“Ai cũng cần phải biết họ đang nỗ lực vì điều gì,” người ta vẫn nói như thế. Hay ít nhất đó là điều Sonja từng đọc thành tiếng cho Ove nghe từ một trong những cuốn sách của cô. Anh không nhớ là cuốn nào nữa, vì cô có rất nhiều sách. Ở Tây Ban Nha, Sonja đã mua cả túi sách, dù không nói được ngôn ngữ này. “Em sẽ học trong lúc đọc sách,” cô bảo thế. Cứ như thể đó là một cách hiển nhiên để học ngoại ngữ. Ove nói với cô rằng anh thà tự suy nghĩ còn hơn là đọc xem những kẻ dở hơi khác có gì trong đầu. Đáp lại, cô chỉ mỉm cười và vuốt má anh.
Ove mang những túi hành lý to quá mức cần thiết của Sonja ra xe khách. Anh nghe thấy mùi rượu khi đi ngang qua chỗ người tài xế, nhưng cho rằng đó là phong tục của Tây Ban Nha và không có ý kiến gì. Anh đang ngồi trên ghế lúc Sonja đưa tay anh chạm vào bụng cô, và đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng anh cảm thấy đứa bé cử động. Anh đứng dậy và đi vào buồng vệ sinh. Lúc Ove đi được nửa đường, chiếc xe bỗng chao nghiêng, va quẹt với dải phân cách ở tim đường, rồi mọi thứ chợt im lặng trong một khoảnh khắc. Giống như thời gian hít một hơi thật sâu. Tiếp đó là tiếng kính vỡ rào rào. Tiếng kim loại tàn nhẫn nghiến ken két. Tiếng rầm rầm dữ dội của những chiếc ô tô đâm vào đuôi xe khách.
Và những tiếng la hét. Ove sẽ không bao giờ quên được chúng. Anh chỉ nhớ mình bị ngã sấp bụng. Anh hốt hoảng nhìn quanh tìm Sonja giữa những thân người ngổn ngang, nhưng không thấy cô đâu cả. Anh nhào tới trước, bị thương vì những mảnh kính vỡ rơi như mưa từ trên đầu, nhưng dường như một con thú hoang lồng lộn đã níu anh lại và đè anh xuống sàn, gây thêm cho anh cảm giác nhục nhã khó tả bên cạnh nỗi kinh hoàng. Cảm giác bất lực hoàn toàn đó sẽ theo đuổi anh hàng đêm trong suốt phần đời còn lại.
Ove túc trực bên giường cô suốt tuần lễ đầu tiên. Cho đến khi một y tá nhất quyết bắt anh đi tắm và thay quần áo, ở đâu họ cũng nhìn Ove với ánh mắt thương cảm và chia buồn cùng anh. Một bác sĩ đến gặp anh và nói với một giọng lãnh đạm, giảng giải rằng “anh nên chuẩn bị tinh thần cho việc cô ấy sẽ không tỉnh lại.” Ove đã ném tay bác sĩ đó qua cửa, không cần biết cánh cửa đó đang được khóa.
— Cô ấy chưa chết. – Anh gào lên trong hành lang. – Đừng cư xử như thể cô ấy đã chết rồi!
Không nhân viên bệnh viện nào dám lặp lại sai lầm đó nữa.
Vào ngày thứ mười, khi cơn mưa ập vào cửa sổ và radio thông báo về một trận bão tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, Sonja mở he hé mắt. Bắt gặp Ove đang nhìn
mình, cô luồn bàn tay vào bàn tay anh, và co ngón tay lại trong lòng bàn tay của anh.
Rồi cô thiếp đi và ngủ trọn đêm. Khi Sonja tỉnh dậy, các y tá muốn trò chuyện với cô, nhưng Ove cương quyết cho rằng anh phải là người làm điều đó. Rồi anh kể với cô mọi chuyện bằng một giọng bình tĩnh, vừa kể vừa xoa nắn đôi bàn tay cô như thể chúng đang rất, rất lạnh. Anh kể với cô về gã tài xế có mùi rượu và chiếc xe khách lao vào dải phân cách trên đường khi vụ tai nạn xảy ra. Và mùi cao su khét lẹt. Về những tiếng ồn đinh tai.
Và về một đứa trẻ không bao giờ chào đời.
Sonja bật khóc. Những giọt nước mắt không thể xoa dịu, một tiếng kêu ai oán nguyên sơ ngắt quãng bởi những tiếng gào thét, tất cả giằng xé họ đến tận cùng tâm khảm. Thời gian, nỗi buồn và sự phẫn nộ hòa quyện với nhau trong bóng tối vô cùng. Ove biết anh sẽ không bao giờ tha thứ cho mình vì đã đứng lên khỏi ghế đúng vào thời khắc ấy và không thể bảo vệ vợ con. Anh biết nỗi đau này sẽ kéo dài mãi mãi.
Nhưng Sonja sẽ không còn là Sonja nếu cô để cho bóng tối chiến thắng. Do vậy, vào một buổi sáng không rõ là thứ bao nhiêu kể từ ngày xảy ra tai nạn, cô tuyên bố một cách ngắn gọn rằng mình muốn bắt đầu tập vật lý trị liệu. Khi Ove nhìn cô với nét mặt như thể xương sống của chính anh đang gào thét tựa một con thú bị tra tấn mỗi lúc cô di chuyển, Sonja chỉ dịu dàng ngả đầu vào ngực anh và thì thào: “Chúng ta có thể cố gắng để sống hoặc để chết, anh à. Chúng ta phải bước tiếp.”
Và mọi chuyện đã diễn ra như thế.
Trong những tháng tiếp theo, khi đã quay về Thụy Điển, Ove đi gặp một số lượng không đếm xuể những người đàn ông mặc áo sơ mi trắng. Họ ngồi sau những cái bàn giấy làm bằng gỗ sáng màu tại văn phòng của nhiều cấp chính quyền, và rõ ràng họ có một quỹ thời gian vô tận để hướng dẫn anh các tài liệu phải nộp vì những lý do khác nhau, nhưng lại không rảnh để thảo luận về những biện pháp cần có nhằm giúp cho Sonja khỏe lên.
Một nữ công chức đã được điều động đến bệnh viện để giải thích một cách nhiệt tình rằng Sonja có thể có được một chỗ tại “một trung tâm dành cho những người có cùng hoàn cảnh như cô”. Cô ta nói gì đó đại loại rằng “những khó khăn của cuộc sống hằng ngày” có thể “rất nặng nề” đối với Ove. Cô ta không tin rằng anh còn muốn tiếp tục sống với vợ. “Trong tình trạng hiện tại”, cô ta cứ liên tục nhắc lại như vậy cùng những cái hất đầu kín đáo về phía giường bệnh. Cứ như thể Sonja không hiện diện trong phòng.
Lần này thì Ove không quên mở cửa khi ném cô ta ra khỏi phòng.
— Nơi duy nhất mà chúng tôi sẽ đến là nhà của chúng tôi! Đó là nơi chúng tôi SỐNG! – Anh gầm lên với cô ta, và trong cơn thịnh nộ anh đã ném một chiếc giày
của Sonja ra khỏi phòng.
Sau đó Ove đã phải đi hỏi mấy cô y tá suýt bị ném trúng xem họ có biết chiếc giày đã biến đi đâu hay không. Chuyện đó dĩ nhiên càng khiến anh tức giận hơn. Đó là lần đầu tiên anh nghe thấy Sonja cười kể từ vụ tai nạn. Nó tuôn tràn một cách không thể dừng được như thể cô đã bị cơn cười của mình hạ nốc ao. Cô cứ cười, cười, cười mãi, khiến cho những thanh âm nảy tưng tưng trên tường và sàn, thách thức các định luật thời gian và không gian. Nó làm cho Ove cảm thấy như anh đang từ từ vươn lên khỏi đống đổ nát của một ngôi nhà bị sập sau trận động đất. Quả tim anh lại có đủ không gian để đập trở lại.
Ove về nhà và sửa lại toàn bộ, phá bỏ quầy bếp cũ để làm một cái mới, thấp hơn. Anh thậm chí còn tìm được một lò nướng thích hợp. Anh sửa đổi các khung cửa và lắp đặt đường dốc cho mọi căn phòng. Một ngày sau khi được ra viện, Sonja quay lại với khóa sư phạm. Mùa xuân kế tiếp, cô thi tốt nghiệp. Một mẩu quảng cáo trên báo cho biết người ta đang tuyển một giáo viên tại ngôi trường tai tiếng nhất của thành phố, nơi có những lứa học sinh mà không một giáo viên có trình độ và đầu óc suy nghĩ bình thường nào muốn đối mặt. Đó là trước khi người ta khám phá hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. “Các em học sinh này vô vọng rồi,” thầy hiệu trưởng đã nhã nhặn giải thích như thế trong buổi phỏng vấn tuyển dụng. “Đây không phải là nhà trường, mà là nhà giữ trẻ.” Có lẽ Sonja hiểu được ngụ ý của câu nói đó. Vị trí còn khuyết chỉ thu hút được một ứng viên duy nhất là Sonja, và cô đã thành công khi cho bọn trẻ đọc Shakespeare.
Cùng thời gian đó, Ove thường xuyên cảm thấy phẫn nộ đến nỗi thỉnh thoảng Sonja phải yêu cầu anh đi ra ngoài để anh khỏi đập đồ. Cô cực kỳ đau đớn khi thấy đôi vai anh trĩu nặng với khao khát phá hủy. Tiêu diệt gã tài xế xe khách. Làm cỏ văn phòng du lịch. Đập tan dải phân cách trên con đường đó. Hỏa thiêu bọn sản xuất rượu. Tất cả mọi thứ và tất cả mọi người. Đấm tới tấp cho đến khi mọi gã khốn trên đời biến sạch. Anh chỉ muốn làm điều đó. Anh xả mọi bực dọc của mình trong lán cất dụng cụ, trong nhà để xe, trong những chuyến tuần tra. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Anh trút giận vào các lá thư. Anh viết cho chính phủ Tây Ban Nha, các cấp chính quyền Thụy Điển, cảnh sát, tòa án. Nhưng không ai nhận trách nhiệm. Không ai bận tâm. Họ trả lời bằng cách dẫn ra các văn bản luật hoặc chỉ sang một cơ quan công quyền khác. Họ viện đủ các lý lẽ. Khi hội đồng thành phố từ chối xây một con dốc cho cầu thang ngôi trường mà Sonja đi dạy, Ove đã viết đơn thư suốt mấy tháng trời. Anh tìm cách kiện họ. Anh nhấn chìm họ với sự uất hận của một người cha mất con.
Nhưng ở khắp mọi nơi, không sớm thì muộn, Ove đều bị chặn lại bởi những người đàn ông mặc áo sơ mi trắng có vẻ mặt lạnh lùng và trịch thượng. Không thể đấu lại họ. Họ không chỉ có sự hậu thuẫn của nhà nước, họ chính là nhà nước. Những lá đơn bị bác cho đến cái cuối cùng, cuộc chiến chấm dứt vì những chiếc áo trắng đã quyết định như thế. Và Ove không bao giờ tha thứ cho bọn họ về chuyện đó.
Sonja đã chứng kiến tất cả. Cô hiểu điều gì làm anh đau. Thế nên cô để mặc anh giận dữ, để cho cơn thịnh nộ được xả ra ở đâu đó, theo cách nào đó. Nhưng vào
một buổi chiều tối tháng Năm, khi tiết trời hứa hẹn một mùa hè sắp tới, Sonja lăn xe tới chỗ Ove, để lại hai vệt bánh lờ mờ trên lớp ván sàn. Anh đang ngồi bên bàn bếp viết một lá thư khiếu nại. Cô tước chiếc bút khỏi tay Ove, đặt tay mình vào đó, và ấn ngón tay vào lòng bàn tay thô ráp của anh. Cô dịu dàng áp trán vào ngực anh.
— Đủ rồi anh ạ. Không đơn thư khiếu nại gì nữa. Chúng chiếm hết không gian sống của chúng ta rồi.
Cô ngước mặt lên, nhẹ nhàng vuốt má anh và mỉm cười.
— Như vậy là đủ rồi, anh yêu à.
Và thế là chuyện đó chấm dứt.
Sáng hôm sau, Ove thức giấc lúc bình minh, lái xe đưa Sonja đến trường, và tự tay xây con dốc dành cho xe lăn mà hội đồng thành phố đã từ chối tài trợ. Kể từ đó, trong chừng mực mà ông nhớ được, tối nào Sonja cũng về nhà với ngọn lửa trong đôi mắt và kể ông nghe về những học sinh của mình. Những đứa trẻ được cảnh sát áp giải đến giao cho nhà trường, nhưng khi ra về, chúng có thể đọc những vần thơ bốn trăm năm tuổi. Những đứa trẻ khiến bà khóc, cười và ca hát cho đến khi giọng nói của bà làm rung rinh tấm trần của ngôi nhà nhỏ.
Ove chưa bao giờ hiểu được ngọn ngành câu chuyện về những đứa trẻ cá biệt đó, nhưng ông rất cảm kích vì những điều mà chúng làm cho Sonja.
Ai cũng cần phải biết họ đang nỗ lực vì điều gì, người ta vẫn nói như thế. Và bà đã nỗ lực vì những điều tốt. Vì những đứa con mà bà không bao giờ có được. Còn Ove, ông nỗ lực vì bà.
Bởi lẽ đó là điều duy nhất trên trái đất này mà ông thực sự biết làm.