Bầu Trời Sụp Đổ - Chương 3

Trường học là một sự thử thách mà Kemal không thể chịu đựng nổi. Nó nhỏ hơn tất cả các bạn học cùng lớp, kể cả bọn con gái, và đây thật sự là nỗi ô nhục đối với nó. Nó bị đặt biệt hiệu là “người lùn” rồi “thằng còi” rồi “con gà”. Đối với việc học hành, Kemal chỉ quan tâm tới mỗi Toán và Tin học, hai môn mà nó luôn giành được thứ hạng cao nhất. Và cạnh lớp học là câu lạc bộ cờ vua, nơi Kemal là người thống trị. Trước kia nó cũng thích đá bóng, nhưng khi xin vào đội tuyển của trường, huấn luyện viên đã nhìn vào ống tay áo rỗng không của nó và trả lời:
– Xin lỗi, chúng tôi không thể nhận em được.

Đó là sự thật hiển nhiên, nhưng lại là một đòn chí tử giáng vào nó.

Kẻ thù không đội trời chung của Kemal là Ricky Underwood. Vào bữa trưa, một số học sinh thường ăn ngoài hành lang hoặc trong phòng ăn. Ricky Underwood đợi cho Kemal ăn dở rồi mới ra ngoài cùng nó.

– Này, thằng mồ côi. Khi nào thì mụ mẹ kế mày mới gửi mày lại cái nơi mà mày đã sinh ra?

Kemal phớt lờ đi.

– Tao đang nói chuyện với mày đấy, thằng quái. Mày không nghĩ rằng mụ ấy sẽ giữ mày lại chứ? Ai ai cũng biết tại sao mụ ấy lại mang mày đến đây, đồ mặt lạc đà. Bởi vì mụ ấy là một phóng viên chiến tranh nổi tiếng, và việc cứu giúp một thằng què sẽ làm mụ được thêm cái tiếng tử tế nữa.

– Fukat! Kemal gào lên. Nó đứng bật dậy và lao vào Ricky.

Quả đấm của Ricky nhằm vào bụng của Kemal, rồi đến khuôn mặt nó. Kemal ngã vật ra đất, lăn lộn vì đau.

Ricky Underwood nói:

– Bất cứ lúc nào mày muốn thêm, cứ bảo tao. Và mày nên làm nhanh lên, vì theo tao được biết, mày đang đi vào dĩ vãng rồi đấy.

Kemal sống trong sự nghi ngờ dằn vặt. Nó không tin vào những điều Ricky nói. Nhưng nếu đó là sự thật thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Dana trả mình về đó. Ricky nói đúng, Kemal nghĩ. Mình là thằng quái. Tại sao một người tuyệt vời như Dana lại cần mình cơ chứ.

***

Kemal tin rằng cuộc đời của nó đã kết thúc khi bố mẹ và em gái nó bị giết ở Sarajevo. Nó được đưa sang nhà từ thiện dành cho trẻ mồ côi ở ngoại ô Paris, và thời gian ở đó quả là một cơn ác mộng.

Cứ mỗi buổi chiều thứ sáu, vào lúc hai giờ, bọn trẻ lại phải xếp hàng cho những người muốn nhận con nuôi đến xem xét để chọn lấy một đứa rồi đưa về nhà. Và mỗi khi thứ sáu đến, sự nhộn nhịp và căng thẳng trong lũ trẻ lại trào dâng. Chúng tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng, và khi những người lớn đi dọc theo hàng, mỗi đứa bé lại thầm cầu nguyện mong cho mình được chọn.

Lần nào cũng vậy, khi thấy Kemal, người ta lại thì thầm:

– Xem này, nó chỉ có một tay. Và họ bỏ qua luôn.

Thứ sáu nào cũng như vậy cả, mặc kệ Kemal vẫn nuôi một niềm hy vọng mong manh. Nhưng người ta luôn chọn những đứa trẻ khác. Đứng đó, bị bỏ mặc, Kemal tràn đầy cảm giác bẽ bàng. Luôn là một đứa khác, nó cay đắng nghĩ. Không ai cần mình hết.

Kemal hằng ao ước được có một gia đình yên ấm. Và nó cố làm mọi thứ nó nghĩ ra để biến điều đó thành hiện thực. Thứ sáu này nó cười thật rạng rỡ để cho mọi người thấy nó là một đứa trẻ ngoan ngoãn đáng yêu, thứ sáu sau nó lại vờ như đang bận rộn với một việc gì đó rằng nó không quan tâm đến việc có được chọn hay không và việc nếu có được nó sẽ là một điều may mắn cho những ông bố, bà mẹ đó. Lần khác thì nó lại nhìn họ bằng ánh mắt van xin, thầm cầu mong họ sẽ đưa nó về nhà. Nhưng hết tuần này đến tuần khác, vẫn chỉ là những đứa khác được chọn và được đưa đến những ngôi nhà tuyệt diệu, những gia đình hạnh phúc.

Và thật kỳ diệu, Dana đã đến và làm tất cả thay đổi. Nàng là người đã tìm thấy nó sống vật vờ không nhà cửa ở ngoài đường thành phố Sarajevo. Sau khi được hội chữ thập đỏ đưa sang trại trẻ mồ côi ở Paris và sống tại đó một thời gian, nó đã viết cho nàng một bức thư. Trước sự ngạc nhiên của nó, nàng đã gọi điện sang trại trẻ và yêu cầu được đưa nó về Mỹ sống cùng nàng. Đó là giây phút hạnh phúc nhất trong đời Kemal. Dường như một giấc mơ hoang đường đã trở thành hiện thực, và thậm chí còn đẹp đẽ hơn tất cả những gì mà nó từng tưởng tượng ra.

Cuộc sống của Kemal đã hoàn toàn đổi thay. Nó cảm thấy biết ơn việc trước kia người ta đã không chọn nó. Nó không còn đơn độc trên cõi đời này nữa. Đã có người quan tâm đến nó. Nó hết lòng yêu quý Dana, nhưng sâu trong tâm khảm nó vẫn phập phồng một nỗi lo sợ rằng những lời nói của Ricky Underwood là đúng, rằng một ngày nào đó Dana sẽ thay đổi và sẽ trả nó về trại trẻ mồ côi, về cuộc sống tăm tối mà nó đã chạy trốn khỏi. Nó thường mơ thấy nó trở về trại trẻ, và hôm đó là ngày thứ sáu. Rất nhiều người lớn đang xem xét bọn trẻ và Dana cũng ở trong số đó. Nàng nhìn Kemal và nói “Thằng nhóc xấu xí này chỉ có một tay” rồi nàng chọn ngay đứa đứng bên cạnh nó. Kemal choàng tỉnh, nước mắt đầm đìa.

Kemal biết rằng Dana rất ghét việc nó đánh nhau ở trường và nó đã cố tránh né những vụ ẩu đả bằng mọi cách, nhưng nó không thể nhịn dược việc Ricky Underwood và lũ bạn xúc phạm Dana. Bọn kia sớm nhận ra điều này, những lời lăng mạ liên tục gia tăng và thế là những trận đánh cứ nối nhau không dứt.

Ricky thường chào đón Kemal bằng câu.

– Này, mày đã thu dọn đồ đạc chưa, thằng lùn? Bản tin sáng nay có nói mụ mẹ kế khốn nạn của mày sẽ gửi trả mày về Nam Tư đấy.

– Zbosti! Kemal gào lên.

Trận ẩu đả đã bắt đầu. Kemal sẽ trở về nhà với cặp mắt bầm tím, nhưng khi Dana hỏi chuyện gì xảy ra, nó không dám cho nàng biết sự thật, vì sợ rằng nếu nhắc lại những gì Ricky Underwood nói có thể sẽ trở thành hiện thực.

Giờ đây, khi đợi Dana trong phòng hiệu trưởng, nó nghĩ thầm, Khi cô ấy biết lần này mình đã làm chuyện gì cô ấy sẽ tống mình đi. Nó ngồi đó, rũ rượi, tim đập thình thịch.

Lúc Dana bước và văn phòng Thomas Henry, ông ta đang đi đi lại lại, vẻ giận dữ ra mặt. Kemal ngồi ở ghế phía bên kia căn phòng.

– Chào cô Evans. Mời cô ngồi.

Dana liếc sang Kemal rồi ngồi xuống.

Thomas Henry đặt một con dao thái thịt lên bàn.

– Một giáo viên của Kemal đã lấy được cái này.

Dana quay sang nhìn Kemal, giận dữ:

– Tại sao? – Nàng hỏi. Sao cháu lại mang cái này đến trường?

Kemal nhìn Dana, rầu rĩ trả lời:

– Tại cháu không có súng.

– Kemal!

Dana quay sang ông hiệu trưởng:

– Tôi có thể nói chuyện riêng với ông chứ, ông Henry?

– Vâng. Ông ta nhìn Kemal, quai hàm nghiến lại.

– Ra hành lang chờ.

Kemal đứng dậy, nhìn con dao lần cuối, vội đi ra.

Dana bắt đầu:

– Ông Henry, Kemal mới mười hai tuổi đầu, nó đã nhiều năm phải ngủ trong tiếng bom rơi sát tai, những quả bom đã giết chết mẹ nó, bố nó, em gái nó. Một trong những quả bom đó đã lấy đi cánh tay nó. Khi tôi tìm thấy Kemal ở Sarajevo, nó đang sống trong một túp lều các-tông ở khu đất hoang. Hàng trăm trẻ em không nhà cửa tập trung ở đó, chúng sống như những con thú vậy. Nàng đang hồi tưởng lại, cố giữ cho giọng mình bình thường. Bom đã ngừng rơi, nhưng bọn trẻ vẫn sống không nhà cửa và không có sự trợ giúp. Cách duy nhất để chúng tự bảo vệ mình trước kẻ địch là một con dao, một hòn gạch hoặc một khẩu súng, nếu như chúng may mắn nhặt được. Dana nhắm mắt lại và hít một hơi thở sâu. Bọn trẻ đó sống như loài thú. Kemal cũng vậy, nhưng nó là một đứa bé tốt. Nó cần được học rằng ở đây, nó được an toàn. Không một ai trong chúng ta là kẻ thù của nó cả. Tôi hứa với ông nó sẽ không làm như thế nữa.

Im lặng một lúc lâu, rồi Thomas Henry lên tiếng.

– Nếu tôi cần một luật sư, cô Evans, tôi muốn cô sẽ biện hộ cho tôi.

Dana cố mỉm cười.

– Tôi hứa.

Thomas Henry thở dài.

– Được. Cô nói chuyện với Kemal đi. Nếu nó còn gây ra một chuyện gì tương tự. Tôi sẽ nói chuyện với nó. Cảm ơn ông, ông Henry.

Kemal đang đứng đợi ngoài hành lang.

– Về nhà thôi, Dana nói cộc lốc.

– Họ giữ lại con dao của cháu à?

Nàng không buồn trả lời nữa.

Trên đường về nhà, Kemal nói:

– Cháu xin lỗi vì đã gây phiền phức cho cô, cô Dana.

– Ồ, không phiền đâu. Họ đã quyết định sẽ không tống cổ cháu ra khỏi trường. Này, Kemal…

– Được. Sẽ không còn con dao nào nữa.

Khi về đến nhà, Dana nói:

– Cô phải về phòng thu. Người giúp việc sẽ đến đây trong vài phút nữa. Tối nay cô và cháu sẽ có cuộc nói chuyện nghiêm túc.

***

Lúc bản tin tối kết thúc, Jeff quay sang Dana.

– Trông em có vẻ lo lắng, em yêu.

– Vâng. Là Kemal. Em không biết phải làm gì với nó bây giờ, Jeff. Hôm nay em đã đến gặp ông hiệu trưởng và thêm hai người giúp việc không dám đến làm vì nó.

– Nó khá đấy, Jeff nói. Nó chỉ cần một quãng thời gian khởi động thôi.

– Có thể thế không, Jeff?

– Ừ.

– Hy vọng là em đã không sai lầm khi đưa nó sang đây.

Kemal đợi sẵn khi Dana trở về nhà.

Nàng nói.

– Ngồi xuống. Chúng ta nói chuyện. Cháu phải bắt đầu tuân thủ các quy tắc ở đây, và các vụ đánh nhau ở trường không được tái diễn nữa. Cô biết có một số đứa đang gây khó khăn cho cháu, nhưng cháu nên tìm cách hoà hoãn với chúng. Nếu cháu còn đánh nhau, ông Henry sẽ đuổi học cháu đấy.

– Cháu không quan tâm.

– Cháu phải quan tâm. Cô muốn cháu có một tương lai tươi sáng, và điều này sẽ không xảy ra nếu thiếu một sự giáo dục chu đáo. Ông Henry đang cho cháu một cơ may, nhưng…

– Tiên sư ông ấy.

– Kemal! Không nghĩ ngợi gì, Dana tát thẳng vào mặt thằng bé. Ngay lập tức nàng thấy hối hận. Kemal nhìn nàng với vẻ không tin tưởng lộ rõ trên mặt, rồi nó đứng dậy, chạy về phòng và dập cửa lại.

Chuông điện thoại vang lên, Dana nhấc ống nghe. Đó là Jeff.

– Dana…

– Anh yêu. Em không thể nói chuyện vào lúc này. Em đang rất bối rối.

– Chuyện gì vậy?

– Kemal. Nó quá đáng quá.

– Dana…

– Vâng.

– Hãy đi bằng đôi giày của nó.

– Gì cơ?

– Em cứ suy nghĩ đi. Xin lỗi, anh phải cúp máy đây. Yêu em. Mình nói chuyện sau nhé.

“Đi bằng đôi giày của nó” Chẳng gợi nên một cái gì cả Dana nghĩ. Làm sao mình biết được Kemal cảm thấy thế nào? Mình đâu phải một đứa bé mười hai tuổi, mồ côi vì chiến tranh, mất một cánh tay và phải trải qua nhĩtng gì nó đã trải qua. Dana ngồi đó một lúc lâu, nghĩ mông lung. Đi bằng đôi giày của nó.

Nàng đứng dậy, đi vào phòng ngủ, đóng cửa lại và mở cửa buồng kho ra. Trước khi Kemal đến, Jeff thường ở đây vài đêm một tuần và còn để lại một ít quần áo. Trong đó có cả quần dài, áo sơ mi và cà vát, áo len, áo khoác thể thao.

Dana lôi vài thứ ra và để chúng lên giường. Rồi nàng ra ngăn kéo tủ lấy quần short và tất của Jeff ra.

Sau đó nàng cởi bỏ quần áo đang mặc chỉ với bên tay trái, xỏ chân vào quần short của Jeff. Nàng mất thăng bằng, ngã nhào xuống. Phải cố gắng lắm nàng mới kéo được nó lên. Tiếp theo là áo sơ mi của Jeff chỉ dùng tay trái, sau ba phút loay hoay nàng mới mặc được nó vào người và cài khuy lại. Nàng ngồi lên giường để mặc quần và việc cài khoá quả là vô cùng khó khăn. Phải mất thêm hai phút nữa nàng mới mặc xong cái áo len. Khi mọi thứ xong xuôi, Dana ngồi xuống thở dốc.

Đây là việc mà sáng nào Kemal cũng phải làm. Và đó mới chỉ là sự khởi đầu. Nó còn phải tắm rửa, đánh răng và chải đầu. Đấy là bây giờ. Còn trước kia thì sao? Sống trong cuộc chiến tranh tàn khốc, chứng kiến cái chết của bố, mẹ, em gái và các bạn mình.

Jeff nói đúng, nàng nghĩ. Mình đòi hỏi quá nhiều và quá sớm. Nó cần nhiều thời gian để điều chỉnh bản thân. Mình không bao giờ được bỏ rơi nó. Bố đã bỏ mẹ con mình và mình chưa bao giờ thật sự tha thứ cho ông về chuyện đó. Nên có điều răn thứ mười ba: Mi không được bỏ rơi những người yêu thương mi.

Chậm rãi, Dana mặc lại quần áo của mình vao, nàng nghĩ đến lời những bài hát mà Kemal thường nghe đi nghe lại. Các đĩa CD của Britney Spears, Backstreet Boys, Lim Bizkit. “Don t want to lose you”, “need you tonight”, “As a long as you love me”, “I just want to be with you”, “I need love”.

Tất cả đều về nỗi cô đơn và khát vọng.

Dana cầm bảng kết quả học tập của Kemal lên.

Đúng là nó thất bại ở các môn học khác, nhưng ở môn toán nó được điểm A. Điểm A này mới quan trọng. Dana nghĩ. Đó là lĩnh vực xuất sắc của nó. Tương lai của nó là ở đó.

Khi Dana mở cửa phòng học của Kemal, nó đang nằm trên giường, mắt nhắm chặt, gương mặt xanh xao vẫn còn đầm đìa nước mắt. Dana nhìn thằng bé một lát rồi cúi xuống và hôn lên má nó.

– Cô xin lỗi, Kemal, nàng thì thầm. Tha lỗi cho cô.

Ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.

***

Sáng sớm hôm sau, Dana đưa Kemal đến một nhà phẫu thuật chỉnh hình nổi tiếng, bác sĩ Wiìliam Wilcos.

Ông ta nói chuyện riêng với Dana sau cuộc kiểm tra.

– Cô Evans, việc lắp tay giả sẽ tốn đến hai mươi nghìn đô la và có một vấn đề nho nhỏ, Kemal mới mười hai tuổi Cơ thể nó vẫn tiếp tục phát triển cho đến năm mười bảy, mười tám. Cứ sau vài tháng nó lại sẽ phải thay cánh tay giả. Tôi e về vấn đề tài chính sẽ không được thực tế lắm.

Dana cảm thấy hụt hẫng:

– Tôi hiểu. Cảm ơn bác sĩ.

Ra ngoài, Dana nói với Kemal.

– Đừng lo, cháu ạ. Chúng ta sẽ tìm ra cách.

Dana đưa Kemal đến trường học rồi trở về studio.

Đi được một đoạn thì điện thoại di động của nàng rung chuông.

– A lô?

– Matt đây. Trưa nay sẽ có cuộc họp báo về vụ Winthrop ở tổng hành dinh của cảnh sát. Tôi muốn cô dẫn theo tổ quay phim đến đó lấy tin. Đám cảnh sát đúng là ngớ ngẩn với cái kiểu thông tin lung tung này. Sự việc sẽ ngày một to dần và họ chẳng thể nào tìm được chứng cứ nữa.

– Tôi sẽ đến đó.

***

Sếp cảnh sát Dan Burnett đang nói chuyện điện thoại trong văn phòng thì thư ký của ông ta thông báo:

– Ngài thị trưởng ở đường dây số hai.

Burnett cáu kỉnh:

– Nói với ông ấy tôi đang nói chuyện với ông thống đốc ở đường dây số một. – Ông ta tiềp tục câu chuyện.

– Vâng, ngài thống đốc. Tôi biết điều đó… Vâng, thưa ngài… Tôi nghĩ… tôi tin chắc là chúng tôi có thể…” Ngay khi chúng tôi… Đúng. Tạm biệt ngài. – Ông ta dập máy.

– Thư ký báo chí của Nhà trắng ở đường dây số bốn.

Những cú điện thoại như vậy cứ liên tục suốt buổi sáng.

Buổi trưa, phòng hội thảo thuộc trung tâm Municipal tại số 300 đại lộ Indiana ở ngoại thủ đô Washington chật ních người thuộc báo giới. Sếp Burnett bước vào và đi lên phía trước căn phòng.

– Xin yên lặng. Ông ta đợi cho đến khi tiếng ồn dứt hẳn. Trước khi trả lời câu hỏi của các vị, tôi muốn tuyên bố một điều. Cái chết đau thương của Gary Winthrop là một sự mất mát lớn với không chỉ chúng ta ở đây mà còn với toàn thế giới này, và cuộc điều tra của chúng tôi sẽ còn tiếp tục cho đến khi tóm được những kẻ đã gây ra tội ác khủng khiếp đó. Xin các vị đặt câu hỏi.

Một phóng viên đứng lên.

– Ông Burnett, cảnh sát đã có manh mối nào chưa?

– Vào lúc ba giờ sáng có một nhân chứng đã trông thấy hai người đàn ông và một chiếc xe tải nhỏ màu trắng trong lối đi ngoài vườn nhà Winthrop. Vì hành động của họ có vẻ mờ ám nên người đó đã ghi lại biển số xe. Đó là số của một chiếc xe tải bị ăn cắp.

– Cảnh sát có biết trong nhà bị mất những gì không?

– Mười hai bức tranh rất có giá trị.

– Ngoài ra còn thứ gì khác bị mất nữa không?

– Không.

– Thế còn tiền mặt và đồ trang sức?

– Tiền mặt và đồ trang sức trong nhà không hề bị đụng tới Bọn cướp chỉ quan tâm đến các bức tranh thôi!

– Ông Burnett, trong nhà có hệ thống báo động không, và nếu có, nó có đang hoạt động tốt không?

– Theo người quản gia thì nó luôn được sẵn sàng vào ban đêm. Bọn cướp đã biết cách làm hỏng nó. Chúng tôi cũng chưa rõ là bằng cách nào.

– Bọn cướp đột nhập vào nhà ra sao, theo lối nào?

Sếp Burnett lưỡng lự.

– Câu hỏi thú vị đấy. Căn nhà không có dấu hiệu nào chứng tỏ bị đột nhập. Chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời cho vấn đề này.

– Có thể nào chúng có tay trong không?

– Chúng tôi không nghĩ vậy. Những người giúp việc ở nhà Winthrop đã theo anh ta nhiều năm rồi.

– Lúc đó Gary ở một mình trong nhà à?

– Theo chúng tôi được biết thì đúng vậy. Người làm đều đã nghỉ hết.

Dana hỏi to:

– Ông có danh sách những bức tranh bị mất không?

– Có. Chúng rất nổi tiếng. Danh sách này đã được chuyển tới các viện bảo tàng, các nhà kinh doanh nghệ thuật, các nhà sưu tập. Lúc những bức tranh này xuất hiện hẳn cũng là lúc vụ án được giải quyết.

Dana ngồi xuống, bối rối. Bọn giết người phải nhận thức được điều này vì thế chúng sẽ không dám bán tranh ra thị trường. Vậy chúng ăn cắp nhằm mục đích gì? Và giết người nữa? Tại sao chúng không lấy tiền và đồ trang sức? Có cái gì đó không hợp lý ở đây.

***

Đám tang của Gary Winthrop cử hành tại thánh đường National, lớn thứ sáu trên thế giới. Hai đại lộ Wisconsin và Massachusset bị đình chỉ giao thông. Các nhân viên đặc vụ và cảnh sát Washington được huy động hết lực lượng. Bên trong thánh đường là ngài Phó Tổng thống Hoa Kỳ, mười hai nghị sĩ và các thành viên trong Quốc hội, ngài chánh án toà án tối cao, các nhân viên nội các, các nhân vật tai to mặt lớn đến từ nhiều quốc gia.

Trực thăng của cảnh sát và giới truyền thông quần đảo trên bầu trời. Ngoài phố là hàng trăm người đứng xem, hoặc là biểu lộ sự thương tiếc người quá cố hoặc là tò mò hiếu kỳ với những nghi lễ diễn ra ở bên trong. Họ không chỉ biểu lộ sự thương tiếc với riêng Gary mà còn với cả gia đình Winthrop bất hạnh.

Dana tham dự đám tang với hai người quay phim.

Bên trong thánh đường im phăng phắc.

“Gia đình Winthrop đã dành cả cuộc đời của họ xây dựng nên những niềm hy vọng. Họ quyên tặng hàng tỷ đô la cho các trường học, nhà thờ, cho những người vô gia cư, cơ nhỡ. Họ đã sử dụng tài năng và thời gian quý báu của mình để cống hiến cho đất nước. Gary Winthrop đã kế thừa truyền thống cao cả đó của gia đình mình. Tại sao họ, với sự rộng lượng nhường ấy, lại phũ phàng lìa bỏ chúng ta một cách bí ẩn đến vậy. Nhưng, họ không thực sự ra đi, vì những gì mà họ đã làm sẽ còn tồn tại mãi. Chúng ta sẽ luôn tự hào vì…

Thượng đế sẽ không để những người như vậy chết theo cái cách khủng khiếp đến thế, Dana nghĩ.

***

Mẹ Dana gọi điện cho nàng.

– Mẹ và các bạn đã xem tin tức con thực hiện về đám tang. Cái lúc mà con nói về gia đình Winthrop, mẹ nghĩ là mình có thể bật khóc.

– Con cũng vậy. Mẹ ạ. Con cũng vậy.

Dana nằm trằn trọc gần như suốt đêm đó. Lúc chìm sâu vào giấc ngủ, nàng mơ thấy một lăng kính đầy những cảnh đám cháy, tai nạn xe cộ và tiếng súng.

Nàng thình lình thức giấc và ngồi bật dậy trong bóng tối Chưa đầy một năm mà cả năm người trong cùng một gia đình đều chết một cách không bình thường.
Như thế là thế nào?

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ