Tiệc Báo Thù - Chương 14

Xe thang di động chạy vào Dư Trinh Lý bị vướng víu rất khó đi vì nó quá đồ sộ. Cát Sơn sốt ruột theo dõi, vừa thấy bắc xong giàn giáo liền trèo lên rồi chui qua một hốc tường bị thủng, bước vào tầng hai. Kỹ sư trưởng Đường Vân Lãng gần đây đang tập giảm béo theo một cách quái dị nào đó, có hiệu quả nhưng rất thấp, người “tóp” đi rất chậm, ông vẫn còn nặng gần một tạ. Thấy “anh già” Cát Sơn trèo lên ngon lành, ông cũng đu lên các bậc thang hợp kim nhôm, nhưng vừa lên được năm sáu bậc đã thấy chóng mặt hoa mắt, cái thang cũng ken két sẵn sàng giở chứng “phản đối”, ông đành tụt xuống, tức điên, giá mà ông có thể ra ngoài kia lôi cái xe thang vào đây thì tốt.

Hốc tường mà Cát Sơn chui vào có lẽ vốn là cửa sổ, quanh nó và dưới sàn chất đầy vụn kính. Các “nhiếp ảnh gia” của ban kỹ thuật hình sự và cảnh sát chữa cháy cũng bám theo. Họ đều không phải lính mới chưa từng trải, nhưng nhìn cảnh tượng tan hoang và máu thịt bê bết khắp nơi sau vụ cháy nổ, họ cũng cảm thấy ghê rợn kinh hoàng. Cát Sơn kìm nén cảm xúc, không đợi mọi người chiếu đèn công suất lớn, tự anh bật đèn pin bắt đầu xem xét các dấu vết nổi bật nhất, xem xét vấn đề nạn nhân.

Máu thịt của nạn nhân không tập trung ở thân thể mà bắn tung tóe khắp các hướng. Cát Sơn soi đèn pin, nhanh chóng nhận ra một nửa cánh tay bị nổ đứt văng ra sau đó bị lửa thiêu đen xỉn. Anh ngoảnh sang bên, thở gấp mấy lần trong mặt nạ phòng độc, nhưng vẫn không kìm được một cơn ho rũ rượi. Hai cảnh sát chụp ảnh hiện trường vội chạy đến, nhìn thấy cái cẳng tay ghê rợn ấy, cả hai làu bàu nguyền rủa, vì họ chỉ đeo khẩu trang y tế mỏng nên có thể nghe thấy khá rõ.

Sau nhiều lần lia đèn pin, Cát Sơn đã xác định rõ trong đại sảnh tầng hai có một cái xác tương đối hoàn chỉnh và hai xác bị phá hủy nghiêm trọng. Điều tra viên hỏa hoạn Hình Thụy An cũng đã lên đến nơi, lát sau anh xác định ra hai vị trí khởi nguồn hỏa hoạn.

Rốt cuộc xe thang cũng đã vào đến hiện trường, Đường Vân Lãng được nâng lên từ từ trông như một ca sĩ nhạc Rock, chỉ thiếu ánh đèn pha rọi vào cho thêm phần hoành tráng. Lúc này Cát Sơn và Hình Thụy An đã nghiên cứu điểm phát hỏa thứ hai được một lúc, thấy Đường Vân Lãng bước vào, họ cùng cất tiếng chào hỏi, Cát Sơn gỡ mặt nạ ra, “Anh đến thực đúng lúc, chúng tôi đang nghĩ xem đám cháy thứ hai bùng lên như thế nào. Lúc còn ở hiện trường, vì nghe thấy hai lần phát nổ nên chúng tôi đoán rằng chính nguồn lửa thứ hai đã tạo ra tiếng nổ thứ hai. Nhưng tiếng nổ thứ hai phát sinh như thế nào? Sàn nhà đen thui nên chúng tôi không đủ dữ liệu phán đoán.”

Đường Vân Lãng đeo mặt nạ phòng độc, chật vật ngồi xổm xuống, thở một cách nặng nhọc. Ông bật đèn pin, tay đeo găng rờ lên mặt sàn đen xỉn. Rồi ông rờ một khoảng rộng hơn, và nhón một số vụn cứng đặt sang bên cạnh.

Lại rờ rẫm thêm một lúc nữa, thu thập được nhiều mảnh vụn hơn, cuối cùng Đường Vân Lãng đứng dậy tháo mặt nạ ra, nói với Cát Sơn, “Hai điểm phát nổ, hai bọc thuốc nổ, chứng tỏ do hai hung thủ gây ra.”

Hai tiếng bốn mươi lăm phút sau khi xảy ra vụ án, tại phòng làm việc tạm thời ban chuyên án vụ cướp hội quán Tiêu Tương.

Ba Du Sinh cảm ơn Cát Sơn rồi cúp máy, đi về gian phòng ghi bút lục. Khương Minh đã đưa cho Đới Thế Vĩnh xem toàn bộ ảnh của những người may mắn sống sót. Anh ta nói không có khuôn mặt nào đáng ngờ cả.

Đới Thế Vĩnh đi rồi, Ba Du Sinh nói, “Chúng ta sẽ hội ý với các nhóm ghi bút lục khác, sơ bộ tổng kết xem có những sai lệch nào. Khám nghiệm hiện trường đã nắm được một số manh mối quan trọng, tình hình xem ra rất phức tạp.”

Cả ba người lại đến ban chỉ huy lâm thời, sau mấy phút chờ đợi, ba nhóm ghi bút lục khác cũng dần dần tập hợp về phòng họp. Ba Du Sinh xem nhanh ba tờ bút lục, các đối tượng được hỏi gồm: Ngu Uyển Chân, Hồ Kiến Vĩ và Hoa Thanh. Hỏi tại chỗ, các chi tiết tỉ mỉ chỉ có hạn, đâu phải cảnh sát đều biết tốc ký, muốn biết kỹ, cần nghe lại băng ghi âm. Bút lục của Kiến Vĩ và Hoa Thanh rất ít, chỉ trong phạm vi vài câu mà Ba Du Sinh đã nêu ra. Hai người này đầu óc tỉnh táo nhưng đều bỏng độ 2, đang nhức nhối nằm trên giường để được điều trị giai đoạn đầu, nên không tiện hỏi nhiều.

Cũng giống như các bút lục đã ghi, ba thanh niên này nhớ lại về sự kiện căn bản giống nhau. Từ những phần “căn bản giống nhau” này, cảnh sát đã có được nhận định sơ bộ về số lượng nghi phạm, quá trình gây tội ác, quá trình phát sinh vụ nổ… và cũng có thể loại trừ khả năng nghi phạm nằm trong số những người may mắn sống sót. Các cảnh sát hình sự cũng chú ý đến một số điểm khác biệt trong các bút lục. Ví dụ, mỗi người nói một khác về vị trí xảy ra hai vụ nổ, vị trí của các con tin khi đó, cả Kiến Vĩ lẫn Hoa Thanh đều “nhầm” như nhau ở một điểm: họ cùng không nghe thấy các động tĩnh ở cầu thang khi Lý Vạn Tường giao đấu với tên cướp.

Ba Du Sinh biết, trên thực tế, những khác biệt này là điều khó tránh khỏi.

Thần kinh căng thẳng, sợ hãi, chứng kiến cháy nổ kinh hoàng suốt mười mấy phút xảy vụ việc, nếu dăm bảy người sống sót vẫn có thể miêu tả toàn bộ sự kiện y hệt nhau thì mới là lạ! Xưa nay vẫn thế, những người khác nhau sẽ nhớ lại và miêu tả không thật giống nhau về một sự kiện là chuyện đương nhiên, lần này cũng không phải là ngoại lệ.

Khương Minh cầm một tờ giấy khổ rộng vẽ sơ đồ mặt bằng tầng hai của lầu chính Tiêu Tương treo lên tấm bảng trắng ở đầu phòng họp. Anh bắt đầu tổng kết các bút lục và điểm lại diễn biến vụ án.

“Khoảng 11 giờ rưỡi sáng nay, tại quầy tiếp tân, Lương Tiểu Đồng một trong hai người hùn vốn lập hội quán Tiêu Tương và Ngu Uyển Chân nhân viên tiếp tân đã gặp phải hai tên cướp. Tên A cầm súng ngắn có lẽ là súng Glock, nói giọng Xuyên-Tương, chân tập tễnh, tên B cầm súng tường bán tự động, nói giọng miền Nam, vóc người thấp nhỏ. Cả hai khống chế Lương Tiểu Đồng và Ngu Uyển Chân. Khi Cát Tam Lạc bảo vệ chạy từ phòng thường trực ra, tên A đã bắn vào đầu gối Cát Tam Lạc. Sau đó đốt một bánh pháo ném ra ngoài cổng lầu chính của hội quán, đóng cửa lại, rồi bắt đầu vụ cướp.”

Khương Minh tạm dừng lại để thở. Một cảnh sát nói, “Đốt pháo nhằm lấp liếm tiếng súng vừa nãy, mặt khác là tuyên bố vụ cướp bắt đầu. Xem ra bọn cướp cũng muốn tranh thủ sự may mắn cát tường.” Không thấy ai bật cười.

“Khó mà nói chắc ý đồ của chúng là gì. Hai tên cướp ép Lương Tiểu Đồng và Ngu Uyển Chân đỡ Cát Tam Lạc lên gác, tập hợp với một tên cướp nữa rồi cùng xông vào đại sảnh tầng hai. Ở đó đang có mặt Đới Hướng Dương, Yên Vệ Bình và hai phục vụ Hồ Kiến Vĩ, Hoa Thanh. Lẽ ra còn có Đới Thế Vĩnh nhưng anh ta đang ở gian vệ sinh bên ngoài.” Khương Minh cầm bút chì chỉ vào gian vệ sinh ở tận cùng hành lang trên sơ đồ. “Nhưng vì di động cất trong cặp da đặt ở đại sảnh nên Đới Thế Vĩnh không thể báo cảnh sát.”

“Cả ba tên cướp còng tay các con tin, còng chung hai hoặc ba người với nhau để tiết kiệm còng và có thể hạn chế khả năng các con tin kháng cự. Sau đó tên cướp A xuống tầng trệt, vào bếp khống chế ba người nấu bếp giải lên gác. Theo lời khai của Lý Vạn Tường và phụ bếp Tạ Nhất Bân, lúc lên cầu thang, ông Tường đã tìm cơ hội tấn công nhưng không kết quả, và bị chúng đánh ngất xỉu. Việc ông Tường kháng cự, không phải mọi người đều nhận ra. Lương Tiểu Đồng không kể với cảnh sát ghi bút lục, về sau chúng ta hỏi lại, anh ta vẫn không nhớ ra. Còn Hồ Kiến Vĩ thì hầu như không có ấn tượng gì. Điểm này hơi kỳ lạ nhưng cũng có thể giải thích được. Các con tin bị bắt ngồi quay mặt vào tường, đối mặt với súng đạn, tất nhiên họ kinh hãi và rất có khả năng họ không chú ý đến động tĩnh của Lý Vạn Tường ở cầu thang.”

“Có thể suy đoán rằng loạt hành động nói trên của bọn cướp xảy ra trong vòng hai phút. Lúc này có tiếng động trên tầng ba, tên cướp B đi lên kiểm tra, sau đó lại xuống. Trên đó có hai thực khách là phóng viên Quách Tử Phóng ở báo Tin chiều Tân Giang và Na Lan mà Sở Công an chúng ta ai cũng biết, đoán rằng hai người này định trèo cửa sổ tầng ba chạy trốn. Chúng ta sẽ còn phải hỏi lại họ. Nhưng lúc đó họ lập tức bị tên cướp B áp giải xuống tầng hai. Lúc này tên A đang ép Đới Hướng Dương nói ra mật mã của két sắt, rồi đi lục soát để lấy chiến lợi phẩm mà chúng muốn giành được trong vụ cướp này.”

“Tên B giải Na Lan và Quách Tử Phóng vào, sau đó hắn nói là đi giúp tên A ‘đào kho báu’, nhưng lại phát hiện ra Đới Thế Vĩnh trong nhà vệ sinh, hai bên ẩu đả, Đới Thế Vĩnh bị thương rồi vẫn trở thành con tin. Tiếp đó, tên A và tên B ép Hồ Kiến Vĩ báo cảnh sát. Nghe chúng nói chuyện, thấy rằng kẻ cầm đầu và giàu kinh nghiệm nhất chính là tên A, đã rời lầu chính Tiêu Tương. Hắn chuồn ra như thế nào, có đem theo két sắt đựng báu vật không, hắn đi đâu… tất nhiên cảnh sát chúng ta chưa biết.”

Một tổ trưởng cất tiếng, “Băng ghi hình của camera hội quán cho biết điều gì?”

Khương Minh nói, “Hội quán Tiêu Tương lắp cả thảy 16 camera giám sát, chủ yếu đặt ở tường ngoài, hai camera lắp ở tiền sảnh. Nhưng tất cả coi như vô dụng!”

Mọi người lặng ngắt. Tổ trưởng nọ hiểu ra, vỗ trán nói, “Vì ổ cứng ghi lại các hình ảnh đặt ở lầu chính, mà lầu chính bị hỏa hoạn.”

Ba Du Sinh nói, “Đúng thế. Máy chủ và ổ cứng của hệ thống camera đều đặt ở văn phòng lầu chính, chúng ta chưa được báo cáo về tình trạng hư hỏng của các thiết bị ấy, ở đó không chịu ảnh hưởng nhiều của vụ cháy nhưng cũng bị lửa tấn công, e rằng sẽ để lại hậu quả.”

Khương Minh tiếp tục, “Ở đại sảnh của Tiêu Tương, tên cướp B và C chờ đến khi phía cảnh sát bố trí xong lực lượng, thì bắt một con tin nhắn tin vào đường dây nóng của chúng ta, nói rằng có thể thương lượng nhưng yêu cầu Na Lan đứng ra đối thoại. Cũng tức là chúng không biết Na Lan đang ở trong đám con tin. Chính Na Lan và các con tin khác cũng không biết bọn cướp đang muốn tìm cô. Phía chúng ta gắng tìm Na Lan nhưng không liên lạc được… những người đã ghi bút lục đều nói trong khoảng thời gian này không xảy ra chuyện gì khác. Cho đến khi anh Ba Du Sinh nhận ra rất có thể Na Lan đang ở trong đám con tin, định báo cho bọn cướp biết, thì Na Lan cũng nghe thấy bọn cướp nhắc đến tên mình, cô bèn đứng ra xưng danh với chúng.”

“Không rõ tại sao việc thương lượng chỉ xảy ra giữa tên cướp C với Na Lan. Theo thông lệ, Na Lan muốn bọn cướp để cho cô nói chuyện với cảnh sát, nhưng chúng lại không chấp nhận, chúng chỉ muốn thương lượng với cô. Cho nên tên cướp C và Na Lan sang căn phòng nhỏ để trao đổi. Các con tin đều không biết họ nói những gì.”

“Ở thời điểm này, hơi có sai lệch. Phần lớn các bút lục đều nhớ rằng cửa gian phòng nhỏ ấy đóng lại, chỉ có Hồ Kiến Vĩ nói ‘hình như vẫn mở cửa’, Na Lan và tên cướp ấy lầm rầm nói chuyện. Cho nên không ai biết bọn cướp đưa ra những điều kiện gì.”

“Họ đang nói chuyện thì bên đại sảnh, Đới Hướng Dương bỗng tấn công tên cướp B ở lại canh giữ các con tin, ông ta quăng cái ghế, tên cướp tránh được, cái ghế bay đi, đập vỡ kính cửa sổ rồi rơi xuống sân. Sau đó Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình đang bị còng chung cùng lao vào tên cướp C.” Khương Minh chỉ lên sơ đồ. “Tôi vừa nói, các bút lục của con tin có chỗ không khớp, không khớp về vị trí ban đầu của Đới Hướng Dương. Nay chúng ta giả định Đới Hướng Dương đứng ở góc Tây Nam hoặc phía Nam đại sảnh này ném cái ghế bay qua cửa sổ phía Đông Nam rồi rơi xuống. Sau đó cả hai vật lộn với tên cướp C, dồn nhau đến góc Tây Bắc căn phòng, Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình thắng thế, đè tên cướp xuống sàn. Lúc đó tên cướp đã cảnh báo rằng trong người hắn buộc thuốc nổ.”

“Nhưng Đới Hướng Dương vẫn không buông tha. Hầu hết bút lục của các con tin đều thừa nhận trạng thái của ông ta rất khác thường, thậm chí có người ngờ rằng ông ta cố ý tự sát. Trước mắt, chúng ta chưa thể xác minh điểm này. Tuy nhiên, vụ nổ đã xảy ra rất nhanh. Hậu quả thương vong đang thống kê xem xét, nhưng cơ bản có thể xác định thuốc nổ trong người tên cướp C đã khiến hắn tan xác, ở hiện trường còn các mảnh thi thể của hắn, Đới Hướng Dương cũng tử vong tương tự, xác ông ta bung lở nghiêm trọng, xác Yên Vệ Bình thì còn tương đối hoàn chỉnh nhưng vẫn mất đầu và một cánh tay.”

“Sau vụ nổ, cả đại sảnh hỗn loạn nhưng cụ thể hỗn loạn ra sao thì bút lục của các con tin không thống nhất, cũng là lẽ thường tình. Có người nhớ rằng Lương Tiểu Đồng nhảy khỏi cửa sổ đầu tiên, Na Lan giúp hai con tin đứng dậy, rồi cô ta cũng nhảy khỏi cửa sổ rơi xuống. Lương Tiểu Đồng và Na Lan bị thương ở những mức độ khác nhau. Lương Tiểu Đồng bị sái chân, Na Lan bị chấn thương sọ não có lẽ vì đập đầu vào gạch tường vây vườn hoa hoặc bị gạch đá của vụ nổ thứ hai văng từ trên cao xuống rơi trúng đầu. Khám nghiệm hiện trường nhận ra rằng vụ nổ thứ hai xảy ra ngay sau vụ nổ thứ nhất. Vị trí của vụ nổ thứ nhất là góc Đông Bắc đại sảnh, nhưng vụ nổ thứ hai ở đâu thì chưa có con tin nào nhớ rõ được. Cũng không có gì lạ, vì sau vụ nổ thứ nhất thì căn phòng bốc cháy, khói lửa mù mịt, các con tin tìm cách chạy tháo thân, đương nhiên không thể nhớ vụ nổ thứ hai xảy ra ở hướng nào. Có người bảo ở hướng Đông Bắc đại sảnh, có người bảo ở hướng Nam, khác nhau rất xa.”

“Các chuyên gia điều tra hiện trường đang tìm cách xác định điều này…”

“Nghe nói Đường chưởng môn cũng ra trận, phải không?” Một cảnh sát hỏi chen vào.

Khương Minh nói, “Đường chưởng môn? Ở Sở các anh đều gọi ông ấy như thế à?” Anh ngừng lại, uống ngụm nước.

“Còn các anh thì gọi ông ấy là gì?”

“Gọi là Lãng Lãng.” Khương Minh mỉm cười. “Có thấy ông ấy béo phục phịch, trông rất đáng mến không?”

“Đội trưởng nói các anh nên trở lại chủ đề đi!” Một cảnh sát thiện chí nhắc nhở.

Khương Minh nói, “Theo chuyên gia Đường Vân Lãng, vụ nổ thứ hai xảy ra ở trung tâm căn phòng, hơi chếch phía Tây, nguồn nổ cũng là thuốc nổ như vụ nổ thứ nhất. Đường chưởng môn phát hiện ở mặt sàn có các vụn giấy gói thuốc nổ, cả vụn đã cháy và chưa cháy. Căn cứ vào hướng văng ra của vụ nổ, xác định vị trí nổ là chính giữa căn phòng. Chính giữa hơi chếch hướng Tây, vốn là chỗ kê bàn ăn, phía dưới bàn ăn có ống dẫn gas, vụ nổ đã phá hủy ống dẫn gas, khí gas sẽ rò ra, nhưng may sao trước đó chúng ta đã liên lạc với công ty cung cấp gas đóng van tổng bơm vào khu Dư Trinh Lý, sau vụ nổ, cảnh sát đặc nhiệm đã đóng ngay van dẫn gas vào lầu chính Tiêu Tương, tránh được hậu quả lớn hơn…”

“Nhưng vấn đề là…” Lại có một cảnh sát sốt ruột ngắt lời Khương Minh.

Khương Minh xua tay, “Tôi sẽ nói luôn, vấn đề là ai đã mang theo gói thuốc nổ thứ hai.”

Cả phòng họp lắng xuống, mọi người đều đang băn khoăn vấn đề này.

“Ở hiện trường không thấy có thêm thi thể bị phá hủy, chứng tỏ không ai quấn thuốc nổ trong người, vậy thuốc nổ được đưa vào gian nhà ấy như thế nào?” Không phải Khương Minh nêu câu hỏi, anh chỉ ngừng lại chốc lát, và biết chắc sẽ có đồng nghiệp muốn hỏi điều này.

“Chắc vẫn là tên cướp B.” Có người suy đoán.

Khương Minh nói tiếp, “Nhưng theo đa số các con tin được hỏi, họ nhớ lại rằng tên B đã bắt đầu thương lượng với Na Lan ở gian nhỏ bên cạnh từ trước vụ nổ, đến khi Đới Hướng Dương nổi khùng thì hắn mới chạy ra, Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình nhanh chóng áp đảo tên C, tên B không có phản ứng gì rõ rệt. Lúc đó, và tình huống đó, hắn có la hét thế nào thì cũng không ai để ý, tiếng nổ phát ra ngay sau đó. Cho nên, vị trí bấy giờ của tên B vẫn là ở cửa gian phòng nhỏ, cũng tức là góc Tây Nam của cả đại sảnh.”

Một cảnh sát phân tích, “Nhưng cũng không loại trừ khả năng trước đó hắn đã cài sẵn thuốc nổ trong người, khi nhìn thấy hỏa hoạn, hắn biết lợi thế không còn nữa, hắn không định hy sinh, sợ lửa sẽ bén vào người và phát nổ nên vội tháo thuốc nổ ra rồi ném đi, ném vào giữa gian phòng, hơi chếch về phía Tây.”

Khương Minh nói, “Dĩ nhiên có khả năng này. Cho nên, vấn đề tiếp theo là tên B đã đi đâu?”

Cả phòng họp lại im lặng, mọi người đều nghĩ ngợi, Khương Minh tiếp tục bổ sung thông tin, “Nếu tên B cũng bị thương như mọi người đang ở trong nhà, và muốn thoát thân, thì hắn phải là một trong số những người may mắn sống sót và được đưa vào bệnh viện, ngay từ đầu hắn đã bịt mặt, cho nên hắn sẽ là khuôn mặt xa lạ với mọi người. Nhưng các nhân chứng đã xem toàn bộ ảnh mà chúng ta đưa ra, đều không thấy có khuôn mặt nào xa lạ. Cũng tức là tên cướp B không nằm trong số những người may mắn sống sót.”

Lúc này, trên tường trắng chiếu ảnh của những người sống sót: Lý Vạn Tường, Tạ Nhất Bân, Tôn Nguyên Hổ, Lương Tiểu Đồng, Hoa Thanh, Hồ Kiến Vĩ, Ngu Uyển Chân, Na Lan, Quách Tử Phóng, Cát Tam Lạc.

“Rất có thể hắn đã tẩu thoát. Lúc đó tình hình hỗn loạn, khói lửa, tiếng nổ… Tôi đứng ở hiện trường, chỉ tập trung chú ý vào việc dập lửa, cứu các con tin và bảo đảm an toàn hiện trường, nếu có ai đó chạy ra khỏi lầu, náu vào một góc nào đó ở sân hoặc giếng trời để tìm cách trèo tường trốn thoát, chưa chắc tôi đã nhận biết được.” Một đội phó cảnh sát đặc nhiệm nói.

Khương Minh gật đầu. “Về lý thuyết thì đúng là như vậy. Chúng ta đã sơ bộ hỏi các nhân viên cấp cứu hiện trường, nhưng chẳng ai nhớ rằng có nhìn thấy người chạy ra khỏi lầu. Một số đồng chí đã đi xem xét các tòa lầu Ba Khắc ở gần Tiêu Tương, kể cả hai lầu Đông và Tây, hy vọng tìm thấy manh mối gì đó. Tôi nói tiếp về một phát hiện rất lạ lùng của anh Cát Sơn và anh Hình Thụy An. Họ có đủ chứng cứ chứng tỏ đám cháy ở nhà bếp là do bị phóng hỏa. Sau đó lại có một nhân viên khám nghiệm hiện trường phát hiện ra một mảnh đồng bị cháy biến dạng, tạm thời coi đó là nguồn châm lửa.”

“Bật lửa bằng đồng à?” Có người hỏi. “Là thứ hiếm thấy.”

Khương Minh nói, “Đúng thế, nhưng không quá hiếm thấy. Vấn đề là ai đã phóng hỏa? Tại sao phải đốt lầu chính Tiêu Tương?”

“Tên cướp B!” Có người nói luôn. “Điều kiện hắn đưa ra không được chấp nhận, nên hắn trả thù cho bõ tức!”

“Có thể.” Khương Minh tắt đèn chiếu. “Cho nên, cuối cùng tổng kết rằng, ngoại trừ còn rất nhiều chi tiết phụ chưa được làm rõ, vụ án này hiện tồn tại hai điểm chính chưa sáng tỏ, chưa minh…”

“Không đâu!” Lại có người cắt ngang. “Anh là Khương Minh, anh minh bạch…”

“Này! Rồi tôi sẽ tính sổ với cậu.” Tay Khương Minh làm động tác bóp cò vào anh chàng đồng nghiệp hài hước đó. “Một là, chưa rõ về động cơ. Trong két sắt cất giữ báu vật gì? Điều quan trọng hơn nữa là tại sao chúng phải cuống lên thúc giục chúng ta tìm Na Lan để thương lượng? Điều kiện là gì? Hai là, chưa rõ về tung tích bọn chúng. Theo những người chứng kiến, thì tên cướp C bị nổ banh xác, tên cướp B đã rời đại sảnh, hắn đi đâu? Tên cướp A cầm theo chiến lợi phẩm cướp được và chuồn đi trước, hắn ở đâu?”

Di động của Ba Du Sinh rung lên. Cát Sơn gọi. Nghe xong, anh hơi cau mày.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ