đến hàng triệu kilowatt năng lượng. Nhìn từ trên không, Belitong cứ như một đàn sứa rực rỡ, phát ra thứ ánh sáng màu xanh trong cái tối tăm của biển cả; trơ trọi, nhỏ bé, chói lọi, đẹp đẽ và thừa mứa.

[2] Có giả thiết cho rằng đây là một lục địa từng tồn tại trong thời cổ đại và hiện đã chìm dưới đại dương.

May mắn xiết bao cho vùng đất nơi có những mỏ thiếc nằm trong lòng, bởi vì giống như một bông hoa có vô vàn ong bu vào, thiếc luôn đi theo kèm với những loại vật chất khác: đất sét, xenotime, ziriconi, vàng, bạc, topaz, galen, đồng, thạch anh, silic, granite, monazic, inmenit, siderite và hematit. Thậm chí nơi này còn có cả urani nữa. Những lớp tài nguyên màu mỡ cuộn trào bên dưới những ngôi nhà xiêu vẹo nơi chúng tôi hằng ngày lây lất với cuộc sống thiếu thốn túng quẫn. Chúng tôi, những cư dân bản xứ của Belitong, giống như một bầy chuột đói khát trong một cái kho đầy nhóc thóc.

Điền Trang

Nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào đó được một công ty có tên gọi là PN Timah khai thác. PN viết tắt từ Perusahaan Negeri, hay còn gọi là công ty nhà nước, Timah có nghĩa là thiếc.

PN điều hành 16 máy xúc. Công ty thu hút gần như toàn bộ lực lượng lao động của cả đảo. Ấy là một hệ thống khai thác hoàn toàn độc quyền trên khắp đảo Belitong.

Những cái máng xúc bằng thép liên tục bổ những nhát xói sâu vào mảnh đất Belitong. Chúng giống như những con rắn khổng lồ háu đói chẳng biết đến mệt mỏi là gì. Chúng dài như những sân bóng, và không có gì có thể ngăn chúng lại được. Chúng đập nát những dãy san hô, đốn hạ những thân cây to ngang một ngôi nhà nhỏ, giật sập những tòa nhà bằng gạch chỉ trong chớp mắt, và chẳng mấy chốc san phẳng cả một ngôi làng. Chúng rong ruổi khắp chốn, từ sườn núi, cánh đồng, thung lũng đến biển, hồ, sông, đầm lầy. Âm thanh phát ra từ những chiếc máy xúc nghe cứ như tiếng khủng long gầm thét.

Bọn tôi thường cược nhau những chuyện hết sức dớ dẩn, kiểu như một cái máy xúc mất bao nhiêu phút để biến một quả núi thành một cánh đồng. Đứa thua cuộc, bao giờ cũng là Syahdan, sẽ phải đi lùi về nhà, không được quay người lại. Cả bọn sẽ đi theo, liên tục vỗ lục lạc trong khi nó đi từng bước giật lùi lạch bà lạch bạch như con chim cánh cụt. Cuộc chơi thường kết thúc khi nó ngã bổ chửng xuống một con mương.

Chính quyền Indonesia tiếp quản PN từ thực dân Hà Lan, không chỉ về của cải mà cả tâm thức phong kiến. Ngay cả sau khi Indonesia giành được tự do, cách đối xử của PN đối với người làm công bản xứ vẫn mang tính phân biệt đối xử hà khắc. Cách đối xử khác nhau dựa trên vị trí khác nhau.

Ở vị trí cao nhất là những ủy viên ban quản trị PN. Họ được gọi là Nhân viên. Vị trí thấp nhất không ai khác hơn ngoài những ông bố bà mẹ làm thuê cho PN với những công việc kiểu như khuân ống, hoặc nặng nhọc hơn là vận chuyển thiếc, hay làm công nhật. Bởi lẽ Belitong đã biến thành một làng doanh nghiệp nên PN dần dần trở thành một mô hình như lãnh đạo bá chủ, và đúng theo lối điều hành phong kiến vị trí một công nhân PN dần tự động trở thành ngồi chơi xơi nước.

Nhân viên – gần như chẳng có lấy một người Belitong-Mã Lai nào – sống tại một khu vực riêng biệt có tên gọi là Điền Trang. Khu vực này có lực lượng bảo vệ canh gác, có hàng rào, có tường cao và những tấm biển cảnh cáo với lời lẽ không mấy dễ chịu dán khắp nơi bằng ba thứ tiếng: tiếng Indonesia theo lối chuẩn, tiếng Hoa và tiếng Hà Lan. Tất cả đều cùng một nội dung “Không phận sự miễn vào”.

Trong mắt chúng tôi – những đứa trẻ làng nghèo khổ – Điền Trang đúng là không khác gì lời cảnh báo “Không được đến gần”. Ấn tượng ấy còn được củng cố thêm bởi một hàng cây cọ cao chót vót rụng trái nhỏ xíu đỏ tươi lên nóc những chiếc xe hơi đắt tiền đậu thành hàng nơi lối vào ga ra.

Những ngôi nhà sang trọng của Điền Trang được xây cất theo lối kiến trúc thời Victoria. Rèm cửa may xếp lớp giống tấm màn ở nhà hát. Bên trong, những gia đình nhỏ sống thật êm đềm với hai đứa con, cùng lắm là ba đứa. Những ngôi nhà ấy luôn bình yên, và không một tiếng ồn.

Điền trang tọa lạc trên một sườn núi cao, làm cho những ngôi nhà theo lối kiến trúc Victoria mang dáng vẻ những tòa lâu đài của giới quý tộc. Mỗi ngôi nhà gồm bốn cấu trúc riêng biệt: những phòng lớn dành cho các chủ nhân, khu vực dành cho kẻ ở người làm, ga ra và nhà kho. Bốn khu vực được nối kết với nhau bằng những hàng hiên dài thông thoáng bao quanh một cái hồ nhỏ. Nước xanh trong, những đóa huệ tây mấp mé nơi mép hồ. Chính giữa hồ là bức tượng cậu bé trần truồng – cậu bé trong truyền thuyết Bỉ – và nước liên tục tuôn ra từ cái mẩu nhỏ xíu nơi bụng dưới của cậu, nhìn trông thật buồn cười và hơi ngượng nữa.

Những chậu xương rồng cảnh treo thành hàng dọc mái hiên. Có một người làm công chuyên chăm sóc hoa. Bên bờ hồ có một cái chuồng vuông vức được trang trí cột trụ theo phong cách La Mã. Ấy là chỗ ở của những con bồ câu Anh, háu ăn nhưng hiền lành.

Một cái trường kỷ to tướng làm bằng gỗ tử đàn theo phong cách Victoria choán gần trọn không gian phòng khách. Ngồi lên đó, người ta có cảm giác như mình là một vị vua tối thượng. Kế bên phòng khách là một hành lang dài, rối rắm. Những bức tranh đắt tiền có giá trị nghệ thuật cao – thế nhưng do chúng truyền tải những ý nghĩa to tát quá nên khó mà hiểu được – treo đầy mấy bức tường. Bạn tôi ơi, nếu bạn cố đi từ phòng khách đến nhà ăn mà không chịu để ý, bạn sẽ chẳng tìm ra lối đâu, do là ở trong ngôi nhà ấy không có biết bao nhiêu cái cửa mà đếm cho xuể.

Những người sống trong ngôi nhà ấy ngay cả lúc ăn cơm cũng ăn mặc thật đẹp – thậm chí còn mang giày nữa, sau khi trải khăn ăn ngay ngắn trên đùi, họ dùng bữa không có lấy một tiếng nhéo miệng, và nghe nhạc cổ điển, có lẽ là bản Haffner số 35 cung Rê trưởng của Mozart. Và không một ai vừa ăn vừa đặt cùi chỏ lên bàn.

Vào một đêm thanh bình thế này, bầu không khí nơi Điền Trang chìm trong yên tĩnh. Hầu như không có lấy một tiếng động. Chỉ có âm thanh nô giỡn vọng ra từ một góc nào đó xa xa, nhưng để xem thử nào, à chỉ là một con chó xù đang vờn mấy con mèo thôi mà. Một chị hầu gái, sau khi nghe chủ càu nhàu bọn chó mèo gây ồn ào, đã xua mấy con thú cưng chạy biến đi, thế là tất cả lại im ắng như cũ. Không bao lâu sau, âm thanh trong veo từ cây đàn piano văng vẳng vọng ra từ một trong những ngôi nhà có những cái cột trang trí theo lối Victoria. Một con nhóc nhỏ xíu, Floriana, hay còn gọi là Flo, đang tập đàn piano. Thôi chết, nó hơi gà gật vì quá buồn ngủ. Đầu con nhỏ rũ xuống, nó ngáp lấy ngáp để. Trông nó cứ như con mèo đang ngái ngủ.

Cha nó, một Mollen Bas, Sếp của tất cả đống máy xúc, ngồi bên cạnh nó. Ông phát cáu vì bộ dạng của đứa con gái và thấy xấu hổ trước cô giáo dạy đàn, một phụ nữ Java tuổi trung niên, có nhân cách tốt.

Cha của Flo có khả năng quản lý ca làm của cả ngàn nhân công, có khả năng giải quyết những trục trặc về kỹ thuật vào loại khó nhất, thành công trong việc trông nom những tài sản trị giá hàng triệu đô la, nhưng khi đối mặt với đứa con gái nhỏ này, đứa nhỏ nhất nhà, ông những muốn đầu hàng. Cha của Flo càng mắng mỏ bao nhiêu, nó lại càng ngáp to hơn bấy nhiêu.

Cô giáo dạy đàn bắt đầu từ tốn với những nốt đồ, rê, mi, fa, lướt bốn quãng tám, và hướng dẫn vị trí các ngón tay tại mỗi nốt, một bài tập cơ bản về vị trí các ngón tay. Flo lại ngáp dài.

Trường PN

Trường PN nằm trong khu vực Điền Trang, và đó là một ngôi trường ưu tú, nơi dành cho những học sinh giỏi nhất. Luôn có những cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa những học sinh ở đây, trong đó có Flo.

Ngôi trường này khác với trường chúng tôi một trời một vực. Lớp học ở trường PN được trang trí bằng những bức họa phục vụ cho việc học, những bảng tính cơ bản, bảng tuần hoàn các nguyên tố Mendeleev, bản đồ thế giới, nhiệt kế, ảnh của Tổng thống và Phó Tổng thống, quốc huy có hình con chim với cái đuôi có tám lông. Ngoài ra còn có cả những bộ xương dùng trong môn sinh vật, những quả địa cầu lớn và những mô hình hệ mặt trời. Ở đấy không dùng phấn mà dùng loại bút dạ mùi rất khó chịu, vì cái bảng màu trắng tinh.

“Ở đó có rất nhiều giáo viên,” Bang Amran Isnaini từng học ở đấy, cho tôi biết vào cái đêm trước hôm khi giảng tại Trường Tiểu học Muhammadiyah. Tôi miên man suy nghĩ.

“Mỗi môn học có một giáo viên đảm nhận, ngay cả lớp một.”

Tối hôm đó tôi thao thức mãi, đầu ong ong vì cứ cố đếm xem trường PN có bao nhiêu giáo viên tất cả – vả lại đương nhiên là do tôi rất phấn khích về buổi đi học đầu tiên vào ngày hôm sau nữa.

Ngày đầu tiên đi học ở trường PN đúng thật là một ngày hội. Chẳng như trường chúng tôi – chẳng ai phải thấp thỏm trong lo lắng. Hàng tá xe hơi bóng lộn đậu thành hàng dài trước cổng trường. Hàng trăm đưa trẻ con nhà giàu tới nhập học. Ngay hôm ấy, mỗi tân học sinh được đo may tới những ba bộ đồng phục.

Đồng phục ngày thứ Hai là sơ mi xanh da trời in hoa. Mỗi buổi sáng, học sinh trường PN được đưa đón bằng xe buýt của trường cũng được sơn màu xanh da trời. Bất kỳ khi nào chiếc xe đó đi ngang qua, bọn tôi đều dừng lại, nép bên về đường tròn xoe mắt trông theo nó đầy thèm thuồng. Trông thấy bọn học sinh trường PN bước xuống xe buýt đưa đón, tôi lại liên tưởng đến bức tranh những thiên thần nhỏ trắng muốt đáng yêu dang cánh bay ra khỏi đám mây như trong những cuốn lịch Thiên Chúa.

Hiệu trưởng trường PN là bà giáo Frischa, có trình độ học vấn cao và rất quan tâm đến việc giữ thanh thế bản thân. Bà ấy luôn để mắt chăm chút sao cho những cử chỉ hành động của mình thể hiện được địa vị xã hội của mình. Ở gần bà, bất cứ ai cũng cảm thấy e dè sợ sệt. Có một điều ai cũng trông thấy rõ mồn một là bà trang điểm rất kỹ những muốn xua đi tuổi tác; nhưng cũng chẳng khó nhận thấy rằng trong cuộc chiến ấy bà hoàn toàn bị đáng gục.

Bà hiệu trưởng Frischa rất tự hào về ngôi trường của mình. Nếu ai có cơ may được trò chuyện cùng bà, thì chỉ nói đi nói lại mãi ba chuyện mà bà không bao giờ thấy chán, đó là: những trang thiết bị đáng mơ ước của trường PN, quỹ ngoại khóa dồi dào và những cựu học sinh hiện là những gương mặt thành đạt ở Jakarta.

Trường PN là nơi phân biệt đối xử nhất Belitong. Trường đó chỉ nhận những học sinh là con em của Nhân viên sống tại Điền Trang. Có một nội quy quy định người lao động với cấp bậc nào thì được đăng ký con em mình học tại trường PN. Và đương nhiên, ngoài cổng có treo một tấm biển không phận sự miễn vào.

Thế có nghĩa là con cái của ngư dân, những người khuân vác ống, những người làm công nhật hay làm những công việc nặng nhọc như vận chuyển thiếc, giống như cha mẹ chúng tôi, và đặc biệt là những đứa trẻ Belitong bản xứ, không có lấy một cơ may dù chỉ nhỏ nhất được học hành đàng hoàng. Nếu chúng tôi muốn đi học, thì không còn cách nào khác ngoài việc vào trường làng Muhammadiyah, ngôi trường mà hễ không may có cơn gió hơi mạnh thổi tới là sẵn sàng đổ sụp thành đống gạch vụn.

Ấy là một thực tế hết sức mỉa mai với cuộc sống của chúng tôi nơi đây: sự lộng lẫy xa hoa của Điền Trang và nét quyến rũ khôn cưỡng của ngôi trường PN tài trợ bằng tiền kiếm được từ những mỏ thiếc khai thác trên chính mảnh đất quê hương chúng tôi. Giống hệt vườn treo Babylon được xây cho kẻ bạo chúa Nebuchadnczzar III để chờ thần Marduk, Điền Trang là thương hiệu của Belitong được xây nên để tiếp tục ước mơ bành trướng thuộc địa – một giấc mơ đen tối. Mục tiêu của nó là trao quyền lực cho thiểu số để thống trị đa số, giáo dục thiểu số để sai khiến đa số. Vị thần được tôn thờ không ai khác hơn chính là địa vị xã hội, cái địa vị được xây trên nền tảng của sự phân biệt đối xử đối với những cư dân bản xứ nghèo khổ.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ