Chiến binh cầu vồng - Chương 17: Mối Tình Ở Cửa Hàng Tạp Hóa Xập Xệ

Chà, thời thiếu niên thật tuyệt diệu.

Ở trường, những bài học trở nên hữu ích hơn. Chúng tôi học cách làm trứng muối, thêu, và menata janur – một hình thức trang trí đám cưới của người Mã Lai. Hơn thế nữa, chúng tôi bắt đầu lõm bõm mấy câu tiếng Anh: good thế này, good thế nọ, excuse me, I beg your pardon, rồi thì I’m fine, thank you. Thích nhất là dịch lời bài hát. Thì ra bài hát cổ Have I told you lately that I love You có ý nghĩa thật đẹp.

Bài hát về một cậu bé cực ghét bị cô giáo sai đi mua phấn, cho đến một ngày kia, nó vùng vằng bỏ đi mua phấn – trong lòng bực bôi, không ngờ rằng số phận đang đợi sẵn để phục kích nó không chút thương xót ở chợ cá.

Mua phấn là một việc hầu như chẳng đứa nào thích thú. Một việc chúng tôi cực ghét nữa là tưới hoa. Đủ loại dương xỉ, từ hoa ổ rồng đến hàng tá chậu Tóc thần Vệ Nữ yêu thích của cô Mus, phải được chăm sóc nhẹ nhàng, như thể chúng là những đồ sứ Trung Quốc đắt tiền vậy. Đứa nào lỡ bất cẩn một tí là coi như vi phạm nội quy nghiêm trọng.

“Như thế cũng là học đấy,” cô Mus khẳng định chắc như định đóng cột.

Vấn đề là, lấy nước lên từ cái giếng sau trường là công việc không mấy dễ dàng, ngay cả với các cu li. Ngoài việc phải đổ đầy nước vào hai cái xô to tướng và ì ạch gánh trên vai trở về, còn phải đối mặt với cái giếng cũ sâu đến sởn gai ốc. Sâu đến nỗi không thấy đáy đâu, như thể nó được nối liền với một thế giới khác nào đó, hay có lẽ là một cái hang sâu chứa đầy ma quỷ. Dù gì thì gì hễ sáng nào đến phiên tưới hoa và phải cúi đầu xuống cái giếng khủng khiếp đó là sáng đó ta lại thấy cuộc đời nặng nề hơn hẳn,

Chỉ khi tưới đến cây huệ Phật độ sọc trắng thì tôi mới thấy một niềm an ủi nhẹ nhàng len lỏi vào lòng. Vì nghĩ rằng loài hoa xinh đẹp ấy có xuất xứ từ vùng đầm lầy hoang dã trên những ngọn đồi Brazil. Nó vẫn thuộc họ Thiên Lý, nên nó hơi giống hoa chuông vàng, nhưng những sọc trắng trên hoa vàng là nét đặc trưng mà không hoa nào thuộc họ chuối hoa có được. Những chiếc lá tròn trĩnh, xanh um làm nổi bất sắc vàng của hoa nở rộ quanh năm, tạo nên một vẻ đẹp thật ban sơ. Người Ba Tư gọi loài hoa này là hoa đến từ thiên đường. Khi hoa nở, khắp thế gian như đầy ắp nụ cười. Chúng là những bông hoa có cảm xúc, vậy nên phải tưới thật cẩn thận. Không phải ai cũng có thể trồng được loài hoa này. Người ta nói rằng chỉ ai mát tay có trái tim nhân ái và thanh khiết mới trồng được, và người đó là cô Mus, cô giáo chúng tôi.

Chúng tôi có vài chậu huệ Phật độ sọc trắng, và nhất trí đặt chúng tại vị trí dễ thấy nhất giữa bọn cây vảy rồng và đám xương rồng, màu nhạt hơn rất nhiều. Khi tới mùa chúng đồng loạt nở rộ, trông giống hệt chiếc bánh nhiều tầng đặt trên một cái khay.

Tôi luôn vội vã tưới hoa cho xong việc sớm, nhưng khi tới khoảnh đất trống hoa huệ Phật đó, tôi cố làm thật chậm rãi. Tôi thưởng thức trong cơn mơ màng, phỏng đoán xem người ta có thể tưởng tượng điều gì nếu ở giữa vườn địa đàng tí hon này. Liệu họ có cảm thấy mình đang ở thiên đường thời tiền sử không?

Tôi nhìn khắp lượt vườn hoa nhỏ bé nằm ngay trước phòng thầy hiệu trưởng. Có một lối đi nhỏ lát đá vuông dẫn đến khu vườn, bên trái đầy lũ cu ráy, cọ đế, đậu, phi lao cảnh, chuối đỏ và thu hải đường không cần tưới nước. Những bông hoa, mọc không theo hàng lối gì cả, ứ mật, chen chúc với những cây thân thảo màu sắc sặc sỡ không tên cùng nhiều loại cỏ dại và bụi cây khác nữa.

Một dây bí leo ngoằn ngoèo lên cột chuông. Giống như một cánh tay khổng lồ đang lướt trên mấy bức tường bằng ván ép, nó không để cho cái mái lợp ván lỏng đóng đinh và những cành lựu rủ bóng xuống mái văn phòng chỉ cần vươn người ra một tí là chạm tới được. Những con chim sẻ Java suốt ngày vắt vẻo trên mấy cái dây leo ấy. Suốt buổi sáng, khu vườn chìm trong tiếng vo ve của bọn bọ cánh cứng và ong mật. Cứ hễ nghe thấy âm thanh đó là người tôi lâng lâng như trôi vào không trung.

Thật kỳ lạ, khu vườn của chúng tôi chẳng hiểu sao vừa trông như được chăm sóc kỹ lưỡng nhưng lại vừa trông như bị bỏ bê. Cảnh làm nền cho khu vườn là ngôi trường xập xệ, cứ như một ngôi nhà hoang bị thời gian quên lãng, làm nổi bật ấn tượng về một thiên đường hoang dã.

Nếu không vì cái giếng nước chứa đầy linh hồn ma quỷ, công việc tưới hoa hẳn đã rất lý thú.

Nhưng việc mua phấn còn kinh khủng hơn nhiều.

Cửa hàng Sinar Harapan – Cửa hàng Tia Hy Vọng, nơi duy nhất bán phấn ở Đông Belitong, cách trường rất xa. Nó nằm tại một chợ cá nhớp nhúa. Ai có dạ dày không tốt thì sẽ nôn ọe liền do cái mùi thối kinh khủng bốc ra từ món cả muối, đậu nành xay lên men, hồ vải, mắm tôm, đậu jengkol và đậu đỏ bị bỏ mặc trong những cái hộp gỉ sét trước cửa hiệu. Khi bước vào trong, cái mùi nói trên đó trộn lẫn với mùi của những túi đồ chơi bằng nhựa, mùi nồng nồng cay sè của mã não, mùi hôi thối của sơn dầu và lốp xe len lỏi khắp cửa hiệu, và mùi thuốc lá lên mốc vì để hàng mấy năm trời không ai mua.

Những món hàng chưa ai mua đến này được giữ lại hết vì người chủ tiệm mắc cái chứng thích tích góp đồ đạc – bệnh thần kinh số 28 – đó là một sở thích lạ lùng, thích sưu tập những thứ không dùng được nữa và không chịu vứt đi bất kỳ thứ gì. Cái hỗn hợp gớm guốc đó được cộng hưởng thêm bởi mùi hôi bốc ra từ những người cu li Sawang mỗi khi họ hồn nhiên qua lại với những cây cuốc chim, nói nói cười cười, vắt vẻo trên vai những bao tải bột mì.

Sáng hôm ấy đến lượt tôi và Syahdan tới cửa hiệu tởm lợm đó. Hai đứa đi bằng xe đạp và giao kèo Syahdan sẽ chở tôi nữa quãng đường, cho đến chỗ mỗ một người Hoa; hai đứa đổi nhau chỗ đó, và tôi sẽ đạp xe đến chợ, rồi lúc về cũng tương tự thế. Có một điều kiện nữa còn cầu kỳ hơn: mỗi lần đến một con dốc, cả hai xuống xe và thay phiên nhau đẩy xe.

“Giờ tới phiên ngài, thưa ngài,” Syahdan trêu tôi khi hai đứa xong con dốc đầu tiên.

Nó thở hổn hển, nhưng mồm vẫn ngoác ra cười khi cúi người xuống thật sát như một tên nịnh thần. Syahdan luôn vui vẻ nhận nhiệm vụ, dù nhiệm vụ đó là gì, ngay cả việc tưới hoa, miễn là nó được ra khỏi lớp. Đối với nó, việc mua phấn giống như một chuyến đi chơi ngắn và một cơ hội vàng cho nó cố tán tỉnh mấy đứa con gái phụ bán hàng. Tôi thì chẳng thích thú gì cái trò ấy.

Chúng tôi đến ngôi mộ lum lum giống như chiếc bánh Trung thu thấp lè tè, chính giữa có một bức ảnh đen trắng lồng kính hình một phụ nữ có khuôn mặt nghiêm nghị. Những giọt nến đỏ vung vãi xung quanh. Đây là nơi chúng tôi đổi chỗ. Giờ đến lượt tôi chở.

Tôi miễn cường ngồi lên xe, và khi đạp vòng đầu tiên, tôi thấy giận dữ chính mình, rủa sả cái nhiệm vụ chết tiệt này, cái cửa hiệu bốc mùi, và cái thỏa thuận ngu ngốc của hai đứa. Tôi bực vì dây xích xe rít quá và thật khó đạp trơn tru. Tôi còn than phiền nhiều chuyện khác nữa: nào là luật pháp không bao giờ nghiêng về phía người nghèo; rồi thì yên xe quá cao; lại còn những quan chức tham nhũng đầy rẫy như gà thả rông; nào là người Syahdan thật nặng dù nó chẳng to béo gì; rồi thì thế giới này thật không công bằng. Syahdan ngồi yên tận hưởng cảm giác không phải đạp xe, huýt sáo bài Semalam di Malaysia – Một đêm ở Malaysia, không màng gì đến nỗi khổ tâm của tôi.

Đã đến chợ cá. Người ta cố tình họp chợ cá sát mép sông để dễ bề đổ rác xuống đó. Nhưng nền chợ thấp nên khi thủy triều lên nước sông cũng dâng lên tấp trở lại vào bờ chính chỗ rác đó khiến cho các lối đi hẹp trong chợ ngập trong rác. Khi nước rút, những thứ rác đó lại mắc kẹt lại nơi chân bàn, mấy đống can nhựa, hàng rào xiêu vẹo, những gốc cây kersen và mấy cây cột gỗ chữ thập. Cái chợ ấy của chúng tôi là những kết quả của việc quy hoạch thành phố rối rắm, do những kiến trúc sư quê mua nhất Mã Lai thiết kế. Không phải đến mức điêu tàn, nhưng đúng là một mớ hổ lốn không chịu nổi.

Bán một hộp phấn chẳng lời lãi là bao nên người mua phấn phải đứng chờ chực cho đến khi chủ tiệm bán cho hết lượt mấy đứa khách hàng đầu quấn xà rông – người Sarong – rồi mới ngó ngàng đến người mua phấn.

A Miauw, chủ cửa hàng Sinar Harapan, trông kinh lắm. Ông ta béo ú ụ và luôn mặc áo thun ba lỗ, quần cộc, đi dép lê. Luôn khư khư trong tay một cuốn sổ ghi nợ nhỏ có giấy bọc ngoài in hoa batik. Một cây bút chì luôn vắt trên vành tai ụ mỡ trông giống như miếng thịt viên. Một cái sempoa – bàn tính bằng gỗ cũ kỹ – nằm trên bàn. Âm thanh lách cách phát ra từ cái bàn tính ấy nghe thật gai người.

Cửa hàng của ông ta trông giống một cửa hàng đại hạ giá hơn. Hàng trăm thứ hầm bà lằng được chất đống chồng chất nhau cao đến đụng trần nhà trong cái không gian nhỏ ngột ngạt. Bên cạnh trái cây, rau củ đủ loại và những thứ khác trong những cái hộp gỉ sét, cửa hàng còn bán thảm cầu nguyện, trái kedondong ngâm chua đựng trong mấy cái hũ cũ kỹ, ruy băng máy chữ và sơn được bán kèm hàng khuyến mãi là những tấm lịch in hình con gái mặc đồ bikini. Những cái kệ kính dài trưng bày kem làm trắng da rẻ tiền, thuốc lọc nước, pháo hoa, đạn cho súng BB, thuốc diệt chuột và ăn ten tivi. Nếu bạn cần gấp thuốc tiêu chảy hiệu Con Bướm, đừng có mong gì ông Miauw tìm thấy ngay. Thỉnh thoảng ông ta quên béng là mình cất đống thuốc ấy ở chỗ nào. Ông ta ngập trong cái đống đồ đạc đó.

“Kiak-Kiak!” A Miauw bảo anh cu li Bang Arsyad đến mau.

“Magai di Manggara masempo linna?” người Sarong kêu ca khi họ trông thấy giá tiền bấc đèn đầu. Họ bảo ở Manggar thứ này rẻ hơn.

“Kito lui, Ba? Ngape de Manggar harge e lebe mura?” Bang Arsyad chuyển lời kêu ca cho A Miauw, câu hỏi đầu tiên bằng tiếng Khek, câu thứ hai tiếng Mã Lai.

Tôi cảm thấy buồn nôn trong cái cửa hàng hôi hám đó, nhưng nghe cuộc nói chuyện cũng thấy thinh thích. Tôi vừa mới có cơ hội chứng kiến cái rắc rối do những khác biệt về văn hóa trong cộng đồng của chúng tôi gây nên. Ba người đến từ ba dân tộc thiểu sỗ khác nhau giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ riêng của mình và chỉ hiểu nhau lõm bõm.

Kiểu giao tiếp thiếu rõ ràng như thế sẽ tạo cơ hội cho A Miauw tư lợi cho mình. Nhưng để tôi nói một chút về con người A Miauw đã. Ông ra đúng thật là một kẻ hợm hĩnh kiểu trưởng giả học làm sang với giọng nói khó nghe khiến người ta phải rúm ró. Mặt ông ta tạo ấn tượng rằng ông ta đang lăm le rìm kiếm ai đó để đe nẹt. Giọng nói thiếu thiện cảm của ông ta nhuốm vẻ chiếu cố, còn người ông ta bốc ra mùi gì đó giống như ông ta ăn quá nhiều tỏi hay gì đấy tương tự. Tuy vậy ông ta là người sùng đạo Khổng và không bao giờ gian lận trong buôn bán.

Trong cộng đồng hòa hợp của chúng tôi, người Hoa là những thương gia giỏi. Người thực sự sản xuất ra sản phẩm tại những nơi nào đó chúng tôi không hề biết – chúng tôi chỉ biết họ thông qua cái mác made in đằng sau mấy cái quần. Người Mã Lai mua hàng và họ càng nghèo thì tiêu tốn càng nhiều. Trong khi đó, người Sarong là những lao động mùa vụ cho người Sawang, người chuyên chở hàng trên thuyền.

Việc mua bán phấn xảy ra thường xuyên và luôn theo một kiểu. Sau khi tôi đợi dài cổ và gần như quen với thứ mùi kinh tởm của cửa hàng thì A Miauw mới quát to lên gọi ai đó lấy ra một hộp phấn. Rồi, từ đằng sau cửa hàng, một người nào đó cũng đáp lại cũng cái kiểu hét lên như thế, cứ như tiếng chim sẻ đuôi trắng. Tôi luôn tưởng tượng đó là tiếng của một cô bé con.

Hộp phấn được chuyền qua một cái khe nhỏ cỡ cửa chuồng chim bồ câu. Bàn tay phải thò ra cùng hộp phấn, chỉ có thế. Gương mặt của chủ nhân bàn tay ấy là một bí ẩn. Cô nhỏ bị che khuất bởi bức tường ván ngăn nhà kho với phần còn lại của cửa hàng. Chỉ thấy cánh tay phải đưa qua cái ô cửa chim câu đó. Chủ nhân của bàn tay bí ẩn đó không bao giờ nói với tôi lời nào. Cô chìa hộp phấn qua cái khe cửa rồi rụt tay lại ngay tức khắc, cứ như đang cho một con báo ăn vậy. Cứ thế tiếp diễn trong nhiều năm, cứ như thế, chẳng hề thay đổi.

Mỗi lần tay cô thò ra, tôi không bao giờ thấy nhẫn trên những ngón tay búp măng nhỏ xíu, nhưng có một cái vòng làm bằng những viên đá màu ngọc bích trên cổ tay thanh tú của cô. Tôi nghĩ nếu cả gan chạm vào tay cô, tôi có thể bị những ngón tay kia móc mắt bằng một thế võ kungfu kuntau chớp nhoáng, nhanh như con sếu lao bổ xuống gắp con cá vậy. Điều khiến tôi kính nể là cái vòng đá ngọc bích rất có thể được cô thừa hưởng từ ông nội, một võ công kungfu đã đánh cắp báu vật đó từ miệng một con rồng sau khi giết chết nó trong một trận chiến quyết liệt hầu chiếm được tình cảm của bà nội cô.

Nhưng, bạn biết không? Trên những ngón tay búp măng đó là những móng tay đẹp lạ lùng, được chăm sóc kỹ lưỡng và nhìn còn thích mê hơn cái vòng ngọc nữa.

Tôi chưa từng thấy cô gái Mã Lai nào có móng tay đẹp đến thế, trừ các cô Sawang ra. Những ngón tay nhẵn mịn đến nỗi nhìn cứ như trong suốt. Đầu móng tay được cắt hình vầng trăng khuyết với độ chính xác tuyệt vời, các móng tay đều tăm tắp một cách hoàn hảo đến kinh ngạc.

Bề mặt da xung quanh móng tay cũng nhẵn trơn vì có lẽ được cô ngâm trong cái tô sứ cổ có nước ấm ngâm lá ngọc lan tây non. Khi móng mọc dài ra chúng khum lại, trông thậm chí còn đẹp hơn, cứ như thạch anh xanh nằm ẩn dưới đáy sông Mirang ấy. Thật khác so với móng tay của những cô gái Mã Lai, cứ to bè ra và mọc thẳng đơ không chút duyên dáng, cứ như mấy ngạch của cái cào.

Tôi thường xuyên được giao cái nhiệm vụ đứa nào cũng né tránh – mua phấn, và động cơ duy nhất thúc đẩy tôi đảm nhận nhiệm vụ này là cơ hội được ngắm mấy móng tay đó. Vì đến khá thường xuyên như vậy nên tôi biết cả thời gian cắt móng tay của cô gái bí ẩn nọ: năm tuần một lần vào thứ Sáu.

Tôi chưa từng trông thấy mặt cô. Cô không hề màng đến việc trông thấy mặt tôi. Mỗi lần tôi nói kamsiah – cảm ơn – sau khi đón lấy hộp phấn, cô không bao giờ đáp lại. Im như thóc ấy. Đối với tôi, cô gái trẻ huyền bí này là hiện thân của người thuộc một thế giới khác từ một vùng đất không ai biết đến. Cô luôn giữ khoảng cách với tôi. Không chào hỏi, không lãng phí thời gian vào những câu chuyện phiếm. Đối với cô, tôi cũng chẳng hơn gì mấy viên phấn.

Có đôi khi tôi cảm thấy tò mò muốn xem thử chủ nhân những móng tay tuyệt đẹp kia trông như thế nào. Liệu cô có dễ thương không? Liệu móng tay trái của cô có đẹp bằng bên tay phải không? Hay cô chỉ có một tay? Cô có mặt không? Nhưng tất cả những suy nghĩ ấy tôi chỉ giữ trong lòng. Tôi không có ý định nhìn lén mặt cô. Chỉ cần trông thấy những móng tay của cô là tôi đã cảm thấy sung sướng rồi. Bạn tôi ơi, tôi không phải là đứa con trai thô lỗ như những đứa khác đâu.

Thường thường, sau khi bán phấn cho tôi. A Miauw ghi nợ, và thầy Harfan sẽ trả vào cuối tháng. Học trò chúng tôi không liên quan đến những vấn đề tài chính. Mỗi lần mua bán xong, A Miauw thậm chí cũng chả buồn nhìn chúng tôi. Ông ta búng tay tách tách bàn tính gỗ như thể muốn nhắc cho chúng tôi nhớ nằm lòng món nợ ngày một nhiều lên.

Đối với A Miauw, chúng tôi là những khách hàng không mang lợi: nói cách khác, chúng tôi chỉ làm phiền ông ta mà thôi. Nếu thỉnh thoảng Syahdan có hỏi mượn cái bơm xe đạp, thì ông ta cho mượn nhưng luôn mồm càu nhàu. Ông ta không thích cho ai mượn cái bơm – nhất là hai đứa tôi. Tôi cực ghét trông thấy cái áo ba lỗ của ông ta.

Không khí mỗi lúc một nóng bức. Đúng giữa cửa hàng, tôi cảm thấy mình cứ như cọng rau đang bị luộc trong nồi. Tôi không thể chịu đựng được nữa và sắp sửa phát nôn. May thay A Miauw quát lên gọi cô gái huyền bí nọ đưa hộp phấn qua cái ô bé như cửa chuồng chim câu ấy. Với ánh mắt quyền uy, ông ta ra hiệu cho tôi đến lấy hộp phấn.

Tôi đi thật nhanh qua những bao tỏi, tay bịt mũi. Tôi vội vàng như thế để cho cái nhiệm vụ giống như tra tấn này kết thúc sớm. Nhưng khi tôi tiến vài bước về phía ô cửa chuồng câu đó, một làn gió mát mẻ mơn man trên vai tôi, chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Tôi không nhận thấy số phận của mình đang chờ chụp lấy tôi trong cái cửa hiệu xập xệ này, chờn vờn rồi nhẫn tâm tóm lấy tôi. Tôi không hề hay biết mấy giây sắp đến sẽ quyết định người đàn ông tôi trở thành trong những năm sau này; ngay lúc đó, tôi nghe có giọng con gát hét lên, “Haiyaaaaaa!”

Theo cùng tiếng hét đó, tôi nghe thấy hàng tá viên phấn rơi xuống sàn gạch.

Rõ ràng là cô gái với móng tay đẹp tuyệt trần kia đã bất cẩn. Cô làm rơi hộp phấn trước khi tôi đưa tay ra đón lấy. Phấn văng tung tóe khắp sàn.

“Ái chà,” tôi làu bàu.

Tôi phải lúi cúi nhặt, từng viên phấn giữa mấy cái bao đựng quả lai sống ẩm ướt bốc mùi váng vất. Tôi cần Syahdan giúp một tay nhưng lại trông thấy nó đang trò chuyện thao thao bất tuyệt với cô con gái người bán bánh hok lo pan như thể nó vừa bán được mười lăm con bò cái vậy. Tôi không muốn cắt ngang khoảnh khắc tán hươu tán vượn đó của nó.

Không có lựa chọn nào khác, tôi đành cẩn thận nhặt lên từng mẩu phấn một. Vài viên rơi xuống dưới một cánh cửamở có treo rèm làm từ những con ốc nhỏ kết lại thành chuỗi sít sao. Tôi biết đằng sau tấm rèm ấy, cô gái nọ cũng đang nhặt phấn vì tôi nghe thấy giọng cô lầm bầm, “Haiyaaa…. haiyaaa.”

Khi đến chỗ mấy viên phấn nằm dưới tấm rèm ốc, tôi nghĩ thầm trong bụng chắc cô sẽ đóng cửa để tôi không có cơ hội được trông thấy mặt cô. Nhưng điều xảy ra tiếp theo hoàn toàn ngoài mong đợi, và nó xảy đến thật đột ngột. Thình lình, cô gái huyền bí nọ đột nhiên vén tấm rèm ốc lên, suýt tí nữa khiến cho hai khuôn mặt đang thoảng thốt va vào nhau, chỉ cách nhau không đầy một phân.

Chúng tôi nhìn chằm chằm vào nhau thật gần… đột nhiên xung quanh lặng như tờ. Chúng tôi nhìn sâu vào mắt nhau với một cảm giác tôi không thể diễn tả được bằng lời. Hai bàn tay cô buông lơi khiến cho chỗ phấn gom nãy giờ lại rơi xuống sàn. Còn tôi nắm chặt chỗ phấn, có cảm giác như đang cầm những que kem.

Và khoảnh khắc đó dường như tất cả các kim trên tất cả đồng hồ khắp thế giới đều đứng hết tất cả lại. Tất cả mọi thứ đang chuyển động bỗng hóa đá như thể Thượng đế từ trên cao chụp lấy chuyển động của chúng bằng một chiếc máy ảnh khổng lồ. Đèn flash chói lòa. Tôi trông thấy các vì sao. Tôi kinh ngạc; tôi cảm thấy như đang bay, đang nghẹn thở, đang ngất đi. Tôi biết A Miauw đang hét gọi nhưng tôi không nghe, và tôi biết rằng cửa hiệu đang bốc mùi nồng nặc hơn do không khí trong này trở nên ngột ngạt hơn, những giác quan của tôi quả thật đã tê liệt cả rồi. Tim tôi ngừng đập vài giây trước khi bắt đầu đập trở lại với một nhịp điệu bất thường, giống như mật mã SOS. Tôi đoán rằng cô gái với những móng tay đẹp tuyệt trần đang đứng như trời trồng trước mặt tôi kia cũng có cảm giác tương tự.

“Siun! Siun! Segere…!” một cu li Sawang la lớn bảo tôi mau tránh đường, nhưng âm thanh nghe rất xa xôi – như thể vọng lên từ một cái hang thật sâu. Lưỡi tôi bất động; miệng tôi bị khóa chặt, chính xác là đang há hốc. Tôi không thể thốt nổi lời nào, không thể nhúc nhích. Cô gái nhỏ ấy chắc chắn cũng như tôi, bất động hoàn toàn. Ánh nhìn trong mắt cô siết chặt tim tôi.

Tôi thích thú nhìn khuôn mặt trái xoan xinh đẹp của cô. Trông cô rất giống Michelle Yeoh, ngôi sao màn bạc Mã Lai. Quần áo của cô có trang trí những diềm ren nhỏ hình hoa đạo kích, gọn ghẽ và đẹp giống như cô sắp đi ăn cưới vậy. Ấy là giây phút của sự thật; rốt cuộc thì điều bí mật của những năm qua cũng đã tới lúché lộ: Chủ nhân của những móng tay xinh đẹp tuyệt trần kia quả thật là một cô gái rất xinh đẹp với một sức hút không tả nổi.

Sự việc bất ngờ đó khiến má cô bừng đỏ và mắt cô ngấn nước. Ngoài hàng triệu cảm giác bùng nổ bên trong cả hai chúng tôi, cô còn cảm thấy ngượng ghê gớm. Cô đứng lên và đóng sầm cửa lại sau lưng. Cô không để ý đến mấy viên phấn nằm lăn lóc trên sàn, cũng không để ý đến tôi lúc này còn đứng đực ra đó không biết trời trăng mây gió gì nữa.

Tiếng cửa đóng sầm khiến tôi bừng tỉnh thoát khỏi bùa mê. Đầu óc tôi quay cuồng, hai mắt mờ đi. Tôi quỵ gối xuống, người run lên, cố lấy lại hơi thở bình thường. Máu chảy rần rần khắp cơ thể đang run bần bật của tôi. Tôi vừa mới rơi vào tâm bão của tình yêu đầu đời – một tình yêu sét đánh – một cảm giác lạ lùng nhất mà chỉ ai may mắn mới có dịp được trải nghiệm.

Tôi cố đứng lên, quay người nhìn xung quanh – A Miauw chỉ tay lia lịa, những người Sarong đang ra khỏi cửa hàng – ai cũng di chuyển một cách chậm chạp và đẹp mắt. Những cu li Sawang kéo lê những bao tải jengkol không hiểu như thế nào qua mắt tôi lại biến thành những người mẫu thời trang đang bước thong thả theo nhịp nhạc trên sàn catwalk trong những bộ trang phục rạng ngời.

Cái cửa hàng xập xệ khiến tôi hoa mắt đột nhiên tỏa ra mùi dầu xạ hương thơm ngát. Thằng Syahdan vốn đen thui, nhỏ thó và chẳng có gì được mắt bỗng trở nên đẹp trai ngời ngời. Ông A Miauw bỗng nhiên biến thành một ông chủ cửa hàng lịch lãm đối xử công bằng với mọi khách hàng, một kẻ cướp biến thành thầy tu.

Không màng đến hộp phấn giờ chỉ còn một nửa, tôi rời khỏi cửa hiệu, người lâng lâng như vô trọng lượng. Tôi bước đi nhẹ nhàng thư thái như một nhà truyền giáo có thể đi được trên mặt nước. Tôi đến gần chiếc xe đạp lụ khụ của thầy Harfan giờ cũng đột nhiên biến thành một chiếc xe mới toanh bóng lộn – có cả giỏ đằng trước nữa. Một cảm giác hạnh phúc lạ lùng bao trùm lấy tôi, một cảm giác tôi chưa từng trải qua. Nó thậm chí vượt xa cái cảm giác hạnh phúc khi tôi nhận được chiếc radio bán dẫn hai dải tần số vì chịu đi cắt bao quy đầu.

Khi chuẩn bị về, tôi quay đầu lại nhìn bên trong cửa hàng và trông thấy ánh mắt cô gái nhỏ với những móng tay đẹp tuyệt trận trộm nhìn tôi từ đằng sau tấm rèm. Cô giấu mình nhưng không giấu nổi cảm xúc của mình. Tôi lại bay vào dải ngân hà với những vì sao lấp lánh, lâng lâng cùng những đám mây. Ôi Thượng đế ơi, ngay chính nơi đây, giữa những cái bao quả lai thối um, những thùng dầu lửa và bao tải đậu jengkol, tôi đã tìm thấy tình yêu.

Tôi ngoác miệng trao cho Syahdan nụ cười đẹp nhất tôi từng có, khiến thằng bạn trố mắt nhìn chẳng hiểu mô tê gì. Rồi tôi nhấc bổng thân người nhỏ thó của nó đặt lên yên sau xe đạp. Tôi đã trở thành một người đàn ông có sức mạnh phi thường, tôi sẵn lòng chở Syahdan đi đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới này mà không một lời than thở. Bạn ơi, nếu quả thật bạn muốn biết thì đó chính là thứ mà người ta gọi là phát cuồng vì yêu đấy.

Trên đường về nhà, tôi cố tình phớt lờ cái giao kèo hai đứa đã thỏa thuận từ trước. Khi đi đến ngôi mộ, tôi không bảo Syahdan chở vì lòng tôi đang hồ hởi. Tất cả thứ năng lượng lớn lao đó đã cho tôi một sức mạnh diệu kỳ. Tình yêu thường khiến mọi thứ trở nên đảo lộn cả.

Dường như trong ánh mắt người đang yêu mọi thứ đều công bằng. Chẳng hề có chuyện luật pháp không bao giờ đứng về phía người nghèo; những quan chức tham nhũng vẫn còn đầy rẫy như gà thả rông ấy là do các nhà cầm cân nảy mực bận rộn quá đấy thôi. Hãy đợi đấy, chẳng mấy nữa mà tất cả bọn họ sẽ bị tống vào tù hết cho xem. Cái yên xe đạp quá cao là do lỗi của tôi trót sinh ra trong một gia đình toàn người lùn. Syahdan nặng như chì, mặc dù người nhỏ thế kia, là một điều ta cần phải biết ơn vì thế có nghĩa là nó khỏe mạnh. Thế giới không công bằng, nhưng đó chỉ là tạm thời thôi, người ta phải kiên nhẫn. Tôi hối hận rằng mình đã luôn nguyền rủa chính phủ, nhất là Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Tự đáy lòng mình, tôi xin lỗi vì tất cả những bình phẩm hỗn hào thốt ra từ cái miệng mất dạy của tôi. Tôi cũng xin lỗi tất cả những người đã từng bị tôi làm cho thất vọng.

Sau khi tan học, cô Mus triệu hồi Syahdan và tôi đến giải trình về số phấn bị thiếu hụt. Tôi đứng im như tượng, không muốn nói dối, trả lời, hay thậm chí phủ nhận bất kỳ hình thức buộc tội nào. Tôi sẵn sàng chấp nhận hình phạt, dù khắc nghiệt đến thế nào, ngay cả việc đi lấy cái xô mà thằng Trapani lỡ tay làm rơi xuống cái giếng kinh khủng sau trường. Điều duy nhất đọng lại trong đầu tôi là cô gái với những móng tay đẹp tuyệt trần và giây phút diệu kỳ bị tiếng sét ái tình đánh trúng. Chuyện gì xảy ra cũng mặc – một hình phạt kinh khủng nào đó chỉ khiến những cảm giác lãng mạn trong tôi thêm thăng hoa và ngọt ngào. Tôi sẵn lòng bước vào cái giếng chết người đó vì người yêu của tôi; tôi nguyện sẽ chết trôi nơi cái giếng đầy ma quỷ đó như một anh hùng hy sinh vì tình yêu đầu đời.

Trong khi bị cô Mus chất vấn, thằng Syahdan liên tục nhún cái vai gầy phẳng của nó và hơ hơ ngón tay cái trước trán – giống như lúc xoa xoa thái dương, ra hiệu rằng tôi có vấn đề về thần kinh và cố ý đổ hết lỗi lên đầu tôi. Hình phạt đúng như tôi đã lường trước. Tôi phải với cái xô lên khỏi giếng, nhưng thật diệu kỳ, cái giếng ma quỷ đó giờ thật đẹp và có sức quyến rũ lạ lùng. Ôi, tình yêu!

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ