Khi Hơi Thở Hoá Thinh Không - Phần 2 – Chương 7

Đột nhiên, cô xuất hiện.

“Cô đã quay lại sao?” tôi nói.

“Anh đã nằm trong đơn vị chăm sóc đặc biệt cả tuần rồi,” cô nói. “Nhưng đừng lo lắng. Anh sẽ khá hơn thôi. Hầu hết kết quả xét nghiệm đã trở lại bình thường. Anh sẽ ra khỏi đây sớm.” Hoá ra cô vẫn duy trì liên lạc với các bác sĩ của tôi qua email.

“Cô còn nhớ đã từng đề nghị sẽ là bác sĩ còn tôi chỉ là một bệnh nhân?” tôi hỏi. “Tôi nghĩ đó có lẽ là một ý tưởng hay. Tôi đã đọc rất nhiều nghiên cứu để tìm ra quan điểm đúng đắn nhưng đều không thành công.”

“Tôi không chắc đó là điều có thể tìm thấy chỉ bằng việc đọc về nó,” cô trả lời.

Emma giờ đây là thuyền trưởng của con tàu, mang tới cảm giác bình yên cho sự hỗn loạn của lần nhập viện này. T. S. Eliot lại vang lên trong đầu tôi:

Damyata: Con thuyền đáp trả

Gaily, đôi tay sành sỏi về cánh buồm và những mái chèo

Biển tĩnh lặng, trái tim người hẳn đã đáp trả

Gaily, khi được mời, chiến thắng kẻ phục tùng

Bằng bàn tay nắm quyền kiểm soát.

Tôi ngả về phía sau trên giường bệnh và nhắm mắt. Khi bóng đêm của cơn mê sảng lại phủ tới, cuối cùng thì tôi cũng có thể thư giãn.

Ngày dự sinh của Lucy tới mà không có dấu hiệu chuyển dạ. Cuối cùng tôi cũng đã được lên lịch để xuất viện. Tôi đã sụt gần mười tám cân kể từ khi có chẩn đoán bệnh, trong đó trong tuần rồi là sáu cân. Tôi chỉ nặng như thời học lớp tám, nhưng tóc đã mỏng đi nhiều so với thời đó, chủ yếu rụng nhiều trong khoảng thời gian tháng trước. Tôi tỉnh lại, nhận thức được thế giới, nhưng con người thì héo tàn. Tôi có thể thấy xương mình qua lớp da, một bản chụp X-quang sống. Tại nhà, chỉ giữ cho đầu đứng thẳng thôi cũng thật mệt mỏi. Nhấc một cốc nước cần tới hai tay. Việc đọc sách thì không cần nghĩ tới.

Cả hai bên gia đình đều tới để giúp đỡ. Hai ngày sau xuất viện, Lucy có cơn gò đầu tiên. Nàng ở nhà khi mẹ tôi đưa tôi đến cuộc hẹn kế tiếp với Emma.

“Nản lòng không?” Emma hỏi.

“Không.”

“Anh nên cảm thấy vậy. Đây sẽ là một lần bình phục mất nhiều thời gian.”

“Ừm, ok, tôi hơi nản về bức tranh toàn cảnh. Nhưng ở mức ngày qua ngày, tôi sẵn sàng để quay trở lại với các liệu pháp vật lý và bắt đầu bình phục. Tôi đã làm được một lần rồi, hẳn nó sẽ phải tương tự chứ?”

“Anh đã thấy bản scan cuối cùng chưa?” cô hỏi.

“Chưa, tôi đã ngừng việc theo dõi.”

“Nó trông tốt đấy,” cô nói. “Căn bệnh có vẻ ổn định, khối u co lại một chút.”

Chúng tôi nói về những vấn đề trong tương lai. Hoá trị có thể hoãn lại cho tới lúc tôi khoẻ hơn. Tôi cũng không thể tham gia các cuộc thử nghiệm trong tình trạng này. Việc điều trị không còn là một lựa chọn nữa – cho tới khi tôi lấy lại sức. Tôi dựa đầu vào tường để có chút lực đỡ cơ cổ. Suy nghĩ của tôi bị mây mờ bao phủ. Tôi lại cần đến lời sấm truyền để tôi lại bói cầu, để thu nhận những bí mật từ chim chóc hay các tinh đồ, từ các gien đột biến hay đường tỷ lệ sống Kaplan-Meier.

“Emma,” tôi nói, “bước tiếp theo là gì?”

“Khoẻ lên, có vậy thôi.”

“Nhưng nếu căn bệnh ung thư xuất hiện lại… ý tôi là, những xác suất…” tôi ngừng lại. Vòng điều trị đầu tiên (Tarceva) đã thất bại. Vòng điều trị thứ hai (hoá trị) gần giết tôi. Vòng điều trị thứ ba, nếu tôi có thể đi tới đó, chỉ hứa hẹn chút ít. Ngoài đó ra là vô số những phương thức điều trị thử nghiệm chưa biết tới. Nỗi nghi ngờ buột ra khỏi miệng, “Ý tôi là, quay trở lại phòng mổ, hay có thể đi lại, hoặc thậm chí –”

“Anh còn năm năm,” cô nói.

Emma đã tuyên bố, nhưng không có chất giọng uy quyền của một nhà tiên tri, không có được sự tự tin của niềm tin thực sự. Cô nói ra điều này như một lời khẩn cầu. Giống như một bệnh nhân dạo trước chỉ có thể nói ra những con số. Những gì cô nói chỉ như một lời cầu nguyện, một con người bình thường đứng trước bất kỳ thế lực hay vận mệnh nào kiểm soát. Chúng tôi, một bác sĩ và một bệnh nhân, trong một mối quan hệ mà đôi khi mang theo bầu không khí uy quyền. Nhưng cũng có lúc, như giờ đây, chỉ là hai con người hội tụ với nhau khi một người đứng trước vực thẳm, không hơn không kém.

Các bác sĩ, hoá ra, cũng cần đến hy vọng.

Trên đường về từ cuộc hẹn với Emma, mẹ của Lucy gọi để thông báo rằng họ đang đến bệnh viện. Lucy đang chuyển dạ. (“Em nhớ yêu cầu gây tê màng cứng sớm nhé,” tôi nói với nàng. Nàng đã chịu đựng đủ rồi.) Tôi quay trở lại bệnh viện, được cha đẩy trên xe lăn. Tôi nằm xuống chiếc giường trong phòng sinh, những túi giữ nhiệt và chân gối giữ cho cơ thể toàn xương xẩu khỏi run lên vì lạnh. Trong hai tiếng kế tiếp, tôi quan sát khi Lucy và y tá trải qua các quy trình chuyển dạ. Cho tới lúc các cơn co tăng lên, y tá đếm đến cơn rặn: “Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, và mười!”.

Lucy quay về phía tôi mỉm cười. “Em cảm thấy như mình đang chơi thể thao ấy!” nàng nói.

Tôi nằm trên chiếc giường nhỏ và cười lại, nhìn ngắm bụng nàng. Sẽ có rất nhiều sự vắng mặt trong cuộc đời Lucy và con gái tôi – nếu đây là sự có mặt tối mà tôi có thể, thì cứ vậy đi.

Tầm giữa đêm, y tá huých tôi dậy. “Sắp đến giờ rồi,” cô thì thào. Cô gom đống chăn lại và giúp tôi lên ghế, tới gần Lucy. Bác sĩ sản đã ở trong phòng, không già hơn tôi là mấy. Cô nhìn sang tôi khi đứa trẻ lộ đầu ra. “Tôi có thể nói với anh là con gái anh có mái tóc giống hệt anh,” cô nói. “Rất nhiều tóc.” Tôi gật, nắm tay Lucy trong suốt những khoảnh khắc cuối của việc chuyển dạ. Và sau đó, với cú rặn cuối cùng, con gái chúng tôi chào đời, vào 2 giờ 11 phút sáng ngày Quốc khánh mùng 4 tháng Bảy. Elizabeth Acadia – Cady, chúng tôi đã chọn xong tên từ nhiều tháng trước.

“Chúng tôi có thể đặt cô bé lên ngực anh không, Papa?” y tá hỏi tôi.

“Không, tôi quá l-l-lạnh,” tôi nói, răng đánh lập cập, “Nhưng tôi muốn được ôm con bé.”

Họ cuốn bé trong chăn và chuyển cho tôi. Cảm nhận sức nặng của con gái trong một tay, và cầm chặt bàn tay Lucy ở tay còn lại, mọi khả năng về cuộc đời đều hiện ra trước chúng tôi. Những tế bào ung thư trong cơ thể tôi sẽ tiếp tục chết, hoặc bắt đầu phát triển lại. Nhìn về dải đất mở rộng phía trước, cái tôi nhìn thấy không phải là một mảnh đất hoang trống rỗng mà là thứ gì đó đơn giản hơn: Một trang giấy trắng tôi cần phải tiếp tục viết.

Dù vậy, có một nguồn năng lượng thổi đến trong ngôi nhà của chúng tôi.

Ngày qua ngày, tuần qua tuần, Cady lớn nhanh như thổi: cái nắm tay đầu tiên, nụ cười đầu tiên, tiếng cười khanh khách đầu tiên. Bác sĩ nhi ghi lại các mức phát triển của con bé theo thời gian lên bảng theo dõi một cách đều đặn. Những điều mới lạ tươi sáng phủ quanh bé. Khi bé ngồi trên đùi tôi mỉm cười, bị mê mệt bởi tiếng hát của tôi, một sự ấm sáng tỏa khắp căn phòng.

Thời gian với tôi như một con dao hai lưỡi: Mỗi ngày mang tôi đi xa khỏi thời điểm tệ hại của lần phát bệnh trước nhưng gần hơn tới lần tái phát kế tiếp – và cuối cùng, cái chết. Có lẽ muộn hơn tôi nghĩ, nhưng chắc chắn là sớm hơn tôi mong muốn. Có hai phản ứng trước nhận định rõ ràng đó. Điều hiển nhiên nhất có lẽ là sự hối thúc về hành động điên rồ: để “sống trọn vẹn cuộc đời,” để du lịch, để ăn uống, để đạt được một lố những tham vọng bị bỏ quên. Bên cạnh đó, phần tàn nhẫn của ung thư đó là nó không chỉ giới hạn thời gian của bạn, nó giới hạn cả nguồn năng lượng, hạ thấp một cách thê thảm những gì bạn có thể làm được trong một ngày. Trong cuộc đua hiện giờ là một con thỏ mỏi mệt. Và thậm chí ngay cả khi tôi có năng lượng, tôi vẫn ưa chuộng phương thức của chú rùa. Tôi lê từng bước một, tôi cân nhắc. Có những này tôi đơn thuần là bền bỉ duy trì.

Nếu thời gian giãn ra khi ai đó chuyển động ở tốc độ cao, vậy liệu nó có co lại nếu người ấy hầu như không xê dịch? Hẳn là vậy: Mỗi ngày ngắn lại một cách tương đối.

Chẳng có gì mấy để phân biệt ngày với ngày, thời gian tưởng chừng như tĩnh lại. Trong tiếng Anh, chúng ta sử dụng từ “time” theo nhiều cách khác nhau: “The time is two forty-five” (Bây giờ là hai giờ bốn mươi lăm phút) khác với “I’m going through a tough time.” (Tôi trải qua một khoảng thời gian khó khăn.) Những ngày này, thời gian không phải như tiếng đồng hồ tích tắc mà giống với một trạng thái tồn tại hơn. Sự uể oải thiếu sinh khí ngự trị, và tôi có cảm giác như thời gian vô định. Là một bác sĩ phẫu thuật tập trung vào bệnh nhân trong phòng mổ, đối với tôi có lúc tôi thấy vị trí của kim đồng hồ khá ngẫu nhiên, nhưng tôi chưa từng cho rằng chúng vô nghĩa. Còn hiện tại, thời gian trong ngày chẳng mang chút ý nghĩa gì, ngày trong tuần lại càng không. Đào tạo y khoa là một quá trình không ngừng hướng về tương lai, tất cả đều là trì hoãn hưởng thụ; bạn sẽ luôn nghĩ về chuyện mình sẽ đang làm gì trong năm năm tới. Nhưng giờ đây tôi không biết mình sẽ làm gì trong năm năm tới. Tôi có lẽ đã chết. Hoặc có lẽ không. Tôi có thể khỏe. Tôi có thể đang viết sách. Tôi không biết nữa. Và do đó chẳng có ích gì nếu dành thời gian suy nghĩ về tương lai – nghĩa là, tương lai xa hơn cái bữa trưa hiện tại.

Phép chia động từ cũng trở nên lộn xộn. Cái nào là đúng: “Tôi là một bác sĩ phẫu thuật,” “Tôi từng là một bác sĩ phẫu thuật,” hay “Trước đây tôi từng là bác sĩ phẫu thuật và sẽ tiếp tục là vậy trong tương lai”? Graham Greene từng nói rằng ta sống cuộc đời ta trong hai mươi năm đầu tiên còn khoảng thời gian còn lại chỉ là sự phản chiếu. Vậy tôi đang sống ở “thì” nào đây? Phải chăng tôi đã đi qua thì hiện tại và chuyển sang quá khứ hoàn thành? Thì tương lai dường như bỏ trống và mang âm hưởng chói tai trong miệng người khác. Vài tháng trước, tôi ăn mừng buổi hội ngộ đồng môn lần thứ mười lăm ở Stanford và đứng trong sân uống rượu whisky khi mặt trời hồng lặn dần xuống đường chân trời; lúc chia tay vang lên những lời hò hẹn – “Chúng tớ sẽ gặp cậu vào lần kỷ niệm thứ hai mươi lăm nhé!” – mà có lẽ sẽ là khiếm nhã khi trả lời rằng “Ừm… có lẽ không.”

Tất cả mọi người đều đầu hàng trước tính hữu hạn. Tôi ngờ rằng mình không phải là người duy nhất đã đi tới thì quá khứ hoàn thành này. Hầu hết đam mê đều có thể đạt được hoặc bị bỏ rơi; và dù thế nào thì chúng cũng thuộc về quá khứ. Tương lai, thay vào đó, là một chiếc thang hướng tới mục tiêu cuộc sống, trải phẳng trong một thì hiện tại vĩnh hằng. Tiền bạc, danh vọng, tất cả những phù phiếm trong lời mô tả của người thuyết pháp cuốn Giảng Viên đều vô nghĩa: Suy cho cùng cũng chỉ là chạy đua theo gió thoảng.

Dù vậy có một người không thể bị đánh cắp mất tương lai, con gái chúng tôi, Cady. Tôi hy vọng tôi sẽ sống đủ lâu để bé có chút ký ức về tôi. Ngôn từ có tính trường tồn còn tôi thì không. Tôi đã nghĩ mình có thể để lại cho con gái một chuỗi những lá thư – nhưng sẽ nói gì đây? Tôi không biết cô gái nhỏ này sẽ thế nào khi mười lăm tuổi. Tôi thậm chí còn không biết liệu con có thích cái tên mà chúng tôi đã chọn hay không. Có lẽ chỉ có một điều duy nhất để nói với em bé sơ sinh hiện tại – cái người là tất cả tương lai – chỉ chạm mặt trong phút chốc với tôi – cái người mà trừ một tương lai mơ hồ, cuộc đời chỉ còn là quá khứ.

Thông điệp rất đơn giản:

Khi đến một trong những khoảnh khắc mà con phải nói về bản thân mình trong cuộc sống, về việc con từng là ai, những gì con đã làm và con có nghĩa thế nào với cuộc đời, cha nguyện cầu con sẽ không quên rằng, con đã từng lấp đầy tháng ngày của một người đàn ông đang chết bằng một niềm vui chan chứa, một niềm vui cha chưa từng biết đến trong suốt những năm trước đây, một niềm vui không khiến cha khao khát thèm thuồng hơn nữa mà là thỏa mãn, bình an. Tại thời điểm này, ngay lúc này, đó là một điều vĩ đại.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ