Papilio Blumei, những con bướm đen nhiệt đới đẹp mê hồn với những sọc xanh da trời xen lẫn xanh lá cây, đậu rung rinh trên phiến lá filicium. Lát sau, hàng đàn bướm đủ loại kéo tới nhập bọn: nào là bướm vàng sẫm một màu, nào là bướm vàng phai.
Chỉ những chuyên gia mới có thể phân biệt được hai loại bướm có tên tương tự nhau đó. Tên Latin của chúng là Colias crocea và Colias myrmidone. Dưới con mắt những người bình thường, cả hai loài đều đẹp đến mức hoàn hảo như nhau, với những tên gọi thật tao nhã.
Không giống loài chim hung hăng thích phô trương, những sinh vật thầm lặng này có vòng đời ngắn và hoàn toàn không nhận thức được vẻ đẹp của mình. Và ngay cả khi có đông đến hàng ngàn con đi nữa thì khi bay lượn chúng vẫn không phát ra bất kỳ tiếng động nào từ đôi cánh đang vẫy và cái miệng đầy mật ngọt, khiến cho khung cảnh trở nên tuyệt diệu hơn cả vườn Địa Đàng. Đứng lặng đi trong khung cảnh ấy, tôi cảm thấy muốn làm thơ quá thể.
Đàn bướm lượn lờ bên nhau bình yên hòa hợp, như một khối đoàn kết lớn lao của những thiên thần đến từ thiên đàng của các tôn giáo khác nhau. Nếu chăm chú quan sát từng cử động của chúng, dù nhỏ nhất, ta sẽ thấy xúc động vì sự hòa hợp ấy. Chúng đúng là dàn hợp xướng màu sắc mà nhạc trưởng là bản năng của chính mình.
Tuy thế, chiều nay, những cánh bướm thiên thần ấy không phải là loài duy nhất thể hiện sự hòa hợp. Nghe mà xem.
“… mong cho lá cờ tung bay…”
“… biểu tượng linh thiêng, hào hùng…”
“… tung bay! Ngạo nghễ! Ngạo nghễ!”
A Kiong đang “hát” bài Berkibarlah Benderaku – “Mong cho lá cờ tung bay” – như thể nó là một trung sĩ đang tập luyện. Thật điếc tai không chịu nổi.
Nó vừa hát vừa nhìn xa xăm ra cửa sổ dán mắt vào dây nho đỏ leo trên những nhánh filicium là là. Nó thậm chí không thèm nhìn chúng tôi. Nó quả là đã phụ lòng khán giả.
Tai nó như chẳng thèm nghe giọng nó; chúng hướng cả về lũ chim chiền chiện nhỏ xíu cánh sọc hót huyên náo át cả tiếng vù vù của bọn bọ cánh cứng điểm chấm vàng đen trên lưng. A Kiong thậm chí chẳng quan tâm đến âm lượng và cũng không buồn cố hát cho đúng tông. Nó cũng chẳng để tâm đến nốt nhạc nốt nhẽo gì ráo.
Dù thành thật mà nói, bọn tôi cũng cóc để ý đến nó. Lintang mải mê với định lý Pythagore. Harun đang nằm vật ra ngủ, ngáp pho pho. Samson đang vẽ cảnh một người đàn ông nhấc một ngôi nhà. Sahara thì đang mải thêu mấy biểu tượng chữ Ả Rập làm thành dòng chữ Kulil Haqqu WalauKana Murron, có nghĩa là “Hãy nói sự thật, cho dù sự thật đó có cay đắng thế nào.” Trapani thì cứ gấp gấp mở mở chiếc khăn tay của mẹ nó. Syahdan, Kucai và tôi đang nói chuyện về đồng phục của bọn trường PN và chúng tôi cùng âm mưu treo chiếc xe đạp của ông thầy dạy kinh Koran lên cây bantan. Chỉ mỗi Mahar chăm chú lắng nghe giọng hát của A Kiong.
Cô Mus che hai tay lên mặt. Cô cố nén cười khi nghe thằng A Kiong rú ầm ĩ bài hát.
A Kiong thôi hát. Cô Mus nhìn tôi: Giờ tới lượt em.
Sau khi bị cô Mus rầy la vì cái tội luôn hát mỗi bài Potong Bekek Angsa – “Chặt cổ chú ngỗng” – lần này tôi quyết định bứt phá một chút với bài hát mới: Indonesia Tetap Merdeka, hay “Indonesia tự do muôn đời” – một sáng tác của C. Simanjuntak. Khi tôi bắt đầu hát, Sahara ngừng thêu và liếc nhìn tôi kèm theo một cái bĩu môi ra chiều ghê tởm. Tôi không thèm để ý đến thái độ xúc phạm của nó mà cứ thế thả hồn vào bài hát.
“… hân hoan… tất cả chúng ta đều hân hoan…”
“… Tổ quốc đã tự do rồi… Indonesia đã tự do rồi…”
Nhưng khi hát, tôi nhảy quãng tám. Tôi không kiềm chế được, và chẳng còn chút hòa âm nào. Tôi phản lại sự hòa âm mất rồi.
Cô Mus không nhịn nổi cười nữa. Nước mắt giàn gụa trên mặt cô khi cô cố nén cười rung hết cả người. Tôi cố điều chỉnh giọng, nhưng càng cố giọng tôi càng nghe chẳng giống gì. Đây là cái mà người ta gọi là thiếu tài năng đây.
Tôi chật vật cố gồng mình lên hát cho xong. Không đứa nào trong lớp chịu hiểu cho nỗi niềm của tôi – bọn nó quá buồn ngủ, đói và khát nước dưới sức nóng của mặt trời ban trưa. Đã vậy còn bị tôi tra tấn bằng giọng hát của mình nữa chứ.
Cô Mus cứu tôi bằng cách vội bảo tôi thôi trước khi hát xong bài hát đậm chất tụng ca đó. Cô nhìn sang Samson.
Samson chọn bài hát Teguh Kukuh Berlapis Baja – “Mạnh mẽ, anh hùng và đanh thép” – cũng là một bài hát của C. Simanjuntak. Bài hát rất hợp với vóc dáng to cao của nó. Giọng hát của nó nghe muốn bùng lỗ tai còn nó cứ cúi đầu và tiếp tục giẫm chân xuống đất.
“… Mạnh mẽ, anh hùng và đanh thép!”
“… hào khí ngập tràn!”
“… pháo đài Indonesia!”
Nhưng nó cũng chẳng hiểu mô tê gì về khái niệm hòa âm cả, nên nó biến bài hát được yêu thích thành một bài chúng tôi chẳng thể nhận ra giai điệu. Nó phá nát nhạc của nhạc sĩ C. Simanjuntak.
Trước khi nó hát xong đoạn đầu tiên, cô Mus bảo nó về chỗ. Samson bất ngờ, đứng im như hóa đá; nó không tin nổi vào lỗ tai mình.
“Sao em lại phải thôi ạ, thưa cô?”
Ấy là cái người ta gọi là thiếu tài năng mà mù tịt.
Tóm lại có thể nói rằng môn nhạc là môn ít hứa hẹn nhất đối với lớp chúng tôi. Không đứa nào trong lớp có năng khiếu hát hò, và vì lý do đó cô Mus đưa tiết nhạc xuống cuối buổi. Mục đích là để giết thời gian trong khi đợi đến zuhur – buổi cầu kinh giữa ngày, đánh dấu buổi học kết thúc.
“Ta vẫn còn năm phút nữa mới đến buổi cầu kinh. Ừm, một bạn nữa nào,” cô Mus nói. Chúng tôi thờ ơ với cái tin đấy. Chiều nay trôi thật chậm. Cứ chốc chốc lũ chim chiện chiện cánh sọc bay tới đậu trên bậu cửa sổ lớp, la ó chí chóe nhức cả đầu, khiến cho những đứa có dạ dày đang réo ùng ục muốn là người đi.
“Để xem nào… ai tiếp đây nhỉ?” Cô Mus cân nhắc. Rồi quyết định chọn Mahar.
“Lên đây nào, em. Hát một bài trong lúc đợi đến giờ cầu kinh zuhur đi.” Cô Mus chuẩn bị tinh thần được một phen cười đến phát ngất khi nghe đứa học trò hát chẳng đúng nhạc chút nào.
Chúng tôi chưa nghe thằng Mahar hát bao giờ. Cứ hễ tới lượt nó là lại đúng đến giờ cầu nguyện và nó chưa bao giờ có cơ hội thể hiện trước lớp.
Không đứa nào thèm quan tâm thằng Mahar đứng lên. Nó đã đeo cái cặp xách lên vai chuẩn bị về rồi.
Khi đã lên đứng trước lớp, nó không chịu hát ngay bài đã chọn mà cứ thế nhìn vào từng đứa bọn tôi. Chẳng đứa nào hiểu gì hành động bất thường của nó. Nó nhìn thật lâu và đầy ẩn ý. Rồi nó quay sang nhìn vào mặt cô Mus và gật đầu chào kèm theo nụ cười bẽn lẽn. Sau một lúc nó chắp hai tay trước ngực như đang cầu nguyện. Đứa nào cũng thấy lòng nhói lên khi trông thấy mu bàn tay của Mahar nhẵn thín như sáp. Những ngón tay của nó đầy sẹo còn móng tay thì nham nhỏ. Từ năm lớp hai, Mahar phải đi làm cu li sau giờ học, mài dừa cho một cơ sở nông sản của người Hoa. Nó phải nạo dừa cho tới tối mịt nên bàn tay nó bóng loáng dầu không thể nào gột sạch được. Cái lưỡi sắt của bàn mài quay thật nhanh lạng hết mấy đầu móng tay của nó khiến chúng không còn nguyên hình dạng ban đầu. Cái dụng cụ mài dừa đó phụt ra thứ khói đen thui và để khởi động nó lên thì một người lớn phải kéo tay quay liên tục. Âm thanh phát ra từ dụng cụ đó nghe rất đau lòng, âm thanh của sự nghèo túng, nhọc nhằn và một cuộc sống cơ cực không có lựa chọn. Mahar phải làm việc để giúp gia đình nó sống sót. Cha nó đã qua đời còn mẹ thì đau ốm triền miên.
“Em sẽ hát bài ca về tình yêu, thưa cô, một tình yêu đau đớn chính là…”
Ôi trời đất ơi! Chưa đứa nào trong chúng tôi giới thiệu kiểu đó, và cũng không đứa nào hát về chủ đề đó. Chúng tôi thường hát ba loại nhạc: ca ngợi quê hương đất nước, bài hát về tôn giáo bằng tiếng Ả Rập và bài hát thiếu nhi.
Cái thằng có khuôn mặt ngọt ngào kia sẽ hát bài gì nhỉ? Tất cả chúng tôi đều hướng mắt về nó. Sahara đã thôi thêu. Harun thức giấc.
“Bài hát về một người đau khổ khi mất đi người yêu – một người bạn thân của anh đã cướp cô gái…”
Nó lặng lẽ đưa mắt nhìn qua cửa sổ, những đám mây lờ lững trôi trên bầu trời. Tình yêu quả thật nghiệt ngã.
Cô Mus bối rối nhìn chăm chăm vào Mahar. Chúng tôi thấy tò mò. Cô Mus, bằng mấy câu thơ, khuyến khích nó tiếp tục bài hát bất thường đã chọn.
“Đường dẫn tới cánh đồng ngoằn ngoèo
Đừng đi qua rừng thông
Hãy hát bài hát bạn đã chọn
Cho tôi biết vì sao bạn buồn.”
Mahar cắn môi, nở nụ cười gượng gạo.
“Em cảm ơn cô ạ.”
Mahar đã sẵn sàng. Chúng tôi hồi hộp đợi và ngớ người ra khi nó mở cái túi mây và lôi ra một nhạc cụ: đàn ghi ta Hawaii!
Lớp học im phăng phắc. Mahar chậm rãi gảy đàn, khúc dạo đầu khuấy động sự im lặng hệt tiếng sấm rền xa xa. Mahar ôm đàn mặt buồn rười rượi. Hai mắt nó nhắm nghiền và mặt nó đầy biểu cảm, tái nhợt đi vì cố nén cảm xúc vào trong. Rồi sau khúc nhạc dạo, nó bắt đầu hát chậm rãi với sắc thái thống khổ, nhưng giọng hát của nó toát lên vẻ đẹp andante maestoso – một vẻ đẹp không lời nào tả xiết.
“Tôi đang khiêu vũ cùng người yêu điệu Tennessee Walts
thì một người bạn cũ tôi tình cờ gặp làm quen với người tôi yêu,
rồi trong lúc hai người nhảy với nhau
bạn tôi đã cướp mất người yêu của tôi”
Chúng tôi sững sờ. Đó chính là bài Tennessee Walts nổi tiếng của Anne Murray.
Chất giọng rền vang của Mahar đúng là không chê vào đâu được, và không thể tin nổi nó nhập hồn vào bài hát đến thế; cứ như là nó thực sự đang chịu đựng nỗi mất mát lớn lao ấy. Tiếng đàn ghi ta Hawaii khiến cho bầu không khí đượm chất lãng mạn.
Rồi tiếng hát len lỏi qua những bức tường gỗ lớp học cũ kỹ, vắt vẻo trên những chiếc lá linaria nhỏ xíu hệt như những con bướm sặc sỡ, rồi lững lờ theo những áng mây mỏng tang trôi về phía Bắc. Giọng hát đầy đau đớn của Mahar khiến tim đứa nào cũng run rẩy. Dù chúng tôi đang làm bất cứ cái gì – hay không làm gì – cũng đều khựng lại. Chúng tôi bị thôi miên, bị mê hoặc bởi tinh hoa phát tiết ra từ cậu bé thanh tú đó – cậu hát không chỉ bằng miệng mà bằng cả tâm hồn, biến bài hát thành một bản hợp xướng hoành tráng. Cơn buồn ngủ, đói và khát biến đâu mất. Ngay cả những con bọ cánh cứng vàng đen và lũ bạn của nó, những con chim chiền chiện cánh sọc cũng thôi chí chóe để lắng nghe giọng hát của Mahar.
Mahar hạ giọng dần để kết thúc bài hát, và một giọt nước mắt lăn trên má nó.
“Tôi đã mất người tình nhỏ bé
Vào cái đêm họ cùng nhau khiêu vũ điệu Tennessee Walts.”
Chúng tôi nhất loạt đứng hết cả dậy vỗ tay hoan hô có khi phải đến tận năm phút. Cô Mus cố hết sức giấu những giọt nước mắt cự chực trào ra. Trưa hôm ấy, một trưa tháng Bảy, tháng đỉnh điểm của mùa khô, trong khi đợi đến buổi cầu kinh zuhur cuối buổi học, một nghệ sĩ tài ba đã ra đời tại trường Muhammadiyah nghèo khó.