Chiếc xe buýt cà khổ lăn bánh qua khỏi khu chợ. Cửa hàng Sinar Harapan từ từ biến mất khỏi tầm mắt. Tôi vội xuống xe băng qua đường về nhà mẹ tôi.
Tôi nghe bài hát Rayuan Pulau Kelapa – Đảo dừa quyền rũ vọng ra từ nhà hàng xóm. Đó là nhạc hiệu của Radio Republik Indonesia, có nghĩa là đã đến bản tin trưa. Một ngày yên tĩnh và nóng bức. Nhưng sự yên tĩnh đó bị phá vỡ bởi một tiếng còi dài phát ra từ một chiếc xe có tải trọng mười tấn. Đó là chiếc xe trục kép có mười tám bánh với bề rộng một mét.
Một người thanh niên nhỏ thó nhấp nhô trên chiếc ghế tài. Anh quá bé so với chiếc xe tải quá cỡ. Anh đang chở cát thủy tinh.
“Thế là cuối cùng cậu cũng trở về, Ikal. Hôm nay bận quá. Tới trại nhé,” anh hét lên.
Tôi bỏ bốn cái túi trên vai xuống, nhưng chỉ kịp vẫy tay. Tôi đứng vẫy tay giữa đám bụi tung lên mù mịt trong khi anh lái xe đi mất.
Ngày hôm sau, tôi đến khu trại theo lời mời của anh tài xế nhỏ người ấy. Những cái lán rải dọc khắp bờ biển, và không có cửa – hệt như chuồng gia súc. Đây là nơi hàng chục tài xế chở cát nghỉ lại chờ tới ca của mình. Họ phải thay nhau làm liên tục hai tư tiếng một ngày để đổ cát đầy mấy cái sà lan. Những cái sà lan chất hàng ngàn tấn của cải của Belitong. Chúng đi tới đâu thì chẳng ai biết được.
Tôi bước vào trại nhìn quanh quất. Ở chính giữa có một lò sưởi lớn giúp họ sưởi ấm chống lại những cơn giò lạnh thổi từ biển vào. Trong góc xếp lô xô những can dầu, gói thuốc lá, bình rượu da, đủ loại chìa khóa, cái bơm dầu, trống, và một bình đựng nước uống. Mọi thứ lộn xộn bừa bãi. Những cái bình màu đen, mấy cái đĩa thiếc, những hộp thuốc diệt muỗi, cà phê và vỏ mì ăn liền vung vãi trên sàn nhà bẩn, và ở đó còn lăn lóc mấy tấm thảm cầu nguyện nữa. Một tờ lịch ảnh phụ nữ mặc đồ bikini treo xộc xệch trên tường. Dẫu đã là tháng Năm, nhưng cũng chẳng ai thèm quan tâm đến việc đổi sang tờ khác, vẫn cứ để tháng Ba – rõ ràng tất cả đều đồng ý người mẫu tháng Ba hấp dẫn nhất.
Người lái xe chào tôi hôm trước là một trong mấy chục lái xe ở trong những cái lán này. Anh ngồi đối diện tôi trên ghế sofa gần lò sưởi. Anh nhếch nhác, khắc khổ, chưa vợ con và thiếu ăn – là Lintang.
Tôi không nói gì. Rõ ràng cậu đã rất mệt mỏi khi chiến đấu với định mệnh. Công việc nặng nhọc khiến cho cánh tay cậu cứng cáp, nhưng phần còn lại của cơ thể thì gầy gò hom hem. Dù làn da cậu khô rốc, dính đầy dầu mỡ, nhưng ánh nhìn thông minh trong mắt cậu và nụ cười hóm hỉnh dễ mến vẫn vẹn nguyên trên khuôn mặt. Tóc cậu cháy nắng rối bù. Lintang và toàn bộ con người cậu gợi nên một niềm thương cảm, thương cảm vì trí thông minh bị phí hoài.
Tôi vẫn im lặng. Ngực tôi thắt lại. Chỗ lán trại này được xây trên doi đất nhô ra biển. Tôi nghe thấy có tiếng Bùm! Bùm! Nhìn ra cửa sổ phía bên phải, tôi trông thấy một chiếc tàu kéo đang chầm chậm đi qua, kéo theo một sà lan. Tiếng động cơ phát ra từ chiếc tàu kéo khiến cho mấy cột rầm của cái lán rung chuyển. Khói đen bốc cuồn cuộn. Con tàu phá tan sự tĩnh lặng của biển, để lại những ngọn sóng và nước tung lấp lóa, dầu nổi loang lổ khiến mặt nước trông như được làm từ thủy tinh đa sắc.
Tôi dán mắt vào con tàu đang nổ bình bịch, nhưng lúc đó tôi cảm thấy như thể nó không chuyển động, mà thay vào đó là cả mấy căn lán và tôi đang chuyển động. Lintang, nãy giờ vẫn ngồi yên quan sát tôi, đọc được ý nghĩ của tôi.
“Thuyết tương đối của Einstein về tính đồng thời,” cậu nói, khỏi đầu buổi trò chuyện. Cậu ngậm ngùi cười. Niềm mong ước được đi học hẳn khiến cậu đau lòng lắm.
Tôi cũng mỉm cười. Nghiêm túc mà nói, tôi hiểu rõ ràng Lintang không trải qua những điều tôi từng trải qua. Hai con người nhìn một sự vật từ hai góc nhìn khác nhau nên có nhận thức khác nhau. Chính vì vậy Lintang mới nói đến tính đồng thời. Như thế cũng có lợi cho cách nhìn nhận cuộc sống của chúng tôi hiện giờ.
Một lát sau, tôi lại nghe tiếng Bùm! Bùm! nữa. Hóa ra một chiếc tàu kéo khác di chuyển theo hướng đối diện chiếc lúc nãy. Đuôi con tàu trước vẫn chưa khuất khỏi tầm nhìn. Tôi nhìn bên trái rồi bên phải, so sánh chiều dài của hai con tàu vừa đi qua.
Lintang quan sát cử động của tôi. Tôi biết cậu đang đọc ý nghĩ của tôi. Cái tài này của cậu không bao giờ khiến tôi hết ngạc nhiên cả.
“Nghịch lý,” tôi nói.
Lintang cười.
“Tương đối,” cậu đáp.
Tôi nói nghịch lý vì tôi – một vật thể đứng yên – đoán kích cỡ của chiếc tàu kéo sẽ khác so với suy đoán của những người trên chiếc tàu kéo.
“Không, không phải nghịch lý, mà là tương đối,” cậu lại giải thích. “Vật thể đứng yên và vật thể chuyển động sẽ có những đánh giá khác nhau về kích thước của một vật thể đang chuyển động. Đây là một giả thuyết đã được chứng minh, thời gian và khoảng cách không mang tính tuyệt đối, chỉ tương đối thôi. Einstein đã phản bác Newton bằng khái niệm này, và đó là tiền đề của thuyết tương đối đã giúp Einstein trở nên nổi tiếng.”
Ôi, Lintang! Từ khi chúng tôi còn nhỏ, tôi chưa khi nào thôi ngưỡng mộ con người nhỏ bé đang ngồi trước tôi đây. Người ngồi cùng bàn năm xưa, người giờ đây là một cư dân sống trong cái lán dành cho cu li, vẫn còn lanh lợi lắm. Dẫu là đôi mắt biết cười của cậu đã trở nên giống như hai hòn bi thủy tinh sậm màu vì thời gian thì trực giác của cậu vẫn nhạy bén như mắt diều hâu đang soi xuống bầy gà.
Đắm chìm vào những suy nghĩ như thế, tôi nhìn cậu thật lâu thật kỹ và cảm thấy buồn vô hạn. Suy nghĩ của tôi lại bay bổng đến một miền tưởng tượng xa xăm, tôi hình dung thấy cậu mặc quần tây trắng và áo gi lê polyester gọn ghẽ bên ngoài sơ mi dài tay màu xanh nước biển, khi cậu lên bục để trình bày bản báo cáo tại một diễn đàn khoa học danh giá. Bài báo cáo đó có thể là về một ý tưởng đột phá trong lĩnh vực sinh học biển hay vật lý nguyên tử.
Có thể cậu còn đáng được đi lại nhiều nước trên thế giới, được nhận nhiều học bổng cao quý hơn nhiều người tự cho mình là trí thức nhưng chỉ đơn thuần là những nhà khoa học dỏm chẳng làm nên trò trống gì cho xã hội ngoài những con điểm và đồ án tốt nghiệp của mình. Và những người chỉ biết bản thân mình – chỉ chăm chăm làm lợi cho mình. Tôi muốn đọc thấy tên của Lintang bên dưới một bài báo trong tạp chí khoa học. Tôi muốn nói cho mọi người biết rằng Lintang, chuyên gia di truyền học duy nhất, một và chỉ một mà thôi, ở Indonesia, người đã thông thạo tam giác Pascal ngay từ cấp tiểu học, và người hiểu được vi phân và tích phân ngay từ khi còn rất nhỏ, và là một học sinh trường Muhammadiyah ở Belitong, bạn cùng bàn của tôi thời tiểu học.
Nhưng hôm nay, Lintang chỉ là một người đàn ông nhỏ bé ngồi đợi đến ca làm nặng nhọc. Làm việc cả ngày lẫn đêm, ngậm ngùi từ bỏ niềm khao khát cao quý là được trở thành một nhà toán học để làm công cho những ông chủ thủy tinh đổi lấy vài đồng tiền công còm. Tôi nhớ da diết ngày xưa lúc trước cậu nhắm mắt lại không đầy mười giây mà có thể giải được một bài toán hóc búa. Khi cậu hét vang, “Jeanne d’Arc!” Khi cậu đứng trên bục vinh quang nhận cúp Học sinh giỏi, cậu khiến cho chúng tôi tự hào và tự tin biết mấy. Giờ cậu ngồi đây nơi góc lán, không biết tương lai sẽ ra sao.
Tôi buồn bã nhìn quanh căn lán. Tấm ảnh cưới của cha mẹ Lintang treo trên tưòng. Tôi vẫn còn nhớ tấm ảnh ấy. Lintang đã mang nó theo trong cuộc thi Học sinh giỏi. Tấm ảnh chụp với phông nền giả, một cánh đồng cỏ, một chiếc ô tô mui kín với một gia đình hạnh phúc đứng vây quanh, những cái cây lạ có lá đỏ giống như được trồng đâu đó ở châu Âu. Cho đến hôm nay, tôi vẫn thường tưởng tượng cảnh Lintang trở thành một nhà toán học Mã Lai. Nhưng hình dung đó bốc hơi đâu mất vì nơi đây, trong cái lán không cửa nẻo gì đây, Isaac Newton của tôi đã quy hàng số phận.
“Buồn làm gì, Ikal. Ít nhất thì mình cũng đã giữ lời hứa với cha, là mình sẽ không làm nghề đánh cá.”
Những lời đó như xát thêm muối vào lòng tôi, và giờ tôi thấy giận. Tôi thất vọng vì có quá nhiều đứa trẻ thông minh buộc phải bỏ học nửa chừng vì lý do tài chính. Tôi nguyền rủa tất cả những kẻ ngu dốt mà cứ làm ra vẻ thông minh. Tôi căm ghét những đứa trẻ con nhà giàu không chịu học hành đàng hoàng.