Hai Số Phận - Chương 40

Vào một buổi tối tháng hai rét mướt, William Kane ngồi đọc lại báo cáo của Thaddeus Cohen. Henry Osborne đã đưa ra tất cả những thông tin ông cần thiết để diệt Abel Rosnovski. Ông ta đã lấy hai mươi nhăm ngàn đô la rồi biến đi. Rất đúng với bản chất con người ông ta. William nghĩ bụng và để lại cặp hồ sơ về Rosnovski vào trong két.

Bản gốc đã được Thaddeus Cohen gửi lên BỘ Tư pháp ở Washington từ trước đây mấy ngày.

Khi Abel Rosnovski ở Thổ Nhĩ Kỳ trở về ngay sau đó bị bắt, William vẫn chờ ông ta trả thù, bụng chắc mẩm thế nào cũng tung ngay ra thị trường toàn bộ chứng khoán Liên Mỹ của ông ta trong ngân hàng.

Lần này, William đã có sự chuẩn bị. Ông đã có báo trước cho đại lý biết là rất có thể Liên Mỹ sẽ lại được tung ra thị trường với khối lượng to và bất ngờ. Những gì ông dặn trước đại lý là rất rõ. Hễ họ tung ra là mua ngay để khỏi tụt giá. Một lần nữa, ông lại sẵn sàng bỏ tiền trong quỹ riêng ra làm biện pháp ngắn hạn để tránh cho ngân hàng khỏi có chuyện phiền phức. William cũng có một thông tri nhỏ cho tất cả những cồ đông của Lester yêu cầu họ chớ có bán bất cứ một cổ phiếu nào mà không tham khảo ý kiến của ông trước.

Mấy tuần trôi qua không thấy Abel Rosnovski động đậy gì William bắt đầu cho rằng Thaddeus Cohen đã dự đoán đúng khi ông ta tin là họ khó có thể tìm ra dấu vết mà lần đến chỗ ông được. Hẳn là Rosnovski đã đổ tội tất cả cho Henry Osborne.

Thaddeus Cohen cũng tin chắc rằng với chứng cứ mà Osborne khai ra, Abel Rosnovski sẽ phải ngồi tù khá lâu do đó sẽ không thể có điều kiện vận dụng Điều khoản 7 đe dọa ngân hàng hoặc William Kane cũng hy vọng việc tòa tuyên án sẽ làm cho Richard tỉnh ngộ ra được và quay trở về nhà. Chắc chắn là những điều người ta tiết lộ về gia đình đó sẽ chỉ làm cho anh ta lúng túng khó xử với cô con gái của Rosnovski kia, và càng thấy rằng trước nay bố anh vẫn đúng.

William có thể hoan nghênh Richard trở về. Hiện nay trong ban giám đốc ngân hàng Lester có một chỗ trống do Tony Simons đã về hưu và do cái chết đột ngột của Ted Leach. Richard sẽ phải quay về New York trước khi William đến tuổi sáu mươi lăm trong vòng mười năm nữa, nếu không thì sẽ là lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ không có người nào của họ nhà Kane ngồi trong ban giám đốc ngân hàng. Theo báo cáo cho biết là Richard đã tổ chức rất giỏi cho những của hàng mà Florentyna cần, nhưng cố nhiên cái cơ hội để trở hành chủ tịch tương lai của ngân hàng Lester đối với Richard có ý nghĩa hơn nhiều so với chuyện làm việc cho cô con gái của Rosnovski đó chứ.

Một điều nữa khiến William lo ngại là ông không ưa lắm cái thế hệ giám đốc mới hiện đang làm việc trong ngân hàng. Jake Thomas, người phó chủ tịch mới còn là người rất có thể được thay thế William làm chủ tịch. Có lẽ ông ta được học ở Princeton và tốt nghiệp loại ưu, nhưng ông ta có tính khoe mẽ – hơi quá khoe mẽ, William nghĩ bụng – mà lại cũng quá nhiều tham vọng, không phải là loại người thích hợp để làm chủ tịch Lester được. Có lẽ William phải tiếp tục đeo đẳng cho đến năm ông sáu mươi lăm tuổi và trong khi đó cố thuyết phục Richard trở về Lester càng sớm càng tốt. William biết là Kate sẵn sàng mong Richard trở về với bất cứ điều kiện nào. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, ông càng thấy những nhận định của mình về con là không đúng nữa. Lạy Trời, cũng may mà cuộc hôn nhân của Vigirnia tốt đẹp và bây giờ cô đã có bầu rồi. Nếu Richard từ chối không chịu về và không chịu bỏ cô con gái Rosnovski ấy, thì ông có thể để lại tất cả cho Virginia nếu cô đẻ cháu trai.

William đang ngồi ở bàn làm việc tại ngân hàng thì bị trận đau tim đầu tiên. Không nghiêm trọng lắm.

Các bác sĩ bảo ông nên nghỉ ngơi ít ngày thì có thể sống thêm hai mươi năm nữa. Ông nói với bác sĩ – ông này còn trẻ lắm nhưng giỏi – là ông rất nhớ Andrew Mackenzie! Và ông chỉ muốn sống thêm mười năm nữa cho hết nhiệm kỳ làm chủ tịch ngân hàng. Trong mấy tuần nghỉ ở nhà, William miễn cưỡng giao cho Jake Thomas trách nhiệm toàn diện đối với các quyết định của ngân hàng. Nhưng vừa trở lại làm việc, William lại phải nhanh chóng xác định lại vị trí chủ tịch của mình vì sợ rằng trong khi ông vắng mặt Thomas đã có thể lạm quyền quá chăng.

Thỉnh thoảng Kate mạnh dạn yêu cầu ông để cho bà trực tiếp gặp Richard, nhưng ông nhất định không nghe, nói rằng: Tự nó biết khi nào nó muốn thì có thể về. Tất cả những gì nó cần làm là chấm dứt quan hệ với con bé gian dối đó.

Hôm Henry Osborne tự tử, Wilham lại bị một trận đau tim nữa, nhưng ông không kêu ca gì. Suốt đêm, Kate ngồi bên giường ông, chỉ sợ ông chết. Nhưng việc ông còn quan tâm đến là vụ xử Abel Rosnovski sắp tới khiến cho ông vẫn sống được. William theo dõi tình hình chung quanh vụ này rất sát, và ông biết rằng việc Osborne tự tử sẽ chỉ càng làm cho cái thế của Rosnovski mạnh hơn lên mà thôi. Khi Rosnovski cuối cùng được tha bổng với sáu tháng án treo và nộp hai lăm ngàn đô la, thì William không lấy làm ngạc nhiên về chuyện họ đã xử nhẹ như vậy. Cũng dễ dàng hình dung được tại sao chính phủ đồng ý với một vụ xử như thế thôi, vì Rosnovski đã thuê được một luật sư giỏi Tuy nhiên, William ngạc nhiên thấy mình cũng cảm thấy có tội trong việc này, vì khi Abel Rosnovski không bị ngồi tù nữa, ông lại cũng thấy nhẹ người.

Vụ xử xong rồi, William không cần quan tâm đến chuyện Rosnovski có định phá giá chứng khoán Liên Mỹ hay không nữa. ông vẫn sẵn sàng đối phó. Nhưng rồi không thấy gì. Qua mấy tuần lễ, William bắt đầu không nghĩ đến Nam tước Chicago nữa mà chỉ nghĩ đến Richard, mà lúc này ông rất muốn gặp. “Tuổi già và sợ chết gây ra những thay đổi bất ngờ trong tim”, ông đã có đọc câu đó ở đâu một lần. Một buổi sáng tháng chín, ông nói cho Kate biết ý nguyện đó của mình. Bà không hỏi tại sao ông lại thay đổi ý kiến đến như vậy và chỉ cần biết muốn gặp đứa con trai độc nhất.

Tôi sẽ gọi ngay cho Richard và mời cả hai đứa về,- bà nói, và bà cũng ngạc nhiên một cách thú vị là lúc bà nói đến hai đứa thì thấy ông không có vẻ gì khó chịu.

– Cũng được thôi, – William khẽ nói. – Em bảo với Richard là anh muốn gặp nó trước khi chết.

– Anh đừng nói dại. Bác sĩ bảo là nếu anh làm việc từ tử thì sẽ còn sống được hai mươi năm nữa.

– Anh chỉ muốn hoàn tất nhiệm kỳ chủ tịch của mình để Richard nó thay thế. Thế là đủ rồi. Sao em không bay sang miền Tây một lần nữa và bảo với Richard là anh yêu cầu như thế, Kate?

– Anh nói một lần nữa là sao? – Kate bứt rứt hỏi lại.

William cười.

– Anh biết là em đã đi San Francisco nhiều lần rồi, em yêu quý ạ. Mấy năm qua mỗi lần anh đi đâu có việc là em cũng lấy cớ về thăm mẹ. Năm ngoái, cụ mất rồi nên em không có cách nào khác được nữa. Chúng ta lấy nhau đã hai mươi bảy năm, và đến giờ thì anh đã biết là đã thuộc tính nết của em quá rồi. Em vẫn đáng yêu như ngày đầu anh mới gặp, và anh tin rằng ở cái tuổi năm mươi tư thì em chả có người tình nào nữa. Vì vậy anh thấy chả khó gì mà không kết luận được là em đã đi thăm Richard.

– Đúng đấy, em có đi thăm, – Kate nói. – Nhưng tại sao anh không nói là đã biết từ trước.

– Trong thâm tâm thì anh mừng, – William nói. – anh không muốn nó hoàn toàn cắt đứt với bố mẹ. Nó thế nào?

– Cả hai đứa đều khỏe, và bây giờ thì anh vừa có cả cháu gái, vừa có cả cháu trai.

– Cả cháu gái và cháu trai, – Wilham nhắc lại.

– Vâng tên nó là Kane Abel, – Kate nói.

– Còn cháu trai? – William hỏi. Bây giờ ông mới hỏi là một.

Khi Kate nói tên cháu ra, ông cười. Nhưng đó là bà nói dối thôi.

– Tốt, – William nói. – Em bay đi San Francisco xem làm gì được không. Bảo nó là anh yêu nó. – ông đã có một lần nghe một người già khác nói câu đó, một người sắp mất đứa con trai của mình.

Đêm đó Kate thấy hết sức vui. Đã mấy năm nay bà mới lại cảm thấy được như vậy. Bà gọi cho Richard báo là sẽ sang và ở lại với con một tuần, đem theo cả tin vui sang nữa.

Ba tuần sau Kate mới trở lại New York. William hài lòng nghe nói cả Richard và Florentyna đầu năm tới sẽ trở về thăm bố mẹ, và đó cũng là dịp đầu tiên hai vợ chồng đi xa khỏi San Francisco. Kate kể rất nhiều về chuyện hai vợ chồng làm ăn khấm khá, thằng cháu trai rất giống ông nội, và cả Richard cùng Florentyna rất muốn về New York ngay.

William nghe chuyện chăm chú và cảm thấy mình cũng hạnh phúc, yên tâm. ông thích tất cả những chuyện ông được nghe kể về Florentyna, và ông bắt đầu lo rằng Richard không về sớm thì rất có thể vai chủ tịch ngân hàng sẽ rơi vào Jake Thomas mất thôi.

Ông lo nhưng không nghĩ về chuyện đó lắm.

Sáng thứ hai sau đó, William trở lại làm việc với một tinh thần phấn khởi sau một thời gian vắng mặt khá lâu. Sau trận đau tim lần thứ hai, ông phục hồi tốt hơn và bây giờ ông cảm thấy đáng sống.

– Ông phải đi lại nhẹ nhàng cẩn thận đấy, – bác sĩ trẻ đã dặn ông.

Nhưng William quyết tâm khẳng định lai vai trò chủ tịch và thống đốc ngân hàng của mình để còn dọn đường cho con trai. Đến ngân hàng, ông được người gác cửa chào hỏi và người đó báo cho ông biết là Jake Thomas đang tìm ông, trước đó cũng đã gọi về nhà cho ông. William cảm ơn người nhân viên già của ngân hàng, người duy nhất đã phục vụ ngân hàng Lester lâu hơn cả chính ông chủ tịch.

– Chả có gì quan trọng mà không chờ được, – ông nói.

– Không, thưa ông.

William chậm chạp bước vào phòng chủ tịch. Vừa mở cửa, ông đã thấy có ba giám đốc đang ngồi họp với Jake Thomas đang ngồi đàng hoàng ở chính giữa nghế của William.

– Tôi vắng mặt lâu thế kia à? – Wiìliam cười nói. – Tôi không còn làm chủ tịch nữa sao?

– Tất nhiên, ông vẫn còn chứ, – Jake Thomas nói và vội đứng dậy khỏi ghế chủ tịch. – Hoan nghênh ông trở lại, ông William.

William thấy khó có thể quen với cách xưng hô của Jake Thomas đã gọi ông bằng tên tục. Cái thế hệ mới này họ quá thân mật thật đấy. Hai người chỉ mới biết nhau có mấy năm thôi, và ông ta có lẽ chưa ngoài bốn mươi.

– Có vấn đề gì đấy? – ông hỏi.

– Abel Rosnovski, – Jake Thomas thản nhiên đáp.

William cảm thấy nhói đau trong bụng và ngồi xuống một chiếc ghế da gần đó nhất.

– Lần này ông ta muốn gì? – ông mệt mỏi hỏi. – Ông ta không muốn để cho tôi được yên thân sao?

Jake Thomas bước đến chỗ William.

– Ông ta muốn vận dụng Điều khoản 7 và muốn có một cuộc họp ủy quyền với mục đích duy nhất là gạt ông ra khỏi ghế chủ tịch.

– Ông ta không thể làm thế được. Ông ta không có đủ số tám phần trăm cần thiết, mà quy chế của ngân hàng đã nói rõ rằng chủ tịch phải được thông báo ngay lập tức nếu có người nào bên ngoài chiếm hữu tám phần trăm chứng khoán. Ông ấy nói đến sáng mai sẽ có tám phần trăm đó.

– Không, không, – William nói. – Tôi đã kiểm tra kỹ tất cả các cổ phiếu. Không có ai muốn bán cho Rosnovski cả. Không có ai.

– Peter Parfitt, – Jake Thomas nói.

– Không, – William cười ngạo nghễ. – Tôi đã mua chứng khoán của ông ta cách đây một năm qua một người thứ ba rồi.

Jake Thomas chưng hửng, và đến một lúc sau không ai nói gì.

Lần đầu tiên William hiểu là Thomas muốn được làm chủ tịch Lester biết chừng nào.

– Sự thật là, – Jake Thomas nói, – ông ta nói đến mai sẽ có tám phần trăm, do đó ông ta có quyền cử ra ba giám đốc để đình chỉ bất cứ quyết định lớn nào trong vòng ba tháng. Đó cũng chính là những điều khoản ông đã đưa vào đó đề đảm bảo cái thế lâu dài của mình. Ông ấy cũng có ý muốn công bố quyết định của mình trên báo cho cả nước biết. Để đề phòng, ông ấy còn dọa bán cả chứng khoán của công ty Nam tước

để đảo lại quyền kiểm soát của Lester nếu có ý kiến phản đối ông ta. Ông ta cũng nói rõ là chỉ có một cách để ông ta từ bỏ kế hoạch này thôi.

– Là cách gì? – William nói.

– Là ông xin từ chức chủ tịch ngân hàng, – Jake Thomas đáp.

– Thế là tống tiền à? – William nói gần như hét lên.

– Có thể, nhưng nếu ông không từ chức vào mười hai giờ trưa thứ hai tới, thì ông ta sẽ công bố cho tất cả các cổ đông biết. Ông ấy đã giữ sẵn chỗ để đăng trên bốn chục tờ báo và tạp chí.

– Ông ta điên mất rồi, – William nói. Ông rút mùi xoa ở túi ngực áo đưa lên chấm lông mày.

– Như thế cũng chưa hết, – Jake Thomas nói tiếp. – Ông ấy còn đòi là không có người nào thuộc họ Kane được thay thế ông trong ban giám đốc trong mười năm tới đây và việc từ chức của ông không được lấy cớ là yếu sức hay bất cứ cớ gì khác để ra đi. Ông ta đưa ra một tài liệu dài có tiêu đề “Công ty Nam tước”.

– Điên, – William nhắc lại sau khi đọc qua bức thư.

– Dù sao tôi cũng đã triệu tập họp ban giám đốc vào mười giờ ngày mai,- Jake Thomas nói. – Tôi nghĩ chúng ta sẽ thảo luận chi tiết những yêu cầu của ông ta, William.

Ba vị giám đốc để William ngồi lại một mình trong phòng. Suốt ngày hôm đó không ai vào gặp ông. Ông liên lạc với một số giám đốc khác nhưng chỉ nói chuyện được với một vài người và cảm thấy không chắc được họ ủng hộ. Ông biết là cuộc họp ngày mai sẽ rất căng, nhưng chừng nào chưa có ai có được tám phần trăm thì ông còn thấy yên tâm. ông bắt đầu ngồi tính đến một chiến lược để duy trì sự kiểm soát của ông đối với ban giám đốc. Ông kiểm tra lại danh sách các cổ đông. Theo ông biết được thì cho đến nay không một ai có ý muốn nhả chứng khoán của mình ra cả. Ông cười một mình. Abel Rosnovski đã thất bại với cú này của ông ta rồi. Tối hôm đó, William về nhà sớm, vào thư viện ngồi để suy nghĩ về những sách lược đánh bại Abel Rosnovski một lần cuối. Mãi đến ba giờ sáng ông mới đi ngủ, nhưng ông đã quyết định được sẽ làm gì. Jake Thomas phải bị gạt ra khỏi ban giám đốc để Richard thay vào đó.

Sáng hôm sau William đến sớm để dự cuộc họp ban giám đốc. Ông ngồi trong phòng làm việc xem lại những điểm đã ghi chép, rất tin ở thắng lợi. Ông cảm thấy kế hoạch của mình đã tính đến mọi mặt. Lúc mười giờ kém năm phút, thư ký bấm chuông báo vào:

– Có một ông Rosnovski muốn nói chuyện điện thoại với ông, – cô nói.

– Sao? – William hỏi.

– Ông Rosnovski.

– Ông Rosnovski. – William nhắc lại cái tên như không tin ở mình, – Cho nói đi, – ông đáp, giọng hơi run.

– Vâng, thưa ông.

– Ông Kane? – Một giọng nhẹ mà William không bao giờ quên được.

– Vâng, lần này ông định làm gì theo – William hỏi.

– Theo quy chế của ngân hàng, tôi báo để ông biết là hiện nay tôi đã có tám phần trăm cổ phần của Lester, và tôi muốn vận dụng Điều khoản 7 nếu như những yêu cầu. Trước đây của tôi không được đáp ứng vào trưa ngày thứ hai.

– Ông có được hai phần trăm cuối cùng của ai thế? – William lắp bắp hỏi.

Điện thoại ngắt. Ông vội xem danh sách các cổ đông, cố tìm xem ai đã phản bội mình. Lúc chuông điện thoại reo lần nữa, William còn chưa hết run.

Đúng mười giờ, William bước vào phòng giám đốc.

Nhìn quanh bàn, ông chợt thấy mình còn hiểu rất ít về những giám đốc trẻ. Lần trước, ông cũng đã có một cuộc chiến đấu trong chính phòng này. ông chẳng quen biết một giám đốc nào trong số họ, thế mà ông vẫn thắng. Ông mỉm cười với mình, tự tin rằng còn có thể đánh bại Abel Rosnovski. Ông đứng dậy nói với ban giám đốc.

– Thưa các vị, cuộc họp này được triệu tập vì ngân hàng nhận được yêu cầu của ông Abel Rosnovski bên Công ty Nam tước, một con người phạm tội đã bị lên án nhưng lại có thái độ hỗn xược dám trực tiếp đe dọa tôi cụ thể là dùng tám phần trăm cổ phần của ông ta trong ngân hàng này để làm cho chúng ta khó xử, và nếu như chiến thuật này không thành công thì ông ta sẽ dùng đến biện pháp đảo ngược giá trị, trừ phi tôi từ chức chủ tịch và thống đốc mà không có lời giải thích gì các vị đều biết rằng tôi chỉ còn có chín năm nữa để phục vụ ngân hàng này cho đến khi tôi về hưu, và nếu như trước đó tôi phải rời đi, thì việc từ chức của tôi sẽ hoàn toàn bị hiểu sai lạc trong thế giới tài chính.

William nhìn xuống những ý mình đã ghi trước, quyết tâm đi tới với con chủ bài của mình.

– Thưa các vị, tôi sẵn sàng giao lại toàn bộ cổ phiếu của tôi với mười triệu đô la của quỹ ủy thác riêng của tôi để ngân hàng sử dụng chống lại bất cứ âm mưu nào của ông Rosnovski trong khi đó vẫn đảm bảo cho ngân hàng Lester không bị thua thiệt gì hết. Trong hoàn cảnh như hiện nay, tôi hy vọng được các vị hoàn toàn ủng hộ trong cuộc đấu tranh chống Abel Rosnovski. Tôi tin rằng các vị không phải là những người chịu để cho bị dọa dẫm một cách tầm thường như vậy.

Cả phòng im lặng. William tin chắc mình đã thắng, nhưng rồi Jake Thomas nêu lên tiếng xem ban giám đốc có ai muốn hỏi về quan hệ giữa ông với Abel Rosnovski. Yêu cầu đó khiến William ngỡ ngàng, nhưng ông đồng ý ngay, không ngập ngừng. Jake Thomas không phải là người khiến ông sợ được.

– Mối thù này giữa ông với Abel Rosnovski, – Jake Thomas nói, – đã diễn ra hơn ba chục năm nay rồi. Ông có tin rằng nếu chúng tôi theo kế hoạch của ông thì sẽ chấm dứt được chuyện đó không?

– Ông ta còn có thể làm gì khác được nữa ? – William lúng túng hỏi và nhìn quanh phòng xem có ai lên tiếng ủng hộ không.

– Ông ta chưa làm gì thì chưa thể biết được, nhưng với tám phần trăm cổ phần trong ngân hàng thì ông ta cũng đã có quyền ngang với ông rồi, – đó là ý kiến của người thư ký mới của Công ty, William không ưa anh chàng này vì anh ta nói nhiều. – Và điều mà chúng tôi có thề thấy được là trong hai ông hình như chẳng ai có thể xóa bỏ được mối tư thù này. Mặc dầu ông đã sẵn sàng đưa ra mười triệu để bảo vệ cho vị trí tài chính của ngân hàng, nhưng nếu ông Rosnovski cứ tiếp tục đình lại những quyết định về chính sách, cứ triệu tập những cuộc họp ủy nhiệm mà không kể gì đến thiện chí của ngân hàng, thì nhất định điều đó sẽ gây ra hốt hoảng. Ngân hàng và những công ty phụ thuộc vào ngân hàng mà chúng tôi có trách nhiệm với họ với tư cách giám đốc sẽ ít ra là thấy khó xử và nhiều ra là có thể đổ sụp.

– Không, không, – William nói. – Với sự ủng hộ của riêng tôi, chúng ta có thể đối chọi với ông ta được.

– Điều mà chúng ta phải quyết định hôm nay, – thư ký công ty nói tiếp, – là xem có điều kiện nào để cho ban giám đốc này đối chọi được với ông Rosnovski hay không. Có lẽ về lâu về dài thì chúng ta là những người chắc chắn thất bại.

– Không đâu, nếu tôi bỏ quỹ riêng của tôi ra trả cho cái giá đó William nói.

– Điều đó thì ông có thể làm được, – Jake Thomas nói, – nhưng chúng ta không chỉ bàn vấn đề tiền, mà còn nhiều vấn đề lớn hơn đặt ra cho ngân hàng. Bây giờ ông Rosnovski có thể vận dụng Điều khoản 7 thì ông ấy muốn chơi kiểu nào với ta là tùy ông ta thôi. Ngân hàng có thể bỏ hết thì giờ ra không làm gì mà chỉ ngồi đoán trước xem Abel Rosnovski định chơi thế nào.

Jake Thomas chờ cho điều mình vừa nói đủ ngấm vào mọi người, William im lặng. Rồi Thomas lại nhìn vào William nói tiếp:

– Bây giờ, tôi xin hỏi ông, thưa ông chủ tịch, một câu hỏi riêng rất nghiêm túc đang khiến mọi người ngồi quanh bàn này lo lắng, và tôi hy vọng ông sẽ rất thành thật trả lởi cho chúng tôi biết, mặc dầu đối với ông có thể là không thú vị gì lắm.

William nhìn lên, không hiểu đó có thể là câu hỏi gì ông tự hỏi không biết họ đã giấu giếm bàn với nhau những gì? Cái tay Jake Thomas tự cho mình là ai vậy William cảm thấy mất chủ động.

– Tôi sẽ trả lời, bất cứ gì ban giám đốc yêu cầu, – William nói – Không có gì và không có ai đáng cho tôi phải sợ, – ông nói và nhìn thẳng vào Jake Thomas.

– Cảm ơn ông, – Jake Thomas nói, – Thưa ông chủ tịch, chúng tôi muốn biết ông có dính líu gì đến việc gửi một hồ sơ đến Bộ tư pháp ở Washington khiến cho Abel Rosnovski bị bắt và bị kết tội lừa đảo trong khi đó chính ông cũng biết rằng ông ta là một cổ đông chủ yếu của ngân hàng ta không?

– Ông ta đã nói với ông thế? – William hỏi.

– Vâng, ông ấy cho rằng ông là nguyên nhân duy nhất khiến ông ấy bị bắt.

William ngồi lặng một lát, suy nghĩ về câu trả lời của mình trong khi vẫn nhìn xuống những điều ông ghi trên giấy. Những điều đã ghi ấy chẳng giúp gì được cho ông. Ông đã không nghĩ rằng câu hỏi đó sẽ được nêu ra, nhưng đã hơn hai mươi ba năm nay ông chưa nói dối ban giám đốc bao giờ. Chẳng lẽ bây giờ ông nói dối họ sao.

– Phải tôi đã làm việc đó, – ông nói, phá vỡ giây phút im lặng. – Tài liệu đó rơi vào tay tôi, và tôi nghĩ mình có bổn phận phải chuyển nó cho Bộ tư pháp.

– Làm sao những tài liệu đó đã rơi vào tay ông được?

William không trả lời.

– Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều biết câu trả lời cho câu hỏi đó, thưa ông chủ tịch, – Jake Thomas nói. – Hơn nữa, ông cho các nhà cầm quyền được biết mà lại không thông báo cho ban giám đốc về hành động của mình, và làm như vậy ông đặt tất cả chúng tôi vào cái thế nguy hiểm. Tiếng tăm của chúng ta, sự nghiệp của chúng ta, tất cả những gì mà uy tín của ngân hàng này, đều phụ thuộc vào mối tư thù đó của ông.

– Nhưng Rosnovski định hại tôi, – Wilham nói, biết là mình đang quát to.

– Vậy là để hại lại ông ta, ông đã hy sinh cả sự ổn định và tiếng tăm của ngân hàng.

– Đây là ngân hàng của tôi, – Wllliam nói.

– Không phải, – Jake Thomas nói. – ông có tám phần trăm cổ phần như ông Rosnovski vậy thôi, và lúc này thì ông làm chủ tịch và thống đốc của Lester, nhưng ngân hàng không phải của ông để ông có thể tự mình muốn làm gì cũng được mà không cần phải tham khảo ý kiến của các giám đốc khác.

– Nếu vậy tôi yêu cầu ban giám đốc bỏ phiếu tín nhiệm, – William nói. – Tôi đề nghị các vị ủng hộ tôi chống lại Abel Rosnovski.

– Đó không phải là mục đích của bỏ phiếu tín nhiệm,- thư ký công ty nói. – Đây là bỏ phiếu để xem ông còn là người thích hợp để quản lý ngân hàng này trong hoàn cảnh hiện nay nữa không. ông không thấy thế sao, ông Chủ tịch?

– Thế cũng được, – William nói và quay nhìn đi chỗ khác – Ban giám đốc này sẽ quyết định xem họ muốn chấm dứt sự nghiệp của tôi trong nhục nhã sau gần một phần tư thế kỷ phục vụ, hay là chịu bó tay trước sự đe dọa của một tên tội phạm.

Jake Thomas ra hiệu gật đầu với thư ký công ty, rồi những lá phiếu được trao quanh bàn cho mỗi thành viên ban giám đốc. William thấy như mọi thứ đã được quyết định trước khi có cuộc họp này. ông liếc nhìn cả hai mươi chín người ngồi quanh bàn. Rất nhiều trong số đó đã do chính ông lựa chọn. Có một lần ông đã nghe có một nhóm trong số những giám đốc trẻ công khai ủng hộ đảng Dân chủ và John Kennedy. Một số sẽ không để cho Rosnovski đánh bại ông. Không bây giờ thì không. ông tự nhủ: xin hãy cứ để tôi làm cho đến hết nhiệm kỳ chủ tịch đã. Rồi tôi sẽ lặng lẽ ra đi, không kêu ca gì hết. Chứ không phải kết thúc như thế này.

Ông nhìn các thành viên ban giám đốc đưa lại cho thư ký những lá phiếu của họ. Anh này từ từ mở từng phiếu. Cả căn phòng theo dõi anh ta mở đến những phiếu cuối cùng, mỗi lần lại ghi cẩn thận lên một mảnh giấy để trước mặt đã được chia sẵn làm hai cột.

William có thể thấy rõ một bên cột dài hơn bên kia khá nhiều, nhưng không phân biệt được bên nào là bên chống và bên nào ủng hộ. Ông không thể nào chấp nhận rằng lại có một ngày lại diễn ra cuộc bỏ phiếu ngay tại phòng giám đốc này của ông để chọn lựa giữa ông với Abel Rosnovski.

Thư ký nói mấy lời gì đó. William không thể tin được điều ông vừa nghe thấy. Với mười bẩy trên mười hai phiếu, ông đã mất sự tín nhiệm của ban giám đốc.

Ông cố đứng dậy. Thế là trong trận cuối cùng Abel Rosnovski đã đánh bại ông. Wilham bước ra ngoài.

Không một ai nói gì. ông quay về phòng chủ tịch lấy áo ông chỉ đứng lại nhìn lên bức chân dung của Charler Lester một lần cuối, rồi chậm chạp bước theo hành lang đi ra cửa ngoài.

Người gác cửa nói:

– Rất mừng lại thấy ông, thưa ông chủ tịch. Ngày mai lại gặp ông, thưa ông.

William biết là ông ta sẽ chẳng bao giờ gặp lại ông nữa. ông xoay người bắt tay con người hai mươi ba năm trước đây đã chỉ cho ông lối lên phòng giám đốc.

Người gác cửa được bắt tay hơi ngạc nhiên nhìn ông

– Chúc ông ngủ ngon, – rồi nhìn ông ngồi lên sau xe. Ông ta không biết đây là lần cuối.

Lái xe đưa ông về nhà. Đến đường 68, William ngã ngay ở bậc thềm trước cửa. Lái xe và Kate đỡ ông vào trong nhà. Kate thấy ông khóc. Bà vòng tay ôm lấy ông.

– Chuyện gì thế, William? Có chuyện gì thế?

– Anh bị vứt ra khỏi ngân hàng của anh rồi,- ông thổn thức. – Ban giám đốc của anh không còn tín nhiệm anh nữa. Đến nước này họ quay ra ủng hộ Abel Rosnovski.

Kate đỡ ông lên nằm trên giường. Bà ngồi đó với ông suốt đêm. ông không còn nói gì nữa, mà cũng không ngủ.

Sáng thứ hai sau đó, trên tờ Nhật báo phố Wall chỉ đơn giản có một thông báo: “William Lowell Kane, chủ tịch và thống đốc ngân hàng Lester, đã từ chức sau cuộc họp ban giám đốc hôm qua.”

Không thấy nói là ốm đau hay có sự giải thích gì về sự ra đi bất ngờ đó, cũng không có ý kiến là con trai ông sẽ thay chân ông trong ban giám đốc. William biết là tin đồn rồi sẽ lan đi khắp phố Wall và người ta sẽ dự đoán những cái tệ hại nhất. ông ngồi một mình trên giường, coi như không quan tâm gì đến cuộc đời này nữa.

* * *

Cùng ngày hôm đó, Abel đọc thông báo về chuyện từ chức của William Kane trên Nhật báo phố Wall.

Ông nhấc điện thoại lên, quay số ngân hàng Lester và yêu cầu nói chuyện với chủ tịch mới. Vài giây sau, Jake Thomas nghe máy.

– Xin chào ông Rosnovski.

Chào ông Thomas. Tôi gọi để báo cho ông biết là tôi sẽ bán các cổ phần của công ty hàng không Liên Mỹ cho ngân hàng với giá thị trường sáng nay và tám phần trăm cổ phần của tôi ở Lester cho riêng ông với giá hai triệu đô la.

– Cảm ơn ông Rosnovski, ông thật là rộng rãi quá.

– Ông không cần phải cám ơn tôi, ông Chủ tịch, đó chẳng qua là chúng ta đã thỏa thuận với nhau khi ông bán cho tôi hai phần trăm của ông trong ngân hàng Lester thôi, – Abel Rosnovski nói.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ