Cuộc Săn Cừu Hoang - Chương 19: PHẦN 6: Lại chuyện chiếc xe limousine và người lái xe

“C ậu quay trở lại văn phòng chứ? Hay đến một nơi nào khác?” người lái xe hỏi. Vẫn là người lái xe chở tôi tới đây, nhưng thái độ của bác ta giờ đây có vẻ dễ gần hơn một chút. Tôi đoán là bác ta dễ có cảm tình với mọi người.

Tôi duỗi thẳng tay chân trên chiếc ghế sau rộng thênh thang và cân nhắc xem nên đi đâu. Tôi không có ý định trở lại văn phòng. Đúng ra thì tôi vẫn còn nghỉ phép, và tôi không định cố gắng giải thích tất cả chuyện này cho đối tác của tôi. Tôi cũng không định về thẳng nhà. Ngay lúc này tôi cần một lượng kha khá những người bình thường đi trên hai chân một cách bình thường ở một chốn bình thường.

“Ga Shinjuku, cửa ra phía tây,” tôi nói.

Đường chật cứng xe cộ hướng tới Shinjuku. Giờ cao điểm buổi tối, giữa vô số thứ khác. Qua một điểm nào đó xe cộ dường như dính chặt vào một chỗ, không nhúc nhích. Thỉnh thoảng một đợt sóng tràn qua các xe, làm chúng nhúc nhích được khoảng vài centimet. Tôi nghĩ về tốc độ quay của trái đất. Không biết mặt đường này quay tròn trong không trung bao nhiêu dặm một giờ? Tôi tính nhẩm nhanh trong đầu ra một con số mà có lẽ không nhanh hơn trò Tách Trà Quay tại lễ hội. Có nhiều thứ chúng ta không thật sự biết. Thật là ảo tưởng khi cho rằng chúng ta biết bất cứ điều gì. Nếu một nhóm người ngoài hành tinh có chặn tôi lại hỏi. “Này anh bạn, Trái đất quay quanh xích đạo bao nhiêu dặm một giờ?” tôi sẽ lúng túng. Chết tiệt, tôi thậm chí còn không biết tại sao thứ Tư lại sau thứ Ba. Tôi sẽ là trò cười xuyên Ngân hà mất.

Tôi đã đọc hết cuốn Sông Đông Êm Đềm và Anh Em nhà Karamazov ba lần. Tôi thậm chí còn đọc Hệ tư tưởng Đức một lần. Tôi thậm chí có thể đọc giá trị số pi tới mười sáu chữ số thập phân. Liệu tôi có vẫn sẽ là trò cười? Có thể lắm. Bọn người ngoài hành tinh sẽ cười cho thối mũi.

“Thưa, cậu có muốn nghe chút nhạc gì không?” người lái xe hỏi.

“Ý hay đấy,” tôi đáp.

Và ngay lúc đó một khúc ballad của Chopin lan tỏa trong xe. Tôi có cảm giác mình đang ở trong phòng thay đồ tại một đám cưới.

“Này bác,” tôi hỏi người lái xe, “Bác có biết giá trị của số pi không?”

“Cậu muốn hỏi cái số 3,14 gì gì đó ấy à?”

“Chính nó đấy. Bác biết bao nhiêu số thập phân?”

“Tôi biết đến ba mươi chữ số thập phân,” người lái xe nói nhanh. “Ngoài đó ra, thì…”

“Ba mươi chữ số ư?”

“Có cả mẹo cho vụ đó, nhưng mà đúng vậy đấy. Tại sao cậu hỏi tôi thế?”

“Ồ, thật ra thì không có gì đâu,” tôi nói, tiu nghỉu. “Không sao cả.”

Vậy là chúng tôi nghe nhạc Chopin trong khi chiếc xe limousine nhích được chục mét. Mọi người trong các xe xung quanh nhìn cái xe khổng lồ của chúng tôi một cách thù địch. Không có gì là quá thoải mái, khi mình là tâm điểm của quá nhiều chú ý, ngay cả khi có cả cửa kính chắn sáng.

“Giao thông tệ quá,” tôi nói.

“Đúng thế, nhưng chắc chắn là rạng sáng mai thôi giao thông sẽ đỡ hơn.”

“Thì đành là thế, nhưng bác không thấy khó chịu à?”

“Tất nhiên rồi. Tôi cáu tiết, tôi bực mình. Nhất là khi tôi đang vội đi đâu. Nhưng tôi coi đó như một phần của việc rèn luyện chúng ta. Nổi cáu với đồng nghĩa chịu thất bại trên đời này.”

“Nghe cứ như một lý giải theo quan điểm tôn giáo về nạn tắc xe nếu như từng có lý giải kiểu đó.”

“Tôi là người Cơ Đốc. Tôi không đi nhà thờ, nhưng tôi luôn theo đạo Cơ Đốc.”

“Thật vậy sao? Bác không thấy việc là người theo đạo Cơ Đốc với việc làm tài xế ột nhân vật cánh hữu lớn có gì mâu thuẫn à?”

“Ông Chủ là người đáng kính. Sau Chúa, người đáng kính nhất mà tôi từng gặp.”

“Bác đã gặp Chúa ư?”

“Tất nhiên rồi. Đêm nào tôi cũng gọi điện cho Ngài.”

“Sao cơ?” tôi lắp bắp. Mọi thứ lại bắt đầu lộn xộn trong đầu tôi. “Nếu ai cũng gọi cho Chúa thì chẳng phải đường dây lúc nào cũng bận liên tục? Giống như tổng đài ngay giữa trưa.”

“Không vấn đề gì. Chúa là sự hiện diện đồng thời của cậu. Vậy nên ngay cả khi triệu người cùng gọi cho Ngài cùng một lúc, Ngài vẫn có thể nói chuyện đồng thời với tất cả mọi người.”

“Tôi không phải chuyên gia gì, nhưng cách giải thích như thế có chính thống không? Ý tôi là, nói về mặt thần học.”

“Tôi là người có quan điểm cấp tiến. Đó là lý do tại sao tôi không đi nhà thờ.”

“Tôi hiểu rồi,” tôi nói.

Chiếc limousine nhích lên được năm mươi mét. Tôi đưa một điếu thuốc lên môi, và khi bắt đầu châm lửa thì tôi nhận ra mình đã cầm chiếc bật lửa trong tay suốt cả quãng thời gian ấy. Tôi đã cầm theo chiếc bật lửa bạc hiệu Dupont có khắc hình con cừu mà không hề hay biết. Cảm giác nó vừa như đúc cùng khuôn với lòng bàn tay tôi một cách tự nhiên như thể tôi sinh ra đã có nó rồi. Sự cân bằng và cảm giác nó mang lại thật tuyệt vời. Sau khi suy nghĩ vài giây, tôi quyết định nó thuộc về tôi. Ai hơi đâu mà đi nhớ hoài đến một hai chiếc bật lửa. Tôi mở đóng nắp vài lần, châm thuốc rồi đút chiếc bật lửa vào túi. Bù lại, tôi lén thả chiếc bút bi Bic dùng một lần vào ngăn để đồ ở cửa xe.

“Ông Chủ đưa nó cho tôi mấy năm trước.” Người lái xe bỗng nhiên lên tiếng.

“Đưa cho bác cái gì kia?”

“Số điện thoại của Chúa.”

Tôi bật lên một tiếng rên lớn đến mức nó lấn át mọi thứ khác. Hoặc là tôi đang phát điên hoặc là bọn họ đều mất trí hết.

“Ông ấy bí mật nói ình bác nghe ư?”

“Đúng thế. Chỉ mình tôi, một cách bí mật. Ông ấy là người tinh tế. Cậu có muốn biết thêm về Ngài không?”

“Nếu được,” tôi nói.

“Xem nào, đó là số Tokyo 9-4-5-…”

“Đợi chút đã,” tôi nói, rút sổ tay và bút ra. “Nhưng bác thật sự nghĩ là kể cho tôi chuyện này sẽ không sao chứ?”

“Tất nhiên rồi, không vấn đề gì. Tôi không đi rêu rao vô tội vạ đâu. Mà cậu có vẻ như một người tử tế.”

“Ồ, cám ơn bác,” tôi nói. “Nhưng liệu tôi biết nói với Chúa về chuyện gì? Tôi lại không phải người theo đạo Cơ Đốc.”

“Không vấn đề gì. Tất cả những gì cậu cần làm là nói một cách thành thực về bất cứ điều gì làm cậu băn khoăn hay lo lắng. Cho dù cậu nghĩ chuyện đó có nhỏ nhặt đến mức nào. Chúa không bao giờ thấy chán và không bao giờ cười nhạo cậu.”

“Cám ơn bác. Tôi sẽ gọi cho Ngài.”

“Đó mới đúng tinh thần chứ,” người lái xe nói.

Dòng xe cộ bắt đầu trôi suôn sẻ và tòa nhà chọc trời khu Shinjuku bắt đầu hiện ra trong tầm mắt. Chúng tôi không nói gì trong cả quãng đường còn lại.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ