Mảnh Trăng Cuối Rừng - Chương 2

Thú thật, lần này cầm lá thư của chị Tính, tôi rất sung sướng và cảm động. Và cũng thật kỳ lạ! Qua bấy nhiêu năm sống giữa bom đạn và tàn phá, mà một người con gái vẫn giữ bên lòng hình ảnh một người con trai chưa hề gặp và chưa hứa hẹn một điều gì ư? Trong lòng cô ta, cái sợi chỉ xanh nhỏ bé và óng ánh, qua thời gian và bom đạn, vẫn không phai nhạt, không hề đứt ư? Hạnh phúc người con gái ấy đem đến cho tôi quá nhiều. Cho nên tôi cảm thấy mình như một kẻ chịu ơn. Tôi phải gặp Nguyệt! Tôi quyết định biên thư cho chị tôi, hẹn ngày gặp Nguyệt! Đấy là cái ngày mà tôi đã được đại đội cho phép nghỉ. Sau chuyến xe chở lốp lên kho tiền tiêu, tôi sẽ quay về cánh đồng săng lẻ giấu xe, rồi ghé vào chỗ chị Tính làm việc. ở đó, chị Tính sẽ dẫn tôi xuống đội của Nguyệt. Tôi sẽ ở lại chơi một hôm, với tư cách là… khách qua đường của đội nữ công nhân giao thông bến ngầm. Chiếc Gát lăn bánh rất êm trên đường. Đêm rừng thật vắng vẻ và yên tĩnh. Tôi đặt nhẹ mấy ngón tay trên vòng lái, mắt nhìn phóng về phía trước, và hình dung trước lúc tôi đến giữa đám các cô gái nghịch như quỷ sứ. Gặp tôi, Nguyệt sẽ nói rất ít, còn các cô bạn thì sẽ làm loạn lên. Nhưng chẳng hề gì, họ đều là những người bạn của anh em lái xe, đều là những người con dũng cảm, chân thực và mến khách.
Tôi đi được mươi cây số thì gặp một đoàn xe xích kéo pháo kềnh càng xuôi xuống, đành phải đỗ xe bên đường để tránh. Tôi tranh thủ chui xuống gầm xe, soi đèn pin xem lại chiếc bóng đèn. Tôi đang loay hoay vặn chiếc bóng thì nghe tiếng hỏi bên cạnh:
– Anh đi bóng quả táo hay quả dưa đấy?
– Ai kia?
– Em đây mà!
À, cô gái đi nhờ xe. Trong ánh đèn gầm hắn xuống mặt đường hiện ra ngay trước mũi xe một đôi gót chân bóng hồng, sạch sẽ, đôi dép cao su cũng sạch sẽ, gấu quần lụa đen chầm chầm mắt cá.
– Ra vẻ cô này không phải người lao động rồi – Tôi nghĩ – Hay là người ta đi thăm chồng hay đi thăm người yêu thực?
Tôi chui từ gầm xe, đưa hai tay dụi mắt:
– Chào cô, lần sau nếu xe dừng, cô đừng nhảy xuống như thế này nhé!
– Nhưng mà ngồi trong ấy mùi cao su khét quá, anh cho em đứng ngoài này thở một tý.
Qua làn ánh đen tù mù của đoàn xe xích lao đi ầm ầm bên cạnh, tôi kịp nhận thấy vẻ xinh đẹp của cô gái, một vẻ đẹp giản dị và mát mẻ như sương núi toả ra từ nét mặt, lời nói và tấm thân mảnh dẻ, khác hẳn với nhiều cô gái công trường thường cô nào cũng thấp và đẫy đà. Cô ta mặc áo xanh chít hông vừa khít, mái tóc dày tết thành hai dải. Chiếc làn và chiếc nón mới trắng loá khoác ở cánh tay một cách nhẹ nhàng.
Tôi hỏi:
– Cô làm ở ngầm Đá Xanh hay chỉ về đấy thăm ai?
Trên khuôn mặt sáng sủa thoáng một nét e thẹn:
– Em làm ở ngầm…
– À, quên, tôi chưa kịp hỏi tên cô đấy nhé.
– Em là… Nguyệt!
-…À thế…!
Tôi vờ như không, vội đưa mắt ngắm cô gái một lần nữa thật kỹ lưỡng. Rồi, tay mở rộng cánh cửa buồng lái, tôi vồn vã mời:
– Sau ấy mùi cao su khét lắm đấy. Mời cô lên… Bên cạnh còn chỗ ngồi…
Đoàn xe xích kéo pháo 57 mới khoẻ làm sao. Đường sá, núi non cứ rung chuyển ầm ầm. Trái tim tôi cũng muốn nảy lên trong lồng ngực. Cô gái cố ý ngồi sát mé cửa, chiếc làn cói ôm gọn trong lòng, giữa hai chúng tôi để một quãng cách rộng. Thú thật, trong đời lái xe của tôi, chưa bao giờ tôi mời một cô gái lên ngồi trong buồng lái. Đây là một trường hợp đặc biệt. Tôi với tay bật ngọn đèn nhỏ trong buồng lái. Cô gái ngắm “cái nhà” cỏn con của tôi bằng cặp mắt tò mò và hơi rụt rè. Tôi bắt đầu hỏi dò khéo léo:
– Ở đội ngầm của cô, có nhiều cô tên là Nguyệt lắm thì phải?
– Sao anh biết?… Đội em có ba Nguyệt. Nhưng một người đã hy sinh, chỉ còn em và một chị nữa là hai thôi.
– Cô Nguyệt hy sinh bao giờ? – Tôi vội hỏi, rõ ràng nghe tiếng nói của mình mà như của người khác.
– Cách đây đã ba, bốn tháng, trong trận địch ném bom đánh sập hẳn cầu Đá Xanh. Chị ấy chiến đấu dũng cảm lắm, mà ngày thường lại hiền lành, ai cũng tiếc.
– Cô ấy có chồng chưa?
– Chưa. Hình như mới có người yêu.
Tôi nắm vòng lái thật chặt. Mặt đất dưới bánh xe, như đang nghiêng ngả, đảo lộn. Tôi cho xe đi chầm chậm và lại hỏi:
– Còn cô Nguyệt thứ hai?
– Chị ấy đã bốn con rồi! Chúng em thường gọi đùa là chị Nguyệt “lão”. Sao anh hỏi tỉ mỉ vậy?
Tôi thở phào và nói đùa một câu nhạt thếch. Lòng tôi rối như tơ vò. Chẳng lẽ lại đi hỏi thăm cô ta có biết chị Tính hay không? Chỉ cần hỏi thế, mọi sự sẽ vỡ ngay, nhưng tôi vẫn không muốn hoặc không dám hỏi. Tôi không muốn đi sâu vào câu chuyện riêng giữa chuyến công tác. Thế nhưng rồi tôi vẫn cứ phải phân vân: trong hai người con gái, một trẻ và xinh đẹp ngồi bên cạnh, và một người đã chết anh dũng, ai là người đã từng mang canh cánh trong trái tim tuổi trẻ mối tình đầu đối với tôi suốt mấy năm, mà tôi lại tỏ ra hờ hững? Một trong hai người, ai là người tôi sắp tìm đến, ai? Người tôi sắp tìm đến là ai? Câu hỏi ấy cứ xoay trong óc tôi, như một cái dùi nung đỏ bỏng rát. Nếu Nguyệt đã hy sinh thực thì tôi sẽ mang mối hận mãi mãi. Xe đang lao qua quãng dốc. Từng mảng rừng, lèn đá, những bãi gianh ngổn ngang hố bom từ trên cao rơi áp xuống tấm kính buồng lái. Tôi qua đi bỗng như có linh tính, vội đạp phanh cho xe chậm lại. Qua tấm kính trước mặt, hiện ra một ngọn đèn pháo sáng xanh lét run rẩy soi loè nhoè, ở trên đầu.
– Không nghe tiếng máy bay sao lại có pháo sáng hử!
Tôi nghe ngóng và thốt lên. Từ đầu, cô gái ngồi chống khuỷu tay lên thành cửa nhìn ra ngoài. Cô quay vào, nói:
– Không phải đâu. Trăng đó anh ạ.
Trăng thật. Hôm nay đầu tháng. Từ đầu hôm, tôi vẫn đi giữa đêm trăng mà không biết. Cô gái vẫn bình thản ngồi nhìn ra ngoài trời. Tôi quẹt diêm châm một điếu thuốc rồi tăng số cho xe phóng nhanh hơn, trong lòng vẫn không hết gượng. Già đời trong nghế lái xe, bom đạn nguy hiểm gặp đã nhiều, tôi vốn không phải anh nhút nhát, vậy mà không hiểu sao đêm nay nhìn trăn ra pháo sáng! Qua tầm kính ướt hơi sương, mảnh trăng nằm giữa những tầng mây hiện ra tái ngắt, ánh sáng loè nhoè, mỗi lúc xe nảy lên hay vòng qua chỗ lượn, mảnh trăng lại chập chờn lay động, có lúc thấy rơi tõm xuống khoảng tối mịt mù của cánh rừng già như một trò chơi ú tim. Khoảng gần khuya, trên các chỏm rừng, gió tây nam cuốn mây xám về một góc rồi thổi giạt đi. Gió thổi vào cành lá nguỵ trang trên nóc xe ràn rạt. Trên đầu chúng tôi, khoảng trời đêm trên cao trở nên trong vắt, cao lồng lộng, trong khoảng sâu thẳm nổi lên một tiếng chim mơ hồ. Nhưng ở lưng các cánh rừng, sương trắng không biết từ đâu cứ đùn ra mãi. Dòng sông bên trái đường phút chốc biến mất, chỉ còn là sương trắng phủ kín, thảng hoặc mới thấy một chỏm rừng, một ngọn núi đá bên kia sông nhô lên, đen đủi và cô độc giữa một mầu trắng xoá.
Xe tôi chạy trên lớp sương bềnh bồng. Mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, sáng trong như một mảnh bạc. Khung cửa xe phía cô gái ngồi lồng đầy bóng trăng. Không hiểu sao, lúc ấy, như có một niềm tin vô cớ mà chắc chắn từ trong không gian ùa tới tràn ngập cả lòng tôi. Tôi tin chắc chắn người con gái đang ngồi cạnh mình là Nguyệt, chính người mà chị tôi thường nhắc đến. Chốc chốc, tôi lại đưa mắt liếc về phía Nguyệt, thấy từng sợi tóc của Nguyệt đều sáng lên. Mái tóc thơm ngát, dày và trẻ trung làm sao! Bất ngờ, Nguyệt quay về phía tôi và hỏi một câu gì đó. Tôi không kịp nghe rõ vì đôi mắt tôi đã choáng ngợp như vừa trông vào ảo ảnh. Trăng sáng soi thẳng vào khuôn mặt Nguyệt làm cho khuôn mặt tươi mát ngời lên và đẹp lạ thường! Tôi vội nhìn thẳng vào đoạn đường đầy ổ gà, không dám nhìn Nguyệt lâu. Từng khúc đường trước mặt cũng thếp từng mảnh ánh trăng…
– Anh nhỉ? Có phải không nhỉ…
– Cô hỏi gì?
– Em hỏi có phải các anh lái xe đi nhiều nơi, chắc hẳn quen biết nhiều người lắm?
– Đời lái xe chúng tôi như vạc ấy, cô ạ! Nay rừng này, mai qua suối kia, nhưng tháng này sang tháng khác vẫn làm bạn với đường, với trăng thôi.
Chẳng biết lúc ấy ai mới móc miệng cho mà tôi bỗng trở nên ăn nói văn vẻ đến thế! Quá nửa đêm, chúng tôi đến gần cầu Đá Xanh thì trăng lặn. Chúng tôi không nói chuyện nữa. Mảnh trăng đã khuất hẳn xuống khu rừng ở sau lưng. Tôi bật chiếc bóng đèn quả dưa cho sáng hơn và bảo Nguyệt:
– Cô chú ý nghe hộ, từ đây đường thường có máy bay.
guyệt vẫn thản nhiên ngồi nhìn ra ngoài:
– Anh cứ yên tâm, đoạn này, em quen lắm!
Nguyệt hướng dẫn cho tôi đánh xe rẽ sang con đường xế về phía ngầm. Con đường thấp hẳn xuống, quanh co, sục lên một thứ bùn quánh nhão nhoét quanh những hố bom cũ và mới. Tôi dán mắt qua mặt kính, thận trọng lái hai bánh trước tránh hai vệt bánh xe như hai cái rãnh thoát nước ở giữa đường. Có đoạn, bánh trước sục xuống rãnh sâu quá, Nguyệt phải xuống “xi-nhan” cho tôi kéo lên. Có đoạn không nhích lên được. Tôi phải cài số phụ, rồi tăng ga mãi. Không khí trong buồng lái nóng sực. Lốp xe quay tròn, xiết trên đá khét lẹt.
Nguyệt nhìn đoạn đường khó đi, nói như thanh minh:
– Chúng nó ném bom luôn, chúng em đã rải bao nhiêu đá mà đường sá còn ra thế!
Tôi vò chiếc mũ vải trong bàn tay, lau mồ hôi rồi tính đến lúc sắp phải từ biệt Nguyệt:
– Cô sắp xuống rồi chứ? Bao giờ xuống, cô bảo tôi để tôi dừng xe.
Đáng lẽ Nguyệt đã xuống ngang quãng trạm gác bến ngầm ở ngã ba,
nhưng cô muốn đưa tôi đi tiếp sang bên kia sông. Cô cười, nói đùa:
– Anh đã cho em đi nhờ xe, lúc khó khăn lại bỏ anh ư!
Tôi nói rất nghiêm trang:
– Thế nào chúng ta cũng còn gặp nhau! Mà dù cô xuống từ dưới kia, tôi cũng không bao giờ nghĩ cô là một người khi khó khăn thì bỏ người khác.
– Sao vậy, anh?
– Trông cô, tôi biết…

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ