The Godfather (Bố già ) - Chương 29

Nếu nói chuẩn bị kỹ thì ai kỹ bằng Michael Corleone? Kế hoạch tiến hành nhịp nhàng, an toàn tuyệt đối. Nó kiên nhẫn chuẩn bị cả 12 tháng trời. Còn cả 12 tháng kia mà? Vậy mà số mệnh không cho phép nó chờ đợi quá lâu như vậy. Số mệnh đã chơi nó một cách thật lạ kỳ, đột ngột… không biết đằng nào mà đỡ! Vì số mệnh nhè ngay vàoÔng-Trùm, vào bố nó nên làm sai lạc hết dự tính của Michael.

– o O o –

Bữa hôm đó là Chúa nhựt, buổi sáng nắng đẹp. Mấy người đàn bà lo đi xem lễ hết,Ông-Trùm Vito Corleone đánh bộ đồ nông dân ra vườn săn sóc mấy luống đất trồng cà, trồng ớt. Quần rộng thùng thình, sơ-mi xanh bạc phếch, chiếc nón nỉ cũ kỹ bẩn thỉu úp chụp lên đầu. Mấy lúc sau này mập ghê quá, phải làm vườn hùng hục cho bớt mỡ, ổng nói vậy và cả nhà tin vậy.

Ra ít lâu nayÔng-Trùm khoái làm vườn, sáng nào cũng lo dậy rõ sớm để chăm sóc từng luống đất. Có chăm chỉ bón sới từng mẫu đất như vậy mới hồi nhớ lại, mới có dịp sống lại quãng đời thơ ấu ở quê nhà 60 năm về trước mà không bận lòng vương vấn về cái chết đau khổ của cha già. Bây giờ luống đậu đã bắt đầu trổ hoa trắng xoá ngọn, cây nào cây nấy bụ bẫm, có cây chống đỡ tận gốc thật vững. Ở cuối vườn đứng sừng sững một thùng phân bự, thứ phân chuồng ủ thật ải chẳng thứ phân bón hoá học nào bằng! Phía cuối vườn cũng mọc lên vô số những giàn tự tay Ông-Trùm buộc gọn gàng để mỗi gốc cà chua đều có giàn bám chắc chắn, tha hồ leo.

Nắng lên khá cao rồi,Ông-Trùm phải lẹ tay tưới nước từng khóm rau cải. Chậm chút xíu là lợi bất cập hại vì khác gì mượn ánh nắng mặt trời thiêu cháy lớp lá mỏng manh? Nhà vườn phải cần nước, cần phân tưới bón và ánh nắng cũng cần lắm nhưng không biết canh nước canh nắng đúng lúc là bao nhiêu công không vứt đi. Lại còn mấy con kiến này nữa. Phải lo bắt bằng hết. Có kiến là có sâu có rầy, phải lo xịt thuốc là vừa.

Cũng may là vừa tưới nước xong. Nắng lên sớm quá, đợi giờ này mới tưới là hỏng rồi! Thấy nắng là mệt,Ông-Trùm, bụng bảo dạ: “Mệt rồi… cứ từ từ… vội vã là hỏng, hỏng hết!” Thôi đặt giàn cho mấy gốc cà này nữa là xong việc. Cúi xuống gắng làm chút xíu nữa là rồi, tha hồ nghỉ.

Ông-Trùmbỗng cảm thấy nắng làm ngây ngất người. Trong một thoáng in hình mặt trời sa xuống gần hơn vậy. Choáng váng cả người, nổ đom đóm mắt! Đang lom khom cúi xuống đặt giàn, thằng cháu nội – con đầu lòng của Michael – từ nhà chạy ra vườn tính chơi với ông chắc? Ô hay, cả người nó sao bao phủ làn ánh nắng chói chang thế kia? Cái vụ này là không xong rồi, làm gì ổng không biết là trái tim trở chứng? Nó luôn luôn hành vậy đó, tốt hơn là vẫy tay ra hiệu cho nó đi chỗ khác chơi, cho nó khỏi phải nhìn thấy cảnh ông nội bị chứng đau tim quất gục. Đúng lúc quá, vừa vẫy nó đi thì lồng ngực lãnh một cú như búa bổ, tưởng đâu bể ngực và nghẹt thở luôn. Đúng, nghẹt thở quá! Chịu không nổi, ổng ngã chúi về đằng trước. Thằng bé vội chạy vô nhà kêu bố. Cùng với mấy thằng đàn em đang gác cổng, Michael chạy bổ ngay ra vườn, đúng lúcÔng-Trùm ngã sấp, hai tay ôm chặt luống đất. Mấy thằng xúm lại khiêng ổng vô, đặt đỡ dưới bóng mát của dãy nhà mát. Michael xuống nắm chặt lấy tay bố, sai mấy đứa chạy đi kêu xe Hồng-thập-tự, kêu bác-sĩ gấp.

Chắc phải cố gắng lắm lắmÔng-Trùm mới mở mắt ra nổi để nhìn thằng con lần chót. Khuôn mặt già nua nhăn nhúm, xanh lè vì chứng đau tim trở nặng. Chỉ một cơn là tuyệt vọng. Dường như mùi hương của mảnh đất vườn phả vào mũi, ánh nắng chói chang làm choá mắt,Ông-Trùm chỉ lẩm bẩm có mỗi một câu “Đời đẹp quá” là đi luôn.

Vậy là Ông-Trùm Vito Corleone trút hơi thở cuối cùng khỏi phải chứng kiến cảnh vợ con xúm lại khóc lóc om xòm. Ổng từ trần trước khi tan lễ nhà thờ, trước khi bác-sĩ hay xe nhà-thương tới. Chung quanh là mấy thằng thủ hạ, ổng còn được nắm chặt tay thằng con út, thằng con cưng nhất nhà trước khi từ giã cuộc đời.

Dĩ nhiên tang lễÔng-Trùm Vito Corleone phải tổ chức linh đình, long trọng. Ngũ Đại gia đình Nữu-Ước có đủ mặt cácÔng-Trùm cũng như không thiếu mộtcaporegime nào. Cánh Tessio, cánh Clemenza còn đông đảo nữa. Mấy tờ báo lá cải đăng thật lớn tin tài tử Johnny Fontane về chịu tangBố-Già, bất chấp mọi hậu quả, bất chấp lời khuyến cáo của Michael. Trả lời cuộc phỏng vấn của các nhà báo, Johnny còn nghiễm nhiên xác nhận ổng là cha đỡ đầu và trong đời hắn chưa hề gặp một người nào tốt bụng, đàng hoàng nhưÔng-Trùm Vito Corleone, do đó được về chịu tang ổng là cả một hân hạnh, còn thây kệ mọi người muốn nghĩ sao thì nghĩ.

Đám tang tổ chức trong cư xá, theo đúng truyền thống Sicily. Nhà đòn phụ trách toàn thể việc tống táng còn ai ngoài ông bạn Amerigo Bonasera? Dĩ nhiên lão đâu dám lấy một xu, mà còn tự tay lo tắm rửa, khâm liệm choBố-Già thân mến một cách cực kỳ chu đáo, kỹ càng. Tưởng một bà mẹ trang điểm cho cô gái cưng về nhà chồng cũng chăm sóc đến thế là cùng! Bà con nhìn mặtÔng-Trùm Corleone lần cuối nức nở khen ổng chết rồi mà dáng dấp vẫn oai vệ, uy nghi như người sống là Bonasera sướng phổng mũi rồi. Hiển nhiên lão còn cảm thấy có chút quyền uy thật tình. Thử không có tay hắn tô điểm, chăm sóc coi có oai vệ, uy nghi được không… hay cũng rùng rợn, hãi hùng như bất cứ kẻ nào bị cơn đau tim quật cú chót?

Về tận cư xá Long Beach phúng điếuÔng-Trùm quả không thiếu một người bạn cũ, không thiếu một người nào từng chịu ơn ổng. Ông chủ lò bánh Nazorine mang cả vợ con, thằng Enzo và đàn cháu ngoại. Từ Las Vegas thì Lucy Mancini theo gia đình Tom Hagen lên. Ít ra cũng có mặt 4Ông-Trùm của vùng Cựu-Kim-Sơn, Los Angeles, Boston và Cleveland. Được cử vào việc khiêng linh cữuÔng-Trùm cùng hai đứa con trai phải là những người thân thiết bậc nhất: bạn già ngày xưa phải là Tessio, Clemenza, và đám thủ hạ mới là Rocco Lampone, Albert Neri. Những vòng hoa chia buồn từ các nơi gởi về phải chất mấy căn trong cư xá mới hết.

Ngoài cổng lớn lúc nào chẳng đầy những nhà báo, nhiếp ảnh viên chầu chực? Ngay FBI còn cử nguyên một xe bít bùng chuyên viên. Nhưng tất cả những người lạ, người ngoài đó… đều đứng ở ngoài chờ, có láu cá đến đâu cũng chẳng qua mặt được một hàng rào “người nhà” không nể nang ai khi đòi hỏi xuất trình giấy tờ và thiếp mời.

Có nước giải khát mang ra tận nơi cho những ông khách bất đắc dĩ đó nhưng vô trong thì nhất định không lọt. Đứng ngoài canh có mặt nào thò ra xúm lại hỏi thăm tin tức cũng vô phương. Hầu như tất cả đều không biết nói mà chỉ trợn mắt ngó. Trong khi đó, Michael ở lỳ trong “văn phòng” để cùng với Fred, Kay và Tom Hagen nhận những lời phúng điếu, chia buồn. Tất cả mọi người có lòng tốt tới chia buồn đều được Michael đáp lễ đàng hoàng, dù vài kẻ ưa tâng bốc đã gọiÔng-Trùm hayBố-Già Michael. Dĩ nhiên nó không bằng lòng nhưng chỉ một mình Kay nhận ra vì Michael có để lộ một vẻ gì, trừ cặp môi khẽ xiết lại?

Lúc Tessio, Clemenza vô góp mặt cùng đám người nhà thì đích thân Michael rót rượu mời. Thăm hỏi việc làm ăn thì Michael chỉ cho hay qua loa. Ngay cư xá này cũng phát mại luôn cho một công ty xây cất và dĩ nhiên làÔng-Trùm đã dự tính từ trước thì phải có lời bộn! Đó là bằng chứng quyết tâm dời hết cơ sở làm ăn xuống miền Tây, không để lại một chút gì ở Nữu-Ước. Chỉ đợi Ông-Trùm từ trần hay về hưu hẳn là bắt đầu.

Gần mười năm nay ngôi nhà này mới lại có chuyện tụ họp đông đảo bà con, từ ngàyÔng-Trùm Corleone gả cô con út Constanzia cho Carlo Rii. Nghe có người nhắc đến, Michael bước ra cửa sổ ngó xuống vườn. Mới ngày nào, ngày cưới Connie… nó đưa Kay về giới thiệu với gia đình… hai đứa còn ngồi ở góc kia. Vậy mà bao nhiêu biến cố dồn dập đã đưa đẩy cuộc đời nó đến khúc quanh không ngờ này. Nó nhớ tới lời ông già lúc lâm chung: “Đời đẹp quá.” Lạ thật từ hồi có đủ trí khôn Michael nhớ chắc có bao giờ ông già nói một lời nào về cái chết đâu? Làm như ổng quá coi trọng sự chết nên lờ hẳn đi, không dám nhắc nhở đến nữa.

Ngày đưaÔng-Trùm Corleone ra nghĩa địa, Michael nắm tay vợ đi sau linh cữu ông già, phía sau là đông đủ quan khách, thuộc hạ và những bà con từng chịu ơnBố-Già một lần trong đời. Nhưng người như Nazorine, như goá phụ Colombo… biết bao người từng sống trong giang sơn củaBố-Già, tự đặt mình dưới sự cai trị khe khắt mà đúng mức của ổng. Trong số kẻ thù cũng có vài người đến tiễn đưa ổng lần chót…

Michael bước theo đám tang, vừa quan sát vừa mỉm miệng cười. Trong thâm tâm nó thầm nghĩ nếu được chết như ông bố, phút lâm chung còn nói được rằng “Đời đẹp quá” thì sống hay chết chẳng có gì quan trọng nữa. Nếu tự tin được như vậy thì mọi sự trên đời đều vô nghĩa thật. Nó sẽ theo gương ông bố. Nó sẽ lo cho con cái, cho gia đình, cho đám thuộc hạ. Nhưng con cái nó phải sống, phải lớn lên trong một thế giới khác. Chúng nó sẽ là bác-sĩ, giáo sư, nghệ sĩ… hoặc Thống đốc, Tổng Thống cũng chưa biết chừng. Nó sẽ lo lắng tận tình cho chúng sống hoà mình vào gia đình lớn của nhân loại, với điều kiện sẽ theo dõi cẩn thận chính cái đại gia đình đó. Nó đủ thế lực, đủ khôn ngoan để làm công việc đó mà?

Ngay buổi sáng hôm sau có buổi họp gia đình trong căn nhà củaÔng-Trùm, những tay có chức phận trong cánh Corleone đều về tham dự. Họ lần lượt đến trước buổi trưa và đều được Michael đích thân đón tiếp.

Cũng vẫn những khuôn mặt ngày nào quy tụ trong “văn phòng”: hai lãocaporegime Tessio, Clemenza. Vẫn Rocco Lampone biết điều, rất được việc… Carlo Rii im lìm, biết thân biết phận… Tom Hagen tạm thời rời bỏ chức vụ thuần tuý pháp lý về chung lo công việc. Và Albert Neri thì lúc nào cũng ở sát một bên Michael, đốt điếu thuốc choÔng-Trùm mới hoặc bưng ly nước, như cố ý bày tỏ một sự trung thành không hề lay chuyển sau một biến cố thật tai hại cho toàn thể gia đình Corleone.

VìÔng-Trùm không còn nữa là cánh Corleone mất đứt phân nửa lực lượng, rõ ràng không còn đủ tư cách đối phó với hai cánh Barzini – Tattaglia nhập một. Những người có mặt hôm nay đều biết vậy và không hiểu Michael sẽ nói gì đây. Ít nhất đối với họ, Michael chưa phải là mộtÔng-Trùm đúng nghĩa, trên thực tế cũng như trên nguyên tắc, Ông-Trùm đã chính thức trao trách vụ cho nó đâu, có lệnh gì để lại trước khi chết đâu?

Michael đợi cho Albert Neri rót rượu mời bà con chu tất mới ôn tồn ngỏ lời:

– Xin nói rõ để bà con anh em yên chí là tình hình sinh hoạt của mọi người… cũng như tình cảm đối với gia đình này ra sao, tôi biết hết. Kính trọng ông già tôi thật nhưng anh em vẫn còn sự sống, còn gia đình phải lo nghĩ chớ? Chắc anh em muốn biết rồi đây có sự gì thay đổi trong những dự tính của tôi… sau khi ông già mãn phần. Xin cho hay những gì tôi đã hứa hẹn chắc chắn sẽ tiến hành như đã định. Tuyệt đối không có gì thay đổi.

Clemenza lắc đầu, không dấu sự thất vọng. Mớ tóc giờ đây đã bạc nhiều hơn đen, cần cổ đã mập ú thêm mấy lớp mỡ coi mệt mỏi nặng nề quá. Lão nói thẳng thừng:

– Không hiểu mi tính sao chớ bọn Barzini – Tattaglia chúng nó sắp nhào vô giang sơn mình đến nơi. Tụi nó làm hăng, rõ ràng muốn nuốt sống mình vậy thì chỉ có 2 cách: một là nổ súng đánh lớn, hai là đầu hàng phức cho rồi…

Nghe lão sủa ồm ồm ai cũng nhận ra một điểm: đối với Michael, lão Clemenza vẫn sử dụng thứ ngôn ngữ bình đẳng ngày nào. Không tôn xưngÔng-Trùm đã đành, vẫn chỉ là “mi” cho khỏi có trọng vọng, nể nang! Michael thản nhiên:

– Mình cứ đợi coi chuyện gì sẽ xảy ra. Hãy để tụi nó xé rào trước…

Tessio nhẹ nhàng châm vô một câu thật chán chường:

-… Xé rào thì tụi nó xé từ lâu rồi, còn chờ đợi gì nữa! Sáng nay tụi nó vừa đặt hai ổ bao đề một lúc ở Brooklyn, ở ngay trong khu vực làm ăn của tao xưa nay. Chính lão đại uý xếp sòng, từng ăn cánh với mình cho hay thì còn trật đi đâu được? Tao sợ cứ điệu này cỡ một tháng nữa thôi… thì tao kiếm cho ra một chỗ để treo đỡ cái nón trong vùng Brooklyn cũng không có nữa kìa!

– Vậy hả? Mà chú có thái độ gì chưa?

– Thái độ gì? Mi yêu cầu tụi tao lặng yên, cứ lo giữ thế thủ… thì tao phản ứng làm gì cho mi mệt thêm?

– Tốt lắm! Xin chú cứ thế mà xử sự, cứ tuyệt đối lặng yên như vậy để tôi dễ sắp xếp công việc. Mọi anh em khác cũng nhất loạt chịu đựng dùm cho, có bị khiêu khích ngay mặt cũng ráng nhẫn nhịn, tuyệt đối không phản ứng. Tôi cần vài tuần lễ nữa để giải quyết cho xong công việc, phải thăm dò chiều hướng trước khi có thái độ rõ rệt. Tôi tin rằng bà con anh em mình đây sẽ không ai thất vọng, thua thiệt hết. Chúng ta sẽ triệu tập một phiên họp chót trước khi có những quyết định chung cuộc.

Dĩ nhiên chẳng ai dám tin những lời Michael vừa nói, ai cũng phân vân, nghi ngờ.

Nó làm lơ, coi như không thấy để Albert Neri đứng lên tiễn khách. Nhưng Tom Hagen vừa dợm bước ra thì Michael gọi giật lại: “Ở nán vài phút nữa coi Tom?” Hagen quay lại, bước ra cửa sổ ngó xuống nhà dưới. Nó đứng lặng yên ngó Albert Neri lần lượt đưa từng người ra khỏi cổng lớn cư xá. Hết Clemenza, Tessio đến Carlo Rii, Rocco Lampone… Chừng đó nó mới quay lại hỏi Michael:

– Mấy chỗ thần thế, bồ bịch của mình xưa nay mày đã nắm đủ chưa Michael?

– Chưa nắm vừng được hết. Cầu 4 tháng nữa kìa, ấy là còn có ông già phụ lực đấy. Tuy nhiên, anh yên chí là mấy ông toà, những nhân vật quan trọng bậc nhất, tôi đã lo xong. Không thiếu một người, ngoài ra còn những tay dân biểu, nghị sĩ cỡ lớn. Dĩ nhiên là mấy lãnh tụ đoàn thể đảng phái ở Nữu-Ước thì mình đã móc nối từ hồi nào tới giờ. Có thể nói chẳng ai ngờ rằng mình hiện có thế lực hậu thuẫn nặng ký như vậy. Nhưng tôi muốn có hậu thuẫn mạnh hơn nữa, để phòng trường hợp sơ xẩy bất ngờ. Qua mặt chúng nó thì dễ rồi… nhưng sức mấy dấu được anh, phải không? Anh thấy tôi sắp đặt thế nào?

– Kể như tuyệt diệu! Dĩ nhiên tao phải thấy… nhưng không hiểu vì lẽ gì mày gạt tao ra thôi. Chừng tao suy luận theo kiểu chính cống Sicily mới hiểu…

Michael ngó nó cười ha hả:

-… thì ông già cũng biểu là khỏi qua mặt được anh mà? Nhưng để anh dính vô là không được. Tuy nhiên phải chờ đến ngày giờ này mới cần có anh một bên, cỡ vài tuần thôi. Vậy anh có thể phôn về nhà, cho hay phải ở nán lại đây ít tuần. Nói vậy đủ rồi!

– Đồng ý. Nhưng sao mày biết cỡ vài tuần nữa chúng sẽ ra tay trước? Sao mày biết chúng nó sẽ gài để chơi mày?

– Thì cũng ông già dặn dò hết? Theo ổng tính toán thì chúng nó ắt phải nhằm ngay tôi triệt hạ đầu trước. Chúng sẽ mượn taymột thằng tín nhiệm, thân cận nhất để sắp đặt cho tôi vào bẫy. Thằng đó sẽ thu xếp để đem mạng tôi nạp cho Barzini, gọn gàng cái một. Nhưng phải là một thằng thật thân, tôi hoàn toàn tín nhiệm kìa!

Hagen mỉm cười ngắt lời:

-… Một thằng như tao chớ gì?

Michael mỉm cười đáp lời nhưng lắc đầu lia lịa:

– Anh thì chẳng bao giờ chúng xài! Anh gốc Ái-Nhĩ-Lan, tin làm sao được mà chúng dám?

– Coi tao Mỹ gốc Đức mà?

– Đối với chúng cũng vẫn… Ái-Nhĩ-Lan! Vẫn làngười ngoài.

Cũng như không bao giờ chúng mượn tay Albert Neri, một thằng gốc cớm. Vả lại anh cũng như Neri đều gần tôi quá,thân quá… đời nào chúng dám móc nối để lộ tẩy? Cái vụ này chỉ có thể xuống tay lần một… đâu thể tái diễn? Rocco Lampone thì chưa đủ thân cận. Còn lại có 3 mạng, phải là 1 trong 3 mạng này: Clemenza, Tessio, và Carlo Rii…

– Vậy thì… dám thằng Carlo lắm!

– Cái đó chưa biết chừng! Để chờ coi… đâu có lâu la gì nữa?

Sáng hôm sau, Hagen đang ăn điểm tâm với Michael dưới nhà bếp thì có phôn trong “văn phòng.” Michael lật đật bước vô và lát sau đi trở ra, mặt tươi tỉnh. Nó vừa nói vừa cười:

– Quả nhiên là không lâu thật! Đã sắp đặt xong rồi, đúng một tuần lễ nữa sẽ có một phiên họp tay đôi giữa Barzini và tôi để lo giải quyết thoả đáng mọi việc sau khi ông già từ trần. Một phiên họp cấp lãnh đạo để hoà đàm!

Một phiên họp cấp lãnh đạo phải có thằng đứng trung gian sắp đặt. Phải có một thằng trong cánh Corleone ngầm tiếp xúc với phe Barzini để thăm dò trước. Nó sẽ đứng ra hướng dẫn Michael đi gặp Barzini, đúng ngày giờ địa điểm ấn định. Nghĩa là nó sẽ mang Michael đi bán đứng. Hagen biết vậy nên hỏi lửng lơ:

– Ai đứng ra sắp đặt vụ này đấy?

– Tessio!

Vắn tắt có một chữ mà giọng thằng Michael nghe đau khổ quá. Làm sao có thể ngờ được một người như Tessio. Hai đứa ngồi nhai cho xong bữa điểm tâm, rút cuộc Hagen phải lên tiếng:

– Bảo là Carlo… hay Clemenza đi… vẫn còn tin nổi. Ai dè lại là Tessio! Chưa bao giờ tao dám nghĩ một thằng kỳ cựu, khôn ngoan như lão mà có thể phản.

– Phải nói là Tessio khôn hơn cả đám. Vì khôn quá… nên lão cho rằng phải làm vậy mới đúng.Tội gì theo một phe tàn tạ, thua chắc? Cứ bám lấy phe Corleone, trung thành cho đến phút chót để mà chết lãng hả? Hiển nhiên lão cho rằng cánh mình phải gục, không hy vọng gì sống sót nên mới có mục nạp gọn tôi cho thằng Barzini. Vừa lập công, vừa có quyền hưởng nguyên vẹn cơ sở của cánh Corleone!

– Không hiểu sao lão lại nghĩ quẩn vậy nhỉ?

– Lão nghĩ đúng đấy chớ? Xét lực lượng hai bên thì như vậy thực… song có ai nghĩ được như ông già là có đến 10 băng đánh đấm hùng hổ cũng chẳng bằng có thế lực, có chỗ dựa… nghĩa là có gốc bự! Bao nhiêu thế lực của ông già ngày trước tôi đã nắm đủ, nắm trọn vẹn… nhưng có thằng nào biết đến?

Michael mỉm cười, tin tưởng hơn bao giờ hết:

– Vậy là tôi sắp phải xuất hiện dưới danh hiệuÔng-Trùm Michael phải buộc chúng chấp nhận. Nhưng cứ nghĩ đến ca Tessio vẫn không khỏi buồn!

– Nói vậy mày đã đồng ý đi gặp Barzini?

– Tự nhiên. Phải gặp chớ? Đúng một tuần lễ nữa. Mà Tessio hướng dẫn, địa điểm chọn sẵn trong vùng Brooklyn, nghĩa là đất làm ăn của lão, đất nhà… tha hồ an toàn?

Nó vừa nói vừa cười ha hả làm Hagen phải cảnh giác:

– Mà coi chừng! Từ giờ đến ngày ấy… mày vẫn phải coi chừng nghe Michael? Michael lạnh lùng ngó nó, buông một câu:

– Ô hay, tôi đâu cần một thằngconsigliori để cho ra cái thứ khuyến cáo đó nhỉ?

Sự thực miệng nó nói vậy thôi. Chớ có bao giờ Michael lo “bảo đảm an ninh tối đa” đến như vậy? Một tuần lễ trước ngày ước hẹn, nó đâu dám ló mặt ra ngoài cư xá một lần? Không đi đâu một bước đã đành mà ngay ở trong nhà cứ thấy mặt nó là y như rằng có Albert Neri hờm sẵn một bên. Ngay lúc tiếp khách cũng vậy.

Giữa lúc đó có một chuyện hơi phiền, lại là việc tình cảm gia đình, có tính cách thiêng liêng nên Michael không từ chối nổi. Nhất là người yêu cầu lại là Kay! Chẳng là thằng con đầu lòng của Connie sắp chịu lễ thêm sức theo nghi thức Công giáo. Cả hai vợ chồng nó cùng tha thiết muốn Michael nhận lời làm cha đỡ đầu cho đứa nhỏ mà không dám nói, phải nhờ Kay năn nỉ dùm. Nàng yêu cầu Michael “đừng từ chối tụi nó tội nghiệp. Có một việc nhỏ như vậy… em đâu có xin xỏ anh bao giờ? Anh vì em mà nhận làmBố-Già thằng nhỏ cho chúng khỏi tủi đi.”

Kay tưởng đâu năn nỉ chỉ làm Michael bực bội thêm và chắc chắn sẽ gạt phắt. Nàng ngạc nhiên thấy chồng nhượng bộ:

– Thôi cũng được… Nhưng anh không ra khỏi cư xá đâu đấy. Bảo vợ chồng nó mời ông linh mục về nhà làm lễ cũng được chớ gì? Có tốn kém bao nhiêu cũng được. Mà có khó khăn thì bảo Tom Hagen lo dùm cho.

Vì vậy ngay trước hôm hẹn gặp Barzini, một buổi lẽ được tổ chức trong cư xá để Michael Corleone chính thức nhận làmBố-Già cho thằng cháu. Quà tặng cho thằng con đỡ đầu quả thực quý giá: một chiếc đồng hồ vàng loại đắt tiền, sợi dây cũng vàng luôn. Vợ chồng Carlo hoan hỷ tổ chức một bữa tiệc thân mật ở nhà để mời tất cả bà con trong cư xá, mời cả Tessio, Clemenza, Lampone. Dĩ nhiên Bà Trùm phải có mặt để mừng cháu, nhưng người mừng nhất cảm động nhất phải là Connie: biết bao nhiêu lần nó chảy nước mắt ôm hôn anh chị Michael, cảm ơn luôn miệng! Thét rồi Carlo cũng vui lây, tíu tít nắm tay Michael kêuBố-Già om xòm. In hình không mấy khi Michael có dịp vui vẻ, cười đùa như vậy khiến Connie ghé tai Kay thì thầm: “Chị thấy không… bây giờ em mới tin là anh Michael và nhà em hạp nhau thực sự. Coi họ kìa! Phải có những dịp như thế này con người ta mới dễ cảm thông nhau chớ?”

Kay sung sướng nắm tay con em chồng: “Cô ạ… tôi mừng quá! Tôi mừng thiệt tình.”

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ