Trừ chiếc tủ chè bằng gỗ gụ, tuy không đẹp nhưng chắc chắn, nhà tôi không còn một đồ đạc gì đáng tiền nữa. Tủ áo, trường kỷ, án thư, sập sơn lần lượt bán đi. Cả những đồ đồng và đồ sứ: chậu, mâm, độc bình, bát đĩa. Sự túng bấn còn cướp nốt một đồ vật quý nhất của nhà tôi: cái đồng hồ quả lắc. Tôi không rõ trước ngày đẻ tôi bao nhiêu năm, nhà tôi đã sắm cái đồng hồ treo ấy. Chỉ biết hộp gỗ đã đen bóng, mặt sơn trắng trở nên vàng khè, lắm nét chữ mất đi cụt ngủn, quả lắc dù lau chùi và đánh thuốc thế nào cũng chỉ khỏi xám xám. Người anh họ tôi đã nhiều lần vác nó đi chữa, nhưng giờ giấc chỉ đều được vài tuần, rồi ngày một chậm, sau cùng máy lại liệt, tuy các chốt, các đanh ốc và bánh xe vẫn nhẫy dầu. Đáng lẽ cái đồng hồ ấy bán đi từ bao giờ. Chỉ vì mỗi lần người mua đến, bà tôi lại chép miệng thở dài, thấy thế thầy tôi lại phải thôi. Đôi mắt nâu của bà tôi lờ đờ nhìn cái đồng hồ treo ở đầu giường mình -cái đồ vật mà khi ông tôi còn sống sau những trận cờ bạc thua tháy và say rượu trở về đánh chửi bà tôi cũng đã mấy lần đem đi cầm, bán ấy, -tỏ rằng lúc bấy giờ cõi lòng già lại đã thắt lại thêm vì nhiều nỗi cơ cực. Cả tôi cũng phải buồn rầu.
Tôi không biết chép miệng, tôi không biết thở dài, không có những giọt nước long lanh khóe mắt, nhưng vẻ mặt ngơ ngác của tôi đủ chứng tỏ rằng tôi cũng cùng một cảm tưởng với bà tôi. Lần nào cũng vậy khi người mua đến khuân đồ đi, tôi lại thần người ra hồi lâu, rồi vẩn vơ tìm một vật gì để thay vào. Và khi tôi đã ghen cuồng lên chỉ muốn cướp lấy, muốn đập phá, khi thấy các đồ đạc nọ được người mua mang về lau chùi bóng bẩy trông như mới. Theo liền với sự nghiện ngập mỗi ngày một nặng và sự ốm yếu rũ rượi của thầy tôi, sự buôn bán của mẹ tôi cũng mỗi ngày một kém mãi. Trên những vòng kê ở chợ, không còn những thúng táo tây khoe màu đỏ thắm hay vàng tươi, những rổ đào Vân Nam rực rỡ trong màu hoàng yến và lá trắc bách diệp xanh đậm, những lồng cam Hoa Kỳ mọng nước óng ả, những bắp cải nõn nà, và những mớ cà rốt, đậu Hòa Lan, cần, hẹ tươi ngon bày từng đống cao chấm bụng… Hoa tai và nhẫn vàng, mẹ tôi tháo bán đi lúc nào không rõ. Cái thúng thanh con trước kia, hễ tan chợ là đầy xu hào, nay chỉ hàng ngày loáng thoáng mấy đồng hào con và tiền trinh. Lắm bận, chờ mẹ tôi quay đi chỗ khác, tôi lẻn đến, khẽ nhấc vỉ buồm lên, định ăn cắp tiền để đi đánh đáo và ăn quà thì chỉ thấy thúng không. Bao nhiêu năm qua, nhưng tôi không thể quên được những buổi chiều hè ấy. Hơn ba giờ chợ vẫn còn nhiều hàng đông người mua bán, mẹ tôi đã cắp thúng lủi thủi về. Trên bờ đê, dưới những chòm xoan tây lấp loáng hoa đỏ, mẹ tôi mặt rầu rầu, đầu hơi cúi, mắt nhìn như không thấy gì, đi rất chậm. Qua những lớp người dồn dập, huyên náo, trông mẹ tôi sao mà mệt mỏi, buồn thảm. Tâm trí mẹ tôi lúc đó chắc là hoàn toàn tê buốt vì những ý nghĩ thấm thía về sự trụy lạc không phương cứu chữa của gia đình, sự trụy lạc tất nhiên, kết quả của những ép uổng, cố gắng, nhẫn nhục buồn nản và há sinh.
Một người cha và một người mẹ tính tình khác nhau, không hiểu biết, không yêu nhau và gần như khinh miệt nhau, mà phải gần gũi nhau trước hai đứa con nhỏ nhởn nhơ ăn chơi và một người mẹ già đã ngoài tám mươi tuổi, chỉ còn mỗi cái mê say được sống với những giọt khí huyết của mình nảy nở, và sau đây về chầu Chúa thì được đủ các phép lề lối Hội thánh, và được hưởng đủ mọi sự đóng góp của hàng giáp của nhà thờ. Những đêm lạnh mà dài để mà thao thức lo toan, bàn tán, vun đắp cho nhà cho cửa cho tuổi già, cho con cái là những đêm một người thiếp đi trong khói thuốc phiện, một người thì âm thầm trằn trọc. Người thứ nhất chán ngán như không còn biết sống. Người thứ hai câm lặng chua xót, thấy sự sống trong tình thương yêu con vẫn lạnh lẽo, thiếu thốn, và cả hai đều thấm thía thấy rằng sẽ dần chết, chết vì chán ghét đau đớn…
* * *
Thầy tôi đã phải ngày ngày lấy tiền của mẹ tôi để mua thuốc phiện. Ngày một đồng cân thuốc ba hào, tôi biết lắm, chẳng đủ cho thầy tôi hút nào. Trước kia, thầy tôi chỉ hút năm hôm hay sẻn lắm được sáu hôm là hết một lạng thuốc, nhưng giờ thầy tôi chỉ hút có nửa bữa. Từ chín giờ sáng đến nửa đêm, thầy tôi chỉ ra khỏi buồng lúc hai bữa cơm. Nhiều khi, ở trong màn giường ngoài nhà, lần xong một tràng hạt và đọc hàng trăm kinh rồi mà vẫn còn thấy những tiếng vo ve kéo dài kéo dài, bà tôi đã khẽ ho và lên tiếng hỏi thầy tôi:
– Cậu thằng Hồng vẫn còn thức đấy ư?
– Không! Thưa mẹ con sắp xong rồi mà…
– “Sắp xong rồi mà!” Bà tôi láy lại câu nói của thầy tôi đoạn thở dài. Sự giận dữ của bà tôi đã tới cực điểm nên bà tôi mới dám hỏi thầy tôi như thế, từ ngày thầy tôi luôn luôn ho ra máu, thấy mẹ tôi phải lo toan cáng đáng mọi sự ăn uống trong nhà. Và, hỏi câu ấy, bà tôi còn có một dụng ý nhắc nhở một cách khéo cho thầy tôi biết rằng:
– Vợ mày nó đã coi thường cả tao lắm đấy! Liệu mà tìm cách chừa bỏ thuốc sái đi thôi. Không! Mẹ tôi đâu dám thế! Đời sống của mẹ tôi bao giờ cũng chỉ là cái bóng ngăn của bức tường dày mãi mãi thần phục ở dưới chân để rồi sẽ tan xuống đất nếu ánh sáng soi tắt. Và, người đàn bà hiền lành dễ cảm động ấy, còn khi nào lòng lại bợn những vết kiêu căng, thù hằn? Mẹ tôi đã chẳng thờ thẫn nhìn trộm thầy tôi khi thầy tôi ngồi ôm ngực ho từng trận rồi rũ rượi nhổ, mẹ tôi cúi mặt xuống thở dài ư? Và, trong đôi mắt lờ đờ của mẹ tôi, đã chẳng nhiều lần long lanh như khóc…
Một hôm mẹ tôi dắt em Quế tôi lên Hà Nội, bảo đi thăm mấy nhà chị em và nhân tiện vay họ tiền để một phần trả nợ, một phần làm vốn dọn hàng. Trước khi đi, mẹ tôi đong trữ mấy ngày gạo và để đủ tiền thuốc cho thầy tôi hút một tuần lễ. Mẹ tôi cũng không quên giúi cho tôi một hào để ăn quà dần. Sáng hôm cắp thúng ra tàu, mẹ tôi đứng ngoài cửa buồng xin phép thầy tôi và cúi đầu chờ thầy tôi trả lời. Nhưng thầy tôi làm thinh hồi lâu mới đáp. Giọng nói vẫn thản nhiên như của một người xa lạ. Hơn một tuần lễ rồi mà mẹ tôi và em gái tôi cũng chưa thấy về. Nhiều khi ra bến tàu đón, chờ những chuyến tàu đến sau cùng, khách lên hết, quét tàu rửa boong rồi tôi mới chịu thôi. Lại trở về một mình, tôi càng ngao ngán bực dọc. Tiền mẹ tôi cho tôi đã hết ngay hôm sau. Nhằm vụ nghỉ hè, tôi một mình lêu lổng ở ngoài đường, nhìn hàng bánh trái đi nhan nhản, tôi khổ sở vô cùng. Chẳng biết xin ai, và không thể xin ai trong nhà ngoài mẹ tôi, đã có bận tôi toan ăn bớt tiền mua thuốc phiện của thầy tôi. Nhưng nghĩ đến ngọn roi song vun vút lấy máu đít ra, tôi lại thôi. Nhưng nhịn quà lâu có thể chịu được, chứ nhịn đánh đáo luôn mấy hôm, tôi bồn chồn, chân tay ngứa ngáy không thể ngồi yên được. Tôi phát khóc lên vì tụi trẻ con chơi bời xúm năm tụm ba, cười đùa, cãi cọ, chửi bới ở trước cửa nhà tôi. Một buổi trưa, thầy tôi đưa tôi hào tám mua nửa đồng cân thuốc. Chẳng cần nghĩ ngợi thêm nữa, tôi quặt ra ngã tư đường, không đến hiệu bán vội, nhập với bọn trẻ nọ, đánh dăm ván đáo đã. Những đứa trẻ trong đám đáo này toàn là những trẻ cầu bơ cầu bất, bán kẹo, bán cáo, hoặc làm nghề ăn cắp. Chúng nhiều thời giờ tập luyện và không ngày nào không có những ván đáo sát phạt nhau, nên chúng “cả lỗ”, “dọi tí”, “câu díu” thật là tuyệt diệu. Hơn nữa chúng lại còn có đức tính bình tĩnh cả đến lúc còn mỗi xu cuối cùng và lượt đánh gần hết. Nhưng tôi không thua. Bao nhiêu năm tháng được mẹ cho đồng nào ăn quà sáng tôi chỉ đến trường sớm đem “nướng” cho các đám đáo, tôi cũng trở nên một tay đáo kỳ khôi rồi. Từ chỗ ngộc nghệch chỉ dám chơi với bọn cà mèng, tôi tiến hẳn tới mức chơi toàn với những bọn giỏi nhất và tôi cũng là một “tài tử” nhiều mánh lới. Gần tụi trẻ con có một đám đáo của những người lớn làm phu gạo và thợ cạo. Họ không chầu trinh mà chầu xu đồng, và, mỗi người một ván những ba xu. Tôi liền bỏ đám đáo trẻ con nọ, nhập bàn đáo ăn thua của người lớn kia. Tôi tính toán: “Tuy họ dài tay, tuy họ dọi mạnh nhưng “cá lỗ” và “dọi tí” không mềm, không trúng thì cũng vứt tiền đi. Nhất là họ lại có nhiều tiền, đánh dù thua hết tiền cũng sòng phẳng, không phá bĩnh, không “u lò”, như những trẻ kia. Hôm nay sao tôi “đỏ” thế? Đánh chắc tay thế? Có một lúc mà mười tám xu vốn của tôi đã lên tới bốn mươi xu. Chơi đã lâu và sợ đánh cố vài ván nữa nhỡ thua hụt đi, tôi bèn ăn non. Tôi đã khôn ngoan mua thêm năm xu thuốc nữa và nghĩ sẵn một câu trả lời rất tự nhiên đề phòng nếu thầy tôi hỏi vặn tôi về cái tội chậm trễ.
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm. Rửa qua mặt mũi, tôi tếch ra ngay đầu đường đánh đáo. Tôi lại được dăm xu thôi. Món tiền đó tuy ít nhưng đối với tụi trẻ cùng mạt thì cũng đã khá to. Một bữa cơm, một chầu phở no đấy. Chẳng những là tay giỏi mà còn phải liều, phải gan mới nuốt được của chúng những đồng xu kia buộc bằng mấy nút dải rút và lẩn kỹ vào cạp quần. Chiều hôm ấy, tôi lại được; Cả lỗ: Lấy đồng xu cái thả trúng vào cái lỗ khoét làm đích trên mặt đất. Dọi tí: Lấy đồng xu cái đánh trúng vào đồng tiền gần vạch chỉ. Câu díu: Ném cho những đồng tiền dính làm hai hay ba lại với nhau, tốt nhất chỉ hai đồng dính thôi. lần này những ba hào, gấp đôi ngày hôm qua, và tôi được một cách cũng rất dễ, rất mau chóng. Tụi thua tôi là tụi trẻ con nhà giàu, chơi giấu cha mẹ ở một xó tường kín đáo, như trước kia tôi chơi giấu thầy mẹ tôi. Mấy hôm ròng, ăn cơm xong, tôi tót ra đường ngay, đi lùng hết đám đáo này đến đám đáo khác. Thua cũng có, được cũng có. Phần nhiều thua về tụi trẻ cùng mạt và được của người lớn và trẻ con nhà giàu. Kinh nghiệm còn dạy cho tôi thêm: Muốn kiếm được nhiều tiền ăn quà và đi xem chớp bóng thì phải đến những phố nhiều nhà tây hay hiệu to tìm những bọn trẻ con thừa tiền nọ rủ đánh, hay đến những chỗ gần chợ, bến tàu, bến ô-tô nhập vào các đám đáo của những phu gạo, những tay “ét”, những phó cạo rửng mỡ lúc nghỉ việc. Từ ngày thấy mình có một biệt tài và nhận ra sự lợi hại trên kia, tôi bắt đầu đi lang thang khắp thành phố với một đồng xu cái vừa dày vừa rõ chữ, hơn một hào vốn và với lòng ham muốn ngùn ngụt được nhiều tiền để ăn tiêu. Ngày nào tôi cũng kiếm được một vài hào. Lấy thế làm sung sướng, tự do và vẻ vang vô cùng.
* * *
… Một buổi chiều mưa gió, ngồi xổm ở trên giường trong buồng, hai đùi ấp lấy ngực và đầu gối đỡ lấy cằm, thầy tôi gọi tôi, ngọt ngào:
– Hồng, lại đây cậu bảo. Thầy tôi ít khi gọi tên tôi một cách nhẹ nhàng như thế, nên bây giờ không những tôi không sung sướng mà lại còn hồi hộp lo sợ. Mặt tôi tái mét, chân bước đi rất chậm, men men đến gần giường thầy tôi. Thầy tôi nhếch mép cười, vẫy tôi một lần nữa.
– Không! Cậu không đánh con đâu, cậu hỏi thôi. Tôi đến bên thầy tôi, trống ngực đập mạnh không thể tưởng tượng được, chân tay tôi bắt đầu run hẳn lên và nước mắt bắt đầu rơm rớm. Thầy tôi vẫn thản nhiên, một tay quàng lên vai tôi, một tay nắn túi tôi:
– Con có tiền, phải không? Cái bàn đèn im ắng và sạch sẽ kéo vào tận góc giường nhắc tôi nghĩ ngay đến bữa hút buổi chiều mà giờ đã quá bốn giờ, tôi vẫn chưa phải đi mua thuốc. Và tôi liền nhớ tới chiều hôm kia thầy tôi cũng không hút rồi ngày hôm qua nhờ có bà tôi không biết bán chác gì được vài hào mới có tiền đưa tôi mua một đồng cân thuốc. Thì chỗ thuốc này chỉ vừa đủ cho bữa hôm qua và sáng nay nếu “bao” đến sái tư, sái năm. Những nỗi lo sợ của tôi phút chốc tiêu tan hết, thay vào những uất ức căm giận. Tôi nghẹn ngào gần tắc cả mọi lời. Vì tôi cảm thấy rõ rệt thầy tôi không thuốc hút, thấy tôi có tiền, thế nào thầy tôi chả lấy tiền của tôi. Mà nào năm xu, một hào cho cam. Dây rút quần tôi buộc hơn chục đồng kền năm xu; một món tiền khá to mà tôi phải bê tha lăn lộn ở các đầu đường xó chợ, hết phố này sang phố khác, mánh lới, liều lĩnh, mới kiếm được. Lòng căm hờn của tôi sôi lên khi tưởng đến món tiền đó biến thành những điếu thuốc cháy xèo xèo rút nhanh vào cái nhĩ tẩu nhỏ tý trước cặp mắt sâu lờ đờ của thầy tôi. Tôi ứa nước mắt, quay mặt đi, đáp lời thầy tôi chỏng lỏn:
– Con không có. Thầy tôi lại nhếch mép cười, nụ cười chẳng làm sáng thêm chút nào cái gương mặt xám và bì bì như đá mài ấy.
– Thật không chứ? Nói đoạn thầy tôi lần vào cạp quần tôi. Tôi co rúm người lại, kêu thất thanh:
– Cậu bỏ con ra, con lạy cậu. Thật con không có mà. Thầy tôi trừng mắt quát:
– Im! Và kéo người tôi lại. Tôi chực gỡ tay thầy tôi nhưng thấy hai lòng trắng mắt của thầy tôi như sắp bật ra ngoài và những hơi thở nóng hổi ở miệng thầy tôi cố mím lại mà không được cứ hắt vào mặt tôi, tôi đành phải đứng yên. Thầy tôi lần ra sau lưng tôi rồi thọc vào trong túi quần để tìm cọc tiền giấu đi. Không còn một chút tình trong lòng tôi lúc bấy giờ. Thầy tôi lại lần ra đằng trước, mặt tôi càng tím lại, cổ họng càng nghẹn ứ… Rồi tôi bật lên một tiếng khi bàn tay thầy tôi vừa chạm vào mẩu dây buộc cọc tiền bỏ lòng thòng trong quần. Phựt… mẩu dây bị giựt đứt. Một cảm giác thắt ruột tôi lại. Tôi nghiến răng nắm chặt lấy cạp quần và cọc tiền, giậm thình thịch xuống nền nhà. Thầy tôi càng nghiêm nét mặt, hất ngược cằm tôi lên.
– Hồng! Mấy hôm nay ăn cơm xong mày đi những đâu? Tôi chỉ khóc mà không dám thưa. Nhưng trong đầu óc tôi, rành rọt một câu trả lời: “Tôi không có tiền ăn quà, tôi phải đi đánh đáo chứ còn đi đâu!”. Thầy tôi vẫn quắc mắt nhìn tôi:
– Ai cho phép mày đi đánh đáo hở Hồng? Ai cho phép mày chơi với những trẻ ăn mày ăn nhặt? Nằm xuống đây… Mau! Không thì chết… Hồng!…
– Con lạy cậu! Cậu tha cho con… Con trót dại. Thầy tôi cười:
– Hừ! Trót dại thì cũng nằm xuống đây. Chiếc roi mây nhanh như chớp, rút ở trên đình màn xuống.
– Con lạy cậu… Cậu tha con… Lần sau con không dám thế. Con mà thế nữa cậu đánh chết con. Môi thầy tôi càng mím chặt, hai lỗ mũi càng phập phồng phì phì. Tất cả thớ thịt của người tôi run bắn lên. Những cảm giác đau đớn của từng miếng thịt vặt ra dưới những ngọn roi mà tôi tưởng tượng dần đánh át cả những ý luyến tiếc cọc tiền đi. Tôi mếu máo nói với thầy tôi:
– Con lạy cậu… Đây con có bao nhiêu tiền con xin đưa cả cho cậu, vậy cậu tha cho con… Con lạy cậu… Cậu tha cho con… Tôi vừa dứt lời, ngọn roi mây đưa vút về đằng trước.
– Thì cứ ra nằm ngoài giường kia mau! Mau lên! Chưa buông xong câu nói, mắt thầy tôi đã nhòa đi. Từ vầng trán xám ngắt vã ra từng giọt mồ hôi to. Nét mặt thầy tôi càng tối sầm.
– Mau!… Thầy tôi lại quát. Nhưng lần này tiếng quát không rõ và ngân dài như trước. Nó đánh phào một cái như tiếng nút chai bị giựt trượt mà người giựt đã phải dùng tận lực…
… Rồi thầy tôi chỉ ngồi rũ ra, không đánh tôi. Và cọc tiền của tôi vẫn y nguyên. Tôi mừng rỡ, ngạc nhiên và khó hiểu hết sức. Từ hôm đó thầy tôi hễ nói với tôi là một điều con, hai điều con, giọng ngọt ngào quyến luyến một cách lạ. Và thầy tôi luôn luôn nhìn tôi, đôi mắt vẫn mỏi mệt lờ đờ, thỉnh thoảng lại còn cười với tôi, nhưng nụ cười chóng tàn quá trên cặp môi nhợt nhạt. Giọng nói ấy, con mắt nhìn ấy, những nụ cười ấy tuy đầy vẻ yêu thương tôi, nhưng đã làm tôi nhiều khi rờn rợn. Nhất là những lúc thầy tôi bó gối trong căn buồng tối mờ và khó thở, trừ một miếng kính bằng cái bảng con ở trên trần để lấy ánh sáng còn không có một cửa sổ nào…