Khi Hơi Thở Hoá Thinh Không - Phần 2 – Chương 6

Một lần nữa, tôi bước qua vạch ngăn từ một bác sĩ tới một bệnh nhân, từ người thực hiện hành động tới đối tượng chịu sự tác động, từ một chủ thể tới đối tượng trực tiếp. Cuộc sống của tôi cho tới khi mắc bệnh có thể hiểu như một đường thẳng, tổng hòa của những lựa chọn. Và như hầu hết các câu chuyện hiện đại, vận mệnh của nhân vật phụ thuộc vào hành động của họ. Gloucester trong Vua Lear có lẽ đã than thở về vận mệnh con người chỉ như “con ruồi trong mắt những đứa trẻ tinh nghịch,” nhưng chính là sự phù phiếm của Lear đã tạo nên chuỗi sự kiện của vở kịch. Từ sau thời kỳ Khai sáng, các cá thể dần chiếm lĩnh sân khấu. Nhưng giờ đây tôi sống trong một thế giới rất khác gần giống với thời cổ xưa, hành động của con người chỉ vô cùng yếu ớt khi đặt cạnh năng lực siêu nhiên. Một thế giới giống với bi kịch Hy Lạp hơn là Shakespeare. Không có nỗ lực nào có thể giúp Oedipus và cha mẹ chàng thoát khỏi định mệnh của họ; con đường duy nhất để chạm tới lực kiểm soát cuộc đời mình đó là thông qua những lời sấm và các nhà tiên tri, những người được ban cho thiên nhãn. Lý do tôi đến đây không phải là một kế hoạch điều trị, tôi đã đọc đủ để biết được những gì ở phía trước. Lý do tôi đến đây là vì sự an ủi của một trí tuệ tiên tri.

“Đây không phải là kết thúc,” cô nói, một câu mà cô đã nói hàng nghìn lần – suy cho cùng, chẳng phải tôi cũng dùng kiểu nói tương tự đối với bệnh nhân của mình, những người kiếm tìm câu trả lời bất khả, hay sao. “Cũng chưa phải là bắt đầu của sự kết thúc. Chỉ là kết thúc của sự bắt đầu.”

Tôi cảm thấy khá hơn.

Một tuần sau sinh thiết, Alexis, y tá ở phòng khám của Emma gọi tới. Không có phát sinh đột biến đích mới. Như vậy hóa trị là lựa chọn duy nhất và tôi được đặt lịch vào thứ Hai. Tôi hỏi cô các tác nhân cụ thể và được yêu cầu nói chuyện cụ thể với Emma. Emma đang trên đường tới hồ Tahoe với các con của cô nhưng sẽ gọi cho tôi trong cuối tuần.

Ngày hôm sau, thứ Bảy, Emma gọi. Tôi muốn biết cô nghĩ gì về các tác nhân hóa trị.

“Ừm,” cô nói. “Anh có suy nghĩ cụ thể gì không?”

“Tôi cho là câu hỏi chính ở đây là liệu có dùng tới Avastin không,” tôi nói. “Tôi được biết nghiên cứu mới nhất không cho thấy cái lợi nào, thậm chí mang đến những tác dụng phụ xấu hơn, và vài trung tâm ung thư đã không còn dùng tới nó. Theo quan điểm của tôi thì đấy chỉ là một nghiên cứu trong số rất nhiều nghiên cứu trước ủng hộ việc sử dụng Avastin, và tôi thiên về việc sử dụng nó. Chúng ta có thể tạm dừng nếu tôi có phản ứng xấu. Nếu cô thấy điều đó là hợp lý.”

“Nghe có vẻ ổn. Sẽ gặp chút khó khăn với các công ty bảo hiểm nếu để sau mới thêm Avastin vào, đây sẽ là một lý do nữa để dùng tới nó luôn”.

“Cám ơn vì đã gọi. Tôi sẽ để cô trở lại tận hưởng cái hồ của cô.”

“Ok. Còn điều này nữa.” Cô dừng lại. “Tôi rất vui vì chúng ta cùng nhau đưa ra phương án điều trị. Dĩ nhiên, anh là một bác sĩ, anh biết mình nói về điều gì và đây là cuộc đời anh. Nhưng nếu có lúc nào đó anh muốn chỉ mình tôi đóng vai trò bác sĩ, tôi cũng sẽ rất vui.”

Tôi chưa từng nghĩ rằng mình có thể rũ bỏ khỏi trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ của chính mình. Tôi đã mặc định rằng tất cả bệnh nhân đều trở thành chuyên gia đối với căn bệnh của họ. Tôi nhớ khi còn là một sinh viên y khoa mới toe chưa biết gì, tôi vẫn thường phải đề nghị bệnh nhân mô tả lại căn bệnh và cách chữa trị của họ cho tôi, những ngón chân xanh và viên thuốc màu hồng. Nhưng là một bác sĩ, tôi chưa từng mong đợi bệnh nhân phải đưa ra quyết định một mình; tôi có trách nhiệm với họ. Và tôi nhận ra tôi đang cố làm điều tương tự, phần bác sĩ trong tôi vẫn duy trì trách nhiệm cho phần bệnh nhân trong tôi. Có lẽ tôi đã bị nguyền rủa bởi một vị thần Hy Lạp nào đó, nhưng nếu từ bỏ việc kiểm soát này thì có vẻ như vô trách nhiệm, nếu không muốn nói là việc tôi không làm được.

Hoá trị được bắt đầu vào thứ Hai. Lucy, mẹ tôi và tôi cùng đến trung tâm truyền. Tôi nằm cố định trên một chiếc ghế êm ái, chờ đợi trong khi gắn dây truyền. Một hỗn hợp thuốc cần tới bốn tiếng rưỡi để truyền vào cơ thể. Tôi chợp mắt, đọc sách và đôi khi nhìn vào vô định để đợi thời gian trôi qua. Lucy và mẹ tôi bên cạnh, phá vỡ sự yên ắng bằng vài cuộc chuyện trò. Những bệnh nhân khác trong phòng khá đa dạng – có người hói trọc, có người đầu tóc chỉn chu, có người héo úa, có người vui vẻ, có người rũ rượi, có người bảnh bao. Tất cả đều nằm yên, lặng lẽ cùng với ống truyền tĩnh mạch nhỏ từng giọt chất độc vào cánh tay đang duỗi dài. Cứ mỗi ba tuần, tôi sẽ phải quay lại đây.

Tôi bắt đầu cảm thấy tác dụng của thuốc ngay ngày hôm sau, một sự suy nhược nặng nề, cảm giác mệt mỏi trong xương cốt tràn khắp. Ăn uống vốn là một nguồn vui nay chẳng khác nào uống nước muối. Đột nhiên, tất cả mọi niềm vui của tôi đều bị ướp muối. Lucy làm cho tôi một chiếc bánh vòng kẹp phô mai kem cho bữa sáng, vậy mà vị hệt như một khối muối. Tôi dẹp sang một bên. Đọc sách cũng thấy thật mệt mỏi. Tôi đã đồng ý viết vài chương cho hai cuốn sách giáo khoa về phẫu thuật thần kinh, nội dung là về khả năng ứng dụng nghiên cứu của tôi cùng V trong điều trị. Công việc này cũng bị dẹp sang một bên. Ngày trôi qua, tivi và việc ăn uống một cách cưỡng ép giúp đánh dấu thời gian. Một quá trình đơn điệu diễn ra trong suốt nhiều tuần: Tình trạng khó chịu giảm dần dần, trạng thái bình thường quay trở lại vừa đúng lúc bắt đầu đợt điều trị mới.

Chu trình đó tiếp tục. Tôi di chuyển ra vào bệnh viện với những biến chứng nhẹ đủ để ngăn chặn mọi ý định quay trở lại công việc. Khoa phẫu thuật thần kinh quyết định rằng tôi đã đạt đủ các tiêu chuẩn quốc gia và địa phương để tốt nghiệp. Buổi lễ sẽ diễn ra vào thứ Bảy, khoảng hai tuần trước ngày dự sinh của Lucy.

Ngày tốt nghiệp đến. Khi tôi đứng trong phòng ngủ và mặc đồ tốt nghiệp – đại diện cho đỉnh cao nhất của bảy năm nội trú – một cơn buồn nôn dữ dội ào đến. Không giống như kiểu buồn nôn do làm hoá trị, vốn thường như những cơn sóng mà bạn có thể cưỡi lên để vượt qua. Tôi bắt đầu nôn đầy mật xanh một cách mất kiểm soát với vị đặc trưng của dịch dạ dày. Lần này là từ tận sâu trong ruột.

Cuối cùng là tôi đã không thể đến buổi lễ tốt nghiệp.

Tôi cần truyền dịch để hạn chế mất nước do đó Lucy đưa tôi đến phòng cấp cứu để thực hiện công cuộc bổ sung nước. Sau những cơn nôn mửa là tiêu chảy. Tôi và Brad, một bác sĩ nội trú, cùng trò chuyện một cách thân mật. Tôi kể ra lịch sử điều trị của mình, liệt kê mọi loại thuốc và rồi cuối cùng chúng tôi cùng thảo luận về các liệu pháp phân tử tân tiến, đặc biệt là Tarceva mà hiện tôi vẫn đang dùng. Việc điều trị khá đơn giản: Tôi sẽ được truyền giữ nước cho đến khi có thể tự uống bằng miệng. Tối hôm đó, tôi nhập viện. Khi y tá xem lại danh sách thuốc điều trị, tôi nhận ra không có Tarceva. Tôi đề nghị cô gọi bác sĩ nội trú để sửa lại. Điều này vẫn thường xảy ra. Tôi phải dùng tới cả tá thuốc. Theo dõi chúng không phải dễ dàng gì.

Brad xuất hiện sau nửa đêm.

“Tôi nghe nói anh có thắc mắc về thuốc điều trị?” anh hỏi.

“Ừm,” tôi nói. “Không có Tarceva. Anh có thể yêu cầu nó không?”

“Tôi đã quyết định bỏ nó ra.”

“Tại sao vậy?”

“Men gan của anh quá cao.”

Tôi bị bối rối. Men gan của tôi đã cao trong nhiều tháng; nếu đây là vấn đề, tại sao chúng tôi chưa từng nói về chuyện này trước đây? Dù sao thì phải có nhầm lẫn gì đó. “Emma – bác sĩ ung thư của tôi, sếp anh – đã thấy những con số này, và cô ấy vẫn muốn tôi dùng Tarceva.”

Bác sĩ nội trú thường phải đưa ra quyết định mà không có ý kiến của bác sĩ chính. Nhưng giờ đây tôi có ý kiến của Emma, hiển nhiên anh ta sẽ phải đầu hàng.

“Nhưng nó có thể dẫn đến các vấn đề về dạ dày và ruột.”

Tôi càng bối rối hơn. Thông thường khi viện dẫn đến yêu cầu của bác sĩ chính sẽ kết thúc sự thảo luận. “Tôi đã dùng nó trong cả năm mà không có vấn đề gì,” tôi nói. “Anh nghĩ đột nhiên Tarceva gây ra mọi chuyện này chứ không phải là hoá trị à?”

“Có thể, đúng.”

Sự bối rối chuyển thành giận dữ. Một tên nhóc mới ra trường được hai năm, không lớn hơn những bác sĩ nội trú năm đầu của tôi là mấy, vậy mà lại đang tranh cãi với tôi? Nếu cậu ta đúng thì là một chuyện, nhưng những lời đó chẳng có ý nghĩa gì cả. “Ừm, không phải là tôi đã nhắc đến chiều nay rằng nếu không có thứ thuốc đó, những khối di căn trên xương sẽ được kích hoạt và tạo ra các cơn đau khủng khiếp sao? Tôi không muốn tỏ vẻ đao to búa lớn, nhưng tôi đã từng bị đấm gẫy xương khi đấm bốc mà việc đó còn đau đớn hơn nhiều. Là cơn đau bậc cao nhất. Là kiểu Tôi-sẽ-Gào-Thét-Khủng-Khiếp-trong-Đau-Đớn.”

“Ừm, xét đến chu kỳ bán huỷ của thuốc thì điều đó có lẽ sẽ không xảy ra trong một hai hôm tới.”

Tôi có thể thấy được trong mắt Brad tôi không phải là một bệnh nhân mà là một rắc rối: một ô trống cần phải đánh dấu ‘đã xong’.

Cậu ta tiếp tục, “Nếu anh không phải là anh, chúng ta sẽ chẳng đứng nói chuyện thế này đâu. Tôi sẽ dừng thuốc và cho anh chứng minh rằng nó gây ra mọi sự đau đớn.”

Điều gì xảy ra với cuộc trò chuyện thân mật chiều nay? Tôi nghĩ về thời còn ở trường Y, có một bệnh nhân nói với tôi rằng cô luôn đi đôi tất đắt tiền nhất tới phòng khám để khi cô chỉ mặc bộ đồ bệnh nhân và không đi giày, bác sĩ có thể thấy đôi tất và biết rằng cô là một bệnh nhân quan trọng, cần phải đối xử bằng sự tôn trọng. (À, đó là vấn đề – tôi đang đi đôi tất bệnh viện, loại mà tôi đã thó được trong nhiều năm nay!)

“Dù sao đi nữa, Tarceva là loại thuốc đặc biệt và cần tới một bác sĩ chính hay người có thẩm quyền ký vào đơn. Anh thực sự muốn tôi đánh thức ai đó vì việc này sao? Không thể đợi tới sáng mai sao?”

Lại nữa.

Làm bổn phận của cậu ta với tôi đồng nghĩa với việc thêm một dòng trong danh sách phải làm: Một cuộc gọi ngượng ngùng tới sếp cho thấy sai lầm của cậu ta. Cậu ta trực ca đêm. Quy định đào tạo nội trú đòi hỏi mọi chương trình phải có trực ca. Đi kèm với công việc trực ca là một kiểu hành vi gian giảo, một sự cắt xén về trách nhiệm. Nếu cậu ta có thể trì hoãn lại vài giờ, tôi sẽ trở thành rắc rối của một người khác.

“Tôi thường phải dùng nó vào 5 giờ sáng,” tôi nói. “Và cả cậu và tôi đều hiểu rõ rằng ‘đợi tới sáng mai’ có nghĩa là để ai đó xử lý việc này sau phiên trực sáng và rất có thể sẽ là tới tận chiều. Đúng chứ?”

“Ok, thôi được.” cậu ta nói và rời phòng.

Tới sáng, tôi phát hiện ra cậu ta vẫn chưa chỉ thị lấy thuốc.

Emma rẽ vào để chào và nói với tôi rằng cô sẽ thu xếp đơn thuốc Tarceva. Cô chúc tôi chóng bình phục và xin lỗi sẽ phải ra khỏi thị trấn cả tuần. Qua ngày, tình trạng tôi bắt đầu xấu đi nhiều, tôi tiêu chảy dữ dội. Tôi bắt đầu bị mất nước, tuy chưa quá nhanh. Thận ngưng làm việc. Miệng tôi khô rát tới mức tôi không thể nói hay nuốt. Lượt xét nghiệm kế tiếp, nồng độ natri huyết thanh đã dâng tới gần mức tử vong. Tôi được chuyển tới phòng chăm sóc đặc biệt. Một phần vòm miệng mềm cùng họng chết héo vì mất nước và bong ra khỏi miệng. Tôi đau đớn, trôi nổi qua vô số trạng thái nhận thức trong khi một nhóm chuyên gia được đưa tới để giúp đỡ: Các bác sĩ chuyên khoa chăm sóc đặc biệt, các bác sĩ chuyên khoa thận, các bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá, các bác sĩ chuyên khoa nội tiết, các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, các bác sĩ phẫu thuật thần kinh, các bác sĩ u bướu, các bác sĩ chuyên khoa u vùng ngực, các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Lucy, mang bầu ba mươi tám tuần, ở bên tôi vào ban ngày và âm thầm chuyển đến phòng cũ của tôi chỉ cách phòng chăm sóc đặc biệt vài bước để có thể theo dõi tình hình vào ban đêm. Nàng và cha tôi cũng đóng góp ý kiến.

Trong những giây phút tỉnh táo, tôi nhanh chóng nhận ra rằng với từng này tiếng nói, sự hỗn loạn sẽ xảy ra. Trong y học, đây gọi là vấn đề WICOS:Ai Là Thuyền Trưởng trên Tàu? Bác sĩ thận bất đồng ý kiến với bác sĩ ung thư, bác sĩ ung thư lại không đồng tình với bác sĩ tiêu hoá. Tôi cảm thấy trách nhiệm của mình. Trong những khoảnh khắc tỉnh táo, tôi liệt kê lần lượt từng chi tiết liên quan đến bệnh tật của bản thân và cùng với sự giúp đỡ của Lucy, cố gắng dàn xếp nhóm bác sĩ để giữ cho mọi sự việc và cách nhận định được đúng đắn. Sau đó, khi còn đang mơ màng, tôi lờ mờ nghe thấy tiếng cha tôi và Lucy bàn luận về tình trạng của tôi với từng nhóm bác sĩ. Chúng tôi cho rằng kế hoạch chính hiện giờ chỉ có thể là cung cấp dung dịch cho tới khi các tác động hoá trị dịu đi. Nhưng mỗi nhóm chuyên gia lại yêu cầu thêm nhiều xét nghiệm và phương án điều trị riêng biệt, một số trong đó vô tác dụng và thiếu suy xét. Mẫu thử đã lấy, việc chụp scan đã được chỉ thị, thuốc đã phát; tôi bắt đầu đánh mất dấu vết sự kiện và thời gian. Tôi yêu cầu được giải thích về quá trình điều trị, nhưng những câu từ trở nên trơn trượt không thể nắm bắt, tiếng nói bị thấm ướt và nghèn nghẹt, bóng tối phủ xuống ngay giữa cuộc nói chuyện của các bác sĩ khi tôi loạng choạng nắm bắt tính mạch lạc của nó.

Tôi ước Emma có mặt ở đó, để nắm quyền chỉ huy.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ