BOM NGUYÊN TỬ nổ ở Belitong. Một đám khói khổng lồ bùng lên, mang theo phóng xạ, thủy ngân và amoniac. Mọi người nháo nhác chạy tìm chỗ trú, chuồi xuống mấy con kênh hay nhảy ào xuống cống rãnh. Nhiều người chết ngay tại chỗ, và những ai có cơ may sống sót thì chỉ còn là những sinh vật còi cọc, bốc mùi hôi hám.
Trông thấy vóc dáng lùn tịt nhỏ bé của người Belitong, chính quyền trung ương Jakarta lấy làm xấu hổ trước thế giới nên từ chối thừa nhận họ là công dân của nước cộng hòa này. Chúng tôi không có cách nào khác ngoài việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.
Trong khi chỉ một vài người Mã Lai muốn tách ra khỏi khối thống nhất nước Cộng hòa Indonesia, chính quyền tổ chức trưng cầu dân ý về việc Belitong tuyên bố mình là một quốc gia độc lập. Và đương nhiên, một mình Belitong không thể tự xoay xở được bởi vì nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi đây đã bị khai thác đến cạn kiệt suốt hàng trăm năm nay. Hòn đảo sụp đổ.
Đúng lúc đó, Bodenga – pháp sư cá sấu lâu nay chẳng ai thấy mặt – xuất hiện và giành lấy chính quyền. Ông đàn áp những ai trước đây đã đối xử bất công với cha con ông. Tất cả những người đó bị lùa cả xuống dòng Mirang, để mặc cho lũ cá sấu xử lý. Những người lùn đó cố tìm cách giành sự sống quý giá nhưng vô vọng. Chẳng mấy chốc, xác họ nổi lềnh bềnh trên sông như cá bị trúng độc.
Đó chỉ là những suy nghĩ lẩn thẩn của một kẻ mơ mộng đang như phát rồ vì tình yêu đầu đời vụt khỏi tầm tay.
Tôi không thể nghĩ cho ra đầu ra đũa nữa, toàn mơ thấy ác mộng và bị ám ảnh bởi những tưởng tượng kỳ quái. Nếu tôi nghe chim hót, tiếng hót ấy sẽ biến thành tiếng loài chim huyền thoại mang tin chết chóc. Tôi nghĩ tất cả mọi người – các chủ cửa hàng, bác đưa thư, những công nhân mài dừa, cảnh sát dân sự và cu li – đều đang âm mưu chống lại tôi.
A Ling ra đi để lại trong tôi nỗi đau khôn nguôi. Tôi muốn xông vào cửa hàng Sinar Harapan. Nhưng tôi biết hành động đầy chất cải lương đó – mà tôi thường thấy trong các bộ phim Ấn Độ – chỉ có lũ chai bột đậu và mắm tôm chào đón mà thôi. Tôi đau khổ quá thể, chỉ biết đau khổ thôi.
Và rồi, những hình ảnh trong mấy bộ phim Ấn Độ lại quay trở về, sự chia ly khiến tôi sầu muộn đến phát ốm. Cách đây ít lâu tôi từng cười nhạo hàng xóm của mình, anh Bang Jumari, vì anh mắc chứng ỉa chảy nặng và lăn ra ốm vì chị họ của tôi, Kak Shita, nói lời chia tay anh. Tôi không thể hiểu làm sao lại thành ra như thế được. Nhưng giờ đây, số phận tương tự đã đổ ập xuống đời tôi. Tôi đã nhạo báng anh Bang Jumari, giờ thì tôi vướng vào phiền toái tương tự. Đúng là nghiệp chướng.
Tôi không đi học được đã hai hôm vì sốt cao. Tôi chỉ muốn ra khỏi giường. Đầu nặng trịch, hơi thở gấp. Mẹ cho tôi uống xi rô Askomin nhưng tôi vẫn không khỏi. Hóa ra bệnh tương tư chẳng thể nào dùng thuốc chiết xuất từ sâu mà chữa được. Và rồi thằng Mahar và tín đồ trung thành của nó đến thăm tôi.
Mahar mặc áo khoác dài đến gối. A Kiong tất tả đằng sau, kéo lê một cái va li như sinh viên y khoa tập sự. Ấy là chiếc va li đặc biệt vì nó dính đầy peneng sepeda – những nhãn dính được sử dụng ngày trước để cho biết là thuế xe đạp đã trả xong – và những biểu tượng chính quyền để cho thiên hạ biết rằng họ là những cán bộ có vai vế.
Lúc đó, thằng Syahdan cũng có mặt trong phòng tôi. A Kiong và Mahar không nói không rằng. Bật tay đánh tách, A Kiong ra hiệu cho Syahdan né sang một bên.
Mahar đứng ngay cạnh tôi và nhìn tôi từ đầu đến chân. Mặt nó nghiêm nghị như bác sĩ, và chẳng cần nhiều thời gian để nó hoàn tất việc chẩn đoán. Nó lắc đầu ý rằng ca bệnh này không phải nhẹ. Nó hít một hơi e ngại rồi đưa mắt sang A Kiong. “Dao!” nó đột nhiên hét lớn.
A Kiong vội mở va li lấy ra một con dao gỉ sét. Syahdan và tôi thất sắc. A Kiong kính cẩn trao con da đó cho thằng Mahar và thằng Mahar cầm lấy với cung cách hệt một bác sĩ phẫu thuật.
“Nghệ!” Mahar lại ra lệnh, rõ ràng rành mạch.
A Kiong lại vội vàng bốc thứ gì đó từ va li rồi đưa cho Mahar củ nghệ cỡ ngón tay cái. Vẫn nghiêm nghị như thế, Mahar cắt miếng nghệ ra, giã nát và vẽ một chữ “X” to tướng trên trán tôi nhanh đến nỗi tôi thậm chí không né kịp. Rồi, như thể biết trước bước kế tiếp là gì nên không cần ra lệnh, A Kiong lấy mấy lá cây dành dành từ va li ra thảy cho Mahar, thằng này nhanh tay chộp lấy và vừa quất không thương tiếc khắp người tôi vừa lầm rầm khấn khứa.
Không chỉ có thế, trong khi Mahar quất tôi bằng cành lá dành dành, thằng A Kiong vẩy nước khắp người tôi. Tôi cố né và xua tụi nó ra, nhưng không thể được vì thằng Mahar và A Kiong hợp thành một đội ăn ý, nhanh như cắt và làm gì cũng có bài có bản.
Không lâu sau, hai đứa đó thôi hành hạ tôi. Mahar thở phào nhẹ nhõm. Còn cái mặt ngu đần của thằng A Kiong cũng bắt chước Mahar toát lên vẻ nhẹ nhõm tương tự.
“Ba đứa bé thần tiên đang nổi giận vì mày nhìn trộm vào vương quốc gần cái giếng ở trường đó,” Mahar giải thích như thể linh hồn của tôi sẽ bị tổn thương vô phương cứu chữa nếu nó không đến kịp lúc. Chẳng có dấu hiệu gì trên khuôn mặt nó cho thấy nó cảm thấy có lỗi hay ác ý. Mahar và AKiong đã điềm nhiên hợp lực thực hiện một hành động hoàn toàn ngây thơ. Bọn nó không mảy may nghi ngờ cái phương thức chữa bệnh dốt nát ấy.
“Bọn nó khiến mày phát sốt đó,” nó tiếp tục trong khi cất đống dụng cụ y tế vào va li và trao nó cho A Kiong đầy kiểu cách.
“Nhưng mày đừng sợ gì cả, tao sẽ diệt trừ chúng nó và mai mày có thể đi học lại được rồi!”
Tôi chỉ còn biết chịu đựng và chấp nhận một trong những sự việc kỳ cục nhất đời mình ấy. Và rồi, không nói thêm lời nào, cũng không chào, hai đứa kéo nhau ra về. A Kiong không thốt ra dù chỉ một lời. Và thế là chỉ còn lại tôi – hệt như một con mèo mắc mưa – với Syahdan.
Sau hai thầy lang con nít ấy, cô Mus và mấy đứa bạn khác đến thăm tôi. Cô Mus mang cho tôi một viên APC.